Bookmark:
RSS 1.0     RSS 2.0

Tổng số lần xem: 6581 - Tổng số hồi đáp: 5




Posted By: HaiNV on 08/09/2010 15:29:09


Liên quan đến vấn đề khai thác boxit, đã có rất nhiều ý kiến của các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học (trong đó có NBC)... đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thiết nghĩ, NguoiKGU không nên tranh luận sâu về vấn đề này. Nhân đây, tôi xin gửi lại links ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

http://www.tuanvietnam.net/dai-tuong-vo-nguyen-giap-gop-y-ve-du-an-bo-xit-tay-nguyen

Trở về đầu




Posted By: HaiNV on 08/09/2010 12:48:53


Thông tin thêm về NBC và phát minh bổ đề cơ bản:

Tạp chí Time của Mỹ (2009) đã ghi rõ:

Mấy năm qua, Ngô Bảo Châu, nhà toán học Việt Nam, làm việc tại Đại học Nam Paris và Viện NC Nâng cao (ISA) Princeton đã chứng minh tài tình BĐCB...

Over the past few years, Ngo Bao Chau, a Vietnamese mathematician working at Université Paris-Sud and the Institute for Advanced Study (IAS) in Princeton, formulated an ingenious proof of the fundamental lemma

http://www.time.com/time/specials/packages/article/0,28804,1945379_1944416_1944435,00.html


Như vậy, rõ ràng NBCnhà toán học VN, khi chỉ mang Quốc tịch/ Hộ chiếu VN đã có phát minh về BĐCB rồi, Giải thưởng Fields chỉ là sự ghi nhận cho phát minh trước đó. Năm 2010, NBC lấy thêm QT Pháp, nên tính cho 2 nước là có lý, có tình!

Ngoài ra, cũng nên xem thêm thông tin đầy đủ hơn về Ngô Bảo Châu ở Wikipedia tiếng Anh (Nhà Toán học VN, 2 Quốc tịch, giỏi toán từ khi ở VN, làm việc chính thức ở cả Pháp, Mỹ và VN...)

http://en.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%B4_B%E1%BA%A3o_Ch%C3%A2u

Trở về đầu




Posted By: KietNA on 08/09/2010 02:33:24


Xin đính chính lại là báo của Hội Nhà Báo VN, bài của tác giả Hàm Châu, một nhà báo rất quan tâm đến các em học sinh giỏi, các nhà trí thức Việt Nam.

Trở về đầu




Posted By: KietNA on 08/09/2010 02:11:48


Tôi thấy nội dung bức thư này của NBC gửi Quốc Hội rất vừa phải, đúng mực.

Tôi còn được đọc một bài viết trên báo của Hội Nhà Văn, nói khá chi tiết về NBC và giải Fields. Theo thông tin đọc được thì NBC vẫn dùng quốc tịch VN trong thời gian rất dài, và chỉ mang thêm quốc tịch Pháp khi Việt Nam cho phép anh mang hai quốc tịch (mặc dù cái hộ chiếu phổ thông do Việt Nam cấp đã gây khá nhiều phiền hà cho anh khi làm việc ở nước ngoài). Như vậy NBC rất tôn trọng và nâng niêu cái gốc VN của mình. Bởi vậy rất nên có tên Việt Nam trong giải Fields của NBC.

Trở về đầu




Posted By: HaiNV on 07/09/2010 19:58:26


Tôi xin được tranh luận thêm một lần nữa với anh bạn Trần Bắc Hải câu anh viết:

"Giải Fields của Châu là thuộc về nước Pháp. Nhưng nhân cách của Anh là nguyên khí quốc gia của Việt Nam".

Tôi không đồng ý với điều này. Giải thưởng là sự ghi nhận cho trí tuệ của NBC. Trí tuệ ấy có cội nguồn từ 100% gen người VN, môi trường đào tạo cho đến khi trưởng thành 0-18 tuổi (độ tuổi cho sự hình thành nhân cách và trí tuệ của 1 người trưởng thành là 18 tuổi, theo pháp luật được thực hiện đầy đủ quyền công dân) là 100% của VN. Sau đó, mới đến môi trường, cơ hội phát triển tiếp theo ở Pháp (17 năm và 3 năm cuối cả Pháp và Mỹ). Tuy nhiên, trong thời gian này cũng vẫn có một phần yếu tố VN: ví dụ NBC kiêm GS.VN 5 năm.

Về yếu tố Quốc tịch: Toàn bộ thời gian cho đến lúc NBC phát minh ra BĐCB (năm 2009) NBC chỉ mang Quốc tịch VN. Mãi sau khi phát minh BĐCB, đầu năm 2010, NBC mới thêm QT Pháp. Như vậy, xét về mọi yếu tố (kể cả việc NBC luôn khẳng đinh), NBC và giải thưởng Fields tính cho VN là hoàn toàn không có chuyện "vơ vào"! Tất nhiên, tính cho cả Pháp và VN là hợp lý nhất và... nếu như không có chuyện "overexciting" như vừa qua thì hay hơn nhiều!

Tôi cho rằng Wikipedia tiếng Anh ghi: Ngô Bảo Châu (với 2 quốc tịch VN và Pháp ) và tính 1 Fields Medal cho VN là rất công bằng! Mời các anh chị xem:

http://en.wikipedia.org/wiki/Fields_Medal

Nông Văn Hải

PS. Cũng trong links trên, ta thấy: cùng với Ngô Bảo Châu, nhà khoa học Nga làm việc ở ĐH Geneva Thụy Sỹ, khi nhận giải Fields vẫn tính cho Nga (tính theo Dân tộc/ Quốc tịch)!

Trở về đầu

Posted By: 3Chai trên 07/09/2010 17:35:50


Bài do TrinhNX (Sinh 78) gửi lên mail đàn KGU, tôi xin phép được gửi lại trang này có lẽ phù hợp hơn.

Tôi rất đồng ý với Trinh. Chúng ta có thể không đủ kiến thức Toán để hiểu được công trình của Châu, nhưng mỗi chúng ta đều có thể học ở Anh một văn phong rõ ràng trong sáng như Toán Học, và trên thế nữa là một nhân cách lớn. 

Giải Fields của Châu là thuộc về nước Pháp. Nhưng nhân cách của Anh là nguyên khí quốc gia của Việt Nam.

Trần Bắc Hải

********************

THƯ GỬI QUỐC HỘI

Thứ hai, 14/12/2009 

Kính gửi Quí vị Đại biểu Quốc hội khóa 12:

Đã có khá nhiều phản biện thuyết phục về kinh tế, ảnh hưởng môi trường và an ninh của dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, tôi không có gì bổ sung thêm. Tôi mạn phép cầm bút viết cho Quí vị với tư cách là một công dân suy nghĩ và trăn trở với vận mệnh của đất nước.


Phần lớn các Quí vị cũng như tôi không phải chuyên gia trong các vấn đề kể trên, nhưng với những tư liệu được cung cấp, chúng ta có thể chắt lọc một số sự thật hiển nhiên, gọi chúng bằng tên của chúng, sắp xếp chúng một cách có logic để mỗi người có thể có quan điểm riêng của mình. Đó là phương pháp làm việc khoa học mà qua trải nghiệm hàng ngày trong công việc của một nhà toán học, tôi biết nó không dễ dàng. Nhưng đó chính là trách nhiệm mà Nhân dân đã phó thác lên vai của Quí vị.

Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc dài và sâu như chính lịch sử Việt Nam. Người Việt Nam có phông văn hóa, cách suy nghĩ và ứng xử nhiều phần giống người Trung Quốc, không ít người Việt Nam có tổ tiên đến từ Trung Quốc. Quan hệ với Trung Quốc vừa là một phần hữu cơ vừa là một nguy cơ cho sự tồn vong của bản sắc Việt Nam. Đây là một dữ kiện lịch sử mà ta không nên mất thời gian bàn xem nó tốt hay xấu, đáng vui hay đáng buồn, mà dành thời gian để suy nghĩ đến hệ quả của nó. Suy nghĩ nghiêm túc có hệ thống tránh cho ta việc trong thời bình lại ứng xử tình thế như trong thời chiến: lúc thì “môi hở răng lạnh”, lúc lại xua đuổi Hoa kiều mà nhiều gia đình đã gắn bó với mảnh đất này qua nhiều thế hệ.

Cái tôi muốn đề cập đến trong bức thư này không phải là quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mà là chính sách “thực dân mới” của chính quyền Trung Quốc. Cũng như các nước Anh, Pháp trong thế kỷ mười chín, Mỹ trong thế kỷ hai mươi, công nghiệp Trung Quốc trong thế kỷ hai mốt phát triển như vũ bão. Hệ quả hiển nhiên là Trung Quốc hôm nay, cũng như các nước kể trên hôm qua, đói nhiên liệu, nguyên liệu và thị trường tiêu thụ các sản phẩm của mình. Như trong sách lịch sử cho học sinh phổ thông, ta gọi các nước Anh, Pháp cho quân đi chiếm thuộc địa là chính sách thực dân cũ, Mỹ trong thế kỷ hai mươi và Trung Quốc hôm nay dùng uy thế chính trị và kinh tế để dành nhiên liệu nguyên liệu và thị trường là chính sách “thực dân mới”. Đây cũng là một dữ kiện lịch sử mà ta không nên mất thời gian bàn xem thực dân cũ, mới là tốt hay xấu, gọi tên như thế có quá đáng hay không, mà dành thời gian để suy nghĩ đến hệ quả của nó. Hệ quả cho các nước bị thực dân như ở châu Phi thì ta biết : tài nguyên khai thác bừa bãi, môi trường tàn phá, kinh tế phát triển lệch lạc do quá phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên kéo theo tệ tham nhũng và bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng.

Trung Quốc thực hiện chính sách “thực dân mới” một cách có hệ thống ở châu Phi, châu Mỹ la tinh và mọi nơi có nhiên liệu, khoáng sản trong đó có Việt Nam. Trong trường hợp của Việt Nam, ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc có thể kéo thêm hệ quả nguy hiểm sau đây : quan hệ hữu cơ vốn có của văn hóa Trung Quốc với văn hóa Việt Nam trở thành đô hộ văn hóa. Đất nước, con người, văn hóa Trung Quốc có nhiều thứ để ta cảm phục và học tập. Nhưng nếu ta rập khuôn theo mô hình của họ, đi theo con đường họ đã đi, làm theo cái họ nói tức là cái họ muốn, thì ta chỉ nhận phần thiệt thòi, còn bản sắc ta thì tồn vong được bao lâu. Vấn đề độc lập văn hóa, giữ gìn bản sắc vô cùng hệ trọng, xin Quí vị lưu ý…

Xin quay lại vấn đề khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Đọc tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc năm 2001 khi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Trung Quốc và năm 2006 khi Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam, ta nhận thấy một điều hiển nhiên là Trung Quốc rất quan tâm đến tài nguyên này và muốn ta khai thác bằng được. Trong những trường hợp như vậy, chỉ suy diễn ta cũng thấy việc này có lợi cho họ nhiều hơn cho ta.

Tuy nhiên, suy diễn thôi không đủ. Nghiên cứu kỹ Báo cáo của Chính phủ và các phản biện đặc biệt quan tâm đến những con số, cá nhân tôi có ý kiến sau đây :

1) Dữ kiện chính của vấn đề là Việt Nam có nguồn tài nguyên bô-xít lớn thứ ba thế giới chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên. Dữ kiện này kéo theo sự quan tâm của các nước công nghiệp đói bô-xít chứ không kéo theo ta phải khai thác bô-xít. Về phía ta, dữ kiện trên kéo theo ta có thể lựa chọn có khai thác bô-xít hay không và nếu có, ta có thể lựa chọn thời điểm và qui mô thích hợp.

2) Báo cáo của Chính phủ cho biết qui hoạch bô-xít được lập trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng. Tại thời điểm này, kinh tế toàn cầu đi vào khủng hoảng, có nguy cơ kéo dài.

Dữ kiện chính về kinh tế vĩ mô không còn đúng nữa, không rõ hiệu quả kinh tế đã được tính toán lại như thế nào. Trong báo cáo của Chính phủ, phần chắc chắn là phần lỗ những năm đầu, vì là lỗ kế hoạch. Ngay cả tính toán giả định ta cũng chưa rõ là sẽ lỗ kế hoạch bao nhiêu năm. Phần lãi sau đó phụ thuộc vào nhiều giả thiết : giá nhôm tăng trở lại, mưa đủ để có nước rửa quặng, nhà nước đầu tư thêm vào đường sắt để vận chuyển quặng. Nếu cứ cho mỗi giả thiết sác xuất 50-50 như cách diễn đạt của lãnh đạo Than khoáng sản, sác xuất có lãi sau một số năm lỗ kế hoạch, nhiều nhất là một phần tám, chưa tính đến chi phí cho môi trường.

3) Diện tích sử dụng cho khai thác bô-xít dự kiến là 8,6% tỉnh Đắc Nông là một con số khổng lồ nếu ta nghĩ đó là 8,6m2 trên tổng diện tích 100m2 nhà của ta.

4) Báo cáo cho biết khai thác bô-xít không thể tránh khỏi ảnh hưởng nhất định đến môi trường và có nêu một số giải pháp công nghệ khắc phục. Trong các phản biện có nêu khó khăn đặc thù của ta là khai thác bô-xít ở đầu nguồn một số sông lớn như sông Đồng Nai, chưa có tiền lệ trên thế giới. Cá nhân tôi băn khoăn nhất chỗ thiếu hoàn toàn dự toán chi phí cho việc bảo vệ môi trường. Ngay trong nhưng trường hợp đơn giản hơn như Vedan, công nghệ thì đã có, nhưng vi phạm môi trường thì vẫn đỡ được 30% chi phí. Như vậy phần ảnh hưởng đến môi trường là phần chắc, phần bảo vệ môi trường còn phụ thuộc vào nhiều giả thiết, có cái phụ thuộc vào ta (chọn công nghệ), có cái không phụ thuộc vào ta (thời tiết, địa thế), có cái ta chưa tính toán đến (chi phí), vì vậy rất đáng lo.

5) Báo cáo cho biết dự án có ảnh hưởng tốt cho xã hội, cụ thể tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho nhân dân địa phương. Nếu so sánh với mức đầu tư hàng tỉ đô-la Mỹ, thì có nhiều cách hay hơn, an toàn hơn, hiệu quả kinh tế nhãn tiền hơn, để tạo vài ngàn việc làm. Lưu ý con số công ăn việc làm trong báo cáo tương đương với con số hộ dân bị di chuyển. Còn viễn cảnh xây dựng trung tâm dịch vụ, khách sạn, du lịch và giải trí xung quanh hồ chứa bùn đỏ, theo tôi, ít có sức thuyết phục.

Xin nhắc lại, cũng như phần đông Quí vị, tôi không phải chuyên gia ngành khai thác khoáng sản, nhưng qua nghiên cứu kỹ Báo cáo của Chính phủ và các phản biện của nó, tôi nhận thấy trong Quy hoạch chung khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh. Bối cảnh kinh tế thế giới rất không thuận lợi cho khai thác nguyên liệu thô, vậy cái gì thúc đẩy ta triển khai khai thác ào ạt vào thời điểm này.

Khác với các nước Châu Phi thế kỷ mười chín, đất nước chúng ta là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Quí vị, phần nhiều ở tuổi cha, tuổi chú của tôi, biết rõ hơn tôi : độc lập chủ quyền của ta không phải tự nhiên mà có. Nước ta có một Quốc hội do nhân dân bầu ra, một Chính phủ do Quốc hội chỉ định, một Quân đội phục tùng Chính phủ. Đó là một thành quả cũng không phải tự nhiên mà có.

Tôi kính mong Quí vị bỏ thời gian, nghiên cứu tường tận Báo cáo dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên, các phản biện khoa học của nó, lắng nghe ý kiến cử tri và suy nghĩ đến sự tồn vong của đất nước, để rồi xây dựng quan điểm riêng của Quí vị, trình bày nó rõ ràng trong nghị sự của Quốc hội và chịu trách nhiệm về nó trước các cử tri. Tôi rất biết đây là việc khó, nhưng dù Quí vị muốn hay không muốn, nhân dân đã đặt niềm tin lên vai của Quí vị.

Ngô Bảo Châu

(TrinhXN Sinh78 sưu tầm)

15/11/2024