Hà Giang ký sự
Tác giả: VinhCX
HÀ GIANG KÝ SỰ
VịnhCX, Chai lọ 1974
…“Ai về thăm quê hương tôi nơi biên cương...là đây
Có đường đi trên mây lên tới cổng trời ”
Một ngày cuối tháng Tư đẹp trời, rất đơn giản và nhanh gọn, không văn bản, giấy tờ, nghị quyết…, một số đồng niên, đồng môn, đồng nghiệp “đầu 6 đít lung tung” bạn tôi ở Hà Nội ngồi với nhau tề tựu và quyết định “Phượt Hà Giang” nhân những ngày tháng Năm đầy ắp sự kiện lịch sử. Nhận được sự đồng thuận rất cao, bởi nguyên tắc đưa ra là “Tự nguyện” và “Cam-pu-chia”. Chọn Hà Giang, bởi mốc đến cuối cùng của chúng tôi là cột cờ Lũng Cú - mốc Biên giới cực Bắc của Tổ quốc thân yêu. “…Nơi Biên cương là đây…”, “Chiều Biên giới em ơi….” từ cái loa của xe như một thư xúc tác vô hình tăng tốc cho chúng tôi tới Địa đầu Tổ quốc. Ai cũng háo hức, bồn chồn và mong sớm được tận mắt nhìn thấy, tận tay vuốt ve những hòn gạch, phiến đá…xây nên cột cờ Lũng Cú. Cho dù tuổi đã cao, song khi nghĩ về cột cờ biên giới, thầm hát theo điệu nhạc lời ca, lòng chúng tôi rạo rực, nôn nóng như thủa mười tám, đôi mươi vậy!
1.Đến Hà Giang
7h 15 ngày 7/5/2011, đúng vào Ngày Giải phóng Điện Biên chúng tôi xuất phát từ Hà Nội sau khi đã bấm giờ, xem ngày theo đúng nghĩa chữ Tâm. Sau 4 giờ lăn bánh qua Đại lộ Thăng Long - Sơn Tây – Cầu Trung Hà rồi theo đường 21 đến Cổ Tiết, qua cầu Phong Châu rẽ trái theo đường đê ven sông (đường 320) đến Thị xã Phú Thọ, tiếp quốc lộ 2 qua Đoan Hùng, xe chúng tôi tới Tuyên Quang lúc 11h30. Một chặng đường bằng phẳng, hơi vòng vèo, song cái hay là xe chúng tôi đã đi qua Đại lộ Thăng Long to đẹp nhất Thủ Đô, quê hương hai Vua, đất Tổ Vua Hùng. Cảm nhận của tôi về Tuyên Quang khá yên bình, nhỏ nhẹ và sạch sẽ. Đi theo con đường mới mang tên Bình Thuận to và đẹp chẳng kém gì đường Thủ đô, chúng tôi tiến vào trung tâm thành phố. Ấn tượng nhất của con đường là các lô cốt kỷ niệm thời kháng chiến có nét gì ngồ ngộ giống cái lò gạch ngày nay. Thế là đã vượt được khoảng 160 km rồi.
Nghỉ, ăn trưa nhanh tại TP. Tuyên Quang chúng tôi lại tiếp lên đường theo đường Quốc lộ 2 đi Hàm Yên - Bắc Quang – Vị Xuyên và tới thị xã Hà Giang. Cách Thị xã Hà Giang 23-25 km trên đường đi, rẽ trái chừng 4-5 km có một khu điều trị bằng nước nóng thiên nhiên tuyệt vời và chúng tôi ghé vào chiêm ngưỡng. Nước nóng ở đây theo cảm nhận của tôi ước chừng nóng tới 70-75 độ và chứa nhiều khoáng chất chửa bệnh, nhất là lưu huỳnh. Nếu các bạn ghé tắm nhớ đừng ngâm lâu quá 25 phút, bởi rất dễ mất nhiệt và có cảm giác như thiếu oxy, song sự thực không phải thế, bởi chưa quen tắm nước nóng có khoáng chất mà thôi. Đến Hà Giang lúc 17h cùng ngày, nghỉ đêm tại đó và các bạn đừng quên thưởng thức bát cháo “Ấu tẩu”, một đặc sản chỉ bán vào ban đêm tại một nhà hàng duy nhất tại TX. Hà Giang. Có cái gì đó là lạ, sờ sợ, bởi củ ấu người ta thường ngâm rượu để xoa bóp vết thương hay trúng gió, rất hiệu nghiệm (cấm không được ăn củ ấu!).
2.Vượt cổng trời
Tạm biệt TX.Hà Giang, sáng sớm 8/5 theo hướng tây bắc chúng tôi lên đường để có thể cán đích Lũng Cú trước 15 giờ cùng ngày, bởi còn trên 200km đường núi đá hiểm trở. Hôm nay là một ngày thử thách sức khoẻ, sự chịu đựng và lòng can đảm của mỗi chúng tôi. Kiểm tra thuốc chống say xe tàu, mua giấy dán đèn chống sương mù, kiểm tra xăm lốp…xe chúng tôi lăn bánh. Điều may mắn nhất cho chúng tôi là đến Hà Giang đúng vào hai ngày nghỉ cuối tuần và nghĩ tới con dường phía trước chông gai nên đã mời được anh bạn người bản xứ, rành rọt từng chân tơ, kẻ tóc, biết từng viên đá Hà Giang lên xe đi Lũng Cú ! Xin cảm ơn các anh đã hy sinh 2 ngày nghỉ cuối tuần để giúp người xuôi lên miền ngược, người Thủ đô lên thăm Cao nguyên đá Đồng Văn. Anh bạn HG tốt bụng giải thích, trên này, người ít, đá nhiều và hầu như người Hà Giang “đã hoá đá cả rồi” nên nhờ cái gì là làm luôn. Anh kể, trên Cao nguyên Đồng Văn, khi chết người ta không địa táng, hoả táng mà là đưa xác vào hang đá và đặt yên nghỉ như người nằm ngủ vậy. Trên đường đi, tôi đã thấy một vài cảnh hương khói bay lên từ hang đá (có thể gọi là “Thạch táng”?).
Người vùng cao chân thật và tốt bụng lắm! Qua chuyến đi Hà Giang này tôi mới nghĩ lại, có bao lần người miền cao về Hà Nội thanh lịch Tràng An mà có ai trong chúng tôi đã mời người ta được một chén nước đâu. Có lẽ câu đàm tiếu xưa nay “ Trên về thì dưới mổ trâu. Dưới lên xin gặp: “ Đi đâu hả mày ? ” vẫn còn đúng mãi. Từ Hà Giang theo đường tỉnh lộ 4C qua dốc Bắc Sum đến cổng Trời Quản Bạ, đi tiếp lên Yên Minh, rồi từ Yên Minh đi đến ngã 3 rẻ trái chúng tôi tiến tới Đồng Văn (Không rẻ trái qua Mèo Vạc, chỉ khi Lũng Cú quay về tại chổ này rẻ trái sẽ qua Mã Pì Lèng rồi đến Mèo Vạc) trên con đường như một ma trận trốn tim thót tim. Bởi đi một hồi lâu, hàng giờ, ngoảng mặt xem lại vẫn thấy đoạn đường vừa đi qua đang nằm ở cùng toạ độ ngay phía dưới. Ôi chao, biết thế, đi bộ băng ngang qua chắc chả hết mấy phút ! Xe chạy số 1, leo dốc dựng ngược, có lúc chúng tôi nói với nhau là độ nghiêng tgα = 1, và không rõ Quy chuẩn đường bộ có cho phép gốc nghiêng tối đa của đường có tới 45 độ hay không. Khiếp đảm. Hơn thế nữa, nhiều khúc cua xe quay trái, phải liên tục tại các khuỷ tay với gốc quay 180 độ. May mà xe của chúng tôi là loại 25 chổ, chứ nếu xe dài hơn chắc hắn là không thể quay được (các bác phải nhớ lấy để nếu đi thì chọn xe thích hợp nhá!).
Đoạn đèo từ Hà Giang đến Quản Bạ núi non đang mở ra cuộc thử thách sự liều lĩnh (Ảnh). Thung lũng Bắc Xum bên dưới đang bị những đám mây từ trên cổng trời cao ngút tràn xuống, trong phút chốc, đã trở thành một bể mây mù. Con đường dốc đứng, ngoằn ngoèo, len lỏi giữa trùng vây mây trời. Khoảng gần 50km đường đèo khúc khuỷu như thế, hầu như không thấy bóng người và làng xóm. Thỉnh thoảng thấy một nhóm toàn đàn bà, con nít gùi củi, gùi can nước…trên lưng. Đâu rồi những bóng dáng người đàn ông, bờ vai, điểm tựa của gia đình ?
Đỉnh cao nhất của ngọn đèo này là cổng trời Quản Bạ, có độ cao 1.500 m so với mực nước biển. Nghe kể, người Pháp đã xây dựng con đường này như cửa ngõ đầu tiên lên Cao nguyên Đồng Văn vào những năm 30 của thế kỷ trước.
Đường lên Cổng Trời- Quản Bạ
Đá tai mèo, đường hiểm trở, cổng trời, rượu ngô, mật ong, thịt trâu hun khói…. là những gì mà chúng tôi thấy được tại điểm dừng chân xem Cổng Trời Quản Bạ.
Cổng Trời Quản Bạ
Mấy ngày này trời quang, ít mây sát mặt đường và là dịp chụp được nhiều ảnh đẹp khi đứng trên sườn đèo, sân của cổng Trời. Từ đây có thể thấy hai trái núi Cô Tiên do thiên nhiên tạo hoá nó giống đúc hai bầu ngực căng đầy của người thiếu nữ (Các bạn thử so sánh với các Slides “quehuong_DTL” và “hinhanhdocdaovethiennhien” do ĐTL gửi).
3.Dinh thự Vua Mèo (Nhà Vương)
Qua cổng trời Quản Bạ, Núi Đôi, đến Yên Minh và sẽ tới Đồng Văn. Trên đường đi Đồng Văn chúng tôi ghé thăm Nhà Vương. Đã lâu lắm cái tên Vua Mèo đối với tôi như một bài toán chưa có lời giải, bởi tôi nghe đâu đó ông này giúp và tặng Cách mạng nhiều thứ quý hiếm và cả một vùng đất, núi rừng rộng lớn mà trước đây là bất khả xâm phạm đối với Tàu, với Tưởng. Sự thực gia thế sự nghiệp, ảnh hưởng và cống hiến của Vua Mèo đến đâu vẫn còn mơ hồ đối với nhiều người trong đoàn chúng tôi. Ngay cái tên Vua Mèo làm tôi cứ tưởng gia đình họVương là dân tộc Mèo, song đâu phải thế. Vua Mèo lại là ngươi HMông. Người HMông ưa màu đen có viền đỏ, sáng sặc sỡ. Chắc đất Hà Giang người HMông là đông đúc nhất. Tại Lũng Cú và Mèo Vạc chúng tôi bắt gặp nhiều người mặc quần áo đen với viền hoa đỏ sáng.
Khu Dinh thự Vua Mèo
Từ trên độ cao của đoạn đường vòng theo hướng Lũng Cú, xe chúng tôi xuống dốc, ngoặc lại, quẹo khuỷ tay gần 180 độ và men theo đường thấp dần, thấp dần tới Dinh thự Vua Mèo. Các bạn sẽ thấy từ xa một thung lũng chiến lược, một quần thể thiên nhiên tuyệt vời. Khu Dinh thự Vua Mèo nằm giữa một vùng đồi núi cao ngất ngưởng trong như một Tổng hành dinh của một Tập đoàn quân vậy. Nằm ẩn mình dưới thung lũng mây Sà Pìn, sau những tán cây Sa Mộc thẳng tắp vươn mình lên cao vút, khu di tích nhà Vương tại xã Sà Phìn từ lâu đã trở thành điểm đến không thể thiếu của nhiều đoàn khách khi lên cao nguyên cực Bắc, Hà Giang..
Cả đoàn bên cổng Nhà Vương
Vua Mèo Đệ Nhất Vương Chính Đức có ba bà vợ. Vợ cả có 2 trai 3 gái. Vương Chí Sình (Vua Mèo Đệ Nhị mà ta hay nói tới) là con trai thứ 2 của bà cả. Bà vợ hai đẻ toàn con gái, còn bà ba có 2 con trai. Trong 4 người con trai chỉ có người con thứ hai Vương Chí Sình là có tư chất và vị thế nổi trội hơn tất cả, xét theo nhiều gốc độ của gia tộc và ảnh hưởng của dòng họ nhằm nối nghiệp vua Mèo đệ nhất. Ông Vương Chí Sình sinh năm 1885. Khi đến tuổi trưởng thành ông mở cửa hàng buôn bán tạp hóa, dầu hỏa, vải vóc và thuốc phiện.
Đá có hình hoa anh túc
Từ Đồng Văn, Vương Chí Sình đem thuốc phiện và các loại lâm thổ sản về Hà Nội, rồi sau đó chuyển xuống Hải Phòng để bán và mua các loại vải vóc, dầu hỏa, đá lửa... cùng các đồ dùng sinh hoạt khác đem ngược về Hà Giang. Khi bố là Vương Chính Đức già yếu và bị Pháp bắt rồi mất, Vương Chí Sình đứng ra chèo lái nhà họ Vương và tiếp tục được tôn như một vua Mèo đệ nhị.
Vua Mèo đệ nhị
Năm 1945 khi Pháp bị Nhật đảo chính và chạy lên vùng Mèo để cùng người Mèo chống Nhật, song khi Nhật đến Đồng Văn, Pháp bỏ mặc người Mèo chạy sang Trung Quốc theo quân Tưởng. Trong bối cảnh đó, Vương Chí Sình đã trực tiếp chỉ huy tiêu diệt một đại đội bộ binh Nhật. Đây là trận đánh có ý nghĩa lịch sử và ảnh hưởng lớn cho vùng Tây Bắc lúc bấy giờ và còn vọng mãi đến mai sau. Cách mạng tháng Tám thành công, với cái tài đức và anh minh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân mời Vua Mèo Vương Chí Sình tham gia Quốc hội khoá đầu tiên. Từ Cao nguyên đá Đồng Văn, Vương Chí Sình lặn lội cả tháng trời bằng ngựa, bằng chân trần về Hà Nội gặp Bác. Trong lần gặp gỡ ấy, Bác đã đổi tên cho vua Mèo thành Vương Chí Thành và kết nghĩa anh em. Năm 1956, tròn 70 tuổi, Vương Chí Thành với lý do tuổi cao, sức yếu, đã đề nghị được bàn giao toàn bộ vùng Mèo Đồng Văn và khu vực biên giới lân cận lại cho Chính phủ ta quản lý. Bác Hồ đã tặng ông Vương Chí Thành một thanh gươm với dòng chữ “Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ” để kỷ niệm, đồng thời đánh giá công lao đóng góp của ông Vua Mèo cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Năm 1960, ông Vương Chí Thành được bầu lại vào Đại biểu Quốc hội khóa II. Năm 1962 thì ông mất, thọ 77 tuổi. Thi hài được đưa về an táng tại khu Dinh thự nhà Vương. Trên mộ ông được khắc đầy đủ tên tuổi, chức vụ và dòng chữ: “Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ” mà Bác Hồ tặng khi ông còn sống.
Mộ chí ông Vương Chí Thành
Khu Dinh thự họ Vương (Nhà Vương) được xây theo kiểu kiến trúc Trung Hoa cổ bao gồm 64 gian phòng khác nhau (Phòng của Vua Mèo, phòng ba bà vợ, phòng làm việc, phòng cho các thành viên trong dòng họ, phòng ở của các gia nhân giúp việc và quân lính, nhà kho lương thực, kho vũ khí, đặc biệt có một kho riêng để chứa thuốc phiện). Có 3 nhà kho chính ở ngay tầng trệt do ba bà vợ Vua Meò quản lý, mỗi người một mảng. Tường thành được xây cao vút xung quanh, có quân lính bảo vệ và khó có thể đột nhập từ bên ngoài. Tầng 3 được xây kiên cố, có bố trí các lỗ châu mai và chòi canh để bảo đảm an ninh cho cả khu nhà. Phía sau nhà có một bể chứa nước rất lớn được xây dựng toàn bộ bằng đá, thiết kế hứng nước mưa từ trên các dãy nhà xuống. Nội thất bên trong nhà Vương hiện còn lưu giữ được khá nhiều để trưng bày giới thiệu cho du khách, đặc biệt các bộ sưu tập ảnh của đại gia đình họ Vương từ thời khai sáng. Phải mất 8 năm và 150.000 đồng bạc trắng để có lâu đài quý giá này. Nhà Vương được vua Mèo Vương Chính Đức cho mời những người thợ giỏi nhất ở vùng Vân Nam (Trung Quốc) về xây dựng, nên mang nhiều dấu ấn của kiến trúc Trung Hoa. Tuy nhiên, đối với Việt Nam và ở miền cao nguyên đá này thì đây là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo và đặc sắc. Vật liệu để xây dựng nhà gồm đá xẻ, gỗ lim, gỗ nghiến, nền nhà bằng đất, lợp ngói âm dương… kết cấu kiến trúc gồm hai tầng, sàn nhà được lát bằng gỗ. Phía ngoài gian chính giữa có treo một bức hoành phi bằng chữ Hán do vua triều Nguyễn phong tặng vua Mèo “Biên chinh khả phong”.
Phía trước khu nhà Vương là chợ Sà Phìn, chợ họp mỗi tuần một phiên. Vào phiên chợ trong mỗi gia đình thường thì cả nhà cùng đi. Các bà mẹ, người vợ đi chợ để mua sắm; các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn; trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ; thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn tình. Sau vài phiên chợ nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng.
Sau Vua Mèo, gia tộc họ Vương chỉ còn lại ông Vương Quỳnh Sơn được Nhà nước giao rất nhiều việc trọng đại. Hiện những hậu duệ vua Mèo sống cạnh ngôi nhà Vương huyền thoại và tất cả những gia đình này buôn bán phục vụ cho du khách đến tham quan nhà Vương. Người cháu gái 7-8 đời của Vua Mèo là hướng dẫn viên và giới thiệu toàn bộ khu Dinh thự Vua Mèo cho đoàn chúng tôi. Đời sống của người dân ở đây và con cháu Vua Mèo chẳng khá khẩm là bao. Vẫn còn khổ lắm! Tất cả con cháu dòng họ Vương ở Sà Phìn vẫn không thể thoát khỏi sự đói nghèo đang dai dẳng bám Cao nguyên đá Đồng Văn. Tài sản lớn nhất trong căn nhà của Vương Mý Sèo chỉ là chiếc máy xay ngô để lại!
4. Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên Đồng Văn là cao nguyên cao nhất nước ta và cả vùng Đông Nam Á. Chúng tôi đã “Có đường đi trên mây lên tới Cổng Trời” tại Quản Bạ, song Cổng Trời chưa cao, phải còn lên nữa, lên nữa, phải vượt ba tầng cổng trời để đặt chân đến đỉnh cao nhất của cao nguyên Đồng Văn. Hú hồn hú vía với núi, với đá rừng ! Càng lên cao, núi non càng hiểm trở và bất trắc. Đoạn đường sau Quản Bạ với những ngọn đèo ôm chặt núi tạo nhiều khúc cua gấp như ta siết chặt cánh tay và khuỷ tay vào lồng ngực vậy, và, xe càng “bò” lên cao, nhìn lại, cảm thấy con đường như sợi dây bún ngoằn ngèo trong cái đĩa vậy. Trên là đường, dưới là vực với tường đá dựng đứng lô nhô cao sừng sững, xe bám vào vách núi và vách đá cao ngất. Tôi có cảm giác như xe đang chạy vào trên một sợi dây cáp vậy.
Tác giả trên Cao nguyên đá Đồng Văn
Trên đường, thấy nương rẫy vẫn có vườn ngô, vườn sắn, song chẳng thấy đâu một bóng người. Có thể nói diện tích canh tác vùng này được sử dụng với hệ số tối đa, bởi ở đâu có chỗ trũng, có đất màu, không đá là ở đó cây trồng. Thú thật, tôi vô cùng thán phục bởi diện tích phủ kín đồi trọc ở đây. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy vài ba người Dao/Hmông hay Mèo gì đó cõng những bó cây rừng hay đang lùa những bầy trâu đi dọc các sườn đồi hoang vắng, còn ít thấy xóm chòm làng mạc. Trên vách núi đá tai mèo là các búi bắp khô qua vụ rẫy, người ta chất lại để làm củi đun. Sau vụ thu hoạch, người ta để dành bắp khô để xay nấu mèn mén, rượu ngô trữ qua mùa giáp hạt… Ngoài ra, những đồng cải vàng hoa ven đường cũng làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên về sự “phì nhiêu trong tằn tiện” của đất đai và phong thổ nơi đây. Đồng Văn cao hơn 710 m so với Yên Minh, mà Yên Minh cao hơn Quản Bạ 1.500m. Thử hỏi cứ đi tiếp theo lên theo hướng này với gốc nghiêng và độ cao tăng dần thì sẽ đưa chúng tôi lên cao bao nhiêu ? Hãy đợi đấy, khi giơ tay sờ thấy vòm Trời là lúc ta mãn nguyện ! Mới vài năm trước Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là "Công viên Địa chất Toàn cầu" do Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu cấp và đưa vào Thành viên của Mạng lưới và nghe đâu có nhiều loại gen động thực vật quý hiếm.
5.Đèo Mã Pí Lèng
Mã Pí Lèng theo tiếng dân tộc trên ấy có nghĩa đen là “sống mũi con ngựa” để chỉ đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa, song sự thực theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi con ngựa đực mộng leo đến đỉnh dốc cao phải quỵ xuống mà tắt thở. Từ Lũng Cú chúng tôi về Đồng Văn rẽ trái đi Mèo Vạc phải qua đèo Mã Pí Lèng này. Suốt trên 20 km đường hẹp và hoang vắng, hiểm trở tột đỉnh tại ngọn đèo, xe chạy như làm xiếc trên vách núi, thỉnh thoảng có vài hòn đá lăn từ trên cao xuống trông mà khiếp đảm.
Đèo Mã Pí Lèng
Nghe kể, trước những năm 1965, khi chưa làm đường, hàng vạn người Mèo thuộc các huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm con đường, họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Đêm xuống, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bắt gặp vài chiếc Wave nhích từng vòng lốp, dựng ngược trèo đèo trong đêm không trăng, không sao và không điện. Tôi hỏi và được biết đó là xe cô thầy giáo đi dạy học về, đó là xe của chiến sỹ đồn Biên phòng Lũng Cú về Mèo Vạc mua thực phẩm mang về, bởi trên Cột Cờ không có và xe của dân, của bộ đội ở đây. Sao mà họ liều thế, dũng cảm thế và khổ thế ! Đi trong đêm, vượt đèo, vượt suối nhỡ mà có chuyện gì thì biết tính sao đây. Con đường qua Đèo Mã Pí Lèng là cung đường đèo hiểm trở, vượt đỉnh núi có độ cao khoảng 2.000m thuộc Cao nguyên Đồng Văn. Con đường nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc được đặt tên là con đường Đường Hạnh Phúc. Con đường này do Bác Hồ quyết định xây dựng và được khởi công vào ngày 10/9/1959 với sự tham gia của bà con dân tộc vùng cao và hàng vạn thanh niên xung phong các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Sau 6 năm xây dựng bằng lao động thủ công, không có sự hỗ trợ của máy móc, mìn, pháo…con đường được hoàn thành hoàn thành vào 15/6/1965. Để làm đoạn đường vượt qua bức tường đá khổng lồ, dựng đứng Mã Pí Lèng, 17 thanh niên trong đội cảm tử phải treo mình bằng dây trên các vách đá ròng rã trong gần một năm trời để đục đẽo bằng bàn tay với đồ nghề thô sơ, khí hậu khắc nghiệt, thiếu lương thực, thực phẩm. Để thể hiện lòng quyết tâm và hiểm nguy, mất mất có thể xẩy ra, các công nhân đã đặt tại lán của mình 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc. Không biết bao công nhân, thanh niên xung phong đã để lại thân xác nơi đây vì con đường.
Công nhân trẻ làm đường Mã Pí Lèng
Cho đến giờ khi qua đây tôi mới chợt nhớ, hồi đó họ có được vinh danh anh hùng, liệt sỹ hay có vinh dự được nhận Huân huy chương nào không nhỉ? Ngành giao thông của ta cũng có có những thời khắc hào hùng và đẹp đẽ đến vậy (song bây giờ làm có một đoạn đường 32 mà lâu thế!). Tuổi các anh chị xây đựng con đường này chắc cùng trang lứa với tuổi của nhiều người trong đoàn chúng tôi. Đèo Mã Pí Lèng là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc, được ví như "vua" của các con đèo Việt Nam. Việc hoàn thành đoạn đường qua đèo Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc được xem là kỳ tích mà nhiều người ví như một Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam hay Kim Tự Tháp của người Mèo, ngươi HMông nơi đây. Chúng tôi dừng chân trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, nơi cao nhất của Đường Hạnh Phúc, tại Trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh, và tại đây có đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo. Thời đó, nghe kể, ngoài cái khó, cái khổ còn có vấn nạn thổ phỉ hoành hành tại đây ghê lắm. Chúng là tàn quân Tưởng sót lại sau khi thất thủ với Trung hoa lục địa và dạt về vùng này. Mã Pí Lèng được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia năm 2009. Trong tác phẩm Kỳ tích Mã Pí Lèng, nhà văn Đỗ Doãn Hoàng đã viết: “…Trong lịch sử làm đường của Việt Nam, có lẽ đó là con đường thi công hoàn toàn bằng sức người gian khổ nhất; vượt qua cao nguyên cao nhất; chiếm số ngày công lao động nhiều nhất; thời gian lâu nhất; và cũng bi tráng nhất..” (Khi con đường hoàn thành, phải có một nghĩa trang riêng để tưởng nhớ những người đã ngã xuống).
6.Meò Vạc
Đi qua đèo chùng 22-25km chúng tôi đến Mèo Vạc, nơi nổi tiếng có Chợ tình Khau Vai. Dịp này không có chợ tình nên chúng tôi không đi thăm. Chợ tình Khau Vai là phiên chợ đặc biệt mỗi năm chỉ có một lần dành cho những người yêu nhau nhưng vì nhiều lý do, hoàn cảnh mà không lấy được nhau. Vào đêm 26/3 âm lịch, họ sẽ xuống núi, tới dẻo cao Khau Vai tham gia phiên chợ tình. Họ gặp lại người mình yêu, kể cho nhau nghe về cuộc sống hiện tại, về những kỷ niệm đã qua bằng câu hát. Người ta nói, đó là một đêm "ngoại tình" đặc biệt của những người dân tộc nơi đây.
Dọc những cung đường trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ phải vật lộn với cuộc sống khắc nghiệt để kiếm miếng cơm, manh áo. Những cảnh này chúng tôi thấy được, chụp được trong suốt chặng đường từ Quản Bạ đến Yên Minh tới Đồng Văn, Lũng Cú và Meò Vạc thật cảm động làm sao. Bao đứa trẻ thơ chân đất, áo quân rách nát cứ cúi đầu vào tảng đá bên đường để hửng từng giọt nước rỉ ra từ phiến đá rồi cho vào can nhựa nham nhở gùi về cho gia đình xa tắp. Lấy nước ở đây như lấy mủ cao su vậy, chỉ có điều khác là con người phải ngồi chờ từng giọt nước. Cuộc sống của những con người trên mảnh đất núi đá này khiến chúng tôi khâm phục. Hình ảnh có sức ám ảnh nhất có lẽ là những gương mặt trẻ thơ vùng cao. Chúng nhem nhuốc trong những bộ quần áo cũ rích, nhưng ánh mắt thì sáng, luôn ngạc nhiên mỗi khi xe khách lạ chạy qua và chạy ập lại xin quà. Nghe nói, cho dù mùa khô hay mùa mưa, nóng hay rét, những đứa này vẫn cố bám đường để kiếm cái bánh, cái kẹo của khách qua đường quẳng xuống. Tội nghiệp lắm. Có phải bố thí không hở con người ? (Đến đây các bạn thử so sánh với các Slides mà GS. Hàm gửi “The Best e-mail of the year” thì không cần phải đi đâu mà chụp hình so sánh tương phản nữa. Cứ lên đây mà xem và chụp lấy vài ảnh rồi đặt vào một nửa bên kia thì hết claim !)
Trẻ em Cao nguyên Đồng Văn đang kiếm từng giọt nước
Có một điều lạ là chúng tôi rất ít gặp đàn ông cho dù trung niên hay lớn tuổi trên suốt chặng đường. Họ làm gì, ở đâu mà không thấy ra đồng, ra ruộng ? Đâu đâu cũng bắt gặp phụ nữ và trẻ thơ với vóc người quá nhỏ, cao lắm là 1,5m, mập lắm cũng chỉ tới 39-40kg mà thôi.
7.Cột cờ Lũng Cú
Lũng Cú mảnh đất địa đầu Tổ quốc cách thị xã Hà Giang khoảng 200km, nằm ở khu vực có độ cao từ 1700-1800m trên mực nước biển. Ở đây là đầu nguồn của sông Nho Quế phân chia ranh giới Việt - Trung. Theo sử sách ghi lại, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên ải này một chiếc trống lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là Trạm Biên phòng Lũng Cú bây giờ. Và chính vậy, nay xung quanh chân cột cờ Lũng Cú được trang trí bằng các mặt Trống đồng.
Từ xa, núi Lũng Cú hiện ra thật sinh động với đá là đá, nổi bật lên là cột cờ Tổ quốc có hình dáng giống cột cờ Hà Nội. Cách chừng 12-15 km trên cao nguyên Đồng Văn các bạn đã thấy lá cờ bay trên ngọn tháp giữa núi rừng hùng vĩ, trùng điệp. Nghe nói, Cột Cờ có 279 bậc và để kiểm chứng độ chính xác, chúng tôi đã đếm từng bậc một từ cốt 0 cho đến tận chân cột Cờ đúng là 279 bậc! Các bạn chắc còn nhớ Tháng 2 năm 1979 ? “Nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người”!
Tại độ cao trên 1.700m ở vĩ độ 23 độ 15’ Bắc, đỉnh chóp nón của bản đồ Việt Nam là cột cờ Lũng Cú. Cái tên Lũng Cú có nhiều giai thoại, song nghe kể về sự tích Rồng thiêng đến ở ngọn núi thiêng Lũng Cú thì cái tên Lũng Cú xuất phát từ cách đọc chệch âm từ Long Cư (nơi rồng ở) mà ra. Có người kể Lũng tiếng HMông là ngô và Lũng Cú là thung lũng ngô. Và biết đâu đấy lịch sử dân tộc sẽ làm nên những chiến công hiển hách, lúc đó sẽ có thêm cái tên mới đầy sự tích huyền thoại và hào hùng cho cái tên “Lũng Cú” hôm nay?
Lũng Cú, cái đỉnh giống bao đỉnh núi khác đều là đất thiêng của Tổ quốc, song trên hết mọi đỉnh núi, Lũng Cú mãi mãi là tâm linh và đã in vào tiềm thức của mỗi con người Việt về chủ quyền của một dân tộc, về đất đai của nước Việt Nam ta! Với diện tích 54 m2 đại diện cho 54 dân tộc gắn trên đỉnh cột đặt trên bệ cao với 279 bậc thang, lá Cờ đang sải phần phật trên bầu trời bao la, trong sáng khẳng định cho sự nguyên vẹn Tổ quốc thân yêu! Cho đến khi đặt chân ngọn đèo cao ngất và sờ được chân cột Cờ Lũng Cú, chúng tôi mới yên tâm và tự hào rằng chuyến đi của mình đã đến nơi cần đến !
Tác giả dưới chân núi Cột Cờ Lũng Cú
Ghi chép lại chuyến “Phượt Hà Giang” sau khi đã đến tận nơi, tận mắt nhìn cột cờ Lũng Cú –Biên giới cực Bắc trên đất liền của Tổ quốc trong những ngày cuối tháng Năm ấm ức, quẩn trí bởi cái tuổi già của tôi đã đến, và còn thiếu điều gì nữa chăng? Phải chăng dự định sắp tới của “Hắn” là Trường Sa ? Biển, Đảo của ta những ngày này sóng cuộn. Đến đây, tôi nhớ tới cảm nhận chuyến đi Trường Sa của bạn Châu HM (Người Đương thời) đã viết: “Sách báo viết về Trường Sa rất nhiều. Nhưng đọc để mà quên, nghe rồi cũng thế... Chỉ có thấy là hiểu… hiểu được nhiều điều mà nếu chỉ quanh quẩn trong đất liền sẽ không bao giờ hiểu được. Đối với hầu hết người dân Việt Nam, chiến tranh đã đi qua từ lâu, nhưng đối với các chiến sĩ quân chủng Hải quân, cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn. Hàng ngày hàng giờ, họ vẫn phải đối mặt với gian khổ hiểm nguy, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh. Đối với gia đình họ - những người mẹ, người vợ lính - chiến tranh cũng chưa đi qua…Trường Sa là một phần không tách rời của Việt Nam. Dù cách xa ngàn trùng, nhưng Trường Sa không xa. Trường Sa ở trong lòng chúng tôi”. Bạn Châu HM ơi, bạn Hàm ơi, Hội trưởng Ngọc ơi, TBT Nghị PH, sếp Bích Chi thuở nào của tôi ơi, và… xin chia sẻ với các bạn sau chuyến đi Lũng Cú vừa rồi lại muốn “Tổ quốc nhìn từ biển”:“Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển./ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng / Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa / Trong hồn người có ngọn sóng nào không…/…Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát / Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời / Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.(Thơ Nguyễn Việt Chiến đăng trên báo Thanh niên ngày 28/5/200, và cũng chính “a Poor Man” này viết bài “ Thời đất nước gian lao” mà ai đó trong ACE, KGU đã post lên mạng (hình như TBT NghiPH, Nhà văn PhưNĐ hay ai đó trong NguoiKGU ta)
“ Năm mươi người con theo Mẹ lên Rừng, năm mươi người con theo Cha xuống Biển” để làm ăn và mở mang bờ cõi, nhưng sao mà không công bằng đến vậy? Bởi ở đâu, con cháu ta cũng phải chịu cảnh nhọc nhằn, thiệt thòi và uất đến vậy! Viết đến đây tôi chợt nhớ lại lời của Đại văn hào W. Shakespeare trong một cuốn tiểu thuyết mà tôi không còn nhớ nổi tên, bởi đọc nó cách đây trên 40 năm, khi vào năm thư nhất OB 2 của KGU dạo ấy: “Ta là người tự trọng và biết điều, nhưng mỗi khi danh dự bị xúc phạm, một tấc đất bị lấn chiếm thì chỉ cần cái rơm, cái rác cũng đủ ra tay…”.
Hết
(Note: Bài viết được ghi lại sau chuyến Phượt Hà Giang của mình và tư liệu từ www.google.com.vn. Có rất nhiều ảnh, tôi sẽ đưa lên để ace chiêm ngưỡng)
Hà Nội, 5/6/2011
Cao Xuân Vịnh - Chai lọ 74
Người post: VinhCX
Ngày đăng: 08-06-2011 15:03
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |