VỀ NGUỒN (3)
Tác giả: Tự sướng đào ngũ
Tôi, thầy Arkadi, thầy Riabukhin và thầy Hiệu trưởng tại buổi liên hoan trưa ngày 01/10/2011
Viếng mộ chị Nguyện
Sáng ngày thứ hai của chuyến đi, sáng 01/10/2011, theo kế hoạch đoàn đến thăm mộ chị Nguyện. Riêng khoa Luật có kế hoạch đi đến thăm các thầy cô của mình. Nguyệt thì đến đưa bà giáo đến trường dự gặp mặt các cựu giáo chức của trường.
Chị Nguyện là lớp Sinh sang năm 1971, chẳng may ra đi khi vừa hết năm dự bị. Ngôi mộ nằm ở nghĩa trang thành phố, rất tiện thăm viếng. Không hiểu sao hồi tôi học ở Kisinhôp, tôi chưa bao giờ được đi viếng mộ chị, mặc dù có nghe nói đến trường hợp chị.
Khi xe đến nghĩa trang thì Huyền đã đợi ở đó. Huyền dẫn chúng tôi đến mộ chị Nguyện. Nghĩa trang có nét điển hình châu Âu, quy hoạch rộng rãi, sạch sẽ. Mộ xây đẹp, thường có cây thánh giá gắn trên mộ. Cây cối tốt tươi, rất nhiều cây to phủ bóng những ngôi mộ đa phần xây bằng đá. Một cảm giác thanh thản, yên tĩnh lan tỏa toàn bộ không gian của nghĩa trang. Cái khác biệt này khá rõ với các nghĩa trang ở VN.
Trên đường đến mộ chị Nguyện, ngẫu nhiên các anh chị khoa Hóa thấy mấy mộ các thầy giáo của khoa Hóa cũng có ở nghĩa trang, đa phần là viện sỹ. Đám học sinh VN đều dừng chân và viếng các mộ này.
Mộ chị Nguyện được em gái (đang sống ở Áo) xây lại khá đẹp. Bia mộ có ảnh chị và họ tên bằng chữ Việt. Chúng tôi đứng xung quanh mộ, dành phần để hoa, sửa sang cây cỏ trên mộ cho chị Bình Phạm và anh Giảng, hai anh chị cùng lớp với chị Nguyện. Mắt chị Bình và anh Giảng đỏ heo, khiến chúng tôi cũng ngậm ngùi. Chị Nguyện, một đồng môn của chúng tôi nằm đây khiến chúng tôi cảm nhận được mối quan hệ của sinh viên VN với Moldova thêm sâu nặng. Chúng tôi lần lượt thắp hương cho chị, và khấn cầu mong chỉ thanh thản vui vẻ đón nhận sự thăm viếng của chúng tôi.
Huyền kể rằng mẹ chị Nguyện muốn đưa chị về VN, nhưng khi đến nghĩa trang thấy mộ chí khá ổn giữa một nghĩa trang như thế này, em chị ấy đã nói với mẹ rằng chị ở đây rất ổn. Huyền vẫn hay ra đây viếng chị. Em chị ở Áo đôi khi cũng sang thăm.
Anh Giảng thắp hương cho người bạn cùng lớp
Anh Hoàng Lương và anh Đức loay hoay tìm mộ ông giáo nhưng không tìm ra. Nếu không có địa chỉ chính xác, tìm kiếm không dễ vì nghĩa trang khá lớn.
Chúng tôi quay ra xe. Một số anh chị khoa Sinh cùng tôi, Huyền lên xe đến thăm thầy Melnhik. Sợ thầy mệt nên chúng tôi chỉ cử đoàn ít người đến thăm. Các anh chị còn lại đi bộ về khu KTX Benderxkaia, thăm lại nơi đã gắn bó với chúng tôi 5-6 năm tuổi trẻ.
