Thăm Suối Ngọc Cá Thần
Thăm quan suối cá thần
Vừa qua, trên đường đi nghỉ hè ở Sầm Sơn đoàn chúng đã ghé thăm khu du lịch “Suối Ngọc cá thần” gần đường mòn Hồ Chí Minh. Đó là Suối cá thần nằm ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, Huyện Cẩm Thủy cách thành phố Thanh Hóa 70 km về phía Tây Bắc.
Trước khi vào làng Ngọc có suối cá thần, chúng tôi phải đi qua sông Mã với một chiếc cầu treo rất hẹp, chí có xe ôtô con đi qua được. Chính vì vậy, các đoàn xe du lịch 45 chỗ đến đây phải đỗ lại, để khách du lịch tự đi bộ qua cầu hoặc "tăng bo" nhờ các dịch vụ của đội quân “xe ôm” hùng hậu.
Dọc hai bên đường vào làng Ngọc là một dãy các sạp hàng bán các đặc sản của địa phương như: cua đá; thuốc lá rừng các loại và các loại quả như: bồ quân, dâu da, hồng bì và mít rừng…Bạn có thể dừng ở một sạp để nếm món thịt dê nướng đặc sản, luôn làm “điếc mũi” khách du lịch thập phương.
Suối cá Cẩm Lương (Thanh Hóa) nổi tiếng với đàn cá lạ hàng nghìn con. Suối bắt đầu tuôn ra từ chân núi Ngọc Bến, cá theo dòng nước bơi ra từ hang ngầm. Suối Ngọc này được gọi là suối cá thần là nhờ ba yếu tố: cá nhiều nhưng nước không hề có mùi tanh của cá; khi mùa nước lên, tất cả cá tại đây quay lên núi chứ không theo nước mà đi; và yếu tố thứ ba là “Rất linh thiêng”. Do vậy, từ xưa đến nay, người dân ở đây không bao giờ ăn thịt cá ở suối này.
Chúng tôi đi dọc theo suối cá, ngắm cá bơi với mật độ đậm đặc vì có điều lạ là từ xưa đến nay, người dân ở đây không bao giờ bắt cá. Có một chiếc “cầu Kiều” bắc qua suối dẫn vào cổng một chiếc đền nổi tiếng linh thiêng của làng Ngọc. Chúng tôi đã vào đền vái thần linh và cùng cầu cho chuyến đi của đoàn được thuận tiện.
Đầu suối là cửa hang có hình một vũng rộng. Cá ở đây bơi lúc nhúc và rất dạn dĩ tới mức chúng tôi có thể sờ tay vào lưng cá, cầm thức ăn cho chúng ăn và đùa giỡn với chúng. Người dân ở đây cho biết: cá thường xuất hiện nhiều nhất vào buổi sáng sớm, lúc này số lượng cá đến vài nghìn con.
Ở đây có hai loài cá rất lạ, một loài hình dạng rất giống cá trắm nhưng đuôi, vành môi, vành tai mầu đỏ, thân có mầu rêu; loài kia trông giống cá trôi nhưng dài hơn. Vào mùa khô, nước trong và cạn, cá bơi ra cách miệng hang vài chục mét lại quay trở vào. Mùa mưa, nước lớn cũng vậy, cá cũng chỉ quanh quẩn ở đoạn suối gần hang không hề bỏ đi nơi khác. Theo một số người dân làng Ngọc, họ đã nhìn thấy đầu một con cá rất lớn ước chừng trên dưới 20kg ở miệng hang. Con cá này không ra được bên ngoài hang do miệng hang nhỏ.
Từ chận núi Ngọc Bến đi lên đỉnh có rất nhiều hang động chưa được khảo sát khai thác. Một nhóm nhỏ chúng tôi quyết định thuê vài chiếc đèn pin và theo một em gái địa phương dẫn đường đi vào một hang động có đường dẫn đến suối cá ở trong lòng núi Ngọc Bến. Đặc biệt là em gái dẫn chúng tôi vào một lối gọi là “vào cửa cha” và ra một lối khác gọi là: ’ra cửa mẹ” và lại nhập vào con đường xuống đầu nguồn suối cá thần. Trong động chỉ có vài ba bóng đèn điện đặt cách quãng (chắc là của dân địa phương tự làm) nên chúng tôi chỉ có thể ngắm những mảng thạch nhũ huyền ảo qua ánh sang mờ trong hang động. Để an toàn, con đường trong hang dẫn xuống suối cá thần đã được ngăn lại vì đường đi rất tối. Hy vọng trong tương lai gần, ngành du lịch nước nhà sẽ khám phá, khai thác sử dụng các hang động ở nơi đây, để có thể phục vụ khách du lịch yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên Việt.
Chúng tôi lại xuôi dòng theo suối để ra xe đi tiếp. Không ai biết dòng suối cá có tự bao giờ. Người già ở đây thường hay kể lại sự tích cá thần như sau: Ngày xưa có hai vợ chồng già lấy nhau rất lâu mà vẫn chưa có con. Bỗng một hôm, người vợ đi xúc tép nhặt được quả trứng lạ liền đem cho gà ấp. Đến ngày, trứng nở ra con rắn mình đen, mào đỏ trông rất kỳ lạ. Năm đó, ông trời đổ mưa hàng tháng liền không dứt, nước ngập trắng xóa khắp nơi, dòng sông Mã cựa mình gào thét, hung dữ cuốn trôi tất cả mọi vật, chỉ còn sót lại con rắn của vợ chồng già nằm chết dưới chân núi sau đồi Sống Ná. Dân làng Ngọc được báo mộng rắn là con của Thủy Tề, trốn thủy cung lên trần gian chơi, thương vợ chồng già không con nên đã không về. Vua Thủy Tề sai các loài thủy quái lên bắt, rắn chống cự và trận chiến dai dẳng đã nổ ra, cuối cùng rắn thần chết. Dân làng lập đền thờ cúng tế. Cũng từ đó dưới chân núi Ngọc Bến của làng tuôn ra dòng suối Ngọc trong xanh khắp bốn mùa với hàng nghìn con cá. Các bô lão trong làng nói rằng, cá là đội quân cận vệ của rắn thần.
Tạm biệt Suối Ngọc Cá Thần chúng tôi còn phải xuôi hơn 140 km xuống Biển Sầm Sơn với món “cháo hến” đặc sản đang chờ. Một anh vui tính trong đoàn đã thốt lên: Hôm nay chúng ta sẽ được đi từ “Dê” đến “Hến’, thích thật !...
(Mời các anh chị xem thêm ảnh minh họa ở mục Góc ảnh)
BlueSky, Tháng 8/2011
Người post: ThanhLK
Ngày đăng: 17-08-2011 11:11
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |