Trước hết ta nên ghi lại để cùng đọc lên bài thơ bất hủ này:
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Bản phiên âm Hán-Việt)
Một trong những bản dịch bài thơ:
Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách Trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
Theo tôi, bài thơ này không phải do Lê Hoàn hay Lý Thường Kiệt sáng tác. Nó là sản phẩm của văn học dân gian. Nó là bài thơ thần. Chính nhân dân đã tạo nên cái thần của bài thơ này. Bài thơ Nam quốc sơn hà là của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Hai con người vĩ đại của dân tộc Lê Hoàn (Lê Đại Hành) và Ngô Tuấn (Lý Thường Kiệt) đã biết sử dụng bài thơ này đúng lúc để khích lệ tinh thần tướng sĩ bên ta và làm hoảng loạn tinh thần tướng sĩ bên địch. Chính vì thế bài thơ thần Nam quốc sơn hà đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 981 (chiến thắng Bạc Đằng lần thứ 2 trong lịch sử dân tộc ta) và chiến thắng trên trận tuyến sông Như Nguyệt năm 1077.
…Năm 1979 tại Hội diễn mùa Xuân, khi dựng kịch Bài học nhớ đời, anh chị em khoa Luật đã sử dụng bài thơ này để kết thúc vở kịch qua giọng đọc sang sảng của Phan Bạch Hà (Luật 1980).