BLOGS  
 
RSS
Bó tay!
Ngày đăng 07/08/2012 16:26:23 bởi HaiNV

Câu chuyện thứ 1 

Ngày xưa có lúc khổ vì cận thị, mà bây giờ hoá ra lại rất sướng, từ cặp kính ngày nào phải đeo lên đến  -2, 5 nay rút xuống chỉ còn -1, 5.  Làm việc trên máy tính, đọc sách báo, xem TV, kể cả xâu kim bây giờ mình đâu có cần đến kính. Tuy nhiên, đi đâu lúc “nhá nhem tối” (chả là mình vẫn thường xuyên đi làm về lúc 7-8h tối) thì vẫn rất cần. Thế là một buổi chiều tối chủ nhật cuối tháng 7, mình quyết định đi làm lại kính tại một cửa hiệu trên đường Giảng Võ, gần Bộ Y tế. Phải chờ hơn 1h, đến khoảng 7h30 tối mới xong, sung sướng lên xe đi về nhà (88 Láng Hạ). Đến cửa Triển lãm Giảng Võ, trời bỗng đổ mưa rào.  Định dừng lại khoác áo mưa nhưng lại nghĩ đi cố mấy trăm mét nữa đến nhà…Bỗng xoẹt, một cái xe máy của  9X/ 10X (đáng tuổi con/ cháu) phi như điên để “chạy mưa”, hắn cắt ngang từ bên trái qua trước mặt xe máy của “cụ ông” U60 (sắp U70). Cú “cắt mặt” không hề “gọn” để thò cái đuôi xe của nó chắn ngang bánh trước  “cụ ông”. Ai có thể làm được gì hơn trong tình huống này? Chỉ còn cách phanh cả chân và tay! Rầm, “cụ ông” ngã vật ra đường… Các xe máy khác lướt nhanh qua hai bên “ông cụ”. Các  ôtô kịp thời dừng lại cách đó vài mét… còn 9X/ 10X thì “phi” mất dạng.  Đau nhói ở bàn tay trái, đau ê ẩm khắp người, nhưng ‘cụ ông” vẫn “dũng cảm” tự mình dựng xe (chẳng ai dừng lại giúp đỡ vì thiên hạ đều đang  rất vội), để đi tiếp về nhà! Hai hôm sau đành phải nghe lời các cháu trong Viện đến “thăm” bác sỹ. Chụp X-quang thấy rạn xương bàn ( trụ của của ngón út). Bác sỹ khuyên bó bột, nhưng sau một hồi “đàm phán” bác sỹ đồng ý cho chuyển sang dùng nẹp để tiện tháo ra khi cần thiết. Nghĩ lại cũng còn quá may (do “số” mà!), suýt nữa thì nguoikgu@ lại có…tin buồn rồi ấy chứ!

Các bạn xem ảnh đây có phải thực sự là…bó tay?

 

Câu chuyện thứ 2

Lâu lâu phòng mình lại có một người nước ngoài đến làm việc (chủ yếu ngắn hạn). Lần này thì có cháu gái Karin xinh đẹp (đuôi 8X) người Tây Đức, quê ở mãi Freiburg, bang Bayern sang thực tập 1 tháng. Karin đang học cao học tại Đại học Uppsala danh tiếng của Thuỵ Điển, rất giỏi ngoại ngữ nói được 5 thứ tiếng. Các cháu trẻ phòng mình rất vui vì được dịp ôn luyện ngoại ngữ, và Karin thì rất nhanh hoà nhập cộng đồng. Mình cũng thỉnh thoảng “trổ tài” nói chuyện tiếng Đức với cháu cho đỡ nhớ nơi mình đã sống và làm việc đến hơn 6 năm.  Chỉ còn 1 tuần nữa cháu lại đi tiếp sang Lào, sang Campuchia rồi về sẽ về Đức và Thuỵ Điển. Cháu rất yêu quý Việt Nam, thức ăn VN thì cái gì cháu cũng ăn được, dùng đũa tốt, cháu ở trọ bình dân trong phố, đi xe bus (nên nhớ xe bus Hà Nội mà cháu vẫn khen!),  thích đi đền chùa, dạo phố.  Sinh viên nên dù sao cháu vẫn nghèo. Cháu rất tiết kiệm (bản tính người Đức), có cái máy ảnh hơi cũ cháu vẫn dùng.  Đi đâu cháu cũng chụp ảnh để làm kỷ niệm.  Cuối tuần vừa rồi (lại cuối tuần), cháu đi dạo phố, chụp ảnh và điều gì đã xảy ra? Môt tên trộm nào đó đã “trổ tài” lấy mất cái máy ảnh yêu quý của cháu! Cháu rất tiếc cả máy và ảnh…Mình còn biết làm gì hơn là an ủi động viên cháu vài lời. Trước đó mình và mọi người trong phòng đã dặn đi dặn lại cháu rồi là phải hết sức cảnh giác với “kẻ cắp ở Hà Nội”.

Đành chịu…bó tay!   

 

Câu chuyện thứ 3

Mưa mùa hè, mà sao mưa nhiều vậy? Định làm mấy câu thơ về “mưa mùa hè” mà bận quá chẳng ra thơ! Cả ngày hôm qua, đầu tuần mưa suốt. Sáng đi làm cũng phải khoác áo mưa, tay còn hơi đau nhưng vẫn đi xe máy được (vì có đi taxi cũng rất tắc). Chiều tối 7h ra về, trời lại mưa như trút nước. Ra lấy xe máy… Ơ kìa, cái áo mưa mình vắt trên xe từ lúc sáng “biến” đâu rồi? Cô em trông xe bảo:  chắc mưa quá có ai “mượn tạm” của bác rồi!

Lại thêm một lần đành…bó tay!

 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 10 của tổng số 21 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: LyTM
17/08/2012 15:24:44

Bó tay đùa một chút chơi


làm cho các bé lo rồi lại lo!


"Bó tay" thời cuộc nỗi lo


nhìn về người Việt, đâu do thế thời?


 



Từ: 3Chai
13/08/2012 10:50:29

Kể chuyện là kể cho vui


Bác Nông đâu có biết mùi bó tay


Luyện ka rao kế hăng say


(Tịt, chưa biết viết tiếp thế nào đây...)



Từ: BaLX
12/08/2012 19:02:47

Ở VN thì các trường hợp " bó tay. com " là gặp thường xuyên. Ra đường các cháu 8x, 9x thậm chí có cả 7x cứ coi như đường là đường của mình, thoải mái phóng, không cần biết những gì đang xảy ra xung quanh mình. Thùng rác ở ngay bên cạnh, nhưng ăn rồi vẫn thản nhiên vứt mọi thứ dư thừa xuống đường. Lại cộng thêm căn bệnh " không có văn hóa xin lỗi " khi gây phiền hà cho người khác.... và còn nhiều cái phải bó tay.com khác nữa? Không biết đến bao giờ VN mới có được " văn hóa ứng xử " như ở các nước khác?



Từ: TuanDK
10/08/2012 22:55:31

          Tay đau bó chỉ ít ngày


    Còn bao việc phải bó tay thật rồi.


          Mong rằng bạn Hải của tôi


    Dẫu đau tay chẳng chịu ngồi bó tay.



Từ: PhongPT
10/08/2012 11:49:58

Sau ba cú “bó tay” này, PhongPT thấy HaiNV vẫn trẻ trung bụ bẫm như xưa. Không xưng “chú” với dàn nhân viên trong ảnh nhé, bọn chúng gọi mình là “chú” thì mình cứ điếc, xưng “anh”. Tiếng Việt thật lắm chuyện!



Từ: HaiNV
10/08/2012 08:08:44




P.S. Phải UP thêm mấy ảnh "nam nhi quân tử" là tử đệ tử của mình, không thì nếu chỉ thấy mấy ảnh trên em Phong và mọi người lại tưởng lầm xung quanh mình chỉ có toàn chị em!








Từ: HaiNV
10/08/2012 08:02:40

HaiNV rất cảm động khi nhận được nhiều lời thăm hỏi, sự chia xẻ, động viên của các anh chị, các bạn và các em trên trang Blog này cũng như qua email, điện thoại và nhắn tin. Nhờ đó mà hình như HaiNV đã mau chóng khoẻ lại hoàn toàn (>100% rồi)! Cám ơn tất cả mọi người!


Xin post lên đây mấy tấm ảnh chụp cháu Karin hôm đi liên hoan chia tay với cháu (cũng là ăn mừng cho HaiNV như bạn ThảoDP đã viết rất đúng!). Mọi người thấy đấy: cháu vẫn cười, vẫn hát...và lưu luyến với Đất nước và Con người VN (trưa nay cháu lên đường rời VN nhưng vẫn lên phòng thí nghiệm chia tay với mọi người).


@Em CúcNT và tất cả anh chị em: Lại nói về “trộm cắp” và "cửa không khoá”,  xin nói với cả nhà là: đâu chỉ có nước Mỹ (giàu có) mới có nhà cửa không khoá? Các bạn đã lên miền núi thì thấy dân mình, trong đó có nhà bố mẹ mình (tuy rất nghèo) ở nhà sàn bao đời nay, cho đến hôm nay có bao giờ khoá cửa đâu!


Lại nói về nạn trộm cắp, đâu phải chỉ có ở VN, đâu chỉ vì nghèo. Mình đã chứng kiến và được biết nhiều bạn mình, đồng nghiệp, người thân của mình bị trộm cắp tại New York, Paris, Roma, Berlin, London, Amsterdam, Barcelona…Còn nhớ báo chí đã đưa tin cô diễn viên nổi tiếng nước Mỹ, triệu phú mà vẫn vào siêu thị lấy trộm đồ vặt chỉ đáng giá vài đô la. VN ta cũng từng có cô MC khá nổi tiếng của THVN sang Thuỵ Điển vào siêu thị trộm vặt bị bắt… Như vậy, trộm cắp đâu phân biệt giàu nghèo! Nước Mỹ đâu chỉ như Nguyễn Quang Thiều (lại như "thầy bói xem voi") đã viết! Vậy do đâu? Khoa học dần dần biết được những thói xấu ấy là…DO GEN (GENE) đấy nhé!


Xin tham khảo:   


http://www.khoahoc.com.vn/print/35149.aspx


http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/67944/thien-than-hay-ac-quy-la-do----gene-.html


http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/64964/tham-an--beo-phi-cung-do-gen.html


http://suckhoedoisong.vn/20110415094631468p0c19/toi-pham-co-mang-tinh-di-truyen.htm


 



Từ: CucNT
09/08/2012 22:57:25

Nước Mỹ “quên” khóa cửa… và thấy khóa bị phá ở Nội Bài


             Tác giả: Nguyễn Quang Thiều


 


Những ngôi nhà ở Mỹ thường “quên” khóa cửa nhưng không thấy kẻ cắp, kẻ trộm lọt vào. Việt Nam thì khóa đủ các loại khóa vẫn bị bẻ khóa, cắt khóa. Khóa cửa nếu xét về mặt cơ học thì chỉ là hành động diễn ra trong mấy phút. Nhưng để đi đến việc không cần khóa cửa thì có lẽ người Việt Nam cũng phải mất 100 năm nữa mới có thể làm được.


 


Những người Mỹ không khóa cửa nhà bao giờ !



Đấy là câu nói như thốt lên của những người đã đến Mỹ. Chuyện người Mỹ không khóa cửa là chuyện xưa lắm rồi. Nhưng tôi vẫn muốn nói lại. Bởi câu chuyện người Mỹ không khóa cửa chứa đựng bao điều suy ngẫm khi tôi phải chứng kiến những gì ngược lại ở Việt Nam.


 


Ngày đầu tiên đến Mỹ, chúng tôi ở tạm trong ngôi nhà của một gia đình Mỹ đang đi nghỉ cuối tuần. Một người bạn của tôi lần đầu đến Mỹ đã không thể hiểu vì sao một ngôi nhà đẹp như thế, nhiều đồ đạc như thế mà không khóa cửa. Tôi đã giải thích nhưng người bạn ấy vẫn băn khoăn mãi đến gần hết chuyến đi.


 


Trong cái đêm đầu tiên ấy, khi người bạn đi ngủ bèn mang theo cả chiếc túi sách đựng hộ chiếu và một ít tiền lên giường vì sợ đang đêm kẻ trộm mò vào nhà ăn cắp. Tôi hiểu tâm trạng ấy. Nỗi ám ảnh về những chuyện mất mát ở khách sạn hay trong chính nhà mình đã theo đuổi bạn tôi không rời.


 


Trong những ngày cuối cùng ở Mỹ, một người bạn nhờ con trai tôi mua giúp một cái ipad2 qua mạng. Một chiều đi chơi về, tôi thấy chiếc ipad2 được đóng gói cẩn thận để trên bậc cầu thang trước cửa nhà sát ngay vỉa hè khu phố. Cho dù đã bắt đầu hiểu một phần nào đó nước Mỹ nhưng bạn tôi vẫn rất bị “sốc”. Chiếc Ipad2 được đóng gói để một nơi rất dễ nhìn thấy và chỉ cách lối đi bộ một hai bước chân mà thôi. Đấy là một khu phố vắng vẻ gần như nhà nào biết nhà ấy. Nếu ai đó muốn lấy cái ipad2 kia thì chẳng khó khăn gì, chỉ cần bước ba bước và nhặt lên. Tất cả quá dễ dàng và an toàn. Nhưng không ai lấy chiếc ipad2 đó. Không ai lấy bất kỳ những gì mà những người vận chuyển hàng hóa để trước cửa nhà của khách hàng.


 


Người già đi qua không lấy. Người trẻ đi qua không lấy. Những người làm công việc vệ sinh môi trường đi qua cũng không lấy. Và có lẽ những người vô gia cư đi qua cũng không lấy.


 


Lối sống ấy không phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh sống nghèo khó hay thiếu thốn…Đó là lối sống của văn hóa, luật pháp và lòng tự trọng. Đương nhiên không phải tất cả những người Mỹ sống như vậy. Nhưng cách sống ấy là cách sống của đại đa số người Mỹ.


 


Xin đừng nghĩ là nước Mỹ giàu có nên chẳng ai muốn ăn cắp. Người Mỹ là người tiêu tiền một cách kỹ lưỡng và có kế hoạch nhất. Thực tế, người Mỹ vào siêu thị sẽ đứng khá lâu trước một mặt hàng giá 2 đô 99 xu và một mặt hàng giá 3 đô 10 xu. Khi đi ăn với bạn, họ trả không thừa một xu với số tiền họ phải trả. Mà khi đó, một cái ipad2 giá ở Mỹ khoảng 1.200 đô la.


 


Chúng ta từng đọc trên báo Việt Nam viết về những làn sóng khổng lồ người Mỹ ùa đến các siêu thị trong những ngày giảm giá và tai nạn chết người đã xẩy ra khi những khách hàng chen nhau vào siêu thị để mua hàng giảm giá. Một đô la có giá trị rất nhỏ với mức lương tháng trung bình của người Mỹ là hàng ngàn đô la. Nhưng tôi đã quan sát trong nhiều năm khi ở Mỹ cách tiêu một đô la của người Mỹ. Nhiều lúc, tôi có cảm giác họ đang tiêu những đồng một đô la như tiêu những đồng tiền cuối cùng của đời họ. Nói vậy để thấy họ quý từng đồng đô la như thế nào.


 


Ông cha ta có câu “ đói cho sạch, rách cho thơm“. Những tưởng đó là lối sống của người Việt Nam ngày nay. Nhưng câu nói của ông cha chúng ta đang bị vấy bẩn và làm lu mờ. Trong chuyến đi này, khi quá cảnh ở sân bay Narita, Tokyo, tôi đã phải mở cái thùng giấy của mình cho an ninh cửa khẩu Nhật khi họ soi thấy có một số bật lửa ga trong đó. Sau khi kiểm tra xong, họ đã tự tay dán băng dinh chiếc thùng giấy của tôi một cách cẩn thận như chính họ đang dán chiếc thùng của họ vậy.


