Người xưa, lối cũ…
Tác giả: Thao DT
Người xưa, lối cũ…
Phần I
Chuông đồng hồ báo thức đổ hồi: năm giờ sáng, sắp đến giờ ra phi trường. Cả đêm rồi tôi có chợp mắt đâu. Sau 35 năm mới quay về chốn cũ, ai mà không khỏi xốn xang…
Chuyến máy bay của Lufthansa đưa tôi từ Paris tới Munich chậm 15 phút, nhỡ chuyến bay tiếp nối của hãng đến Chisinău, mà hàng ngày chỉ có một lần vào 9 giờ rưỡi sáng. Chung qui mọi tội là vì tôi mua vé giá rẻ, thương túi tiền hơn bản thân mình. Hậu quả là tôi gánh đủ ưu phiền.
Lòng tôi như lửa đốt vì điện thoại của tôi không sao nối được với Moldova, không thể nào liên lạc với lũ bạn mà vào giờ này chúng đã ra phi trường đón tôi rồi. Từ Munich tôi phải gọi ngược về Paris, nhờ người gọi qua Chisinău báo rằng tôi sẽ không tới đó vào 12 giờ 15 như dự định, mà sẽ tới vào 22 giờ 25 và bay từ Bucareste chứ không phải từ Munich.
Lufthansa chuyển chuyến bay cho những hành khách nhỡ chuyến Munich - Chisinău sang Munich - Bucareste - Chisinău, vì muốn ta hiểu rõ thêm cái nghĩa đen trong tiếng Việt hai từ « hành khách ». Âu đây cũng là cái điềm để tôi nhớ vĩnh viễn, dài lâu cái ngày trở « về nguồn » sau 35 năm xa cách…
Kia rồi, hai đứa bạn đang cầm hoa đón tôi ở cửa. Nước mắt tôi trào ra khi nhìn thấy cô bạn Tekla. Ai chẳng đổi thay sau từng ấy năm, nhưng tiều tụy và gày gò đến mức đó thì tôi không hình dung ra nổi. Làm sao tôi quên được hình ảnh trên sân ga Kisinhôp 35 năm về trước, hai đứa bạn tôi nước mắt lã chã chạy theo đoàn tàu, tiễn đưa tôi về nước…
Tôi ôm choàng lấy các bạn mình và hiểu rằng, đây là lần đầu tiên nhưng không phải là lần cuối cùng. Tôi sẽ còn trở lại đây để cảm nhận sự yêu thương tràn đầy trong vòng tay những người bạn mà tưởng chừng khoảng cách thời gian 35 năm đã không hề tồn tại.
Hôm nay các bạn tôi đã ra phi trường hai lần, chầu chực đón tôi. Lỗi là do Lufthansa. Phải chăng Hãng hàng không Đức cố tình « hành » cho đáng đời những « khách » hàng ham mua vé rẻ như tôi, hay tạo ra cái cớ để minh chứng cho tình bạn của chúng tôi là trường tồn, vĩnh cửu.
Tôi mệt rũ, nhưng có cảm giác đang tan ra trong hạnh phúc dâng trào. Tôi lại về nơi đây, chốn cũ, thuở nào…
Con bạn Iulia đã mặc cả với tôi ngay từ đầu khi vừa biết tin tôi sắp sang Kisinhôp. Nghĩa là khi tới Kisinhôp tôi chỉ được chơi ở đó vài giờ, rồi đến chiều phải đi ngay với nó về Beltsư, phải ở đó mấy hôm để hàn huyên tâm sự cho bõ những tháng năm đằng đẵng xa nhau. Phải đồng ý với cô bạn thôi vì cách đây 3 năm nó đã cử con gái với người yêu sang Paris thăm tôi rồi. Từ chối sao đành?
Thế nhưng tôi không tới Kisinhôp vào buổi trưa như dự định, mà vào 11 giờ đêm khuya khoắt, 30 âm lịch, không trăng, không sao. Ngồi trên xe tôi không tài nào nhận ra Kisinhôp của thời xa xưa nữa. Một thành phố xa lạ, le lói ánh đèn. Phải chăng nơi đây đã từng là thành phố Trắng tinh khôi, khởi đầu mọi ước mơ của tuổi trẻ chúng tôi ? Tim tôi thắt lại. Thời gian 35 năm quả là dài đối với một đời người, cái gì cũng có thể đổi thay. Kisinhôp cũng vậy, phải xem đó là chuyện thường tình…
Bên cạnh tôi tiếng các bạn đang hỏi han rối rít về hành trình bay « bão táp » mà tôi đã phải trải qua. May mắn sao, tình bạn chúng tôi vẫn như thuở nào : vẫn tiếng cười ấy, vẫn giọng nói tếu táo quen thuộc thời sinh viên nhưng chứa chan tình cảm và niềm vui không dứt của phút giây hội ngộ. Để khỏi làm mếch lòng Tekla, chúng tôi vòng qua nhà bạn nhấm nháp một chút các món ăn mà cô bạn tôi đã mất công nấu nướng thết đãi.
Đường về Beltsư tối om. Đang ở Paris - kinh đô ánh sáng tôi rơi tõm vào một vùng tối của xứ sở bị coi như chậm phát triển nhất châu Âu ; nhưng nơi ấy là quê hương thứ hai của tôi, nơi mà tuổi trẻ của ta chỉ trải qua có mỗi một lần. Phép so sánh đó giống hệt như cái lần tôi về phép năm 1974: từ Moldavia yên ả, thanh bình tôi trở về quê hương đang còn chiến tranh, qua cầu Long Biên mang đầy vết tích tàn phá của bom đạn Mỹ. Hồi đó tim tôi cũng nhói đau chẳng khác bây giờ…
Xe chạy rất sóc vì đường tồi, nhiều ổ gà và sống trâu. Cậu lái xe đùa cợt hỏi tôi, có cảm thấy dễ chịu hay không khi xe chạy trên đường như thế này. Tôi trả lời bên Pháp chạy xe ở đường cao tốc phải trả tiền, ở đây không mất tiền. Tiếng cười bật ra với lời giải thích rằng đây không phải đường cao tốc, có tài thánh cũng không chạy nhanh được ở đây và số tiền bỏ ra để sửa xe do đường xấu còn đắt hơn rất nhiều so với việc trả tiền đường như ở Pháp. Tôi cười mà mắt lại ngấn lệ…
Tôi ở với Iulia 2 ngày. Vaxili chồng Iulia là giáo viên dạy giỏi của Moldova, học sinh của Vaxili đã đoạt giải nhất và giải ba về Hoá trong kỳ thi Olympic quốc tế. Hai con của cặp vợ chồng này đã tốt nghiệp đại học tại Rumani và làm việc ở Bucareste.
Chúng tôi cùng nhau dạo chơi ở trung tâm thành phố Beltsư, cùng ra đồng thu hoạch nho và cà chua. Bây giờ tôi mới có dịp cảm nhận và phân biệt được mùi vị các loại nho của xứ Moldova khi nếm chúng ngay ở cánh đồng. Các vị ngọt và hương thơm của chúng được sinh ra trong tình yêu pha quyện nồng nàn giữa mặt trời và đất đen màu mỡ.
Sao mà hương vị nho thơm ngon, tinh khiết đến nhường vậy ! Mà sao ngày xưa ta lại không nhận ra điều đó nhỉ ? Có lẽ lúc đó ta còn quá trẻ nên không để ý, hay ta quan niệm đã là nho, đương nhiên là phải thế rồi. Chỉ đến bây giờ khi ở độ tuổi U60, khi ta đã nếm trải ngần ấy đường đời, ta mới hiểu và cảm nhận được hương thơm, vị ngọt của chúng còn đọng lại, sau khi lan toả dần trong lưỡi và cơ thể, ta mới có thể đánh giá giá trị xác thực của các vị nho của xứ Moldova này, cũng như với con người vậy :
Thức lâu mới biết đêm dài,
Sống lâu mới biết lòng người trắng, đen.
Tôi còn nhớ rõ, sau khi tốt nghiệp về nước, phải tới một năm tôi từ chối không ăn hoa quả xứ mình vì không cảm thấy ngon, vì nhớ thương hương vị ngọt ngào của hoa quả xứ Môn, mà suốt sáu năm ta thường đánh chén đẫy tễ và nói đùa đó là loại hoa quả được trồng để « tiến », « cống» tổng bí thư Brêgiơnhep. Bạn có nhớ chăng thời sinh viên, tháng Chín năm nào chúng ta cũng đi lao động thu hoạch hoa quả ? Cả một tháng ròng mà biết bao sinh viên Việt Nam chúng ta đã không thể nào hái hết hoa quả của vườn trường Đại học nông nghiệp. Lê, táo, đào, mận, nho sai trĩu cành, chi chít. Lại sống lại trong tôi hồi ức thuở nào…
Tôi ngó nghiêng, tìm kiếm trên cánh đồng mênh mông của những mảnh ruộng phần trăm như của bạn tôi mà không hề trông thấy một hệ thống tưới tiêu nào. Tôi liền hỏi Iulia. Cô bạn tròn xoe mắt nhìn tôi khi nghe câu hỏi ấy. Iulia hất mặt lên trời nói : « Đó, mùa màng ở đây phụ thuộc vào ông Trời ở trên cao kia kìa. Ông ấy thương thì được mùa, không thương thì chịu vậy ». Rồi như thường lệ, cô bạn tôi cười vang, nhại lại câu hỏi ngớ ngẩn vừa rồi làm tôi bật cười, hoà niềm vui của chúng tôi vào giữa đất trời, thiên nhiên, cây cỏ.
Phải rồi, đất đen mun, màu mỡ như thế này cộng với khí hậu thuận lợi thì gieo gì, vứt gì xuống đây chẳng mọc. Thiên nhiên quả là ưu đãi cho quê hương thứ hai của tôi, vùng đất Moldavia này. Iulia đã làm tôi nhớ lại một truyện tiếu lâm về xứ Moldova :
Từ thời khai thiên lập địa, Chúa Trời phái thiên thần mang bao tải « màu mỡ và giàu có » đi rải khắp thế gian, nơi có con người sinh sống. Thiên thần tuân lệnh, bay đến nơi nào có người thì lấy từ bao tải ra, rắc « màu mỡ » cho đất đai và « giàu có » cho con người. Bay đến Moldova là địa điểm cuối cùng, thiên thần dốc xuống đó tất cả những gì còn lại trong bao « màu mỡ và giàu có ». Kết quả là mảnh đất xứ Môn màu mỡ nhất trên đời, con người ở đó vô cùng sung sướng vì giàu có, nên suốt ngày nhảy múa, hát ca. Điều đó kiến các bộ lạc ở những địa phương khác tức tối và sinh lòng ghen tỵ. Họ tụ tập lại và lên tiếng kiện Chúa Trời đã không công bằng trong sự phân phát « màu mỡ và giàu có » dưới trần gian. Chúa Trời là đấng tối cao vô cùng sáng suốt, Ngài phán rằng : « Các ngươi hãy yên tâm, ta là người công bằng, từ nay trở đi ở xứ Moldova màu mỡ, phì nhiêu sẽ chỉ có những thằng ngu lên nắm quyền lãnh đạo ».
« Trong mỗi truyện cười đều có một phần sự thật » - Đó là ngạn ngữ Nga. Có lẽ nào truyện tiếu lâm kia lại thật sự ứng nghiệm trên thực tế ?
Tôi xem tivi đã thấy cảnh các lãnh đạo của những đảng đối lập ở Moldova đánh nhau, không chỉ một lần trên lễ đài ở quảng trường Chiến thắng cách đây 2 năm1. Tôi đã tận mắt thấy hồ Kômsômôn cạn nước, sân vận động đối diện ký túc xá nay chỉ còn là một bãi đất hoang, đường xá xuống cấp…Nước nóng trong các căn hộ chỉ có vào buổi sáng và buổi tối. Cuộc sống của công nhân viên chức nhà nước không được đảm bảo, lương bổng rất thấp (lương tối thiểu: 58 E/ tháng, lương tháng trung bình từ 150-260 E ở Chisinău), lương hưu còn tệ hơn nhiều. Lạm phát liên tục ( 12%- 15% / năm ), vật giá leo thang…
Dân số nước Cộng hoà Moldova chỉ có 4 triệu 3 trăm ngàn người nhưng Nhà nước không đảm bảo được mức sống tối thiểu cho người dân. Rất nhiều người đã bỏ ra nước ngoài kiếm sống. Nạn chảy máu chất xám đã và đang xảy ra ở đất nước này. Chính sách lôi kéo chất xám từ Moldova của chính quyền Rumani rất khôn khéo: vì cùng một ngôn ngữ nên các học sinh trúng tuyển vào đại học ở Moldova, có thể qua Rumani học ngành học tương tự, được cấp học bổng và được ở ký túc xá nhà trường. Chính vì thế mà số lượng sinh viên học đại học ở Moldova giảm đi rất nhiều. Khoa Hoá trường ĐH tổng hợp trước kia có 4 bộ môn độc lập, nay ghép lại thành 2 ( Hoá Lý+Hoá Vô cơ ; Hoá Hữu cơ+Hoá Phân tích ). Người dân gốc Môn chỉ cần đặt đơn xin quốc tịch Ru, sau một năm sẽ được chấp nhận. Ai cũng hiểu, dân số là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc phát triển đất nước.
Các bạn tôi đã và đang sống chật vật trong các điều kiện kể trên, nhưng khi tôi gọi điện xem họ cần thứ gì ở Paris để tôi mang sang làm quà thì câu trả lời rất đơn giản và ngắn gọn rằng, tôi chính là « món quà lớn nhất » mà họ đang cần.
« Món quà lớn nhất » ấy bây giờ đang biểu diễn món salat trộn, món trứng đúc thịt băm với hành và thìa là trước sự chứng kiến đầy ngạc nhiên của cô bạn hàng xóm cạnh nhà Iulia. Bạn tôi nói cả làng này sẽ được thông tin về tôi sau khi cô bạn hàng xóm ấy nếm các món ăn mà tôi vừa nấu. Ở cái làng nhỏ cách Beltsư vài kilômet mà bạn tôi dạy học mấy chục năm nay, ai mà chẳng biết ai ; nó cũng giống hệt như bất kỳ cái làng nào ở nông thôn Việt Nam vậy, chẳng có điều gì mà trong làng lại không biết.
Tôi không nhớ là tôi thân với Iulia từ khi nào và vì sao. Có lẽ vì chúng tôi ở trong cùng một ký túc xá, có lẽ vì cả hai chúng tôi đều thích tán dóc và vì tôi đặc biệt thích nghe Iulia kể chuyện tiếu lâm. Các câu chuyện của Iulia hầu hết đều cường điệu thói hư, tật xấu của người Moldovane làm tôi cười vỡ bụng. Thế nhưng trên thực tế tôi thấy phần lớn họ, những người Môn là những người thật thà và tốt bụng, hào phóng và đáng yêu. Hơn nữa họ không mắc phải bệnh sĩ diện « ngoài da » như người Việt Nam ta. Vaxili - người yêu của Iulia hồi đó là một chàng trai dễ thương, rất thích nghiên cứu lịch sử, đã chứng tỏ với tôi sự hiểu biết về Việt Nam bằng cách kể vanh vách những trận đánh chống xâm lăng của dân tộc ta, làm tôi ngỡ ngàng và càng quí mến thêm đôi bạn trẻ ấy.
Tekla ở cùng Iulia một phòng, nên tôi thân với cả hai. Tính cách Tekla khác hẳn Iulia, rất đỗi dịu dàng và không bao giờ tranh cãi. Iulia bao giờ cũng bảo vệ Tekla, còn Tekla bao giờ cũng chiều theo ý bạn.
Buổi sáng Iulia hỏi tôi thích ăn gì ? Tôi trả lời là ăn gì cũng được, rằng tôi quay lại chốn cũ sau 35 năm không phải để suy nghĩ ăn điểm tâm cái gì và để trả lời những câu hỏi « ngu ngốc ». Iulia cười toét miệng, nói tôi chẳng thay đổi chút nào, vẫn láo lếu như xưa. Tôi nói: « Con ngốc ơi, muốn bạn mình thay đổi ư ?Nếu thay đổi tớ đã chẳng về lại chốn này! ». Với giọng điệu hệt như ngày xưa, chẳng màu mè, chúng tôi kể cho nhau nghe về cuộc sống mà chúng tôi đã trải qua sau khi tốt nghiệp đại học, những khó khăn và những niềm vui lớn, nhỏ trong 35 năm xa cách, không gặp được nhau. Vừa ăn sáng vừa mải trò chuyện, tôi làm mật ong rỏ ra váy lúc nào mà không hay. Iulia lấy khăn ướt lau váy cho tôi và lại cằn nhằn, rằng tôi vẫn như xưa, không bao giờ thay đổi. Tôi không phản ứng gì, lặng im tận hưởng những phút giây ngọt ngào của tình bạn…
Vaxili chồng của Iulia đã từng sang Châu Phi dạy học 3 năm để « cứu nhà », giống hệt ở Việt Nam ta cũng có vụ sang bên đó làm chuyên gia y tế và giảng viên đại học. Vì là giáo viên dạy giỏi, có các học sinh giật giải Olympic nên đến bây giờ Vaxili vẫn dạy thêm để tăng tiền thu nhập cho gia đình, mặc dù rất mệt. Chàng ta phàn nàn với tôi và chỉ vào Iulia, người lúc nào cũng thúc chồng làm việc cật lực. Nghe Vaxili nói tôi lại nghĩ đến Trần Nguyên Tường ở Sài Gòn. Hai người bạn tôi cùng tốt nghiệp KGU giờ đây sống cách nhau hàng ngàn cây số nhưng cùng làm một nghề « bán cháo phổi » như nhau để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tường bây giờ gày lắm, không vạm vỡ như thời sinh viên. Lương giáo viên đâu đủ nuôi bản thân và gia đình họ. Đó là nghịch lý ở các nước hậu cộng sản sau khi Liên Xô tan rã.
Tôi lườm Iulia. Tôi nói với bạn tôi, rằng cuộc sống con người rất ngắn ngủi, thoắt đấy mà đã 35 năm rời ghế nhà trường, rằng con cái Iulia (Irina và Ion) đã trưởng thành, đã đi làm, đâu cần tiền phụ giúp của bố mẹ nữa. Tiền bao giờ cũng cần, nhưng biết bao nhiêu cho đủ. Bạn ơi, đừng bắt chồng dạy thêm nữa làm gì, rằng giờ đây chúng ta đang ở ngưỡng của tuổi « hoàng hôn cuộc đời », phải biết chấp nhận những gì đã có và cần nhất là nghỉ ngơi, chăm sóc sức khoẻ của chính mình, chỉ làm những việc gì mình thích mà thôi. Iulia nghe tôi nói, không nói gì nhưng dáng chừng suy nghĩ. Chắc lời khuyên của tôi có tác động đây.
Trong lúc hai đứa dạo chơi, thăm thú thành phố Beltsư, tôi thấy Iulia thỉnh thoảng lại nhăn mặt. Tôi hỏi sao thế? Iulia nói đau ở đầu gối vài năm nay, lâu lâu chỗ đó lại sưng lên, uống thuốc mãi không khỏi. Các dấu hiệu của tuổi già đã ập đến với chúng tôi ở cái tuổi U60 rồi. Tôi nói tớ cũng bị bại tay chục năm nay, thế mà bây giờ uống thuốc Phong tê thấp « Bà Giằng » lại thấy đỡ hẳn, hay là bạn thử dùng xem sao, không có phản ứng phụ đâu vì thuốc làm từ cây cỏ tự nhiên ở Việt Nam. Tớ có mang sang đây dùng. Nên thử Iulia ạ, vì « có bệnh phải vái tứ phương » chứ. Iulia đồng ý. Tôi xẻ cho bạn một nửa lọ thuốc mang theo.
Tôi quay lại thăm Iulia trước khi bay về Paris và sự kỳ diệu đã xảy ra. Iulia vui mừng thông báo với tôi là đầu gối đã hết sưng và không cảm thấy đau nữa. Đúng là thuốc tiên ! Tôi đưa nốt lọ thuốc bà Giằng cho Iulia dùng và hứa về Paris sẽ gửi tiếp cho bạn.
Tôi đi thăm trường Iulia dạy, cách nhà không xa. Trên đường đi chúng tôi thấy một cậu bé, đeo cặp sau lưng đang hùng hục chạy về phía chúng tôi. Iulia chặn cậu bé lại hỏi: « Đi đâu thế này, Iliade?». Cậu bé có gương mặt cực kỳ đáng yêu, trả lời là cậu ta đang trên đường tới trường. « Sao lại đi đường này, Iliade? Nhà em ngay cạnh trường cơ mà?». Iliade ngước đôi mắt ngây thơ, trong veo nhìn chúng tôi và nói là chính vì nhà quá gần trường nên em thích chạy vòng như thế này để giống các bạn, ai cũng ở cách xa trường không như em. Chúng tôi bật cười vì lời giải thích của Iliade.
Cảm ơn chú bé moldave Iliade ! Em đã cho tôi thấy lại tuổi thơ.
Người lớn ơi, đừng bao giờ lấy logic của mình để áp đặt cho tuổi thơ nhé. Nó là thế đấy ! Hồn nhiên làm những gì mà nó thích, không cần tính logic hợp lý, cũng chẳng cần tới sự tối ưu…Nó thây kệ thời gian. Thời gian với nó còn vô cùng nhiều.
Tôi chợt trạnh lòng nghĩ tới trẻ con Việt Nam. Chúng làm gì còn có tuổi thơ ! Sáu tuổi, mới vào lớp một thôi, chúng đã phải đi học thêm rồi…
1/Sau khi phe đối lập tuyên bố thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội hợp hiếnngày 05/04/2009 so với phe cộng sản (nắm quyền từ 1991-2008 bị chỉ trích là cửa quyền và tham nhũng), ngày 7/04/2009 tại Chisinău diễn ra những cuộc biểu tình đầy bạo lực trước nhà Chính Phủ làm 3 người chết (phe cộng sản qui kết Khối Bắc Đại Tây dương và Rumani cố tình gây ra vụ rắc rối này).
Tiếp theo cuộc bầu cử hợp hiến vào tháng Bảy 2009, 4 Đảng đối lập với Đảng cộng sản (Đảng Tự do Dân chủ , Đảng Tự do, Đảng dân chủ - xã hội, Đảng công giáo - dân chủ ) đã liên kết với nhau tạo ra Liên minh hội nhập châu Âu giành 53 ghế trong Quốc hội, chiếm đa số so với 48 ghế của Đảng cộng sản.
Người post: ThaoDP
Ngày đăng: 23-11-2011 06:06
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |