KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 01 Tháng chín. 2011

Chúng tôi đến Trường Sa




Tác giả: CuongLV

Nhờ các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo hình, truyền hình, cầu truyền hình trực tiếp) từng người dân Việt Nam hôm nay đều hiểu biết khá đầy đủ cuộc sống của các chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa, cho dù số người có cơ hội đến với Trường Sa, đến với các chiến sỹ Trường Sa là không nhiều.
   Năm 1991-1995 tôi được tham gia đề tài KHCN cấp Nhà nước KT.03.13 “ Luận cứ khoa học kỹ thuật cho một số vấn đề cấp bách về xây dựng công trình và cải tạo môi sinh vùng quần đảo Trường Sa ’’ do Thiếu tướng Nguyễn Hoa Thịnh, Giám đốc Học viện KTQS chủ trì. Nhờ cơ may nghề nghiệp này mà hai năm 1993-1994, 3 lần tôi được đến các đảo Trường Sa lớn, Nam Yết, Song Tử Tây và Sơn Ca trong quần đảo Trường Sa với tổng thời gian 3 tháng.
     Do đặc thù công việc cùng yêu cầu giữ bí mật quốc gia, chúng tôi chỉ được phép tìm hiểu các vấn đề liên quan đến chuyên môn, hạn chế tối đa ghi chép, chụp ảnh…vì  thế, những gì mà chúng tôi còn lưu lại bằng văn bản không nhiều. Hôm nay nhân dịp kỷ niệm Quốc Khánh lần thứ 66, tôi xin ghi lại một số sự kiện, hình ảnh như một sự tri ân với các chiến sỹ của Trường Sa của gần 20 năm về trước…

 

1. Háo hức cho những chuyến đi.       

            Đang chạy đôn chạy đáo tìm cách ra Trường Sa thực hiện nhiệm vụ, may cho tôi là các đồng nghiệp ở Viện Khoa học Việt Nam lúc đó cũng thực hiện đề tài nghiên cứu Trường Sa, thế là chúng tôi được ghép với đoàn công tác của đề tài TS - 05. Trước khi lên đường, chúng tôi lao vào chuẩn bị cho chuyến đi công tác biển đầu tiên. Từ dụng cụ, thiết bị máy móc, thuốc men đến quà cáp cho chiến sỹ đều phải lên kế họach sao cho không bị thiếu, bị hỏng. Để thực hiện nội dung đăng ký, nhánh đề tài của tôi phải tiến hành thử nghiệm lượng mẫu khá lớn của 10 loại vật liệu trong nước biển, khí quyển biển ở Trường Sa Lớn. Trước đó, chúng tôi đã thử nghiệm ăn mòn kim loại trong nước biển ven bờ Bãi Cháy thành công nhưng dù sao Bãi Cháy vẫn là đất liền. Còn ở Trường Sa, chúng tôi không thể làm và neo giữ phao thả mẫu (dung tích 2-5 m3) nên nhiệm vụ thả, giữ mẫu an toàn trong sóng gió Trường Sa - vùng biển được mệnh danh là vùng biển Bão tố - là điều cực kỳ khó khăn. Nhất là khi chúng tôi không có bất kỳ một phương tiện kỹ thuật, nhân lực nào trong tay.   

            Đã thế vào lúc này, cơ quan tôi đứng trước những sự thay đổi về nhân sự và tổ chức. Đang là Trưởng 1 phòng chuyên môn có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại của Viện con nên tôi cũng mắc vào những chuyện ngoài chuyên môn. May mắn sao, dù có va vấp nhưng tôi vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình với Trường Sa thông qua 1 đề mục trong Đề tài cấp Nhà nước KT.03.13, cho dù nhiệm vụ ấy quá bé nhỏ. 

2. Vào cuộc hành trình.

             Là chuyến đi khảo sát, thử nghiệm tự nhiên mang tính khoa học cao, nghiêm túc nên hành trang của Đoàn công tác Viện Khoa học Việt Nam rất nặng nề theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chúng tôi phải thuê xe ca loại Carôsa để chở các thành viên (có thêm 3 cán bộ Viện Khảo cổ), máy khoan mẫu đất, máy phát điện, các thiết bị khảo sát các chuyên ngành thủy văn, địa chất, sinh học,  mẫu - giá thử nghiệm tự nhiên ăn mòn kim loại… Hai chuyến sau thời gian không quá gấp gáp, chúng tôi đi xe lửa người có khỏe hơn thì lại gặp khó về thiết bị. Chỉ khi Bộ Tư lệnh Hải quân gọi điện can thiệp, bên đường sắt mới chịu chở khối hành trang vừa nặng vừa cồng kềnh này trên tuyến Hà Nội – Nha Trang và ngược lại.

            May mắn là trong sổ thực nghiệm của tôi còn giữ lại được mấy dòng ngắn ngủi (trích ở dưới) về chuyến đi đầu tiên này.

19.4.10993.

Đoàn công tác Viện KHVN rời cơ quan vào 7h05 sáng theo đúng kế hoạch trên chiếc xe Carôsa biển 29D - 45-88 có một số người thân các thành viên đưa tiễn. (Tôi nhớ lại đó là một sáng trời đẹp, ánh nắng chan hòa khiến ai nấy mặt ai nấy rạng rỡ). Tới Thanh Hóa lúc 11h, vào ăn trưa. Sau đi tiếp. Đến Sông Gianh vào 8h30. Ăn tối ở Đồng Hới – lại đi tiếp. Đường đi nhiều đoạn xấu.

20.4.1993.

            5 giờ sáng đến Lăng Cô. Nghỉ rửa mặt và ăn sáng dọc đường. Sau đó vượt đèo Hải Vân. 14h15 nghỉ uống nước, gọi điện vào Trường Sỹ quan Hải quân báo tin. Đến Nha Trang lúc 20h30 tối. Rẽ qua Trường Sỹ quan Hải quân đưa thiết bị lên tàu HQ – 453. Nhìn con tàu 400 Tấn, có ý kiến cho là tàu nhỏ.  

            Như vậy, sau hơn 37 giờ trên chiếc ôtô liên vận đoàn đến Nha Trang trong trạng thái không thể mệt hơn : suốt chặng đường hơn 1300 km chúng tôi phải ngồi thu lu và chỉ được thư giãn cơ thể trong lúc nghỉ để ăn 2 bữa cơm, còn những chỗ tốt trên xe đã ưu tiên cho

trang, thiết bị.

            Mấy ngày chờ đợi ở Nha Trang, chúng tôi dùng để phục hồi sức khỏe, mua thêm đồ dùng cho chuyến đi và việc làm chiếm nhiều thời gian nhất là mua quà tặng chíến sỹ Trường Sa. Những món quà ưa thích lúc bấy giờ là sách báo, bánh kẹo, thuốc lá Ngựa Trắng (White Horse)…Dù được biết hoa quả mới là món quà quý và cần thiết nhất nhưng vì không thể giữ được tươi lâu nên chúng tôi chỉ mua đủ ăn trong vài ba ngày đầu.

3. Lênh đênh sóng nước quê hương.

            Ngày 23.4.1993 đã thành ngày mở đầu các chuyến đi Trường Sa của tôi. Giây phút cảm động ấy, hai đại tá Lâm và Hải thay mặt cho Bộ Tư lệnh Hải quân và Hải quân vùng 4 xuống tàu chia tay đoàn. Có tặng hoa và quay video kỷ niệm. Lạ là lúc ấy tôi không có cảm giác vương vấn lo lắng gì mà chỉ thấy lâng lâng vui sướng pha chút hồi hộp. Đúng 8 giờ tầu HQ 453 nhổ neo. Chia tay đất liền. Phía trước nơi con tàu hướng tới là đảo Trường Sa Lớn.

 

 

Ảnh 1. Con tàu HQ - 453

Khí hậu quần đảo Trường Sa có thể chia làm 2 mùa : mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Tàu thuyền họat động ở khu vực này gặp nhiều khó khăn : các luồng nước chật hẹp, độ sâu thay đổi theo mùa song gió, nơi nông sâu đột ngột. Phía ngòai các bãi đá san hô có độ sâu rất lớn, nhưng khi vừa đến rìa bãi thì tàu có thể va vào san hô và mắc cạn ngay.  

Trong hai chuyến đi vào mùa khô, chúng tôi thực sự được thỏa thích ngắm cảnh trời nước. Ngày hai bữa ăn chính, một bữa ăn nhẹ buổi sáng, còn lại là thời gian chuyện trò, đọc sách, giải trí tùy theo sở thích. Có một điều thú vị là có những người rất khỏe nhưng vừa bước chân lên tàu là toàn thân ủ rũ như tàu chuối héo. Thế là suốt chặng đường cứ nằm li bì không ăn uống, giá có ai trêu đùa cũng chỉ biết cười trừ. Nhưng khi lên đảo thì người lại khỏe khoắn như chưa hề có chuyện nằm li bì mất ngày liền.  

Chúng tôi nhiều lần thấy cá heo đùa giỡn sóng biển, lần đầu tiện gặp nên ai nấy phấn

chấn, nhiều người mang máy ảnh ra chụp. Riêng thủy thủ đoàn thì không vui như vậy, sau này chúng tôi được biết khi cá heo nổi thì thời tiết thay đổi. Nghĩa là sắp tới, sẽ có mưa gió chứ trời không quang mây, nắng đẹp nữa. Vì tôi là phó Trưởng đoàn nên có chuyến, tôi còn được thông báo là cả đêm trước, tàu HQ 453 bị 2 tàu Trung Quốc đi kèm. Phải chơi trò đuổi-bắt suốt mấy tiếng đồng hồ, tàu HQ 453 mới thoát được sự đeo bám để quay về hải trình của mình. Lúc này, Hải quân Việt Nam chưa có nhiều tàu to cỡ 900 tấn mà thường chỉ là loại nhỏ, cỡ 400 tấn made in China. Vì tàu Hải quân Việt Nam nhỏ, chạy không nhanh lại thêm các thiết bị thông tin tương đồng với thiết bị của tàu Hải quân Trung Quốc nên dễ bị phát hiện và đeo bám. Ngay ngày thứ hai chuyến đi biển đầu tiên, chúng tôi đã được nghe đài BBC đưa tin về một đoàn các nhà khoa học Việt Nam đi nghiên cứu thực địa tại quần đảo Trường Sa. Những thông tin như vậy thường được giữ bí mật trong phạm vi thủy thủ đoàn và Trưởng, phó đoàn công tác chứ không thông báo rộng rãi cho toàn đoàn.     

Chuyến đi tháng 9/1993 để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất. Do yêu cầu nghiêm ngặt của chuyên môn, đoàn phải đi vào mùa mưa bão nên số thành viên rút gọn lại con số 15. Chuyến này, đoàn được đi trên tàu HQ 931 công suất 900 tấn, con tàu đã được phong danh hiệu Anh hùng trước đó và xuất hành tại căn cứ quân sự trên vịnh Cam Ranh. Để giữ bí mật, chúng tôi được cập cảng sau 21 giờ, đi lại trong phạm vi Nhà Khách và lên tàu ra Trường Sa sau 12 giờ đêm. Chuyến này, khi đoàn đang nghiên cứu trên đảo Trường Sa lớn thì tàu HQ 931 nhận lệnh cấp tốc lên đường ngăn chặn tàu chiến Trung Quốc chở giàn khoan dầu khí đến lắp đặt tại bãi Tư Hiền. Quân lệnh như sơn, thế là thủy thủ đoàn đi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong 3-4 ngày, mang theo cả thực phẩm của đoàn. Và 15 con người ở lại trêm đảo không có thức ăn, phải nhờ vào viện trợ của các chiến sỹ trên đảo. Lúc này, gạo trên đảo không bao giờ thiếu nhưng chế biến thành bữa ăn thì thật khó, phương án tối ưu nhất vẫn chỉ là nấu cháo ăn với thịt hộp. Thịt hộp thời đó nếu đem phân tích chắc 90% là bột mỳ, còn lại cái gọi là thịt chắc nhỏ hơn 5%. Để tăng cường sức khỏe cho đoàn, lãnh đạo quyết định bù suất ăn bằng sữa hộp và…bia lon. Phải uống sữa uống liền trong 2-3 ngày mà không có rau xanh nên ai cũng thấy khó tiêu, người bụng yếu không dám xài. Còn uống bia để bồi bổ sức khỏe lúc này thì sau này nhớ lại, chúng tôi cũng chỉ biết cười trừ.

Chắc các bạn sẽ hỏi : tại sao đoàn không tập kết thực phẩm lên bờ. Xin thưa : câu hỏi ấy chỉ dành cho những người chưa đến Trường Sa bao giờ thôi. Tôi hơi lạ là cho đến bây giờ, một vấn đề thú vị này (xin lỗi nếu tôi nhầm) lại chưa được nghiên cứu một cách khoa học, nghiêm túc. Đó là tại sao trên mỗi đảo biệt lập trên đại dương lại chỉ có 1 loại gia súc có thể tồn tại, mà tồn tại rất khỏe. Trên đảo Trường Sa lớn đó là Lợn, Nam Yết – Gà, Sơn Ca – Chó và Song Tử Tây là Bò. Xin phép cho tôi được viết tên bốn loại gia súc này bằng chữ hoa vì nếu bạn đã đến Trường Sa, chắc bạn sẽ hiểu hơn tôi về tình cảm mà chiến sỹ dành cho 4 loại gia súc này. Thông tin thêm cho các bạn 1 hiện tượng kỳ lạ là nếu Lợn ở đảo ăn phải thịt lợn mang từ đất liền vào, chúng sẽ bị chết dịch hàng loạt. Trong một chuyến đi Trường Sa lớn, đoàn chúng tôi đã mắc phải trục trặc do sự khác nhau của Lợn đảo với Lợn tàu.

Xin kể tiếp về chuyến đi Trường Sa tháng 9/10/1993 với những khó khăn theo đuổi chúng tôi trong suốt hải trình từ Nam Yết về đất liền. Trên đường về, tàu chúng tôi gặp cơn bão số 6 với cấp gió 6, 7 nghĩa là hơn 70-80km/giờ bám đuổi đằng sau. Tôi là phó đoàn được lãnh đạo tàu ưu tiên cho ngủ trên tầng 2 (tầng sỹ quan) nằm ngay dưới bong. Mấy ngày liền  tôi nằm ngăn trên của giường 2 tầng, sóng biển lắc con tàu về hai phía, tàu nghiêng đến nỗi qua cửa sổ kính, tôi nhìn thấy cả mặt biển từ bên này rồi bên kia. Sau mấy ngày lắc lư cùng bão biển, hai vai tôi đau như bị đánh. Về ăn uống, anh em chiến sỹ nấu cháo gà trong các chảo quân dụng và cứ đến giờ ăn thì đi gọi mọi người. Tuy nhiên, do mệt mỏi, lại sóng xô nghiêng ngả, nhiều người chọn phương án nghỉ ăn luôn cho khỏe. Còn khoảng 10 anh em cứ đúng bữa là 2 tay quờ quạng hai bên, chân nam đá chân chiêu đi về phía nhà ăn. Chả ai bảo ai, ai cũng một tay nắm lấy một điểm tựa như chốt cửa, thanh ngang, còn tay kia cầm bát chờ chiến sỹ múc cháo gà cho. Sau đó, tay giữ điểm tựa, tay kia đưa cháo lên miệng húp cả cháo lẫn thịt. Chuyện tiêu hóa sau đó ủy toàn quyền cho bộ nhá giải quyết. Báo hại có anh vừa đưa bát cháo lên miệng thì một cơn sóng chồm tới làm tàu nghiêng ngả, cháo đổ ra ngoài cả, vừa đói vừa tiếc hùi hụi. Đau nhất là có lần cả xoong cháo gà quân dụng bị tuột khỏi tay, lao như con thoi từ bên này bàn sang bên kia bàn trước khi đổ tung tóe trên sàn tàu. Nhìn xoong cháo mà thương cho công lao, ân tình của anh em thủy thủ bị đổ xuống sàn, và thương cho mình mất cơ hội bồi bổ sức khỏe.          

Chuyến đi tháng 9/1993 là chuyến đi còn ghi lại nhiều cảm xúc đa chiều của tôi : vất vả nhưng vui, vui vì mình vẫn chịu được giông tố của thiên nhiên và cuộc đời, vui vì đã tìm được nhiều người bạn tốt, chân tình cho dù sau này, tôi không còn cơ hội gặp lại họ khi mọi người về lại với cuộc sống thường nhật với nỗi lo cơm áo gạo tiền, con cái và công danh sự nghiệp.

Sau hơn 20 ngày lênh đênh trên biển, trên đảo với những cơn đói do sự cố phát sinh, chịu sóng gió của cơn bão đầu tháng 10/1993, khoảng 6 giờ chiều con tàu HQ 931 đã về gần Cảng Cam Ranh. Nhưng rồi sau quá nhiều vất vả, mệt mỏi mặc dù Cảng đã trong tầm mắt, tàu chúng tôi vẫn phải neo lại, chờ thêm 3 tiếng (khoảng 9 giờ đêm) mới được cập bến khi chung quanh là màn đêm bao phủ. Câu trả lời có ngay sau đó: nguyên tắc bảo mật của cảng Cam Ranh.

Ngày hôm sau, sáng sớm chưa rõ mặt người chúng tôi đã được chuyển về Nha Trang. Trên đường về, chúng tôi còn tiếp tục được nhìn hậu quả của cơn bão, đó là quốc lộ I ngập đến nửa bánh ôtô. Từ xe nhìn ra xa xa là bóng mờ mờ của những ngọn tre hắt hiu, có những bóng người nhỏ bé đang bơi chấp chới trong biển nước mênh mông. Ngẫm lại trong cơn bão này, mình vẫn là những người may mắn, ít ra là may mắn hơn những người dân quanh vũng bán đảo Cam Ranh.           

4. Những thử nghiệm, nghiên cứu khoa học trên biển đảo Trường Sa..   

Theo kế hoạch triển khai đề tài, chúng tôi tiến hành thử nghiệm mẫu ăn mòn kim loại trong nước biển, khí quyển Trường Sa lớn kèm đo độ muối khí quyển, trong khí quyển đảo Nam Yết. Còn ở cả 4 đảo, chúng tôi tiến hành đo biến thiên các thông số thủy hóa có tác động quyết định đến ăn mòn kim loại là độ muối, ôxy hòa tan, nhiệt độ theo thời gian trong ngày.

 

Ảnh 2. Thả mẫu ăn mòn biển tại chân cầu cảng Trường Sa Lớn

Đến Trường Sa Lớn, tôi vô cùng may mắn và tự tin khi gặp Đại tá, TS Nguyễn Thuận. Gọi là anh theo thói quen công tác, vả lại anh già hơn hơn chục tuổi cũng không quá là nhiều nhưng về mặt đường đời, anh Thuận đáng bậc cha chú. Anh Thuận sinh khoảng năm 1937 -1938, là chiến sỹ Điện Biên, sau đó đi học và bảo vệ luận văn TS ở nước ngoài. Anh cao to, có nụ cười rất hiền – là Trưởng khoa Khoa xây dựng công trình của Học viện KTQS nhưng gần anh, tôi phân vân vì thấy chất Nghệ sỹ và chất Khoa học trong anh đều đáng ngưỡng mộ. Công trình cầu Cảng Trường Sa chính là 1 trong những đứa con để đời của anh cho đất nước. Với chiếc Camera luôn kè kè bên người, lịch sử các công trình xây dựng trên quần đảo Trường Sa còn được anh minh họa bằng những hình ảnh sống động và đẹp đến lung linh.       

Với tôi, anh Thuận là vị cứu tinh. Trong khi chúng tôi đang loay hoay tìm chỗ thả mẫu ăn mòn trong nước biển thì Anh đã chọn giúp chúng tôi. Nơi thả mẫu là cái kè bêtôn đổ ghép vào thân cầu Cảng Trường Sa mà nằm khuất ở đó, khung và mẫu thử nghiệm ít bị tác động của nước biển. Chúng tôi cũng thả mẫu bêtông chịu mặn trong 1 kè chắn sóng hình lục giác nằm gần chân cầu và thử nghiệm bảo vệ catốt cho 1 tấm thép kích thước 0,5 x 1 m. Trong hình dưới là ảnh chụp Nghệ sỹ - Công trình sư Nguyễn Thuận đang ghi lại phút thả mẫu thử nghiệm ăn mòn biển của đề tài

 

Ảnh 3. Trạm thử nghiệm ăn mòn vật liệu TRUONG SA

 

 

 

Ảnh 4. Đo thủy hóa nước biển Trường Sa

 

Trong khi nhóm tôi thả mẫu thử nghiệm ăn mòn trong nước biển thì các nhóm khác cũng miệt mài với công việc của mình. Nhóm viện Sinh thái Tài nguyên trồng, chăm sóc các cây phi lao, cây dừa,  phân loại cây trên đảo, nhóm viện Địa lý khoan lấy mẫu đất, cát, phù sác định độ cao đảo ; nhóm Phân Viện Thủy văn biển - đo luồng hải lưu (nước), độ xói mòn, còn nhóm Viện Hải dương học Nha Trang suốt ngày lặn ngụp để phát hiện các chủng loại sinh vật mới; nhóm anh Tấn Viện phó Viện Khảo cổ đào bới tìm lại dấu tích của các chiến binh triều Nguyễn năm xưa ra đảo để khẳng định chủ quyền tổ quốc. Có thể nói chúng tôi làm việc thật sự tự giác, nhóm nào nhóm ấy buổi sáng ăn tô mỳ nấu suông là đi, gần trưa khi nắng gắt mới về, chiều cứ hai giờ lại ra hiện trường…

Một trong những bảo vật quý giá nhất của đoàn là những tấm ảnh chụp ở Trường Sa ngày ấy. Thời gian đó chỉ có  máy ảnh cơ đòi hỏi người chụp có kỹ thuật cao, vì thế, chúng tôi phải trữ và kỳ công bảo quản phim chụp. Riêng nhóm tôi đã bỏ ra hơn 3 triệu để mua máy ảnh Pentax kèm đèn chụp, nhờ vậy mà bây giờ tôi còn những tấm ảnh thực sự vô giá với chất lượng kỹ - mỹ thuật cao. 

Đề tài tôi được tham sau này bảo vệ đạt xuất sắc, được giải thưởng KHCN cấp Nhà nước với 15 triệu đồng tiền mặt. Nhưng với tôi giải thưởng vinh dự nhất mình được nhận là đã góp một chút công sức thực hiện một việc có ích cho Trường Sa, là tình người cũng như sự trưởng thành mà bản thân tôi được tôi luyện trong những khó khăn, trắc trở khi thực hiện đề tài KHCN ở Trường Sa.  

5. Con người – tình người nơi đảo xa.

Chiến sỹ Trường Sa – Họ là ai ? Họ là những sỹ quan, chiến sỹ rất đỗi bình thường mà chúng ta vẫn gặp hàng ngày. Nhưng khi Tổ quốc đã lựa chọn, họ sẵn sàng đi đến nới bão tố tuyến đầu Tổ quốc. Họ là chiến sỹ nghĩa vụ, quê từ các vùng biển như Thanh Nghệ Tĩnh,  Thái Bình, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đà Nẵng với 18 tháng sống đời quân ngũ. Ngày đầu vào quan rồi ra đảo, hết hạn nghĩa vụ họ hồi hương về với quê vốn cũng là miền sông nước tiếp tục những ngày bám biển. Sĩ quan thì có khác, từ 1992 về sau họ làm nghĩa vụ ở đảo 3 năm, giữa là đợt nghỉ đủ để họ có nhà ít nhất 1 tháng. Sống ở đảo, sỹ quan chiến sỹ được chu cấp ăn uống, phụ cấp sinh họat…còn tiền lương, phụ cấp thì được giữ 100% họ được nhận hàng tháng hay 1 lần sau khi về đất liền đều được. Với sỹ quan còn thêm ưu đãi ược phân cong về những nơi điều kiện công tác tốt hơn hay gần gia đình hơn. Đây thực sự là việc làm rất có ý nghĩa nếu chúng ta biết nỗi khổ của nhiều CCB đã được đúc rút thành thành ngữ ‘‘ Vợ già, nhà dột, con dốt ’’ Có thể nói, đến bất cứ đảo nào chúng tôi cũng nhận được sự chào đón nhiệt tình từ các anh Đảo trưởng, Đảo phó…đến các cháu lính nghĩa vụ trẻ. Tôi năm ấy mới ngòai 40, con gái đầu hơn 10 tuổi thế mà cánh lính trẻ cứ 1 điều bố, hai điều bố…ngọt sớt. Các anh cùng quê với các cháu thì khỏi nói, giờ nghỉ là có các cháu đồng hương đến thăm hỏi, chuyện trò. Gặp mấy bạn sỹ quan trẻ là được mời uống rượu với cá khô tự sản hay thậm chí là 1 chú bạch tuộc nhỏ đã nướng thơm thơm, thịt dai và không ngon bằng mực nhưng ăn vào ai cũng cảm nhận vị ngon đến bất ngờ. Cảm động hơn nữa là những lúc được các em, các

 

Ảnh 5. Chiến sỹ trẻ  Trường Sa

cháu mời dự bữa ăn gia đình, được ưu tiên thưởng thưc những cọng rau xanh ít ỏi trong bát

canh ‘’tòan quốc’’ với lời mời thật cảm động ‘’Các anh, các chú chưa quen ăn thiếu rau xanh’’ cho dù chính các anh mới là người rất thiếu rau xanh.   

Có những lần đến đảo, các anh lãnh đạo cũ ra gặp và cười rạng rỡ : May quá, các anh đến chúng tôi lại có món quý để đãi khách rồi. Chả là giống Víc – một loại rùa biển – thường lên bờ đẻ trứng vào ban đêm. Kỷ luật quân đội rất nghiêm khắc : Nếu tổ trực chiến đêm trước không phát hiện và bắt được Vic, họ sẽ bị kỷ luật. Lý do rất đơn giản : nếu Vic mà qua mặt tổ trực chiến thì người nhát kẻ địch cũng dễ dàng thoát được sự canh gác của chiến sỹ trực.    

Đi công tác ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi vẫn nói với nhau một câu không sến chút nào rằng : Sau này dẫu có bạc tỷ, mấy ai như chúng tôi hôm nay được tụ tập 4,5 người bên nồi lẩu Víc, uống rượu quốc lủi cất từ gạo trắng quê hương trong căn nhà bêtông bốn bề lồng lộng gió biển Trường Sa. Rồi những chiều gió lộng, ngồi trên cầu Cảng nhìn đàn hải âu vỗ cánh hay ngồi trên vọng gác đảo Nam Yết, qua ống nhòm nhìn sáng đảo Bá (Bắc) Bình - nơi Đài Loan chiếm giữ - nhìn rõ chiếc camiông (Cam nhông) bé như hạt đỗ đang chạy trên con đường trải bêtông ven biển. Nơi ấy, Đài Loan xây dựng một nhà máy chế biến hải sản. 

6. Những kỷ niệm còn sống mãi trong tôi.

Kỷ niệm xúc động đầu tiên là về tấm lòng các sỹ quan, chiến sỹ Trường Sa chúng tôi đã gặp và làm việc trong các chuyến công tác. Lần công tác tháng 9/1993 – một hôm đang ngồi trong Nhà khách căn cứ Cam Ranh thì một chiếc xe Jep chạy tới, một đ/c Đại tá bước vào hỏi tên tôi. Tôi bỡ ngỡ, mình có quen ai là Bộ đội Hải quân đâu, nhất là lại ở nơi xa Hà Nội thế này. Thì ra lần trước tôi đi cùng KS Nguyễn Quang Trí – anh Trí là đồng nghiệp của tôi và đồng hương của Đại tá (sau này là Chuẩn Đô Đốc) Tuân. Nghe tin có đoàn Viện KHVN vào công tác, anh Tuân nghĩ là bạn anh lại vào. Tuy bị bất ngờ vì anh Trí không đi chuyến này, anh Tuân vẫn nhiệt tình đưa tôi về nhà ở thành phố Nha Trang để dự bữa cơm cùng gia đình.

Kỷ niệm ấn tượng tiếp theo là tôi đã chụp ảnh bên 4 Cột mốc chủ quyền trên các đảo  Trường Sa lớn, Nam Yết, Sơn Ca và Song Tử Tây. Đã lâu không có dịp ra lại các đảo này, không hiểu các Cột mốc chủ quyền ở 3 đảo kia đã được làm lại to, đẹp hơn như Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa lớn hay không, nhưng tôi vẫn muốn chúng được giữ nguyên bản như nhiều năm trước đó. Lý do thật đơn giản : các cột mốc chủ quyền trên là minh chứng lịch sử chủ quyền của dân tộc Việt Nam đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trong phạm trù nào đó, các cột mốc chủ quyền đã thuộc về lịch sử dân tộc. Có chi tiết thú vị : trên đảo Sơn Ca chúng tôi đã kịp chụp ảnh Cột mốc chủ quyền do chính quyền ngụy Sài Gòn dựng năm 1956 trong trình trạng bị phá dang dở.

 

 

 

Ảnh 6. Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết và Sơn Ca

 

Một kỷ niệm sâu sắc không quên là chúng tôi đi viếng mộ 3 liệt sỹ trẻ đã hy sinh trên đảo Nam Yết - đảo duy nhất có nghĩa trang liệt sỹ. May thay trong cuốn Sổ Công tác năm 1993 của tôi còn lưu lại :

Chủ nhật 9.5.1993 (ngày 18 Canh Dần năm Quý Dậu) Nam Yết, chụp ảnh lưu niệm. Viếng nghĩa trang 3 liệt sỹ Vãng, Tường và Tuân. Theo như tôi nhớ lại thì có 1 LS tử thương khi ngã trong lúc chuyển hàng từ tàu lên bờ, một LS bị đau ruột thừa nhưng đảo chưa có phương tiện giải phẫu, còn LS thứ ba thì hình như là bị cảm hay rắn cắn, tôi không chính xác nguyên nhân dẫn đến cái chết.

 

 

Ảnh 7. Viếng Nghĩa trang trên đảo Nam Yết.

Cũng trong chuyến đi này, chúng tôi đã trèo lên đỉnh tháp có ngọn Hải đăng ở đảo Song Tử Tây và chụp ảnh lưu niệm ở đó. Ngọn Hải đăng này đã đi vào truyền thống của ngành Hàng hải Việt Nam – là biểu trưng pháp nhân về chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc Việt Nam và cũng là tín hiệu thân thiện trên biển chào đón bè bạn năm châu. Ở Song Tử Tây chúng tôi có trận giao hữu bóng đá và bóng chuyền với đội tuyển của đảo. Đây là hòn đảo duy nhất bốn mùa cây cỏ xanh tươi, có đàn bò ung dung gặm cỏ chiều chiều gợi nhớ cảnh làng quê Bắc Bộ yên bình của những năm 50, 60 thế kỷ trước.

            Một ấn tượng khó quên là sức sống của Trường Sa với biểu tượng bất diệt là cây phong ba (cây bàng vuông) đã cùng người lính đi vào huyền thoại, rồi cây rau muống biển nở hoa tím ngắt như tình yêu chung thủy của người lính với bạn gái nơi quê nhà.

 

                                                         Ảnh 8. Sức sống Trường Sa

 

 

 

(a)

(b)

Ảnh 9. Cường LV và Cây phong ba ở đảo Nam Yết (a)

Ngọn Hải đăng đảo Song Tử Tây (b)

                                                        

7. Lời chúc thay cho câu kết.

            Hôm nay, ngồi viết lại những kỷ niệm đẹp về một thời gian khổ, tôi tự hào vì mình đã đến Trường Sa ngày ấy và cùng ăn ở, cùng làm việc với các anh – những người lính của tuyến đầu giữ nước. Còn nhớ đêm trước ngày rời Nam Yết về đất liền, một ý thơ bỗng lóe lên trong đầu và bài thơ Xin chào Nam Yết ra đời có hai câu kết :

Còn đêm nay nữa, mai xa

Ngồi trên đảo – nhớ đảo ta cháy lòng…

Bây giờ Trường Sa đã thay đổi, điện về đã thay đổi, làm giàu cho cuộc sống tinh thần và vật chất của người lính, bữa ăn của các anh đã không thiếu rau như 20 năm trước. Có cả  những mái ấm gia đình với tiếng con thơ học bài, tiếng trống trường đã vang lên mỗi sáng trên hòn đảo của ta.

Nhưng vẫn còn đó những hiểm nguy trình rập từ bốn phía biển xanh. Kẻ thù vẫn lẩn quất đâu đó, thiên tai, bão tố vẫn luôn bất ngờ với sức tàn phá ghê gớm. Xin chào các anh – thế hệ trẻ - con cháu của các lớp cha anh. Chúc các anh chân cứng đá mềm, ngoan cường nơi trời biển bao la, giữ trọn yên lành cho Tổ quốc Việt Nam.  


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 01-09-2011 00:12






Xem 1 - 10 của tổng số 15 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: SonTM
03/09/2011 22:24:53

Mời ACE KGU đọc bài thơ về thăm đảo Trường Sa, bài thơ rất hợp với bài viết của anh CườngLV


Một lần ghé đảo Trường Sa
Tác giả: Phan Minh Châu


Trên mỗi con tàu xé gió ra khơi
Tôi mới hiểu thế nào là Tổ Quốc
Bóng người lính quê hương ngày đêm ôm đất nước
Thương Trường Sa như chính trái tim mình
Tàu dập dình theo sóng nước bình minh
Cờ Tổ quốc sáng ngời trên biển dữ
Ngôi sao mai cùng hành quân trên mũ
Chúng tôi đi ….Tổ quốc chỉ đường
Họ đến đây từ mọi phía yêu thương
Vui sướng, ngọt bùi ấm tình lính đảo
Em Tiên Nữ ngày đêm lo chống bão
Giông tố mưa sa nên tóc đỗ muôn chiều
Bốn bề là khoảng trống mông mênh
Trường Sa lớn choàng vai Trường Sa nhỏ
Đảo An Bang hay là thành phố trẻ
Đêm xập xình lễ hội hát ca
Đảo chập chờn như một đứa con xa
Theo cột mốc cứ mỗi ngày rung chuyển.
Hởi Đá Tây, Phan Vinh, Tiên Nữ
Có chạnh lòng khi bão xé An Bang
Thương bao người chậm chuyến đò sang
Khi bão dữ xé phần thân Tổ quốc
Chúng tôi đi mang theo từng nhúm đất
Từng giọt phù sa của mẹ đến cho người
Thoang thoáng giọng cười ngạo nghễ đầy vơi
Của người lính ngày đêm canh Tổ Quốc
Câu khẩu hiệu ( CÒN NGƯỜI LÀ CÒN ĐẤT )
Mong một phần xương thịt gửi quê hương
Tạm biệt An Bang qua Quế Đường cũng cột mốc yêu thương
Đảo xanh ngắt như màu xanh của lính
Bóng Hải Âu đêm ngày chao cánh
Gieo tình yêu thánh thiện xuống cho đời
Chúng tôi về bóng đảo chẳng mồ côi
Đảo vẫn một phần máu xương Tổ Quốc
Anh nằm xuống ngôi sao hôm vừa mất
Ngôi sao mai theo đất nước lên đường.

- Thơ dự thi "Đây biển Việt Nam", 8/2011 -



Từ: Meomun
03/09/2011 22:06:13

@Vư Cường (ông ngoại):  Viết bài hay mà trả lời còm (re-còm) cũng hay không kém. Em đọc và cứ tủm tỉm cười vì  1 câu trong re-còm của anh Cường: "xa chồng nên mau già". Khối người không xa chồng mà cũng mau già đấy chứ!




Từ: CuongLV
03/09/2011 22:01:03

  Mấy hôm nghỉ lễ được cháu ngoại trưng dụng, xin khất với các bạn chuyện gửi ảnh Trường Sa lên mạng sau (vào mục ảnh trong pro file cá nhân), bây giờ xin trả lời các bạn đã viết còm :


  MeoMun : Các anh chiến sỹ Trường Sa cho đến năm 1991, 1992 - thường là bộ đội đánh Mỹ nhập ngũ trước 1975. Sau 1975, về quê lấy vợ rồi ra đảo luôn nên không thể ''tranh thủ '' đi công tác rẽ qua nhà được. Các anh ở đảo không kỳ hạn, có người gần chục năm sau mới về phép, các chị vợ thường làm nông nghiệp một nắng hai sương vất vả, lại xa chồng nên mau già là chuyện có thật.


Vinh DT : Chuyện giữ bí mật là chuyện đã được căn dặn kỹ nên các thành viên đều phải phục tùng. Chỉ vì chuyện có 1 NCS đi nước ngoài mang 1 bài báo của nhóm đăng trên TC Khoa học Công nghệ liên quan đến đề tài TS mà mình được cậu Liêm (A17) thăm hỏi mãi năm 1994 -1995, may mà mình thực sự vô can.     


LiTM : Cảm ơn và bái phục em đã làm bài viết của anh có chất lượng hẳn lên.


Tung ĐX : Đã nói đến Trường Sa, Hoàng Sa...thì phải giữ lập trường luôn luôn ''của ta, của chúng ta '' thôi, nếu mất là bị địch tạm chiếm tuyệt nhiên không nhập nhằng kiểu Đồ Sơn Đồ nhà. Còn chuyện ''góc khuất'' chỗ nào cũng có, nhưng cái đó chắc còn chờ các tác phẩm của DiệnPT.      



Từ: TungDX
03/09/2011 08:59:59

Vinh cố tình lái Trường Sa thành Trường Xa
Xa là xa  và xa
Sa là hạt cát xa



Từ: TungDX
03/09/2011 08:56:01

Thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng anh Cường quên đánh dấu: "đảo ta" thì phải:


Còn đêm nay nữa, mai xa


Ngồi trên đảo - nhớ đảo ta cháy lòng...


Bác có phiền không nếu Tung tôi thêm vào sau hai câu này:


Còn đêm nay nữa, mai xa


Ngồi trên đảo – nhớ đảo ta cháy lòng…


Mai về ngự giữa "đảo mình"


Mà nghe  sóng đẩy rập rình đảo xa


 


 




Từ: VinhDT
01/09/2011 21:45:24

Anh Cường ơi


Anh kể chuyện sinh động quá, anh viết tiếp nữa đi, anh còn ảnh nào post lên cho mọi người cũng được xem. Anh may mắn được thấy tận mắt mảnh đất xa mà rất gần,  Trường Xa ơi. Những tư liệu anh kể sau 20 năm còn phải giữ bí mật nữa không? Bọn em cũng tham gia phân tích đất đá 4 đảo như anh kể, do các anh chị bên Viện Địa Lý nhờ. Lúc đấy chúng em chỉ được biết lờ mờ là phân tích để lấy số liệu cho xây dựng ở đảo Trường Xa. Thỉnh thoảng các bạn bên viện Địa Lý có kể một vài chi tiết nhỏ nhưng hình như ai cũng được dặn dò là phải "bí mật" nên câu chuyện nào cũng nửa vời. Cầu mong cho các chiến sĩ bình yên, ngày mai cùng vui  Ngày Quốc Khánh.


 



Từ: GiangHV
01/09/2011 17:14:15

Chuẩn bị cho Du xuân 2012 (nhân kỷ niệm luôn tròn 50 năm ngày những sinh viên VN đầu tiên đặt chân tới KGU) đề nghị HT cho in một tập thơ gồm những bài của riêng Tạ Thị Minh Lý. Tôi tin sẽ không lỗ vốn.



Từ: LyTM
01/09/2011 15:48:13

Xin viết đôi câu khi thấy cảm xúc sâu sắc về bài của anh Cường và khát vọng thật hào hùng trước lá cờ Tổ quốc phần phật bay giữa Biển Đảo và dáng hiên ngang của lính đảo VN về sự trường tồn của Biển Đảo Tổ quốc (cả Biển và Đảo!):


Sừng sững hiên ngang Đảo Trường Sa,


Giữa trời định địa danh nước nhà,


Chiến sỹ hiên ngang, canh giữ đảo,


Cờ đỏ tung bay thắm Biển xa!


***


Tự hào thay Người KGU ta,


Những thủa khó khăn của Đảo nhà,


Thử thép, tấm lòng trung vì nước,


Luyện say, sóng biển vững chí nhà!


***


Lính trẻ, kiên trung vượt phong ba,


Chiến đấu hy sinh giữ Đảo xa,


Đồng đội, dạt dào tình Biển lớn,


Dân tộc, rạng danh nghĩa nước nhà!


***


Giữa Biển, oai hùng khúc quân ca,


Trường Sa, đẹp tựa dải Sơn hà,


Anh lính, uy nghi, trùm Biển Đảo,


Tung hoành một cõi, Việt Nam ta!


 



01/09/2011 09:52:57

Anh Cường ơi, chọn ảnh cho anh bị khó quá, vì ko biết ảnh nào ứng với vị trí nào.


Tối em sẽ post tiếp cho anh.


Nhưng anh cần chỉ thị cho em rõ hơn



Từ: Meomun
01/09/2011 09:32:49

@ACường: Anh nói đến hoàn cảnh của các chiến sĩ đã được đúc rút thành thành ngữ ‘‘ Vợ già, nhà dột, con dốt ’’ nghe ngồ ngộ nhưng lại bùi ngùi. Nhưng mà em thấy cái sự "vợ già" thì chả phải chiến sĩ Trường Sa mới phải chịu, mà là do "số" thôi. Nếu các anh chịu khó chờ đến hơn 30 tuổi, thậm chí 40 tuổi mới lập gia đình thì có thể gặp được các em chanh cốm, chứ thuở 20 thì chỉ gặp người đồng trang lứa, già là phải rồi, hihi. Nhưng cái sự "nhà dột, con dốt" thì đúng là vấn đề của các chiến sĩ. Nhiều người trong chúng ta đang hưởng ứng phong trào góp đá cho Trường Sa, cụ thể là để giúp gia đình các chiến sĩ, để họ yên lòng về hậu phương, về tương lai của con cái, các cháu sẽ không bị "dốt" vì thiếu sự quan tâm của người cha. Em tin là công việc của chúng ta tuy nhỏ bé, thầm lặng nhưng cũng đầy ý nghĩa.


Một lần nữa, xin cám ơn anh Cường (Vư Cường) có một bài hay. 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s