Vùng đất từ Quảng Bình vào tới Bình Thuận, ông bà ta giành được trong thời kỳ các triều vua Lý, Trần, Lê, Hồ từ Chiêm Thành chủ yếu bằng gươm, giáo.
Vùng đất Nam Bộ ngày nay có thời thuộc nước Phù Nam. Chân Lạp đã thôn tính Phù Nam. Đến giai đoạn Chân Lạp suy yếu thì vùng Chân Lạp thấp gần như các vua Chân Lạp không cai quản được nữa. Các chúa Nguyễn đã dùng tâm, dùng trí huy động người Việt, người Hoa dần dần chiếm lĩnh vùng đất này.
Có thể nói, vùng đất Nam Bộ, ông bà ta giành được chủ yếu bằng tâm, bằng trí, bằng các công cụ chặt cây cối, phạt lăn lác, bằng mai, cuốc, thuổng khai phá đất hoang, đào các kênh rạch chằng chịt để thau chua, rửa mặn, ... tạo thành một đồng bằng trù phú.
Các cuộc chinh phạt nào cũng thường đi đôi với việc tàn phá văn hóa của dân tộc, của tộc người bị thống trị. Đây là vấn đề đã thành quy luật. Một quy luật cay nghiệt, đớn đau!
Gần đây, một số quốc gia đã công khai xin lỗi dân tộc tại chỗ về những hành động tàn phá này.
Ngày nay, nhân loại đã trở nên văn minh hơn. Người ta tôn trọng, bảo tồn, phát huy văn hóa của mọi tộc người. Tuy nhiên, đây là vấn đề vô cùng khó thực hiện ở mọi quốc gia trên thế giới bởi vì các cơ sở kinh tế, xã hội, môi trường, rừng cây, núi đồi, nguồn nước, chim thú... bao năm qua đã có sự thay đổi rất dữ dội!
Văn hóa tộc người thường tồn tại, phát triển trong một khung cảnh kinh tế- xã hội- thiên nhiên nhất định. Thiếu điều kiện này, thiếu khung cảnh này thì dù cố gắng đến mấy cũng khó đạt được như mong muốn! Ý đồ khôi phục nguyên trạng là ý đồ không tưởng.