BLOGS  
 
RSS
Sơ tán
Ngày đăng 15/09/2012 20:48:14 bởi HoaNT

Nhân đọc bài Sơ tán của cô bạn tôi và Ánh Tuyết  OB77 là Kim Thu ở Colone gửi về và xem lại các hình ảnh thời sơ tán của Vnexpress mà Ngọc BQ gửi mọi người KGU đường link tôi xin post bài Sơ tán của Kim Thu. Phần 1 là nơi mà Kim Thu và tôi cùng sơ tán ở Hồng Châu Thường Tín mà hôm vừa rồi tôi có dịp về thăm sau gần  50 năm.

 Thât là bât ngờ là tôi được gặp lại cô giáo Hạnh ( người đứng cạnh tôi bên trái) là cô giáo dạy Địa lý của tôi và Kim Thu ở trường cấp 2 Hồng Châu và cô bạn Cánh ( đứng cạnh tôi bên phải) cùng học với tôi và Kim Thu nguyên  là hiệu truưởng của trường câp 2 Hồng Châu mới nghỉ hưu.

Sau đây là bài Sơ tán của Kim Thu tôi xin gửi tới để các bạn cùng đọc và nhớ lại những ngày sơ tán

            &nb sp;                SƠ TÁN  

              


            &nb sp;   Phần 1. QUÊ NGOẠI, THƯỜNG TÍN , HÀ TÂY. 

            Th& aacute;ng Chín năm 1964, bà nội và chị em tôi sơ tán về quê mẹ ở Thường tín, Hà tây cũ. Bố tôi muốn cho các con kịp nhập niên học mới. Thật ra, bố tôi là người chấp hành quá nghiêm chỉnh, chứ nhiều gia đình khác, mãi đến cuối năm 1965 mới cho con rời khỏi Hà nội. 
           Đầu tiên bà cháu tôi ở nhà bà Tô, chúng tôi gọi bà là bà trẻ. Một nếp nhà tranh, vách đất , ba gian, nhưng gọn gàng, xinh xắn. Trước mảnh sân gạch là cái bể nước. Một hình ảnh không bao giờ tôi quên, đó là giàn mướp hương của bà. Nó thấp lắm, là xuống mặt bể, chúng tôi với được, quả sai lúc lỉu, rất thơm, đúng là mướp hương. 
Hồng Vân quê mẹ tôi, là một làng nhỏ, nằm phía ngoài sông Hồng. Làng gồm hai thôn ,Vân la thượng và Vân la thị. Một cái chợ quê họp dưới Vân la thị nơi chúng tôi ở. Những ngày đúng phiên,rất đông vui, nhộn nhịp, với đủ các món quà quê. 
Nhà bà trẻ tôi nghèo. Trong nhà, ở chính giữa là bàn thờ, có hai cái giường to, thì một đã nhường cho bà cháu tôi rồi. Bà trẻ tôi ở đây với dì Hạ, con gái út của bà. Mẹ tôi vẫn kể, ngày trước dì Hạ và cậu Phi là hai người chăm bẵm , bế ẵm tôi nhiều nhất. Tôi vẫn ơn dì. 
         Làng tôi, phần lớn, nhà cửa tềnh toàng, đơn giản. Chả cổng ngõ gì. Nếu có ổ khóa, cũng chẳng biết lắp vào đâu. Quê tôi hồi ấy, chẳng được mấy nhà kín cổng cao tường. Thế mà rất nghiêm, tịnh không có trộm cắp. 

Từ ngoài Bằng, Vồi ( huyện lỵ trước) vào đến Hồng Vân, có đến bảy cây số chứ không ít. Cứ theo đường 71, qua làng Vân Tảo, đến Dốc Hiệu, thấy một con đê to cao lừng lững chắn ngang tầm mắt, là tới làng tôi. Tôi nhớ hôm đầu mới đặt chân đến đây, chị em tôi reo lên: A, mình sẽ lên núi nhé. Bố tôi vội giải thích: Không phải là núi, nó là con đê. 
Năm ấy, tôi vào lớp 4, còn Vân mới lớp 2. Chị Quỳnh Nga tôi đã là nữ sinh lớp 7. Hồng Vân làng tôi không có trường cấp II, chị phải sang học ở làng Hồng Châu bên cạnh. 
Trường cấp I Hồng Vân nằm trên Vân la thượng. Có độc một lớp 4 do thày Hồng chủ nhiệm, nên cũng chẳng cần phải phải đặt tên cho nó là 4a, hay 4b gì nữa. Học chung với tôi năm đó có Hoàng Văn Thái, Hoàng Thị Thanh Vân. Sau này về cấp III Việt Đức, Hà nội, chúng tôi lại cùng học trong khối 10 của trường. 
Những ngày đầu sơ tán, sinh hoạt của chị em tôi đảo lộn hết, nhưng riêng tôi nhanh chóng hội nhập được với cảnh sống nơi thôn dã. 
          Nhà bà trẻ tôi mỗi khi xay sát và giã gạo thường phải sang nhờ bên bà Cời, bên ấy rộng rãi và có đủ cả. Ở dưới quê, tôi thấy bà con sống rất cởi mở, dễ dãi, ít soi mói để ý nhau như trên Hà nội. Và cái mà tôi trân trọng nhất , ấy là tính thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Mỗi khi đi xay sát, giã gạo, tôi thường được đi theo dì Hạ. Tôi đứng trước, dì đứng sau. Tay phải bám vào một sợi dây thừng cho chắc, cứ theo nhịp chày nhún xuống. Khi nào dì bảo: Dừng đã nhé, để dì xem gạo được chưa. Dì vốc một nắm lên tay, rồi chao sang tay kia, miệng thổi cám. Dì bảo hai chục nhịp nữa chắc gạo được cháu ạ. Gạo trắng muốt, hạt đều tăm tắp, chắc ngon cơm lắm. Nhưng tôi thấy nhà dì chẳng mấy khi ăn cơm, hình như gạo chỉ để vào dịp dỗ chạp, hoặc có khách, còn phải bán lấy tiền tiêu vào việc khác. Bà trẻ và dì tôi ăn khoai là chính. Đấy là món khoai nước ( có nơi gọi là khoai chè). Khoai nước gọt sạch vỏ, đổ ngập nước, nấu kỹ, khoai mềm, chắt nước, rồi để than vần, như vần cơm. Đến lúc chín, đánh khoai ra cho nhuyễn, ăn thơm ngon lắm. Chúng tôi rất thích đổi cơm trắng cho bà và dì. Chúng tôi ăn khoai ấy với đường kính, lạ miệng nên rất ngon. 
        Tôi cũng theo bọn trẻ trong xóm đi chăn trâu. "Ai bảo chăn trâu là khổ". 
 
Đúng là như vậy! Chúng tôi có một lãnh địa riêng, đấy là nghĩa trang của làng. Ở đây chúng tôi tha hồ làm vương làm tướng. Đám trẻ bên Vân Tảo có nhỡ độ đường mà lạc vào, chẳng có cơ hội thả trâu trên vương quốc của chúng tôi.Thả trâu vào một chỗ xong, tôi theo bọn cái Điệp, cái Khế và thằng Kha chạy khắp cánh đồng. Lúc đã gặt hái xong, cánh đồng khô ráo, đây đó còn sót lại rơm rạ chưa gom, một màu vàng buồn phơi dưới nắng chiều. Cái cảm giác dịu dàng, da diết ấy, sao tôi nhớ nó thế. Cái thằng Kha nó nhỏ người mà lanh gớm, loáng một cái, nó lôi về bao nhiêu tàu lá chuối to và rộng, trải lên thềm gạch cửa vào nghĩa trang, chúng tôi ngồi khoanh chân bằng tròn, bắt đầu sát phạt nhau với bộ tam cúc. Bộ tam cúc, trước khi ra khỏi Hà nội anh Kỳ tôi mua cho, bây giờ thấy nó giá trị vô cùng. 
Nếu là những ngày mùa đông thì thú vị hơn nhiều. Bọn tôi kiếm rơm, kiếm củi về đốt lửa. Rồi đi đào củ giong riềng về nướng, ăn gau gáu với nhau. Nhìn lên, mặt đứa nào cũng đen nhẻm, dính đầy than bụi. Hoa giong riềng có màu đỏ rất đặc biệt. Nó giống một ngọn lửa, đỏ rực và mãnh liệt, đầy sức sống. 
      Mỗi sáng chủ nhật, nếu chỉ có mình mẹ về thăm bà cháu tôi, thì mẹ sẽ đi xe bus xuống Bằng,Vồi, rồi đi bộ từ đó vào Hồng Vân, trên con đường 71, với bảy cây số toàn những ổ gà. Đấy là những buổi sáng canh cánh mong đợi của chị em tôi. Ăn sáng xong, chúng tôi dắt nhau ra cửa, mắt dõi đăm đắm về hướng đền Trắng. Cho tới khi bóng dáng mẹ xuất hiện. Mái tóc của mẹ nhấp nhô theo nhịp đi, cái dáng thanh, cao cao của mẹ đã rõ dần lên, mẹ đây rồi. Mẹ về! Mẹ! Chúng tôi reo lên, cậu Châu lon ton chạy lên trước, mẹ vứt đống đồ mang theo, đón cậu vào lòng. Tôi biết mẹ đang khóc, nước mắt chảy vào trong con tim mẹ. Con trai bé nhỏ của mẹ chưa được 4 tuổi, trời ơi là thương, là nhớ nó! Mẹ phải xa nó, mẹ buồn ngơ ngác đến cả tháng trời. 
Mẹ mang bao nhiều quà, đồ ăn cho bà cháu tôi và cả quà cho bà con trong xóm nữa. Mẹ vác nặng được như vậy? Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy phục mẹ thật sự. 
     Rồi những chiều chủ nhật, lúc bố mẹ phải rời sơ tán trở về Hà nội, là lúc buồn đến thê thảm cho chị em tôi. Cái cảm giác nặng nề khó tả ấy, bóp nghẹt lấy tim. Tôi dắt cậu Châu đi chơi chỗ khác, để tránh cuộc chia tay. Cả nhà sợ cậu níu lấy mẹ, rồi lăn ra khóc, đòi mẹ thì sao. Hai chị em tôi lên con đê trước nhà, đường rộng thênh thang, phơi phới mà trong tôi nặng trĩu một nỗi buồn.Tôi muốn ở lại bên bố mẹ tôi trước lúc cả hai về Hà nội, nhưng đâu được. Tôi phải dỗ nó, thằng em bé bỏng, bằng những câu chuyện cổ tích trong rừng, do tôi phịa ra. Một tuần có bảy ngày, có đến thánh sư của kho chuyện cổ cũng không thể nghĩ ra bảy câu chuyện khác nhau mà kể. Em tôi luôn phát hiện ra câu chuyện chị đã kể rồi. Tôi nghĩ mà thương các em tôi, cả cô Yến, cậu Châu còn quá nhỏ. Bằng tuổi này, trẻ con ở những nước phồn vinh, chúng sống vui tươi trong thái bình với cha mẹ. Được bao nhiêu cưng chiều, ôm ấp yêu thương. Xung quanh chúng là cả một thế giới vật chất với cơ man nào là sách, truyện và đồ chơi. Còn chúng tôi, các em tôi, không cha mẹ nơi đây, trường lớp nghèo nàn tồi tệ, thiếu thốn trăm đường, chưa kể đến bom rơi đạn lạc đe dọa hàng ngày hàng giờ... 
      Bà và chị em tôi chỉ ở với nhà dì Hạ hơn nửa năm, rồi chuyển sang nhà cô Thử, ở đây đã rộng rãi hơn chút xíu. Gia đình cô Thử chỉ có hai mẹ con, chồng cô vẫn đang ở mặt trận, con trai cô là Tường, nhỏ tuổi bằng cậu Châu em tôi. Cô Thử đúng là một mẫu phụ nữ nông thôn ngày ấy, hiền thục, tần tảo, yêu thương con hết mực, nhất nhất phục tùng gia đình bên chồng. 
     Trên Vân la thượng, phía Cẩm cơ, đi lên nữa đến Xâm xuyên, Xâm thị, là khu vực phà, cảng. Mục tiêu bắn phá của không lực Hoa kỳ. Chúng muốn đưa Bắc kỳ trở lại thời đồ đồng, đồ đá. 
Đến cuối hè 1965, bố tôi lại lo để bà nội và chị em tôi chuyển sang làng Hồng Châu bên cạnh, tránh xa hơn nữa địa phận cảng và bến phà. 
    Hồng Châu, hay còn có tên Tự Nhiên, cách Hồng Vân chỉ một thôi đường. Con đường cát trắng với hai hàng phi lao cao vút, xanh rì, rất đẹp. Nhắm mắt lại, tôi tưởng tượng ra ngay con đường ấy, quen thuộc từ độ nào, ngay cạnh tôi và vẫn tiếng phi lao reo trong gió vi vu. 
Hồng Châu là vùng đất bãi, được thiên nhiên ưu đãi, hoa màu tươi tốt quanh năm. Suốt hai bên đường vào làng, bạt ngàn những cánh đồng mía. Ven sông xanh mướt những vạt ngô non, những cánh đồng lúa đang thì con gái, nõn nà. 
Bức tranh của làng quê trù phú và đọng trong tôi biết bao kỷ niệm buồn, vui. 
Hồng Châu có bảy xóm. Xóm bảy lại chia thành xóm Bảy 1, xóm Bảy 2 và xóm Bảy 3, nằm ngoài bãi, sát với sông Hồng. 
Thoạt đầu, bà cháu tôi về ở nhà bác Ấm, trên xóm Hai. Một căn nhà gạch khang trang, cao ráo, ở đây rộng rãi hơn hẳn. Bác trai chủ nhà ,là chủ tịch huyện Thường tín lúc ấy. 
Nhà bác chủ, có cái Thục xấp xỉ tuổi tôi. Bước xuống sân dưới là nhà bác Mậu, em trai kế của bác Ấm bên này. Tôi học với cái Phương, con gái đầu lòng của bác Mậu. 
Bà nội và hai em nhỏ của tôi ngủ ở gian trong. Mấy chị em tôi lớn hơn được một cái phản ở gian nhà ngoài. Trên cái phản ấy là toàn bộ sự nghiệp của chị em tôi. Ăn cơm trên phản, đọc chuyện, xem sách trên phản. Những lúc đợi cơm chín, bò lăn bò toài ra phản đánh tiến lên, đánh tú lơ khơ. Tối đến, cũng trên phản ấy, chụm nhau lại dưới ngọn đèn dầu ma-dút làm bài. Xong được bài tập, thì ôi thôi, mắt mũi đen xì như người nạo ống khói, vì muội đèn. Cũng trên cái phản này, tôi và Vân còng lưng dán túi cà phê xuất khẩu. Hàng do mẹ nhận về, của Công ty ăn uống Hà nội. Bố tôi phản đối việc này, sợ các cô con gái nhỏ của mình sẽ hỏng cột sống, mà nhà nào có thiếu thốn. Nhưng mẹ thì ủng hộ, vì biết chúng tôi thích làm. Mẹ nói, làm một chút sẽ đỡ buồn, đỡ nhớ nhà, đỡ nhớ bố mẹ và nữa là sẽ biết quý, biết trân trọng đồng tiền. Thế là vào dịp khai giảng, hai chị em tôi đã rủng rỉnh tiền sắm sửa giấy bút. 
      Nhiều đêm hè, nằm trên phản chưa ngủ được, chị em tôi lại kể chuyện Hà nội, nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ phố nhỏ Ấu Triệu, nhớ bạn bè lại ùa về. Phố tôi nhỏ lắm, nhưng tên trên biển vẫn là Phố Ấu-Triệu, chứ không phải Ngõ, như bên Ngõ Huyện hay Ngõ Thọ-Xương. Ấu-Triệu thông từ đường Phủ Doãn ra đến đường Lý Quốc Sư. Bên tay phải là Nhà Thờ Lớn. Tôi nhớ những tối mùa hè, ve kêu ra rả, cây cối đứng im phăng phắc, nhưng sân Nhà Thờ Lớn lúc nào cũng mát và thơm hương hoa sữa, lúc tiết thu về. Bọn trẻ con phố tôi rủ nhau ra hết ra sân Nhà Thờ.  Ở đây có đủ các trò chơi. Trốn tìm, trốn ống bơ, sô-vê, cướp cờ, chơi ù, sờ mó chó thiu, rồng rắn lên mây... Hà nội ơi, bao giờ sẽ được trở về nơi thân yêu ấy, Hà nội! Thao thức suốt trong tâm can những đứa trẻ chịu chung số phận đất nước có chiến tranh. 
Những năm trước khi đi sơ tán, lúc Hà nội còn thật thanh bình, tối đến, nhà tôi thường có tiết mục đọc truyện. Bố bao giờ cũng là người khởi đầu. Giọng bố tôi ấm và truyền cảm, nhất là ở những câu nghi vấn, phải lên giọng. Chị em tôi cứ há hốc mồm ra nghe. "Những Người Khốn Khổ" với Giăng Van giăng và Phăng-tin. Hình dáng Phăng-tin bao đêm đông bươn trải trên những đại lộ lớn ở Paris, trong cái lạnh cắt da, để kiếm vài đồng nuôi Cô-dét... 
"Không Gia Đình" có cụ Vitalis với con khỉ Giôlicơ và đàn chó Đônxơ, Giecbinô và Capi. Chú bé Rêmi khi tìm lại được mẹ trên thuyền Thiên nga... "Đống lửa Trong Rừng" với Chim Khách, Pantớtchia và Ơmatchi. Rồi "Timur và đồng đội"... Cả cuốn "Đất Rừng Phương Nam" nữa... 
Tối nay bố đọc xong một phần. Gấp sách lại bố nói: Mai đến lượt Vân nhé và mốt sẽ đến lượt Thu. 
Trước cửa nhà tôi, nhà ông Bảo là hợp tác xã đóng sách. Bố tôi đã thuê bọc bìa các cuốn truyện ấy, ở gáy của nó là tên truyện với một hằng chữ màu vàng nhũ. 
        Tôi học lớp 5C trường cấp II Hồng Châu. Chị Nga tôi đã vào cấp III Trưng Vương, nội trú bên xóm Bảy. Tôi bỗng trở thành con chim đầu đàn trong nhà và là chỗ dựa chính của bà nội. Bao nhiêu công việc nhà, giờ đây tôi phải cáng đáng. Trong làng lúc ấy có nhiều học trò Hà nội sơ tán. Trên xóm Hai có bọn chị Chỉnh, chị Thu Nga, chị Hạnh của công ty ăn uống trung ương. Dưới xóm Sáu có Vân Nga, Thúy Hoa, Bồng Lai và thằng Chiến béo, của Quân y 108. Thúy Hoa và Bồng Lai sau này đều trở thành cựu sinh viên Kishiniop. Còn Vân Nga, tôi gặp lại bạn ở trại trẻ T45 vào mùa hè 1968. 
Lớp 5C của bọn tôi do thầy Thắng người Hà nội chủ nhiệm. Mới đây, tôi và Thúy Hoa còn nhắc đến thầy. Tôi nhớ thầy lắm, cao lớn, đẹp trai và rất hài hước. Chính thầy đề nghị để tôi làm Liên đội trưởng của trường. Lúc duyệt đội, đeo phù hiệu ba gạch đỏ thắm, tôi thấy mình đĩnh đạc, người lớn hẳn. 
Ở quê tôi vụ lúa mùa là chính vì thế nghỉ mùa chính ở vụ này. 
Vui lắm! Người lớn vui vì có thóc mới, gạo ngon, rủng rỉnh trong bồ. Trẻ con vui vì được nghỉ học, đó là dịp NGHỈ MÙA. 

Tôi xin bà cho tôi và Vân ra Hà nội chơi trong mấy ngày nghỉ mùa ấy. Chúng tôi nhớ bố mẹ, nhớ nhà , nhớ Hà nội quá. 
- Bà, cho cháu với Vân ra Hà nội, được nghỉ một tuần bà ạ! 
- Ra Hà nội? Ra thế nào được. Tàu xe chả có, ai đưa đi, mà máy bay bom đạn thế này. Ở nhà với bà, mai bà quấy bánh đúc gạo nhân hành mỡ, ngon lắm! 
- Bà ơi không có bom đạn đâu, chúng cháu chả ăn bánh đúc, cho chúng cháu ra Hà nội đi! 
Tôi và Vân năn nỉ bà mãi, chả ăn thua gì. 
Hai chị em tôi dỗi cơm, bỏ luôn bữa trưa. Chúng tôi mỗi đứa một chỗ, mặt buồn thiu, đứng im không nhúc nhích, giống như những pho tượng nhỏ. 
Đến độ quá trưa, nắng đã xiên vào đến đầu hiên. Mọi khi giờ này chị em tôi đã lên phản, mỗi đứa vớ một quyển truyện, rồi mệt quá lăn ra ngủ lúc nào không hay. 
Bà nội từ gian trong bước ra, gương mặt đầy hốt hoảng, thì ra chúng nó vẫn đứng, không hề cựa quậy. Bà nội tôi thương các cháu quá, đành "xuống thang": 
- Ừ, rồi bà cho ra Hà nội, mai rồi đi. Bây giờ ăn cơm đã nhé, sắp chiều rồi, đói lả đi còn gì. 
Bà dọn cơm cho chị em tôi. Món trám tím hấp thịt ba chỉ băm nhỏ của bà nội là món ngon của chị em tôi. Sau này, tôi vẫn cứ nhớ nó, nhớ cái vị ngọt và hơi chát của trám, nhớ cả cái bát cao chân bà nội vẫn dùng nó, chỉ để hấp trám. 
Chúng tôi vui đến lớn cả người. Mai sẽ đi sớm cho khỏi nắng, một cuộc việt dã trên con đường 71, dài đằng đẵng 7 cây số, đang chờ đón chị em tôi, hai đứa trẻ mới 9 và 11 tuổi. 

