Xin chia sẻ cùng các bạn một vài hình ảnh của gần 2 ngày chạy dọc bờ Tây Đảo Nam New Zealand. Xuất phát từ Queenstown 26/12, nghỉ qua đêm ở Greymouth, sáng 27/1 đi tiếp lên Picton.
Dải núi Alps Nam như cột xương sống của Đảo Nam New Zealand.
Từ Queenstown, sau chừng hơn 1 tiếng trèo đèo vượt dốc chúng mình tới ăn sáng tại thị trấn nhỏ Wanaka.
Chừng gần 2 tiếng nữa chạy dọc theo bờ 2 con hồ dài Wanaka và Hawea thì tới được rẻo đồng bằng hẹp men bờ Tây, bên trái là biển Tasman, bên phải là dãy Southern Alps.
Dãy Southern Alps hình thành do 2 mảng địa chất Indo-Australian và Pacific chuyển động va vào nhau, núi vẫn tiếp tục mọc lên mỗi năm 1-2cm. Gió Tây lạnh và ẩm từ biển Tasman gặp núi thì hình thành mưa và tuyết. Trên dãy Southern Alps rất nhiều núi băng tuyết phủ quanh năm, trong đó có khoảng 3000 khu băng hà rộng trên 1ha.
Ghé thăm Fox Glacier. Quân sên tướng ốc chỉ được đứng nhìn từ xa, không được phép trèo lên Băng Hà.
Băng Hà đang tan chảy thành dòng nước xiết
Chảy qua hẻm núi
Nghiền vụn đá núi thành dòng nước đục ngầu.
Nhưng chỉ cách đó vài phút lái xe là rừng mưa rậm rì với rất nhiều dương xỉ, loài cây được tôn làm biểu tượng của xứ sở New Zealand.
Năm 1750 chỗ này còn là Băng Hà. Với tốc độ ấm nóng toàn cầu như bây giờ, liệu Băng Hà còn cầm cự được bao lâu nữa?
Băng tan? Ấm nóng toàn cầu? Châu Phi đói? Châu Á độc tài và tham nhũng? Bạn có thể bận tâm. Nhưng con vẹt này thì không.
Punakaiki Pancake. Bánh tráng à, ăn được không?
Người ta chưa biết được vì sao trong quá khứ, những tầng đá vôi và đá bùn trầm tích lại lắng đọng xen kẽ lên nhau. Khi đáy biển vùng này trồi lên khỏi mặt nước, gió và mưa bào mòn các lớp đá bùn, nhìn ngoài chỉ còn thấy các tầng đá vôi chồng lên nhau như... bánh tráng. Khó tưởng tượng chỉ khoảng 100 ngàn năm trước, những xấp bánh này còn nằm dưới mặt nước biển!
Nay thành ra chốn trú ngụ đông vui của lũ chim.
Chắc chắn là không xơi được.
Suốt 2 tuần rong ruổi xứ Kiwi, hình như đây là bức hình tử tế nhất của GangofFour.
Tags: 3Chai Westcoast