Thí nghiệm mà các nhà vật lý của CERN tiến hành nhằm kiểm tra lại kết luận hạt neutrino đạt tốc độ nhanh hơn ánh sáng được công bố hồi tháng 9/2011 vẫn cho kết quả tương tự.
Thông tin nói trên được bà Natalia Polukhina, nhà vật lý người Nga tham gia dự án tiết lộ với hãng Thông tấn Ria Novosti.
Trong đợt thí nghiệm mới, chùm neutrino chuyển động trên một khoảng cách là 730 km nhanh hơn ánh sáng 57 nano-giây.
Nói với hãng thông tấn RIA Novosti, bà Natalia Polukhina nhận xét rằng trong đợt thí nghiệm mới, các kết quả cùng lặp lại độ tin cậy đó với sai lệch là 6 chuẩn (nói về phát minh của các nhà vật lý, thu được sai lệch 5 chuẩn đã là đủ).
Trong những thí nghiệm trước, các hạt hạ nguyên tử (subatomic), thường gọi là hạt sơ cấp (cụ thể ở đây là neutrino) đã xuyên qua lòng đất từ máy gia tốc SPS đặt tại CERN, Thuỵ Sĩ đến Phòng thí nghiệm Gran-Sasso, Italia nhanh hơn ánh sáng 60 nano-giây. Kết quả bất ngờ này của các nhà khoa học châu Âu thực tế đã được các hãng thông tấn loan báo trên toàn thế giới.
Ngay lập tức đã nổi lên dư luận phủ nhận Thuyết tương đối của Einstein. Và không lấy gì làm ngạc nhiên, chính sự phát hiện những hạt “siêu ánh sáng” này sẽ đe doạ lật đổ những cơ sở của vật lý học hiện đại.
Hiện nay, sau khi các nhà vật lý lặp lại thành công kết quả đầy ấn tượng đó, họ có ý định xuất bản bản tổng kết các việc làm của mình và đưa ra trước công luận.
Theo những lý thuyết hiện đại, không một vật thể nào ở quy mô nguyên tử lại có thể chuyển động trong vũ trụ nhanh hơn tốc độ của ánh sáng, vì điều đó mâu thuẫn với thuyết tương đối của nhà vật lý vĩ đại Albert Einstein. Người ta đã thực hiện hàng nghìn thí nghiệm kiểm tra để xác định giá trị chính xác tốc độ của ánh sáng, song chưa lần nào gặp được một hạt lại vượt được hằng số vật lý cơ bản này.
Nói tóm lại, hiện tượng một hạt sơ cấp hay hạ nguyên tử lại chuyển động nhanh hơn tốc độ ánh sáng thì trong lý thuyết là điều không thể, còn trong thực tế, cho tới nay, chưa bao giờ phát hiện ra.