 Cuối năm 1965, bà nội và chị em tôi lại chuyển nhà lần nữa, xuống xóm Bốn. Tôi đã vào lớp 6 và vẫn học trường cấp II Hồng Châu. Học sinh sơ tán chúng tôi, đã mang khá nhiều giải, từ các kỳ thi học sinh giỏi Văn, Toán, cấp huyện và cấp tỉnh, về cho trường. 
Chiến tranh đã kề cận sát nách. Trên đường làng, đâu đâu cũng thấy những ụ pháo, hố cá nhân, giao thông hào. Có khi sáng mai ngủ dậy, thấy ngay gần cửa trường một trận địa pháo mới toanh, chưa kịp được ngụy trang. Ở các lớp học, phần lớn nhà trường làm hầm chữ A. Học trò đội mũ rơm tới trường, trông xa, giống như những cây nấm màu vàng di động. 

       
Trong xóm Bốn tôi đang ở, đã nghe thấy hàng xóm kháo nhau về giấy báo tử của anh con trai bà cụ còng. Các đơn vị bộ đội đóng quân liên tiếp đến, rồi lại đi. Tôi nghe các chị lớn nói, các anh ấy vào trong kia, đi B rồi. 
     Lên đến lớp 6, tôi tự thấy mình đã cứng cáp, chững chạc hẳn, mặc dù chưa được là thiếu nữ. Tôi đã biết gánh nước. Gánh từ sông lên, vục nước với đôi thùng lớn, bước những bước chắc chắn trên cầu tre ghép lại từ ba cây tre, cây cầu đã bị phong rêu làm ngả sang màu xám xịt. Quần xắn cao như du kích tập trận, tôi bám chân thật chắc vào những bậc đất lên dốc, chỉ sảy chân là có thể bị què. Điều ấy không dễ gì cho một bé gái Hà nội, mới 12 tuổi. 
    Tôi theo các bạn gái trong xóm đi kiếm củi. Phải sang bên kia sông, bên xóm Bảy. Đó là những rừng phi lao xanh bạt ngàn, suốt ngày reo với gió sông. Đặc biệt rừng rất sạch, khô ráo, như rừng châu Âu vậy. Lá phi lao rụng , một nguồn chất đốt đáng kể cho các gia đình. Bà nội đóng cho tôi một cái cào, để cào lá phi lao. Nó tựa như một cái thước chữ T. Ở phần trên của chữ T được đóng dăm cái đinh,như những cái răng bồ cào mà dì Hạ tôi thường trang thóc khi phơi. Cầm cái cào, chạy vài đường là cả đống lá phi lao mắc vào. Gỡ chúng ra cho vào quang gơ. Gơ là một loại sọt tre,nhưng nhỏ hơn, nông hơn và hơi bè bè, mắt tre đan cũng thoáng hơn. Chúng tôi kéo nhau sang bãi sau bữa ăn trưa. Nắng như như đổ lửa, chả mũ nón gì, mỗi đứa trên vai một đôi quang gơ và cái cào. Mỗi chân tôi có dép, đôi dép cao su đen được bố tôi trang bị cho mấy chị em, trước lúc ra khỏi Hà-nội.

Rất tiếc, không ghi lại được hình ảnh ấy, dám chắc đi thi ảnh quốc tế đề tài Thiếu nhi, Nhân đạo và Bác ái, sẽ đoạt giải : Một bầy trẻ cả trai lẫn gái, tuổi chừng 12, 13, đen nhẻm, gày nhom, má hóp, tóc hoe vàng và khét lẹt vì nắng. Chỉ riêng những cặp mắt, thấy sáng, lanh lợi, đầy sức sống và phấn khích. Những đứa trẻ không biết sợ bom rơi, đạn nổ, bất chấp cái chết đe dọa, vươn lên trong bấy nhiêu thiếu thốn, để sống, để học tập, để làm tồn tại những gì đang là mục tiêu quân sự của không lực Hoa kỳ. 
Chiều về, lúc mặt trời chưa xuống hẳn, phía tây đỏ rực như một cái mâm lửa. Nắng vương lại trên đỉnh những rặng phi lao, hắt xuống dải cát ven sông, một bức tranh tuyệt vời cho chủ đề hoàng hôn. Bây giờ, chúng tôi phải gánh chỗ phi lao đã kiếm được, lội qua con sông nhỏ này, để về nhà. 
Tôi đang lúng túng chưa biết xử lý vụ gánh phi lao ra sao. Nước cao thế này, đi không còn khó, nói gì đến việc gánh một gánh nặng lá phi lao. Nó sẽ ướt sũng, gọi gì là củi? Phương hiểu ngay băn khoăn của tôi, gọi giật: 
- Thu, nhìn này! 
Cô bé cởi phăng quần dài, vấn lên đầu, rút ngắn những sợi dây thừng ở đôi quang gánh lại. Bây giờ, nó đưa hai tay nâng đòn gánh lên cao và nhẹ nhàng lội xuống nước qua sông. Tôi kêu lên: - Cởi quần? Tao chả cởi. 
Phương rất nhanh, đã sang được bờ bên kia. Cô bé rẽ nước bơi, trở lại đón tôi. 
- Xắn cao quần nữa lên, sang trước đi, tao gánh cho! Phương ra lệnh. 
Tôi nhẹ cả người. Sang được bờ bên này, chúng tôi vẫn chưa về, chúng nó còn phải hong quần cho khô. Tôi thấm mệt, ra sức vắt cho kiệt nước trên hai ống quần dài. Ngày mai sẽ phơi lại đám lá phi lao này. Nắng to mau khô lắm. Lúc nó đang nỏ, đun rất tuyệt, đượm lửa, ít bụi và nó nổ lép bép nghe thật vui tai. Bà nội tôi mê lắm. 
        Đến cuối hè, chớm sang thu, đậu tương đã được thu hoạch. Bọn cái Niên, cái Hạ và Nhâm trong xóm, lại rủ tôi đi mót đậu tương. Lúc đầu, bà nội không cho đi, bà sợ máy bay, sợ bom đạn, rồi sợ nắng, tôi sẽ bệnh. Tôi quyết năn nỉ bằng được, lát sau bà cũng mủi lòng. Bà biết tính chị em tôi. Xin không được là dỗi, bỏ cơm, tảy chay, đình công, tuyệt thực, chống lại bà. Thế còn quá tội. Bà buộc lại quai nón cho vừa, rồi đưa tôi đội. 
Ra đến cánh đồng, chúng tôi bị chơi vơi, không biết bắt đầu từ đâu. Đằng kia loáng thoáng đã có người mót đậu. Bọn tôi kéo nhau sang ruộng khác. Nhâm nói:- Ở đây nhé! 
Tôi xắn quần, bỏ dép trên vệ ruộng. Phải nhổ cả cây đậu lên. Chúng đã khô. Cây nhỏ và thanh, may mà không có rằm,không có gai. Người hái đậu phải khom lưng suốt, cứ thế đi dọc trong rãnh theo luống. Hai tay thoăn thoắt , mắt liếc sang phải, rồi sang trái và nhổ đậu bằng hai tay. Người ta hái kỹ, đậu sót lại chẳng còn là mấy, nhưng hạt đậu rất mẩy, chắc lắm. Tôi đi được hai luống, cầm nắm đậu mót được trong tay, rũ cả người. Ôi chao là cái lưng nó mỏi. Bọn cái Nhâm, cái Hạ nhanh lắm, đã sang đến ruộng bên. Tôi rớt lại đằng sau từ bao giờ. Nắng quá, mồ hôi thánh thót lăn xuống ngực, chả có thời gian mà lau nữa. Xem kìa, chúng nó đã được lùm lùm cái sọt tre. Tôi bắt đầu tăng tốc, nếu không sẽ về tay không. Xế chiều, chúng tôi gom đậu đã mót được vào sọt, về thôi. Bà nội chưa ăn, còn đợi tôi về. 
Tôi thả sọt đậu xuống, là sà vào mâm cơm ngay. 
- Cá mòi rán hả bà? Mắt tôi sáng lên. 
- Bà nhờ cô Thử mua từ sớm, cá tươi lắm. Nhai cẩn thận chả có xương. 
- Cháu nhai cả xương bà ạ. Mai phơi đậu một nắng nữa là khô cong. Tôi bảo bà 
- Chả biết có được mẻ tương ? Bà bảo 
Bà nội tôi làm tương ngon nhất xóm. Quê tôi làm tương bằng ngô, chắc nếp đắt. Bà nội tôi làm tương bằng nếp,vì nhà tôi cũng chẳng làm nhiều. Bà thổi cơm nếp, rồi ủ, để lên men. Màu men hoa hòe là được, bà bảo thế. Tương rất ngọt, thơm, sánh lắm và có màu nâu sáng. 
Dọc sông Hồng, dân quê tôi được ăn mòn răng cái món cá mòi. Bà nội thường khía con cá ,cả hai mặt. Đập gừng bằng con dao phay ( đừng thái lát, đập nó mới vỡ tự nhiên), rồi lại bằm nhỏ, sát gừng ấy vào chỗ cá đã khía. Sát bữa ăn, bà nội mới rán. Hồi ấy chỉ chạy qua hàng mỡ chút thôi, chả có đâu nhiều dầu rán và mỡ như bây giờ. Cá mòi rán chấm nước mắm chanh, ớt, tỏi ăn với canh cải xanh, ngon cứ gọi là nhất hạng. 
Tôi nhớ mãi câu quê tôi vẫn nói: " Sáng mưa mòi, chưa nắng lòi mắt ra". 
        Những năm ở xóm Bốn, bà cháu tôi sống ở nhà bà cụ Côi, gọi theo tên anh con trai của bà. Chú Côi đi bộ đội, vợ chú là cô Nghĩa, cô chú đã có một bé gái, cái Vụ. Cô Nghĩa là một phụ nữ đẹp nhất nhì trong làng. Cô lấy chú Côi cũng vì gia đình chú Côi là bần nông. Lấy để cái lý lịch của gia đình cô sáng lên một chút, chứ chẳng môn đăng hậu đối gì, vì chú Côi già và xấu quá. 
   Có những bữa trưa, bên này bà cháu tôi cơm nước đã no nê, xong bữa, tôi chẳng thấy cụ Côi ăn gì, cứ ẵm cháu nằm võng xuông. 
Tôi hỏi bà nội: 
- Mình còn cơm bà nhỉ? 
- Còn đấy, bà rỡ ra rổ cho khỏi hỏng, cháu đói à? 
- Cháu không đói, nhưng chắc bà cụ Côi đói, có thấy ăn gì đâu. Hay đưa cụ ấy chỗ cơm bà nhé! 
Tôi đi xuống bếp tìm chỗ cái rổ cơm. Mùa hè nóng, cơm còn thừa, bà nội thường rỡ ra cái rổ con. Tôi còn nhớ đến tận hôm nay cái rổ xinh xinh ấy. Nó chỉ nhỉnh hơn cái đĩa tây, nan tre màu trắng ngà, đan rất mỹ thuật. 
- Còn cả khoai tây xào đấy, mang hết lên đây ! Bà nội nói vọng xuống bếp. 
Tôi bưng lại mời bà cụ chủ nhà, tội nghiệp, nhưng cụ cứ chối đây đẩy, khó tính quá cơ. 
- Cháu ẵm cái Vụ để bà ăn cơm nhé. Tôi gợi ý. 
- Ừ, hai chị em lên võng mà nằm, nó ngủ ngay ấy mà. 
Tôi ôm cái Vụ trong tay, lòng miên man nghĩ. Con bé sinh ra đã khổ. Bố đi bộ đội biền biệt, mẹ ra đồng cầy cấy từ mờ đất. Nó khát sữa, thèm hơi mẹ, nhiều khi khóc ngằn ngặt. Sữa mẹ thì chả có chất, con bé gầy như cái dải khoai. Trăm cái tội đổ cho nghèo khó, thiếu thốn và chiến tranh.Tôi bắt đầu ru cái Vụ bằng bài hát: 
            &nb sp;           "Chiều nay ra đứng trên Trường Sơn 
            &nb sp;             Lòng tràn đầy vui sướng, mùi lúa thơm ngạt ngào 
            &nb sp;             Dòng sông đưa nước về xuôi 
            &nb sp;           In bóng nương ngô cùng "bồng con" phất cờ...." 
Bài hát do tốp ca nữ đài tiếng nói VN trình bày, tôi rất thích và thuộc nó ngay. 
Sang năm 1966, cô Yến em giáp út đã lên 7. Nhưng bà nội tôi không muốn cho em đến trường. Bà sợ bom đạn Mỹ, bà sợ đủ thứ xảy ra cho chị em tôi - các cháu nội yêu của bà. Bà chỉ còn bố tôi là con trai duy nhất. Chú Sơn hy sinh, vết thương lòng ấy của bà mẹ già vẫn mang lớp da non. Xót thương lắm, mà bà phải đằn cái tình cảm ấy xuống, sống nốt những năm khó khăn này với các con, các cháu . 
Bà nội nói Yến, Châu cứ học ở nhà cũng được, vẽ chuyện phải đến trường. Và Vân bắt tay vào sự nghiệp sư phạm. Năm ấy cậu Châu mới 5 tuổi. Chương trình vần vỡ lòng được xúc tiến. Cứ mỗi lần nhắc lại kỷ niệm này, cả nhà tôi lại được trận cười chảy nước mắt. 
Vân có một năng khiếu sư phạm đặc biệt. Với cách dậy có nhiều hình tượng và thí dụ minh họa, khiến học trò nắm bắt được dễ dàng. 
Lần ấy ,Vân bảo cậu Châu: 
- Nhìn này, chữ Y giống như hình cái trạc súng cao su nhé! 
Còn chữ X, học chữ C rồi, thì nó chính là hai chữ C "chổng đít" vào nhau! 
Còn chữ Kh, nó gồm chữ K và chữ H ghép lại. Người ta đọc nó với cái âm như "khò" và "khè". 
Hôm sau hiểm tra bài. 
-Chữ gì đây, Vân đưa ra chữ Y? 
- Chữ "trạc". 
- Không, nó chỉ giống cái trạc súng cao su thôi, chị nói vậy mà. 
- Thế còn chữ gì đây, Vân đưa tiếp chữ KH? 
- Chữ "khò". 
- Không đúng! Vân buồn qúa, thất vọng ra mặt. 
- Chữ "khè" ! Cậu Châu reo lên, lần này chắc không sai. 
- Không đúng nốt. 
Thế mà chỉ từ cuối hè 1966 sang đến tháng Chín năm 1967, cả hai em tôi, Yến và Châu đã đọc thông, viết thạo và được trang bị trình độ toán của chương trình lớp 2. 
       Hỡi những bà mẹ Mỹ, hỡi những người Mỹ chân chính của xứ Cờ Hoa - Hợp chủng Quốc xa chúng tôi từ nửa vòng trái đất. Nếu thấy tận mắt hình ảnh những đứa trẻ VN trong cuộc chiến tội lỗi, do nước Mỹ nhẫn tâm gây ra ? Trái tim các người sẽ rớm máu, mắt các người sẽ rỏ lệ. Vì có bao giờ những đứa bé con của nước Mỹ phải từng trải như chúng tôi, vươn lên như chúng tôi, trong thiếu ăn, thiếu mặc, trong kề cận với cái chết của bom đạn kẻ thù. 
     Lâu lâu, đoàn thanh niên của xã lại tổ chức ăn cơm tập đoàn. Nó là một hình thức ăn liên hoan. Vì quỹ chẳng có, làm gì có tiền mà gây quỹ, nên mỗi người sẽ đóng một bát gạo và hai hào. Nó vui, nhộn nhịp ở lúc chuẩn bị. 
Tôi hỏi Thanh, con gái bà Rào, bên cạnh nhà cụ Côi: 
- Họ có cho tớ tham gia ăn cơm tập đoàn không ? Tớ chưa là đoàn viên ? 
- Cho đấy, để tớ hỏi nhé! 
Thanh là con nuôi bà Rào. Cô bé đẹp lắm, trong đám bạn gái ở sơ tán, có lẽ cô đẹp nhất. Con gái nông thôn mà trắng nõn, đặc biệt là đôi môi dày dặn lúc nào cũng đỏ mọng. Thanh hơn tôi 2 tuổi, 14 rồi, đã sinh hoạt với đoàn thanh niên trong xã. Có lẽ Thanh biết mình là con nuôi trong gia đình, cô làm việc cật lực. Thanh chỉ được học hết lớp 5, rồi đi làm ruộng như một lao động chính. Có lần chỉ vào tờ lịch treo cạnh bàn thờ, hình một cô văn công quân đội bên hoa lay-ơn đỏ rực, nàng đẹp lộng lẫy. Tôi bảo Thanh: 
- Thanh ơi, Thanh xinh như cô văn công đấy. 
- Xinh đâu mà xinh, tớ chả có quần áo đẹp như Thu . 
Tôi nhìn bạn chảy nước mắt vì thương. 
Đúng, mẹ mua cho chị em tôi toàn quần áo Đức Hạnh, nhưng cũng nhuộm hết sang màu phòng không và nâu gụ rồi. Còn gì nữa đâu mà đẹp! 
Tôi hay đi làm giúp Thanh, cả cuốc vườn, nhổ cỏ và giã gạo, sàng sảy gạo. Thanh dạy tôi cầm dần, sàng sao cho đúng. Lúc đầu thật là ngượng ngập, tay cứng đờ ra, thao tác đến vụng. Dần dà, tôi đã biết xoay cái dần, cái sàng cho tròn, cho dẻo. Biết cách sảy thóc, nhất là biết dần, biết sàng cho thóc chụm lại, rồi bốc chỗ ấy ra khỏi lô gạo đã sạch sẽ. Thanh nhìn tôi: 
- Giỏi ghê rồi,lấy chồng nông thôn được đấy. Sau này, lúc đã có con, tôi sàng sảy gạo, trước bao con mắt ngạc nhiên của cả nhà. 
Tôi xin phép bà nội để được đi ăn cơm tập đoàn với các anh chị thanh niên trong xã. 
- Úi dào, cháu còn bé, ai cho tham gia. Bà nội chẳng muốn tôi đi nên nói ra thế. 
- Ơ, bà, người ta đồng ý mà. Cái Thanh hỏi cho cháu rồi. Nhưng phải có 2 hào và một bát gạo để nộp. 
- Ừ, bà cho đi, ăn xong về ngay nhé, trời tối, con chó bên trước cửa dữ lắm đấy. 
- Ngay sân kho đây mà, bà cứ ra đầu hè nhìn sang là thấy. Không sợ bà ạ! 
Được rồi! Tôi vui như tết, khấp khởi từ chiều hôm trước. Tôi sắp ra ngoài cái áo sơ mi cổ lá sen tròn đã nhuộm màu nâu gụ và một cái quần phăng màu tím than.Tối nay liên hoan toàn xã, chả biết bọn cái Phương trên xóm Hai có đi không. Cả các chú bộ đội đóng quân trong xóm Bốn bọn tôi cũng đến. Ăn cơm xong, sẽ có liên hoan văn nghệ mà. 
Đêm ấy vui lắm. Cơm nước xong từ lâu, các anh các chị vẫn còn cuốn hút trong chương trình văn nghệ. Chúng tôi chỉ được phép dùng hai ngọn đèn bão, chứ không được dùng măng-sông, vì sáng quá. Đèn vặn rõ nhỏ, hai ngọn chia ra hai đầu sân kho, để ánh sáng không bị tập trung. 
Bao giờ liên hoan văn nghệ ở đây, cũng có tiết mục hát "xì điện". Không nhanh là bị bỏ bom. Các anh các chị đề nghị tôi hát, chắc lại cái Thanh "mách" rồi. 
- Em không có bài. Tôi giật thót mình 
- Trần Thị Vân đi! 
- Thôi, mãi bài ấy chán lắm. Tôi biện bạch. 
- Hát đi Thu ơi! Tiếng bọn cái Nhâm, Niên và Hạ gào lên 
Đã qua rằm, nhưng ánh trăng rất đẹp, đủ để tôi nhìn được những gương mặt của bao người thân yêu, đang hiện diện trước mắt tôi, những người con của quê ngoại giang tay ôm chúng tôi vào lòng, đùm bọc san sẻ với chúng tôi từng củ khoai, từng gióng mía. Tôi bỗng thấy một thanh bình thật sự, một cảm giác tràn ngập yêu thương với mảnh đất này, với những con người này. 
Tôi bị cái Thanh kéo tuột dậy, đảy ra phía chính giữa nơi làm sân khấu và hát. 
Tôi chỉ còn nhớ, đó là bài hát ca ngợi người nữ anh hùng Miền Nam, người con gái xứ Quảng kiên cường. Tên chị là Trần Thị Vân. 
            &nb sp;                         &nb sp;   " Tôi nghe tiếng ca từ lòng đất nước 
            &nb sp;                         &nb sp;     Tôi nghe tiếng ca từ giữa quê hương, vượt trong đêm dài 
            &nb sp;                         &nb sp;     .... 
            &nb sp;                         &nb sp;     Vượt qua bao song sắt nhà tù, 
            &nb sp;                         &nb sp;     Vượt qua bao đầu lê mũi súng...! 
Lần nào có họp chi đội, họp liên chi đội ở trường, tôi cũng hát bài này. Chẳng bao giờ quên được tuổi thơ với những ký ức đẹp ở nơi sơ tán. Tôi sẽ không bao giờ thấy lại được nó nữa, dù gói ghém trong đó biết bao nhiêu buồn, vui, thương nhớ. 
Nhưng sang học kỳ II của năm lớp 6, tôi gặp khá nhiều rắc rối. Nhóm nữ sơ tán bọn tôi bị các bạn nam ở làng Chương Dương bên cạnh chọc phá. Chương Dương nằm ngay cạnh Hồng Châu, cũng giống như Hồng Vân, bên đó không có trường cấp II. 
Chúng tôi bỏ học liên tục vì sợ. Mà sao tôi không nghĩ ra để nói cho mẹ biết. Mẹ sẽ có cách giải quyết cho bọn tôi chứ. Tôi, Thơ, Hồng và chị em cái Lan, Oanh, bỏ học như cơm bũa. Bọn tôi chui vào nhà Thơ, ngồi tán dóc , nấu ăn và kể chuyện Hà nội. Kết quả của năm học lớp 6 với tôi chẳng có gì là tự hào. 

Mùa hè năm 1967, bố mẹ tôi quyết định đưa bà và chị em tôi rời khỏi Hồng Châu, Thường Tín, Hà Tây. 
Có lẽ bố mẹ tôi cũng nhìn thấy bà nội già yếu đi nhiều, còn mấy sức cơm nước, chăm bẵm chị em tôi. 
Cũng có lẽ, về mặt vị trí, địa hình, Thường Tín, Hà Tây đang trở thành mục tiêu quân sự trọng điểm, nhưng bố tôi không nói cho bọn tôi điều đó. Tạm biệt Hồng Châu, tạm biệt mái trường làng, tạm biệt những cô bạn bé nhỏ yêu dấu của tôi và hẹn ngày gặp lại. 

 


Cologne tháng Chín 2012

Tags: Tán



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 3 của tổng số 3 Comments

Từ: LyTM
16/09/2012 23:29:28

 


 Giã gạo là công việc nặng nhọc nhưng vui nếu có vài ba người. Còn xay thóc thì mệt lắm, đôi khi vừa xay vừa học bài, nhắm mắt mà xay. Còn sàng thóc và dần gạo thì bụi và sau đó tay dính cám, rửa đi rất mịn da và trắng! Chị Thu và các chị về sơ tán nên chắc chưa đến nỗi áo ướt đầm, mồ hôi muối trắng cả lưng đâu nhỉ? 


Sơ tán- ngày đó trường cấp III của bọn em gần kho Lụ nên bị máy bay Mỹ oanh tạc nhiều. Ở quê không đi đâu nhưng trường thì sơ tán về các thôn. Mỗi lớp chia thành nhiều nhóm nhỏ, các thầy cô đến tận nhóm giảng bài. Bom rơi, pháo nổ tối ngày mà sao chắng thấy sợ, chỉ lo cho những người đi xa, đi làm ngoài đồng,...


Đó là một thời mà đêm đến thì cả một bàu trời đỏ rực vì pháo ta bắn máy bay, pháo sáng do máy bay thả trôi sáng như ban ngày, dài lơ lửng,... Tiếng nổ inh tai, nhất là tiếng gầm lúc máy bay vẹt xuống gần mặt đất. Ngày đó, tình đồng loại, tình người thật sự rất chân tình và như người một nhà.


Đêm bom rơi, bé ngủ hầm muỗi cắn,


chú mèo con đuôi ve vẩy đuổi dùm,


mẹ đi cấy đêm, ngày canh nòng pháo


Bố tòng quân, bố bảo Tết sẽ về,...!


Chị học bài dưới ánh sáng hoe hoe,


Đèn Hoa kỳ, mùi dầu thơm hầm nhỏ,


Chợt ầm ào, chị chạy lên đầu ngõ,


Chờ mẹ về, pháo soi rõ bóng lũy tre


Ánh sáng dậy trời và đây đó lập lòe


Đèn Hoa kỳ ai che bùng trước gió!


Chợt tiếng gầm ồn ào xóm nhỏ,


Mày cứ bay, tao cứ học, chẳng sao!


 


 


 



Từ: NghiPH
16/09/2012 08:04:07

Cám ơn bạn Thu về câu chuyện về thời sơ tán, về tình người, tình bạn bè nơi sơ tán, về đồng quê, về những công việc nhà quê. Qua câu chuyện của Thu tôi rất nhớ khi xưa đứng giã gạo mỏi chân quá đã đếm gian theo kiểu: hai mươi hai một con này tốt bốn mốt bốn hai… Bạn Thu rất tài: Biết cách sảy thóc, nhất là biết dần, biết sàng cho thóc chụm lại, rồi bốc chỗ ấy ra khỏi lô gạo đã sạch sẽ.



Từ: 3Chai
15/09/2012 21:31:24

Cảm ơn các bạn đã chia sẻ.