 


Thế nhưng, khi về đến Hà Nội, chiếc thùng giấy của tôi đã bị rạch và một số thứ trong thùng giấy đã biến mất. Cái vali có khóa ngầm cũng bị đập vỡ. Chiếc khóa kiểu như vậy không thể bị vỡ một cách vô tình như thế. Tôi không có chứng cứ để nói rằng những ai đó ở sân bay Nội Bài đã rạch thùng, đập khóa vali và ăn cắp đồ của tôi. Nhưng tôi tin thùng hàng của tôi đã bị rạch và khóa vali của tôi bị đập ở đó. Tôi không bao giờ tin những nhân viên làm việc ở sân bay Narita, Tokyo đã làm cái việc xấu xa đó.


Bởi ngay ở sân bay Narita, tôi đã chứng kiến nhân cách của người Nhật ngay trong chính thời gian mà người Nhật vừa trải qua đại thảm họa sóng thần. Tôi đã viết câu chuyện về nhân cách Nhật thông qua một người hầu bàn ở câu chuyện trước. Những thứ tôi mất tính ra không phải là một món tiền lớn. Nhưng hành động ăn cắp đã làm tôi nổi giận nhiều ngày. Mà không chỉ là tôi, không ít hàng khách Việt Nam và báo chí đã lên tiếng về những điều xấu xa tương tự mà họ là nạn nhân.


 


Đời sống của con người Việt Nam đã khác trước rất nhiều so với 10 năm trước và quá nhiều so với những năm tháng ngèo đói trước kia. Nhưng những hành động tham nhũng, tham ô, ăn cắp, lừa dối… của người Việt Nam hình như mỗi ngày một gia tăng. Mấy ngày trước, chúng tôi đi du lịch ở Nha Trang. Người hướng dẫn viên mỗi khi lên xe lại nhắc chúng tôi hãy cảnh giác cao độ nếu không muốn bị móc túi, nếu không muốn mua phải hàng giả. Anh cảnh báo chúng tôi rằng ngay cả mặt hàng yến sào đắt như vàng cũng dễ dàng bị làm giả.


 


Đời sống kinh tế của đất nước được cải thiện rất nhiều và với một tốc độ khá nhanh. Nhưng lòng tự trọng và lối sống văn hóa thì những người có quan tâm đều nhận thấy nó bị đánh mất đi nhanh hơn và lan truyền rộng hơn sự phát triển kinh tế nhiều lần. Nếu cứ đà này thì chỉ mươi năm nữa, những người yếu bóng vía ra đường sẽ chỉ thấy nhan nhản những kẻ ăn cắp và bọn lừa đảo.


 


Tại sao những năm tháng chiến tranh đầy thiếu thốn và hy sinh con người Việt Nam lại sống với lòng tự trọng cao như vậy mà bây giờ giàu có hơn thì lòng tự trọng ấy lại bị hoen ố quá nhiều ? Tôi biết rằng câu hỏi của tôi quá ngây thơ nhưng tôi cứ phải hỏi. Mà đúng hơn đó không phải là một câu hỏi mà là một tiếng kêu đau đớn và lo sợ. Và những điều làm cho chúng ta đau đớn và lo sợ sinh ra từ nền giáo dục của chúng ta. Nền giáo dục ở đây xin đừng hiểu chỉ là nhà trường mà là cách quản lý và điều hành xã hội. Không có sự thật nào ngoài sự thật này.


Lần đầu tiên đến Mỹ cách đây 19 năm, tôi thực sự ngạc nhiên vì những ngôi nhà ở Mỹ không đóng khóa cửa. Trong mỗi ngôi nhà của họ có biết bao thứ đắt tiền. Nhưng không mấy ai lọt vào nhà người khác để lấy cắp. Có nhiều lý do. Nhưng lý do cơ bản nhất là ý thức làm người của họ cùng với sự trợ giúp cho ý thức sống ấy là luật pháp và cách quản lý xã hội. Còn ở đất nước chúng ta, nhiều ngôi nhà khóa ba tầng bảy lớp vần bị phá tan tành.


 


Khóa cửa nếu xét về mặt cơ học thì chỉ là hành động diễn ra trong mấy phút. Nhưng để đi đến việc không cần khóa cửa thì có lẽ người Việt Nam có ý thức về việc đó cũng phải mất 100 năm nữa mới có thể làm được. Khi tôi nói vậy, nhiều người thấy mệt mỏi rã rời vì nghĩ đến chặng đường dài đến tận…100 năm.


Nhưng cho dù có phải đi đến 1000 năm thì chúng ta cũng phải học mà đi chứ không còn cách nào khác.



Từ: Khửu
09/08/2012 22:40:13

Chào 'cụ ông' HảiNV nhá, xin chia buồn với 'cụ ông' về vụ 'tay bị bó' này, mà tôi thấy ông có 'bó tay' đâu, tay vẫn giơ lên 'xin phát biểu' đấy chứ, hì hì. Xin chia sẻ với mọi người 1 hiện tượng mà tôi được trải nghiệm ở nước Đức vừa rồi: khác với tất cả các nước khác ở châu Âu (có thể không phải tất cả vì tôi chỉ đi được có 6 nước: Đức, Bỉ, Hung, Pháp, Ý và TBN với 14 TP thôi) ở Đức đi các loại phương tiện công cộng như tàu điện ngầm U-Bahn, tàu điện Tram, tàu hỏa S-Bahn và cả xe buýt đều không có người hoặc máy kiểm soát vé, tại tất cả các nhà ga người ta cứ ra vào tàu ầm ầm chẳng thấy ai cầm vé trong tay cả. Con gái tôi nói cháu ở Đức được 5 năm mới thấy có 1 lần người ta kiểm tra. Nhưng hầu hết người dân đều mua vé, đa phần họ mua vé tháng loại universal đi được các loại phương tiện. Riêng xe buýt thì người ta chỉ lên bằng cửa trước và có trình vé cho bác tài xem, còn ai mà nhảy lên cửa sau thì cũng không ai kiểm soát họ cả. Trong khi đó ở Pari, Barcelona, Roma, Florencia, Venice... những nơi tôi đã đi qua thì đều có cửa mở tự động khi đưa vé vào và không vé thì đương nhiên không qua được (trừ 1 lần ở Brussels hội kgu chúng tôi đã ôm nhau chạy qua đánh lừa cả mắt thần,hì hì). Tôi nghĩ đây cũng là 1 điều "bó tay" đối với người Việt mình, vì nếu áp dụng hệ thống quản lý kiểu tự giác này ở VN thì nhà xe chắc chắn là lỗ chỏng gọng và không thu được đồng nào. Chắc hẳn mọi người còn nhớ hồi còn SV ở KGU khi đi troleybus hoặc avtobus trên xe nếu đông quá thì chúng ta gửi đồng 4 hoặc 5 kop cho người đứng cạnh để nhờ chuyển lên lấy vé hộ và cá nhân tôi chưa bao giờ là không nhận được vé họ chuyển trả lại, nếu đưa tiền chẵn thì sẽ nhận được tiền lẻ trả lại. Chúng ta thử tưởng tượng ở VN XHCN ngày hôm nay đi xe buýt mà nhờ chuyển tiền mua vé thì có lẽ họ cho mình 100% là thằng điên. Buồn! Cái đạo đức đấy trong con người Việt chúng ta sau bao nhiêu năm xây dựng, giáo dục và đổi mới mới đúng là ...'bó tay' đấy cụ ông HảiNV à.


 



Từ: KhanhT
09/08/2012 22:22:00

Bẵng đi chẳng thấy đâu đang “hỏi nhỏ” mọi người có sao không? Thì thấy đây rồi. Thế cũng là “trong cái rủi” lớn thế vẫn còn may. Chúc Hải chóng bình phục nhé. Tuổi 60 là chẵn đấy, đàn ông cũng có loãng xương rồi nên phải chú ý nhiều hơn, may là chỉ rạn.Hỏi bs xem có nên uống thêm supplement facts không như sụn cá mập ấy, hay cái gì đó có glucosamine chondroitin hoặc của ta như cốt thoái vương... cho nó chóng liền




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>