Ai đã từng một lần đọc Nguyễn Xuân Khánh qua Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng ngàn đều không thể làm ngơ trước một tác phẩm mới của ông ở tuổi 80: Đội gạo lên chùa. Với 866 trang sách qua văn phong giản dị, đầy hình ảnh và màu sắc, có thể nói sách của Ông là cuốn sách viết về tâm linh Phật giáo về văn hóa làng quê Việt trải qua muôn vàn thử thách vẫn còn mãi một sắc đẹp rơm vàng, hương thị. Khốc liệt, gian khổ nhưng vẫn lung linh thuần khiết. Đẹp quá những người con gái của làng Sọ (Nguyệt, Huệ, Rêu…).
Trường đoạn viết về một giai đoạn bi thương của dân tộc (CCRĐ) được ông miêu tả không kém khốc liệt nhưng cũng đầy tính nhân văn, hướng thiện và không bi quan.
Nhưng tôi vẫn không thích cái cảnh ông mô tả đoạn bắt phạt những người tù lội vào hố phân: nó ghê ghê, tự nhiên chủ nghĩa (hơi hướng của Tô Hoài trong Chiều chiều khi mô tả cái nhà vệ sinh ở Hà Nội thời bao cấp).
Và có một từ được Ông dùng vài lần trong tác phẩm: tăn tiu”, mình không hiểu. Hay là một sáng tạo ngôn ngữ mới của Ông?
Đây là cuốn sách hấp dẫn, lôi cuốn làm ta muốn đọc đi đọc lại để thấm vào tâm hồn ta triết lý sống của đạo Phật, một triết lý đã ăn sâu vào tâm linh mỗi người con đất Việt.
“Kiếp nhân sinh là con đom đóm, nhưng dù sao cũng là ánh sáng”.