Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bến Cát và Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã truy tố mấy người mà dư luận xã hội gọi là “đinh tặc’ theo tội danh: “Cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”.
Ta thử xem xét hành vi này theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố:
Xét về mặt chủ quan, người rải đinh hoặc người tổ chức cho người khác rải đinh nhận thức được hành vi của mình có thể gây thiệt hại đến tài sản của người đi xe máy, xe ô tô trên đường, thấy trước hậu quả có thể xảy ra, nhưng đã có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Xét về mặt khách quan, kẻ có hành vi vi phạm pháp luật là đã rải đinh trên đường quốc lộ.
Chủ thể của hành vi (nếu chứng minh được là tội phạm) này là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định đều có khả năng trở thành chủ thể của tội giết người. Theo quy định của Bộ luật hình sự, thì người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Từ 16 tuổi trở lên: Chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Khách thể của tội này là quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản ( xe máy, ô tô).
Dư luận đang “thể hiện ý chí” là “đinh tặc” phải bị truy tố theo tội “Giết người”
Nếu truy tố “đinh tặc” theo tội “ Giết người” thì cần làm rõ:
Xét về mặt chủ quan, người rải đinh hoặc người tổ chức cho người khác rải đinh nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người đi xe máy, xe ô tô trên đường, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng đã có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Xét về mặt khách quan, kẻ phạm pháp có hành vi rải đinh trên đường quốc lộ.
Chủ thể của hành vi (nếu coi là tội phạm) này là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định đều có khả năng trở thành chủ thể của tội giết người. Theo quy định của Bộ luật hình sự, thì người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Từ 16 tuổi trở lên: Chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Khách thể của tội này là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người đang sống.
Các cơ quan chức năng ở Bình Dương cho rằng, truy tố “đinh tặc’ tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản hủy hoại của người khác” là phù hợp vì những đối tượng rải đinh không có động cơ, mục đích giết người.
Còn dư luận xã hội lại cho rằng, nếu truy tố “đinh tặc” tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” sẽ dẫn đến án phạt không đủ sức răn đe những kẻ kiếm tiền bằng hành vi đê hèn, ác độc.
Theo phân tích sơ bộ của tôi ở trên thì nếu truy tố “đinh tặc” tội “Giết người”, cơ quan tố tụng phải chứng minh được rằng hành vi của đinh tặc là có mục đích giết người. Hành vi của đinh tặc đã xâm hại đến quyền sống, đến tính mạng của những con người cụ thể chứ không phải /không chỉ là xâm hại đến quyền sở hữu, đến tài sản của những chủ thể cụ thể.
Theo cách lập luận này thì có lẽ việc truy tố theo tội danh “cố ý làm hư hỏng tài sản” là phù hợp chăng?
Mời anh chị em thảo luận tiếp.