KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 09 Tháng mười một. 2011

Tôi mãn nguyện đã chọn được con đường mình đam mê




Tác giả: Kim Anh

Kim Anh

Trong bài ký Lớp chúng tôi- VL 76 anh Văn Hoài và anh Quý Huy có viết về một chàng trai vào năm dự bị và năm thứ nhất rất say mê tranh ảnh nghệ thuật. Chàng đã  mua đến mấy va li các loại tranh vẽ và sách nói về các họa sĩ nổi tiếng Nga và thế giới từ thời kỳ La mã cổ đại, thời kỳ Phục hưng ở Châu Âu, các trường phái hội họa Nga cho đến thời hiện đại.  Con người này có thể say sưa kể hàng giờ cho bạn bè nghe về các thân thế và các tác phẩm của Kramskoi, Repin, Levitan, Ljubanopski, Kuydzi (Nga) hay Rafael, Renoa, Rembrant (Hà Lan), Leonard D’vanci, Michelange (Italia) v.v… Nhưng từ  hè năm thứ nhất trở đi, sau khi vào bệnh viện điều trị một thời gian thì “Hắn” chuyển sang  say môn cờ vua. “Hắn” có thể ôm bàn cờ đánh một mình suốt ngày. Đi tàu hoả thì mang theo bàn cờ nhỏ, mỗi quân đều có chân để cắm xuống bàn đục lỗ (lúc ấy chưa có loại bàn cờ gắn nam châm như bây giờ). Chuyện “Hắn” và một chàng “Cổ Hưng” say cờ đến mức cãi nhau mà anh chị em hay kể là sự thật 100%. Cãi nhau không xong, một tên dùng đầu húc, một tên dùng răng cắn, vậy là có tên sứt đầu, có kẻ gãy răng. Thế mà hai tên vẫn rất tỉnh táo, mỗi tên gọi một xe cấp cứu cách nhau 15 phút để không ai biết là đánh nhau!

Chính nhờ niềm say mê cờ vua cháy bỏng như thế mà ‘Hắn” mới trở thành người đặt nền móng cho môn cờ vua của Việt Nam. Và “Hắn” trung thành với cờ vua cho đắn nay. “Hắn” bận lắm. Vào Nam ra Bắc như cơm bữa. Bay đi khắp thế giới vì sự phát triển của cờ vua Việt Nam. Có lẽ, do "Hắn" quá bận mà  nhiều người Hội KGU chưa được gặp “Hắn”, chưa thấy “Hắn’ đến dự các buổi giao lưu, gặp gỡ của dân KGU?

Để giúp anh chị em hiểu hơn về con người KGU khá đặc biệt này, tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn Đặng Tất Thắng của Kim Anh đăng trên Doanh nhân Sài Gòn cuối tháng.

 

Tốt nghiệp khoa Vật lý lý thuyết Đại  học Tổng hợp Kishinhev (nay thuộc nước Cộng hòa Moldova) nhưng ông Đặng Tất Thắng lại chưa bao giờ làm công việc mình được đào tạo.

Số phận, hay nói đúng hơn là hoàn cảnh, đã dẫn dắt ông sang một con đường khác, ngay từ khi còn đang là sinh viên: Cờ vua. Năm thứ hai đại học, cậu sinh viên có vóc người nhỏ nhắn trắng trẻo và rất thư sinh Đặng Tất Thắng bị bệnh và được đi nghỉ dưỡng. Ở nhà nghỉ dưỡng ấy, anh được mấy bác bệnh nhân già dạy đánh cờ. Kể từ đó, anh như chàng trai mới lớn bị "cô gái Cờ vua" bỏ bùa. Trong suốt những năm học còn lại, anh thường xuyên tham gia vào các giải cờ vua ở Liên Xô và đã đạt trình độ vận động viên cấp I, ba lần đạt chuẩn kiện tướng dự bị của Liên Xô. Trở về nước với ý định phát triển môn cờ ở Việt Nam, gia tài của anh chỉ là vali quần áo và... gần nửa tấn sách nghiên cứu về cờ (được gửi dần trước đó qua đường bưu điện), đến cả chiếc khăn tay của anh cũng in hình bàn cờ...

