Khoa ơi, 35 năm qua kể từ ngày về làm việc ở Viện KHVN, mình rất hay được nghe, được đọc những gì cụ Tụy viết. Nói chung, mình rất kính phục Cụ, tâm huyết của Cụ đối Nền Khoa học và Giáo dục của Nước nhà (Cụ Tụy còn là bạn của Ba vợ mình, em vợ mình cũng từng làm chỗ Cụ một thời gian, rồi bỏ Toán). Duy có một điều (nói thẳng nhé) mà mình không nhất trí lắm với Cụ, đó là chuyện Cụ nói đi nói lại nhiều lần về: "sự hẫng hụt thế hệ". Mình nghĩ, các cụ bảo "Con hơn cha, nhà có phúc", mà qua những thế hệ thì đồ thị luôn là hình SIN, tức là: Trong một Đất nước, trong một Dòng họ, trong một Gia đình, trong một lĩnh vực khoa học - Công nghệ, lĩnh vực Kinh tế, lĩnh vực Sản xuất - Kinh doanh... có thể có những cá nhân xuất sắc, giỏi, khá... qua một vài đời/ thời kỳ, rồi lại kém đi, để rồi sau đó lại khá lên...cứ thế lặp đi, lặp lại. Đơn cử trong Toán học: thời cụ Bửu, Cụ Thiêm, Cụ Tụy, những người giỏi như các Cụ đếm đầu ngón tay, nhưng bây giờ mình tính số nhà Toán học VN, trẻ và giỏi chắc chắn đông hơn rất nhiều! Có thể họ thực dụng hơn, ít tâm huyết hơn, nhưng không thể nói là "hẫng hụt thế hệ" được! Ngành Sinh của mình hay Lý của Khoa cũng tương tự như vậy, đúng không? Ngày xưa Nguyễn Trãi viết: "...Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có...". Đó mới là một đánh giá hết sức khách quan! Vấn đề tổ chức làm sao để "hào kiệt" đời nay phát huy được vai trò của mình?