NGƯỜI XƯA, NGÀY ẤY BÂY GIỜ RA SAO
Các bạn ạ, ai đã từng đọc bài МОЯ ПЕРВАЯ ЛЮБОВЬ ,hẳn còn nhớ câu chuyện của Chàng và Nàng.
Và không ít những câu hỏi về Chàng và Nàng đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Người thì đoán rằng Nàng là ai? có phải là chị "nọ" ,chị "kia" không?...Có người lại lo cho Chàng,liệu có bị Nàng giận dỗi,khi đọc bài đó không? Có người thì bênh Chàng, nói rằng nàng sẽ rất tự hào "khi có người si mình đến thế".vân vân và vân vân.Vậy sự thật thì ra sao?...
Xin "bật mí" với các bạn rằng Chàng và Nàng giờ đây đã trở thành đôi "bạn đường" thân thiết, vâng rất thân, đang cùng dìu nhau bước trên con đường, trong ánh hoàng hôn tuyệt đẹp của cuộc đời. Mỗi con người chúng ta, từ buổi bình minh chào đời đến khi hoàng hôn dần buông xuống, ai mà chả mong đón những tia nắng ấm áp sưởi ấm tâm hồn. Những tình cảm chân thật, có thể còn ngu ngơ và chân quê thuở ấy, là những tia nắng ngọt ngào nhất cho tâm hồn những ai biết yêu và trân trọng tình yêu lung linh ban đầu đó. Bài viết ra đời lúc đó, sau những phút giây ban đầu bị "sốc", nhưng dần dần khi đọc lại một lần, một lần nữa,và một lần nữa...Nàng đã nhận ra tình cảm chân chất của chàng trai 19 tuổi đời đã "dám" yêu Nàng và "dám" giữ gìn mối tình đó trong tim suốt hơn 40 năm qua, cho đến bây giờ và mãi mãi.
Chả thế mà,mới gần đây thôi, đúng ngày Sinh Nhật của Nàng, Chàng đã "bí mật" gửi đến Nàng một món quà vô cùng Lãng mạn ( theo nhận định của Nàng ) nhờ sự giúp đỡ của "Cố vấn vĩ đại" mà cả Nàng và Chàng đều thầm biết ơn và yêu quý. Đã có những vần thơ rất đỗi "chân quê" của kẻ si tình mà không hề biết làm thơ gửi tới cho Nàng.Đại loại như:
Chúc em sức khỏe dồi dào.
Niềm vui, hạnh phúc,ngọt ngào trái tim.
Chúc em cuộc sống bình yên.
Mùa xuân thiếu nữ vẹn nguyên tâm hồn.
Và Chàng rất đỗi vui mừng khi biết mình đã đem lại cho Nàng một niềm vui nho nhỏ như những "bông hoa nhỏ" đang tô điểm cho cuộc đời này.
Viết đến đây,người viết mong muốn tâm sự cùng các bạn rằng, hãy trải lòng mình cho những người mình yêu hoặc đã yêu mình vì tình cảm chân thật của con tim sẽ như viên ngọc theo thời gian càng mài càng đẹp. Những nụ hồng e ấp mãi trong tim, rồi sẽ đến một ngày hé nở trong ánh bình minh rạng rỡ.
Nếu các bạn không cảm thấy nhàm chán về đề tài này, Người viết xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện tình, vô cùng cảm động của " thời kỳ cấm đoán".
Đó là vào dịp mọi người đang xốn xang chuẩn bị đón Tết nguyên đán Canh Dần.Chỉ vài ngày nữa thôi là đến Tết.Những giỏ quất chín vàng,những cành đào,cành mai đang tô điểm rực rỡ đường phố Sài Gòn,thì người viết nhận được một cuộc điện thoại từ nước ngoài bằng tiếng Nga, yêu cầu giúp đỡ một việc, mà người viết sẽ kể cho các bạn nghe dưới đây.
Một thiếu phụ người Nga, đang sống ở Kiép-Ukraina, muốn được dẫn đường tìm về quê chồng ở vùng đất mũi Cà Mau. Bởi chồng bà là người Việt đã mất cách đây chục năm trời. Ngày trước, họ yêu nhau trong thời sinh viên, khi ông là sinh viên của trường Đại học Xây dựng Kiép và bà là sinh viên trường Đại học Tổng hợp. Ông trời đã se duyên cho họ, khi bốn mắt gặp nhau trên bậc thềm của trường Đại học Tổng hợp.Thế rồi, tiếp theo là những buổi hẹn hò,g ặp gỡ lén lút...và kết quả của mối tình đó (sau khi họ nhận bằng tốt nghiệp Đại học) là cô con gái đầu lòng của họ, người vừa đáp máy bay từ Hà Lan sang Việt Nam, đang đứng cùng người viết ở sân bay Tân Sơn Nhất( cô lấy chồng người Hà Lan,và đang định cư tại Hà Lan ).
Không nói hẳn các bạn cũng đã biết. Thời kỳ đó, sinh viên Việt Nam yêu nhau còn bị cấm đoán, huống hồ lại yêu sinh viên người nước ngoài thì càng " kinh khủng". Và thế rồi sau ngày tốt nghiệp, bà đã lên Đại sứ quán Việt Nam "vật vã" xin được về Việt Nam chiến đấu chống Mỹ ( lúc đó còn đang chiến tranh ) cùng người mình yêu dấu. Không được!dứt khoát là không được!!! và trong nỗi tuyệt vọng đầm đìa nước mắt, trước tình cảnh Tình yêu tan vỡ, con đường mà ông bà phải chọn là ông "lưu vong" để được chung sống cùng bà. Kể từ đó, ông hoàn toàn mất liên lạc với gia đình và người thân ở Việt Nam. Lúc đó " lưu vong " tương đương tội " phản quốc ".
Ông lâm bệnh, ngày sắp qua đời, ông chỉ nói được với bà là ông sinh ra ở nơi tận cùng phía nam của đất nước Việt Nam. Chỉ với một lời dặn dò đó và một tấm hình ông chụp thời sinh viên, bà đã quyết tâm bay sang Việt Nam để tìm tới quê hương của chồng. Đi cùng với bà còn có ba người con: một cô ở Hà Lan, một cô đang định cư ở Mỹ và người con trai út đang sống ở Nga. Tất cả ba người con đều là " kết quả " của mối tình tuyệt vời giữa cô gái Nga và chàng trai Việt ngày ấy. Chúng tôi đáp máy bay thẳng tới Cà Mau, trong tay không có một chút thông tin gì khác ngoài tấm hình và lời dặn cuối cùng của ông khi hấp hối.
Linh tính mách bảo cho người viết phải tìm ngay đến UBND thành phố Cà Mau, nói tên ông và đưa tấm hình của ông, họa may có tài liệu lưu trữ nào nói về sinh viên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam được gửi đi học ở Liên Xô thời đó hay không. Những ngày giáp Tết, những cán bộ phòng Tổ chức Hành chính tiếp chúng tôi uể oải. Kết quả cuối cùng là không tìm thấy gì. Chúng tôi quyết định thuê ca nô về tận thị trấn Hộ Phòng, gần mũi Cà Mau.Và...như người ta thường nói: Trời Phật phù hộ cho những ai có tấm lòng thành. Trong khi ngồi ăn bún ngoài chợ, chúng tôi đưa tấm hình của ông ra xem và bàn luận sẽ làm gì tiếp theo thì có một người lớn tuổi đến nhìn chúng tôi và nói: Tôi biết người trong ảnh, ông tên là Lê văn Tắc phải không?
Được nghe dịch lại, người phụ nữ Nga mừng quá đánh rơi cả tô bún trên tay. Thế là đã có đầu mối. Chúng tôi thuê xuồng máy cùng người lón tuổi khi nãy đi về vùng Đất mũi. Trong chúng ta,đã có ai về vùng Đất mũi Cà Mau chưa? Các bạn hãy tưởng tượng, xuồng máy len lỏi trong những cánh rừng chàm ngập nước, mà tiếng Nga gọi là мангровый лес, đẹp đến sửng sốt lòng người. Đến nơi, ở quê hương ông, mọi người đã mất hay li tán đi nhiều. Chỉ còn lại một người em gái của ông, mà người dân ở đây gọi là " Dì Năm ". Dì Năm tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn mới xây. Khi nhìn thấy ảnh của ông, dì Năm chan chứa nước mắt, nói không nên lời. Rồi bà đưa những tầm hình đã úa vàng của ông Tắc chụp với gia đình khi còn nhỏ cho mọi người xem. Người viết đã chứng kiến những giọt nước mắt rơi lã chã, khi Dì Năm đưa mấy mẹ con ra thăm viếng mộ chí của những người thân trong gia đình của ông và thầm nghĩ: trong những con người đẹp đẽ kia( vì họ đẹp thật, nét đẹp của sự chọn lọc tự nhiên giữ Âu và Á ),đang tuôn trào dòng máu Việt, nên tính cách và tình cảm của họ mang đậm nét của người Việt Nam chúng ta.Và những giọt nước mắt đau khổ kia hẳn sẽ là những giọt nước mắt sung sướng khi gặp lại người thân. Nếu như không có cái "thời cấm đoán" cay nghiệt đó, còn biết bao những mối tình đẹp đẽ mà chúng ta không biết đến.
Để thaycho lời kết, Người viết muốn gửi một thông điệp đến với mọi người rằng chúng ta hãy nâng niu và quý trọng những tình cảm của thời " hoa đỏ" thuở ấy. Dù cho có "ngu ngơ", "khờ dại" hay "quê mùa" nhưng đó là những tình cảm rất chân thật như chính những câu chuyện tình lãng mạn mà chúng ta vừa chứng kiến.
Tp.HCM 12-12-2001