Có thể nói, đương kim Phó chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam Đặng Tất Thắng là người đặt nền móng và có công lớn trong sự phát triển của bộ môn cờ. Có rất nhiều người cũng đam mê như ông, sát cánh bên ông những ngày bộ môn mới manh nha thành lập, nhưng đến giờ đã "bỏ cuộc" - phần thì do sức khỏe, phần thì do "cơm áo gạo tiền". Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra ngay sau khi ông dẫn đội tuyển của Việt Nam tham dự giải cờ vua quốc tế tổ chức tại Tần Hoàng Đảo (Hà Bắc, Trung Quốc).

- Chuyến đi thế nào, thưa ông?

Kết quả cũng đáng hài lòng, Nguyễn Ngọc Trường Sơn chia giải nhất, nhì, ba với hai kỳ thủ hàng đầu Trung Quốc và giành giải thưởng là 11.000 USD. Lê Quang Liêm thì không thành công lắm, chỉ đứng ở vị trí thứ 5-6, Hoàng Thị Bảo Trâm đứng ở vị trí nhì - ba ở bảng nữ. Đây là giải cờ vua mở rộng lớn nhất của châu Á từ trước đến nay với tổng giải thưởng 87.000 USD, tập trung gần 80 vận động viên hàng đầu của châu Á. Việt Nam có năm vận động viên tham dự thì chỉ có Nguyễn Thị Thanh An không đoạt giải, Phạm Lê Thảo Nguyên cũng đoạt giải nhưng ở thứ hạng thấp hơn.

Tuy vậy thành tích xuất sắc nhất năm nay của cờ vua Việt Nam là tại giải vô địch cá nhân châu Á hồi tháng 5 vừa qua ở Iran. Hoàng Thị Bảo Trâm đoạt huy chương vàng ở nội dung cờ chớp (đánh nhanh), sau khi xuất sắc vượt qua nữ đương kim vô địch thế giới Hou Yifan người Trung Quốc; còn ở nội dung cờ truyền thống Phạm Lê Thảo Nguyên cũng đoạt huy chương bạc nữ và Nguyễn Ngọc Trường Sơn đoạt huy chương đồng.

Như vậy đoàn Việt Nam ở giải này giành trọn bộ huy chương. Riêng Bảo Trâm đã đi vào lịch sử với tư cách là người đầu tiên vô địch châu Á ở nội dung cờ chớp nữ. Còn tại giải AEROFLOT đầu năm, Lê Quang Liêm cũng là kỳ thủ đầu tiên trên thế giới hai lần liên tiếp vô địch với số tiền thưởng gần 30.000 USD cho giải nhất.

- Ông có thể phác họa "toàn cảnh" bộ môn cờ ở nước ta?

Bộ môn cờ ở Việt Nam có ba môn là cờ vua, cờ tướng và cờ vây. Về trình độ phát triển thì cờ tướng phát triển rộng nhất và cũng đạt thành tích quốc tế cao nhất. Cờ tướng hiện nay của Việt Nam đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Tại tất cả các giải lớn của thế giới như Vô địch thế giới, Vô địch châu Á, ASIAD... cờ tướng đều giành thành tích cao. Trình độ tương đối ổn định từ nhiều năm nay.

Cờ vua phát triển sau cờ tướng nhưng cũng gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt ở các nhóm tuổi trẻ. Có bảy vận động viên đã từng đoạt danh hiệu vô địch thế giới. Trước đây có Hoàng Thanh Trang, Châu Thị Ngọc Giao, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Đào Thiên Hải. Gần đây nhất có Lê Quang Liêm. Ở châu Á có nhiều kỳ thủ đoạt chức vô địch, từ lứa tuổi nhỏ nhất đến lứa tuổi 20.

Trình độ đội tuyển ở đỉnh cao cả đội nam và nữ đều đứng vào hàng thứ ba châu Á. Đội tuyển nam một lần giành huy chương đồng và hai lần giành huy chương bạc châu Á. Đội tuyển nữ thì thường xuyên giành vị trí thứ nhì, thứ ba, có hai lần giành chức vô địch châu Á (năm 2005 và 2009). Lê Quang Liêm năm ngoái đứng số 1 trong các kỳ thủ trẻ thế giới, hiện nay lọt vào top 25 kỳ thủ hàng đầu thế giới. Cờ vua trẻ Đông Nam Á tổ chức 12 năm thì lần nào Việt Nam cũng dẫn đầu. Tính từ đầu năm tới giờ môn cờ vua giành được 60 huy chương vàng trong các cuộc thi thế giới và khu vực.

Cờ vây mới được phát triển vài năm gần đây với sự trợ giúp của Hàn Quốc và Nhật Bản, thành tích vẫn còn hạn chế, mới nằm ở vị trí 3-4 Đông Nam Á.

- Vậy sự đầu tư của Nhà nước cho môn cờ ra sao, thưa ông?

Hiện nay môn cờ đã được sự quan tâm của xã hội và được ngành thể dục thể thao dành sự đầu tư cho việc đào tạo tại các trung tâm huấn luyện ở trung ương và địa phương, đảm bảo kinh phí tham dự các cuộc thi đấu thế giới và khu vực, hỗ trợ kinh phí mời chuyên gia nước ngoài... Mỗi năm, Nhà nước chi khoảng 80.000 USD cho các tuyển thủ quốc gia đi thi đấu ở nước ngoài.

- Kinh phí như thế có quá eo hẹp?

So với các nước trong khu vực thì mức đầu tư như thế cũng là vừa phải. Nhưng rõ ràng để các kỳ thủ có thành tích tốt hơn nữa, vượt trội hơn nữa thì cần phải có nguồn đầu tư lớn hơn, bằng cách vận động tài trợ, chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước...

Mới đây, đội nữ Việt Nam đã chính thức nhận được lời mời tham dự vòng chung kết đồng đội nữ thế giới tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ. Giải này tổ chức bốn năm một lần, dành cho 10 đội tuyển hàng đầu thế giới gồm bốn đội vô địch bốn châu lục (năm nay là Algerie - châu Phi, Peru - châu Mỹ, Ukraina - châu Âu và Việt Nam - châu Á), năm đội đứng đầu Olympic cờ vua gần nhất, 2010 (Nga, Trung Quốc, Gruzia, Cuba, Mỹ) và đội chủ nhà.

Vinh dự là như thế, nhưng chúng tôi đang gặp khó khăn và chưa chắc đã tham dự được, vì kinh phí của bộ môn đã tập trung hết cho SEA Games. Hạn chót phải xác nhận tham dự là 15-11 tới. Nếu bỏ giải này thì thật đáng tiếc vì phải rất nỗ lực chúng ta mới giành quyền tham dự. Nếu chúng ta không dự được thì đội tuyển nữ Ấn Độ (hạng nhì châu Á) sẽ được thay thế.

- Số tiền cần để tham dự giải này là bao nhiêu?

Khoảng trên 20.000 USD.

- Nhưng nghe nói, Liên đoàn vừa có quyết định tài trợ một số tiền không nhỏ cho các kỳ thủ Việt Nam? Đây có phải là lần đầu tiên có sự tài trợ "ra tấm ra món" như thế không?

Ngày 3-11 tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra lễ ký kết tài trợ cho các kỳ thủ hàng đầu Việt Nam và tiễn đội tuyển tham dự SEA Games. Theo đó, Liên đoàn sẽ tài trợ 150.000 USD cho Lê Quang Liêm và 50.000 USD cho Nguyễn Ngọc Trường Sơn để tham gia các hoạt động trong bốn năm tới. Đây là số tiền mà Liên đoàn đã vận động tài trợ được. Có thể trong tương lai sẽ có các kỳ thủ trẻ khác cũng được tài trợ. Ở SEA Games lần trước cũng đã có công ty tại TP. Hồ Chí Minh tài trợ cho Quang Liêm và Trường Sơn 20.000 USD/người để chuẩn bị thi đấu.

- Sao chúng ta không vận động chuyên nghiệp hóa bộ môn cờ như bóng đá đang làm?

Chúng tôi có vận động và cũng có một số doanh nghiệp đã quan tâm đến lĩnh vực này nhưng mới chỉ dừng ở mức độ tài trợ thôi chứ chưa đủ kinh phí để bộ môn tiến hẳn lên chuyên nghiệp. Gần đây nhất là Công ty Phương Trang (kinh doanh vận tải, du lịch ở TP. Hồ Chí Minh, tổng giám đốc là một cựu vận động viên cờ) cũng tài trợ với số tiền lên đến hàng tỉ đồng/năm; HD Bank cũng tài trợ cho giải Việt Nam mở rộng với chi phí giải thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng. Trước đây có Quỹ đầu tư chứng khoán Dragon Capitol cũng ký thỏa thuận viện trợ cho Liên đoàn khoảng 30.000 USD/năm trong mấy năm liền. Hiện nay các khoản viện trợ này dành cho các hoạt động trong nước là chính.

- Khi Lê Quang Liêm đoạt thành tích cao ở giải Nga mở rộng hồi đầu năm, có bài viết đại ý rằng ở các giải đấu lớn, gia đình Quang Liêm vẫn phải tự túc cho con mình đi thi đấu. Rồi sau những lần thi đấu trở về, lại phải tự mày mò nâng cao trình độ, không có sự dẫn dắt của huấn luyện viên... Vậy, vai trò của Liên đoàn ở đâu trong các chiến thắng của các kỳ thủ như Quang Liêm?

Trên thực tế Quang Liêm được một số huấn luyện viên người Nga giúp đỡ đào tạo từ lúc còn nhỏ. Hơn 10 năm trước, ông Anatoli Snhepkov được mời làm huấn luyện viên trưởng cho Việt Nam trong hai năm, sau đó huấn luyện viên Mikhain Vasiliev đến thay thế... Quang Liêm cũng có dịp làm việc với một vài chuyên gia cao cấp của Liên đoàn Cờ Nga như huấn luyện viên trưởng đội tuyển cờ Nga Evghenhi Barev hay cựu vô địch thế giới Khalipman. Tổng cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn Cờ và TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ không ít kinh phí để nuôi dưỡng, đào tạo, cung cấp chi phí cho Quang Liêm đi thi đấu quốc tế.

Thực tế, việc mời huấn luyện viên giỏi của nước ngoài rất tốn kém. Ví dụ như huấn luyện viên E. Barev rất khó mời và kinh phí cho mỗi lần mời trong vòng hai tuần có thể lên đến 10.000 USD. Một lần tôi dẫn Quang Liêm và đội tuyển sang Nga huấn luyện trong năm tuần với mức chi phí mời huấn luyện viên trên 200 USD/giờ.

Phải khẳng định mức đầu tư cho Quang Liêm còn hạn chế và chưa đáp ứng đủ yêu cầu, nhưng cũng đã góp phần không nhỏ trong các chiến thắng của kỳ thủ này và mới đây nhất là ngôi vị quán quân tại giải vô địch ở Spice Cup (Mỹ) kết thúc hôm 27-10, một giải thuộc bậc cao (bậc 17) của FIDE (Liên đoàn Cờ vua Thế giới). Theo đánh giá của giới chuyên môn, Lê Quang Liêm có triển vọng lớn lọt vào top 10, thậm chí top 5 trong một vài năm tới.

- Quang Liêm và một số kỳ thủ khác cũng có nói đến những khó khăn trong việc xin cấp hộ chiếu ngoại giao công vụ để thuận tiện khi thi đấu ở nước ngoài, ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Việc cấp hộ chiếu công vụ cho các tài năng trẻ ở nhiều lĩnh vực sẽ tạo điều kiện tốt cho các vận động viên, Liên đoàn Cờ cũng như Tổng cục Thể dục Thể thao đã đề xuất nhưng phải có sự chỉ đạo của Chính phủ mới làm được vì liên quan tới các thủ tục và quy chế hoạt động ngoại giao.

- Việc ông là người Việt Nam đầu tiên vừa được FIDE công nhận là một trong ba nhà tổ chức thi đấu cờ thế giới sẽ có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của Cờ vua Việt Nam? Nhất là việc liệu Việt Nam có đăng cai tổ chức được các giải cờ uy tín của thế giới với số tiền giải thưởng vài chục ngàn USD?

Thực ra, Việt Nam đã tổ chức được hàng chục sự kiện cờ vua được làng cờ thế giới đánh giá rất cao, từ các giải cấp khu vực đến châu lục, các giải quốc tế và đặc biệt là Giải vô địch thế giới các nhóm tuổi trẻ năm 2009 được tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Việc FIDE công nhận nhà tổ chức người Việt là sự ghi nhận những đóng góp to lớn đó của Việt Nam trong làng cờ thế giới. Sắp tới đây chúng ta còn tổ chức nhiều giải lớn nữa như năm 2012 sẽ có giải quốc tế HD Bank với giải thưởng trên 30.000 USD, Giải vô địch cá nhân châu Á với giải thưởng tối thiểu là 65.000 USD, Giải vô địch các nhóm tuổi Đông Nam Á.

- Hiện nay nhiều bậc phụ huynh cũng phân vân không biết có nên cho con em mình theo nghiệp cờ hay không. Theo ông, tố chất nào cần có ở một vận động viên cờ?

Cũng như các lĩnh vực khác, cần nhất là có năng khiếu chuyên môn. Môn cờ đòi hỏi vận động viên phải có tâm lý vững vàng, sự cần cù, chịu khó. Quan trọng nhất là phải có sự say mê rèn luyện. Say mê là phẩm chất quan trọng nhất để tiến bộ trong môn này. Đối với mỗi vận động viên, con đường tự hoàn thiện là chính, thầy chỉ giúp đỡ một phần về phương pháp.

- Trở lại với những ngày đầu của bộ môn cờ, hẳn ông cũng chẳng dễ dàng gì trong việc đặt nền móng cho bộ môn này?

Năm 1977 về nước, năm 1978 tôi cùng một số anh em khác cũng say mê cờ thành lập CLB Trung ương tại 36 Trần Phú (trụ sở Tổng cục Thể dục Thể thao), năm 1979 thành lập ban trù bị để thành lập Liên đoàn Cờ vua, năm 1980 Liên đoàn ra mắt.

Trong quá trình này tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt thành của các vị có vai trò ở Tổng cục như ông Nguyễn Văn Giảng (Chánh Văn phòng), Trần Nguyên (Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền), Lê Huy Vệ - là các phó chủ tịch của Liên đoàn Cờ trong nhiều năm cho đến khi mất... Lúc đầu môn cờ chưa được sự quan tâm của Nhà nước bởi quan điểm của đa số lãnh đạo khi ấy coi cờ là môn vui chơi giải trí của nhân dân, mang tính tự phát, chưa thể xem là một môn thi đấu thể thao, do vậy không có hệ thống đào tạo, huấn luyện, không có hệ thống thi đấu quốc gia và phong đẳng cấp, chưa nói gì tới có chế độ chính sách cho các vận động viên và huấn luyện viên như hiện nay.

- Và bộ môn cờ chính thức được sự quan tâm từ khi nào?

Phải sau 10 năm xây dựng và phát triển thì Cờ vua Việt Nam mới tham gia vào các giải đấu quốc tế. Năm 1990, Việt Nam chính thức gia nhập Liên đoàn Cờ vua thế giới tại Đại hội Liên đoàn Cờ vua thế giới tổ chức tại Nam Tư. Năm đầu tham gia thi đấu quốc tế chưa có giải ngay nhưng cũng đạt thành tích hạng 20 của đội tuyển nữ, còn đội tuyển nam vô địch nhóm C trong tổng số hơn 100 nước tham dự. Cũng năm 1990 Việt Nam có giải nhất cá nhân của Đào Thiên Hải và Phan Huỳnh Băng Ngân (nữ) giải trẻ các nước XHCN. Năm 1992 Hoàng Thanh Trang giành huy chương đồng U12 tại giải Vô địch Trẻ thế giới tổ chức tại CHLB Đức.

Năm 1993 Đào Thiên Hải đoạt chức Vô địch thế giới đầu tiên cho Việt Nam tại giải Cờ vua Trẻ thế giới (U16) tại Slovakia. Thực ra, thành tích Vô địch Trẻ thế giới đã có thể đến sớm hơn với Việt Nam, từ năm 1990, khi Đào Thiên Hải được mời tham gia giải thế giới U12 ở Mỹ, nhưng chúng tôi "xoay" mãi không đủ số tiền khoảng 1.500 USD để mua vé máy bay... Từ khi có nhiều thành tích cao, cờ vua đã được sự quan tâm nhiều hơn của ngành, của Nhà nước.

- Những khó khăn ban đầu ấy có phải là nguyên nhân để đến bây giờ chỉ còn lại mình ông là người của câu lạc bộ "trụ" lại với Liên đoàn?

Phần lớn những người có nhiệt tình lúc đầu khi thành lập câu lạc bộ đã nản lòng bỏ đi vì lúc đó chúng tôi làm việc không lương bổng và cũng chẳng được hỗ trợ kinh phí gì hết... Đó là hồi bao cấp, tôi may mắn vì bố mẹ có lương khá cao nên vẫn bám trụ được... (Cha ông là nhà lý luận Đặng Tất, đã có thời làm trưởng bộ môn Mác - Lênin của một trường đại học và là thư ký riêng của Tổng Bí thư Lê Duẩn; mẹ ông là bà Tâm Trung, một trong những người sáng lập tờ Tiếng gọi Phụ nữ, sau này làm ở báo Nhân dân - PV).

Bên cạnh đó, tôi có nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học trò, nên việc dẫn các cháu đi thi đấu hay tập huấn ở nước ngoài cũng có nhiều thuận lợi. Anh Nguyễn Viết Sơn là một doanh nhân ở Nga hay anh Hoàng Minh Chương (bố của Hoàng Thanh Trang) ở Hungary là những người giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Anh Lê Anh Minh và một số anh em ở đại sứ quán tại Liên Xô thậm chí đã từng nuôi dưỡng các cháu có tài năng như Đào Thiên Hải hay Nguyễn Anh Dũng cả năm trời tại Moscow.

- Đến giờ ông vẫn phải nhờ gia đình sao?

Cha tôi đã mất, mẹ tôi sống ở TP. Hồ Chí Minh, tôi vì công việc, khi thì ở Hà Nội, khi thì ở TP. Hồ Chí Minh, rồi đưa đội tuyển đi tập huấn, thi đấu... Do vậy, con gái tôi phải nhờ bà nội nuôi dạy (theo đúng nghĩa đen, vì lương của tôi có lẽ chỉ đủ cho bản thân).

- Vậy điều gì khiến ông lại sống chết với nghề như thế?

Tôi đã có một thời gian dài là kỳ thủ, từng ba lần được chọn làm huấn luyện viên kiêm quan chức lãnh đạo Liên đoàn Cờ Việt Nam và bộ môn cờ của Nhà nước. Đến nay cũng đã gần tới tuổi 60 rồi. Lúc còn nhỏ, hồi đi sơ tán tôi từng phải tiếp các bô lão từ nhiều làng lân cận đến tỉ thí kỹ nghệ ở môn cờ tướng. Trót say mê môn cờ từ nhỏ thì thật khó dứt ra được. Bất kỳ người nào cũng vậy chứ không riêng gì tôi. Môn cờ cứ như một thứ ma túy vừa rất tao nhã, vừa rất trí tuệ, vừa mang tính nghệ thuật cao và có thể đem lại cả công danh sự nghiệp nữa.

Bây giờ có nhiều người tự kiếm sống được bằng nghề cờ, như tôi chẳng hạn. Nếu mình làm nghề khác chắc gì đã được nhiều hơn. Còn các kỳ thủ thành danh ở nước ta, một năm cũng có thể có thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Mỗi người có số phận và con đường đi cho riêng mình. Và tôi luôn cảm nhận sự hài lòng và mãn nguyện vì đã chọn con đường này.

- Và "con đường này" của ông chỉ có cờ thôi sao?

Bên cạnh cờ còn có hội họa, âm nhạc. Tôi mê đọc sách, báo, xem phim, sưu tập sách, tem và... cả những chén trà ngon được nhâm nhi với những người bạn cũng "nghiện" cờ như tôi.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 09-11-2011 00:12






Xem 1 - 10 của tổng số 12 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: HuongNT
20/11/2011 11:02:08

Bức họa anh Thắng thì em thấy giống và đẹp - khuôn mặt trông rất góc cạnh đúng với con người anh ấy. Hội KGU mình có những con người thật tuyệt vời làm chúng ta rất tự hào.



Từ: ThanhLK
12/11/2011 00:07:03

Anh Sơn ơi, em cũng thích bức họa anh Thắng, nó mô tả được sự góc cạnh và nét thông thái của một người mê cờ và có công đưa môn cờ vua vào Việt Nam. Em cũng đã có dịp gặp anh Thắng tại nhà Đức Linh, cách đây hai năm trong dịp ăn tết ở Sài Gòn, anh Thắng đến cùng con gái và trông anh vẫn rất trẻ. Người KGU hình như ở ngành nào cũng phát huy và phát triển được, làm cả hội chúng ta luôn được thơm lây.



Từ: SonTM
10/11/2011 19:50:33

Bức họa rất đẹp, giống mà như không giống Thắng. HaiNV ạ, vì đây đâu phải là ảnh. Có thế mới gọi là nghệ thuật hội họa chứ!



Từ: ThuTT
10/11/2011 16:43:13

Có một chuyện rất hay trong chuyến Về nguồn liên quan đến cờ. Chị Linh và anh Đức "dắt tay nhau" (theo đúng nghĩa đen vì anh Đức bị đau chân) đi thăm lại đường xưa phố cũ. Đến chỗ chợ bán tranh trên đường Lê nin (cũ) chị Linh mải mê nhìn ngắm, một lúc quay lại không thấy anh Đức đâu. Tìm một hồi thì thấy anh Đức đang say sưa đấu cờ với một bác bán tranh trên phố. Anh Đức bảo chị Linh:"Em  cứ tự do đi mua sắm đi bao lâu cũng được , anh sẽ ngồi đợi ở đây!". Bác bán tranh cũng bỏ cả bán hàng để chơi cờ với anh Đức vì bác ấy bảo "lâu lắm rồi không thấy có ai chơi hay như thế". Có thể anh Đức sẽ ngồi đến hết ngày ở đấy để chơi cờ nếu chị Linh không làm mặt giận. Chị Linh than vãn với tôi :" Mày xem, đi cả chục ngàn cây số sang đây để ngồi hè phố chơi cờ". Tôi bảo:" Thế mới là anh Đức. Sự nghiệp cờ của anh Đức cũng bắt đầu từ Kishinhốp mà!"



Từ: HoaNT
10/11/2011 11:21:08

Nhớ ngày xưa bọn khoá 77 hay đi tham qua cùng  với anh Đặng Tất Thắng ở Lêningrat, cứ mỗi lần đi thăm bảo tàng Lê Nin là ít người đi vì đã đi nhiều lần rồi. Anh Thắng bao giờ cũng ra mặt đàn anh mắng: Đến thành phố Lênin thì chúng mày phải cố gắng đi thăm quan bảo tàng Lê nin là chính  chứ. Nói thế nhưng anh là người chuồn đầu tiên để đi gặp hội cờ của anh ở các thành phố là chính. Sau này về nước gặp anh anh bảo: các em có con cái có ham mê cờ thì gửi anh dạy dỗ. Rất tiếc là lũ trẻ con Kis. không mấy đứa nối tiếp các bác Thắng, Lọ, Đức ... nhỉ.



Từ: NgocNT
10/11/2011 10:41:05

Quá đỗi tự hào khi lớp đàn anh, đàn chị tuyệt vời như vậy! Em cũng muốn cho tụi nhỏ nhà em chơi cờ nhưng chúng thật sự ít thời gian để "xả hơi",nên cứ rỗi là lại lùa chúng ra sân chơi đá bóng hay đánh cầu để còn vận động một chút!


Hì! Có khi có sự kiện"nhà thơ" hớt tóc lúc 2 giờ sáng nên VN ta mới có kiện tướng và lãnh đạo làng cờ như hôm nay!!!



Từ: LyTM
09/11/2011 21:28:13

Chúc cờ của VN lúc nào cũng bay tự do ở đích mà các anh mong!



Từ: PhuND
09/11/2011 21:23:28

Phư có một diễm phúc là 02 giờ sáng dậy hớt tóc cho anh ThắngĐT về nước (Chẳng là là kiện tướng Cờ Vua trước đó tóc rất dài giống anh Khửu, anh Nam,...VL). Cờ vua ở VN phải nhắc tới 03 Anh cả của KGU: Anh Cổ Hưng ( Lọ) - Toán KGU, Anh Lê Hồng Đức phu quân của Tổng thư ký Hội KGU HCMC Diệu Linh.



Hãy làm những gì mà mình thích- đó là hạnh phúc, Anh ThắngĐT đang là người hạnh phúc. Chúc anh sức khỏe, vui vẻ, yêu đời ..



Từ: HaiNV
09/11/2011 18:35:10

Lúc nãy mình đã còm #4 ở đây, không hiểu sao bây giờ mất rồi???


Hôm nay, viết lại thật là ngại, nhưng không thể không viết. Cũng chính vì mình thấy cái tranh chân dung của Thắng không biết do họa sỹ nào vẽ rất không đẹp, không giống Thắng gì cả (mắt không giống, mũi càng không, mồm thì méo...). Năm trước Du thuyền Hồ Tây Thắng có đến, nhưng năm nay Du xuân Đầm Long và hôm K76 gặp mặt ở Sóc Sơn, tiếc là Thắng không đến được. Mình lấy vài cái ảnh Thắng trên mạng để mọi người cùng chiêm ngưỡng ông "Vua cờ" của VN:  



 



 




Từ: CuongLV
09/11/2011 09:04:01

        Xin cung cấp thêm thông tin về 1 người KGU nữa đã có một thời là VĐV thể thao có thành tích đáng nể. Đó là anh Lê Văn Hồng OB73 - anh người thấp nhỏ nhưng cũng rất ham mê môn đấm bốc. Theo tôi nhớ thì anh Hồng đã từng đạt tiêu chuẩn VĐV cấp 1, thậm chí là Dự bị Kiện tướng thể thao Liên Xô về môn này. Anh Hồng có lần vô địch Kishinhốp, thứ nhì Moldova về bốc hạng dưới 48 kg. Các thông tin này anh Cơ DM có thể kiểm chứng giùm tôi vì sau này, anh Hồng cũng như anh Thắng ĐT không làm việc theo chuyên môn được học ở trường. Anh HồngLV sang công tác ở Bộ CA và ở cùng TT với anh Cơ DM.      




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s