Gửi Diện,
Em hãy chiêm ngưỡng ảnh trên trước, ảnh các chị đa phần là CL77 đấy, chụp hè vừa rồi, chuẩn bị cho đám cưới con chị Phạm Bình (OB77).
Câu chuyện các chị CL77 thì dài lắm, xin được trích dẫn riêng từ các bài viết của anh:
“Các chị Hóa 1977 thì lại ở một cực khác. Nổi tiếng là vui tếu, đúng ra là nói nhiều, nổi tiếng ở Кишинёв. Và rất hay trêu chọc người khác. các chị ấy gọi thầy giáo là “ông chọi”, "má đào", gọi cô giáo là “bà ngựa”. Các anh Toán Lý đi đường mà gặp các chị Hóa là lập tức rẽ ngang, không tội gì phải giáp mặt mấy chị này, hình như các anh ấy rất thấm nhuần lời dạy của các cụ nhà ta “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Anh Lọ (Toán 1977), có đổi tên sang là Hưng, các chị ấy kháo nhau là “Tao sắp đan xong cái áo cổ Hưng”, làm cho anh Lọ chết khiếp không dám đổi tên nữa. Hôm nào đội Hóa đánh bóng chuyền (dân Hóa không biết đá bóng) thì sẽ không may cho đội nào phải đối đầu với đội Hóa, vì thực chất là đối đầu với các chị Hóa. Các chị ấy sẽ bình phẩm cầu thủ đội kia với đủ các góc cạnh, sẽ cú cho phát bỏng hỏng, sẽ chế riễu đội kia nếu đánh trượt. Mà tần suất nói của các chị ấy nhanh như tên lửa, rào rào như mưa xa, đối phương chỉ có biết quy hàng. Đội Toán Lý chúng tôi đã từng là nạn nhân của các chị Hóa trong những trận bóng như thế. Có lần đội tôi bị cú nhiều quá, tôi có cự lại các chị, các chị ấy đứng bên ngoài sân bóng chuyền bảo nhau “Cái thằng Ngọc này hay sang об mình, thôi tha cho nó”.
Chăng hiểu sao tôi vẫn thân với mấy chị lớp đó. Thỉnh thoảng tôi la cà sang bên các chị, và được mời cơm nữa. Mấy chị này không nói nhiều như các chị khác (đặc biệt là cặp song tấu Bình khàn và Bình kều). Hoặc có thể tôi được coi là ngoan ngoãn nên không bị nói nhiều, vì các chị này chỉ hay nói nhiều với các anh, còn với các em thì chỉ hơi dạy bảo nhiều đôi chút với tư thế là các chị, chứ không nhiều lời như với các anh năm trên. Hoặc biết tôi làm nhiệm vụ đưa thư, nên chơi thân để khai thác nắm thêm tình hình đối phương (các anh Lý).
Sau bao nhiêu năm, gần đây tôi được tiếp xúc nhiều hơn với các chị Hóa 1977. Các chị ấy vẫn vậy, nói nhiều, nói nhiều và nói nhiều, vẫn đầy đủ đội hình như xưa, 9 chị. Có anh rể của lớp ấy, ở cơ quan vợ tôi thì mồm mép tép nhẩy lắm, nhưng khi ngồi cùng các chị Hóa thì chỉ biết mỗi câu “im lặng là vàng”, chỉ biết cười vu vơ rất tội nghiệp. Đặc biệt hơn các chị rất kỷ luật, là hạt nhân đã tổ chức thành công buổi họp mặt du thuyền hôm 10/04/2010. Để hát hai bát hát hôm đó, các chị ấy tập rất nhiều buổi. Sau đó tôi mới biết thêm, từ ngày ra trường các chị Hóa thường xuyên tụ tập và tìm cớ để tụ tập. Cớ có thể là ai đó đi công tác về, là con ai đó vừa thi xong cấp 3, là ai đó vừa được cơ quan khen thưởng hay cất nhắc. Và mỗi khi tụ tập, các chị vẫn nói nhiều, nói như thể lâu lắm rồi chưa được nói. Mấy người nam giới dự cùng thì biết điều dạt ra ngồi một góc riêng, không tham gia vào các câu chuyện rôm rả của các chị. Thực ra có muốn tham gia cũng không cùng trình độ, nên tránh ra là biết điều đấy.”
(Trích từ “Năm tháng sinh viên”)
Hôm đó chị Chi đến cùng phu quân, anh Kỳ Minh. Trước tiên vẫn là ẩm thực, hát là sau, “có thực mới vực được đạo”. Mấy anh rể KGU ngồi một góc riêng, tôi cũng ghé vào đấy. Các anh này không thể ngồi chung với các chị. Không phải vì các anh uống rượu có độ cồn cao hơn các chị, mà là “độ nói” của các anh không thể sánh được với các chị, thôi thì ngồi ra một góc, được thanh thản hơn, được bình yên hơn.
.......
Chị lớn tuổi nhất trong hội MK, nhưng có lẽ chị vẫn trẻ trung, thậm chí còn trẻ hơn một số thành viên khác. Tất nhiên chị ít nói hơn các chị Hóa 77, nhưng chấp nhận giao lưu gặp gỡ với các chị này, hẳn nội lực cũng rất thâm hậu. Ít ra là chịu được được không khí ồn ào tranh nhau nói với vận tốc tên lửa, với số chủ đề vô tận và thời gian liên miên không biết khi nào dừng.
(Trích từ “Kỷ niệm ngày cưới”)
Ngày 8/4/2010, các chị MK tổng diễn tập phục vụ cho Du Thuyền 2010 mà địa điểm là nhà tôi. Chỉ huy nghệ thuật chính là anh Minh. Anh dùng ghi ta để đệm. Hôm tới Du Thuyền làm gì có piano. Ghi ta có thể phù hợp đệm cho nhiều bài, nhưng với hai bài Ivuska và Chiều hải cảng, nó không thể hay như piano. Nhưng ghi ta dã chiến cơ động hơn. Hôm ấy tôi được chứng kiến một người thầy giáo ân cần chăm chú từng câu hát, từng nốt láy, từng câu ngân trước một đám học trò ồn ào và nghịch ngợm. Các học trò này thích hát cao hay thấp là việc của họ, người thầy đành chiều theo. Mà chưa kịp chiều có khi bị trò quát. Chưa kể thầy còn phải kiêm tài xế, đưa đón các trò về tận nhà.
(Trích từ “Người nghệ sỹ tài hoa”)