KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 04 Tháng mười hai. 2011

DÒNG SÔNG TUỔI THƠ




Tác giả: Đặng Thanh Lương

Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng quê Kinh Bắc giữa những con sông nhuộm đỏ đất phù sa. Sông hiền là vậy nhưng cũng hung dữ là vậy. Vào mùa nước lên, nước sông đỏ quạch, dòng sông cuộn sóng. Những năm mùa nhãn trĩu quả là những năm nước sông lên to, thậm chí rất to. Tôi nhớ hồi sơ tán, nhìn cây nhãn đầy hoa, ong bướm tới tấp bay đến, là lòng đầy âu lo. Có năm, nước sông mấp mé mặt đê, đứng trên đê có thể khoả chân xuống nước, thậm chí chỉ một ngọn gió thổi lướt qua là nước có thể tràn qua mặt đê để với sang bên kia là những ngôi nhà sau luỹ tre làng. Trẻ con thấy thế mặt mày rạng rỡ, thích thú đùa nghịch với dòng sông đang nổi giận. Còn người lớn thì lo lắng trăm bề. Nước sông mênh mông trắng xoá cả một vùng. Dòng sông chảy xiết cuốn theo nhiều thân cây, củi khô, thậm chí cả những ngôi nhà mái lá…Những hôm như vậy, chiều tan trường, tôi leo lên đê, đứng nhìn con nước lên mà lòng lo lắng, bồn chồn, mắt dõi về trời Hà Nội đang đổ những ánh nắng vàng cuối ngày xuống thành phố. Xa xa, tiếng sấm dội về kèm theo những tia chớp sáng loé một góc trời. Một thoáng nghĩ chợt qua “nếu nước về Hà Nội, nhà tôi chắc ngập đến mái vì ga Hàng Cỏ là nơi trũng nhất của Thủ đô”. Thế mà Trời thương, Trời cho. Từ khi tôi sinh ra đến nay, nước sông chưa một lần chạm ngõ, chỉ có nước mưa dư và vài con cá vượt ao hồ ghé qua thăm.

 

Hung dữ là thế. Nhưng khi đã hiền thì sao lại hiền đến vậy. Dòng sông uốn lượn chảy, mềm mại, êm đềm và mát dịu như dải lụa. Con sông, bến đò, bãi tắm đã hút hồn bao người, là điểm hẹn giữa trời và đất, là nơi hẹn hò

của bao lứa đôi, từ tuổi học trò đến những chàng trai cô gái thậm chí là của các cụ ông cụ bà. Mỗi thế hệ có những cách ứng xử riêng: trẻ con nô đùa trên các bến sông, có những đứa rất hồn nhiên, chạy tồng ngồng trên bờ rồi thỉnh thoảng lao mình xuống nước, ngụm lặn thoả thích trong dòng sông quê mẹ mát rượi, dịu êm. Được sông nước vỗ về nên chúng  phổng phao rắn chắc lạ thường; đám thanh niên dập dìu trong chiều hôm. Có đôi, tay trong tay ngắm nhìn bầu trời chạng vạng phủ đậm ánh hoàng hôn; có đôi đi bên nhau cười rúc rích; có đôi ngồi trên bờ đê nhìn bến sông con đò, hái những ngọn cỏ may thầm lặng tặng nhau…Thỉnh thoảng có cụ ông cụ bà khoác tay nhau thong thả dạo bước hoặc đứng bên nhau ngắm nhìn dòng sông lững lờ trôi…Hồi còn bé, tôi chưa cảm nhận được hết những vẻ đẹp như vậy trên dòng sông quê hương.

Khi đã trút hết những giận dữ, dòng sông như hối hận về việc mình đã gây ra liền bù đắp cho Người những bãi bồi đầy ắp phù sa. Đến mùa gieo hạt, người nông dân lại hối hả làm ruộng, làm vườn. Những luống rau, ruộng ngô lại được vun trồng. Những hạt ngô vàng được gieo xuống những ruộng ngô dài tưởng như bất tận; những hạt cải xanh được trở về với lòng đất. Những hạt phù sa nặng tình, nặng nghĩa lại có dịp tiếp thêm nhựa sống cho những mầm non mới hé nở. Cuộc sống lại bắt đầu một chu kỳ mới: nảy mầm, trưởng thành, đơm hoa kết trái…Cùng với trời đất và muôn loài, tình yêu của cỏ cây, hoa lá cũng trải qua những buồn vui, thử thách và sóng gió để đem lại hạnh phúc cho Người: thóc đầy bồ, ngô sắn đầy sân, rau quả tốt tươi.

 Cùng với những đứa trẻ đồng quê, tôi hoà mình vào trong những ruộng ngô cao ngút đầu, luồn lách trong đó, chơi những trò chơi dân gian: trốn tìm, đuổi bắt, đánh trận giả…Trên bờ, những cô bé mắt long lanh đen, tóc hoe vàng mừng đón những chàng trai thắng trận trở về. Nhưng cũng có những lần, chúng tôi tần ngần đứng trước những ruộng ngô, vườn rau bị sâu bệnh, mưa bão tàn phá. Thật đau lòng  khi thấy chỉ qua một đêm, thành quả lao động của ông bà, bố mẹ, anh chị…đã bị sâu bệnh, thiên tai huỷ hoại.

Vào thời khắc ngô lúa trổ hoa, mùi sữa ngô non thoảng bay trong gió được chắt chiu từ nhựa sống của trời và đất, vườn cải trổ hoa vàng cả một góc trời, những luống rau xanh lá tươi mơn mởn trải dài trên các triền sông, gió thổi vào bờ mang  theo mùi của sông nước, tiếng sáo diều gọi bạn, con người như lạc vào thế giới thần tiên để quên đi những nỗi nhọc nhằn thường ngày, những gian khổ, khó khăn, những bất hạnh mà con người phải trải qua.

Khi tóc đã điểm bạc, tôi có dịp ghé thăm nhiều con sông khác trên các nẻo đường của Tổ quốc, cũng như nhiều con sông trên thế giới. Mỗi con sông đều có vẻ đẹp riêng và ít nhiều đã gắn với tôi bao kỷ niệm. Nhưng dù có đi đâu về đâu, tôi vẫn nhớ tới dòng sông tuổi thơ, nơi đã cho tôi những cảm nhận đầu đời về quê hương, đất nước và con người Việt.

Hà Nội, mùa gió bấc 2011

PS. Tôi gửi AEC bài hát Trở về dòng sông tuổi thơ, Nhạc: Hoàng Hiệp - Ca sỹ Mỹ Linh.

Những ảnh minh họa và trong album Dòng sông tuổi thơ được sưu tầm trên mạng

http://www.youtube.com/watch?v=RB2Ch4z9JIo


Người post: LuongDT

Ngày đăng: 04-12-2011 15:03






Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments

Từ: NguyetTM
06/12/2011 20:56:50

Anh Thanh Lương có nhiều cảm xúc đẹp về sông nước quá. Em có cảm tưởng rằng những yêu thương, trìu mến, nâng nui của anh với dòng sông quê hương đã được lắng đọng trong tâm suốt mấy chục năm nay và bây giờ, khi anh chia sẻ thì dòng sông ấy vẫn hồn nhiên, êm dịu tuổi thơ.


Nếu mọi người đều yêu sông yêu nước và trân trọng thiên nhiên như anh Lương, chắc quả địa cầu của chúng ta đang không bị khủng khoảng nước như ngày nay.



Từ: ThaoDP
06/12/2011 12:56:20


Thanh Lương ơi, Em viết tình cảm lắm. Nhưng viết văn mà tình cảm quá là bị vận vào thân, vất vả đấy Lương ạ. Chị nghĩ là nước mình may mắn là một xứ  sông nước, chứ không như những nước ở Châu Phi. Chị nhớ năm 1995 tới Madrid vào giữa tháng 8, phát điên lên vì nóng gần 40°C và chợt hiểu ra là cái thủ đô này của Tây Ban Nha không có một con sông nào chảy qua. Để xứng đáng với vị trí là thủ đô của một quốc gia dứt khoát ở đó phải có sông nước, thế  hợp với luật phong thuỷ. Chị cũng định viết về những con sông làm nên vẻ đẹp thơ mộng và mang lại ích lợi cho những thành phố ven bờ… Chúc em mọi sự tốt lành Lương nhé !


 


 




Từ: TruNN
06/12/2011 06:28:23

Thanh Lương ơi,


Quê mình có sông Lam và tuổi thơ của mình đã trải qua những cảm xúc giống như bạn vậy với hiền hòa và hung dữ của dòng sông. Đó có lẽ là điểm chung của những con sông miền Trung và miền Bắc.


Hơi đặc biệt, xã mình lại là nơi có hai làng hai bên bờ sông. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, một ngôi trường đã được xây dựng cho cả hai làng. Hàng ngày học trò vẫn qua sông bằng một con đò nhỏ bé. Bến đò được đặt ở nơi hẹp nhất của dòng sông, nhưng cũng là nơi xoáy nước dữ dội nhất vào mùa mưa lụt. Thật kỳ lạ, là chưa bao giờ ở bến đò này xảy ra sự cố gì với đám học trò. Người ta bảo đó là nhờ linh thiêng của ngôi đền Trầm Một trên gành đá, cạnh bến đò.


Tuổi trẻ mình lại có nhiều tháng trời gắn liền với những dòng sông Kinh Bắc. Những đêm đầu năm 79, vai nặng ba lô đi bộ từ Bắc Ninh dọc lên bờ đê, vượt sông Cầu, qua bến đò Vạn An-Tam Đa sang tận núi Voi, Trung Sơn. Hồi đó, cả lũ mới ngoài 20, gày và đen, đến nỗi bà hàng nước Bắc Ninh vừa cho uống nước chè vừa bảo:"Nhìn các bác bộ đội chống Pháp em thương lắm"(!)...


Sau năm đó, mình đi vào miền Nam, nơi những dòng sông hiền hòa. Đã lâu rồi không có dịp trở về Kinh Bắc, nhưng vùng đất này luôn hiển hiện trong tâm trí mình.Mình ước có ngày trở lại, qua sông Đuống, thăm lại Ngũ Huyện Khê, đến với sông Cầu...



Từ: HaiNV
05/12/2011 19:01:56

Cám ơn Lương nhiều! Lương ơi, quê mình có những con suối mà thời niên thiếu bọn trẻ con chúng mình rất thích tắm và bơi lội. Sau này đi học cấp II ở thị xã Tuyên Quang, mình lại có dịp tắm và bơi trên Sông Lô. Rồi lên cấp III lại là những con suối bên trường sơ tán và dòng sông Chảy hiền hòa... Hè năm 1979, khi mình đang làm thực tập sinh tại Ki-ép, lần đầu tiên đi tàu thủy trên hồ đập sông Đơ-nhép (Dnepr), nghe hướng dẫn viên du lịch kể về những chiến công trên con sông này của bao thế hệ người Ukraina, người Nga, người LiênXô, mình đã viết ngay trên con tàu ấy bài thơ sau đây, xin chép lại để gửi tặng những người đi xa nhớ về con sông quê hương: 


 



Nhớ con sông quê hương...


 


Trên tàu ta lướt nhanh


Đây con sông trong mát


Nước mênh mông bát ngát


Soi bóng hàng dương xanh...


 


Ơi con sông Đơ-nhép


Đã chôn bao xác thù?


Cho tiếng hát tự do


Mãi vang thành Ki-ép


 


Việt Nam ơi! quê hương


Đã bao lâu xa cách


Mà lòng ta nhớ thương


Mong sao ngày gặp mặt


 


Ta sẽ về nơi xưa


Nơi quê hương ta đó


Nơi con sông nho nhỏ


Đã tắm cả đời ta...


 


Ki-ép, Mùa hè 1979



Từ: HanhLM
05/12/2011 16:53:58

Anh Lương viết về những dòng sông đỏ quạch phù sa của miền quê Kinh Bắc với nỗi nhớ thương da diết. Phải là người nặng lòng với quê hương lắm mới viết ra được những dòng tâm sự sâu lắng như thế.


Đọc về những dòng sông có thực, mà sao em cứ như thấy dòng ký ức trong anh tuôn trào theo ngòi bút.


Cám ơn anh đã cho mọi người được trở về những dòng sông tuổi thơ của mình.



Từ: NghiPH
04/12/2011 17:18:51

Dòng sông gắn bó mật thiết với tuổi thơ của chúng ta. Quê tôi có dòng sông Chanh- một nhánh của sông  Hoàng Long. Con sông này không to lắm. Tôi đã cùng với mấy đứa bạn thi nhau bơi qua sông. Khi bơi cần bơi chếch theo dòng chảy của sông. Muốn hướng đến một điểm bên bờ phía  đối diện anh phải nhắm tới chỗ cách đấy hàng chục mét để lúc bơi dòng nước cuốn anh tới đó là vừa.


Tôi đã chứng kiến nhiều người phải nai lưng ra kéo thuyền chở hàng đi ngược dòng trông vô cùng khó nhọc, vất vả. Tôi cũng nhìn thấy có những bà, những chị chèo thuyền bằng đôi chân thoăn thoắt, thiện nghệ.


Trên bờ đê con trai, con gái dắt nhau đi qua những trảng hoa cỏ may. Trong hoàng hôn chiều tà, họ ngồi thanh thản gỡ hoa cỏ may cho nhau.


Cánh đồng bên kia sông có rất nhiều cua cá nên chúng tôi hay vượt sông sang để đánh dậm, đánh lưới, bắt cua. Khác với những cánh đồng thuộc nội đồng chỉ có cua, cánh đồng ngoài đê còn có con cáy. Con cáy nhỏ hơn, bắt khó hơn vì chúng lẩn rất nhanh. Mắm cáy do bu tôi làm ăn ngon hơn mắm cua.  


Dòng sông luôn gắn bó với cuộc sống của cư dân hai bên bờ. Dòng sông mang đến phù sa cho mùa màng bội thu. Dòng sông cho ta nguồn thực phẩm dồi dào. Dòng sông tắm mát tuổi thơ ta… Chỉ có điều đáng tiếc là các dòng sông của chúng ta đều đang ô nhiễm, tuy mức độ có khác nhau. Hãy hành động để cứu lấy các dòng sông!    



04/12/2011 16:35:25

Anh Lương đã tái xuất trên web đàn. Vẫn là những bài viết trữ tình, đậm tình yêu con người, yêu quê hương. Anh còn có nhiều album ảnh cũng theo chủ để yêu quê hương đất nước.


Đề tài dòng sông quê hương là đề tài đã được đưa vào chương trình văn nhà trường. Nhớ hồi xưa thế hệ chúng ta được học bài "Nhớ con sông quê hương" của nhà thơ Tế Hanh, bố bạn Phương CL80, mà tôi vẫn còn thuộc đến tận bây giờ.


Xin gửi ACE 2 đường link 2 bài hát về sông mà tôi hay nghe, do ca sỹ Anh Thơ thực hiện


Khúc hát sông quê


http://www.youtube.com/watch?v=KUlUIwjOweY


Dòng sông quê em, dòng sông quê anh


http://www.youtube.com/watch?v=-KqabhHT6A4&feature=related


 



Từ: GiangHV
04/12/2011 16:31:50

Thanh Lương à! Quê mình cũng có mt dòng sông- sông Hng. Nhà mình cách đê sông Hng chng na cây s. Thu nh bn chúng mình thường ra bãi sông Hng ct c v cho trâu ăn (nhà mình nuôi 2 con trâu cho HTX đ ly công đim). T đê ra mép nước sông xa lm, có nơi ti gn 1 cây s. Trên bãi sông có ch trng ngô, có ch trng mía, có ch trng đay. Song loài cây nào cũng tươi tt, cao vượt đu người. C mc dưới tán cây trng cũng rt tt, nên chng my chc đã ct đy gánh. Thế là c bn r nhau ra sông tm, lũ con gái không dám đi tm cùng vì toàn tm tiên thôi. Mình còn nh, c đến dp Tết Trung thu, thiếu nhi xã mình li lên đê sông Hng cm tri, ra bãi ngô hay bãi đay ngoài đê chơi "trn gi". Do ngô, đay tt ngút ngàn, nên đi 'quân đ" truy tìm c bui sáng mà ch dit hết ni quân s ca đi "quân xanh" nên đành nhn phn thua cuc. y vy mà đã ngót 50 năm trôi qua. Các dòng sông quê đu rt đp. Cm ơn Bn đã cho bn mình sng li vi nhng năm tháng tui thơ.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s