MÀU TÌNH YÊU
Tác giả: meomun
Một câu hỏi muôn đời là “tình yêu có màu gì”? Có bao nhiêu người yêu nhau đã đi tìm đáp án cho câu hỏi ấy. Nhưng từ ngàn đời nay, đáp án chung vẫn không thể có vì tùy bối cảnh, tùy tâm trạng của người đang yêu mà người ta chọn cho mình những sắc màu của tình yêu. Tình yêu thuở học trò, trắng trong như tờ giấy, như tà áo trắng trong sân trường. Tình yêu trong nỗi nhớ mong của những đôi lứa xa nhau có màu tím, man mác buồn và thủy chung. Màu vàng tượng trưng cho sự phản bội trong tình yêu. Còn tình yêu cháy bỏng, mãnh liệt có màu đỏ như lửa. Với anh Nguyễn Đình Phư, một nhà thơ chính hiệu của KGU thì sau khi nhìn lại một tình yêu đã bay xa, anh thấy “đường tình xanh màu mây”. Vào mùa hè 1972 trên đất nước bạn, dường như không để ý gì đến không gian ngập tràn màu nắng mật ong, thơm nồng hương táo chín của xứ sở Moldavia, có chàng trai 19 tuổi đã mượn hình ảnh lá Klion để đưa ra một khái niệm mới về màu sắc:
Lá Klion xanh xanh
Như tình em tình anh
Xanh và xanh vô tận
Màu xanh là của đất
Màu xanh là của trời…
Tràn ngập trong những câu thơ năm chữ ngắn, nhịp điệu nhẹ nhàng ấy là màu xanh! Lá Klion, tình em, tình anh, đất, trời, tất cả nhuộm một màu xanh đằm thắm, ngất ngây tươi tắn, và đầy sức sống trong con mắt của những người trẻ đang yêu, cái thuở “rối rít trong lòng một nỗi em em” như nhà thơ Lưu Quang Vũ thú nhận. Ô, mà “Klion” là lá gì nhỉ, có phải lá phong chăng? Mình thắc mắc và được tác giả gửi hẳn cho một trang web về lá Klion. Hóa ra, là một nhà khoa học, tác giả không hề nhầm lẫn và biết rõ Klion có nhiều loại, có loại màu xanh, nhưng cũng có loại màu nâu tím, màu đỏ (như lá phong trên quốc kỳ Canada). Mình thì không chắc trong những năm tháng ở Kishinev có để ý lá phong xanh là như thế nào, mà chỉ hiểu lá phong thì màu đỏ qua câu thơ Tế Hanh “Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa”. Nhưng mà thôi, không thể mang cái logic bình thường ấy ra để cãi với người đang yêu, vì như Hồng Thanh Quang có nói: “Khi yêu, luật Trời ta cũng sửa!” mà! Thế đấy, luật trời còn dám sửa, huống chi chỉ là khái niệm màu sắc, nhiều khi chỉ là cảm giác và có tính ước lệ! Với người đang yêu ấy, lá klion nào mà chẳng xanh, đất cũng màu xanh, bất kể đất thường có màu nâu hay màu đỏ bazan và trời cũng luôn xanh, bất kể thực tế trời có lúc xám xịt…Mình tò mò hỏi tác giả sao chọn màu xanh là màu của tình yêu, tác giả nói: “Vì đó là màu của tình yêu thầm lặng”! Mình thì mình chẳng tin, vì mình thấy mọi sự chẳng thầm lặng tí nào, mọi câu chữ trong bài thơ như tiếng reo vui, rộn rã, háo hức khi dường như người trẻ ấy đang khám phá được quy luật của cuộc sống, của tình yêu:
Tình yêu giữa con người
Cũng xanh màu trời đất
Vì sao yêu ngây ngất
Vì tình yêu màu xanh
X x
x
Không biết vô tình hay hữu ý, tác giả gửi KGU bài “Lá Klion xanh xanh” và bài “Em về rồi…”, được viết cũng vào một ngày hè nồng nhiệt nhưng cách nhau hơn 30 năm. Hơn 30 năm, thời gian quá đủ cho một tình yêu đẹp đơm hoa, kết trái, để “anh” và “em” hôm nay vẫn trọn vẹn là “anh” và “em” thuở ấy. Nhưng hơn 30 năm cũng đủ để lại dấu vết của tuổi tác, biến những chàng trai, cô gái ngày nào thành những người đứng tuổi. Nghiệt ngã hơn, thời gian và đời thường sẽ trả lại màu sắc thật cho những gì lung linh ẩn hiện thuở ban đầu và thật đến khi ngay cả chính người trong cuộc như nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng có lần khắc khoải hỏi người bạn đời: “Có phải mười lăm năm yêu anh/trái tim em đã mệt?”.
