CẢM NHẬN QUA MỘT CHUYẾN ĐI
Như đã lập kế hoạch ngay sau tết nguyên đán, nữa tháng sau ngày Du Xuân Đầm Long của Hội NguoiKGU và sau tối họp BLL để rút kinh nghiệm về tổ chức ngày gặp mặt 3/4 tại Đầm Long, chuẩn bị cho chuyến đi "về nguồn" của những NguoiKGU, vợ chồng chúng tôi khăn gói lên đường thực hiện chuyến đi xuyên Việt lần thứ 2, kể từ ngày "về vườn". 4 giờ sáng ngày 19/4, hai ông bà già U70 lủi thủi lên xe taxi ra sân bay Nội Bài để bay đi Huế theo chuyến bay lúc 6h10. 7 giờ 15 chúng tôi đã có mặt tại sân bay Phú Bài (Huế). Bắt đầu cho một chuyến đi dài ngày nhất của cặp đôi KGU từ trước tới nay.
Chúng tôi ở lại Huế trong 3 ngày để làm các thủ tục của gia tộc. Số là năm nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của Ba tôi mà tôi là con trai trưởng nên phải về làm các thủ tục cần thiết theo phong tục của mảnh đất cố đô và thăm lại nơi "chôn rốn" của mình. Tại Huế, cúng tôi chỉ đủ thời gian đi tham quan khu di tích Huyền Trân công chúa, còn Đại nội, lăng tẩm các nhà vua thời Nguyễn và các nơi khác không thể đi được (và cũng không muốn đi nữa vì trước đây đã đi rồi). Phải nói rằng khu di tích- du lịch Huyền Trân công chúa là một trong những nơi đẹp nhất của đất Huế quê tôi. Ngay cả những người thân của tôi ở Huế mà cũng lần đầu được "cậu trưởng" dẫn đi và ai cũng khen đẹp. "Người đẹp KGU" của tôi thì xuýt xoa khen lấy khen để nét đẹp của quê chồng mà đã hơn 35 năm làm dâu xứ Huế nay mới được biết (của đáng tội là khu di tích- du lịch này cũng chỉ mới phục dựng, cải tại, nâng cấp chỉ trong vài năm trở lại đây và khai trương chính thức từ năm ngoái trong dịp 1000 năm Thăng Long- Hà Nội).
TẠI KHU DI TÍCH-DU LỊCH HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
Sáng ngày 23/4, hai vợ chồng lại dắt díu nhau ra ga Huế đi vào Đà Nẵng, đã từ lâu không đi bằng tàu hỏa qua đèo Hải Vân, nên lần này chúng tôi quyết định đi tàu hỏa để ngắm cảnh đẹp của Vịnh Lăng Cô và Hải Vân từ trên cao qua cửa sổ toa tàu. Đúng là thật đẹp, giống như câu thơ của Bà huyện Thanh quan mô tả khi đi qua đèo Ngang
"Nhìn xuống Hải Vân nắng chói lòa
Cỏ cây xen đá, lá xen hoa"
Và từ trên cao nhìn xuống vùng biển của Vịnh Lăng Cô phía bên Thừa Thiên-Huế và Liên Chiểu phía Đà Nẵng thấy thật là đẹp. Nước biển trong xanh, những cơn sóng trắng liên tục đập vào bờ của dãy núi Hải Vân, xa xa những con tàu lớn và những thuyền đánh cá đi lại. Cảnh vật trông thật thơ mộng, lòng người cũng xốn xang vì những cảnh đẹp của cái đất nước hình chữ S này.
Đến Đà Nẵng, chưa kịp ổn định chổ ở, chúng tôi liền gọi điện ngay cho Lê Thị Xuân Phương, bạn đồng môn, đồng niên OB73 báo là chúng tôi sẽ đến thăm. Chúng tôi mượn ngay chiếc xe máy của người quen và phóng đến nhà Phương. Bạn bè gặp nhau lại vui mừng khôn xiết. Mai và Phương lại ríu rít ôn những chuyện thời sinh viên, những trò tinh nghịch của các cô gái mới lớn tại Kishinhop, những kỷ niệm về những người bạn cùng khóa, kể cho nhau nghe không khí ngày Du Xuân Đầm Long, về gia đình, về cuộc sống và đặc biệt về tình bạn KGU và những kỷ niệm thời sinh viên lần đầu được nhắc lại sau hơn 40 năm. Hồi ấy, sau khi tốt nghiệp dự bị ở Ba Cu, tôi được cử làm nhóm trưởng dẫn 4 bạn gái học sinh miền Nam gồm Đinh Mai, Xuân Phương, Minh Tâm và Việt Thanh về KGU nhập học và rất vinh dự được làm "Người phục vụ" cho các bạn trong suốt chuyến đi và những ngày đầu tại KGU. Những kỷ niệm ấy không bao giờ quên trong tâm trí của mỗi chúng tôi. Từ Đà Nẵng lại gọi điện đi các nơi trong cả nước để thăm hỏi bạn bè cùng khóa. Gia đình Phương mời vợ chồng chúng tôi đi Điện Bàn (Quảng Nam) thưởng thức món đặc sản "bê thui Cầu Mống", cách Đà Nẵng 30 km.
TẠI NHÀ LÊ XUÂN PHƯƠNG Ở ĐÀ NẴNG
Ở Đà Nẵng chỉ trong 2 ngày, vợ chồng tôi lại dự một đám cưới kéo dài từ 7 giờ sáng cho đến 2 giờ chiều theo tục lệ địa phương. Đà nẵng thật đẹp trong những ngày chuẩn bị cho festival "Pháo hoa" và những ngày đại lễ của đất nước.
CÔ DÂU-CHÚ RỄ TẠI ĐÀ NẴNG
Sáng ngày 25/4 chúng tôi lên xe bus tốc hànhcủa Hãng Mai Linh đi Qui Nhơn, quê của Đinh Mai. Đến Qui Nhơn, tôi được Tiến Thắng báo cho biết là có bạn Cẩm Hòa (khoa Luật) công tác tại Qui Nhơn. Cẩm Hòa chủ động gọi điện cho tôi, tuy chưa bao gời gặp nhau nhưng màn chào hỏi qua điện thoại mang đậm chất NguoiKGU. Do ngày hôm sau phải đi công tác ở Quảng Ngãi nên Cẩm Hòa có hẹn gặp sau khi trở về từ Quảng Ngài, tiếc rằng có lẽ Hòa về muộn và sáng hôm sau (27/4) chúng tôi lại lên đường đi Pleiku nên không thể gặp Hòa được. Dù sao đi nữa cũng được biết là có một NguoiKGU ở Qui Nhơn. Hẹn lần sau gặp lại vậy. Tại Qui Nhơn, chúng tôi ra nghĩa trang liệt sỹ thành phố thắp hương tại mộ ba má Mai và đi thăm những người thân quen của Mai. Cũng chỉ ở lại Qui Nhơn 2 ngày.
Sáng sớm ngày 27/4, hai chúng tôi lại lên xe của Hãng Mai Linh lên Pleiku thăm gia đình anh trai Mai và thắp hương trên bàn thờ ông bà ngoại của các cháu. Lên Pleiku lại nhớ lại thời trẻ khi vào công tác trong đó, có câu thơ dạng ‘bút tre" rằng:
" Anh đi công tác Plei
Ku dài dằng dặc, biết ngày nào ra".
Ở Pleiku 2 ngày, 9 giờ tối ngày 28/4, chúng tôi lên máy bay của hãng Mekong Air bay về Tp.HCM để sáng hôm sau lên xe đi Phnon Pen- thủ đô của vương quốc Campuchia. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi xuất ngoại vào các nước Đông Nam Á.
Sáng 29/4, 7 giờ sáng với balo treo vai, chúng tôi lên xe bus nhanh bắt đầu chuyến du lịch bụi trong 2 ngày. Vé xe đi Phnon Pen cũng rất rẻ- chỉ 200.000 đ/người. Khoảng sau hơn 1 giờ xe chạy từ TP.HCM chúng tôi đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) làm thủ tục xuất nhập cảnh. Tại cửa khẩu của Việt Nam, thủ tục xuất cảnh có vẻ phức tạp hơn, khách của xe nào sắp hàng theo xe ấy và chờ gọi đến tên, cũng phải mất hơn 30 phút mới qua được cửa khẩu. Sang cửa khẩu nhập cảnh của Campuchia thủ tục có vẻ đơn giản hơn, hộ chiếu của ai người ấy cầm và tự qua các ô kiểm tra, chỉ mất khoảng 5 phú là xong, cán bộ biên phòng của Campuchia miệng luôn mỉm cười.
Quan sát khu cửa khẩu quốc tế Mộc Bài của ta và khu cửa khẩu quốc tế của Campuchia mới thấy sự khác biệt rất lớn. Khu cửa khẩu của ta không để lại một ấn tượng kỷ niệm gì, nhà cửa không có một đặc trưng kiến trúc gì, còn khu cửa khẩu của Campuchia nhà cửa mang đậm bản sắc dân tộc, với những đỉnh tháp, biểu trưng cây Thốt nốt của Campuchia. Có cảm tưởng hình như bản sắc đặc trưng kiến trúc- văn hóa của ta chưa có.
TẠI CỬA KHẨU CAMPUCHIA
Hơn 3 giờ ngồi xe đi tiếp, phải qua phà Niet Luông (tỉnh Xvay riêng), khoảng 1 giờ chiều, chúng tôi đã có mặt tại Phnon Pen. Vợ chồng tôi cùng 2 thằng cháu bắt 1 xe "tuk-tuk" đi tìm khách sạn. Sau khi ổn định chổ ở trong khách sạn (loại 2 sao chỉ 15$/ phòng sạch sẽ, rộng rãi và cũng đủ tiện nghi), chúng tôi lại lên "tuk-tuk" đi thăm Hoàng Cung. Vé vào Hoàng Cung là 6$/người. Bước vào cổng nhỏ khu Hoàng cung, vật đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một cây cổ thụ rất to, được gọi là "cây Phật".
BÊN GỐC CÂY PHẬT TRONG HOÀNG CUNG CAMPUCHIA
Đi vào trong chúng tôi ngỡ ngàng vì cảnh đẹp và kiểu kiến trúc của nó. Sau khi làm lễ niệm Phật tại lâu đài chính, chúng tôi đi thăm các lâu đài, chùa vàng trong nội cung, ngắm qua các cảnh đẹp của Hoàng Cung. Phía sau là khu nhà ở của Quốc vương, cũng năm trong khu Hoàng cung, nhưng bị ngăn cách bởi một dãy tường và một cổng ra vào khép kín. Quốc vương Campuchia hôm đó tại vị trong Hoàng cung vì có treo cờ Hoàng tộc.
Các dãy nhà (lâu đài) không thật to lắm nhưng mang đậm bản sắc dân tộc Chăm pa và phật giáo Khơ me. Vào thăm Hoàng cung và so sánh với Tử cấm thành (Bắc Kinh), Hoàng cung Campuchia tuy không vĩ đại nhưng đẹp hơn tử cấm thành nhiều, còn với Đại Nội (Huế) thì thấy các ông Hoàng Campuchia đã để lại cho hậu thế một công trình kiến trúc thật tuyệt vời.
Các dãy nhà (lâu đài) không thật to lắm nhưng mang đậm bản sắc dân tộc Chăm pa và phật giáo Khơ me. Vào thăm Hoàng cung và so sánh với Tử cấm thành (Bắc Kinh), Hoàng cung Campuchia tuy không vĩ đại nhưng đẹp hơn tử cấm thành nhiều, còn với Đại Nội (Huế) thì thấy các ông Hoàng Campuchia đã để lại cho hậu thế một công trình kiến trúc thật tuyệt vời.
TRONG HOÀNG CUNG CAMPUCHIA
Sau khi rời Hoàng cung, chúng tôi lại lên "tuk-tuk" đi tham quan thành phố, qua Quản trường trung tâm, tượng đài Độc lập, đài tưởng niệm các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia, Phủ thủ tướng, nhà riêng của Thủ tướng Hun Xen, khu khách san dọc bờ sông, nhà quốc hội, phía ngoài một số sòng bạc lớn tại Phnon Pen. Tất cả các tòa nhà đều mang hình dáng kiến trúc Campuchia, đặc biệt là cái cổng và các tháp ở nóc nhà. Sau đó, chúng tôi đến bên cây cầu nối với "đảo Kim cương", nơi mà giữa năm 2010 xẩy ra thảm hại chết gần 400 con người. Đây chỉ là một khu đất bị ngăn cách bới một cái kênh có chiều rộng hẹp hơn sông Tô lịch của Hà Nội. Cây cầu giây văng cũng chỉ dài và hẹp hơn cầu Hòa Mục hay cầu Trung kính nối Láng Hạ với Lê văn lương hoặc Nguyễn Chí Thanh với Trần Duy Hưng mà thôi.
BÊN CẦU ĐẢO "KIM CƯƠNG' (PHNON PEN)
Sáng hôm sau, theo thói quen tôi dậy lúc 6 giờ, nhưng ngoài đường phố vắng tanh. Đi tìm quán café để uống thì không đâu có. Hỏi ra mới biết là các cửa hàng ăn uống, café tại Phnon Pen mở cửa lúc 7 giờ 30 sáng. Buổi sáng Phnon Pen thật yên tĩnh. Sau khi ăn sáng và uống café tại một nhà hàng Việt Nam sang trọng (nhưng phục vụ bàn lại không nói tiếng Việt), cúng tôi lại lên "tuk-tuk" đi tham quan thành phố, ghé vào khu chợ Vòm và chợ Nga xem hàng hóa và cách sinh hoạt của bạn thế nào. Khác với Việt Nam, các khu chợ này rất sạch, ngăn nắp. Hàng hóa tiêu dùng phần lớn là nhập từ Việt Nam, Thái Lan. Hàng điện tử nhập từ Nhật, Trung quốc. Giá cả cũng không rẻ hơn Việt Nam là bao nhiêu, thậm chí có những mặt hàng như i Pad đắt hơn tại Việt Nam nhiều.
Các cửa hàng xăng dầu được xây dựng như ở chấu Âu, bảng giá nằm phái ngoài, rõ ràng cho người tiêu dùng, cửa hàng nào cũng có một cái máy bơm hơi cho khách tự bơm bánh xe, Giá xăng cũng ngang tương đương với Việt Nam. Đường phố sạch sẽ, trật tự, phong cách sinh hoạt hơi giống châu Âu. Phương tiện đi lại của người dân hoặc là ô tô cá nhân (rất nhiều chủng loại, số lượng và rẻ hơn Việt Nam), hoặc là xe máy, tuk-tuk. Xe taxi rất ít, không có xe bus. So với Hà Nội thì Phnon Pen sạch, ngăn nắp, trật tự hơn nhiều. Hầu như không thấy cảnh sát đứng ngoài đường, kể cả những khu vực nhạy cảm như dinh Chính phủ, Hoàng cung, ngay cả phía ngoài nhà Thủ tướng Hun Xen không thấy bốt cảnh sát gác, thỉnh thoảng mới thấy chạy trên xe kiểm soát.
14 giờ 30 ngày 30/4, chúng tôi lại lên xe trỏe về Việt Nam. 20 giờ cùng ngày về đến Tp.HCM, để bắt đầu chuyến du ngoạn tại Tp. HCM. Ngày 1/5 là ngày dành riêng cho người thân của hai bên và hẹn gặp các bạn khoa Sinh 73 vào sáng ngày 2/5 tại nhà Thạch Khiêm trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo như đã hẹn trước qua điện thoại với các bạn khóa 1973, chúng tôi tập trung tại nhà Khiêm lúc 9 giờ sáng ngày 2/5. Tuy nhiên đến giờ chót, một số bạn cùng khóa như Việt Thanh, Lượng- Tâm không thể đến được do hoàn cảnh riêng. Có mặt tại nhà Khiêm gồm: Thắng, Uyển, Tánh, Mai, gia đình Khiêm và Trân (Sinh-Thổ nhưỡng 1974). Đại ca Thắng mang đến một chai to rượu Bàu đá (Qui Nhơn), ca sỹ Uyển mang đến món nem chạo Phùng tự tay chế biến. Anh chị em ngồi vào bàn, uống rượu nhắm nem chạo và các món ăn do vợ chồng Khiêm chế biến và lại hỏi han về gia đình, cuộc sống, kể cho nhau nghe những ký niệm thời xa xưa, sau khi về nước tỏa đi nhận công tác khắp mọi miền. Nhắc lại những kỷ niệm không bao giờ quên của cái thời sinh viên, chuyện đi ăn trộm táo..., chuyện họp kiểm điểm nhau để tìm ra những "thủ phạm tinh quái", chuyện học hành, trốn học đi xem phim.... Lại mày tao, chí tớ ở cái tuổi U70 rất cảm động và vui, nhăc lại sự kiện Đầm Long với sự thú vị, nhớ nhung và nuối tiếc vì thời gian quá ngắn. Lại có những câu chuyện "tình" chưa bao giờ nói ra được thổ lộ. Lại những bài hát tiếng Nga. Tôi lại trở thành "thầy bất đắc dĩ" hướng dẫn các bạn truy cập trang web của hội. Không hiểu vì lý do gì mà có cú không thành công nên đại ca Thắng được dip thanh minh "lời phê bình của HT Ngọc và tôi về việc đại ca lười viết bài lên trang. Té ra cho đến lúc này, đại ca vẫn chưa đăng ký thành viên. Đại ca lại đổ lỗi cho đàn em Tp.HCM và tôi. Đành vui vẻ nhận lỗi chứ sao.
GẶP MẶT TẠI NHÀ KHIÊM
Sau khi "cơm no, rượu say", cả lũ lên xe máy đến nhà chị Trương Thị Thống (Sinh vật 72). Hiện chị Thống là Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội café- hồ tiêu Việt Nam. Tôi, Mai, Khiêm, Uyển đến nhà chị Thống trên đường Tô Hiến Thành, Q.10, còn Thắng đi đến nhà Tuyết mua giúp tôi bộ sách NguoiKGU để tặng chị Thống. Vợ chồng chị Thống cũng đã chuẩn bị thịnh soạn các món nhậu. Chúng tôi phải xin lỗi vì cái bụng chưa tiêu hết những gì được nhét vào buổi trưa. Đại ca Thắng không quên mang theo chai rượu Bàu đá. Chị em lại ngồi lai rai mấy chén rượu và một ít đồ nhắm, nhắc lại cho nhau nghe những kỷ niệm thời tuổi trẻ ở Kishinhop. Tôi cũng thông báo để chị Thống biết hoạt động của Hội NguoiKGU và đề nghị chị Thống làm đầu mối cho Khóa 72 (đa số là cựu học sinh miền Nam và hiện tập trung phần lớn tại TP.HCM). Tôi mở mạng vào trang web của Hội và gới thiệu cho vợ chồng chị Thống tập ảnh hôm gặp mặt Đầm Long, để chị thấy khóa 72 chỉ có 2 người bạn cùng khoa. Phu quân chị Thống ngồi nghe rất thú vị (anh ấy học ở Bungary cùng thời). Xem sơ quyển NguoiKGu và trang web studentkgu.vn của chúng ta, anh ấy bảo có lẽ chỉ có dân KGU mới làm được những việc như thế này. Sau khi uống hết chén rượu cuối cùng, chunhs tôi tạm biệt anh chị để ra về. Cuộc gặp mặt tuy ngắn ngủi nhưng cũng đầy xúc động.
Đại ca Thắng hẹn gặp vợ chồng tôi vào 9 giờ sáng hôm sau (3/5) để dẫn đến thăm Hồng Đức- Diệu Linh và dự buổi gặp mặt tại nhà Phư.
GẶP MẶT TẠI NHÀ CHI THỐNG (OB72)
Sáng ngày 3/5, đúng 1 tháng sau Du Xuân Đầm Long 2011, vẫn trong không khí của những ngày nghỉ lễ, Tiến Thắng đến đón chúng tôi lúc 9 giờ. Thắng bảo là đi xe máy là "đại tiện" nhất. Trong bộ áo quần như Ninza và trên chiếc xe Honda 81, Thắng dẫn chúng tôi loanh quanh một số phố ở quận 1 và 3, qua cầu Rạch chiếc hay Thủ Thiêm gì đó đi theo hướng Q.2 sang Q.9 phía bên kia sông Sài Gòn. Đường đi lắt léo, xa nên Thắng thỉnh thoảng ngó lại phía sau xem vợ chồng tôi có bị lạc hay không. Dọc đường đi Thắng lại giới thiệu cho chúng tôi những công trình mới của Tp. HCM. Đúng thật, sang phía Q.2 và Q.9 mới thấy TP. HCM thay đổi nhiều trong vòng 2 năm qua, mới thấy Hà Nội bò rất chậm. Đường phố rất sạch và thoáng. Đi mãi ra một khu dự án mới, chúng tôi đến nhà Hồng Đức- Diệu Linh. Linh vui mừng mở cổng đón khách. Đức đang ở trên lầu 1, vết thương ở chân mới phục hồi nên đi lại còn hạn chế. Sau khi anh em chúng tôi lên lầu 1 thăm Đức, Đức liền bảo xuống tầng trệt ngôi nói chuyện cho thoải mái. Lại mở rượu vodka chúc nhau sức khỏe và mừng ngày gặp măt. Nhìn khuôn mặt Đức, tôi bắt đầu nhớ lại tất cả các khuôn mặt của lớp vật lý 76 thời ấy. Tôi chuyển lời hỏi thăm của "Chú Bái -OB 73" tới Diệu Linh. Anh em ngồi nhâm nha vài chén rượu với mực nướng, sau đó khi Thắng nhận được điện thoại của Phư và gọi cho Tuyết để chuẩn bị đến nhà Phư, Đức hứng khởi lên nói với Linh được cùng qua nhà Phư. Linh sợ chân Đức đau không đi lại được và ngồi lâu lại chồn chân nhưng Đức vẫn quyết tâm đi, nói là đau quá thì lên phòng Phư nằm nghỉ, miễn sao là được gặp anh chị em KGU. Đại ca Thắng nhận trách nhiệm chở Đức sang nhà Phư trước, Linh sẽ đi sau
TẠI NHÀ HỒNG ĐỨC- DIỆU LINH
Với sự dẫn đường của người thổ cư, Đức dẫn chúng tôi đi theo con đường tắt đến nhà Phư gần hơn được 3km, so với đường đi mà Đại ca Thắng đi khi vào nhà Đức-Linh.
Vào đến nhà Phư (mô tả nhà Phư thì Ngân đã viết trong bài của mình), vợ chồng chúng tôi không ngờ được tahm gia buổi gặp mặt đông như thế; gặp lại những khuôn mặt như đã thân quen như anh Trí, chị Tâm, Tuyết, Lam, Thịnh, Bồng Lai và những khuôn mặt lần đầu mới gặp nhưng có cảm giác đã thấy nhau ở đâu đó hoặc trên trang web. Có những người lần đầu mới gặp như vợ chồng Phước (Luật), Thảo (Sinh vật), Hồng (Vật lý) và chủ nhà Phư. Không hẹn mà gặp vợ chồng Hương (Hóa) cũng đang có mặt tại TP.HCM. Mọi người lại tự giới thiệu dâu, rễ KGU có mặt. Tôi thấy một người mái tóc đã bạc bước vào, khuôn mặt trông quen quen mà không nhớ nỗi tên, hỏi Thắng thì mới biết đấy là Hoàng Dũng (Vật lý 77).
Trước khi ngồi vào bàn nhậu, anh chị em nói chuyện râm rang, ôn lại những kỹ niệm ngày xưa, những giây phút đáng nhớ của ngày hội Du Xuân 2011, cũng có những câu xuýt xoa luyến tiếc vì không thể ra tham dự được. Nhất là anh Trí, chị Tâm luôn khen HT Ngọc và BLL tổ chức tốt, chu đáo. Nói chuyện với anh Trí và chị Tâm thì mới biết rằng sau khi trở về Tp., anh Trí bị cảm nặng phải đi cấp cứu. Qua những câu chuyện, tôi lại cảm nhận được tấm lòng nhiệt thành của anh chị em KGU tại TP.HCM với sự kiện thành lập Hội NguoiKGU nói chung và hoạt động của Hội nói riêng.
Ngồi vào bàn "nhậu", ngoài những món ăn như Ngân đã viết, tôi xin bổ sung thêm 2 món đặc sản quê hương của Phư- đó là rượu cuốc lủi và nhút.
Rất phấn khởi, rất hào hứng với những câu chuyện vui quanh bàn nhậu với những món ăn đặc sản quê hương và Nga, cùng với những loại rau nhà trồng được của Phư, thực đơn hôm đó thật tuyệt vời. Những tiếng "Dzô" từ bàn của "phái đẹp" lan truyền sang bàn của phái mày râu. Bữa tiệc thật vui và ấm cúng.
Rời bàn tiệc, mọi người ra phòng khách nhà Phư nói chuyện. Rút kinh nghiệm của Đầm Long, tôi đề nghị mọi người ra tập trung để chụp lấy mấy tấm hình kỷ niệm trước khi bước vào chương trình văn nghệ.
GẶP MẶT TẠI NHÀ PHƯ
Sau khi chụp ảnh chung, mọi người vào nhà để tiếp tục cuộc vui. Như đã chuẩn bị từ trước, "Ngệ sỹ ưu tú KGU" Phư phát cho mỗi người một tờ giấy ghi lời Việt và Nga bài "Gim KGU" và khi Phư mở máy phát bản nhạc thì tất cả say sưa cất lên tiếng hát của bài "Mùa Xuân ở nơi đầy nắng".
ĐÒNG CA " MÙA XUÂN Ở NƠI ĐẦY NẮNG"
Xen lẫn các bài hát song ca của đôi vợ chồng anh Trí, Phước các tiết mục đơn ca của Hồng, Uyển, Thắng, rồi lại đến hát tập thể những bài hát tiếng Nga đầy hào hứng, đầy cảm xúc. Gần đến hồi kết, Hương đã đọc bài thơ "Em xin làm con gái".
SONG CA VỢ CHÒNG TÂM- TRÍ
ĐƠN CA THU HỒNG
VỢ CHỒNG PHƯỚC SONG CA
CA SỸ THANH UYỂN
HÁT TẬP THỂ NHỮNG BÀI HÁT NGA
CA SỸ TIẾN THẮNG
Trước khi chia tay nhau, HCMKGU quyên góp quỹ "Tình nghia KGU". Kết quả đóng góp, sau khi nhờ anh Thinh (OB77) chuyển đến anh Thìn, Tuyết đã thay mặt HCMKGU trao cho tôi 3.000.000 đồng nhờ chuyển vào quỹ chung "Tình nghĩa KGU", và anh Thắng bỏ bom cho tôi, giới thiệu là đại diện BLL KGU phát biểu ý kiến. Thật khó nói hết cảm xúc của mình hôm đó, tôi chỉ giám nhân danh cá nhân cảm ơn thịnh tình của các anh chị và các bạn hcmkgu đã mời vợ chồng tôi đến tham dự buổi gặp mặt đông vui này, thay mặt BTC hội Du Xuân Đầm Long 2011 cảm ơn các anh chị và các bạn KGU tại TP.HCM đã nhiệt tình, tích cực đóng góp, tham gia vào sự thành công của ngày hội, thông báo vắn tắt một số vấn đề kết luận trong buổi họp BLL ngày 18/4 và cảm ơn sự hiếu khách của vợ chồng Phư, cảm ơn sự đóng góp của hcmkgu vào quỹ "Tình nghĩa KGU". Trong suốt mấy giờ đồng hồ của cuộc tái ngộ này, anh chi em luôn nhắc đến các hoạt động của các bạn tại Hà Nội trong sự kiện đón tiếp các thầy cô từ Moldova sang và mọi người lấy làm tiếc là do tuổi già các thầy cô không có điều kiện vào thăm TP.HCM để các bạn bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn các thầy cô KGU.
Cuộc vui nào cũng đến hồi kết, hơn 3 giờ chiều anh chị em bịn rịn chia tay nhau và hẹn ngày tái ngộ. Riêng đối với vợ chong KGU chúng tôi, đây là cuộc hội ngộ đáng nhớ vì có đầy đủ đại diện các khoa của KGU, có NguoiKGU khóa đầu tiên và những khóa gần cuối. Cuộc gặp đầy tình cảm chân thành của những người trong gia đình đi xa lâu ngày trở về, cuộc gặp mang đúng tính cách NguoiKGU.
Một chuyến đi "xuyên quốc gia" trong vòng hơn nữa tháng, trong đó có những cuộc gặp rất vui vẻ, thú vị và đầy tình cảm với NguoiKGU tại các nơi đã để lại những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên trong ký ức chúng tôi.
Một lần nữa xin cảm ơn Hội trưởng Ngọc, các anh chị và các bạn trong BLL KGU, các anh chị và các bạn NguoiKGU, HCMKGU đã làm tất cả những gì có thể để gắn kết tất cả những người đã tốt nghiệp KGU trong gia đình NguoiKGU. Tin rằng hoạt động của Hội NguoiKGU ngày càng phong phú và sôi động
Người post: TanhVH
Ngày đăng: 07-05-2011 15:03
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |