BLOGS  
 
RSS
Полевые цветы
Ngày đăng 24/03/2013 03:40:37 bởi HuyenBT

 

Hoa dại

 

   Ta trở về khi mới chớm mùa xuân. Tháng Ba đợi trên phố. Là cơn gió đỏng đảnh, lúc vi vút ồn ào, lúc lặng ngắt như không.Là những hàng cây vẫn gầy guộc, hắt hiu, chưa hề nói gì về chút xanh chồi nụ.Là những con chim sẻ béo ụ, bộ lông cũng xám như màu cây, chỉ nhận ra bởi những tiếng lích chích không ngưng - chúng phàn nàn về một mùa đông quá dài và lạnh.

     Giữa không gian xám lạnh, chợt mắt chạm vào một vệt sáng lấp lánh, ta chạy ào đến nơi: một khóm hoa xuyên tuyết! Màu trắng tinh khôi và dịu dàng như hiện thân của những bông tuyết một ngày nào đó đầu đông. Màu trắng lấp lánh bởi những hạt  sương xuân ẩm ướt, làm ta cứ ngỡ hoa là vệt nắng sáng trong của một ngày đầu hè nào đó còn vương lại. Bông hoa dại của ta, niềm mong đợi của tháng Ba! Ta đợi nó như đợi chút trong trẻo sẽ trở lại của lòng mình, sau bao u phiền,buồn nản. Tháng Ba đợi nó, như đợi một lời hẹn của đất trời. Hoa xuyên tuyết bao giờ cũng là bông hoa đầu tiên của mùa xuân. Hoa dại không phụ thuộc vào ai, chẳng biết được yêu hay ghét, cứ đúng mùa thì nở. Những bông hoa dại, vì thế mà được hồi hộp mong chờ. Người ta ngắm lan, ngắm hồng quanh năm suốt tháng, người ta lựa hồng bạch, hồng vàng, và bây giờ có cả hồng xanh ngằn ngặt. Nhưng người ta không thể bắt gặp hoa xuyên tuyết nở vào mùa hè,  không bao giờ nhìn thấy  chúng mang loại sắc màu mà chính hoa không muốn. Vì chúng là hoa dại, chẳng cớ gì đợi người khác quan tâm .

       Hoa dại không biết đến ấm êm trong nhà kính, không có ánh điện sáng, và bàn tay người cắt tỉa, vun trồng. Hoa dại gội nắng, gội gió, chúng uống những hạt sương đêm, như uống lời yêu thầm thì của trời, nhận lấy hơi ấm tỏa lên như lời ru của  đất. Sắc màu của chúng là sắc của ngàn tia nắng, của vạn ánh sao, cho nên màu của hoa dại không bao giờ có thể dùng lời để tả.  Bảy sắc quang phổ dường như chỉ là những ánh màu đơn giản khiêm nhường, đứng bên vô vàn sắc thắm không thể gọi tên làm nên những cánh hoa. Ta có thể ngại ngần đứng trước một đóa hồng kiêu sa, trang trọng. Nhưng lại muốn ùa vào lung linh sắc màu của những cánh hoa dại, vì những sắc màu đang rung lên bao cung bậc, như lòng ta, những tâm trạng không dễ gì cắt nghĩa, gọi tên.

        Hương của hoa dại không dễ định hình. Nó phảng phất chút lang thang của gió, du dương những  tiếng sóng vỗ, dạt dào màu cỏ thảo nguyên…Hương bình yên của mặt sông sớm mai còn ngái ngủ, hương rạo rực của rập rờn những cánh bướm mùa yêu.Hương trầm tư của những hòn đá tảng, hương ríu rít của những mỏ chim non trên tổ, lúc mẹ về. Không một thứ nước hoa thời thượng nào so sánh được với hương hoa dại, nước hoa chỉ là những mô phỏng thô thiển của hương hoa dại mà thôi.

        Hoa dại của thiên nhiên, không giống như hoa của người -  cứ phải tươi cười cho ai, sáng , trưa, chiều, tối. Hoa dại thức dậy vào buổi sáng và khép mắt ngủ về đêm. Vì thế, hoa dại cũng có những giấc mơ.Vì thế, bao nhiêu truyền thuyết về tình yêu và con người, ẩn trong những cánh hoa mỏng mảnh. Lặng lẽ, không lời, mà bao nhiêu người tìm đến hoa tâm sự. Bao nhiêu mối tình đã chọn cho mình một loài hoa, và coi đó là biểu tượng riêng. Hoa “bất tử”, hoa “xin đừng quên em”…và bao nhiêu cái tên mang lời nhắn nhủ. Người ta tin vào hoa dại. Một mùi hương thành thật, một dáng kiểu chân chất, không uốn éo, điệu đà,một sắc màu không bị tô vẽ, nhuộm tẩy. Có bao nhiêu cô bé trên đời này đã từng tin vào vòng hoa cúc đội đầu, với giấc mơ Hoàng tử và Bạch mã, với đinh ninh về một đám cưới hạnh phúc có cô dâu đội vòng hoa cúc trắng! Đã có bao giọt nước mắt thơ ngây rỏ xuống, khi những cánh hoa cúc dừng lại ở hai chữ “ không yêu”! Cuộc đời là dâu bể, mà người vẫn tin hoa, vẫn truyền niềm tin cho cháu, con, cả khi đã làm bà, làm mẹ.

        Hoa dại không mấy khi có tên, nhưng lại đựợc gọi bằng những cái tên gợi nhớ: Hoa thiếu nữ, hoa tình yêu, hoa thủy chung, hoa chia ly, hoa hạnh phúc…

            Hoa dại mọc lên từ thiên nhiên, và chỉ yêu khoảng không gian thiên nhiên của chúng: Dẫu là trên một cánh đồng rộng, trên một thoai thoải sườn đồi, dọc theo một lạch nước nhỏ nhoi, hay trên một vệ đường bụi bặm, dưới một gốc cây già cỗi, nứt ra từ một khe đá, chen chúc trong một khu vườn hẹp hay trải dài, bát ngát thảo nguyên. Có hơi đất, có khí trời là có hoa dại. Dường như đó là những giọt vui, những nốt nhạc hạnh phúc Thượng đế thả xuống cho trần gian.

           Hoa dại khước từ bình vàng, lọ ngọc. Chúng  sẽ nhớ thiên nhiên, sẽ buồn mà héo rũ.

          Có khi đi qua một khu vườn có hàng hàng, lối lối những hoa đua nhau hương sắc. Hoa đứng bên nhau, trật tự và bình yên và đẫm tràn hạnh phúc. Bỗng nhiên lại thấy một nhành hoa trắng muốt cố vươn mình, thò ra khỏi hàng rào. Giữa cảnh bình yên, thơ mộng, hiền hòa của khu vườn, nhành hoa ấy trở thành một nét vẽ lạ, như một cái lỡ tay của chàng họa sĩ , lại như một nét thoáng đạt của cây cọ vẽ, sau khi đã cong mình vẽ bao bức tranh hoàn hảo, chân phương một cách bức bối...Nhưng nhành hoa đó  tự nhiên đến mức, người ta bỗng có cảm giác cả khu vườn kia là cái bóng bất động, là một khối màu đậm đặc, bất lực vì không thể nói nổi cái điều muốn nói...Và cái lời muốn nói lại chính là cành hoa ngang ngạnh đang cố chui ra kia...Nó trắng muốt đến tinh khôi, nó mỏng manh đến độ tưởng như không có thực... Và nó rạo rực thơm, không cần e dè, giấu diếm, không kênh kiệu, làm duyên. Hương thơm là của nó, nó tỏa hương, vì cuộc sống của nó như thế, không vì ai, không cho ai...

