Từ thủy chung đối với phụ nữ đã rất cảm động, nhưng đối với người đàn ông thì không từ gì diễn tả nổi. Mà không phải sự thủy chung nào cũng có hậu. Cuộc đời của nhà thơ- nhà văn Thanh Tịnh (1911-1988) là một trong số đó.
Vào năm 1946, Bác Thanh Tịnh, từ Huế ra Việt Bắc họp Đại hội Văn hóa, đúng thời điểm ấy diễn ra Toàn quốc kháng chiến, rồi bác đi theo cách mạng, cũng từ đó, chiến tranh đã chia cắt bác với quê hương, gia đình. Căn phòng bác ở tại số 4 Lý Nam Đế, ngay bên cạnh nhà tôi, bác là bạn của bố tôi. Hồi nhỏ, tôi nhớ bác tính từng ngày để được trở về Huế. Sau khi tốt nghiệp từ Kisinov trở về, tôi ngạc nhiên khi gặp bác, mà không dám hỏi. Sau này nghe kể lại rằng sau khi đất nước thống nhất, bác Thanh Tịnh chỉ về Huế duy nhất một lần, và việc làm duy nhất trong lần về Huế ấy là viết đơn xin bảo lãnh cho người chồng sau của vợ. Một đại tá cách mạng bảo lãnh cho một đại tá chế độ cũ vì một người phụ nữ mà họ yêu thương.
Năm 2003, có dịp vào Huế dự Hội nghị, tôi ghé vào thăm gia đình bác gái, các con phòng lưu niệm về bác. Sau đó anh con trai cả của bác đưa tôi ra viếng mộ bác dưới chân núi Thiên Thai, phía Tây thành phố Huế.
Vợ bác mất ngày 12-12-2011, đúng ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bác.