VỀ NGUỒN (4)
Tác giả: Tự sướng đào ngũ
Một góc của Thung lũng hoa hồng
Thăm nhà thầy Pusnhiak
Ngày 2/10 là ngày thứ 3 của chuyến VỀ NGUỒN. Hôm nay theo lịch là ngày tự do. Các nhóm lên kế hoạch riêng. Nhưng chủ yếu vẫn là thăm viếng các thầy cô. Mẹ con chị Chi, chị Tỵ và chị Thái đi viếng mộ cô giáo Nga văn và cô giáo chuyên môn. Từ sáng tôi đã thấy các chị cùng cô con gái mà các chị tả là rất giống bà giáo, cùng cậu con trai, tức cháu ngoại bà giáo đã đợi các chị ở sảnh khách sạn. Một nhóm Luật đi riêng theo bạn học cũ. Còn lại đều bắt đầu ngày chương trình tự do bằng việc đến thăm thầy Pusnhiak.
Chúng tôi bắt 04 taxi để đến nhà thầy. Tôi và Nguyệt đi chiếc cuối cùng, đợi hơi lâu. Khi đến nơi đã thấy thầy Pusnhiak ngồi ở chiếc ghế gỗ trước cầu thang tòa nhà chung cư, được vây quanh các học sinh VN. Thầy mặc chiếc áo rằn ri, trong như bộ đội đặc nhiệm. Mọi người chụp ảnh tíu tít, ai cũng cố gắng chen vào gần thầy. Cảnh tượng rất giống khi thăm thầy Meknhik hôm qua. Rất giống với tình cảm của những đứa con xa nhà nay mới gặp lại người cha. Mấy người hàng xóm, mấy lái xe taxi đứng quan sát tò mò và khi biết chúng tôi từ VN sang thăm lại thấy giáo năm xưa, đều trầm trồ thán phục cả thầy và trò. Tôi và Nguyệt cũng cố để có một tấm ảnh riêng với thầy.
Tặng thầy Pusnhiak kỷ niệm chương của Liên hiệp Hội
Thầy mời chúng tôi lên căn hộ, một căn hộ nho nhỏ và khá chật chội khi phải chứa thêm hơn 20 học sinh. Trong nhà có cô cháu ở cùng, đã giúp thầy bầy biện bánh kẹo đón khách. Khi chúng tôi lên ít phút thì cô cháu đi có việc, chỉ còn thầy trò ở lại. Việc đầu tiên là thấy mời chúng tôi sang phòng làm việc của hai vợ chồng thầy. Mọi thứ vẫn được giữ nguyên như hôm cô ra đi. Lo hoa vẫn giữ nguyên bó hoa từ khi cô còn sống. Đôi dép vẫn để nguyên chỗ cũ cùng đôi tất. Treo ở tủ một bộ sưu tập thầy dán các thư, các ảnh của vợ, trong đó có một ảnh hai thầy cô khi còn trẻ. Thầy lại nhắc đến cô: "Hôm qua là ngày vui của các em khi gặp mặt các thầy cô giáo của mình, nhưng với tôi là một ngày buồn. Hôm qua là ngày đúng một năm trước vợ tôi ra đi". Thầy nói mà đôi mắt đỏ hoe. Mà thầy đâu cần nói gì. Những đồ vật trong phòng đã nói thay tất cả. Chúng tôi thầm nói với nhau, cái gì thầy cũng hơn trò. Tình cảm với người vợ yêu dấu như thế này thì chắc chắn chúng tôi thua xa.
Bộ sưu tập ảnh vợ của thầy Pusnhiak
Rồi thầy từ từ lôi ra biết bao nhiêu là ảnh từ thời sinh viên VN còn học. Chúng tôi truyền tay nhau các tấm ảnh trắng đen những vẫn còn giữ được khá tốt. Các anh chị thường xuyên kêu lên khi phát hiện ra một anh chị năm trên nào đó mà lâu lắm chưa gặp. Hầu như ai cũng thấy hình ảnh trẻ trung năm xưa của mình. Rồi những bức thư được gửi từ VN xa xôi cho thầy từ những người đã tốt nghiệp. Tôi đặc biệt chú ý đến cái thiệp mời của các anh chị khóa 1 mời thầy Pusnhiak dự buổi liên hoan chia tay sau lễ tốt nghiệp. Đã 44 năm rồi, các anh chị khóa đều trên dưới 70. Chiếc thiệp vẫn còn đó, chữ viết tay nắn nót (hồi đấy làm gì có máy tính cá nhân và máy in như bây giờ). Rất tiếc đoàn VỀ NGUỒN không có anh chị khóa 1 để xem lại chiếc thiệp đó.
Ảnh hai vợ chồng thầy Pusnhiak thời trẻ
Thầy mời chúng tôi sang phòng khách ăn bánh, uống nước. Câu chuyện lại tiếp tục. Thầy nhắc đến nhiều kỷ niệm với học sinh VN. Thầy nhắc đến một số anh chị là học trò của thầy. Tôi không phải người khoa Hóa. Tôi không học thầy. Tất cả những gì còn đọng lại trong tôi là một người thầy luôn lo lắng cho cuộc sống của chúng tôi khi đó, những đứa trẻ xa nhà, xa đất nước vẫn còn muôn vàn khó khăn, còn khói lửa chiến tranh. Và hôm nay, chúng tôi vẫn còn may được gặp thầy. Thầy đã yếu đi nhiều, so với năm ngoái khi chúng tôi được gặp cả hai vợ chồng. Thời gian trôi đi, các bạn nữ khóa tôi đã về hưu hết lượt. Nên thầy già yếu cũng là quy luật. Chúng tôi thầm mong thầy tiếp tục khỏe, để các anh chị, các em đợt này chưa tham gia về nguồn còn gặp được thầy. Thầy còn kể những câu chuyện tưởng như thầy sẽ giữ hết đời về sự giúp đỡ của nhân dân và chính phủ Liên Xô khi xưa đối với VN.
Đến khoảng 11h30 tôi và Nguyệt xin phép thầy về trước. Chúng tôi có hẹn lúc 12h với các bạn học cùng lớp. Thầy ra mở cửa cho chúng tôi. Chúng tôi ôm hôn chia tay thầy mà lòng còn bao lưu luyến.
Gặp gỡ các bạn học cùng lớp
Khi trước chúng tôi đã dặn taxi đợi nên lên xe đi đến nhà hàng đã hẹn các bạn của lớp tôi và lớp Nguyệt. Khi chúng tôi đến mới có một bạn lớp tôi ở đó. Chả là do thời gian eo hẹp nên chúng tôi đã hẹn các bạn học của lớp tôi và lớp Nguyệt cùng vào thời gian này.
Từ khi ra trường tôi cũng đã có vài lần gặp các bạn lớp tôi. Khi Liên Xô sắp tan rã, năm 1989 tôi có dịp đi công tác ở Kiev. Khi đó tôi đã về Kisinhôp chơi thứ 7 và chủ nhật. Năm 1990 khi Nguyệt thực tập tại Bulgarie, cả gia đình tôi khi đó, hai vợ chồng và con gái đầu, cũng đã ở Kisinhôp mấy ngày trên đường đi từ Matxcơva về Sophia. Năm ngoái thì tôi đã gặp hơn 10 bạn lớp tôi. Còn hôm nay, tình cờ mà mỗi lớp của Nguyệt và lớp tôi đều chỉ có 6 bạn. Nguyệt từ khi ra trường mới gặp lại các bạn, trừ một bạn nam bây giờ là phó bộ môn Vô cơ năm ngoái đã gặp. Nên với Nguyệt hôm nay gặp lại mấy bạn nữ lần đầu từ khi ra trường, ôm hôn thắm thiết lắm, nước mắt rưng rưng. Còn lớp tôi lần này cũng có mấy bạn mới mà tôi không gặp năm ngoái. Chẳng là có bạn Valia năm nay sang Mỹ thăm con nên việc kết nối các bạn lớp tôi có vẻ loạc choạc, còn như năm ngoái Valia đã gọi được hơn 10 bạn lớp tôi dự gặp mặt.
Bữa cơm trưa rất vui vẻ. Chúng tôi nâng cốc vì 65 năm thành lập KGU, mấy bạn lớp tôi ớ ra chẳng biết gì cái ngày này. Tôi mới kể rằng đoàn sinh viên VN có hơn 30 người tham gia đoàn VỀ NGUỒN, đã tặng trường Huân chương Hữu nghị hẳn hoi. Và tôi đã thay mặt đoàn phát biểu hôm kia tại lễ miting. Chúng tôi sang lần này là có việc quốc gia, chứ không như năm ngoái là đi du lịch. Đi việc quốc gia nhưng phải bỏ tiền túi. Cái này tiếng Việt được gọi là "Nhân dân và nhà nước cùng làm". Thực ra hoạt động của đoàn lần này hoàn toàn tự phát do nhân dân là chính. Nên nhân dân phải tự chi tiền cũng đúng thôi.
Lớp tôi có cô bạn hồi xưa lấy một anh chàng Banglades mà tôi vẫn nhớ mặt. Bây giờ có đứa con trai mới cưới một cô Ấn Độ và sống ở New York, nên cô bạn cứ 6 tháng ở Mỹ, 6 tháng ở Moldova. Toàn cầu hóa len lỏi đến xứ Moldova kiểu như thế đấy. Lớp tôi có 3 bạn đang ở Canada, làm nghề IT để sinh sống, lâu lâu mới về Moldova. Câu chuyện rôm rả và cuối cùng tôi có nhắc lại lời mời đã có từ năm ngoái: "Mời các bạn sang thăm VN đất nước của tôi. các bạn chỉ cần lo được vé máy bay thôi, còn mọi thứ tại VN tôi xin đảm nhận cho các bạn". Các bạn lớp tôi nhìn nhau và đều nói, tại sao không đi được nhỉ? Vâng, tôi sẽ chờ đến khi nào các bạn có thể thực hiện được việc đó.
Ảnh chụp chung lớp tôi và lớp Nguyệt
Chúng tôi là 2 lớp, một Toán, một Hóa. Tôi và Nguyệt ngồi giữa làm cầu nối. Sau bao nhiêu năm, mỗi người một công việc, mỗi người một số phận, nhưng khi gặp lại nhau, tưởng chừng như thời gian đã đứng lại. Tất cả cùng già đi nên mọi thứ vẫn tương đối như khi chúng tôi còn là sinh viên. Khuôn mặt không còn trẻ thơ như hồi đó, nhưng tâm hồn, tình bạn thì chẳng có gì đổi thay. Chúng tôi kể cho nhau về công việc, cuộc sống hôm nay của mỗi người. Chúng tôi điểm lại các bạn vắng mặt. Có nhiều bạn từ khi ra trường không có lấy một tin tức gì. Lớp Nguyệt 3 bạn đã ra đi, trong đó có bạn từng hay tham gia dàn nhạc đàn hát với cinh viên VN. Thỉnh thoảng lại một bạn đứng lên yêu cầu nâng cốc, bạn thì vì KGU 65 tuổi (dĩ nhiên rồi, có cái đó thì mới có cuộc họp mặt của chúng tôi), bạn thì vì sức khỏe của tất cả chúng tôi, bạn thì vì tình hữu nghị giữa các dân tộc (cái câu nói khi xưa hay được nhắc và có đôi phần lý thuyết nhưng hôm nay chúng tôi lại thấy nó rất thực). Tôi thì đơn giản hơn, vì hai ngành Toán học và Hóa học, vì tôi và Nguyệt là những con người của hai ngành đó (dù rằng tôi đã đào ngũ).
Chúng tôi trao đổi nhau quà cáp. Những thứ quà VN được chuyển cho các bạn Moldova, còn những thứ quà Moldova được chuyển cho tôi và Nguyệt. Trong đó có một bình gốm trên đó có chùm nho quả khá to. Nhưng cái valy của chúng tôi là loại cứng nên cái bình gốm đấy đã an toàn về đến VN.
Chúng tôi chụp ảnh chia tay nhau khi đã gần 4h chiều. Tôi và Nguyệt hẹn sẽ gặp các bạn những lần tiếp theo, các bạn đều tỏ ra phấn khích khi biết rằng đó không phải là một lời hẹn xã giao.
Thăm các thầy cô giáo Nga văn
Đây không phải là các thầy cô đã dạy Nga văn chúng tôi hồi ở KGU. Chúng tôi không học năm dự bị, học một năm có thể đổi mấy giáo viên, nay ghép với khoa Hóa, mai ghép với khoa Sinh. Nên tôi chẳng còn nhớ cụ thể những ai là giáo viên Nga văn nữa. Đây là cô Irina và vợ chồng thầy Arkadi, những giáo viên Nga văn đã sang thăm VN thời gian gần đây. Các thầy cô đều tha thiết mời về nhà chơi.
Chúng tôi đến nhà thầy Arkadi trước. Khi xe taxi dừng ở chân cầu thang thì đã thấy thầy đứng đón. Thầy đưa chúng tôi lên phòng, một căn hộ nhỏ xinh. Gặp hai chị Bình (CL77) chuẩn bị đi về. hai chị cố chờ chúng tôi chứ nhóm đông học trò thầy Arkadi đã về từ trước. Hai chị vội "bàn giao" cho tôi và Nguyệt một bọc to quà của hai thầy cô nhờ cầm về khách sạn, hai chị đâu như ra phố lang thang.
Căn hộ có từ thời Xô Viết, một phòng khách, một phòng ngủ và một khu bếp nhỏ. Nó cũng na ná như những căn hộ khu Thành Công, Giảng Võ ở HN những năm 1970. Nhưng được bày biện gọn gàng và treo rất nhiều đồ VN. Cô Olga vẫn vui vẻ tươi cười như những ngày ở VN. Trên bàn phòng khách bầy la liệt thức ăn. Hai thầy cô nói rằng đồ ăn chuẩn bị đủ cho cả đoàn VN. Thế mới biết thầy cô mong mỏi học sinh VN đến thăm nhà như thế nào. Có lẽ thầy cô nghĩ rằng khi đến VN, biết bao sinh viên VN, tuy không là học trò trực tiếp của thầy Arkadi, đã đón tiếp thầy cô nhiệt tình. Nên ở trên đất Moldova, thầy cô cũng sẽ đón tiếp tất cả sinh viên VN như thế. Nhưng đoàn chúng tôi lần này sang đây thì tung tóe nhiều nơi. Ai cũng hết sức bận rộn với thầy cô bạn bè của mình. Ngay đến nhà thầy cô Arkadi, hồi chiều là một nhóm học trò thầy, còn tôi và Nguyệt cuối buổi chiều mới đến thăm thầy cô được.
Bàn ăn nhà thầy Arkadi sẵn sàng đón tiếp cả đoàn Về nguồn
Cô Olga nói rằng sau chuyến đi thăm VN về, thầy cô mất một thời gian dài mới lấy được thăng bằng trở về cuộc sống bình thường. Tất cả cứ như trong mơ. Thầy cô nói khi được mời đi thì cứ đi, do được cô Irina và Huyền đaiọ sứ động viên rất nhiều, chứ cũng có nhiều băn khoăn lo lắng. Học trò mấy chục năm xa cách, đất nước xa xôi, không biết thế nào. Rồi tất cả những băn khoăn đó đã tan biến đi nhanh chóng. 10 ngày ở VN đã là câu chuyện cổ tích với thầy cô. Sau khi từ VN về. đi đâu thầy cô cũng kể câu chuyện cổ tích đó.
Chúng tôi vừa trò chuyện với thầy cô vừa cố gắng ăn chút ít những thứ mà thầy cô đã chuẩn bị. Cố gắng vì chúng tôi mới rời bữa trưa với các bạn cùng lớp, chứ các đồ thầy cô chuẩn bị rất ngon, từ các loại bánh, có cả gatô, đến hoa quả và rượu. Khoản cố gắng thì tôi thua xa Nguyệt, Nguyệt ăn nhiều hơn tôi. Tôi tranh thủ chụp cả bàn ăn để cho các anh chị khác xem và thấy được sự nhiệt tình của thầy cô.
Bàn thức ăn nhiều đồ đó giống như những thứ thầy cô tặng các học trò. Thầy cô tặng tôi và Nguyệt hai bọc to tướng, rất nhiều quà, từ con dao cổ nhưng rất sắc, một chai rượu đến nhiều loại muôi, thìa phục vụ nầu ăn mà chúng tôi chưa rõ dùng vào khi nào, cho đến các lọ mứt hoa quả tự tay cô Olga làm. Rồi quà cho NgocNT, cho Hàm (mà thầy Arkadi cứ hay gọi là Hải). Chúng tôi nhận tất, chỉ băn khoăn chưa biết sẽ mang theo thế nào (còn đồ 2 chị Bình gửi nữa) vì còn phải đi thăm cô Irina. Khi biết đích đến tiếp theo của chúng tôi, thầy cô nói lấy taxi chở đồ về khách sạn rồi hãn đến nhà cô Irina vì cũng gần nhau.
Chúng tôi làm theo sự chỉ dẫn của thầy Arkadi, ghé qua khách sạn cất đồ. Ở khách sạn chúng tôi gặp nữ ngoại giao trẻ Daniela đang chờ tặng quà những người quen, trong đó có tôi, một món đĩa gốm nhỏ xinh gắn với cảnh vật Moldova. Mấy hôm nay Daniela cũng đã tham dự các hoạt động của đoàn.
Nhà cô Irina cách khách sạn không đến 2 km. Khi chúng tôi đến thì các bạn Luật cũng rời nhà cô. Căn hộ của cô rộng rãi hơn so với thầy Arkadi, và cũng rất nhiều đồ vật VN. Cô ở đây cùng Vika và cháu ngoại, một cậu con trai 15 tuổi say mê chơi game. Cô hỏi thăm tình hình của đoàn. Tôi liền báo cáo rằng đoàn hôm nay đi theo các chương trình lẻ tự do, ai cũng đến thăm thầy cô của mình nên không nhiều người đến thăm cô được. Cô rất thông cảm. Khi biết chúng tôi đi từ sáng với bạn bè và thăm thầy Arkadi, cô cũng không ép chúng tôi ăn các đồ cô chuẩn bị. Chúng tôi cùng cô nâng ly mừng sự hội ngộ tại Moldova. Cô cũng mới gặp ChâuHM (Toán 81) tại St.Petersburg. Cô cũng ôn lại những ngày thăm VN, luôn nhắc đến các sinh viên VN mến khách và tình nghĩa với các thầy cô. Cô cũng nói đã dạy sinh viên nhiều nước, nhưng sinh viên VN là gắn bó lâu dài hơn cả. Tôi có nói đến đạo Khổng, vốn từ Trung Quốc, nhưng đã thấm sâu vào nhiều thế hệ người VN. Đạo Khổng dạy về nghĩa thày trò rất nhiều, thầy được coi như cha mẹ. Mặt khác lứa chúng tôi lớn lên trong chiến tranh, có thể được các thầy cô thời Xô Viết yêu thương nhiều hơn, chăm sóc nhiều hơn. Chúng tôi được giáo dục từ nhỏ tinh thần "Không thầy đố mày làm nên". Các yếu tố đó đã làm nên NguoiKGU như chúng tôi. Cuộc sống đẹp hơn khi chúng ta, thầy và trò, dành nhiều tình cảm cho nhau, chúng ta gìn giữ những tình cảm đó qua thời gian.
Ảnh nhà cô Irina
Đến lúc xin phép cô Irina ra về. Cô tặng chúng tôi một quyển sách chứa các bức tranh của họa sỹ Nga Petrov, tác giả bức tranh về ba người thợ săn nổi tiếng. Cô và Vika tiễn chúng tôi ra tận bến xe. Tôi hẹn sẽ gặp lại cô lần sau, như đã từng hẹn với các bạn cùng lớp.
Khi về đến khách sạn tôi loay hoay để lấy file video từ máy của Hạnh ra, nhưng không được. Sau vì mệt ngày chạy xô, tôi lăn ra ngủ. Một lúc sau Nguyệt gọi tôi dậy, nói có bạn Tanhia đến chơi đang ở phòng hai chị Bình (CL77). Tanhia là bạn học cùng lớp với tôi, hiện đang sinh sống ở Matxcơva. Năm ngoái dịp chúng tôi ở Kisinhôp, bạn ấy về chăm mẹ bị ốm nặng. Lần này mẹ bạn ấy mới mất tuần trước nên bạn ấy về Moldova làm tang cho mẹ. Hôm nay là hôm cuối cùng của tang lễ nên buổi trưa bạn ây không mở máy nên các bạn lớp tôi gọi không được. Chúng tôi chuyển cho Tanhia quà của chúng tôi và của Chi Mai (cũng là người ở cùng phòng với Tanhia). Tanhia đi cùng con gái mới tốt nghiệp đại học. Cô bé tròn xoe mắt nghe hai chị Bình kể chuyện ngày xưa có một anh cao to đẹp trai đã từng đeo đuổi Tanhia ra sao.
Hai chị Bình hẹn sẽ gặp lại Tanhia ở Matxcơva. Các chị ấy có thêm 4 ngày cơ mà.
Ngày cuối cùng
Lịch của đoàn ngày cuối cùng 3/10/2011 là đi thăm hầm rượu Cricova và một làng nông thôn điển hình của Moldova. Năm ngoái tôi và Nguyệt cùng các con chúng tôi đã đi tour này rồi nên năm nay chúng tôi không tham gia nữa. Và chúng tôi có một ngày cuối cùng tự do theo kế hoạch riêng.
Buổi sáng chúng tôi đến nhà bà giáo Samux. Trước đó lái xe của Huyền đã đưa chúng tôi tạt vào một cửa hàng trong chuỗi Orient (nghe lái xe nói đã hơn 50 cửa hàng như vậy ở Kisinhôp) để Nguyệt mua ít thuốc tặng bà giáo. Khi đưa chúng tôi đến căn hộ của bà Samux, cậu lái xe đã đi theo chúng tôi đến tận căn hộ, thấy bà giáo mở cửa rồi mới quay ra xe, rất chuyên nghiệp, dù trước đó chúng tôi nói cậu ấy cứ về đi. Tôi chỉ mong các lái xe VN cũng chuyên nghiệp như cậu ấy.
Bà Samux rất mừng khi chúng tôi đến thăm. Bà nói hôm qua tao chờ chúng mày cả ngày, đến rác cũng không dám đi đổ. Và để chứng minh cho lời nói của mình bà chỉ vài cái thùng rác chứa khá nhiều thứ. Chúng tôi đã có lỗi không nói rõ với bà là hôm qua chúng tôi không đến thăm bà.
Nguyệt và bà giáo bà Samux
Bà khoe rất nhiều thứ chuẩn bị cho bữa ăn (lại ăn). Nguyệt chuyển cho bà những hộp thuốc mới mua, và nói là mua ở cửa hàng của Huyền. Bà có vẻ rất tin tưởng những thuốc mà cửa hàng nhà Huyền cung cấp. Bà lại hỏi thăm về 2 cháu Minh của chúng tôi, và luôn nói chúng là cháu của bà. Trong câu chuyện bà luôn nhắc tới người chồng quá cố, luôn ca ngợi những đức tính tốt đẹp của ông. Lần nào gặp bà cũng vậy. Năm ngoái khi thăm Kisinhôp, bà Samux và thầy Pusnhiak còn đủ đôi. Năm nay người kia đã ra đi, khiến chúng tôi cứ buồn mãi. Và gần như chúng tôi không thể mời được bà sang thăm VN. Sức khỏe của bà bây giờ rất khó có thể đi xa đến nơi như VN.
Chúng tôi cùng bà Samux chuẩn bị bữa trưa. Khi ăn bà luôn nói không ăn ngọt nhiều, tránh cả nho, nhưng lại ăn khá nhiều gatô. Bà luôn nhắc tôi phải ăn nhiều. bà luôn gọi tên của tôi theo kiểu của bà, cái âm vốn không có trong tiếng Nga.
Bà chuẩn bị cho chúng tôi một thùng nho và táo, kèm theo cả mấy quả ớt (loại to không cay ăn như rau). Chúng tôi đành nhận tất nhưng cũng chưa rõ sẽ mang về VN thế nào.
Đến lúc chúng tôi xin phép ra về. Bà lại rơi nước mắt ôm hôn chúng tôi. Không biết lần tới thăm Kisinhôp là khi nào.
Chúng tôi đi về khách sạn để cất đồ, chứ không đi chơi ngay như lúc đầu. Chúng tôi đi bộ ra bến xe và lên xe số 18 vì xe này sẽ đi qua khách sạn. Vé xe troleibus chỉ có 2 lei, cỡ 4 nghìn VND. Thật là rẻ. Đàu giờ chiều nên xe không đông. Xe 18 đi dọc theo đường Lenin, qua những địa điểm rất thân thuộc với chúng tôi như nhà hát balê, nơi hôm đầu tiên cả đoàn dự buổi miting trọng thể, rồi quảng trường trung tâm, nơi mà những ngày lễ 1/5 và 7/11 chúng tôi vẫn diễu hành cùng các bạn sinh viên Moldova. Hay như bách hóa thiếu nhi, nơi chúng tôi hay mua quần áo, hay cửa hàng bưu điện, nhà hát Puskin, đường vào chợ trung tâm, khách sạn Kosmos, nhà ga xe lửa, .. Chúng tôi xuống xe và băng qua đường ngâm qua đường. Ở bên trong đường ngầm có nhiều cửa hàng, có cả hiệu cắt tóc, Khi xưa những đường ngần qua đường kiểu này làm gì có những cửa hàng, cửa hiệu như vậy. Hồi đấy là nền kinh tế XHCN mà.
Thung lũng Hoa hồng
Chừng 3h chiều chúng tôi về đến khách sạn. Sau khi cất đồ tôi và Nguyệt sang bên công viên đối diện khách sạn, Thung lũng Hoa hồng, đã được NghiPH đưa lên hôm trước. Công viên ở ngay bên kia đường. Chúng tôi len lỏi vào một mé rừng, có hồ nước nhưng có nhiều cây cối um tùm dạng lau sậy ven hồ. Chúng tôi đổi hướng đi. Phong cảnh ngày càng đẹp hơn. Tôi và Nguyệt cùng nhớ ra đã có lần khoa Toán (khi tôi năm thứ 5) đã đi dã ngoại nướng thịt ở thung lũng này. Có mấy chú sóc xuất hiện, chạy trên cỏ hoặc leo trèo trên cây. Tôi ghi vội các hình ảnh này vào video. Mấy chú sóc này là hình ảnh hiếm thấy trong thành phố.
Chúng tôi gặp một nhóm sinh viên trẻ đang vui vẻ quanh một bàn tiệc dã ngoại. Thấy chúng tôi quay phim chụp ảnh, các bạn đó mời chúng tôi dự cùng. Chúng tôi hỏi chuyện, thì ra các bạn ấy trốn học để tổ chức sinh nhật cho một bạn. Đồ ăn rất chi là nhẹ nhàng, có mấy gói bim bim và nước ga. Tôi và Nguyệt tự giới thiệu là cựu sinh viên KGU, đã tốt nghiệp hơn 30 năm và quay về thăm trường, thăm thầy cô. Đám trẻ ồ lên ngạc nhiên, vì rằng khi chúng tôi tốt nghiệp KGU, chưa ai trong số họ được sinh ra. Họ còn hỏi thêm, chúng tôi quay phim chụp ảnh thế này có đưa lên Internet không. Chẳng là họ trốn học mà.
Hồ của Thung lũng hoa hồng
Chúng tôi đi tiếp và thấy một hồ khác đẹp hơn rất nhiều, cùng các rặng cây liễu, klion đã ngả màu vàng đón thu. Trời hôm nay nắng đẹp, rất thuận lợi cho quay phim, chụp ảnh. Các rặng cây nơi thì thẳng tắp theo các con đường, nơi thì chạy quanh bám theo hồ nước. Đứng bên này nhìn rặng cây bên kia hồ cũng rất đẹp. Chúng tôi cứ tha thẩn vòng quanh cái hồ đó, chụp rất nhiều ảnh. Lác đác có mấy đôi thanh niên cũng đi dạo như chúng tôi. Chúng tôi còn thấy một nhóm dường như sinh viên mỹ thuật, đang chăm chú bên giá vẽ. Một khung cảnh rất thanh bình và yên lặng. Kisinhốp vốn đã không ồn ào, không trật trội (như HN của chúng ta), thêm khu Thung lũng Hoa hồng này càng làm chúng tôi thêm yêu Kisinhôp.
Dạo chơi ở trung tâm thành phố
Rời Thung lũng Hoa hồng chúng tôi lên xe troleibus số 1, số quen thuộc khi xưa đi dọc đại lộ Lenin (nay là đại lộ Stephany). Nay xe số 1 vẫn chạy trên lộ trình như thế. Chúng tôi đi đến tận quảng trường trung tâm rồi mới xuống. Địa điểm đầu tiên là nhà thờ thành phố. Hồi chúng ta còn là sinh viên, nhà thờ này là một cái kho. Sau khi Liên Xô tan rã, cũng như rất nhiều địa phương trong Liên bang, ở Kisinhôp người ta phục hồi lại nhà thờ này.
Ảnh bên trong nhà thờ Kisinhôp
Bên trong nhà thờ thì cũng giống như bao nhà thờ châu Âu khác. Rất nhiều tranh, tượng và được dát vàng. Có nhiều người đang cầu nguyện. Nguyệt kính cẩn đi thắp một số nến, còn tôi chỉ chăm chú quay và chụp hình. Một lúc sau tôi thấy Nguyệt đứng nói chuyện với một phụ nữa mà tôi không biết là ai. Sau Nguyệt nói là bà ta nhìn thấy Nguyệt và hỏi có phải từ VN đến không. Sau khi Nguyệt trả lời là phải, bà ta liền nói rằng đoàn các bạn mấy chục người sang dự lễ kỷ niệm 65 năm KGU, và đã thăm thầy, thăm trường rất vui vẻ và long trọng, với giọng đầy cảm phục. Nguyệt hỏi sao bà biết, bà ta trả lời là khách của nàh bà kể chuyện như vậy. Đoàn VỀ NGUỒN cũng đã làm xáo động cái thành phố nhỏ bé này.
Tôi và Nguyệt quay ra phố bên cạnh, nơi có chợ hoa. Năm ngoái chúng tôi đã mê mẩn ở khúc phố này vì nó có rất nhiều hoa đẹp. Mà đẹp nhất là hoa hồng. Mấy chị bán hàng thấy chúng tôi quay phim chụp ảnh thì rất nhiệt tình chỉ bảo, hoặc chụp hộ hình cả tôi và Nguyệt. Họ nói hoa hồng này gốc tư Hà Lan, nhưng đã được thuần hóa và trồng tại Moldova nên giá thành rẻ hơn nhiều. Hoa hồng nhưng cũng rất nhiều loại màu trắng. Đặc biệt có loại hồng nhung, cánh rất to và thắm đậm màu nhung đỏ. Ngoài ra hoa cúc, hoa lan (cái loại này khá giống ở VN). Sự khác biệt ở chỗ hoa của Moldova đều to hơn hoa cùng loại ở VN.
Bên kia đường là văn phòng công ty Huyền. Tôi gọi điẹện cho Huy, em trai Huyền để ghé thăm. Huy nói đang ở xa Kisinhôp. Gọi cho Huyền, vốn đi cùng đoàn thăm quan, thì Huyền nói nửa giờ nữa mới về đến Kisinhôp. Thế là chúng tôi chẳng thể ghé thăm văn phòng công ty Huyền, dù nó ở bên kia đường.
Chúng tôi ghé tiếp bách hóa tổng hợp. bên trong không còn dấu vết gì của deski mir khi xưa. Bây giờ là các quầy bán quần áo, quầy đổi tiền. Tôi và Nguyệt làm cái việc shoping, cuối cùng ai cũng mua được vài thứ đồ quần áo được may ở Moldova.
Điểm tiếp theo chúng tôi ghé là dãy hàng lưu niệm trên đường Lenin (cũ), nằm cạnh nhá hát Puskin (cũ). các quầy tranh đã thu dọn đồ. Chúng tôi tranh thủ xem và mua mấy đồ lưu niệm đặc thù của Moldova.
Chúng tôi rẽ vào chợ trung tâm. Rất tiếc ngày thứ 2 đầu tháng là ngày làm vệ sinh nên chợ không mở. Tuy nhiên ngoài đường vẫn còn nhiều quầy hoa quả. Chúng tôi mua thêm táo và quả nectarin (loại giữa mơ và đào). Rồi bắt troleibus số 8 về khách sạn khi trời cũng đã tối mịt.
Việc làm duy nhất buổi tối hôm cuối cùng là sắp đồ. Cứ tưởng về sẽ rộng, nhưng còn nhiều thứ hơn khi đi . Riêng rượu đã là 6 chai, của lớp tôi tặng, của Huyền tặng, của thầy Riabukhin, thầy Arkadi tặng. Riêng táo là 1 valy xách tay đầy chặt. Nho thì chúng tôi đóng thùng giấy xách tay. Thế mà đến tận khuya mới đóng xong.
Hôm sau dạy từ hơn 4h sáng để đi sân bay. Có cả thầy cô Arkadi đi tiễn cùng Huyền. Chào nhé Kisinhôp thân thương. Mọi người đi thăm tiếp nước Nga, còn chúng tôi và Tú Huyền (Toán 1991) về luôn HN.
Lời kết
Bốn ngày thăm Kisinhôp đã trôi qua. Thời gian như không đủ cho mỗi chúng tôi, những thành viên của đoàn VỀ NGUỒN. Nhưng đây cũng là bốn ngày đáng nhớ nhất đối với mỗi chúng tôi. Chúng tôi đã về thăm trường, đã tặng trường Huân chương cao quý của nhà nước VN. Chúng tôi được trở về mảnh đất của thời sinh viên. Chúng tôi gặp được các thầy cô của mình, còn sống hay đã đi xa, khi mà rất nhiều anh chị đã đi viếng các thầy cô đã mất. Những nén hương VN được thắp trên mảnh đất Moldova mới có nhiều ý nghĩa làm sao.
Chúng tôi được thăm lại ký túc xá, bếp ăn, giảng đường, phòng đọc, phòng thí nghiệm, những địa điểm đã đi song hành với thời sinh viên của mỗi chúng tôi. Chúng tôi được ăn lại bữa cơm sinh viên, có lẽ nó ngon hơn bao nhiêu sơn hào hải vị trên đời. Chúng tôi ghé thăm 5 khẩu súng trường, hồ Komxomol, bậc thang xuống hồ, Thung lũng Hoa hồng, những nơi đã chứng kiến bao mối tình của NguoiKGU. Chúng tôi đi những chuyến troleibus như năm nào, chẳng còn cảm giác sợ sệt khi trốn vé.
Tất cả đã làm sống lại trong mỗi chúng tôi tuổi trẻ, tuổi sinh viên, sôi nổi mà sâu lắng, vui vẻ mà trữ tình. Tưởng như cái thời sinh viên mới đâu đây chứ không phải là cách xa 30 năm, 40 năm, nhất là gặp lại được lũ bạn cùng học khi xưa.
Để rồi tất cả cùng vang lên trong sâu thẳm tâm hồn mỗi chúng ta: "Dù sao thì Kisinhôp vẫn thân thương nhất", vốn được hai chị em NguoiKGU thốt ra giữa Paris tráng lệ và là tiêu đề bài viết mới nhất của HuyenBT.
Kisinhôp, thành phố trắng của tôi.
<Hà Nội, sát ngày 94 năm CM tháng 10>
**************************
Các anh chị có thể tham khảo bài cùng đề tài TRỞ VỀ, ghi lại suy nghĩ của tôi sau chuyến đi thăm Kisinhôp năm ngoái 6/2010 cùng cả gia đình.
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 06-11-2011 03:03
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |