KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 09 Tháng chín. 2011

Thăm mộ liệt sỹ Phạm Hồng Thái




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

Mộ Liệt sỹ Phạm Hồng Thái

Kỳ nghỉ 2/9 năm nay lãnh đạo công ty tôi đi Quảng Châu kết hợp họp hành.

Quảng Châu là thành phố lớn thứ 3 của Trung Quốc (TQ), sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Số dân là 13 triệu người. Quảng Châu là thủ phủ tỉnh Quảng Đông, tỉnh có nền kinh tế lớn nhất TQ, tính theo GDP của các tỉnh (không kể HongKong), năm 2010 đạt hơn 630 tỷ USD. Quảng Đông thực sự phát triển bùng nổ từ những năm 1990 nhờ chính sách mở cửa do Đặng Tiểu Bình khởi sướng. Vị trí đứng đầu GDP là chưa tính Thâm Quyến, thành phố nằm ở trong tỉnh Quảng Đông nhưng trực thuộc TƯ.

Điểm đáng nói nhất là khu nội thành (khu cũ) của Quảng Châu là khá chật chội, nhiều nhà xây chen chúc với các kiến trúc mới và cũ lẫn lộn, nên không đẹp, nhất là các nhà xây từ trước kia. Các phố ở khu này cũng nhỏ, nên giao thông khá căng thẳng. Tuy nhiên ít bị tắc đường, mà thường là vận tốc chậm mà thôi. Một phần là nhờ từ 2007 xe máy đã bị cấm ở trong thành phố, chỉ còn ngoại ô, nông thôn là được sử dụng. Phần khác là các đường phố chính thực chất là 2 tầng, có một đường nổi ở phái trên nữa. Các chỗ giao nhau thì khá nhiều cầu vượt, nhiều chỗ 3, 4 tầng. Phải kể đến hệ thống tàu điện ngầm, bao gồm 8 tuyến đường, tuyến đầu tiên được vận hành năm 1997, trung bình mỗi ngày vận chuyển 4,4 triệu hành khách. Việc tổ chức giao thông đô thị ở Quảng Châu đáng được để VN nghiên cứu cho HN và Tp HCM.

Sân bay Quảng Châu

Sân bay Quảng Châu, có tên là Bạch Vân, được vận hành từ năm 2004 với trí giá xây dựng khoảng 3 tỷ USD, hiện là sân lớn bay thứ 2 của TQ (thứ 19 của thế giới), với 45 triệu lượt hành khách mỗi năm. Ngày 01/10/2010, Quảng Châu khánh thành tháp truyền hình cao 618m, là tháp TV cao nhất thế giới. Tháp có kiến trúc xoắn kiểu cây tre và trông giống 1 lọ hoa, kiểu dáng khá đẹp, nhất là về buổi tối tháp được một hệ thống đèn màu thắp sáng rất bắt mắt. Quảng Châu khẳng định đẳng cấp to, giàu, phát triển qua những công trình nổi bật như vậy. Chúng ta còn được biết đến Á vận hội năm 2010 được tổ chức tại Quảng Châu, lễ khai mạc được tổ chức trên dòng sông Châu Giang rất ấn tượng. Khán đài lễ khai mạc vẫn được giữ lại như một công trình kiến trúc. Quảng Châu có gần 20 cầu qua sông Châu Giang. Bờ bên phải là khu mới, kiến trúc thoáng và đẹp hơn.

 

Chúng tôi có buổi thăm Vườn bách thú Quảng Châu, cách thành phố chừng 50km. Tôi đã thăm quan nhiều vườn thú, nhưng chưa có chỗ nào tôi thấy vườn tú nhân tạo được tổ chức tốt như ở đây. Vườn thú nuôi hầu như đủ tất cả các loài thú đáng xem. Điều đáng nói là Vườn thú được quy hoạch rộng rãi, cây xanh rất nhiều, chủng loại thú đa dạng, mỗi loại nhiều (ít nhất trên 10 con, đa phần còn đông hơn, thậm chí 1 loài thú được nuôi ở nhiều vùng riêng biệt), và chúng được nuôi béo tốt. Có thể thấy hổ, báo, sư tử, gấu, khỉ, chim chóc, hươu nai, trâu bò, chồn cáo, hà mã, tê giác, ... Thú vị nhất là được ngắm kỹ các con gấu trúc loại to, rất hiền và chúng ăn trúc như người ăn mía. Loài này cần lạnh, nhưng người ta giữ lạnh bằng đá, chứ không dùng máy lạnh. Nhiều con gấu trúc ngủ trên các tảng đá lạnh.

Trong Vườn thú có khá nhiều khu thú biểu diễn. Chúng tôi chỉ kịp xem khỉ biểu diễn vở Tây Du ký và màn trình diễn của các chú sư tử và hổ trắng.

 

                 Tháp truyền hình Quảng Châu

 

Tối 3/9 cả đoàn ăn cơn trên du thuyền và được ngắm Quảng Châu lung linh ánh điện dọc theo dòng Châu Giang. Ban đêm Quảng Châu đẹp hơn nhờ ánh sáng. Khu khán đài Á vận hội điện sáng rực như hôm khai mạc, chắc là để du khách trên sông ngắm nhìn. Mỗi cầu trên sông Châu Giang được trang trí kiểu đèn, ánh sáng riêng, không giống với các cầu khác. Nhưng ấn tượng nhất là tháp truyền hình, khi đến gần mới càng thấy sự cao lớn, hùng vĩ của nó. Ánh sáng bao quanh tháp được lập trình liên tục thay đổi màu sắc, có nhiều tổ hợp chạy khác nhau nên khá bắt mắt. Tôi đã đi du thuyền trên sông Nheva (Saint Peterboug, Nga), sông Sene (Paris, Pháp), sông Theme (London, Anh) vào thời gian khác nhau trong ngày, nhưng về ban đêm và màu sắc thì ở Quảng Châu là ấn tượng nhất.

Chiều 3/9 chúng tôi có tour đến thăm Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn và Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương. Nhà tưởng niệm nằm ở khu trung tâm thành phố, được xây dựng vào năm 1930 (Tôn Trung Sơn mất năm 1925), có hình lục giác, cao 47m và rộng 71m, không có một cái cột nào. Bên trong thực chất là một nhà hát chứa chừng 4000 chỗ ngồi. Tôn Trung Sơn, nhà cách mạng với thuyết Tam dân nổi tiếng, người đã lãnh đạo TQ lật đổ triều Mãn Thanh, sinh ra tại Quảng Đông (đúng ra ở huyện Trung Sơn). Bên ngoài là 1 vườn hoa rộng có tượng Tôn Trung Sơn. Kiến trúc độc đáo của Nhà tưởng niệm này luôn thu hút đông khách du lịch.

Mộ 72 chiến sỹ hy sinh trong khởi nghĩa Quảng Châu năm 1911.
Đỉnh hậu điện là Tượng nữ thần tự do.

 

Hoàng Hoa Cương là một khu nghĩa trang khá đặc biệt ở Quảng Châu. Nơi đây chôn chung xác 72 chiến sỹ cách mạng tham gia khởi nghĩa Quảng Châu ngày 27/04/1911 (năm Tân Hợi), do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, mở đầu cho cách mạng Tân Hợi lật đổ triều Mãn Thanh. Tuy thất bại và có hơn 100 chiến sỹ hy sinh, nhưng cuộc khởi nghĩa đã là tiền đề cho sự thắng lợi của Cách mạng Tân Hợi 6 tháng sau đó ở Vũ Xương (Vũ Hán). Một nhà báo, Phan Đạt Huy đã góp nhặt được 72 thi hài mang về Hoàng Hoa Cương hợp táng trên miếng đất mà ông đã bỏ tiền ra mua. Khởi công năm 1912, qua nhiều lần nâng cấp. mở mang, đến 1935 thì có quy mô như hiện nay. Phần chính là đường lên mộ 72 chiến sỹ, đường lát đá tăng dần độ cao nên khu mộ nằm khá cao so với chân đường. Phần trung tâm là mộ 72 chiến sỹ cách mạng. Đáng lưu ý là hậu điện sau khu mộ là tượng nữ thần tự do (tất nhiên kích thước nhỏ chứ không to như ở New York). Từ hậu điện đi sang bên phải là mộ ông Phan Đạt Huy.

 

Mộ các chiến sỹ cách mạng khác trong Hoàng Hoa Cương

Mộ Phạm Hồng Thái nằm sâu hơn, nhưng cũng rất đẹp, một vẻ đẹp uy nghiêm, hướng Tây Nam, chính là hướng về Tổ quốc VN. Ngày 19/06/1924, sau nhiều ngày theo vết toàn quyền Đông Dương Merlin và đoàn tùy tùng qua Hong Kong, Thượng Hải, Nhật, tại khách sạn Victoria, khu tô giới Sa Điện, Quảng Châu, Phạm Hồng Thái đã đánh bom để giết toàn quyền Pháp. Tên toàn quyền chỉ bị thương nhẹ, còn Phạm Hồng Thái đã gieo mình xuống dòng Châu Giang tự tử chứ quyết không để lọt vào tay kẻ thù. Giặc Pháp vớt được xác ông và bêu xác mấy ngày trên bờ sông. Một người TQ đã đem về mai táng. Năm 1925 tỉnh trưởng Quảng Đông Hồ Hán Dân đã cho mai táng ông vào Nghĩa trang danh dự Hoàng Hoa Cương. Đến năm 1958 chính quyền tỉnh Quảng Đông đã cho xây mộ to đẹp như bây giờ, với dòng chữ quốc ngữ “Mộ Liệt sỹ Phạm Hồng Thái”, với phần chữ Hán phía dưới “Việt Nam Phạm Hồng Thái Liệt sỹ chi mộ”. 

Tôi nhớ lại bài học lịch sử “Tiếng bom Sa Điện” được học từ khi còn nhỏ trên ghế nhà trường. Hôm nay chúng tôi được đến kính cẩn thắp hương trước mộ chí người anh hùng. Lòng thêm tự hào về người con đất Việt nhưng được cả một dân tộc to lớn ngưỡng mộ, kính phục.

Hoàng Hoa Cương khá rộng và nhiều cây cối, rất sạch sẽ. Trong đó có cả một số cây bách do chính Tôn Trung Sơn trồng. Hướng dẫn viên kể rằng nghĩa trang cũng là một địa điểm vui chơi, thể dục của thiếu nhi và phụ lão. Tôi không thấy được một khu nào tương tự ở VN.

Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn

Cho dù quan hệ TQ-VN có nhiều vấn đề hiện tại, nhưng chuyến đi Quảng Châu cũng cho mỗi chúng tôi suy nghĩ về phát triển kinh tế, giao thông đô thị ở tỉnh láng giềng của VN. Và cảm nhận được những mối quan hệ trong quá khứ khó tách rời của cách mạng 2 nước (Quảng Châu là cái nôi của cách mạng VN, nơi Bác Hồ đã đào tạo rất nhiều cán bộ lãnh đạo). Cảm nhận được thông qua những nhân vật lịch sử của TQ cũng như của VN như Tôn Trung Sơn hay Phạm Hồng Thái.

Vài hình ảnh khác:

Khán đài Á vận hội

Buổi tối trên dòng Châu Giang

 

 

 

 

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 09-09-2011 04:04






Xem 1 - 10 của tổng số 13 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: LienTP
10/09/2011 14:37:52

Mình chưa đến Quảng Châu. Những thông tin và hình ảnh Ngọc mô tả thật sự rất ấn tượng. Nhất là về liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Mình vẫn nghĩ là Quảng Châu chỉ là một tỉnh nhỏ đấy nhé. Cảm ơn Ngọc về bài phóng sự.



Từ: ThanhLK
10/09/2011 09:51:04

Các bạn đã có một nghĩa cử rất đẹp khi kết hợp thăm viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái trong chuyến đi TQ vừa qua !



Từ: 3Chai
10/09/2011 06:19:08

Cám ơn Ngọc vì bài phóng sự bổ ích.


Đi thăm TQ bao giờ cũng mang lại cho tôi những cảm xúc trái ngược. Không biết  Quảng Châu 2011 ra sao chứ hồi 2004, ngay tại sân bay, bọn mình phải chạy bở hơi tại mới kiếm được người nói được tiếng Anh... lõm bõm.


Bất kể mọi ý kiến trái ngược, Trung Hoa vẫn đương nhiên là một nền văn hóa vĩ đại. Cái vĩ đại luôn có xu hướng nuốt chửng xung quanh thì cũng là lẽ tự nhiên. Việt Nam sống bên cạnh nền văn hóa ấy thì phải có nội lực ghê gớm mới không bị chung số phận như các dân tộc Nội Mông, Mãn Thanh, Tây Tạng, Đại Kim, Uirghur (Tân Cương), Choang (Quảng Tây)...


 



09/09/2011 13:50:25

Cám ơn Lý, anh đã sửa. Anh nhầm khi gõ chứ bài học "Tiếng bom Sa Điện" học từ bé, quên sao được.



Từ: Meomun
09/09/2011 13:38:23

@Chị Lý: Khi PHT mất thì con trai mới 2 tuổi thôi chị Lý ơi, vậy ông con trai không thể sinh năm 1914 được.



Từ: LyTM
09/09/2011 13:07:20

@ anh Ngọc,  do LyTM vừa đọc lại về PHT trong wikipediA nên muốn cung cấp cho các ACE một số thông tin về Người Anh hùng: Phạm Hồng Thái hy sinh ngày 19/6/1924 vào 19 giờ 30 phút tối khi Toàn quyền Đông dương vừa ngồi vào bàn tiệc.: Người có tên thật là Phạm Thành Tích, quê Nghệ An, lấy bí danh Phạm Hồng Thái với nghĩa lấy từ 2 câu thơ cổ:" Xem thân mình nhẹ tựa lông hồng. Coi nợ nước nặng bằng non Thái" Cha tên Hồng Thái (Trời Hồng) con trai sinh 1922 tên Phạm Minh Nguyệt (Trăng sáng)! cụ Nguyệt vẫn còn sống! Vợ Liệt sỹ là Cao Thị Chắt- mất 31/3/1980 sau chồng 56 năm. Phạm Hồng Thái để lại Di thư Hán văn trước khi đi ám sát Toàn quyền Đông dương: " Hồng Thái tôi vâng mệnh toàn thể hy sinh vì 40 triệu đồng bào, chết không hề nuối tiếc; những mong kêu cứu trên toàn thế giới để cho dân tộc Việt Nam được tồn tại trên trái đất này thì Hồng Thái tôi cũng yên lòng nơi chín suối"!


Như vậy Người đã ra đi 87 năm chứ chưa tròn 100 năm với tiếng bom kinh hoàng toàn thế giới và tấm lòng trung trinh vì dân tộc Việt.


Cảm khái tấm gương trung liệt của Người Anh hùng dân tộc, LyTm xin được làm đôi câu thơ kính viếng Người:


Tiếng bom kinh động địa cầu,


Trời Hồng trung nghĩa hóa mầu nước xanh!


Rạng ngời non nước ngàn năm,


Trái tim trung liệt Trăng Rằm sáng soi,


Vì dân anh dũng tuyệt vời,


Chết cho non nước đời đời xuân sang,


Nhìn dòng nước chảy mang mang,


Hồn thiêng Hồng Thái - sánh ngang biển trời!


@ Mun. chị sửa lại 1922 rồi. Chị nói anh Ngọc sửa năm 1911 thành 1924, chị nhìn lên 1914 thế là viết 1914. Hi hi, đôi lúc nhìn gà hóa cuốc đấy. Em viết về Trung thu đi, chị đợt này đang chưa có khí thế gì để ngồi.


 



Từ: Meomun
09/09/2011 10:00:05

Lâu lắm mới gặp lại anh Khửu, bà con nhắc anh suốt đấy!


@Mon: Cám ơn Mon. Em cũng nhớ Theo Chân Bác có 1 đoạn về tiếng bom Sa Điện nhưng chịu ko đọc ra nổi. Thế mà ngày xưa phải thuộc lòng Theo Chân Bác, bây giờ chỉ còn nhớ lác đác vài khổ thơ trong trường ca ấy.      



09/09/2011 09:41:03

"Hồn nước gọi tiếng bom Sa Điện


Trái tim Hồng Thái nổ vang trời


Máu thơm tưới mầm non xuân đến


Vui lại rồi Tổ Quốc ta ơi!"


Thơ Tố Hữu



Từ: GiangHV
09/09/2011 09:34:36

Tôi đã được đi Quảng Châu nhiều lần do cơ quan tôi có quan hệ hợp tác với Đại học Nông nghiệp Hoa Nam và Viện nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới của TQ (đều đóng ở Quảng Châu). Điều tôi ấn tượng nhất là Quảng Châu thay đổi rất nhanh, thấy rất rõ sau mỗi chuyến đi. Có rất nhiều người Quảng Châu trước năm 1979 đã từng là công dân VN, chủ yếu sống ở Chợ Lớn. Họ nói rằng: trước năm 1975 Quàng Châu thua xa Sài Gòn, còn nay thì... (khó nói quá). Tại Quảng Châu có 3 công trình mà tôi ấn tượng nhất (như Ngọc đã nói): Hệ thống tàu điện ngầm, sân bay và tháp truyền hình. Cả 3 công trình này đều hiện đại hơn hẳn so với ở Bắc Kinh (tôi cũng đã đến nhiều lần).


Hiện nay đi Quảng Châu rất tiện và dễ dàng: Có thể đi bằng đường bộ, chỉ cần có Hộ chiếu là qua được biên giới. Tới thị trấn Bằng Tường (có rất nhiều người biết tiếng Việt, đặc biệt là dân lái xe và đổi tiền), lên xe có giường nằm và chỉ sau đúng 1 đêm là tới Quảng Châu. Chúng tôi còn mang trộm được cả một xe ô tô (xe con thôi) cây giống từ Quảng Châu về VN, vì nếu qua cửa khẩu thì sẽ bị ách lại do nhiều lý do. Tất nhiên là có nội công (những người làm ăn với nhau ở 2 bên biên giới). Có lần trên chuyến xe tôi đi, bọn cò mồi còn đưa được khoảng trên 30 trẻ em gái VN sang Quảng Châu. Các cháu này còn trẻ lắm, khoảng 12-14 tuổi là cùng. Khi xe tới trạm kiểm soát (nằm trên đường Bằng Tường-Nam Ninh), bọn cò mồi gửi mỗi hành khách một đứa, cho chùm chăn kín mít trên giường. Theo quan sát của tôi thì họ kiểm tra mang tính hình thức ấy mà, hình như đã có sự thỏa thuận từ trước. Qua trạm kiểm soát, lũ trẻ con này lại cười nói với nhau rất vô tư. Thật đáng thương cho bọn chúng và cho bố mẹ của chúng, không biết bọn này có còn quay trở lại VN được nữa không?



Từ: Khửu
09/09/2011 09:16:27

TQ thì nhiều cái đáng nể rồi. Chả thế mà chỉ sau hơn 30 năm đã có nền kinh tế thứ 2 thế giới. Mới ngày nào cũng nhếch nhác, nghèo khổ, nay đã nhanh chóng vươn lên làm "công trường sản xuất" cho cả thế giới dùng hàng TQ, bất chấp hủy hoại môi trường và nhiều thứ khác nữa. Người VN mình học rất nhanh những cái "chả ra gì" của họ như tham nhũng, mất dân chủ... , còn làm kinh tế với chăm chỉ lao động và nhiều sáng tạo thì chưa thấy học hoặc học kém.


Giai đoạn này TQ nhiều âm mưu thôn tính nước ta và xâm chiếm biển Đông. Đất của họ, biển của họ thì họ ở, họ khai thác, chứ sao cứ nhòm ngó sang láng giềng.


Một ông hàng xóm to xác, xấu tính.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s