KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 08 Tháng sáu. 2011

Thăm mộ vợ chồng nhà thơ Phùng Quán




Tác giả: HienVC

Đoàn các thầy cô đã trở về Moldova hơn một tháng, nhưng những kỷ niệm và dư âm của những buổi gặp mặt thầy trò vẫn còn đọng mãi trong ký ức mọi người. Các học trò đã cố gắng hết sức làm tất cả những gì có thể để báo đáp công ơn dạy dỗ của các thầy, thể hiện một cách đầy đủ và sinh động truyền thống “ Tôn sư trọng đạo“,“ Uống nước nhớ nguồn“ của dân tộc Việt nam. Các bài viết , các hình ảnh liên tục xuất hiện trên mạng trong thời gian dài đã phản ảnh khá tường tận và chi tiết các sự kiên trong cả chuyến đi của các thầy cô tại Hà Nội, Hạ Long, Đà nẵng, Hội An và Huế, tuy nhiên sẽ là không đầy đủ nếu không nhắc thêm đến một sự kiện nữa đã xảy ra tại Huế.

Sáng 2/5 như đã hẹn trước, 6 h sáng khi mọi người còn yên giấc, Ngọc BQ, Dũng TV,vợ chồng Huy TQ- Thuỷ ĐT và tôi  rời khách sạn lên xe đi thăm mộ nhà thơ Phùng Quán và cô Bội Trâm- vợ nhà thơ ở Phong Điền, Huế.

Từ khi còn học phổ thông , tôi đã được đọc rất nhiều tác phẩm, nghe rất nhiều giai thoại văn học, những mẩu chuyện kể về cuộc đời chìm nổi đầy gian truân của nhà thơ Phùng Quán, và thực sự tôi rất ngưỡng mộ tài năng cũng như ý chí của ông mặc dù chưa một lần được gặp mặt. Riêng cô Bội Trâm, tôi đã có may mắn được nghe cô giảng văn học trong thời gian không dài, cuối cấp II tại trường Trưng Vương, Hà nội. Ấn tượng cô để lại là phong thái của một nhà giáo mẫu mực, một phụ nữ Hà nội xưa hiền dịu, và hơn cả là một người có hiểu biết rất sâu sắc, rất yêu văn học và có một sức truyền cảm tình yêu này một cách mạnh mẽ tới các học trò của mình ( kể cả loại “ văn như hũ nút chữ như mù “ và cũng không lấy gì gọi là  “mẫu mực”   lắm như tôi ).

Trên đường đi Phú Bài cách không xa thành phố, xe rẽ phải chừng 2 km là đến. Khu mộ hai vợ chồng nhà thơ toạ lạc bên cạnh đường tại một vị trí tuyệt  đẹp, thoáng đãng, trên triền đồi cao rất nhiều cây cối xanh mướt , nhìn thẳng qua đường ngay ra hồ nước lớn. KTS Phùng Phu, bạn bè, những người ngưỡng mộ tài năng và nhân cách của nhà thơ, một số học trò của cô Bội Trâm đã đóng góp không ít sức người sức của để xây dựng nơi an yên nghỉ cuối cùng này một cách  xứng đáng với những gì hai vợ chồng nhà thơ đã để lại cho hậu thế.

Bài thơ " Lời mẹ dặn" nổi tiếng

Chúng tôi thắp nhang viếng mộ , cầu chúc cho linh hồn nhà thơ Phùng Quán và cô Bội Trâm được an nghỉ nơi suối vàng mãi mãi.  Những gian truân, chìm nổi, những bon chen trong cuộc đời đã vĩnh viễn lùi xa họ.  Người đời sẽ mãi mãi nhớ đến họ, nhớ đến những gì họ đã làm cho Đất nước.

            Lẽ sống của nhà thơ

Tôi cứ vương vấn mãi về ấn tượng mà con người nhà thơ Phùng Quán để lại nhưng quả thật là khó, có lẽ ngắn gọn nhất chỉ có thể là “ Uy vũ bất năng khuất “.


Người post: HienVC

Ngày đăng: 08-06-2011 16:04






Xem 1 - 10 của tổng số 13 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: HuongNT
02/07/2011 23:50:33

Tối 25/6 dự buổi gặp gỡ Huyền xong thì hôm sau tôi bay vào Đà Nẵng và 30/6 đi Huế. Tôi gọi điện cho Ngọc và anh Hoài để hỏi đường đến thắp hương cho Cô giáo Vũ Bội Trâm và chú Phùng Quán. Đường đi được hướng dẫn tỉ mỉ nên cũng dễ tìm, cách quốc lộ khoảng 3km. Khi gia đình tôi đến mộ thì trời bỗng nhiên đang nắng lại mưa như kiểu mưa bóng mây. Mộ cô chú nằm ở vị trí quá đẹp, "đầu tựa sơn, chân đạp thủy". Tôi thắp hương cho cô chú và khấn như được nói chuyện với cô vậy. Nhìn tấm hình của cô rất đỗi thân thương làm tôi bật khóc. Thôi thế là cô đã được thỏa ước nguyện "sống quê cha làm ma quê chồng". Cầu chúc cho cô chú an giấc ngàn thu!


Chào cô chú ra về, tôi nói với chồng con là trong chuyến đi nghỉ ở Đà Nẵng này điều mà tôi toại nguyện nhất (nhưng không ngờ tới) là thắp nén nhang lên mộ cô Bội Trâm và chú Phùng Quán đã thành hiện thực.



Từ: TungDX
18/06/2011 22:45:05

 


Tôi học toán ở Nguyễn Huệ, nhưng trong lớp cũng có vài cây văn (song toàn); Có lần thầy Kỷ dạy văn lớp 10 trả bài; Thầy nói tôi đọc cho các em nghe một bài tên là "Người lớn"; Chuyện viết về đôi bạn học nam nữ vô tư trẻ con bên nhau rồi đến một hôm cậu trai vẫn đùa như cũ dùng chân đá một hòn sỏi về phia cô gái, nhưng cô bạn, thay vì tiếp chiêu, lại e lệ kéo nghiêng vành nón đi qua; Cả lớp lắng nghe im phăng phắc cho đến câu cuối; Thầy hỏi các em cho mấy điểm; Chúng tôi nhao nhao khen hay; Sau cùng thầy nói: "Tôi cho 2 điểm, lý do là bài không có dấu ấn thời gian, đặt nó vào thế kỷ trước, hay vài thế kỷ sau cũng vậy"; Sau này tôi mới hiểu: Hành nghề đào tạo quả là cũng cần nhiều chiêu thâm thúy - có lẽ thầy cần khích tướng để không làm thui chột mất một tài năng; Tác giả tên là Vũ Văn Tân người Hà nội, sau không theo nghề cả toán lẫn văn, mà hành nghề kiến trúc, nhưng đã cùng nhóm đoạt được một giải thưởng quốc tế: Kiến trúc nhà cho Đồng bằng sông Cửu Long; Cũng như NgọcBQ, mấy ai có cơ hội tiếp xúc với tác phẩm NCGP, chỉ có một điều được ghi nhận ở lớp tôi là: Mặc dù lời lẽ là chỉ trích, nhưng thầy cô nào cũng say sưa, cao hứng khi "đả phá" NVGP; Cô Hạ dạy văn lớp chin đã khắc vào đầu chúng tôi một câu của Ai đó tôi không nhớ: "Đời người con gái là bát cơm nguội đỡ khi đói lòng"; Dù sao chúng ta đã được bọc trong nhung lụa, ít nhất là cho đến khi đào tạo xong, và còn được hưởng tiếp các thành quả CM, được làm cái mình thích phù hợp với năng lực và mong muốn của đất ước; Nghĩa là hoạt động  diễn ra trong môi trường đồng thuận của các yếu tố: nhân định, thiên định, hoặc thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhiều khi cảm thấy mọi sự dễ dàng đến tự nhiên, bình thường; Nhưng khi sự đồng thuận không có thì cuộc đời sẽ nổi phong ba giống như đời các nhà tư tưởng được xếp vào NVGP. Một số câu khác của thời học trò nghe lỏm là: Cả gan cầm lửa đốt trời / Trời cao không cháy lửa rơi cháy mình; Ngồi buồn đốt một đống rơm,,,; Làm chi cũng chẳng làm chi...câu cuối hình như của Trần Văn Giàu; Hy sinh cho lý tưởng luôn được ngợi ca dễ dàng, nhưng không dế dàng làm theo; Cũng giống như bây giờ Học tập và Làm theo khi tổng kết phổ biến là đạt 50% (vế đầu);


Uy vũ bất năng khuất hay theo đạo Khổng đó là chính nhân quân tử


 


 



Từ: HoaiPV
12/06/2011 00:07:53

Rất vui khi được đọc những sẻ chia tình cảm của các ACE là học trò cũ của cô giáo Bội Trâm, cũng như những ACE KGU từng ngưỡng mộ Nhà thơ Phùng Quán. Tôi cũng đã nhiều lần được đưa Ba tôi (Cụ Nguyễn Tích Ý – người đã rất phấn khởi đón Thầy Cô Riabukhin và Vưxotranski đến thăm nhà trên bờ sông Hương 5/2011) đến thăm gia đình Phùng Quán – Bội Trâm, chú em liên lạc của trung đoàn 101 Trần Cao Vân, Bình Trị Thiên khói lửa những năm chống Pháp. Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện của hai anh em trong căn chòi bát giác lợp bằng lá cọ dựng ngay sau căn phòng tập thể trường cấp III Chu Văn An (lúc ấy con đường viền Hồ Tây chưa có, phải đi qua sân trường, hoặc men theo con đường quanh sân vận động của trường mới đến được nhà của cô chú). Rượu được rót thẳng từ vòi chiếc ấm Xamôva rất to đặt trang trọng tại góc lều tranh. Phùng Quán lúc nào cũng mặc bộ đồ bà ba màu nâu (thói quen từ những năm tháng ở “trại rèn tư tưởng” chăng?), tóc búi. Tôi cũng đã từng đi với chú Phùng Quán đến người bạn – em gái công tác tại NXB văn hóa dân tộc, người đã từng dám “liều mạng” trong nhiều năm cưu mang, in cho chú những giọt thơ, những câu truyện đầy bi tráng dưới những bút danh khác nhau để có chút nhuận bút góp thêm vào đồng lương còm của cô giáo Bội Trâm những năm đau thương vất vả!


Cái chất giọng nhỏ nhẹ nhưng rất sắc của Chú cũng như giọng rất hiền của Cô có lẽ không bao giờ tôi có thể quên. Hồi chú Phùng Quán mất, mộ chưa chuyển về Huế, tôi đã mấy lần đưa Ba tôi lên thắp hương cho chú ở quê vợ - thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, Hà Nội.


  Gia đình tôi vẫn giữ cuốn “ Nhớ Phùng Quán” của nhiều tác giả, do nhà thơ Ngô Minh sưu tầm, tuyển chọn và biên soạn. Ngay trang đầu cuốn sách là “Nhớ lời Mẹ dặn” cùng với ảnh Phùng Quán và Mẹ.


Phùng Quán có nhiều tác phẩm nổi tiếng mà anh Hiền và trò Ngọc của cô Bội Trâm đã trích dẫn. Nhưng riêng tôi rất thích bài “Trường ca cây cà”, có lẽ vì tôi là người xứ Nghệ chăng? Tôi xin trích vài chương ngắn, muốn góp chung với nỗi đau đáu của triệu con tim người dân nước Việt trong những ngày “Tổ Quốc nhìn từ biển” này!


 


TRƯỜNG CA CÂY CÀ


………………………


ChươngV


Cà Nghệ


Thịt dòn


Ruột đặc


Người Nghệ


Tiện tằn, chân chất


Muối một vại cà


Ăn một năm


Sử kháng chiến ngàn trang


Người Nghệ ưa vắn tắt:


-          Đánh Pháp hết chín vại cà


Đánh Mỹ hơn hai chục vại


Bù đi bù lại


Đánh bại hai đế quốc to


Hết ba chục vại cà!


 


Chương VI


 


Tổ quốc ta đủ cà đủ muối


Đủ đất nung cả ngàn chiếc vại!


 



Từ: HienVC
11/06/2011 22:55:47

@ChiNB: Không dám nhận là "viết văn rất hay" đâu vì khi đi học điểm chung thân 3/5 môn văn kèm lời phê " Bài viết ngắn, gọn đủ ý nhưng câu khô khan, cần cố gắng hơn".


Nói chung mình đọc NVGP từ khi mới biết đọc, lúc đó vớ được gì có chữ là đọc nghiến ngấu mặc dù có thể không hiểu gì, nhưng các tác phẩm của các tác giả thuộc nhóm NVGP càng về sau càng thấy có giá trị.


Tiếc là những tác giả này đã phải chịu qua nhiều nỗi gian truân trong cuộc đời mình đặc biệt là đúng vào giai đoạn khả năng sáng tác của họ phát triển nhất.


 



Từ: ChiNB
10/06/2011 09:46:02

Thật hạnh phúc vì được là học trò của cô Bội Trâm, tôi thấy tất cả học trò đã từng học cô đều có cuộc sống nội tâm phong phú, sống có nghĩa, có tình và viết văn cũng rất hay: NgocBQ, HienVC, ThuyDTHuy, HuongNT... Rất tiếc hôm đó tôi cũng không đến mộ thắp hương cho vợ chồng nhà thơ Phùng Quán được nhưng được xem ảnh và nghe HienVC miêu tả coi như mình cũng đã có mặt ở đó rồi.



Từ: HuongNT
10/06/2011 09:10:36

Rất cám ơn anh Hiền đã có bài viết "Thăm mộ vợ chồng nhà thơ Phùng Quán" và đọc 4 câu thơ của em Lý trước tấm hình bia mộ càng thấy ý nghĩa của những câu thơ thật là sâu sắc. Người đời viết về nhà thơ Phùng Quán thì nhiều rồi nên hôm nay tôi muốn viết một chút về "bóng hồng" đằng sau nhà thơ - người yêu, người vợ suốt đời thủy chung và yêu ông say đắm, đó là cô Bội Trâm. Tôi có may mắn năm lớp 9 được cô Bội Trâm làm chủ nhiệm và có thể nói cô là người đã làm nhen lên trong tôi tình yêu với thơ văn từ đó. Nghe cô giảng văn thì khỏi nói rồi, những bài giảng của cô hết sức truyền cảm cả thơ văn cổ và thơ văn hiện đại. Tôi còn nhớ cô giảng bài "Thúy Kiều bán mình chuộc cha" hay bài "Êmili, con..." của nhà thơ Tố Hữu, cô đã khóc và làm cho những đứa con gái chúng tôi ngồi dưới cũng khóc. Giờ giảng văn của cô cả lớp im phăng phắc ngồi nghe. Có nhiều bạn ngịch ngợm, hay nói chuyện riêng trong lớp nhưng giờ giảng văn của cô Bội Trâm thì cũng ngồi trật tự. Và thường tiết học của cô bao giờ cũng quá giờ vì cô say sưa giảng và trò cũng say sưa lắng nghe. Lớp tôi hồi đó có nhiều bạn nam nghịch ngợm nên cũng làm khổ cô nhưng sau này khi đã trưởng thành các bạn vẫn yêu quý, nhớ cô và đến thăm. Hồi đó tôi là bí thư chi đoàn nên cũng hay được cô tâm sự và tôi đã rất khâm phục mối tình của cô với nhà thơ Phùng Quán. Vượt qua tất cả lời khuyên của cha mẹ, họ hàng, bè bạn và cả dư luận thời bấy giờ...cô vẫn yêu và chờ đợi chú Phùng Quán. Chính vì vậy nên cô có con cũng muộn. Cô còn kể vì sao cô đặt tên cho con gái là Đỗ Quyên, còn con trai là Quân. Cô là hình ảnh một cô giáo vô cùng mẫu mực trong tôi. Thời đó đất nước mình còn chiến tranh và cuộc sống rất khó khăn nhưng bản chất con gái Hà Nội gốc nên cô lên lớp quần áo bao giờ cũng là lượt và tuy giản dị thôi nhưng rất thời trang. Mắt cô tuy kém nhưng có thể nói là đôi mắt biết cười. Cho đến hôm nay hình ảnh khuôn mặt dịu dàng của cô vẫn còn in đậm trong tôi. Những năm ở Kisinhop tôi vẫn thường xuyên viết thư thăm cô và đến bây giờ tôi vẫn giữ những lá thư cô gửi cho tôi. Cô đã đi xa rồi nhưng vẫn được ở gần bên nhà thơ Phùng Quán, hẳn cô đã ngậm cười nơi chín suối. Chúc cô chú an giấc ngàn thu!



Từ: LyTM
09/06/2011 20:46:05

Kiên trung bất khuất thiên niên cổ,


Song bia vằng vặc, Nhật Nguyệt soi,


Thỏa chí tang bồng, dao viết đá,


Ngàn thu yên giấc, chẳng hận đời!


 



09/06/2011 17:48:15

Đọc Ba phút sự thật (Ký, tái bản bổ sung 2009 - bản này có một số tư liệu lịch sử đáng trân trọng), thương nhà thơ Phùng Quán quá đi. Ông viết cả những khi không được viết. Bài viết của ông in tên người khác. Cũng đáng quý, người ta cho mượn tên để có chỗ mà đăng, đặng giúp đỡ cô Bội Trâm lo chút việc nhà.


Còn cái đoạn nhà thơ đi câu cá Hồ Tây, nhà cháu học mãi không thành. Bây giờ câu khó rùi.


(Xin trích một đoạn từ tác phẩm của Ông: Với dân câu chúng tôi, mỗi năm chỉ có một vài đêm như đêm nay. Tôi đang hy vọng sẽ kiếm được một yến cá chép. Năm ngoái, cũng đúng vào thời điểm này tôi kiếm được hơn mười sáu cân cá, và một con rắn cạp nong lớn đi ăn trứng cá. Tôi bán tất mang tiền về cho vợ. Vợ tôi mừng ứa nước mắt. Với tôi, những đêm như đêm nay, mọi chuyện văn chương thơ phú chẳng có ý nghĩa gì hết so với một yến cá chép!…


 


tâm trí để hết ngoài bờ hồ, chỉ cách cái túp của tôi một vườn quất của anh Cả Tựu, hàng xóm. Cá ngoài hồ trở mình mỗi lúc một căng. Chúng đang từ giữa hồ lao vào bờ. Những nàng chép cái, mỗi nàng nặng cỡ hai, ba ký, bụng chửa vượt mặt, dắt theo cả chục chàng chép đực rốn cương sẹ (tinh trùng của cá) - cá cái vật đẻ phun trứng vào rễ bèo, vào những lùm rong đuôi chó, vào gốc các bụi cây mểng, cây sậy mọc chìm dưới nước… Cá cái phun trứng đến đâu, cá đực xô nhau tưới sẹ lên trứng. Chúng hoàn toàn đắm mình trong cuộc giao hoan, không còn biết trời đất là gì. Chúng tôỉ chỉ việc thả lưỡi câu chùm xuống, nhấc ngang, nhấc dọc, kéo cổ chúng lên khỏi mặt nước. Để tranh thủ thời gian, giật được con nào, chúng tôi vứt luôn chúng xuống giữa các rãnh cây, nắn vội lại bộ lưỡi câu chùm thả xuống giật tiếp...)


Các Bác được học Chu Văn An, thích quá. Có Thầy Bắc Sơn dậy văn, sau đó làm ở Sở VHTT cũ của Hà Nội. Bây giờ về hưu viết khỏe lắm, và hay nữa. Có Bác nào được học Thầy Sơn không?



Từ: NguyetTM
09/06/2011 17:22:37

Anh Hiền ơi, em tiếc lắm vì hôm đó không cùng mọi người đến viếng mộ vợ chồng ông Phùng Quán được, (mà chưa hề dám nói với ai). Em đã biết khu đồi này sẽ đón nhận hài cốt của cô Trâm và Phùng Quán từ khi gia đình có ý đưa họ về đó, rồi khi xây xong mộ em cũng đã được xem ảnh. Khi mọi người rủ nhau đi em cũng muốn đi lắm nhưng hôm đó em hiểu "sứ mệnh" của mình là ở lại khách sạn để tháp tùng các ông bà giáo đi ăn sáng "thay chồng". Hôm nay có bài viết của anh làm em cũng tưởng như mình đã được tới viếng mộ hai nhà văn hóa lớn của chúng ta. Cảm ơn anh Hiền.   



09/06/2011 11:19:55

Năm lớp 9 (hệ 10 năm phổ thông) chúng tôi (có Thủy vợ anh Huy VL76) được học cô Bội Trâm. Hồi đó chúng tôi không rõ lắm chuyện cô là vợ nhà văn Phùng Quán. Thời đó nhắc đến Phùng Quán là cả 1 sự e dè lớn, kiêng kỵ. Mà chúng tôi chưa đủ lớn để hiểu câu chuyện kiểu như “nhân văn giai phẩm”. Tôi chỉ biết cô Trâm dạy văn rất hay.


Lớp tôi là lớp chuyên toán Hà Nội, học ở Chu Văn An 1970-1973. Thời đó học văn chỉ có dòng văn học cách mạng, thơ ca chỉ có Tố Hữu, Sóng Hồng và Bác Hồ. Để dạy văn hay không dễ với thể loại này, nhất là cho học sinh chuyên toán. Cô Trâm đã làm được điều đó.


Rất tiếc chú Quán mất sớm nên chúng tôi không được tiếp xúc nhiều. Chú Quán là một tài năng. Viết "Vượt Côn Đảo" khi mới 20 tuổi mà chỉ qua chuyện kể các tù nhân. Những bài thơ như “Lời mẹ dặn”, một bản tuyên ngôn về sự trung thực, khách quan cho các nhà văn, sẽ còn được lưu truyền nhiều thế hệ. “Tuổi thơ dữ dội” được tái bản gấn 10 lần. Khi bị v/đ chú mượn tên nhiều nhà văn, trong đó có bác Đào Phương, bố Thủy, đề đăng bài. Chú Quán có câu nổi tiếng gắn với cuộc đời khi đó: “Rượu cắm, Câu trộm, Viết chui”, vì rượu toàn uống nợ với chủ quán, sống bằng nghề câu cá trộm ở hồ Tây (dân bảo vệ biết là Phùng Quán nên làm ngơ), và viết văn dưới tên người khác.


Dù chỉ dạy 1 năm nhưng chúng tối rất quý cô. Sau khi ra trường, chúng tôi vẫn thăm cô nhiều lần. Năm 2003 trong đợt công tác tại Úc, tôi được các bạn bên ấy cho đọc trên mạng 1 bài của chú Quán viết về nhà thơ Tuân Nguyễn. Tôi copy về mang lại cho cô Trâm. cô rất mừng nói bài này cô nộp bản thảo cho NXB, họ không cho đăng và còn nói là mất bản thảo rồi. Đây là bài hay nhất của Phùng Quán ở dạng hồi ký.


Tôi xin trích dẫn 2 đoạn viết về cô Trâm như sau từ cuốn “10I lớp tôi”, cuốn sách của lớp tôi được in năm 2003, kỷ niệm 30 ngày lớp tôi ra trường:



Cô Trâm dạy văn lớp chúng ta có một năm, nhưng đối với riêng tôi cô là người mẹ hiền thứ hai của tôi. Cô Trâm của chúng ta là một người đặc biệt.


Với cô Trâm, bạn hãy đưa cô bất cứ đoạn văn xuôi nào hay bất cứ bài thơ nào. Qua tay cô, chúng đều sẽ trở thành một bài thơ hay và đoạn văn xuôi đầy ý nghĩa.


Tình yêu của cô với chú Phùng Quán, sự chịu đựng những dị nghị, thành kiến xã hội trong suốt cuộc đời của cô thật vĩ đại, không gì có thể miêu tả và so sánh nổi.”


(Bùi Việt Hà)



“Ngoài Thầy Khải ra có lẽ cô Bội Trâm (vợ nhà văn Phùng Quán) dạy văn hồi lớp 9 là có nhiều gắn bó với lớp hơn cả. Cô Trâm dạy văn rất hay, chúng tôi mê tít. Kỷ niệm không quên của tôi là một lần trả bài tập làm văn, trong khi phân tích bài làm của học sinh, cô dừng ở một người và nêu ra những điểm không hay trong bài văn của bạn này. Tôi thầm nghĩ, quái tay nào mà làm dở thế. Đến khi nhận bài trả, thấy cô phê mới nhận ra ban nãy cô nói về mình. Khi nhìn vào ô điểm, con số 4 bị gạch chéo và thay vào con số 5 bên cạnh, tôi hiểu ra rằng cô đã vớt điểm cho tôi. Phải chăng vì tôi làm lớp trưởng? Nếu đúng thì ngay cái chức lớp trưởng phổ thông quèn cũng đã có chút ít bổng lộc, chả trách người đời tranh nhau (thậm chí đạp nhau) làm quan chức.”


(Bùi Quang Ngọc)


 


Một số tác phầm của Phùng Quán


 


Vượt Côn Đảo (Tiểu thuyết, 1955) - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007


Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo (Thơ, 1955) - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007


Tuổi thơ dữ dội (Tiểu thuyết, 1988) - Giải A văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, 1988. Năm 1990 được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn dựng thành phim, Giải thưởng Bộ Quốc phòng 2000, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007


Trăng hoàng cung (Tiểu thuyết thơ, Nxb Thanh Văn, USA 1993). Năm 2007, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh tái bản Trăng hoàng cung & Phùng Quán viết Trăng hoàng cung (tiểu thuyết tình 13 chương của Phùng Quán & Hồi ức của nhà văn Hà Khánh Linh) kể về những giai thoại xung quanh thi phẩm này.


Phùng Quán (Thơ, Nxb Văn học, 1995)


Ba phút sự thật (Ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tái bản bổ sung 2009)


Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào? (Hồi ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2007.


Phùng Quán còn đây, Di cảo của Phùng Quán và Hồi ức của bạn bè, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2007.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s