         Ta đã dừng lại, và lần đầu tiên ta hái trộm hoa vườn người. Ta mang cành hoa ngang ngạng đó về, loay hoay tìm một cái bình  cho nó. Ta nảy ra ý định ngang ngạnh với bông hoa ngang ngạnh: Ta nhốt nó vào bình! Thế là hơn nửa cành hoa bị nhốt trong bình. Nó nhìn ta qua thành của chiếc bình thủy tinh trong suốt.Ta ngắm nó nằm ngoan ngoãn bên trong: mắt nó ngây thơ nhìn ta, có chút tinh nghịch hiểu ý, lại có chút cam phận biết lỗi, lại có chút tò mò xem ta sẽ đối xử với nó ra sao, chút thách thức rằng ta sẽ nghĩ nhiều về nó...

          Ta nhốt cành hoa, mà không ngờ từ đó ta nhốt luôn cả ý nghĩ của mình quẩn quanh bên nó...

          Ôi những nhành hoa dại!

 

 

 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 10 của tổng số 81 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: HienVC
10/06/2013 00:11:29

@HaiNV: Mình đã nghe toàn bộ album mà chắc Hải đã phải mất rất nhiều công chon lọc, rất cảm ơn Hải đã tặng cho các ACE KGU một khoảnh khắc để nhớ lại một thời đã qua.


Thế ra trong hội KGU không chỉ có mình vương vấn mãi không thôi với hoa đồng nội !



Từ: HaiNV
26/05/2013 08:54:12

 


@Em Huyền:  Em đừng buồn vì "chót yêu" Белая акация cũng như "hoa Sưa". Tên thật của cây/ hoa có lẽ chỉ có ý nghĩa đối với các nhà khoa học còn với các nhà văn, nhà thơ thì có gì là...quan trong đâu! Cả hai loài hoa đều có những vẻ đẹp tự nhiên và cũng rất giống nhau nữa, vì cùng Họ Đậu! Thực ra, từ lâu tên cây "Sưa' đã gây ra sự nhầm lẫn rất nhiều. Nói đến cây Sưa, tức là phải nói đến loài "Sưa đỏ" hay "Trắc...thối", thuộc Chi Dalbergia (Gỗ Trắc), là loài gỗ cực kỳ quý hiếm, thuộc Nhóm I, là cây cần bảo tồn đặc biệt (bị bọn trộm săn lùng vì gỗ đắt như vàng!). Còn cây "Sưa trắng" hoa nở khắp Hà Nội, từ lâu đã đi vào trong văn thơ (em và mọi người cùng yêu thích đó), thì thực ra có tên gọi khác là cây..."Thàn Mát", dân gian còn gọi là cây "Duốc cá'. Cây này cũng thuộc Họ Đậu, không phải là gỗ quý Nhóm I, nhưng là cây dược liệu. Hạt Thàn Mát có chất Saponin gây độc thần kinh cho cá, vì vậy ở quê người ta lấy hạt Thàn Mát giã nhỏ sắc nước đổ xuống sông, suối, ao, hồ, cá bị say lừ đừ, dễ dàng vớt lấy. 


Hoa Hoè cũng là cây dược liệu thuộc Họ Đậu, ngày nay cũng khá hiếm vì được dùng làm thuốc an thần, pha trà uống vào, ngủ ngon...


"Chiều" theo ý kiến của em, anh đã đổi tên Việt của bài hát trong Album thành "Dương Hoè Ngát Hương", như thế có được không?  


 



Từ: HuyenBT
25/05/2013 21:36:45

@Anh Hải ơi, anh đúng là người làm khoa học. Cái gì anh cũng tìm ra tận gốc rễ. Nhưng mà em buồn lắm, bao nhiêu năm nay em cứ nghĩ Acasia là cây hoa Sưa, nên em mới yêu nó nhiều đến thế, bây giờ hóa ra không phải hoàn toàn như vậy. Em mất công yêu quá! May mà 2 loài ấy có một chút "dây mơ, rễ má" với nhau, là cùng thuộc họ Đậu, nên hoa giống nhau. Hoa Sưa cũng đẹp đấy chứ anh, đẹp không kém gì Acasia đâu. Em nhớ hoa Sưa, là nhớ đến câu thơ ":  Lưu luyến hoa Sưa , buốt những chùm kỷ niệm". Em lại muốn anh gọi tên Acasia là "Dương hòe". Mình không gắn nó với nghiã "hoa hòe, hoa sói" là được. Thực ra, em cũng nhớ hoa Hòe lắm, bà em hay hái về nấu nước uống, giúp dễ ngủ, an thần. Nó tốt đấy chứ. Nó cũng đẹp nữa, trong Kiều có câu: " Gót Sen sẽ động giấc Hòe, Bóng trăng đã xế, hoa Lê lại gần", rất đẹp. Bây giờ cây Hòe có vẻ ít gặp, người ta không có đất để trồng nó cạnh nhà như xưa nữa. Mọi cái rồi cứ mất dần đi- những "người bạn tuổi thơ" của em. Em cảm ơn anh nhiều nhé. Dù sao em vẫn cứ yêu, cả hoa Sưa, cả Acasia!



Từ: HaiNV
24/05/2013 05:32:28

 


@Em Hương & Em Huyền: Từ ngày anh lập Album, lấy theo tên của một bài hát cũng rất nổi tiếng mà Людмила Сенчина đã hát là Песня о нежности - (Bài Ca Về Sự) Dịu Dàng (anh có dịch tạm lời thơ), có lẽ chỉ có mấy anh em mình vào nghe thì phải? Anh cũng đồng ý với em Hương, những bài hát theo điệu Valse thật tuyệt vời!


Hôm nay, anh đã quyết định đổi tên trở về với tên bài hát mà em Huyền đã dùng cho tên bài Blog của mình là "Полевые цветы" (anh dùng thêm tên Việt: Hoa Đồng Nội). Hy vọng, như vậy sẽ làm cho Album này sẽ được mọi người "ngó ngàng" đến nhiều hơn chăng?


http://www.studentkgu.vn/music/album/id_117/


P.S. Về cây Белая акация (có nguồn gốc châu Mỹ, sau du nhập sang châu Âu, có lẽ chưa  có ở Việt Nam), em Huyền gọi là "Hoa Sưa" cho thơ mộng, gần gũi với Hà Nội, cũng rất hay! Tuy nhiên,  Белая акация có tên khoa học (Latinh) là Robinia pseudoacacia, nhiều người dịch là "Dương hoè" hay "Keo giả", do Acacia là tên Latinh của cây Keo, còn Pseudo nghĩa là "giả". Trong khi đó, cây Sưa cũng là một loài thuộc Họ Đậu (Fabaceae) như Белая акация, nên trông hình dáng hoa của chúng khá giống nhau (tuy nhiên, hoa Sưa nhỏ hơn và không đẹp bằng Белая акация). Sưa có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis (có nguồn gốc Đông Dương - Tonkin: Đông Dươngcùng chi với loài Gỗ Trắc, nên còn có tên Việt khác là "Trắc...thối" (do khi đốt gỗ có mùi không lấy làm dễ chịu cho lắm), trong khi đó hoa Белая акация  hương thơm rất dịu! Anh xin "bật mí" thêm là gần đây, anh có tham gia một nghiên cứu về gen nhằm bảo tồn các loài thuộc chi Trắc trong đó có Sưa...đấy nhé!  Chính vì không muốn dùng tên "Hoè" ("Hoa hoè, hoa sói") nên anh tạm dịch Белая акация là "Keo trắng". 


@Anh Hiền: Ở comment dưới các bài hát, em chỉ chọn đưa các Clip của Людмила Сенчина thời con gái, thời của anh em mình.


 



Từ: HuyenBT
24/05/2013 02:53:15







Hôm nay em được la cà trang web lâu lâu một chút. Em nghe lại album những bài hát của Людмила Сенчина mà anh Hải đã tập hợp và post lên. Thích lắm. Những bài hát tình cảm chẳng bao giờ cũ, chẳng bao giờ già. Hơn nữa những bài hát đó lại chứa quá nhiều kỷ niệm thời sinh viên của anh chị em mình, những người KGU. Chỉ cần nhắc đến tên vài loài hoa thôi, cũng đã gợi đến một miền đất, một câu chuyện của năm tháng ấy rồi. Và giọng hát của nữ ca sĩ thì trong trẻo quá, thiết tha quá, nghe mà cứ thấy níu kéo một thời!


Em cảm ơn anh Hải đã bỏ thời gian, công sức để người KGU được trở về kỷ niệm tuổi trẻ của mình.


Chỉ có một điều nho nhỏ thôi, hoa Akasia trong tiếng Việt là hoa Sưa đấy anh. Gọi tên thế cho thông dụng, dễ hình dung, anh Hải nhé!


HaiNV đã viết:


Mới đây, người KGU được thưởng thức Blog "Полевые цветы" của em HuyềnBT với những cảm giác thật tuyệt vời.


Với hương vị như còn đọng lại từ "Hoa Đồng Nội" của Mùa Xuân, HaiNV tạo Album nhỏ này (chọn số ít trong hàng trăm bài hát) do Ca sỹ - diễn viên điện ảnh nổi tiếng Nga/ Ukraina Людмила Сенчина trình bày, với giọng ca Soprano trong trẻo và thanh thót như chim hót làm say đắm lòng ai...









 



Từ: HuongNT
24/04/2013 09:20:08

@ HuyenBT: Cám on em đã viết một bài tản văn tuyệt vời về Hoa dại. Chị say sưa đọc bài này, đọc đi đọc lại...và Huyền biết không, tràn ngập trong chị lúc này là những kỷ niệm từ 40 năm trước hiện về rõ mồn một Huyền ạ. Đó là tháng 7/ 1973 bọn chị trên tàu sang CCCP du học. Tàu hỏa chạy dọc theo hồ Baican, bọn chị say sưa ngắm nhìn phong cảnh nước Nga, ôi sao mà đẹp đến vậy! Và mỗi khi tàu hỏa dừng, chỉ vài phút thôi, bọn chị lại chạy ùa xuống hái vội những bông hoa rừng, nhiều nhất là những bông ramashki trằng và hoa bất tử tím...mang lên buộc vào cửa sổ tàu, để rồi có lẽ từ đó chị rất yêu những bông cúc trắng, những bông hoa thật khiêm nhường, giản dị. Tâm hồn Huyền quá tinh tế và nhậy cảm nên mới khám phá được những nét đẹp như thế của Hoa dại. Và tuyệt vời hơn là em lại viết được ra một áng văn cuốn hút lòng người đến vậy! Vừa đọc vừa nghe bài hát, chị thấy lòng mình thật nhự nhàng và thư thái. Cám ơn Huyền rất nhiều!


@ Chị Bích Chi: Một ngày gần cuối tháng 4, đọc bài tản văn của Huyền viết về Hoa dại từ tháng 3 (tháng của em) chợt thấy có lỗi với chị, nhưng nhất định em sẽ tìm bằng được một bức hoa landush để thêu tặng chị (vì chị đã chọn hoa này rồi nên em không thích tặng hoa khác). Em cũng rất thích loài hoa này chị ạ. Tiếng Việt gọi là Hoa Lan chuông hay hoa Hoa Linh lan. Nó có một màu trắng tinh khiết và hương thơm dịu nhẹ không lẫn vào đâu được. Thuở sinh viên cứ khi nào thấy có shampoon hoa này là em lại mua, mặc dù nó có đắt hơn. Ngày mai 25/4 là ngày của chị, em chúc chị luôn thật khỏe, hạnh phúc và tràn ngập niềm vui!


@ Anh HairNV: Cám ơn anh đã cho em được thưởng thức những bản nhạc van tuyệt vời! Trong tất cả các điệu nhảy, em thích nhất là van đấy. Lại nhớ đến Năm mới thuở sinh viên có lần quay van với HT Ngọc nóng toát cả mồ hôi...Clip vừa hay vừa đẹp. Những bông hoa xuyên tuyết đầy sức sống mãnh liệt anh hải nhỉ?


@ Chị Kaiser Kim Thu: Cám ơn chị đã cho em được ngắm nhìn một cánh đồng Hoa dại đủ sắc màu rực rỡ đẹp tuyệt vời mà em chưa từng thấy bao giờ! 



Từ: HienVC
23/04/2013 00:03:53

@ Huyen BT : Евгений Дога


Nếu anh nhớ không nhầm thì đó là một nhạc sỹ người Moldova nổi tiếng từ thời anh còn là SV KGU và bài valse đó thật tuyệt vời nghe mãi không chán.


Zara hát được nhiều thứ tiếng, rất truyền cảm còn riêng phát âm thì tiếng armenia anh không biết nên không dám bàn nhưng đấy là tiếng mẹ đẻ của cô ấy nên không thể không chuẩn được , tiếng Nga thì tuyệt vời, Adagio bằng tiếng Anh nghe cũng được tuy phát âm chưa hay lắm ( uống thuốc liều chê ca sỹ !).


Còn một ca sỹ nữa cũng người armenia hát cũng rất được là Irina Allegrova ( tiếc là khá cao tuổi rồi nên không thể gợi cảm bằng Zara !) anh cũng rất hay nghe.


Nhạc Việt hiện đại hầu như anh không nghe, chỉ nghe nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh thôi !



Từ: HuyenBT
22/04/2013 20:42:35

@ Anh Hiền, Á, à, mê cô ca sĩ gốc Armenia ấy hả? Cô này hát cũng "cảm xúc mạnh" lắm, hát rất truyền cảm. Em vẫn thích cô ấy hát bản Вальс.Мой ласковый и нежный зверь. của Евгений Дога.


Một trong những videoclip ở phần đầu com. bài này, cũng đã có giọng cô Zara này đấy anh.Giọng cô ấy rất tốt, hát được những bài rất khó. Công nhận là cô này cũng rất gợi cảm.


Anh Hiền có hay nghe nhạc Việt không ạ?


 



Từ: HienVC
21/04/2013 18:08:29

@ HuyenBT : Vẫn vướng vào hoa dại thì đúng hơn !


Nhưng bây giờ có một cô ca sỹ có thể phần nào làm thay đổi " quan điểm " của anh : Зара. 



Từ: HuyenBT
21/04/2013 03:48:46

@ Ôi, anh Hiền, anh vẫn còn loanh quanh bên Hoa dại!


Đúng thế anh ạ. Em cũng đã nghe rồi, nghe những lần hát sau này của cô ấy, quả là không còn được như lần đầu tiên. Cảm xúc ban đầu khó mà lặp lại được. Em không muốn nhắc đến một điều là giọng hát đã không còn trong trẻo, những luyến láy không còn tự nó rơi ra như hờn giận, như nhắn nhủ tha thiết của buổi đầu. Mà muốn nói đến cảm xúc. Cái niềm tin của cô bé ban đầu tuy là mãnh liệt lắm, đầy hy vọng, nhưng đâu đó vẫn mong manh, vẫn thoảng chút lo lắng...đó chỉ có thể là khi người ta vừa mới bước chân vào vườn yêu. Vì thế mà giọng hát làm run rẩy bao con tim. Đến tận bây giờ, thỉnh thoảng em vẫn nghe lại bài hát đầu tiên ấy, anh Hiền ạ. Và lần nào cũng vẫn thấy chút gì đó xao động, đôi khi cũng có thổn thức chút đỉnh...


Anh không bảo thủ. Anh chung thủy!




Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>