Những nhà thơ thời sinh viên
Khi cầm trong tay 2 tập Người KGU dày dặn, và sau này, khi đọc các bài viết trên mạng Người KGU, tôi nảy sinh ý định viết về những người bạn tôi - những nhà thơ, nhà văn một thời sinh viên - cho dù bây giờ họ đều thành danh ở các lĩnh vực không phải là thơ văn…
Nhà thơ thời sinh viên một thời đầu tiên tôi muốn giới thiệu là Vư Đỗ Ngọc Khuê CL72. Giờ thì lớp CL 73 không ai nhớ nguyên do nào chúng tôi lại gọi anh là Vư Khuê, mỹ danh mà chỉ có 2 người : anh và anh Lương ND, PGS, TS – nguyên Hội trưởng một thời được gọi cho dù chính chúng tôi là tác giả. Chỉ biết từ Vư (tiếng Nga - Các anh) thể hiện một tình cảm vừa trân trọng, vừa không thể chân tình hơn, như kiểu ta gọi Nhà Bác mà tự xưng là Nhà em vậy. Vư Khuê người Yên Dũng, Hà Bắc - hậu duệ một dòng họ Nguyễn (do lý do sinh tồn đã chuyển sang họ Đỗ) có tiếng văn học và nghĩa khí từ thời vua Lê chúa Trịnh. Thế hệ hiện nay của dòng họ này có nhiều người thành đạt trong nhiều lĩnh vực, cả văn lẫn võ mà GS, TSKH Đại tá Đỗ Ngọc Khuê là một ngôi sao sáng.
Tôi biết anh lần đầu do tình cờ gặp anh đi vẽ dịp nghỉ hè thời sinh viên. Theo tôi nhìn nhận thì những bức vẽ của anh cũng bình thường, nghiệp dư (amatơ) vậy, nhưng chính nhờ chúng mà tôi với anh sau này (tuy gặp nhau không nhiều) lại có thể tâm tình khá cởi mở. Nhớ năm 1985, khi tôi là Đơn vị trưởng thì Vư Khuê lúc đó là Thực tập sinh cao cấp (làm luận án TSKH) và là Bí thư Chi bộ, vì thế chúng tôi thành cặp bài trùng cùng giải quyết công việc của Hội đồng hương. Chỉ tiếc sau đó, do nhu cầu học tập cần có thầy xứng tầm hơn nên Vư Khuê về Roctôp na Đônu để làm tiếp luận văn. Đến năm 2009, chính anh là Thư ký Hội đồng học hàm GS, PGS Nhà Nước ngành Hóa đã giúp tôi hoàn thiện, bảo vệ Đề cương đăng ký học hàm và sau đó, nhận học hàm PGS. Ngay cả sau khi đã tự nguyện về hưu (từ 6/2010) tôi vẫn có cơ hội được ngồi trong Hội đồng xét duyệt các đề tài, dự án KHCN…mà Vư Khuê là Chủ tịch.
Không rõ bây giờ Vư Khuê còn viết thơ nữa không, nhưng tôi vẫn không ngần ngại khẳng định rằng Vư là nhà thơ Việt Nam danh tiếng nhất ở Ki shi nhốp với lý do Vư là người VN có thơ đăng báo ở đó sớm nhất, ít ra là từ những năm 1970. Thời sinh viên, sức khỏe của Vư Khuê không được tốt lắm, Vư hay phải nằm viện. Tình cờ một lần, Vư gặp một VĐV đánh bốc kiêm nhà thơ. Tâm đầu, ý hợp và chỉ qua lần gặp đầu tiên, khi biết Vư Khuê có sáng tác thơ, nhà thơ Nga (hay Môn) kiêm bốc xơ cùng Vư Khuê đã nhất trí quy trình dịch thơ như sau : Vư Khuê tự dịch thơ mình sang tiếng Nga, phần tiếp theo thì thi sỹ kiêm võ sỹ chuyển ngữ thơ theo công thức ‘’ Nga (Việt) – Nga (Nga)’’. Sau đó, hai bên trao đổi kỹ hơn về tứ thơ, cách thể hiện và từ đó những bài thơ của SV Đỗ Ngọc Khuê được in trên ấn phẩm Ki shi nhốp. Có một chuyện tế nhị mà đến giờ cũng không tiện hỏi, nhưng tôi biết (do anh có lần đã thổ lộ) là vì có thơ in chính thức kèm tiền nhuận bút nên anh được Đơn vị trưởng mời đến trao đổi…Có điều đáng mừng là việc in thơ đã không gây khó cho anh, sau đó, anh vẫn được cử sang làm chuyển tiếp sinh nên khoảng năm 1975, anh đã là PTS khi mới 27 tuổi.
Người thứ hai tôi muốn kể với các anh chị, các bạn là PGS (có thể đã là GS), TS Nguyễn Đức Lượng, Giảng viên ĐHBK thp Hồ Chí Minh. Anh Lượng NĐ là OB 73 cùng khóa, cùng quê Vĩnh Phú với GS, TS Kim ĐĐ. Tiếc là anh Lượng và chị Tâm NT, OB 73 lập căn cứ tình yêu ở Hồ Chí Minh city ngay từ trước năm 1980 nên sau đó, tôi chỉ gặp anh 3-4 lần. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chúng tôi là năm 1971-1972, Hội đồng hương tổ chức thi Văn Thơ chào mừng Thành lập Đảng CS Việt Nam, Vư Khuê và tôi được chọn vào Ban Giám Khảo cùng các vị chức sắc khác của đơn vị. Và đây cũng là lý do chính để tôi viết bài này.
Vì Vư Khuê và tôi là ‘’ người cầm cân, nẩy mực ‘’ lại là ‘’người nhà’’ phi chức sắc nên anh, chị em có bài gửi dự thi hay tới hỏi tình hình. Thậm chí Phùng Thủ tướng còn tin tưởng giao bản thảo cho tôi sửa, lý do là ’’Văn Ông hay hơn Văn Tôi’’. Mọi chuyện diễn ra êm đẹp cho đến gần ngày công bố kết quả. Rồi bất ngờ bắt đầu từ Bản trường ca dài của Lều thơ Lượng NĐ với hai câu lục bát dưới đây, tôi chỉ nhớ chính xác câu thứ hai vì đó là cốt lõi vụ việc :
Nghe theo tiếng gọi non sông
Đường ta đi đỏ máu hồng Cha ông…
Vư Khuê đến phòng tôi dở cười dở khóc, bảo : Cường ơi, các ông GK định đánh thằng Lượng vì nghĩ nó xúc phạm đến Ông Cha, dám đạp lên dòng máu Cha ông mà đi. Tôi đọc hai câu thơ ‘’ trọng tội ‘’ mà ngán ngẩm : Ông nào mà dở hơi thế không biết, vậy mà còn được ngồi chấm thơ nữa kia. Rồi hai chúng tôi bàn nhau cách cứu nhà thơ Lượng NĐ. May mà bố anh Lượng cũng hoạt động cách mạng, nhờ đó anh mới được đi du học như mọi người, không có thì nguy to. Tuy Lượng NĐ thoát được án văn chương năm ấy, tất nhiên là trắng tay với Bản Trường (oan) ca này nhưng sau đó khoảng hơn 1 năm sau, trước khi về nước anh cũng gặp vài chuyện không vui. Tôi cứ băn khoăn không hiểu hai sự việc đó có là quan hệ nhân – quả với nhau không khi mà lúc ấy hệ tư tưởng bao cấp còn nặng nề, người ta thường huyễn hoặc, tự cho mình quyền được ‘’ bao cấp suy nghĩ ’’ thay cho người khác.
Thú thực là thuở ấy, các ‘’Lều’’ văn nghệ của chúng ta đa phần viết đâu, bỏ đó…Tôi chỉ nhớ được tên các Lều văn nghệ, tuyệt nhiên không nhớ gì đến tác phẩm của họ. Thuở ấy tôi cũng có viết một chút mà cũng chẳng lưu giữ được mấy. Tôi xin hiến bạn đọc một khổ thơ trong bài thơ Nhớ…tôi viết hè 1968 gửi về gia đình mình. Khổ thơ này được Lều thơ Lượng NĐ hay ngâm nga lắm:
Ôi nhớ lắm một nếp nhà nho nhỏ
Ấm tình thương nuôi ta lớn nên người
Xin gửi lại trọn một thời thơ ấu
Cùng bao nhiêu kỷ niệm đẹp tuyệt vời…
Cùng ‘’dính’’ đến vụ nghi án văn chương này còn có Phùng Thủ tướng CL 73 bạn cùng nhà quê Hà Lội với tôi. Như đã viết ở trên, Phùng DQ dự thi với truyện ngắn ‘‘ việc thực, người thực ‘’ kể về bố đẻ anh - một liệt sỹ chống Pháp - đã anh dũng hy sinh khi bị địch soi trúng nắp hầm. Lúc đó, bố anh đội nắp hầm xông ra, chưa kịp chạy trốn thì đã bị Pháp bắn chết. Vì nể bạn, lại sẵn máu văn chương nên tôi đã nhuận lại bản thảo của anh. Nói cho cùng, câu chữ ấy là ai viết ngay chúng tôi cũng không nhớ nữa. Chỉ vì 2 từ ‘‘chạy trốn’’ các nhà giám khảo có chức sắc đã nhận định : như thế là hèn nhát, tại sao 1 đảng viên lại ‘‘ chạy trốn’’. Ý của họ là : đã là đảng viên thì không sợ chết, phải dũng cảm đứng lại mà... chiến đấu chứ. Tuy không bị đánh giá nặng nề như hai câu thơ của Lượng NĐ, truyện ngắn của Phùng Thủ tướng chỉ được trao giải 3 sau khi Vư Khuê và tôi tìm mọi cách bảo vệ. Khi trao giải, Phùng DQ lên nhận rất miễn cưỡng, sau đó, chắc nghe ngóng thế nào, người mang giải thưởng đi trả khiến Vư Khuê và tôi phải can ngăn mãi.
Sau này, có dịp ngồi với Lượng NĐ ở thành phố Hồ Chí Minh, nhắc lại chuyện cũ cả hai chúng tôi chỉ còn biết cười ngất. Ai ngờ tôi sau này, khi ra công tác cũng bị một Sếp có những đánh giá hết sức bất lợi chỉ vì chuyện tương tự. Lần đó, tôi chót nổi máu đọc tặng các chị em nhân ngày mồng 8 tháng 3 bài thơ tả tâm tư một chàng si tình trách móc người yêu không chịu ‘’tích cực’’ đi chơi. Bài thơ dài, kể lể lan man tội nghiệp lắm, để đỡ mất thời gian, tôi xin trích đoạn mở đầu dưới đây :
Anh hẹn gặp em
Sao em cứ đòi ra sau nửa tiếng ?
Mùa Xuân đến năm nay sớm, muộn
Xuân đến rồi, riêng em thờ ơ ?
…………………………….
Thế là từ ngày đó, Sếp luôn mặc cảm cho tôi là thằng ham chơi, lười học hành công tác. Chuyện đi thi NCS, rồi việc vào Đảng của tôi…đều bị ảnh hưởng đáng kể, cho dù sau này tôi có là Trưởng Phòng, còn Sếp là Viện phó thì với Sếp, tôi vẫn là kẻ ham chơi bời, không chịu học hành. Khổ thế chứ.
Hôm nay, ngồi nhớ lại chuyện cũ, tôi cứ thấy vui và buồn cười nhiều hơn, cũng vì thế, lại nổi máu nóng viết và gửi bài này lên mạng người KGU chúng ta.
Người post: CuongLV
Ngày đăng: 21-07-2011 13:01
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |