ACE Sâu bọ, Ong bướm hay Sinh vật chắc chắn là thạo thịt ngỗng, vịt, thỏ, chuột ...đại loại là các con vật làm thí nghiệm. Và thạo luôn khoản chia phần; Chuyện này đeo đuổi tôi từ tuổi thơ, xin ý kiến của các "CÁC HẠ"
CHIA PHẦN
Câu chuyện ngụ ngôn Nga "Chia phần" do gia đình có trong tủ sách nên tôi đọc từ tuổi thơ đến lớn, đến khi sang Nga tôi đọc bằng tiếng gốc; Ba mươi năm sau, năm 2004 quay Nga lại tôi lại tìm đọc cũng vẫn chỉ vẻn vẹn không đầy một trang, nhưng lại phát hiện nhiều điều ẩn chứa đằng sau một trang đó; Với tuổi thơ đó là câu chuyện về trí thông minh hóm hỉnh; Với những lứa tuổi lớn hơn nó lại in hình bóng vào tầm tuổi đó. Nội dung câu chuyện như sau:
Một vùng nọ có một chúa đất rất nhân từ, công bằng và rất trọng trí thông minh. Nông dân làm ăn rất dễ chịu. Có một gia đình nông dân nghèo do đông con, nhưng bác nông dân rất thông minh. Một hôm đi làm về, người vợ kêu lên: "Hết bột mì rồi, chỉ còn mỗi con ngỗng thì làm sao đây?" Bác nông dân nói: "Bà cứ thịt đi tôi đã có cách". Bác mang con ngỗng đến nhà chúa đất khi họ vừa ăn chiều tối xong; Hai vợ chồng, hai cô con gái và hai cậu con trai đang uống nước, Sau khi chào hỏi bác đặt vấn đề: "Thưa ngài nhà tôi nuôi được con ngỗng rất béo và rất thơm, tôi nghĩ nó chỉ xứng với gia đình cao quý như ngài, chứ nông dân chúng tôi chỉ đáng ăn bột mỳ thôi ạ". Chúa đất hiểu ngay và tiếp lời: "Cám ơn về thịnh tình, nhưng đã biếu là phải chia cho đẹp, nếu không chia được vừa mất ngỗng vừa ăn đòn đó nghe".
Bác nông dân lĩnh ý và mượn dao thớt chặt lấy cổ và đầu ngỗng trao cho chúa đất và nói:
"Cái đầu con ngỗng chưa toàn bộ tinh hoa, trí tuệ nó rất phù hợp với địa vị và tiếng tăm của ngài";
Trao cho vợ chúa đất cái phao câu ngỗng bác tiếp:
"Đây là phần màu mỡ nhất của con ngỗng vì bà là tay hòm chìa khóa giữ việc hậu cần nên phần này rất tương xứng với bà";
Hai cánh được trao cho hai cậu con trai để bay cao bay xa nối chí cha; hai chân thì hợp với hai cô để theo kịp bước chân bà mẹ;
Còn cái mình con ngỗng bác gói lại và nói: "Đây là bộ phận chứa những thứ xấu xa của con ngỗng nên nó chỉ hợp với nông dân cục mịch như tôi thôi".
Chúa đất vỗ tay hoan hô và khen:"Tay này giỏi, giỏi...đã chia hay lại còn không quên phần mình."
Lập tức thưởng cho năm bao bột mỳ. Từ đó, đi đến đâu chúa đất cũng kể chuyện và khen ngợi bác nông dân.
Trong làng có một phú nông nhà khá giả lại hay có tính đố kỵ, sau một thời gian nghe chuyện thì lấy làm bực mình, ghen tức và quyết định đem tặng hẳn 5 con ngỗng (cho biết mặt). Chết nỗi khi bảo phải chia phần thì đứng đực ra vì trong cơn máu tức dâng lên đã quên mất đoạn phải chia. Năm con ngỗng chia cho sáu, bảy người thật là bài toán quá sức.
Lập tức bác nông dân được triệu đến và tất nhiên điều kiện là không chia được sẽ bị đánh đòn.
Bác ung dung cầm một con trao cho hai vợ chồng chúa đất và nói: Hai ông bà với một con thành ba; Tiếp theo là: "Hai cậu với một con cũng thành ba" và "Hai cô với một con cũng thành ba". Còn lại "Hai con với tôi cũng thành ba".
Chúa đất liền vỗ tay hoan hô và khen:"Tay này giỏi, giỏi...đã chia hay lại còn không quên phần mình".
Phần thưởng là 10 bao bột mỳ, còn tay phú nông bị một trận đòn.
Tôi cứ trăn trở suy nghĩ về ý nghĩa của câu chuyện ngụ ngôn này; Liệu ta có thể rút ra được những kết luận gì hay? Tại sao bác nông dân chia thế mà được chấp nhận và khen và thưởng? Liệu có cách chia nào khác không? ACE hãy cho ý kiến.