Thăm thầy Melnhik
Thầy ở khu cán bộ cao cấp, có lính canh gác hẳn hoi. Lúc đầu chỉ gặp vợ thầy, rồi thầy từ trong buồng đi ra, phải dùng đến khung giá nhôm hỗ trợ đi lại. Chúng tôi hiểu rằng thầy đi lại như vậy rất khó khăn. Thầy vẫn lần lượt ôm hôn các học trò cũ, mặt thầy vui tươi vì gặp được những học sinh cũ từ VN xa xôi hôm nay đến thăm. Trong đó đặc biệt chị Tú (OB75) là học trò trực tiếp của thầy. Tất cả ngồi vào phòng khách. Một cô giáo, cũng học trò thầy và bây giờ là trưởng khoa Sinh, đã giới thiệu đoàn VN với thầy. Thầy lắng nghe, hỏi chuyện lại và vẫn rất dí dỏm nói chuyện. Các trò nữ thì đứng ngồi xung quanh thầy, nhiều chị sờ, chạm vào người thầy, rất cung kính và rất tình cảm như đối với một người cha. Đã bao năm xa cách. Khi xưa thầy còn trẻ, một vẻ đẹp trí thức vẫn còn đến bây giờ. Tuy không trực tiếp quản lý học sinh VN, nhưng mỗi khi xuất hiện thầy đều ân cần và yêu quý chúng tôi, những đưa trẻ sống xa tổ quốc khi đó đang còn khói lửa chiến tranh. Để rồi hôm nay, VN đã thanh bình, đang phát triển, chúng tôi có dịp thăm lại người thầy hiệu trưởng năm xưa. Không hề có một khoảng cách với thầy, dù đã mấy chục năm xa cách.
Các trò lần lượt tặng quà, có cả quà của những người không đi về nguồn được. Tôi và chị Phạm Bình thay mặt đoàn trao tặng Kỷ niệm chương của Liên hiệp hội, và gắn kỷ niệm chương lên ngực thầy. Vợ và con gái thầy đứng quan sát và cũng chia vui cùng thầy với sinh viên VN.
Thầy nói vẫn khỏe, vẫn còn ngưỡng mộ phụ nữ xinh đẹp. Khi vợ nói các học trò đến thăm là trẻ trung, thầy hỏi lại “Thế chúng ta thì sao?”, ý là thầy cũng trẻ chứ, một giọng nói còn lạc quan yêu đời. Khi tôi trao tặng phong bì (tiền $), thầy cười bảo “Mở ra nhé”, mọi người đều cười, con gái thầy vội cất ngay phong bì khỏi tay thầy để thầy tiện nói chuyện với chúng tôi.
Cuộc thăm viếng chừng hơn nửa giờ. Đã đến lúc ra về. Chúng tôi chia tay thầy. Thầy rất vui vì các trò đã đến thăm. Còn các chị mắt đỏ hoe khi gặp lại người thầy hiệu trưởng năm xưa. Mắt tôi cũng rưng rưng theo các chị. Ôi thời gian và kỷ niệm. Chúng tôi vẫn may mắn còn gặp được thấy lần VỀ NGUỒN này. Khi Hội KGU mời sang nhân ngày “Thầy trò xô Việt” ngày 17/01/2010, thầy đã không thể sang dự. Năm ngoái khi tôi và gia đình thăm Kisinhôp, thầy vẫn đến dự kiên hoan, tự đi lại và nhận quà ảnh Hạ Long khá to.
Tặng thầy Melnhik Kỷ niệm chương của Liên hiệp hội
Chúng tôi đã hoàn thành một phần việc quan trọng của đoàn. Thầy Melnhik không thể tham dự được buổi liên hoan trưa nay.
Chúng tôi xuống xe quay về дом культуры để đón tốp anh chị đang thăm quan ở đó. 12h trưa rồi mà mọi người vẫn say sưa với những điểm thân thuộc khi xưa. Tôi tạt vào nhà văn hóa, năm ngoái nơi đây đang sửa chữa nên tôi không vào thăm được. Bố cục không có gì thay đổi, nhưng mọi vật, các hàng ghế được mới hơn, đẹp hơn. Nơi đây đã diễn ra biết bao lần họp Hội đồng hương VN, biết bao hội diễn văn nghệ được tiến hành ở đây. Các anh chị thay nhau chụp bên trong cũng như bên ngoài nhà văn hóa. Hai chị Bình (CL77) vẫn say sưa ở KTX khoa Hóa, chúng tôi phải cử người đi gọi mãi mới được.
Ký túc xá số 3
Nhà Văn hóa, nơi có bao đêm hội diễn
Xe quay về nhà hàng Dom vino nằm bên kia bờ hồ Komxomol.
Liên hoan cũng các thầy cô
Đây là một nhà hàng khá rộng rãi, có nhiều loại rượu được bầy biện trong các tủ Năm ngoái tôi có mời các thầy cô và lãnh đạo nhà trường cũng tại nhà hàng này. Nhà hàng to đến mức có thể làm đám cưới.
Bàn tiệc của khoa Hóa
Huyền cho đặt 8 bàn, mỗi bàn chừng 10 người, chiếm gần nửa nhà hàng. Các bàn được phân theo khoa. Huyền cũng cho thuê một ban nhạc hát tiếng Nga phục vụ đoàn. Tuy nhiên tôi tạm thời chiếm quyền điều hành qua máy chiếu các hình ảnh NguoiKGU trên nền nhạc các bài hát Nga khi xưa, nổi nhất là hai bài “Thành phố trắng của tôi” và “Cô gái Moldova”. Các chị nữ đi thay áo dài (tối qua tại nhà Huyền tôi đã kiên quyết yêu cầu các chị diện áo dài tiếp các thầy cô vì nhiều chị định đánh tháo việc mặc áo dài này, trong khi tôi chỉ mong được là nữ để được mặc chiếc áo dài VN duyên dáng). Rồi lần lượt các thầy cô xuất hiện, các trò của khoa đó, và cả các khoa khác đều đón các thầy cô và mời ngồi vào bàn của khoa mình. Tiếng reo mừng khi thầy trò nhận ra nhau, bắt tay, thơm má. Cả đoàn lãnh đạo nhà trường, gồm thầy hiệu trưởng, thầy hiệu phó phụ trách khoa học, cô giám đốc đối ngoại và ông giám đốc bảo tàng và một số thầy cô khác cũng đến dự. Vợ chồng thầy giáo tôi đi từ Tiraspol lên hôm qua cũng đến dự. Thầy cô được nhiều học sinh đón chào, những anh chị đã cùng hai thầy cô suốt 10 ngày ở VN. Nguyệt đi cùng bà giáo Samux từ trường tới. Các bàn lần lượt phủ đầy các thầy và các trò.
Một nhân vật quan trọng xuất hiện: đó là thầy Pusnhiak, trưởng khoa học sinh ngoại quốc khi xưa. Thầy giáo già đã có những bước đi lại khó khăn. Hôm nay thầy đến một mình. Năm ngoái thầy đi cùng vợ, thầy còn đi lại tốt hơn năm nay. Tôi và Nguyệt thấy rõ sự thay đổi nhiều của thầy qua một năm, nhất là từ khi vợ thầy mất. Các anh chị ai cũng ra bắt tay và ôm hôn chào thầy. Vài chị mắt đỏ hoe khi gặp lại thầy sau mấy chục năm. Khi xưa thầy cao to đẹp trai là thế. Thời gian trôi qua, thầy tuy đã già nhưng vẫn còn sống để chúng tôi quây quần bên thầy. Biết bao thầy cô đã ra đi trong sự nuối tiếc của các trò. Thầy Arkadi, cô Irina cũng có mặt cùng một vài giáo viên Nga văn khác.
Đón thầy Pusnhiak
Huyền chính thức khai mạc buổi liên hoan. Sau khi giới thiệu về đoàn cựu sinh viên VN với chuyến đi VÈ NGUỒN nhân ngày lễ 65 năm thành lập trường, giới thiệu các thầy cô đến dự cũng như khách mời của trường, Huyền giới thiệu tôi thay mặt đoàn có đôi lời với các thầy cô và nhà trường. Tôi lại đọc diễn văn, cái việc mới làm hôm qua tại nhà hát balê, vốn trang trọng và đầy nghi lễ.
Hôm nay khung cảnh khác hơn, một buổi liên hoan giữa các thầy cà các trò sau bao năm xa cách. Tôi có nhiều thời gian hơn, bài diễn văn của tôi cũng dài hơn và multi media hơn. Tôi nói rằng chúng tôi được trở về nhà, như thể gặp lại các cha mẹ sau bao năm xa cách. Thời gian, không gian không chia cắt được thầy và trò KGU. Chúng tôi đã đến thăm lại chốn xưa, đã sống lại thời sinh viên, sống lại tuổi trẻ. Chúng tôi vẫn nhớ đến và biết ơn các thầy cô đã dạy dỗ chúng tôi nên người. Tôi có dành đôi lời đặc biệt cho thầy Melnhik và thầy Pusnhiak. Tôi cũng không quên cám ơn các thầy cô Nga văn. Tôi báo cáo với các thầy cô về sự trưởng thành và đóng góp của cựu sinh viên VN, với hai gương mặt nổi bật nhất là anh Nguyễn Văn Hiện, Luật 1981 (nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao VN) và anh Nguyễn Văn Bình, Toán 1986, đang là Thống đốc ngân hàng Nhà nước VN (dù rằng ngay sau đó có vài ý kiến sao chỉ giới thiệu 2 nhân vật vốn rất hiếm xuất hiện ở Hội NguoiKGU, tôi trả lời rằng người nghe báo cáo là các thầy cô, chứ không phải báo cáo nội bộ Hội ta).
NgọcBQ báo cáo hoạt động của hội NguoiKGU
Tôi nhắc đến sự kiên Bác Hồ đến thăm Moldova tháng 6/1962, cùng bức ảnh các cháu thiếu nhi Moldova tặng hoa Người. Nhiều người mới biết đến sự kiện này, biết đến bức ảnh này. Đó là khởi nguồn của việc chúng tôi, 616 SV VN được đào tạo tại KGU, từ 1962 đến 1994. Và rồi hôm nay, 32 người chúng tôi (thêm cả Thanh CC80) thay mặt các anh chị em đã tốt nghiệp KGU tổ chức buổi gặp mặt này có lời biết ơn tới các thầy cô của mình.
Bác Hồ thăm Moldova 6/1962
Tôi cũng báo cáo với các thầy cô về hoạt động của Hội NguoiKGU thông qua những chương trình hoạt động của Hội với những bức ảnh và video minh họa. Cả phòng ăn vui vẻ hẳn lên khi đoạn video được chiếu về các anh chị em ta say sưa vui nhộn hát bài “Зачем вы девушки, красивых любите” và thiết tha, lả lướt trong điệu nhảy slow tập thể quanh đống lửa tại Đàm Long vừa qua. Chúng ta thực sự là những đứa trẻ của một đại gia đình.
Các thầy cô chăm chú nghe báo cáo của NgocBQ
Thầy hiệu trưởng lên có lời cám ơn và ca ngợi cựu sinh viên VN, Ông này cũng được thầy giáo tôi, viện sỹ Riabukhin hướng dẫn luận văn TSKH. Hôm nay thầy tôi hẳn rất vui vì cả hai học trò đua nhau phát biểu. Rồi tất cả phòng ăn, hơn 80 con người cùng nâng cốc vì trường KGU, vì thầy trò KGU.
Suốt bữa ăn là câu chuyện của các thầy và các trò của từng bàn, xen lẫn các tiết mục văn nghệ của ban nhạc phục vụ. Lần lượt cựu sinh viên từng khoa được giới thiệu, sau đó ban nhạc hát tặng mỗi khoa một bài. Hình như khoa Toán-Lý được nghe bài “Чёмная ночь”, một bài hát về thời chiến tranh vệ quốc.
Cùng thầy Hiệu phó nâng cốc
Các thầy cô của từng khoa được mời lên. Mỗi thầy cô được học trò khoa mình tặng Kỷ niệm chương của Hội ta. Món quà nhỏ nhưng các thầy cô đều vui. Các thầy cô lãnh đạo trường cũng được mời lên theo chuyên ngành của mình. Có những khoa thầy đông hơn trò rất nhiều, gần chục thầy cô khoa Lý mà chỉ có hai học sinh là anh Đức và anh Lương. Khoa Toán tôi ít thầy và ít trò nhất: được 03 thầy, kể cả ông Hiệu trưởng, còn trò chỉ có tôi, Tú Huyền (1991) và Diễm Hồng (1988).
Tặng Kỷ niệm chương cho các thầy cô
Riêng Thầy Pusnhiak được trao riêng kỷ niệm chương của Liên hiệp hội. Khi chụp ảnh, cả đoàn ùa lên chụp chung với người thầy năm xưa thay mặt trường, thay mặt nhân dân Moldova chăm sóc chi tiết cụ thể chúng tôi. Hồi đó thầy phụ trách SV nhiều nước lắm, nhưng mấy ai có nghĩa cử được như sinh viên VN?
Tặng thầy Pusnhiak Kỷ niệm chương của Liên hiệp hội
Tiếp theo là tiết mục hồi hộp nhất, cả đoàn hát tặng các thầy cô, tặng trường bài hát chính thức của Hội NguoiKGU, bài “Mùa Xuân ở nơi đầy nắng”. Trước đó cô dẫn chương trình của ban nhạc đã giới thiệu nội dung bài hát và đọc thơ phần lời Nga rất truyền cảm. Tôi nối máy tính vào bộ dàn của ban nhạc và chỉnh cho khá to để lấy nền. Không có anh Minh tôi đành xông ra “chỉ huy” đếm bắt nhịp vào mỗi đoạn. Đúng là Chúa phù hộ chúng tôi, chúng tôi hát đều và khá to, đoạn tiếng Nga đều thuộc và hát dõng dạc, rõ lời. Khi chúng tôi kết thúc, cả hội trường vỗ tay rào rào. Rồi các thầy cô khen hát tiếng Nga rõ lắm, sau bao nhiêu năm rồi. Chúng tôi chỉ cười, tiếng Việt có câu “Con hát mẹ khen”. Nhưng cũng phải tự hào vì Hội ta có bài hát này, và được hát ngay tại trên đất Moldova trước các thầy cô và nhà trường.
Đồng ca "Mùa Xuân ở nơi đầy nắng"
Trong tiếng nhạc du dương của ban nhạc, nhiều lần các thầy cùng các trò nữ khiêu vũ, hoặc giữa các thầy cô với nhau. Buổi gặp mặt hôm nay xen lẫn văn hóa VN và văn hóa châu Âu. Và chúng tôi, những cựu sinh viên VN đã là người kết nối hai nền văn hóa đó.
Một số thầy cô phát biểu: thầy cựu trưởng khoa Lý (đã từng sang VN dự hội nghị khoa học), một thầy cũng phụ trách SV ngoại quốc nhưng sau thầy Pusnhiak. Đáng nói nhất là nhóm các thầy cô đã từng được mời sang thăm VN thời gian vừa qua. Bà vợ thầy giáo tôi hăng nhất, càng phát biếu càng tiến lên phía trước. Hình như hình ảnh VN, hình ảnh các trò đón tiếp các thầy cô vẫn còn mới nguyên trong ký ức của các thầy cô này. Các thầy cô đều nhớ về một VN năng động đang phát triển, những con người VN thân thiện, những học trò tình nghĩa. Những lời đẹp đẽ như “Tôi là giáo viên hạnh phúc nhất trần gian”, “Kiếp sau sẽ sinh ra ở VN cùng sống với các học trò”, “Câu chuyện cổ tích 10 ngày”, “Giữa các học trò VN, chúng tôi cảm thấy như đang ở nhà”, ... được nhắc lại. Huyền có đáp lời, trong đó nói với mọi người rằng bức ảnh đẹp nhất của web studentkgu.vn được bầu chọn chính là ảnh vợ chồng thầy Arkadi chụp ở Hạ Long trước hòn trống mái. Cả hội trường đã vỗ tay nhiệt liệt.
Có một tiết mục khá vui nhộn. Tôi , anh Hiền và anh Hoàng Lương được vào vai Sultan trong trang phục đạo Hồi. Mấy chị khác trong vai các bà vợ, với bộ trang phục che kín mặt chỉ hở đôi mắt. Rồi chúng tôi uốn éo trên sân khấu theo điệu nhạc Hồi giáo, tên gọi điệu nhảy là “Sultan và các bà vợ”. Thực ra chúng tôi chỉ làm nền cho một diễn viên chuyên nghiệp múa bụng (cô ta hơi béo).
Điệu nhảy "Sultan và các bà vợ"
Đến hơn 4h chiều, các thầy cô lần lượt ra về trong nền nhạc bài “Tạm biệt Matxcơva”. Tôi khẽ hỏi thầy Pusnhiak xin phép sáng mai đến thăm thầy, thầy trả lời đương nhiên là được chứ. Vợ chồng thầy giáo tôi mời tôi đến Tiraspol. Tôi cám ơn và hẹn lần sau, mong thầy cô thông cảm lần này đoàn có nhiều việc tại Kisinhôp. Tôi nghĩ tôi còn quay lại Kisinhôp nữa nên mới hứa như thế.
Buổi liên hoan gặp mặt tuy hơi dài về thời gian nhưng đã rất tình cảm, có phần hoành tráng với đầy đủ các tiết mục nghi lễ. Phải ghi nhận sự nỗ lực của Huyền trong việc mời trực tiếp các thầy cô, đặt nhà hàng, lo chương trình và thuê ban nhạc, cũng như sự phối hợp của đoàn VỀ NGUỒN từ trong nước. Tất cả đã làm nên một buổi gặp mặt đáng ghi nhớ cho mỗi chúng tôi, cho các thầy cô, cho cả ban lãnh đạo nhà trường hôm nay.
Thăm lại nghĩa trang
Sau buổi liên hoan, khoa Hóa lại thành một đoàn đi viếng chồng bà Samux. Nghĩa trang thành phố đón chúng tôi hai lần trong ngày hôm nay. Chị Thanh cũng sẽ viếng thầy giáo mình, ông Gerbley, cũng nằm ở nghĩa trang thành phố. Mộ chồng bà Samux mới được 1 năm nên chưa xây bệ đá, mới chỉ là đất đắp lên, có cây thánh giá đỡ bức ảnh. Ngắm ảnh ông, mọi người đều khen ông thật đẹp lão. Ông từng là hiệu phó trường Bách khoa. Vẫn còn các vòng hoa phủ trên mộ (hoa giả nên vẫn còn). Bà giáo chỉ vòng hoa trên cùng, nói đây là vòng hoa của sinh viên VN , vòng hoa mà Huyền đã thay mặt Nguyệt và các học trò đến viếng. Vòng hoa Huyền mua rất khéo vì có nhiều bông hoa màu đỏ mà sau hơn 1 năm rồi vẫn giữ đuợc màu tươi mới. Bà Samux thì vừa thương chồng vừa quí học sinh nên nói rằng “lúc nào cũng đưa vòng hoa của SV Việt Nam viếng lên trên và các vị thấy không, vòng hoa vẫn đẹp và như còn mới”. Đứng trước mộ chồng, bà giáo lại tuôn trào những lời đẹp đẽ nhất về ông. Rồi bà lại khóc. Lần nào kể về ông bà đều khóc. Chúng tôi hiểu ông bà đã có một tình yêu thật lớn, thật đẹp suốt mấy chục năm, bây giờ một người đã đi xa, người ở lại thật là trống vắng, buồn thương ngút ngàn. Thưong ông, thương bà giáo, cảm động trước tình yêu của ông bà, chúng tôi cũng không thể nào cầm được nước mắt. Chiều hôm đó đi viếng mộ nhưng chúng tôi cảm thấy thật là ấm áp. Đến viếng mộ thầy mà có cảm giác như đến thăm mộ cha mẹ mình vậy.
Viếng mộ chồng bà Samux
Chúng tôi còn được thầy Constantin Turta (là đồng hướng dẫn diplom của Nguyệt, vẫn làm việc ở Viện Hàn lâm và nay đã là Viện sĩ Viện hàn lâm KH Moldova) hỗ trợ cùng đi viếng mộ và dẫn đến mộ viện sỹ Gerbeleu, thầy chị Thanh. Tìm mãi mới ra, dù rằng đã được sự trợ giúp của thầy Turta (xưa kia, khi các chị học thì thầy Turta mới chỉ là PGS, trợ giúp thầy Gerbeleu), vì bia lại quay mặt vào trong. Trong lúc đợi tìm mộ thầy chị Thanh, tôi và anh Hiền (CL74) ngồi nghỉ cùng bà Samux. Anh Hiền cũng ở bộ môn Vô cơ nên câu chuyện khá rôm rả.
Mộ thầy Gerbeleu thật đặc biệt, đúng là mộ Viện sĩ Hóa học. Tôi viết hoa chữ HÓA HỌC để mọi người chú ý lên mặt mộ thầy vì chỉ có nhà HÓA HỌC thực sự mới có mặt mộ như vậy. Theo như Nguyệt giảng giải, đó là trang ảnh dụng cụ thí nghiệm hóa và cấu trúc phức chất của kim loại chuyển tiếp với ligand hữu cơ có hoạt tính sinh học mà cuộc đời nghiên cứu khoa học của người đã từng gắn bó. Có lẽ lớp phức chất đó đã làm rạng danh ông. Khuôn mặt ông được khắc trên đá rất đẹp rất sống động. Chúng tôi cũng không quên nói lời cảm ơn chân thành tới thầy Turta đã dẫn dắt chúng tôi tới thăm ngôi mộ thầy Gerbeleu. Không có thầy thì làm sao chúng tôi có thể tìm được thầy của mình giữa nghĩa trang rộng lớn ấy.
Mộ thầy Gerbeleu với quyển sách mở có dụng cụ thí nghiệm Hóa và cấu trúc phức chất
Chúng tôi nhẹ nhõm rời nghĩa trang. Trên đường trở ra chúng tôi gặp vợ chồng chị Linh-Đức đang vào nghĩa trang viếng thầy của mình. Đúng là “chí lớn gặp nhau”- chúng mình đều cùng chung ý tưởng. Không gặp các thầy trên cõi trần này thì đến viếng mộ và cùng nhau cầu nguyện cho linh hồn các thầy cô quá cố được siêu thoát về cõi tịnh độ.
Thăm các bà giáo khoa Hóa
Cả đoàn sau đó đưa bà Samux về tận nhà và ghé qua căn hộ của bà. Mọi người đều chạnh lòng khi bà chỉ ở có một mình. Bà lại tiếp tục ca ngợi chồng trước các học trò. Bà nhắc lại nhiều lần “Tôi coi Nguyệt như con gái, coi hai Minh như các cháu ngoại”. Nếu không có hai địa chỉ phải thăm viếng nữa thì bà giáo vẫn chưa dừng câu chuyện và chúng tôi cũng chưa thể đi nổi vì muốn nán lại thêm với bà. Bà Samux là một trong các thầy cô gạo cội của khoa nên ai nấy đều mang rất nhiều kỷ niệm về bà. Bà rất nghiêm khắc nhưng thực sự quí giá đối với học trò. Chả thế mà ai cũng nhớ, cũng kể về bà. Anh Hiền còn tâm niệm từ nhà là mang một chút quà biếu bà làm kỷ niệm. Vì vây, trước khi chào bà ra về anh Hiền đã kịp tặng bà món quà mang từ Việt Nam. Bà cảm động và vui lắm.
Chúng tôi tiếp tục lên đường đến thăm bà Ngựa, cô giáo của chị Vinh (CL77). Hội Ngựa con (chỉ các học trò bà Ngựa) có mỗi chị Vinh tham gia về nguồn. Lái xe ở Kisinhôp có chuyên môn rất cao, khi đã có địa chỉ, anh ta sẽ đưa bạn đến tận chân cầu thang. Bà Ngựa đã đứng chờ dưới đường. Dáng đi còn rất nhanh nhẹn (khởi nguồn của tên gọi mà các chị Hóa vẫn dùng), cũng hệt như cách nói rất nhanh của bà làm cho không có cảm giác đang tiếp xúc với một bà giáo ở tuổi 84. Căn hộ của bà nhỏ bé, nhưng đầy đồ vật VN. Không chỉ ở bà Ngựa, giáo viên nào có học trò VN đều như vậy, trong nhà rất nhiều đồ VN. Đó là minh chứng của mối quan hệ gắn bó thầy trò sâu đậm trải qua bao tháng năm. Thầy cô luôn trong ký ức của trò, còn với thầy cô, trò không chỉ là ký ức, mà còn biết bao đồ vật. Khoản này các trò thua rồi, chúng ta có giữ mấy kỷ vật về thầy cô mình đâu. Mà trò thua thầy cũng là lẽ bình thường.
Ở nhà bà Ngựa
Chúng tôi lại được mời ăn bánh và uống rượu. Tuy có hơi no vì bữa trưa ăn rất muộn nhưng chúng tôi cũng cố ăn thêm để cô giáo vui lòng. Câu truyện rôm rả. Chị Vinh khe khẽ thổ lộ tối nay sẽ ở lại ngủ cùng cô giáo của mình, làm anh chị em khác có chút ghen tỵ với cái niềm vui sướng nho nhỏ đấy của chị Vinh. Bà Ngựa lại lôi những ảnh khi xưa ra. Thời gian trộn lẫn hiện tại và quá khứ.
Bà Ngựa kể rằng cô Vera, bà giáo của chị Lan (CL77), ở gần đây, mới gọi điện kêu ca sao bà Ngựa giữ học trò lâu thế, hãy để chúng đến thăm tôi ngay, mà khi đó chúng tôi còn chưa đến bà Ngựa. Một chi tiết rất nhỏ nhưng đủ thấy tình thầy trò sâu nặng thế nào. Bà Vera chẳng có trò nào tham gia về nguồn, nhưng có lẽ học trò VN KGU nào cũng là trò của bà.
Chúng tôi chào bà Ngựa, để lại chị Vinh cho bà rồi đi bộ sang nhà bà Vera. Qua một hai nẻo phố chúng tôi rẽ qua một lối nhỏ, bước vào cổng nhà bà Vera tự nhiên chúng tôi có một cảm giác hưu quạnh. Đúng vây, bà sống một mình với đôi tay khỏe mạnh, nhưng muốn di chuyển được thì phải nhờ vào chiếc nạng ! Tội nghiệp bà ! Bà giáo bị liệt chân do một tai biến từ mấy năm trước. Ấy thế mà khi thấy lũ học trò cũ đến bà vẫn tỏ ra rất nhanh nhẹn – “chạy rất nhanh” ra bếp để mang cái này cái nọ vào tiếp cac học trò. Trên bàn lúc ấy đã được chất đầy nho táo và bánh gatô. Chúng tôi hỏi là ai đã mua các thứ cho bà thì bà bảo là bạn bè và học trò thường xuyên đến giúp bà. Nho và táo rất ngon. Chúng tôi đã ăn rất ngon lành những quả táo tươi thơm đó và những chùm nho tím đậm rất ngọt ngào. Bánh gatô thì bà bảo mang về. Chúng tôi đã mang cả cái bánh gatô và những phần quả còn lại về hotel để những người không đến thăm nhà bà được cũng có cơ hội thưởng thức.
Ở nhà bà Vera
Chúng tôi đã lưu lại nhà bà khá lâu vì có cảm giác mình ra về sớm phút nào là có lỗi với bà phút đó. Bà thật chân thành và trân trọng học trò. Bà mừng lắm khi chúng tôi đến thăm. Bà mừng đến nói nhịu như thế này: Bà kể rằng cháu bà đang học ở nước ngoài. Hỏi bà là ở nước nào thì bà bảo “ở Việt Nam” !!! Chị Bình Trần sửng sốt hỏi lại : “Ở Việt Nam á ?” (chị Bình phản xạ rất nhanh nên không tư duy gì cả). Lúc đó bà hiểu là mình đã nói nhầm nhưng vẫn chưa hết xúc động và bình tĩnh nên đành vào phòng trong lôi ra một album ảnh khóa 71-76. Sau đó bà đính chính lại rằng “cháu học ở Nauy” !!! Thế đấy, vui qúa đến nói lẫn mà! Chúng tôi đã cùng bà xem lại album ảnh và lần lượt nhận ra từng khuôn mặt thân thuộc năm xưa. Hôm đó “trúng nhất” là chị Thảo vì chị Thảo đã tìm thấy rất nhiều ảnh bạn cùng khóa và cả ảnh mình nữa. Chị Thảo đã chụp lại rất nhiều ảnh từ album của bà. Hôm đó nếu không có cuộc hẹn về khách sạn để dự lễ kỷ niệm ngày cưới của chị Thanh-anh Lương và sinh nhật chị Thu và Minh Hoa thì chúng tôi còn ở lại với bà lâu hơn nữa. Sau khi trao cho bà những bức thư và quà từ các học trò, chúng tôi ôm hôn từ biệt bà ra về với lòng thương cảm vô hạn đối với người giáo già bị liệt đang sống một mình trên mảnh đất Moldova. Mong sao những ngày mới không mấy khó khăn cho bà và sức khỏe bà được cải thiện hơn. Và hy vọng tình thầy trò cũng làm bà nhẹ nhàng, vui vẻ hơn trong cuộc đời này.
Một cuộc chạy xô thăm các bà giáo Hóa. Nhưng nếu các ca sỹ chạy xô hát cho xong việc, chúng tôi chạy xô mà sâu nặng tình cảm với các bà giáo khoa Hóa. Các khoa khác chắc cũng chạy xô như vậy.
Buổi liên hoan nhỏ nội bộ
Khi về đến khách sạn cũng hơn 8h tối. Mệt nhoài sau một ngày chạy xô. Nhưng mọi người đều nhớ đến lời mời của anh Lương và chị Thanh. Hôm nay là ngày kỷ niệm 33 năm ngày cưới của 2 anh chị. Anh chị có lời mời cả đoàn dự liên hoan với chủ đề “Kievski tort”. Nghe nói trước kia anh Lương đã dùng tort để lấy điểm các chị Hóa. Ngoài ra hôm nay còn là sinh nhật chị Thu và em Khuất Minh Hoa. Rượu được rót ra và tất cả cùng nâng cốc vì những sự kiện tuy cá nhân nhưng rất nhiều ý nghĩa trong những giờ phút ở trên đất Moldova. Sau khi nâng cốc nhiều tiếng hét to “Gorko, gorko”, nên anh Lương chị Thanh đành làm động tác theo yêu cầu nhưng qua chiếc bàn ăn. Các máy ảnh bấm liên tục. Tôi nhớ lại tôi đã từng bấm chiếc ảnh của một cặp đôi khác hôn nhau cũng vào ngày họ kỷ niệm 33 năm ngày cưới. Đó là tấm ảnh chụp tại Thung Nai ngày 7/11/2010, của anh chị Kỳ Minh-Bích Chi. Giá mà tôi được chụp ảnh của tất cả các đôi vào cái ngày 33 năm ngày cưới của họ.
Liên hoan nội bộ nhân dịp 33 năm ngày cưới anh chị Lương - Thanh và SN chị Thu, em Minh Hoa
Ngày thứ hai trôi qua cũng hệt như ngày hôm trước. Mệt nhưng rất vui vì những gì chúng tôi đã thực hiện. Lại như hôm trước, về đến phòng là tôi lăn ra ngủ. Ngày mai chắc cũng lại chạy xô.
<Còn nữa>
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 16-10-2011 01:01
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |