KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 01 Tháng chín. 2010

Nhớ về một thời gian khó




Tác giả: NghiPH

                   Nhớ về một thời gian khó
                             Nghị (Luật 81)

Chủ nhật 18/6/2006, tôi đưa vợ con đi xem trưng bày "Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp 1975- 1986" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội. Vợ chồng tôi rủ cả mấy gia đình đã cùng sống với nhau trong khu tập thể Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thuộc Phường Cống Vị, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội suốt thời bao cấp đi xem.

Bước vào khu vực trưng bày, cái đập vào mắt chúng tôi trước hết là một cửa hàng lương thực được tái tạo. Như gặp lại một nơi rất thân quen, chúng tôi ồ lên: Đúng là cửa hàng lương thực phía sau Bệnh viện quân đội 354 đây! Rồi chúng tôi nhớ về những lần đi mua gạo, mua thịt, mua chất đốt… theo chế độ tem phiếu. Vì việc xếp hàng mất rất nhiều thời gian nên nhiều người đã “xí chỗ” bằng gạch đá, bằng mũ, bằng nón. Có lần tôi xếp hàng suốt 3 tiếng đồng hồ nhưng khi đến lượt mình thì chị bán gạo tuyên bố ráo hoảnh: Hết gạo rồi, mời các ông, các bà về! Lại có lần mua được gạo hí hửng đem về khoe vợ nhưng khi mở ra xem thì lại là gạo mốc.
Trong khu trưng bày có tái hiện một căn hộ mà cán bộ công chức chúng ta sống thời bao cấp. Trong căn hộ này tôi bắt gặp lại cái chạn bát rất giống cái chạn bát nhà tôi. Và một cái giống nữa là khu vực phụ được dành một diện tích đáng kể để nuôi lợn, nuôi gà. Còn nhiều đồ vật trong căn hộ này hơn hẳn các đồ vật trong các “căn hộ” 9 m2 của chúng tôi khi đó. Vào những năm đó, chúng tôi đâu đã có tivi, tủ lạnh, màn tuyn. Chỉ có những người được đi học hay cử đi công tác dài hạn ở Liên Xô, CHDC Đức… mới có những đồ cao cấp này. Mấy anh em chúng tôi nói với nhau: Gia đình này, nói theo cách nói của tiến sĩ Bùi Xuân Đính – nhà dân tộc học, là thuộc tầng lớp “quý tộc” rồi. Còn chúng ta thuộc “phó thường dân” mà!
Tại gian trưng bày, chúng tôi thấy lại cuộc sống đầy bươn chải của con người thời bao cấp. Một bà là bác sỹ làm nghề chữa bệnh cho mọi người mà phải cặm cụi ngồi quấn thuốc lá thuê, phải làm bánh để đi bỏ mối kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con. Chúng tôi thời đó trong khu tập thể cũng phải làm như vậy thôi. Ai nấy đều phải xoay xở để cuộc sống đỡ chật vật hơn một tí. Người thì ra ga Hàng Cỏ lấy trứng vịt rồi đem ra chợ Cống Vị bán lại. Người nuôi lợn, nuôi gà. Người làm bánh quế, quấn thuốc lá để đem “bỏ mối”.
Và có một nghề rất thông dụng đối với anh chị em khu tập thể khoa học xã hội chúng tôi ngày ấy là nghề “mò cua, bắt ốc”. Số là chung quanh khu tập thể có một cái hồ khá lớn (nối liền với Hồ Thủ Lệ bây giờ). Trong hồ có nhiều cua ốc, tôm cá. Thế là gần như ngày nào chúng tôi cũng lao xuống hồ bắt cá, bắt cua. Viện trưởng, Viện phó cũng như như nhân viên đều lóp ngóp dưới hồ.
Tôi nhớ có lần mẹ tôi ở quê ra. Không có gì để đãi mẹ, tôi nói với mẹ: Có cái xoong bị thủng con đem ra chợ để hàn, mẹ chờ con một tí! Rồi tôi nháy mắt với đứa con trai sáu tuổi cùng nhau ra hồ. Khoảng hơn một tiếng sau hai cha con tôi trở về với khá nhiều tôm cua trong cái xoong bị coi là “thủng”. Thấy hai cha con tôi về, mẹ tôi trìu mến nói: Lúc nãy mẹ đã ra ven hồ xem hai cha con “hàn” xoong rồi! Mẹ tưởng con tốt nhiệp đại học rồi, có công ăn việc làm rồi thì không phải mò cua, bắt ốc như khi ở quê với mẹ. Nghe mẹ nói, tôi cay cay nơi sống mũi và nước mắt cứ thế trào ra.
Chúng tôi gặp lại trong gian trưng bày tác phẩm "Đứng trước biển" của Nguyễn Mạnh Tuấn, phim "Hà Nội trong mắt ai" của đạo diễn Trần Văn Thuỷ, bài thơ "Tản mạn thời tôi sống" của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và bài thơ "Mùa Xuân nhớ Bác" của Phạm Thị Xuân Khải… Thời đó, chúng tôi say mê xem các tác phẩm dám nói nên sự thật này và cùng hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn.

Và ngày mai ấy cũng đã đến. Nhưng vẫn không quên... Ôi cái thời bao cấp! Cái thời mà nhiều người chỉ mong sao ăn được một bát cơm không bị mốc, có một cái xe đạp không quá cọc cạch, một cái quạt con cóc để xua bớt đi cái nóng nực mùa hè, có một cái áo may ô lành lặn để mặc, có một đôi dép "Tiền phong" để đi, được mua một miếng thịt lợn có nhiều mỡ để khi xào rau, nấu canh còn thấy hơi hướng của chất “thịt”, chất “mỡ”…
Những năm của thời kỳ bao cấp cũng là những năm chúng ta phải khắc phục hậu quả của 30 năm chiến tranh ác liệt, cũng là thời kỳ chúng ta phải gồng mình lên tiến hành cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc. Theo những tài liệu vừa công bố thì chỉ 3 ngày sau ngày giải phóng Sài Gòn, Pôn Pốt đã xua quân sang đánh, lấn chiếm lãnh thổ nước ta.
Vẫn biết những khó khăn về kinh tế- xã hội sau các cuộc chiến là vô cùng to lớn và không thể tránh khỏi. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là: Do sai lầm (và cả do ấu trĩ), chúng ta đã níu giữ cơ chế kế hoạch hoá, tập trung quan liêu, bao cấp lâu quá! Và chúng ta đã phải trả giá rất đắt vì điều này.
Nhìn nhận từ góc độ khác, tôi thấy thời kỳ bao cấp dù sống trong gian khó nhưng tình người với nhau vẫn rất sâu đậm. Trong khu tập thể, chúng tôi chia nhau từng con cua, con cá, cọng rau kiếm được, trồng được; cùng nhau tụ tập tại một gia đình để xem phim, xem đá bóng. Ai về quê ra có ít quà đều đem chia cho các nhà xung quanh. Ai có việc vui, việc buồn đều được hàng xóm láng giềng đến chia xẻ, động viên, giúp đỡ. Trong khu tập thể của chúng tôi thời đó không có những tệ nạn xã hội.
Cho đến bây giờ, mấy gia đình chúng tôi gắn bó với nhau từ thời bao cấp vẫn đi lại thăm hỏi, động viên và giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt, cho dù không còn sống chung trong một khu tập thể nữa.


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 01-09-2010 13:01






Xem 1 - 2 của tổng số 2 Comments

Từ: HanhLT
22/09/2010 15:22:37
Người ta tình nghĩa hơn thời bao cấp vì ai cũng như ai và cũng vì đi xa về biếu nhau gói kẹo vừng cũng quý... còn thời bây giờ ... mời nhau đến nhà mà chật chội nhếch nhắc quá lại sợ người ta cười: thế mà cũng mời, thế mà cũng biếu, thứ này nhà tôi chỉ cho osin thôi ...
Thế nên cũng khó lắm...về đạo đức XH thì chỉ mong rằng bao giờ cho đến ngày xưa, để đi đến đâu chúng ta cũng kho phải dự trữ sẵn P bì. Cũng kho thể phủ nhận nhờ có cạnh tranh nên ta mới no đủ như ngày nay.


Từ: HuongNT
09/09/2010 23:19:08

Đúng thế anh Khánh ạ. Thật là một buổi tối tuyệt vời!



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s