BLOGS  
 
RSS
Sau vụ khủng bố xã hội Na Uy đồng thuận hơn, đoàn kết hơn
Ngày đăng 18/10/2011 02:55:49 bởi NghiPH

NghiPH

Đoàn của tôi đến Oslo vào lúc 0h25 ngày 17.11.2011 sau chuyến bay dài 11h30 phút từ Băng Cốc. Về tới khách sạn rửa mặt, đi ăn sáng, chúng tôi có buổi làm việc đầu tiên với các bạn Na Uy trong chương trình đối thoại nhân quyền thường niên Việt Nam- Na Uy. Chủ đề trao đổi hôm nay là: 1. Vụ khủng bố 22/7/2011 và nguyên tắc suy đoán vô tội; 2. Vụ khủng bố 22/7/2011 và báo chí.

Về chủ đề thứ nhất, ông phụ trách cảnh sát điều tra hình sự của Na Uy cung cấp thông tin: Vụ khủng bố 22/7 đã làm cả nước Na Uy rung chuyển. Cả đất nước chìm trong đau thương vô hạn. Vụ nổ bom gần tòa nhà chính phủ giết hại 7 người và làm bị thương nhiều người. Vụ xả súng giết chết 69 người. Kẻ giết người Breivik đã ra đầu thú. Theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội, chúng tôi cần điều tra, thẩm vấn chu đáo nhưng dư luận xã hội và báo chí cho rằng tay này phạm tội là rõ ràng rồi, hắn đã tự thú thì không cần điều tra, thẩm vấn nữa. Chính vì vậy, chúng tôi đã mời các nhà báo đến dự thẩm vấn và đưa lên truyền hình. Xưa nay chưa làm như vậy bao giờ. Nguyên tắc suy đoán vô tội là thành tựu của nền tư pháp nhân loại chúng tôi nhất định không từ bỏ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Về chủ đề thứ hai, những người tham gia trao đổi đã điểm lại nội dung và thái độ của báo chí trong nước trong thời gian sau vụ khủng bố. Nhìn chung báo chí đã đề cập mấy nội dung sau:

Thứ nhất, nói về cá nhân tên khủng bố Breivik- một người sống trong một gia đình bố mẹ ly hôn, ly tán, có tâm lý không ổn định, sớm bỏ học, việc làm bấp bênh. Từ đây hình thành tư tưởng ghét người nước ngoài, chống đối chính quyền đã cho đạo Hồi phát triển ở Na Uy.

Thứ hai, viết về các nạn nhân của vụ khủng bố như về độ tuổi, nghề nghiệp, sở thích, tình cảnh gia đình.

Thứ ba, viết về phản ứng của các cơ quan nhà nước, nhà chức trách trong thời gian xảy ra vụ khủng bố. Báo chí khen Chính phủ luôn sát cánh với người dân ngay trong thời gian vừa xảy ra khủng bố, thành lập ủy ban độc lập điều tra về khủng bố. Chê Chính phủ, lực lượng cảnh sát đã phản ứng chậm trong vụ khủng bố này. Tại sao lực lượng cảnh sát không được trang bị máy bay trực thăng để ứng phó kịp thời, tại sao các cơ quan trọng yếu của nhà nước không được bảo vệ?

Thứ tư, viết về các khía cạnh chính trị- xã hội sau khủng bố.

         Các đảng chính trị đều học được nhiều bài học từ khủng bố. Nhân dân trấn an nhau, trấn an chính quyền không nên hốt hoảng vì khủng bố. Dư luận xã hội đòi hỏi các cơ quan công quyền chủ chốt phải được bảo vệ.

       Sau vụ khủng bố, xã hội Na Uy đồng thuận hơn, đoàn kết hơn, mọi người gắn kết với nhau hơn.

Thứ năm, ở góc độ hình sự cần nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi: Ở Na Uy có nên xác lập lại hình phạt tử hình đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng không? (Hiện nay theo pháp luật của Na Uy không có hình phạt tử hình)

Thứ sáu, chính báo chí phải nâng cao trách nhiệm xã hội, không thổi phồng các thiệt hại gây hoang mang cho nhiều người; không viết quá chi tiết về các tội ác.   

Ngày mai chúng tôi tiếp tục đối thoại.

 

Thời điểm này cả thành phố Oslo cũng đang được trải một mầu vàng rực (khá giống với màu vàng của thành phố Xanh Peterbua).

Thủ đô Na Uy chỉ có 550 nghìn dân nên không có nhu cầu xây nhà cao tầng. Các nhà chỉ khoảng 3- 5 tầng. Cả thành phố chỉ có một khách sạn cao 34 tầng và bị coi là ngôi nhà xấu nhất thành phố. Rất nhiều gia đình sống trong những căn nhà nho nhỏ xinh xinh. Khắp nơi có các khoảng cây xanh, thảm cỏ.

Trước năm 1914 Na Uy khi thì phụ thuộc Đan Mạch, khi thì phụ thuộc Thụy Điển. Nước này về diện tích tương đương với Việt Nam nhưng dân số chỉ có 5 triệu người. Họ có nguồn khoáng sản rất lớn, có nghề hàng hải, nghề đánh cá rất phát triển. Na Uy là một nước có mức sống rất cao trên thế giới. Chính quyền Na Uy khẳng định: Không vì nạn khủng bố mà thắt chặt, kiểm soát chặt con người đến mức vi phạm quyền con người. Nước Na Uy phải giữ gìn và phát huy thành tựu về dân chủ và pháp quyền đã đạt được sau nhiều thập kỷ tạo lập.

 

 

 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments

Từ: BinhPT
28/10/2011 16:46:49

Nghị ơi,


Cái mình quan tâm nhất là Tổng Nghị sẽ trình bày lại vấn đề ở Việt Nam như thế nào. Hay là mình chỉ cần nghe thôi, không cần trả lời và cũng không cần học. Hình như biết nhiều hơn thì buồn nhiều hơn đấy!



Từ: NhuanNT
27/10/2011 10:38:40

Nguyệt ơi, theo mình hiểu thì không hẳn là "mình luôn có quyền hãnh diện cho đến khi không có ai buộc tội mình một cách hợp pháp' mà là : mình vô tội (dù có bị bắt, bị công tố viên buộc tôi..) cho đến khi tòa án kết án là mình có tội.


TBT  giỏi viết về người ta quá. Mình có hết mọi thứ bằng văn bản, nhưng chính quyên có tin dân bao giờ đâu. Đến gặp công quyền thì trước hết người ta coi mình là kể 'có tội', không tin được cho đến khi có một con dấu đỏ nào đó chụp xuống xác định là mình 'vô tội'. Chỉ có con dấu đỏ và chữ ký của sếp là có quyền.


 



Từ: NguyetTM
23/10/2011 00:48:22

Cảm ơn anh Nghị. Em cũng mơ hồ ý tứ như vậy. Nay được Tổng Nghị giải thích tận tường nên cũng thấy trân trọng chế độ dân chủ thêm nhiều. Như vậy là mình luôn có quyền hãnh diện cho đến khi không có ai buộc tội mình một cách hợp pháp. Trời ơi, như vậy cũng bất công lắm, tổng Nghị ơi. Nhiều thằng lắm tội lắm nhưng mà pháp luật chưa rờ đến hoặc lờ đi, hoặc lắm thằng có tội quá nên pháp luật làm không xuể đấy.


Tuy nhiên, nguyên tăc suy đoán vô tội cũng làm cho tâm lý con người nhẹ nhàng đi rất nhiều rồi. Chúc tất cả mọi người lúc nào cũng suy đoán rằng xung quanh mình đều là những kẻ vô tội, thế là nhẹ nhõm và vui vẻ muôn đời.



Từ: NghiPH
22/10/2011 12:52:30

             Đối thoại về những vấn đề của con người, về các biện pháp thúc đẩy, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, Nguyệt à. Nước nào cũng có những thiếu sót, bất cập trong việc thực thi quyền con người mà.


            Nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định trong Điều 72 của Hiến pháp năm 1992 và Điều 9 của Bộ luật Tố tụng Hình sự nước ta: “Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt, khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.


            Nội dung nguyên tắc này thể hiện ở mấy điểm chính sau đây: 


-          Không ai bị kết án dựa trên giả định về có lỗi trong việc thực hiện tội phạm.


-          Người bị buộc tội không buộc phải chứng minh mình vô tội mà trách nhiệm chứng minh có tội thuộc về cơ quan tố tụng.


-          Khi tính có tội chưa được chứng minh thì đồng nghĩa với tính vô tội đã được chứng minh.


-          Tất cả nghi ngờ về tính có tội mà không được chứng minh phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị kết tội và theo hướng không có lợi cho cơ quan tố tụng.


Diễn giải theo ngôn ngữ của tố tụng hình sự, nguyên tắc này có nội dung như sau:


            -    Người bị tình nghi, bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Toà án.


            -     Nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội; người bị tình nghi, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình.


            -    Mọi nghi ngờ về pháp luật và chứng cứ phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo.


            Xét từ góc độ dân chủ và nhân quyền, nguyên tắc suy đoán vô tội là thành quả vĩ đại của cuộc đấu tranh vì dân chủ và vì quyền con người và tiến bộ xã hội của nhân loại. Nguyên tắc này là một trong những tiêu chí đánh giá một Nhà nước có thật sự dân chủ và tôn trọng con người hay không. Nó là linh hồn trong quan hệ giữa Nhà nước và công dân, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động tư pháp hình sự, đặc biệt là hoạt động tố tụng hình sự trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố và xét xử.


            Nguyên tắc suy đoán vô tội được hình thành trên cơ sở sự thừa nhận đạo lý: Mỗi người vốn dĩ được coi là là lương thiện cho đến khi nào bị chứng minh là bất lương.     


 



Từ: NguyetTM
22/10/2011 11:02:31

Anh NGhị ơi, thế nào là "nguyên tăc suy đoán vô tội" nhỉ ? Em là dân mù tịt về luật nên muốn anh giải thích sơ sơ cho có khái niệm một chút ạ.


Mấy tuần vừa rồi anh Nghị được hòa mình vào mùa thu châu Âu, thật là sung sướng. Em chẳng cần biết anh đã họp và bàn những gì ở Oslo mà chỉ nhìn thấy những hình ảnh về mùa thu lá vàng về công viên tượng của Vigeland là thấy đã rồi. Cảm ơn Tổng Nghị nhé.



Từ: GiangHV
18/10/2011 21:49:57

Chúc mừng Nghị lại được tiếp tục ngắm nghía Mùa thu vàng



Từ: LyTM
18/10/2011 19:18:39

Lo cho 5 triệu dân, chỉ bằng số dân Hà Nội thì dễ rồi! Nhưng ít người mà thừa của thì vắng vẻ và cũng buồn lắm!



Từ: CuongLV
18/10/2011 10:38:50

Tôi có hạnh phúc được thực tập khoa học tại Na Uy 3 tháng (6/1990-9/1990) tại Tronheim - thành phố lớn thứ hai sau Ôslô. Cảm nhận của tôi cho đến nay là Na Uy là đất nước rất thanh bình, dân di cư từ các châu lục được nhà nước Na Uy tạo mọi điều kiện sống, làm việc tối ưu nhất. Na Uy rất mạnh về khai thác dầu khí biển, họ chú trọng khai thác ở các mỏ ở xa trước, mỏ ở gần sau. Ngành lương thực được nhà nước ưu đãi, nông dân được đầu tư, bảo hộ rất tốt cho dù Nhà nước nhiều năm phải đổ ra biển hàng trăm ngàn tấn lương thực để giữ nguyên tắc không bán phá giá tại Châu Âu nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc ga. Tuy nhiên cũng có những khu ổ chuột - nơi các công dân thất nghiệp nhưng dùng tiền trợ cấp chỉ để...uống rượu.