SỐNG MÃI HÀ ĐÌNH TUẤN
Tác giả: HaiNV
Nhớ mãi những năm tháng sinh viên của HÀ ĐÌNH TUẤN (Lớp Sinh vật 70-76, KGU)
Chúng tôi lên đường sang Liên Xô vào cuối tháng 7 năm 1970. Tôi còn nhớ, khi ấy cả bọn xúng xính trong bộ Complet bác "Bửu" đi tàu từ ga Hàng Cỏ, Hà Nội, qua Trung Quốc, cứ đến ga cả bọn lại xuống ngó nghiêng. Tất cả với chúng tôi đều có vẻ mới lạ. Đến Irkusk, cả bọn được ở lại mấy ngày kiểm tra sức khỏe, rồi mới đi tiếp. Trên tàu và khi dừng lại ở Irkusk, chúng tôi đã bắt đầu làm quen với nhau.
Gặp Hà Đình Tuấn lần đầu tiên, chúng tôi chào hỏi nhau, hỏi thăm quê... Biết Tuấn ở Thanh Hóa, còn tôi là người Yên Bái, cùng "dân nhà quê", lại cùng đi Kisinhốp, nhất là lại cùng "nhỏ con" như nhau (lúc đấy trông Tuấn còn có vẻ còn thấp bé hơn tôi!), nên có thể thân mật với nhau ngay. Có một sự cố là tôi bị sốt, nên phải ở lại Irkusk và đi sau cả bọn mất mấy ngày (tôi sẽ kể về hành trình của tôi đến Kisinhốp vào một dịp khác). Tuấn lên đường đi Kisinhốp trước tôi, nên khi tôi đến, Tuấn đã có vẻ là "ma cũ", chỉ bảo cho tôi đủ thứ.
Năm học dự bị, chúng tôi lớp Sinh có 16 đứa (10 nữ, 6 nam) chia làm 3 lớp học tiếng Nga. Tuấn và tôi học khác lớp, nhưng thời gian còn lại cả bọn chúng tôi thường quấn quýt bên nhau. Cả bọn lớp Lý, Hóa nữa, chúng tôi đi học, đi ăn, chơi thể thao, đi dạo phố, ra hồ Kômxômôn hay đi chơi đâu đó cũng thường rủ nhau đi. Tuấn lớn khá nhanh, một thời gian sau có vẻ cao to hơn tôi và một số bạn khác. Tuấn bảo ở quê ăn uống kham khổ nên không lớn được, bây giờ sang đây sướng hơn nên lớn nhanh. Mà nào có sướng gì đâu, ăn uống ở nhà ăn sinh viên với học bổng còm cõi (60 rồi lên 70 rúp) thì dám ăn gì? Có hôm cuối tháng hết tiền, cả bọn chỉ biết mua bánh mì 16 kopec và ngồi gặm một cách ngon lành.
Tuấn có nước da ngăm đen lại có mái tóc quăn tự nhiên, nên hao hao giống nhân vật Abu trong sách học tiếng Nga, nên ngay từ năm dự bị, chúng tôi và sau này là các em năm dưới đều gọi là Tuấn Abu (Abú hoặc Abù). Do trời lạnh, Tuấn hay bị viêm mũi dị ứng nên cứ hay "khịt khịt" mũi, nên các bạn còn gọi Tuấn là Tuấn "khịt". Với các biệt hiệu này, Tuấn đều vui vẻ chấp nhận.
Tuấn học rất chăm và cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Tôi còn nhớ, hè năm thứ nhất, đi thực tập các môn Động, Thực vật học, Tuấn thường trổ tài bắt ong, bướm, chuồn chuồn, thằn lằn...làm tiêu bản cho cả suất của các bạn gái. Tuấn còn chịu khó tham gia bắt ếch, tôm, cua, cá, nhặt rau dền cơm (mọc hoang dại trong rừng) để cả bọn nấu nướng, ăn uống cải thiện.
Có một kỷ niệm về trò nghịch ngợm của thời sinh viên với Tuấn và chúng tôi không thể nào quên. Đó là một lần đi lao động hè, hái hoa quả (táo, lê, mận, đào). Chúng tôi, các khóa khác nhau cùng làm việc, đông vui, vừa làm vừa thưởng thức các loại hoa quả ngon ngọt, rồi hứng chí lấy mận ném nhau. Trong một tình huống xảy ra rất nhanh, quả mận mà Tuấn ném về phía các bạn gái năm dưới trúng ngay vào mắt em Bích Lam (Lớp SV 77). Mắt em sưng tím, tụ huyết, mờ đi và phải vào bệnh viện. Tuấn tỏ ra lo lắng và rất hối hận, anh chàng tự vào bệnh viện thăm em Lam (không biết mấy lần?) và sau này gặp nhau đều nhắc mãi "sự cố" này. Chúng tôi (mấy thằng con trai còn bảo Tuấn: "nếu mắt em Lam bị làm sao, thì mày phải nuôi báo cô Lam suốt đời"!).
Tuổi trẻ chúng tôi, thật "nghiêm chỉnh", trong lớp chỉ có đôi Pha - Hạnh yêu nhau. Còn chúng tôi cứ "tồ tồ" chẳng biết yêu đương là gì cả, các bạn gái trong lớp thì "cọc" chẳng đi tìm "trâu", và "trâu" cũng không tìm "cọc"...Cuối cùng các nàng tiên lớp tôi đã bị mấy anh năm trên, khoa khác, trường khác (trong Liên Xô) "cưa" mất.
Thực ra, Tuấn có cảm tình "rất đặc biệt" với một người con gái xinh đẹp, tóc dài (học năm dưới). Dạo ấy, cả bọn đều thích chụp ảnh. Cả bọn cố dành dụm mua cái máy ảnh Zenit (hoặc cho nhau mượn) rồi đi chụp, buổi tối lại ngồi hì hục đến tận khuya để rửa ảnh. Tuấn chụp rất nhiều ảnh các bạn, các em, trong đó có cô gái ấy...Nhưng có lẽ, họ chưa kịp thổ lộ gì với nhau, sau này cô gái ấy có người yêu, Tuấn rất buồn. Rồi thời gian qua đi, các em năm dưới sang nhiều. Cũng như mọi người, Tuấn tham gia "đỡ đầu" các em dự bị. Có hẳn một "hội" 5 em dự bị (ở cùng Phòng) rất quý "chú Tuấn" và tình cảm thân thiết của họ vẫn còn gắn bó cho đến ngày hôm nay.
Những năm cuối đời sinh viên thật vất vả. Tuấn nhận Thầy hướng dẫn là Viện sĩ Popusoi, nhà khoa học nổi tiếng về Nấm học của Viện Hàn lâm Khoa học Moldavia, nên phải ra Viện Hàm lâm làm việc. Vào dịp 1 tháng 5 năm 1976 (năm cuối cùng đời sinh viên của chúng tôi), cả Hội KGU thi đấu bóng chuyền, tôi không may bị ngã gẫy tay, phải bó bột cho đến khi về. Tôi phải viết luận văn Diplom trong tình trạng rất khó khăn. Rồi Tuấn và những người bạn lại chăm sóc tôi như những người anh em ruột thịt của mình. Mỗi đứa chúng tôi đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và đã về nước công tác.
Dù sau này chúng tôi không gặp nhau nhiều, nhưng cho mãi đến cái ngày mà cả bọn bàng hoàng nghe tin Tuấn đột ngột ra đi, tình bạn của chúng tôi vẫn chân thành và đẹp đẽ như thời sinh viên tại KGU.
Tuấn ơi, Tuấn vẫn sống mãi trong mỗi con tim của bè bạn chúng mình!
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 01-09-2010 00:12
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |