KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 11 Tháng chín. 2011

TÙNG DINH DINH




Tác giả: Meomun

Hôm qua đi xem triển lãm tranh Bùi Xuân Phái, mình đã ngẩn người ngắm mấy bức tranh về Trung Thu của họa sĩ, bên cạnh những tranh phố cổ, biển xanh, nude và chèo. Mỗi tranh một góc nhìn nhưng dường như đều đầy ắp tiếng trống ếch rộn ràng, đâu đây tiếng trẻ con vui đùa và rực rỡ màu sắc, ngập tràn ánh trăng… Ừ nhỉ, chỉ còn vài ngày nữa là đến rằm Trung Thu rồi.  

Mình nhớ hồi mình còn nhỏ, sau khi khai giảng ít ngày, mình cũng như bao đứa trẻ bắt đầu ngóng bao giờ tới Trung Thu. Khu phố mình hồi ấy ở ven thị xã (bây giờ gần như là trung tâm rồi) sao mà lắm trẻ con, nhà nào ít cũng 2 đứa, nhiều thì tới 6- 7 đứa. Trước rằm Trung Thu hàng nửa tháng, các gia đình đã hì hục vót nan tre, cắt giấy kính màu để làm đèn ông sao, đèn con cá cho con cái. Rồi sát ngày Trung Thu là những đêm hội diễn văn nghệ thiếu nhi kiểu cây nhà lá vườn, rồi cắm trại và các hoạt động vui chơi khác do các anh chị đoàn viên trong khu phố tổ chức cho các em. Nhiều năm, đội chiếu bóng lưu động còn đến bãi trống trong khu phố để chiếu phim phục vụ thiếu nhi. Những ngày ấy, tụi trẻ con như mình được sống trong một không khí lễ hội náo nức, rộn ràng và đầy ấn tượng.

Một buổi chiều, ba mình đi làm về, buộc vào ghi đông xe đạp một cái đầu sư tử, được bồi bằng giấy, vẽ màu rực rỡ với 2 con mắt sư tử đen nhánh và cái lưỡi đỏ lòm, chùm râu dài phất phơ bằng dây đay. Năm nào ba cũng dặn chị em mình là cố giữ đầu sư tử cho sạch sẽ, lành lặn để năm sau khỏi phải mua. Thế mà sau Trung Thu vài ngày là cái đầu sư tử ấy cũng thành giấy lộn, râu thì bị đứt lem nhem, hai con mắt thì bị rơi ra từ bao giờ. Sáng sớm hôm rằm, mẹ đã đi chợ mua 1 cây mía dài, về tỉ mẩn róc vỏ, chẻ ra xếp thành hình cái thang, dưới to trên nhỏ dần. Mẹ ngồi chăm chú tỉa quả bưởi thành chú thỏ đáng yêu có cái tai dài trắng muốt, lưỡi hồng hồng bằng miếng cà rốt và mắt là 2 hạt nhãn. Rồi mẹ rang ngô trong bếp, hạt ngô nổ tanh tách tỏa mùi thơm và ánh lửa bếp củi đỏ hồng trong buổi chiều thu ngày ấy thật khó quên. Bọn mình vào bếp bốc những hạt ngô mẹ mới đổ ra trên rá, tay rụt lại và suýt xoa vì nóng nhưng vẫn tranh thủ cho vào túi áo một vốc. Có năm mẹ nấu cả bánh đúc, mình nhớ bánh đúc mẹ nấu có màu lá gừng xanh xanh và mùi thơm thơm, bên trên mẹt bánh đúc điểm những hạt lạc. Cơ quan ba mẹ có năm cho các cháu được 1- 2 cái bánh nướng, bánh dẻo, bên trong có nhân xanh đỏ và người ta pha trò là “cứng đến nỗi ném chó chó chết”, thế mà cũng quý lắm rồi. Rồi mấy quả hồng, quả chuối…Quà Trung Thu của con nhà nghèo chỉ có vậy nhưng thật vui. Buổi tối, cả nhà háo hức xếp tất cả các món ra một cái nong ở ngoài sân rồi hồi hộp chờ trăng lên cao một chút mới được phá cỗ. Nhiều món như thế nhưng tụi mình chỉ “diệt” một lúc là xong. Có lần thấy đứa em út của mình tan “tiệc” còn cầm một nửa cái bánh đa nướng, một thằng em mình trổ tài ăn dỗ, bảo chỉ xin một tí tẹo thôi, con bé đồng ý. Rồi một đứa khác cũng bảo: xin một tí và bẻ ngoắt lấy 1 miếng. Buồn cười nhất là sau đó, con bé út giơ miếng bánh đa lên ngắm. Bỗng nó phát hiện ra là miếng bánh của nó chỉ còn rất bé, thế là nó vứt ngay xuống sân, gào lên rồi giậm chân ăn vạ làm mấy đứa lớn sợ xanh mắt vì sợ bị ba mẹ mắng. Nhớ lại thấy nao cả lòng.    

Sau khi phá cỗ, hàng đoàn trẻ con trong xóm sẽ nối đuôi nhau rồng rắn, đội đầu sư tử, í ới thắp nến vào các đèn ông sao, đèn con cá, kiểu đèn giấy kính màu xanh đỏ, dễ cháy, dễ móp méo nhưng lung linh huyền ảo. Cả đoàn sẽ rồng rắn kéo nhau đi khắp xóm, gõ trống tùng tùng ghé vào các nhà, nhất là những nhà như nhà bác Du, có đèn kéo quân, của hiếm thời ấy để trầm trồ chiêm ngưỡng.

Có lẽ chẳng bao giờ mình quên cái ánh sáng lung linh đến diệu kỳ trong đêm rằm tháng Tám, ánh trăng kì ảo khiến một thị xã nghèo ngày ấy như sâu hơn, rộng hơn.

 Trong trí nhớ của mình, hình như đêm rất xanh và mặt trăng thì vàng óng như mật ngọt, còn đoàn trẻ con cứ vừa đi vừa hát, quên cả trời đã khuya cho đến khi bố mẹ phải gọi về:

“Bóng trăng tròn lướt qua ngọn tre
Trăng lấp lánh ánh vàng xóm quê
Trông trăng thanh sáng ngời, em hát cười
Trăng trông em đang múa hát, trăng cũng cười”

(Hồ Bắc- Ánh trăng hòa bình)

Bây giờ lâu lâu mình quên mất lời của bài hát này mà cứ nhớ lời “xuyên tạc”:

“Bố con mình dắt nhau về quê

Ra đến bến nhỡ tàu nhỡ xe

Con ơi con cứ về, mai bố về

Mua cho con chiếu bánh bích quy hai hào”…

Mình đã để lại mảnh đất ấy cả tuổi thơ của mình, cả những hoài niệm Trung Thu có lẽ chẳng bao giờ có lại nữa. Có lẽ thời ấy Trung thu mới đúng là tết của trẻ em. Đến thời các con mình, tết Trung Thu truyền thống cũng chẳng còn như xưa. Không còn “đêm trăng em rước đèn đi chơi”, những lồng đèn truyền thống đã dần thay bằng lồng đèn Trung Quốc và ánh nến lung linh thay bằng đèn bấm, bỏ pin vào rồi phát nhạc tò te mà vô cảm. Hình dạng đèn thì hết Tôn Ngộ Không rồi siêu nhân, rồi Doraemon, rồi đủ thứ xe tăng, phi thuyền, máy bay…mà trẻ con vẫn ngày càng thờ ơ với Trung Thu. Các làng nghề làm đèn Trung Thu dần chết yểu và cả các quầy hàng rực rỡ các loại đèn Trung Thu cũng ngày càng ít đi vì ế khách. Bây giờ, trước Tết Trung Thu cả tháng, các cơ quan đã đặt mua bánh Trung Thu để tặng khách và nhân viên. Theo năm tháng, những nhãn hiệu truyền thống như Đồng Khánh, Kinh Đô ở Sài Gòn đã dần thay bằng bánh cao cấp của các khách sạn lớn và giá trị trung bình lên tới hơn nửa triệu đồng một hộp 4 cái, nhiều khi đến cả gần chục triệu với bánh nhập ngoại từ Hồng Kông hay Singapore. Những hộp bánh sang trọng và cầu kỳ, bào ngư, vi cá, hải sản đủ các kiểu, nhưng không phải để cho trẻ con mà để biếu người lớn. Vậy mà cả con mình cũng thờ ơ nhìn cái bánh Trung Thu, cái bánh mà gần 40 năm trước bố mẹ nó chẳng dám ước ao vào dịp trăng tròn tháng Tám. Đã hết rồi cái hương vị Trung Thu, những hồi hộp, nao nức của trẻ em ngày nào...

Vậy mà còn ở đâu đó quanh ta, ánh trăng vàng Trung Thu, tết của trẻ em  vẫn không phủ đến. Mình và con gái có lần đến thăm một mái ấm tình thương, nơi có những bệnh nhân nhi nhiễm HIV đang được nuôi dưỡng. Các cháu vô tư chạy nhảy, ánh mắt chợt cụp xuống khi thấy người lạ. Các sơ bảo các cháu chỉ được học ở trong mái ấm, vì không thể hòa nhập nếu ra học ở trường bên ngoài do bị kì thị. Mình chăm chú xem tranh của các cháu treo trên tường. Có một bức tranh với nét vẽ, màu sắc vụng dại, với mặt trăng tròn màu trắng bạc trong có chứa một ngôi trường với các em bé đang nhảy dây, và một câu chú thích với nét chữ non nớt khiến người xem nhói lòng: Em ước mơ được tới trường!

Trên tường mái ấm ấy còn nhiều bức tranh, nhiều bức vẽ cảnh mặt trăng và các ngôi sao, với màu trời biếc xanh và ánh trăng, ánh sao óng ánh như trong cổ tích, cảnh biển xanh và những em bé đang vui đùa trên sóng… Mọi người cùng đoàn trầm trồ bởi có nhiều bức rất đẹp, tiếc là mình không mang máy ảnh, chỉ chụp bằng điện thoại di động nên nhiều hình không rõ. Nhưng có lẽ bức mà mình ấn tượng nhất là bức tranh có tựa đề tiếng Anh: “My hand” do một cậu bé 9 tuổi vẽ. Một bàn tay được cách điệu thành một cái đầu người với 5 ngón tay rộng mở thành những sợi tóc chĩa tua tủa một cách tinh nghịch, đôi tai to và cái miệng rộng đang mỉm cười, đôi mắt cũng đang cười.

Có lẽ sự lạc quan của chú bé trong tranh cũng đã truyền sang cho mình, làm mình bất giác thấy vui hơn.

Trung thu 2011


Người post: VanNH

Ngày đăng: 11-09-2011 08:08






Xem 1 - 10 của tổng số 25 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: ThoaNP
14/09/2011 23:51:55

Đúng thật, hôm rằm 16 mình cứ dự định nửa tiếng lại ra chụp hoa quỳnh một lần để làm seri ảnh hoa nở. Nhưng trong vòng 2 giờ đầu, từ lúc hoa bắt đầu hé (6-8 g tối) thì nó nở rất chậm nên không thay đổi mấy. Lúc anh Dũng phát hiện trăng sáng quá, mình mới kê máy tính gần cửa để vừa làm việc vừa ngắm trăng, mải mê làm quá, đến gần 11 g quay qua hoa thì nó nở bung hết rồi, lúc đó trăng cũng mờ đi vì mây kéo đến. Thế là hụt seri ảnh.


 



Từ: Meomun
14/09/2011 15:27:22

Chị Thoa canh me thời tiết, vì sợ mưa thì không ai "thức với hoa quỳnh" đó Huyền ơi!


Hôm nọ chat với AC về các bài hát "xuyên tạc" rồi, rất vui, nó còn bảo: Khiếp quá!  Đúng là thời "nhất quỷ nhì ma". 


 



Từ: HuyenBT
14/09/2011 15:09:30

Chi Thoa vui thật như là Nha khí tượng, cứ 30 phút lại thông báo tình trạng trăng sáng. Nơi em trăng sáng cả  tuần, to và đẹp tuyệt vời.


Em nhớ bánh Trung thu lắm. Chị Bình và em Ngọc đừng lo bánh ế. Có nơi đang cần này.


@Mun: Ngày xưa chắc là vua xuyên tạc bài hát nhỉ. Mở một mục sưu tầm các bài hát xuyên tạc đi. Để nhớ về ngày xưa.



Từ: ThoaNP
13/09/2011 22:39:53

Trong Nam hôm nay trăng rất sáng - đúng nghĩa trăng 16, lúc 7-9 giờ tối, bây giờ (11 giờ đêm) lại mờ rồi vì trời nhiều mây.



Từ: NghiPH
13/09/2011 16:37:11

Công ty FPT luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của anh chị em. Tổ chức được Tết Trung thu cho cả trẻ em và người lớn là rất hay. NgọcBQ được tín nhiệm làm Chú Cuội là còn tươi trẻ lắm đấy!  



Từ: NgocNT
13/09/2011 14:39:57

Thương trẻ con nhà em quá! Hôm qua phải đi học thêm! Cứ nhớ hồi nhỏ được thoả sức ngắm trăng đêm rằm, ít bài tập phải làm mà thèm thay cho tụi nó!


@Meomun bao giờ cũng hấp dẫn như vậy!


@ HT ơi! Em cứ tưởng "chị Hằng lớn" ở bên HT chứ! Hoá ra HT lại có "chị Hằng" khác bên cạnh! FPT thích thật đấy! Hơn hẳn cơ quan nhà nước, cho được mỗi cháu 100.000, cứ tưởng to lắm và ý nghĩa lắm!


@Chị Bình à! Bánh không bán được thì lại nhào nặn ra thành bột làm kiểu khác bán thôi! Năm nào chả thừa hả chị! Nhà em cũng vẫn còn! Mà trẻ con cũng lạ, chẳng thích ăn đâu chị ạ!



13/09/2011 14:12:17

Ngọc tôi trong vai chú Cuội cùng chị Hằng, đón Trung Thu tối qua tại cty FPT, cho cả người lớn lẫn trẻ em




Từ: BinhNH
13/09/2011 10:20:10

Hà nội năm nay mưa đúng dịp Trung thu nên không khí có vẻ buồn hơn mọi năm. May có bài viết của MM đưa mình về những kỷ niệm xưa,chỉ với bưởi , Hồng, na và mấy đèn ông sao giản dị mà sao vẫn thấy vui thế. Còn bây giờ bánh trung thu ngập cả phố phường mà vẫn thấy như thiếu ánh Trăng.


Mà sau Trung thu số bánh thừa chưa bán được kia đi đâu nhỉ?



Từ: Meomun
12/09/2011 22:43:00

Em vừa đi làm về thì con gái đón ở cổng:- Mẹ không có quà Trung Thu cho con à? Em ngẩn người:- Ừ, mẹ quên, với lại bữa trước hỏi con có thích đèn Trung Thu không thì con bảo ko thích mà? Con gái phụng phịu:- Con không thích đèn TT nhưng thích quà, mình đi hiệu sách nhé!


Thế là gần 9 h tối em phải vội vàng đưa cô nàng ra hiệu sách kẻo đóng cửa. Nó chọn lấy mấy cuốn sách rồi mẹ con đi về, mệt lử chẳng muốn ăn cơm nữa, nói gì đến chuyện ngắm trăng rằm!



Từ: ThoaNP
12/09/2011 20:04:11

Hôm nay nhà mình cũng có hoa quỳnh nở, nhưng chỉ 2 bông thôi (hôm qua thì nhiều hơn). Đang định thừa thắng xông lên, cứ cách 1 tiếng sẽ chụp hoa 1 lần rồi up lên cho mọi người xem nó từ từ nở.


Tiêu chuẩn các ông chồng ngoan là lương nộp đủ tối ngủ nhà, không mát xa, không tiêm chích, ... như Hạnh nói là hơi chủ quan đấy Hạnh ạ. Mình biết 1 người bạn có chồng đầy đủ tiêu chuẩn như vậy nhưng chồng lại có người yêu khác (mình viết là người yêu, không phải bồ, vì ông này yêu cả vợ và cả người thứ ba). Ông này và người tình gặp nhau vào buổi trưa, hoặc ban ngày, việc này kéo dài nhiều năm, nhiều người biết mà riêng bà vợ lại không biết vì tin tưởng chồng 100%. Cho nên các bà vợ đừng nên chủ quan. Không chủ quan để biết tình hình thôi chứ đến tuổi này rồi, biết cũng không giải quyết được việc gì nên bạn bè cũng không muốn để cho người vợ biết.


Ôi, nhưng mình lạc đề rồi, quay lại thôi:


Trung thu trăng sáng như gương,


Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng.




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s