KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 14 Tháng mười hai. 2011

BỨC TRANH MƯA




Tác giả: Meomun

 

BỨC TRANH MƯA
 
(Tặng cháu M bé bỏng)
 
Cơn mưa cuối mùa ào đến. May mà tôi đã gần tới điểm dạy, chứ không thì lại kẹt xe, chẳng biết bao lâu mới tới nơi. Tôi đậu xe dưới tầng hầm rồi lễ mễ xách túi “đồ nghề” lên phòng học, nơi học trò đã chờ sẵn. Thấy cô giáo vào lớp, chúng nháo nhác chạy tìm chỗ ngồi, miệng chào cô râm ran.


Hôm nay tôi dạy học trò vẽ một cơn mưa. Sau khi giảng, vẽ phác họa và hướng dẫn theo “giáo án” riêng cho từng nhóm học trò mà tôi tự phân ra làm “vỡ lòng”, sơ cấp” và “trung cấp”, tôi ngồi lặng yên ngắm chúng. Đứa thì đang loay hoay với những cây cọ đủ kích cỡ, những hộp màu xinh xinh, đứa đang bặm môi vẽ theo nét phác họa của cô giáo, màu vẽ dính cả lên mũi, trông thật ngộ nghĩnh.


Học trò của tôi chưa tới chục đứa, lớn nhất là Nhím mới 11 tuổi. Bố mẹ chúng đều là dân văn phòng làm việc trong tòa nhà cao gần 20 chục tầng nằm giữa trung tâm thành phố này. Họ mượn được từ ban quản lý tòa nhà một diện tích bé tẹo, nằm khuất sau góc cầu thang tầng lửng để mỗi tuần, tôi đến dạy cho đám trẻ con 2 buổi, mỗi buổi 1 tiếng rưỡi vào cuối buổi chiều. Lúc đầu tôi chỉ có 1 học trò, sau thì người này giới thiệu cho người kia, cuối cùng thành ra tôi có tới gần chục học trò với nhiều “trình độ” khác nhau. Có đứa có chút năng khiếu như Nhím, còn đa số thì được bố mẹ cho học vẽ chỉ là giải trí, cho vui trong khi chờ bố mẹ làm xong việc cơ quan sẽ đưa về nhà. Nhưng cũng chẳng vì thế mà tôi bớt yêu cái lớp học bé nhỏ này, chúng thực sự mang lại cho tôi những phút bình yên và cả sự thú vị, sau những trải nghiệm nhọc nhằn. Cũng bởi vì kiếm tiền không phải là mục tiêu trước mắt của tôi nữa. Chợt bé Nhím lên bàn tôi, ngập ngừng:

-Con chỉ vẽ được một người đi trong mưa thôi ạ! Cô cho phép con…


Tôi bảo Nhím: “-Với con, cô có yêu cầu cao hơn, cô muốn xem con bố cục thế nào nên mới yêu cầu con vẽ 3 người.” Nhím ngước mắt nhìn tôi, đôi mắt nó đã ầng ậc nước. Tôi chợt mủi lòng: “- Ừ thôi, con cứ vẽ theo ý con, để cô xem thế nào…”
Nhím là học trò “ruột” của tôi, đã học tôi được gần ba năm nay. Có lần tôi bảo mẹ nó: “- Chị thấy cháu có năng khiếu, em nên khuyến khích cháu, biết đâu sau này thành họa sĩ!” Hôm ấy, nói câu ấy xong tôi chợt thấy sượng sùng. Thuở nhỏ, tôi đã từng bị ba tôi đánh cho những trận đòn thừa sống thiếu chết khi không chịu “học hành cho tử tế” mà lại mê cầm cọ. Cả tuổi trẻ của tôi lấm lem trong màu vẽ và những chuyến đi thực tế vất vả, nhiều khi bụng sôi óc ách vì không có tiền mua nổi một ổ bánh mì. Tôi đã nuôi dưỡng niềm đam mê khó sẻ chia ấy chỉ bằng những gói mì tôm, những bữa cơm đạm bạc, vì tiền đã được đổi thành toan, cọ, màu vẽ… Hàng chục năm trôi qua, những bức tranh mà tôi vẽ từ nước mắt, mồ hôi và cả nỗi cô đơn chỉ được xếp ở dưới gầm cầu thang chung cư. May mà hồi ấy tôi còn có việc là dạy họa cho một nhà văn hóa thiếu nhi, dù với đồng lương còm nhưng cũng giúp tôi tồn tại qua ngày để theo nghề và nuôi con gái khôn lớn. Để sinh nhai, với thù lao rẻ mạt, tôi cũng đã từng ngồi còng lưng, mờ mắt “chép” các tác phẩm của các danh họa thế giới theo đơn đặt hàng, khi cuộc sống của đa số người dân bắt đầu khá lên, người ta bắt đầu treo tranh trong nhà, dù chỉ là tranh chép. Có những bức tranh mà tôi phải “chép” nhiều đến mức tôi nhớ từng chi tiết nhỏ mà không cần nhìn vào tranh mẫu trước mặt. Nhưng cay đắng là các cuộc triển lãm, các nhà phê bình hội họa dường như không thấy có sự tồn tại của tôi với tư cách là một họa sỹ, của những bức tranh tôi vẽ dường như cả bằng tất cả nỗi say mê, tìm tòi sáng tạo lẫn khát khao thành công. Một thời gian dài, tôi chìm nghỉm trong sự đánh giá của giới nghệ thuật. Ai đó còn nói với giọng châm biếm:- Tranh của chị chắc để thế hệ sau thưởng thức…


Thế rồi chẳng hiểu số phận thế nào mà gần chục năm nay, tôi bắt đầu bán được tranh, như sự bù đắp cho những cố gắng không mệt mỏi của tôi. Thiên hạ nói tôi đổi đời, có lẽ cũng đúng. Nhớ ngày nào tôi đã run lên, ngỡ tưởng mình đang mơ khi nhận từ một bác Việt Kiều già 200 Đô la cho bức tranh đầu tiên bán được trong đời và sau đó, tranh của tôi cũng dần tăng giá, vài bức đã được triển lãm ở trong nước và nước ngoài. Như được tiếp liều doping, tôi lao đầu vào vẽ, cứ như thể ngày hôm nay là ngày cuối cùng của tôi trên cõi đời này. Có những bức tranh tôi tạm thấy hài lòng vì đó là lao động sáng tạo thực sự, nhưng cũng có những bức chỉ thuần túy là theo sự đặt hàng, vì tôi đã có chút tên tuổi. Tuy thế, trong những giấc mơ của tôi vẫn đan xen những mảng màu, những hình khối và những khoảng ánh sáng ma mị mà tôi hiểu là sẽ ám ảnh mình suốt cả cuộc đời, ám ảnh về một bức tranh chưa vẽ, bức tranh để đời- mơ ước của bất cứ người họa sỹ nào. Tôi cũng chua chát nhận ra rằng, trong khi chờ đợi có được bức tranh để đời thì phải hy sinh bớt cái kiêu hãnh nhiều khi đến cực đoan của người nghệ sỹ để chiều theo thị hiếu thiên hạ, để theo nhu cầu thị trường, mà không phải lúc nào cũng là thước đo, là phản ánh đúng giá trị thực cho tác phẩm của mình. Từ ngày có chút thành công, có chút tiền để không bị gọi là “họa sĩ nghèo”, tôi không còn thời gian dạy vẽ ở nhà văn hóa thiếu nhi nữa. Tiền đẻ ra tiền, tôi đổi được căn hộ chung cư cũ thành một ngôi nhà trong một khu đô thị mới, đổi xe 2 bánh bằng xe bốn bánh và cho đứa con gái duy nhất đi học ở nước ngoài. Nhưng… tôi đã không giữ được chân người ấy, người đã cùng tôi chung vai đi qua một thời gian khó. Người ấy mang theo cái vali nhỏ gọn - hành trình của một cuộc hôn nhân 20 năm biến vào trong một cái taxi giữa một buổi chiều mưa, sau khi quay đầu nhìn lại ngôi nhà của chúng tôi trong giây lát. Tôi nhớ cảm giác thật trống rỗng, không thù hận của mình khi đứng trên bancon nhìn xuống, mặc cho những giọt nước mưa hắt vào mặt. Bỗng chốc tôi thấy mọi thứ gần như vô nghĩa: tiền bạc, sự nghiệp và cả nỗi đam mê từ thuở tóc còn xanh với niềm khao khát khẳng định mình...
Lúc ấy, giá tôi khóc được, biết đâu sẽ giữ được người ấy ở lại.



Tôi đã gặp mẹ con Nhím trong một cuộc triển lãm tranh. Bên cạnh người mẹ còn khá trẻ, lịch lãm trong bộ đầm vét với dáng đi nhanh và quyết đoán, tôi ấn tượng với cô bé chừng 8-9 tuổi nhưng khá cao, hai cánh tay lòng khòng, cặp kính cận dày cộm. Hôm ấy, Nhím đứng hàng chục phút ngắm một bức tranh. Nó tiến lên phía trước, rồi lại lùi lại, dịch qua phải, qua trái để quan sát, miệng lẩm bẩm gì đó. Những bức tranh như có một ma lực, khiến con bé cứ đứng thẫn thờ. Tôi đọc trong mắt nó sự si mê và cả sự tần ngần của nó trước mỗi bức tranh. Mẹ Nhím sau khi biết tôi là họa sỹ, lại đã từng dạy vẽ ở nhà văn hóa thiếu nhi nên năn nỉ tôi đến nhà dạy vẽ cho nó với mức thù lao kha khá. Trước đó, nó vẫn học vẽ ngoại khóa ở trường, nhưng gia đình không có người đưa đón thường xuyên nên có hôm phải nghỉ học. Tôi lúc đó đang buồn, có thời gian rảnh rỗi, vả lại vẫn yêu nghề sư phạm nên đồng ý.
Căn hộ chung cư cao cấp, trang trí hiện đại cho thấy chủ nhân là người thành đạt. Nhím là cô bé sáng dạ, lại ngoan nên tôi rất mến. Điều làm tôi chú ý là những bức tranh của Nhím luôn chỉ có một nhân vật, đó là Nhím. Nhiều lúc thấy nó lủi thủi có một mình, không dám nói to trong khi mẹ nó về đến nhà lại tiếp tục mở máy ra làm việc, tôi thấy nao lòng. Hai mẹ con luôn về muộn nên giờ học cũng thường xuyên bị ảnh hưởng. Có hôm, tôi chờ cả tiếng mới thấy hai mẹ con về đến nhà. Mẹ nó xin lỗi rối rít vì có công việc khẩn quá, rồi hôm sau cũng lại thế. Được ít lâu, tôi đề nghị: “- Hay là cuối giờ, em đón cháu ở trường về công ty, chị sẽ tới dạy cháu? Như thế tiện cho em, cả cho chị nữa!”
Do dự rồi mẹ Nhím cũng đồng ý. Tôi bảo mẹ Nhím là nếu chuyển chỗ học mới thì Nhím sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người nên có thể Nhím sẽ vui vẻ hơn. Trong thâm tâm, tôi vẫn biết là dạy ở nhà Nhím thì tiện cho tôi hơn, nhưng tôi sợ cảm giác trống trải trong căn hộ rộng lớn ấy. Nhiều khi tôi nghe cả chính tiếng mình vọng lại khi giảng bài cho Nhím. Tôi đã chạy trốn nỗi cô đơn của mình, để rồi nay tôi lại gặp lại trong căn hộ của mẹ con Nhím - nỗi cô đơn 2 người.
X x
x
Biết Nhím vẽ khá nhưng tôi thực sự có ấn tượng mạnh khi xem bức tranh mưa của Nhím. Nét vẽ còn vụng dại, xử lý màu chưa hẳn đã nhuần nhuyễn nhưng tôi đọc thấy trong bức tranh của Nhím nhiều điều hơn thế. Một buổi chiều với nền trời tím sẫm. Những giọt mưa màu xám, xiên dài trên phố, một ngôi nhà ẩn hiện qua làn mưa. Như mọi lần, chỉ có đúng một nhân vật, tâm điểm của bức tranh. Một cô bé lầm lũi đi trong mưa, đầu hơi cúi, mắt cụp xuống và đôi vai so lại. Cô bé khoác cái áo mưa có chấm bi màu hồng mà bức tranh vẫn buồn và lòng tôi nặng trĩu. Tràn ngập trong bức tranh là nỗi cô đơn, nỗi cô đơn của một con bé 11 tuổi. Bức tranh buồn hơn cả giọt nước mắt.
Mẹ Nhím bảo đã đóng khung bức tranh mưa của Nhím để treo trong nhà, nhưng Nhím đã mang tặng bố nó.

(ảnh lấy từ Internet)

Gần Noel rồi mà Sài Gòn vẫn mưa. Cơn mưa cuối chiều chụp đến giữa lúc tôi đang đi bộ lang thang trên đường gần tòa nhà mẹ Nhím làm việc, nơi tôi vẫn thường đến dạy trẻ con học vẽ vào chiều thứ Ba, thứ Năm hàng tuần. Không áo mưa, không dù, tôi đành chạy vào sảnh trú tạm. Xung quanh tôi, vài ba người cũng đang chờ tạnh mưa để về nhà sum họp với gia đình sau một ngày làm việc mệt mỏi. Còn tôi, ở nhà không có ai chờ tôi cả.


Bỗng tôi giật mình vì có tiếng thút thít ngay sau cái cột to gần chỗ tôi đứng. Giọng con gái. Tôi liếc qua thấy dáng một người đàn ông cao lớn đang ôm vai cô gái nhỏ, an ủi, vỗ về. Có lẽ là một cặp tình nhân. Tiếng thút thít to dần và xen lẫn những câu kể lể, dồn dập kiểu trẻ con, không rõ nội dung nhưng đầy vẻ hờn tủi. Dường như người đàn ông thấy ngại nên bảo cô bé câu gì đó, khiến cô bé cố nín khóc và hé mắt nhìn xung quanh với vẻ ngượng nghịu. Tôi ý tứ đi vòng ra phía trước. Bỗng chốc, dường như có một luồng điện, một nhát dao sắc lẻm vụt qua tim tôi, nhói đau. Nhím của tôi! Nó vẫn mặc bộ đồng phục ở trường, đang gục đầu vào ngực người đàn ông thổn thức, đôi vai nhỏ run rẩy. Tôi nhận ra đó là bố Nhím, không khác gì so với tấm ảnh hai cha con để trên bàn học của Nhím. Dạy Nhím một thời gian khá lâu nhưng hôm nay tôi mới thấy bố Nhím. Phải rồi, hôm nay là chiều thứ Sáu, ngày mà theo lịch, cha con Nhím gặp nhau hàng tuần. Mẹ nó sau này mới cho tôi biết điều đó, khi có lần tôi đề nghị học bù vào chiều thứ Sáu. Thường tôi vẫn thấy mới buổi học vẽ ngày thứ Năm mà Nhím đã bồn chồn, không tập trung. Hóa ra Nhím chờ chiều thứ Sáu để được gặp bố, cuộc gặp đã được người lớn lên lịch sẵn. Mẹ Nhím bảo, cứ chiều thứ Sáu, dù bận mấy thì bố vẫn đến đón Nhím, hôm thì đi ăn tối, đi nhà sách, hay đi chơi đâu đó. Nếu mẹ Nhím không bận thì trong buổi tối thứ Sáu ấy, cả ba người lại cùng đi với nhau như bao nhiêu gia đình hạnh phúc khác. Rồi sau đó, bố sẽ nhẹ nhàng mở cửa xe ô tô nhưng người ngồi sau vô lăng lại là mẹ Nhím. Bố sẽ chờ cả hai mẹ con lên xe xong xuôi, cẩn thận đóng cửa xe và vẫy tay chào hẹn gặp lại, vui vẻ và chu đáo như ngày nào.
Mắt tôi đang nhòa đi và sống mũi cay cay. Tôi bỗng ngạc nhiên bởi đã lâu rồi tôi không khóc nổi nữa. Có lẽ tôi cũng như nhiều người đàn bà khác, cả cuộc đời cứ trượt từ nỗi buồn này sang nỗi buồn khác, từ nỗi cô đơn này sang nỗi cô đơn khác. Nhiều khi, tôi cũng cảm giác trong nỗi buồn của người khác thấp thoáng đâu đó bóng dáng của mình, nỗi buồn của mình, bức bối, không thoát ra được. Không biết từ bao giờ, những gam màu nóng dần dần biến khỏi bức tranh tôi vẽ, thay vào đó là những màu trầm buồn. Tôi bỗng lo lắng, vì chợt nhận ra dù tôi không chủ định nhưng Nhím đã phần nào chịu ảnh hưởng bởi phong cách thể hiện ấy của tôi trong các bức tranh nó vẽ. Ám ảnh tôi là hình ảnh cô gái nhỏ cúi đầu đi trong bức tranh mưa, đôi vai cụp xuống, nhẫn nại và cam chịu, dường như đang run lên vì lạnh hay vì âu lo trước cả chặng đường mưa phía trước. Tôi chỉ muốn ôm lấy đôi vai nhỏ ấy, đôi vai dường như gánh cả nỗi buồn của tôi, cả nỗi cô đơn mênh mang vời vợi trong đôi mắt đẹp của người mẹ - người chỉ còn biết lao đầu vào công việc để quên hết mọi chuyện. Tội nghiệp Nhím, tôi bất giác thở dài. Cả tuần, chắc Nhím đã chờ đợi buổi tối thứ Sáu này biết bao, thế mà bây giờ trời lại mưa không dứt. Mưa sầm sập khiến ánh điện đường trở nên mờ hơn và nền đường sẫm tối, loang loáng nước. Xung quanh tôi có người sốt ruột đã đội mưa chạy ra ngoài đường đón xe taxi về, hối hả, bận rộn.


Tôi vẩn vơ. Người ta nói “sau lưng một người đàn ông thành đạt là bóng dáng của một người đàn bà”. Còn sau lưng một người đàn bà thành đạt, nhiều khi chỉ có nỗi cô đơn. Thấm đẫm, vô tình như những cơn mưa.
 

SG, cuối thu 2011


Người post: VanNH

Ngày đăng: 14-12-2011 10:10






Xem 1 - 10 của tổng số 38 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Meomun
09/08/2013 08:20:45

@Guest Hoàng: Xin lỗi hôm nay tôi mới thấy "còm" của Guest Hoàng. Ban đầu tôi hạ xuống vì muốn chỉnh sửa chút ít, nhưng lần lữa mãi vẫn chưa xong, mà cũng lại bí chẳng biết có nên sửa lại hay không. Tôi sẽ post lại, cám ơn Guest Hoàng đã quan tâm đến cái truyện từ lâu lắc này của tôi. 



Từ: Guest Hoang
03/08/2013 10:05:54

Truyen nay dau roi, co the post len duoc khong, xin cam on. 



Từ: Meomun
09/05/2012 15:33:23

Thấy chị Thoa, anh Minh nói chuyện lương và hạnh phúc, em cũng muốn xen vào quá! Chị Thoa đang rất hạnh phúc, vì chị Thoa được cầm thẻ của a Dũng, tức là lương rồi còn gì, vì thẻ để trường chuyển trả lương qua TK. Theo chủ trương tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt (non-cash payment) của Ngân Hàng nhà nước và phù hợp với thời đại @ thì anh chị đã đi trước 1 bước, lại vẫn đảm bảo "tinh thần"trong còm của chị Nga : "Người vợ thích nhất khi cầm lương của chồng, và người chồng thấy hạnh phúc nhất khi đưa tiền cho vợ"  



Từ: MinhCK
09/05/2012 15:16:46

Chị Thoa ơi! Chỉ sợ chị không muốn sửa, chứ sửa thì quá dễ, chỉ cần anh ấy chịu khó theo chị một lần thôi là mọi chuyện đâu vào đấy ngay (kinh nghiệm bản thân đấy). Chúc anh, chị thành công.



Từ: ThoaNP
07/05/2012 01:31:53

Tự nhiên hôm nay vô tình đọc còm của NgaHT thấy có câu 'Người ta hay nói: "Người vợ thích nhất khi cầm lương của chồng, và người chồng thấy hạnh phúc nhất khi đưa tiền cho vợ".'.


Tự kiểm điểm bản thân thấy mình ác quá, đã tước hoàn toàn niềm hạnh phúc đó của ông Dũng chồng mình rồi.


Mình giữ thẻ ATM mà Trường trả lương cho ông ấy, nên cứ đều đặn đến ngày là rút lương về tiêu. Chàng thậm chí còn không biết cả PW và cách dùng thẻ nữa cơ (chưa từng lần nào tự đi rút tiền cả). Làm cách nào sửa sai đây!



Từ: MinhCK
08/03/2012 09:26:07

Những cơn mưa rào trái mùa của HN lại làm tôi nghĩ đến bài "Bức tranh mưa". Nếu nói về mặt nghĩa đen thì nó chẳng ăn nhập gì với nhau cả, ngay cả người "com" này trong tâm trạng như thế nào cũng không ăn nhập với "BỨC TRANH MƯA" hay trời mưa HN. Nhưng sự đời là thế, có khi tâm trạng lại đưa người ta về với những gì của tình yêu trong những cơn mưa. Tôi tự nhiên lại nhớ đến mấy câu thơ của cái ngày xưa mình đã yêu, rồi không được yêu:"Mưa bay trên tóc, Mưa cài hoa cau, Mưa gì??? trời khóc. Để mình anh đau... ". Cám ơn Vân đã  cho anh nhớ lại những cái gì của ngày xưa ấy mà có muốn cũng không bao giờ trở lại nữa. Mưa thường hay đem lại cho người ta nỗi buồn, sự cô đơn và như Châu nói thì sự cô đơn ấy lại hay mang đến một thành công nào đó trong cuộc đời, cho nên nhiều khi đúng đấy cần thiết phải có sự cô đơn.



Từ: Meomun
20/12/2011 13:23:55

Cám ơn anh Châu, lâu không thấy anh trên KGU. Bài của Cao Hành Kiện hay, nhưng có nhiều khái niệm em không hiểu như "kiến khảo tự ngã". Cũng có thể suy luận, nhưng sợ võ đoán, anh có "nguồn" thì cung cấp cho em với!



Từ: ChauHM
18/12/2011 10:32:49


Meomun và nữ đại sứ HuyềnBT liên tục cho ra những truyện ngắn rất hay, chứng tỏ các lớp chuyên văn ngày xưa đã làm tốt nhiệm vụ ươm mầm của mình. Xin cám ơn các nữ văn sĩ của chúng ta.


Châu đồng ý với ý kiến của một số anh chị là nghệ sĩ thường cô đơn và trạng thái cô đơn rất cần để cho nghệ sĩ sáng tác, Châu xin gửi một bài viết rất hay của Cao Hành Kiện (Giải thưởng Nobel văn học năm 2000) về sự cô đơn.



SỰ CẦN THIẾT CỦA CÔ ĐƠN


Diễn văn nhân dịp lãnh giải thưởng "Golden Plate Award" tại International Achievement Summit (Hội Nghị Thượng Đỉnh về Thành Tựu Quốc Tế) lần thứ 41 của American Academy of Achievement, tổ chức tại Dublin vào ngày 8 tháng Sáu 2002.


Cảm giác cô đơn là thuộc tính độc đáo của con người. Một cái cây hay một con chim có vẻ như đang cô đơn, nhưng đó là một cảm giác mà kẻ quan sát đã gán cho chúng. Cảm giác này xảy ra khi một con người đang ở một mình, và, bị tác động bởi xúc cảm của chính mình, y liên kết trạng huống của riêng mình với trạng huống của con chim hay cái cây trước mắt mình. Vì cảm giác này gắn liền với một yếu tố thuộc về việc kiến khảo tự ngã, nó không phải là một sự chiêm nghiệm thuần tuý khách quan. Sinh ra như thế, cảm giác cô đơn là một dạng thức thẩm mỹ, qua đó, trong lúc đang quan sát hoàn cảnh ngoại giới của mình, người ta đồng thời kiến khảo cái tự ngã ở bên trong, và ở một chừng mực nào đó thì đây là một sự khẳng định phẩm giá bản thân.


Cảm giác cô đơn này, mọc lên từ lòng tự yêu mình, có thể gây ra thái độ tự thương hại hay dẫn đến sự lừa dối, và thậm chí có thể hoá thành thứ xúc cảm nông nổi thái quá. Nếu không còn mối quan tâm về ngoại giới, cảm giác này có thể biến thành một mớ rối rắm trong tâm hồn và trở nên một nỗi bi thống làm sinh ra lòng khinh mạn và cố chấp.


Để tiếp nhận sự thú vị từ cảm giác cô đơn thay vì để cho nó trở thành một nỗi bi thống, ta phải kiến khảo cả những gì ở bên ngoài và những gì ở bên trong — nói cách khác, dùng một con mắt khác để lặng lẽ quan sát thế giới ngoại tại cũng như thế giới nội tại của chính mình. Con mắt thứ ba này — con mắt có khả năng vượt lên trên những giới hạn của bản thân — chính là cái mà chúng ta vẫn gọi là ý thức, hay thậm chí là tuệ thức.


Tuy nhiên, tuệ thức hay ý thức cũng sinh ra khi ta có khoảng cách — nói cách khác, khi ta lùi lại một bước. Chúng ta cần một khoảng cách nào đó để có thể thấy rõ và phán đoán chính xác về con người và các sự kiện.


Cô đơn không chỉ là một phán đoán mang tính thẩm mỹ, bởi nó cũng có thể biến thành một động lực. Vì nó đặt tiền đề trên sự khẳng định phẩm giá bản thân, nó góp phần thúc đẩy cá nhân vươn tới và vượt qua những khó khăn, hay theo đuổi một mục đích đặc biệt.


Chỉ khi một đứa trẻ đối diện với cô đơn, nó mới bắt đầu trở thành một người lớn; và chỉ khi một con người đối diện với cô đơn, y mới trưởng thành. Cô đơn thì rất cần thiết cho người đến tuổi thành niên. Nó khuyến khích sự độc lập, và tất nhiên, để làm tăng sức mạnh nhân cách trong những hoàn cảnh xã hội thì khả năng chịu đựng cô đơn là điều không thể thiếu.


Thật tệ hại nếu không có cái khoảng cách thiết yếu này giữa cá nhân và những người khác, nếu lúc nào cũng phải chen chúc với mọi người — dù trong một gia đình hay trong một tập thể khác. Hơn nữa, việc cộng sinh đòi hỏi sự cao thượng và cảm thông, và những phẩm tính này tuỳ thuộc vào chúng ta có đủ không gian thích hợp giữa bản thân và người khác hay không.


Mở rộng hơn nữa, cô đơn là một điều kiện tiên quyết cho tự do. Tự do tuỳ thuộc vào khả năng tư duy phản tỉnh, và tư duy phản tỉnh chỉ có thể bắt đầu khi con người ở trong cô đơn.


Thế giới không chỉ gồm có những cặp nhị phân — đúng hay sai, đồng tình hay phản đối, chính trị khéo hay hay chính trị không khéo. Trước khi chọn lựa, chẳng có hại gì nếu ta lưỡng lự và để dành ra một chỗ nho nhỏ cho tư duy phản tỉnh độc lập.


Khi những ý thức hệ, những trào lưu ý tưởng, những trò thời thượng và những trò điên khùng đang ngự trị khắp nơi, thì chính sự cô đơn khẳng định sự tự do của mỗi người.


Trong cái thế giới ồn ào hối hả hôm nay, sự tuyên truyền qua phương tiện thông đại chúng đang lan rộng khắp mọi nơi, thì nếu đôi khi một cá nhân muốn lắng nghe tiếng nói của trái tim mình, y sẽ cần sự hỗ trợ của cảm giác cô đơn. Cho đến khi nào cô đơn không biến thành một thứ bệnh, nó là điều cần thiết cho mỗi cá nhân để xác lập chính mình và để đạt đến những thành tựu.


Tôi xin cảm ơn tất cả quý vị hiện diện hôm nay tại cuộc hội nghị lừng danh này đã kiên nhẫn lắng nghe tôi nói về những ý nghĩ mà tôi đã thâu thái được từ những kinh nghiệm của bản thân. Tôi tin chắc rằng tất cả quý vị cũng có những ý nghĩ như thế.





Từ: ThongNV
17/12/2011 20:22:43

@ Meomun: Người làm nghệ thuật chuyên nghiệp có cái nhìn riêng, bố cục tác phẩm hay trình diễn tác phẩm khác với người nghiệp dư. Tuy nhiên, đôi khi đọc tác phẩm của người viết nghiệp dư (hay nghe những người không phải ca sĩ hát) lại thấy cái duyên riêng, cái hồn nhiên đáng yêu.



Từ: Meomun
17/12/2011 13:40:27

Cám ơn các chị đã chia sẻ. Đúng là phụ nữ mình cảm nhận theo cách rất riêng, rất phụ nữ. Thực ra tham vọng của em (như đã trình bày trong cái còm số 7 của em) là muốn thể hiện cái cô đơn của người nghệ sỹ, những khát vọng, những mất mát, được còn của họ. NHưng có lẽ em không thành công khi thể hiện những ý tưởng ấy.


Còn đây là một "còm" của một nhà văn có tên tuổi (không phải nhà văn như cỡ ông NMH, hihi) gửi qua email sáng nay. Em xin phép được giới thiệu để các anh chị tham khảo xem dưới con mắt của người viết chuyên nghiệp thì vấn đề nên xử lý ra sao:


"Đọc cái truyện của V. Dễ đọc. Cuốn. Và đọc một mạch. Cảm xúc chưa đủ để rưng rưng nhưng nó âm ỉ lan tỏa. Cảm giác đó được coi là thành công của truyện. Nhập tâm trạng hai cô trò thành một là điều mạo hiểm nhưng ở câu chuyện này đã thoát được.


Nhưng nếu là anh sẽ chọn cách khác. Tôi giàu có, tôi hạnh phúc, tôi dạy trẻ chỉ là vì đam mê rồi gặp Nhím. Cô học trò bướng bỉnh chỉ vẽ một người trong mưa theo cách của mình không nghe theo yêu cầu của cô. Rồi cô bực mình, quát nạt dù vẫn công nhận bức tranh đó đạt. Rồi một ngày phát hiện ra Nhím tặng tranh cho người đàn ông là bố. Òa vỡ mọi thứ. Và chợt ngộ ra vì sao Nhím lại thế. Ngộ ra thứ hạnh phúc mình tưởng không phải vậy. Nhưng như thế lại là anh viết mất rồi."


 


 



Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s