Năm 2007 ở London, một hôm tôi đọc được 4 câu thơ:
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi hòa sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”
Vậy là viết vào blog Yahoo 360: “Lang thang trên mạng bắt gặp bài thơ 4 câu của anh Lê Bá Dương, đọc mà sởn gai ốc. Lê Bá Dương, anh là ai?”
Giai điệu một bài hát hình thành ngay trên đường tôi đi từ Hammersmith Hospital sang Imperial College. Bạn blogger là nhà báo Thanh Loan khi ấy đang du học ở London giúp tôi tìm được địa chỉ của anh Dương. Từ ấy chúng tôi thành bạn tâm giao, mặc dù mãi đến đầu 2012 tức gần 5 năm năm sau chúng tôi mới thực sự gặp nhau bằng xương, bằng thịt. Dương dẫn vợ chồng tôi lên sân thượng nhà anh, nơi có một am thờ nhỏ, chỉ vừa chỗ cho hai chiếc hũ sành đựng nước sông Thạch Hãn, một nắm đất đỏ Gio Linh, một bình tông rượu trắng, một cái bát sắt đựng nước mà anh thả hoa vào đó. Bình tông và bát sắt là những vật dụng thường nhật của lính ngày xưa. Tôi thắp hương nhẩm gọi “Doanh ơi, hôm nay tao thắp hương cho mày đây”, rồi trào nước mắt chả nói được gì thêm.
Trịnh Thúc Doanh là bạn học cùng lớp tôi ở trường Nguyễn Văn Trỗi. Doanh hy sinh khi mới 19 tuổi. Một quả đạn pháo đã hòa xác Doanh vào sông Thạch Hãn.
Xem bài viết về Trịnh Thúc Doanh:
http://vannghetroi.blogspot.com.au/2008/09/chun-ca-nhng-ngi-lnh-thnh-c.html
Cuộc gặp gỡ của Lê Bá Dương và tôi trên mạng năm 2007 đã được khá nhiều bạn bloggers kể cả những người chưa từng gặp mặt quan tâm (http://vn.360plus.yahoo.com/tranbachai-OZ/article?mid=100). Đây là những giòng đầu tiên anh viết cho tôi:
“Chào anh Bắc Hải. Tôi đã bật khóc khi mở file bài hát để nghe, đúng hơn là vừa nghe vừa "thấy" những giọt nước mắt của người bạn, người đồng đội nơi xa xứ đang nấc lên trên từng nốt thanh âm. Cám ơn anh đã cho tôi trọn vẹn những cảm xúc mà chỉ có những người từng thấm hiểu giá trị của sự hi sinh mất mát một thời mới có thể có được. vẫn biết cám ơn là hai từ khách sáo trong tình bạn, nhưng tôi vẫn cứ phải thốt lên hai từ Cám ơn, cám ơn, cám ơn và ....cám ơn....
Mong lắm ngày chúng ta hạnh ngộ.
Lê Bá Dương”
Bài thơ nguyên bản chỉ có 4 câu, khi phổ nhạc được lặp lại 2 lần. Lần đầu ở âm vực thấp, trầm và sâu như “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”. Lần thứ hai, giai điệu bay lên cao, với 2 câu cuối được biến điệu (modulated) sang giọng trưởng. Tôi muốn hát lên rằng rằng thân xác các bạn tôi còn dưới đáy nước nhưng hồn đã bay lên cao. Từ trên ấy các anh nhìn xuống, chứng kiến cuộc đời thường nhật mà nhắc nhở: “Những người ở lại, hãy sống thay cho chúng tôi!”
Hôm nay tôi xin đưa bài hát này lên mạng để chia sẻ cùng các bạn. Chẳng nhân dịp lễ lạt kỷ niệm nào cả. Chỉ là một tối thứ Sáu bình thường, có thời gian rảnh chia sẻ cùng các bạn thôi. Hẹn sẽ dần dần tải lên các bài hát khác trong tập nhạc "Hành khúc ngày bình yên".
Tags: 3Chai Song