KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 24 Tháng sáu. 2011

LỚP VẬT LÝ ĐẦU LÒNG VL - 75




Tác giả: TuanDK

                      Con "so" vốn dĩ hiền lành

                      Thua em hết dẫu là anh trong nhà

                      Lớp đầu lòng của cả khoa

                      Hôm nay mới có bài ra trình làng

            Các bạn ạ!

            Nếu so với các khoa Sinh và Hoá thì bọn Vật lý chúng tôi thuộc hàng sinh sau đẻ muộn. Trong khi các anh chị khoa khác tốt nghiệp về nước và đã làm tới "ông nọ bà kia" (dĩ nhiên là không phải theo kiểu Trạng Quỳnh) rồi, bọn tôi mới bắt đầu ê a tập phát âm những chữ cái Nga đầu tiên. Và khi ra chợ vẫn còn đòi mua "vợ của gà trống" bởi chưa biết chữ "gà mái" tiếng Nga gọi là gì. Tuy là "trâu chậm" song bọn tôi cũng không đến nỗi phải "uống nước đục" đâu đấy nhé!

            Xét về thành phần, lớp Vật lý 75 được chia thành hai "phe" và ba "phái". Hai "phe" là nhóm học dự bị ở Kharcốp (Ucraina) tới gồm: Trần Gia An, Hoàng Thị Ngọc Cầm – nữ sinh duy nhất của cả lớp, Mai Xuân Dương, Bùi Xuân Đạt, Nguyễn Ngọc Nhã, Nguyễn Trí Thực và Đỗ Khắc Tuấn. Nhóm học dự bị ngay tại Kisinhốp nhà ta gồm Dương Mạnh Cơ, Bạch Thành Công, Phạm Văn Quyết, Nguyễn Trung Triệu và Trần Đình Trường. Tới năm thứ ba, bọn tôi lại chia ra thành ba phái theo chuyên ngành. "Phái" Vật lý lý thuyết gồm An, Ngọc Cầm, Công, Quyết, Sơn, Trường. "Phái" Vật lý bán dẫn thực nghiệm gồm: Cơ, Đạt, Nhã, Thực, Triệu và Tuấn. Chỉ một mình Dương theo "phái" thứ ba là ngành quang học mà thôi. Vì nhà vật lý này mang tên mặt trời nên việc anh ta say mê nghiên cứu ánh sáng cũng là điều dễ hiểu. Tôi chia đùa lớp tôi thành "phe phái" như trên cho vui thôi chứ thực ra bọn tôi đoàn kết và thương yêu nhau lắm. Chả thế mà bọn tôi đi tới đâu cũng cười nói ầm ầm như chợ vỡ (trừ những chỗ cần tỏ ra văn minh lịch sự, tất nhiên rồi!).

            Giống như tất cả mọi người trên trái đất, anh em bọn tôi mỗi đứa một quê. Ngọc Cầm và Thực ở "Quảng Bình quê ta ơi". Riêng Ngọc Cầm còn có biệt hiệu là "na sả" bởi khi học môn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, từ "nasa parchya" được Ngọc Cầm phát âm theo giọng Quảng Bình thành "nasả pảrchya". Và từ đó Ngọc Cầm đã có thêm một cái tên mới mang dấu ấn địa phương mình. Nhã quê Nghệ An với câu hò nổi tiếng: "Dù cho bão nổi mưa sa - Nghệ An Xô Viết vẫn là Nghệ An". Dương quê Thanh Hoá "ăn rau má, phá đường tàu". Về Thanh Hoá còn có bài thơ vui như sau: “ Khu Bốn đẩy ra/ Khu Ba đẩy vào/ Sáp nhập sang Lào/ Lào không chịu nhận/ Đùng đùng nổi giận/ Lập quốc ra riêng/ Thủ đô thiêng liêng/ Là vùng Nông Cống/ Quốc gia chính thống/ :"Dô tá dô tà"”.

            Đạt quê Ninh Bình với nhà thờ đá nổi tiếng, chắc được Chúa Giêsu ban phước lành nhiều hơn anh em. Cơ và Triệu quê "Thái Bình là đất ăn chơi". Quyết, Sơn, Trường quê Nam Định đồng hương với cụ Tú Xương. An quê Lạng Sơn "có phố Kỳ Lừa". Công người Hà Nội "chẳng thơm cũng thể hoa lài". Còn Tuấn quê Việt Trì thành phố Ngã Ba Sông mà mỗi khi qua đây những đôi lứa thường dặn dò nhau: "Tới ngã ba sông xin chớ ngã ba lòng!". Tuy sinh ra và lớn lên ở những miền quê khác nhau nhưng cả lớp tôi đều chung chí hướng không khác gì "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" cùng nhằm hướng quân thù xông tới.

                                    Sau giờ tan lớp

            Xét về năng khiếu trời cho thì ngoài chuyện học hành thi cử như tất cả các bạn KGU, anh em bọn tôi cũng có nhiều sở trưởng, sở đoản.

            Về mặt thể thao: Cơ, Công, Sơn đều là những người say mê bóng đá và không chiều nào là không so giầy với các cầu thủ Hoá, Sinh trên sân bóng trong khuôn viên ký túc xá nhà trường. An thích môn đấm bốc nhưng tiếc rằng chẳng có đấu thủ để so găng. Dương, Đạt, Tuấn thì mê món cầu lông nên đã sắm đủ vợt, cầu và cả dây cước để vá vợt. Nhưng hễ cứ xuống sân thể thao đánh được vài quả thì lại có người, nhất là các bạn nữ, không rõ vì thích môn cầu lông hay thích những chủ nhân của đôi vợt lại đến xin đánh nhờ. Thế là bọn tôi lại vui vẻ "nhường thuận lợi cho đội bạn" để chuyển từ luyện tập cơ bắp sang luyện mắt và thanh quản. Các bạn còn hay chơi bóng chuyền, trong đó Quyết là một tay đập bóng thuộc hạng... ký túc xá.

            Về văn nghệ: An và Sơn là hai cây ghi ta hết ý. Riêng An còn mày mò lắp bộ tăng âm cho cây đàn của mình nhưng không rõ vì lý do gì mà chiếc uxilíchen đã trở thành chiếc umensíchen mới lạ chứ. Dương và Tuấn mỗi người có một cây măngđôlin, tập mãi vẫn chỉ đánh được có mấy bài nên hai chàng nhạc công này chưa hề có lấy một thính giả. Giọng ca của lớp tôi trải dài trên tất cả các cao độ của âm thanh, tức là có đủ loại giọng từ "vịt đực" đến... "vịt cái". Chả thế mà mỗi kỳ hội diễn, bọn tôi chuyên trị hát đồng ca để tiện cho việc "phối âm". Dàn đồng ca ấy mà cất lên bài "Không cho chúng nó thoát" thì dĩ nhiên là... tiếng hát át tiếng bom. Trong đợt hội diễn văn nghệ Xuân 1973, tốp ca lớp tôi đoạt giải nhì hẳn hoi. Ngoài lý do đạt mức tàm tạm về mặt nghệ thuật, chắc còn vì thành tích... không phải dùng đến micrô bởi giọng hát đã quá dữ dội rồi.

            Về văn học nghệ thuật: Duy nhất chỉ có Dương hay làm thơ nhưng thi sĩ này cũng chưa bao giờ công bố tác phẩm của mình trước công chúng. Triệu và Tuấn khoái môn nhiếp ảnh. Triệu có chiếc máy ảnh hiệu ZENIT - loại xịn nhất Liên Xô thời bấy giờ cùng với máy sấy ảnh. Còn Tuấn thì cùng chiếc FED-4 cùng máy phóng ảnh và hộp rửa phim. Đồ nghề làm ảnh của bọn tôi không kém gì một hiệu ảnh thực thụ. Song mấy ông thợ này chẳng thu được rúp nào vì toàn "phục vụ nhân dân" thôi. Bởi kỹ thuật ảnh lúc đó còn rất thủ công chứ chưa hiện đại như bây giờ nên nhiều khi phim chụp bị hỏng. Có bạn đã cố tươi cười trước ống kính của bọn tôi nhưng lại không được nhận ảnh nên đôi khi bọn tôi bị mang tiếng oan là thuộc loại... Grăngđê.

                     Thăm quan đài thiên văn ngoại ô Kisinhôp

            Về khoản tiếu lâm hài hước, so với các lớp khác trong toàn khối Việt Nam thì bọn tôi đành chịu "đội sổ". Nếu đem "bó đũa chọn cột cờ" thì chắc được mình An. Chả thế mà mặc dù trong môn Vật Lý cũng có những cái tên vui vui có thể đem ra để gây cười như định luật Ôm hay hiệu ứng Hôn chẳng hạn nhưng chưa thấy nhà Vật lý nào đem ra sử dụng cả. Điều đó cũng dễ hiểu thôi bởi lớp tôi vốn là lớp Vật lý đầu lòng, mà theo các cụ ta thì con so thường hiền hơn con dạ.

            Sau 6 năm miệt mài học tập, bọn tôi tốt nghiệp về nước và như những cánh chim toả đi khắp bốn phương trên quê hương đất nước. Ngọc Cầm và Công về khoa Lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Nay là Đại học KHTN). Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công tại Liên Xô, Ngọc Cầm chuyển về công tác tại Viện Vật lý. Dương về Đại học Sư phạm Hà Nội 2, An về Viện Khoa học Việt Nam, Đạt lúc đầu làm giáo viên Vật Lý trường Cấp III huyện Kim Sơn (Ninh Bình) rồi chuyển về công tác tại trường Văn hoá Nghệ thuật Quân đội. Trường về công tác tại trường Cao đẳng Sư phạm 10+3 Hà Nam Ninh rồi đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô. Thực về trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Cơ về Tổng cục Kỹ thuật Bộ Nội vụ (Nay là Bộ Công an). Còn lại mấy anh em tôi thì “cùng nhau đi hồng binh” tức là đều vào phục vụ trong quân đội. Nhã về trường Sỹ quan Thông tin, Sơn về Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Quyết về trường Sỹ quan Hậu cần. Triệu về trường Sỹ quan Pháo binh và Tuấn về trường Sỹ quan Phòng không. Cuộc đời dâu bể, chẳng mấy chốc đã qua đỉnh dốc đời người. Trong khi tôi đang ngồi viết bài này Cơ, Nhã, Sơn, Triệu đều đã về hưu với quân hàm Thượng tá, Đại tá. Quyết ra quân về làm giáo viên phổ thông trung học tại huyện nhà, đổi ngạch từ sỹ quan quân đội thành "kỹ sư tâm hồn". Riêng Tuấn năm 1980 vào Cam Ranh làm phiên dịch cho các chuyên gia quân sự Liên Xô, do bị ảnh hưởng chất độc hóa học của quân đội Mỹ bỏ lại nên mắt bị kém và đã về nghỉ chế độ bệnh binh từ năm 1990. Thực tiếp tục công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trường sau khi đi xuất khẩu lao động lại tiếp tục đóng vai ông giáo. Đạt thì ngược lại, chuyển từ ngạch ông giáo sang làm ông chủ Công ty TNHH Kim Anh ở quê nhà Phát Diệm, cùng phu nhân chuyên sản xuất Vinanucha, tức rưbii xôuc. Nghe nói công ty này làm ăn phát đạt đúng như tên ông chủ. Chỉ còn lại bốn vị tiến sĩ là An, Ngọc Cầm, Công và Dương (trong đó Công được phong hàm giáo sư) là đang tiếp tục lặn lội trên con đường khoa học gập ghềnh để mong đạt tới những đỉnh cao mới như lời Các Mác đã nói. Xin chúc cho các nhà khoa học sớm có những phát minh làm rạng danh cho lớp, cho trường và cho Hội chúng ta.

                            ĐKT và thầy Nedeôglô

             6 năm học tập trên đất bạn đã để lại cho chúng tôi biết bao kỷ niệm vui có, buồn có và buồn cười cũng có. Xin kể ra đây vài mẩu chuyện nhỏ để chúng ta cùng nhớ lại kỷ niệm xưa.

LỠ TÀU ĐƯỢC ĐÃI CÁ KHO

            Học xong dự bị, nhóm chúng tôi gồm An, Ngọc Cầm, Dương, Đạt, Nhã, Thực và Tuấn từ Kharcốp lên tàu về Kisinhốp. Theo lộ trình thì tới ga Kiép, bọn tôi phải chuyển tàu. Nhưng vì nhà ga Kiép có rất nhiều đường sắt và thời gian dừng tàu lại rất ngắn, chỉ khoảng 6 phút nên khi chúng tôi tìm được đúng tuyến đường thì tàu đã chạy mất. Không biết làm thế nào, bọn tôi kéo nhau vào gặp trưởng ga và đề nghị ông giải quyết giúp. Sau khi cân nhắc, ông trưởng ga Kiép quyết định cho chúng tôi đi nhờ trên một đoàn tàu khác về Kisinhốp sau đó 2 giờ, không phải mua vé bổ sung và cũng chỉ được đứng ở hành lang không có ghế ngồi. Đồng thời ông điện về ga Kisinhốp báo việc đoàn chúng tôi về muộn. Kết quả là anh chị em ở Kisinhốp phải ra ga đón bọn tôi 2 lần. Khi chúng tôi về tới ký túc xá thì nhà ăn sinh viên đã đóng cửa. May mắn thay lúc đó đang nghỉ hè nên quân ta thường nấu ăn ở nhà và bọn tôi được bố trí ở tạm tại ký túc xá số 3 của khoa Hoá. Thế là chúng tôi được mấy anh chị và các bạn khoa Hoá “chiêu đãi” bữa cơm thân mật. Đặc biệt có một nồi cá kho rất ngon. Cá xcumbria hẳn hoi chứ không phải kilki đâu. Chưa hết, nồi cá còn được gia giảm thêm món nước mắm hảo hạng (thứ mà cả năm trời nay xa nhà chúng tôi không được thưởng thức) do anh chị nào đó vừa đi phép về nước mang sang. Đang lúc bụng đói gặp thức ăn ngon, nhất là lại được sự săn sóc ân cần chu đáo của “những đồng bào cùng xa Tổ quốc”, chúng tôi đã đánh hết bay cả cơm lẫn cá. Miếng ngon nhớ lâu và nồi cá kho nên nghĩa ấy đã khiến các nhà vật lý tương lai nhớ mãi tới tận bây giờ.

NGHÈO NHƯ ÔNG

            Một lần bà giáo tiếng Nga dẫn bọn tôi đi tham quan bảo tàng thành phố. Thầy trò đang chuyện trò vui vẻ trên đường, bỗng một ông già ăn mày bước đến xin tiền. Chắc các bạn còn nhớ hồi ấy ở bên đó có một số ông già thích uống rượu nhưng bị các bà vợ quản hết lương hưu nên hay đi xin vặt người đi đường để giải toả cơn nghiện. Bọn tôi tiền rúp thì chẳng có cho nhưng vài chục côpếch thì cũng sẵn lòng. Thấy vậy bà giáo Nga văn liền ngăn ông già kia lại và nói: “Nhét, anhí tốgie bétnưie!”. Ông lão ăn xin xịu mặt và lặng lẽ bỏ đi. Còn chúng tôi vừa thấy thương ông cụ và cũng cảm thấy hơi ngường ngượng vì dẫu sao mình cũng mang tiếng là... người nước ngoài. Trên đường về, Trần Gia An còn khẳng định rằng rõ ràng nghe thấy bà giáo Nga văn nói thêm hai chữ “các vư”, nghĩa là bọn tôi cũng nghèo chẳng khác gì ông già ăn mày nọ. Và một trận cười vỡ bụng lại vang lên.

CÂU NÓI VÔ TÌNH

            Bà Khartrencô – giáo viên bộ môn Vật lý lý thuyết, là người ăn diện có tiếng trong trường. Nghe nói bà bị bệnh tim bẩm sinh nên theo lời khuyên của bác sĩ, ông bà quyết định không sinh con để giữ gìn sức khoẻ cho bà. Vì vậy, bà càng có điều kiện chạy theo các mốt. Cứ sau hai, ba tiết học, bà lại thay đổi mốt một lần từ đầu tóc đến quần áo, giày dép... Do đó bà luôn là đối tượng bàn tán của đám sinh viên hiếu kỳ. Một lần, cả lớp tôi đi qua trước phòng làm việc của bà, Trần Gia An không biết hứng chí thế nào lại nói rõ to bằng tiếng Nga: “Tao dù có chết cũng không thèm lấy người như bà Khartrencô làm vợ!”. Khi An vừa dứt lời thì cánh cửa phòng bật mở và bà giáo tươi cười hiện ra. Cả bọn vừa sợ vừa xấu hổ vì chắc chắn bà giáo đã nghe rõ câu An nói vừa rồi. Thật nhanh trí, cả bọn đồng thanh chào bà và bà cũng vui vẻ chào lại coi như không có chuyện gì xảy ra. Cả lớp, nhất là An chỉ lo đến lúc thi học kỳ nhỡ bị bà thành kiến thì lôi thôi to. May mắn thay môn thi vấn đáp do bà phụ trách vẫn diễn ra một cách bình thường như tất cả các môn học khác. Dẫu sao thì chàng trai xứ Lạng Trần Gia An cũng được một phen hú vía và lớp tôi cũng có một kỷ niệm vui để nhớ suốt đời.

TIẾT HỌC  CUỐI NGÀY

            Tiết học cuối ngày hôm ấy bắt đầu lúc 6 giờ chều. Đó là tiết học về môn Vật lý hạt nhân do ông giáo Kôleglu phụ trách. Ông đã cao tuổi, có dáng người gầy gò, thích diện bộ comlê màu sáng với cặp kính khá sang trọng. Vừa bước vào lớp, ông nhìn lên chiếc bảng đen còn nguyên những dòng phấn trắng từ tiết học trước và hỏi: “Trực nhật đâu?”. Trần Đình Trường ngồi ngay đầu bàn trên cùng tuy không phải trực nhật nhưng cũng chạy lên lau bảng. Sau khi lau bảng xong, đáng lẽ phải đem giẻ ra vòi nước giặt cho sạch thì Trường để ngay lên bàn thầy rồi trở về chỗ ngồi của mình. Ông giáo mở quyển giáo án để chuẩn bị giảng bài thì bìa sách mở ra chạm ngay vào chiếc giẻ lau bảng. Ông cầm chiếc giẻ lau định kéo nó ra xa quyển vở thì thấy nó vừa ướt vừa dính đầy phấn. Hình như trước đó, ông đã gặp chuyện gì bực mình thì phải nên khi vừa bước vào lớp, ông đã có sẵn vẻ mặt không vui. Nay lại chạm tay phải chiếc giẻ bẩn, và cơn giận trong ông đột nhiên nhân lên gấp bội. Không kiềm chế được, ông cầm chiếc giẻ lau ném vù qua cửa sổ ra ngoài và kèm theo một câu nói bất hủ: “Iôb tvaiu match!”. Sau mấy giây sửng sốt, cả Tây lẫn ta trong lớp cùng phá lên cười. Ông giáo lúc đầu cũng có vẻ ngượng, hơi đỏ mặt nhưng rồi cũng cười theo. Thế là không khí mệt mỏi của tiết học cuối ngày tan biến mất và bài giảng Vật lý hạt nhân bắt đầu đầy hào hứng.

ĐẢNG 3K

            3K là tên gọi của một đảng phân biệt chủng tộc khét tiếng bên Hoa Kỳ. Tên đảng là viết tắt ba chữ cái đầu tiên, họ của 3 sáng lập viên đảng này gồm: Ku-Kluc-Klan. Thông tin này được một thầy giáo dạy triết cho biết trong một bài giảng về chủ nghĩa xã hội khoa học. Trên đường từ trường về nhà, Trần Gia An - vẫn cái anh chàng đồng hương của nàng Tô Thị ấy lại cố tình “nhớ nhầm” và gân cổ cãi rằng người sáng lập thứ 3 của đảng 3K không phải là Klan mà là Klắc. Đã thế anh ta lại còn khẳng định rằng sở dĩ đảng 3K là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với người da đen và da màu ở Mỹ ngoài những hành động khủng bố do đảng này gây ra còn do chính cái tên mới mà An vừa sáng tác. Các bạn thử thay tên Klan bằng tên Klắc vào mà xem, sẽ thấy đảng 3K... quả là cũng đáng sợ thật.

            Vậy đấy, bao nhiêu kỷ niệm về lớp Vật lý đầu lòng – VL75 vẫn còn tươi rói như mới chỉ hôm qua hôm kia. Thế mà giờ đây tất cả chúng tôi đã trở thành ông nội, ông ngoại cả rồi.

                                                Thời gian rút ván qua cầu

                                    Thoắt thôi giờ đã mái đầu điểm sương.

Biết bao giờ nhân loại mới làm ra chiếc máy đảo chiều thời gian các bạn nhỉ?

                                                                                   Việt Trì, Tháng 5/2011

                                                                                               


Người post: TuanDK

Ngày đăng: 24-06-2011 19:07






Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments

Từ: HaiNV
02/07/2011 07:59:24

Anh TuấnĐK là người Phú Thọ hẳn là hậu duệ đích thực của Tổ Tiên người VN ta, nên anh viết gì cũng giữ gìn truyền thống mấy ngàn năm của Tổ Tiên. Khi xưa Tổ Mẫu Âu Cơ đẻ ra cái bọc trăm trứng, theo logic thì trăm qua trứng khi "nở" cũng nở dần thành từng lứa một, ví dụ 10-15 người đầu tiên thì gọi là các "con so" (hay "con đầu lòng"), nên cả lớp VL75 gồm các "con so" ("con đầu lòng") là đúng quá rồi! Các bạn thử quan sát xem: khi gà ấp một ổ trứng thường thì có một vài quả đầu tiên "mở mắt" bung ra thành những chú "gà so" (lưu ý phân biệt với "trứng gà so")...



Từ: NghiPH
28/06/2011 00:17:58

Truyện này hay ngay từ cái tên: Lớp Vật lý đầu lòng 75. Ta thường nói, thường viết là Lớp đầu tiên còn bác Tuấn lại gọi là lớp đầu lòng. Thế mới hay chứ!



Từ: LyTM
27/06/2011 12:06:33

Xin chúc mừng lớp Vờ lờ đầu lòng của khoa VL KGU:


Vờ lờ trình diện con "So",



Nhỡ tàu được đãi cá kho xứ người!



Mười hai chiến sỹ một thời,



Thương yêu, gắn bó, hát, cười bên nhau,



Sinh viên nghèo vẫn thanh cao,



Nhỡ lời câu chuyện cao trào lâm ly,



Cuối ngày tiết học ly kỳ,



Ba K vẫn nhớ hiểm nguy chuyện người,



Mong sao đời thật tốt tươi,



Con "so" vẫn vậy, tiếng cười vẫn vang!


 


 



Từ: KhoaDT
26/06/2011 09:59:12

a Tuấn có vẻ không nhớ gì đến tụi VL76 mấy nhỉ, mặc dù đã cùng sinh hoạt một chi đoàn nhiều năm. Sau khi về nước Khoa lại cùng công tác với HN Cầm và BT Công hơn 4 năm ở Trường ĐHTH, có nhiều kỷ niệm với 2 bạn vì cùng tham giang dạy SV khoa Lý và lại cùng sinh hoạt chi đoàn. 



Từ: TungDX
25/06/2011 16:48:13

 


Xin góp một vài kỷ niệm với VL75; CôngBT kể rằng thầy dạy Nga văn có lần cao hứng đọc thơ thì một tên ôm bụng xin ra ngoài; Lần sau khi chưa bắt đầu thì lại một tên khác xé giấy "soạt" vò, vò xin phép vì đau bụng; Thầy dừng và bảo thôi cả lớp nghỉ, lớp này dị ứng thơ hay sao, tôi sẽ không bao giờ làm các em đau bụng nữa.


Trần Minh Sơn của CL75 bị một mát không bao giờ bù đắp được bởi chiến tranh phá hoại gây ra, Mẹ anh bị bom Mỹ giết khi đánh phá Nam định trong thời gian Sơn đang ở KGU;


Lớp có một bài toán khó mà chưa kịp hỏi giải xong chưa ?


Một mùa đông tuyết trắng bên ngoài, Trường mua cái cặp nhiệt độ về rồi cung cấp thêm thông tin là mùa đông thân nhiệt của người chỉ 36.5C; Thế nhưng có một tên cứ cãi thân nhiệt anh ta là 37 mặc dù đang khỏe; Cuộc tranh cãi được ấn định phân giải bằng một chai rượu nho; Tuy nhiên khi đo thì 37 độ thật; Trường đành khoác áo bành tô đi mua rượu; Rượu xong thì bí mật mới được tiết lộ rằng do không kiểm soát chặt nên nhiệt kế bị cố ý cọ sát vào áo lót trong khi cặp, có lúc còn vọt đến gần 37.5; Thêm một bằng chứng về bộ ba Quỷ, Ma và Học trò;


Trần Gia An có biệt danh là Trê - Giê - A, hình như do các thầy gọi mà thành, nỏ nhớ chính xác nữa.


 


 



25/06/2011 16:16:45

Đọc chuyện của anh Tuấn em mới nhớ rằng hình như cũng có lần đến xin đánh nhờ cầu lông của anh thì phải.Đúng là thích cầu lông quá nên chẳng nghĩ trước nghĩ sau gì cả.Vô duyên quá anh nhỉ?.Em cũng nhớ một lần em và Trần Xuân Hồng VL77 cùng lớp đi theo anh ra hồ com xô môn để vẽ phong cảnh.Đi từ sáng đến chiều tối mỗi người mới vẽ được một bức tranh.Bức tranh đó giờ em vẫn còn giữ,thỉnh thoảng mang ra khoe với các con.



25/06/2011 09:03:57

@TuanDK: Anh kể chuyện sinh động quá. Văn thơ đều hay cả. Nghe anh nhắc đến một số thầy dạy VL. Đến thời bọn em các thầy/cô vẫn còn công tác: cô Kharchenco hơi già nhưng vẫn rất "diện". Thầy Koleglu (Quê Hương có nhắc tới) rất hiền và già nên hay "lẩm cẩm" và "được" nhà trường cho hướng dẫn thí nghiệm. Dạo đó bọn em còn đùa là khi làm báo cáo kết quả thí nghiệm thì cứ chép của nhau, thay phần đầu, phần cuối còn ở giữa thì viết gì cũng được thậm chí viết Koleglu- durak (Lạy Thày tha lỗi cho chúng con... những đứa học trò như quỷ).


Thày Kozulin hồi đó đã già nhưng dạy rất hay. Hôm mít tinh ủng hộ VN năm 1979 thầy nói sẵn sàng sang VN nếu cần.


Ngoài ra còn các thày Perlin,  thày Xemenov... Các Pak VL bổ sung thêm kỷ niệm về các thày cô nhé.


Ku-kluc-klac mình thích câu chuyện này! Tks anh.



Từ: BinhNH
25/06/2011 08:35:57

Anh Tuấn ơi,


Trí nhớ của anh hơi bị ác liệt đấy. Đúng là thời sinh viên sôi nổi. Đọc về thời ấy , tất cả cựu Sinh viên Kishinhov đều như trẻ lại dấy anh ạ.


Còn chuyện chậm tàu thì khóa 77 chúng em đã mấy lần vấp rồi, chung quy đều tại mải nói chuyện mà quên, tuy nhiên chúng em  đều chạy theo tàu nhảy lên kịp hoặc được giúp đỡ để tàu dừng lại và lên đúng tàu đó chứ không phải lên chuyến khác


Thế anh có còn nhớ Hóa năm 75 hay 76 cho các anh ăn cá kho không ?



Từ: ThoaNP
24/06/2011 22:27:27

Cám ơn anh Tuấn. Hôm nay đọc bài của anh Tuấn em mới biết nhiếu về lớp anh. Thậm chí giờ mới biết anh cùng lớp với anh Công, chị Cầm, ... Trước hay gặp anh trên web mình với tài xuất khẩu thành thơ trả lời các còm, sao em cứ nghĩ anh ở khoa Sinh. Lớp anh có anh An đúng là cây анекдот (chắc thuộc loại nổi tiếng nhất Kis), em được nghe qua ông xã (DungH VL76) kể nhiều chuyện, nhưng chuyện tên Đảng 3K thì lần đầu tiên được nghe. Về anh Dương thì em nhớ mãi câu chuyện liên quan đến bài thơ tặng Diệu OB76, trong đó có câu "Bỗng em cười vang, tiếng con chó sủa" (mà em đã có lần kể lại qua mail).


Thật sự em rất cảm phục anh đấy, nhất là tính lạc quan yêu đời và khả năng làm thơ của anh.



Từ: ThanhLK
24/06/2011 21:55:59

Anh Tuấn ơi, bài "mới ra trình làng" nhưng rất sinh động và nhiều thông tin. Nhờ bài của anh chúng em hiểu hơn về các anh VL 75, vì trước đây chúng em chỉ hay chơi với chị Cầm, "nữ sinh" giỏi giang nhất của lớp anh mà chúng em rất nể phục. Nhờ anh Tuấn "khoái môn nhiếp ảnh" nên bọn năm dưới chúng em đã được nhờ và có nhiều ảnh anh chụp đã được lưu cho đến nay, nhắc về một thời sinh viên vô tư,và sôi nổi ...Cám ơn anh nhiều nhé.


Mặc dù anh Tuấn nói rằng về khoản tiếu lâm, hài ước thì các anh "đội sổ" nhưng cả nhà em đã bật cười khi đọc đến đoạn anh viết rằng: "Các bạn thử thay tên Klan bằng tên Klắc vào mà xem, sẽ thấy đảng 3K... quả là cũng đáng sợ thật".



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s