Vốn rất thích hai nhân vật Chí Phèo và Thị Nở, nên khi nghe tin khu du lịch làng Vũ Đại mở ra đón khách, tôi nhào đến ngay.
Ngay tại lối vào làng, một chiếc cổng to đùng chắn ngang với biển đề đỏ chót: “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Tôi dừng lại, ngước nhìn, gật gù vỗ vai tay bảo vệ:
- Chuẩn không cần chỉnh!
Tay bảo vệ kiêm nhân viên bán vé gật đầu:
- Vâng, vậy mời quý khách vui lòng mua vé vào cửa.
Chuyện nhỏ, tôi hất hàm:
- Bao nhiêu?
- Năm đồng!
Tay bảo vệ nhìn vào đôi mắt đang mở to ngạc nhiên của tôi, gằn giọng:
- Là năm chục đó, cha nội!
Không sao, để được nhìn tận mắt, sờ tận tay nơi anh Chí sinh ra, chỗ anh Chí ngồi uống rượu... mà chỉ mất có hai ly cà phê máy lạnh thì nhằm nhò gì.
Vừa bước qua khỏi cổng, một cô gái xinh như... Thị Nở nhào đến nắm tay tôi, liến thoắng:
- Anh ơi, có muốn em làm hướng dẫn viên không?
Tôi lắc đầu:
- Không, cả cái làng Vũ Đại này, cái gì tôi cũng biết, cần gì hướng dẫn.
Cô gái nhìn tôi, nói khẽ:
- Vậy anh có biết vì sao ông Bá Kiến lại giàu không?
- Vì ổng có nhiều ruộng.
Cô gái nhếch mép:
- Trật lất! Nhiều ruộng mà giàu cái gì, ổng giàu vì nhà ổng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Không tin anh ghé nhà ổng coi.
Vừa nói cô gái vừa kéo tay tôi, lôi đến nhà Bá Kiến. Nơi đây đúng là có bán rất nhiều đồ lưu niệm như cây gậy cụ Bá, con dao Chí Phèo, váy áo bà Bá... Hỏi thấy giá quá đắt, tôi định quay ra. Ngay lập tức, một anh chàng cởi trần, mặt đầy sẹo đứng chắn ngang cửa, lè nhè:
- Mẹ cha con Nở... Mẹ cha cái làng này... Mẹ cha đứa nào sáng sớm coi hàng mà không mua!
Cô gái đi theo tôi thì thào:
- Nó là Chí... Phổi, cháu tám đời của Chí Phèo, liều lắm..., thôi anh ráng mua vài món.
Cháu Chí Phèo giờ đi làm bảo kê cho cửa hàng đồ lưu niệm của dòng dõi cụ Bá Kiến, hay thật. Tôi hỏi cô gái:
- Sao cháu anh Chí không bán thứ gì, ví dụ như mảnh chai rạch mặt chẳng hạn.
Cô gái lại kéo tay tôi:
- Có sao không, nhưng họ liên kết với cháu bà Thị Nở để bán cháo hành gia truyền. Đến đây mà không ăn món đó, coi như chưa đến.
Nghe thật hấp dẫn, tôi theo cô gái đến quán cháo hành.
Hỏi giá cẩn thận tô cháo xong, tôi thong thả ngồi thưởng thức hương vị món ăn giúp anh Chí tỉnh táo sau cơn say. Ăn xong, cô chủ quán Thị Nẻ, vốn là người dòng dõi Thị Nở nổi tiếng, chìa cho tôi một tờ hóa đơn dài như cái sớ. Tôi tròn mắt liếc qua, lẩm nhẩm:
- Cháo hành, hai chục. Trà đá, năm chục. Công bê cháo lên, năm chục. Công dọn bàn sau khi ăn, năm chục. Ghế ngồi, năm chục. Tiền đi vệ sinh, ba chục..., tổng cộng...
Tôi nhìn Thị Nẻ, hét lên:
- Thế này là ăn cướp chứ bán buôn gì, tôi không trả!
Thị Nẻ nhếch mép cười, quay vào trong gọi to:
- Anh Chí... Lòng ơi!
Ngay lập tức, một gã tay cầm dao, cởi trần, đầy sẹo khác bước ra, dáng xiêu xiêu vẹo vẹo, lè nhè:
- Cái gì? Mẹ cha con Nẻ... Mẹ cha cái làng này... Mẹ cha đứa nào ăn cháo xong không chịu trả tiền.
Tôi hốt hoảng rút ví, vứt tiền lên bàn, ra khỏi quán rồi chạy nhanh về phía cổng. Cô gái hướng dẫn viên chạy theo kéo tay tôi, gào lên:
- Định trốn hả cha? Trả tiền hướng dẫn đây chứ!
Tôi tròn mắt:
- Hả, bao nhiêu?
- Mỗi phút 20 ngàn, nãy giờ là ba tiếng đồng hồ, tự nhân lên đi.
Nhìn quanh không có ai cởi trần, đầy sẹo cả, tôi dúi vào tay cô ta tờ trăm ngàn, gào lên:
- Nhiêu đây à, không lấy thì thôi.
Cô gái cười khẩy, lôi điện thoại ra:
- Alô, anh Chí... Gan hả...
Lại phải móc tiền ra.
Khi đến cổng, tôi thở phào vẫy tay vĩnh biệt làng Vũ Đại. Bỗng có một bàn tay vỗ nhẹ phía sau, giọng khàn khàn:
- Quý khách vui lòng mua vé... ra cổng!
Tôi quay lại, hét vào mặt tay bảo vệ:
- Ra cổng sao phải mua vé? Tôi không mua!
Tay bảo vệ khoanh tay, tỉnh bơ:
- Được thôi, vậy thì cứ ở trỏng mà... du lịch tiếp!