Qua ý kiến của anh Hiền và HT, mình đành vào mạng lấy ra và mạo muội "dán" cái bài này lên:
"Tặc, tặc, tặc... nhà báo ơi !"
Không hiểu sao dạo này cánh nhà báo chúng ta lại "sính" dùng chữ tặc đến thế? Hễ nơi đâu có xảy ra những hiện tượng tiêu cực có tính chất đồng loạt thì cứ đem chữ tặc gán vô ! Do thấy chữ tặc xuất hiện quá nhiều trên mặt báo nên tôi thử... sưu tập các loại... tặc. Nay xin được mạo muội "công bố"...
Trước hết là cái tin Đủ loại tặc trên... báo nhà: "Mỗi độ hè về, du khách thập phương đổ về Sầm Sơn (Thanh Hóa) tắm biển... Có điều không hiểu sao nhiều "tặc" đến thế. Nào là "xích lô tặc", "ghế tặc", "ngựa tặc", "rác tặc"... Mùa hè này lại xuất hiện thêm "điện tặc" (Báo Thanh Niên, trang 14 ngày 16/5/2005). Đọc đoạn tin này chúng ta có thể hiểu được: giới đạp xe xích lô, cánh cho thuê ghế, thuê ngựa... chèo kéo, làm tình làm tội dẫn đến... làm tiền du khách, còn "rác tặc", "điện tặc" thì... phải đọc kỹ mới hiểu ! Vậy thì ta cùng đi từ "tặc... dễ hiểu" đến "tặc... khó hiểu" nhé!
Nạn rải đinh cho xe mô tô cán ("Đinh tặc" - Báo Thời Trang Trẻ, trang 46 ngày 25/8/2004). Nạn đốt rừng và phá rừng: Rừng Thái Nguyên - cuộc chiến với hỏa tặc và lâm tặc (Báo Nhân Dân hằng tháng số 88/8-2004). Nạn phá hoại trên mạng Internet: bài Brazil, "thủ đô tin tặc" của thế giới (Báo Người Lao Động ngày 16/9/2004). Nạn đào đãi vàng, khoáng sản trái phép, vô tổ chức: tin Quảng Nam: tập kích "vàng tặc"... (Báo Tuổi Trẻ ngày 13/9/2004). Nạn phá hoại cây cối, hoa màu: bài Một nông dân điêu đứng vì 6 lần bị "nông tặc" (Báo Pháp Luật ngày 29/9/2004). Bài La Le - "khoáng tặc" lộng hành (Báo Tiền Phong ngày 23/8/2004), bài Bao giờ "khoáng tặc" hết hoành hành? (Báo Tuổi Trẻ chủ nhật ngày 12/9/2004), bài Chính quyền xã Trà Thanh có tiếp tay cho "vàng tặc"? (Báo Tiền Phong 15/9/2004), bài TP Hồ Chí Minh: "kiểng tặc" lộng hành ở vùng ven (Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 22/10/2004), bài Vào vùng "thiếc tặc" lộng hành (ngày 3/6/2005),...
Đó là những chữ tặc tương đối dễ hiểu, còn rất nhiều những tặc "hiểu chết liền": Lũ mèo hoang phá phách (tin Mèo "tặc" - Báo Lao Động ngày 26/8/2004). Bọn trộm sử dụng ghe, tàu ra giữa biển bắt trói hành hung những người nuôi nghêu và cào luôn các "vật nuôi" của họ ("Nghêu tặc" lộng hành - Báo Người Lao Động ngày 1/9/2004). Chỉ trong một số Báo Pháp Luật TP.HCM ra ngày 18/8/2004 có đến 2 loại "tặc" đó là "tiêu tặc" và "béc tặc" khó hiểu: hóa ra ai đó đã "sát thủ" hết hơn 100 nọc tiêu của một bà lão nông dân tội nghiệp ở Long Khánh (Đồng Nai) vậy là có cái tin ngắn “tiêu tặc", nhưng vẫn chưa "siêu" bằng kiểu gọi "béc tặc": dân trồng rau ở Đà Lạt luôn bị mất trộm cái van tưới bằng kim loại gắn ở đầu các ống dẫn nước để có thể tưới xoay chiều tự động - gọi là cái "béc" (bài Đà Lạt: "Béc tặc" quấy nhiễu các vườn rau, trong bài còn hai lần dùng từ "nông tặc"). Ở Bến Lức (Long An) gần đây có những kẻ "bệnh hoạn" khoái kè theo chị em phụ nữ rồi bất ngờ phóng kim tiêm vào... vòng số 3 của họ rồi bỏ chạy. Đó là bài "Mông tặc" tái xuất giang hồ ở Long An (Báo Người Lao Động ngày 25/5/2005), bài Long An: nạn "mông... tặc" lại hoành hành (Báo An Ninh Thế Giới ngày 1/6/2005). Trên Báo Pháp Luật TP.HCM có đăng bài Bạc Liêu: 22 "dê tặc" bị bắt ! - đọc tựa đề, rất dễ hiểu nhầm là cả một "trung đội" này rủ nhau đi "khám điền thổ" và bị tó. Nhưng không phải: "dê tặc” cứ rảo quanh xóm dò la, thấy được là... dắt dê đi dù giữa ban ngày. Chỉ trong 2 tháng chúng đã trộm khoảng 300 con dê".
"Tặc" - từ Hán - Việt, có nghĩa: làm loạn, phản - cướp bóc - làm hủy hoại, hư hỏng..., nên chỉ có thể ghép với một từ Hán-Việt khác: nghịch tặc, phản tặc, hải tặc, không tặc, lâm tặc, khoáng tặc... Còn nếu ghép chữ "tặc" với những từ "thuần Việt" như: vàng, đinh, kiểng, tiêu, dê, mèo... thì e rằng chúng ta đang đơn giản hóa tiếng mẹ đẻ. Dẫu sao, quyền thẩm định thuộc về những nhà ngôn ngữ học. Còn đây, chỉ là "Lời quê chắp nhặt dông dài. Nhân ngày nhà báo... tấu hài cho vui" !
Hà Đình Nguyên
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)
http://vietbao.vn/Van-hoa/Tac-tac-tac-nha-bao-oi/45159137/181/