Hãy nghe lời thủ thỉ của chàng trai 19 tuổi ngày nào, nay đã là một nhà khoa học thành danh, với người yêu năm xưa, nay là bạn đời của mình:
Em về rồi biển không còn xanh nữa
Dải cát vàng đã xóa dấu chân em
Sóng vẫn vỗ nhưng không còn dào dạt
Biển bơ phờ những con sóng ngẩn ngơ
Bài thơ nói về nỗi trống vắng, cô đơn khi xa EM, một chủ đề không xa lạ trong thơ. Nhưng sao lại là “Em về rồi…” mà không phải “em ra đi”? Theo cái logic “cùn” của mình thì “Em ra đi” thì mới làm ANH buồn đến thế chứ mọi sự trở về đều viên mãn, tròn đầy! Mình đã đem thắc mắc ấy để hỏi tác giả và được biết cái thành phố Trieste nhỏ bé, xinh đẹp của nước Ý bên bờ biển Andriatic ngày ấy là nơi chàng đi công tác ngắn hạn thôi. Thế rồi một ngày nọ, nàng đưa các con đến thăm chàng và sau những ngày sum họp ngắn ngủi, nàng đưa các con về lại Ba Lan, nơi có căn nhà chung, “tổ ấm chở che anh” (Lưu Quang Vũ). Nhưng cái sự trở về của nàng, mặc dù chỉ về trước chàng có 1 tháng thôi, đã để lại cho chàng nỗi trống vắng khó bù đắp, và chàng như tự nói với mình, rồi tự trả lời mình với sự tần ngần, dường như cả sự trách yêu sao em về trước anh trong dấu chấm lửng “em về rồi…”. Thế đấy, đối với người đang yêu, thì dù “em ra đi” hay “em về rồi” mà không có ANH đi cùng thì đều là buồn, là trống vắng, là hụt hẫng. Đại thi hào Nguyễn Du đã nói “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, và ANH cũng không ngoài quy luật ấy. Khi “EM về rồi” và dải cát vàng đã xóa dấu chân em, nhưng dường như em vẫn còn quanh đâu đây, quen thuộc, thân thương. Vắng EM, dường như biển cũng thấu hiểu, cũng cảm thông, chia sẻ sâu sắc khi “biển bơ phờ những con sóng ngẩn ngơ” và “sóng vẫn vỗ nhưng không còn dào dạt”.
Biển Trieste dù có xanh với dải cát vàng, với sóng vỗ muôn đời dào dạt nhưng giờ đây dường như không còn cuốn hút mà chỉ đào sâu thêm nỗi nhớ, trên bãi biển bức tượng hai người hôn nhau, chứng nhân của tình yêu bất diệt vẫn còn đó, khiến người trong cuộc ngẩn ngơ:
Chỉ có bức tượng hai người yêu nhau vẫn thế
Vẫn hôn nhau như chưa thể bao giờ
Anh chẳng biết mình mơ hay tỉnh
Bức tượng kia như in bóng đôi mình
Không có bóng dáng con người trong bài thơ, ngoài hai chữ "anh" và "em" nhưng tác giả đã khéo léo mô tả cảnh vật xung quanh, nhân cách hóa chúng để diễn tả cảm xúc của mình. Nhưng điều đặc biệt ở chỗ là qua những câu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng ấy, dường như chính tác giả cũng tự mâu thuẫn với mình khi nhìn cảnh vật xung quanh. Trong những câu thơ ấy, những cảnh động như biển, sóng làm cho lòng người không yên, nên tác giả muốn những cảnh ấy như tĩnh lại, đừng khuấy động, đừng gợi thêm cho mình nỗi cô đơn khi chia xa người yêu. Ngược lại, hình ảnh bức tượng hai người hôn nhau trên bãi biển là một cảnh tĩnh thì tác giả lại nhìn thấy nó không hề tĩnh, dường như đang có hai người thật, là ANH, là EM bước ra từ bức tượng ấy, vẫn trao cho nhau nụ hôn bất diệt, bất kể tháng năm, cuộc đời dâu bể.
Hơn 30 năm, mái tóc xanh đã thêm nhiều sợi bạc, nụ cười xưa đã khắc dấu chân chim, nhưng tình yêu vẫn trẻ mãi, vẫn tồn tại bất kể mọi đổi thay, mọi biến động của cuộc sống, như bức tượng hai người yêu nhau vẫn thế, “vẫn hôn nhau như chưa thể bao giờ”. Dù trong bài thơ “Em về rồi…” tác giả chỉ nhắc tới màu xanh có một lần, mà lại là phủ định (biển không còn màu xanh), và tác giả dù không còn là cậu trai 19 tuổi thuở lá Klion xanh thắm ngày nào nhưng người đọc vẫn cảm thấy mát dịu một màu xanh từ những dòng thơ 8 chữ, với nhịp điệu trầm như một lời tự sự, lời nhắn nhủ. Trải qua bao tháng năm và biến động bên ngoài, màu xanh của sự sống, màu xanh của tình yêu ấy đã được những người trong cuộc nâng niu, vun xới và gìn giữ để đến bây giờ xanh vẫn xanh.
Mình chợt nhớ đến câu của thi hào Đức Goethe “VÀ CÂY ĐỜI MÃI MÃI XANH TƯƠI”…
7/2011
(Viết tặng anh Mai Xuân Lý- Chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm nhân đọc bài thơ "Lá Klion xanh xanh" và "Em về rồi..." của anh Mai Xuân Lý )
Người post: VanNH
Ngày đăng: 24-07-2011 13:01
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |