KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 23 Tháng mười hai. 2011

NỖI ĐAU MÙA GIÁNG SINH




Tác giả: NGUYỄN TẤN ĐỊNH

NỖI ĐAU MÙA GIÁNG SINH

Dâng lên Hương Hồn những người đã khuất mà tôi yêu quý


Hồng Hải kém tôi khoảng ba tuổi. Hai anh em cùng học ở Ô-đet-xa vào những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Về nước, hai anh em cùng đơn vị nên khá thân nhau. Đến lúc này Hải mới có dịp kể cho tôi nghe một cách cụ thể chuyện mẹ cùng bốn em của Hải bị thảm sát trong đêm đầu tiên của trận tập kích bằng B-52 của Mỹ vào Thủ đô Hà Nội mùa Đông năm 1972 như thế nào.

Ngay trong đêm đầu tiên của đợt tập kích, đêm 18 rạng ngày 19 tháng 12, Gia Thụy Gia Lâm đã phải hứng chịu tổn thất lớn lao sau loạt bom rải thảm nhằm hủy diệt Hà Nội. Trong đó gia đình Hải là một trong những gia đình chịu tổn thất lớn nhất, mẹ và bốn đứa em của Hải bị chết do sức ép của bom cùng trong một căn hầm.

Trong những ngày này bố của Hải đang ở một đơn vị chiến đấu, chị gái trên Hải trực chiến ở Hà Nội, em gái sau Hải mới nhập ngũ, em vừa tròn tuổi 17. Khi ba bố con được tin, người trước kẻ sau về đến nơi thì đã quá muộn. Như bà con trong thôn kể lại thì khi đưa được năm mẹ con ra khỏi hầm, thi thể người nào cũng vẫn còn mềm và ấm.

Có dịp sang Nghĩa trang Gia Thụy vào những ngày Đông cuối năm này, bạn sẽ được chứng kiến cảnh người dân ở đây đi tảo mộ đông đến như thế nào. Đa số họ là người thân của những nạn nhân bị thảm sát bởi B-52 của Mỹ trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, bà con đang chuẩn bị cho ngày giỗ chung của cả làng cả xã.

Tôi đã đến đây rất nhiều lần, vậy mà lần nào cũng rưng rưng, lần nào cũng không cầm lòng được. Bạn thử hình dung là bạn đang đứng ở đó, trước mặt bạn là năm ngôi mộ cùng xây chung một nền với độ cao hơn một mét, trên đó bạn nhìn rõ ảnh chân dung của cả năm mẹ con. Ở chính giữa là mộ của mẹ, chân dung mẹ nói rằng mẹ còn khá trẻ, năm ấy mẹ 48 tuổi. Nằm sát ngay bên phải mẹ là út Hạnh, Quý Hạnh mới 5 tuổi, cạnh Út là chị Hòa, 13 tuổi. Sát ngay bên trái mẹ là Trọng Hưng 8 tuổi, và cạnh Hưng là Mạnh Hùng vừa tròn 10 tuổi. Ngắm nhìn những khuôn mặt bầu bĩnh, tươi tắn, hồn nhiên của các em, trái tim như thắt lại, và lòng bỗng quặn đau. Tôi những muốn đi thật nhẹ đến bên bạn, đặt tay lên vai bạn, và thầm thì vào tai bạn "Thôi nín đi, đừng khóc nữa...".

Nhưng rồi, có lẽ đã quá sức chịu đựng khi bạn sang thắp hương cho Hồng Hải, nằm cách đó khoảng mươi bước chân. Bạn đã chẳng thể giấu được nỗi xúc động, đôi vai bạn đang rung lên, và hai dòng nước mắt đang lăn dài trên má. Hải ra đi vì căn bệnh suy thận quái ác vào một ngày tháng 10 năm 1991, đến nay là vừa tròn hai chục năm. Thời gian trôi nhanh quá...

 



Một lần, vào dịp Giáng Sinh năm ấy tôi đã đưa con trai tôi đến đây. Đến đây để con tôi hiểu rằng, nỗi đau là không của riêng ai. Bà ngoại của các con tôi cũng bị thảm sát dưới hầm bởi bom Mỹ vào năm 68. Đêm ấy trong làng bị bom Mỹ cướp đi mạng sống của rất nhiều người, nhưng trong gia đình thì chỉ một mình Bà ngoại dính bom. Còn ở đây những 5 người, năm người trong cùng một gia đình!

Những năm trước tôi thường sang thắp hương vào đúng ngày 18 tháng 12 hoặc vào dịp Giáng Sinh. Mấy năm gần đây, theo lời khuyên của các cụ tôi thường sang viếng trước ngày Giỗ một vài ngày. Ngày Giỗ mẹ và bốn em của Hồng Hải được tính theo lịch Âm là ngày 14 tháng 11. Như thế, hợp với tập quán của dân tộc mình hơn.

Cho đến bây giờ, đã mấy chục năm trôi qua rồi mà tôi vẫn không sao hiểu nổi tại sao Hoa Kỳ, một quốc gia luôn tự nhận là văn minh và kính Chúa, lại chọn mùa Giáng Sinh để ra tay mở một cuộc thảm sát đẫm máu trong suốt 12 ngày đêm. Rốt cuộc họ đã thất bại -  không ai có thể qua mặt được Chúa.

Và cũng bởi, Đức Chúa Trời luôn công bằng!

Một chiều Đông 2011

Top of Form

Bottom of Form

Top of Form

Bottom of Form

Top of Form

Bottom of Form

Top of Form

Bottom of Form


Người post: MinhCK

Ngày đăng: 23-12-2011 09:09






Xem 1 - 10 của tổng số 13 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: HoaNT
26/12/2011 11:10:02

Mình còn nhớ những ngày này năm 1972 là bọn mình đang học năm thứ nhất, thày Migal lúc đó là chủ nhiệm lớp mình và hàng tuần cứ đến trưa thứ 2 là bọn mình có giờ политика, thày Migal là Gs. môn hoá lý, nổi tiếng với các công trình khoa học đóng góp trong chiến tranh thế giới thứ 2, thày rất yêu học sinh VN nhưng thày hiền và bị nặng tai do tuổi già nên lúc thày giảng giải trong giờ sinh hoạt  lớp thì bọn con gái CL77 rất hay nói chuyện riên chẳng nghe thày giảng giải gì. Thấy bọn mình mất trật tự quá có một hôm thày nghiêm mặt nói với chúng mình rằng" Các cô gái VN này nói chuyện gì mà nhiều thế có biết rằng Mỹ nó bỏ bom lên đầu người dân Hà Nội không? Nghe thấy thế bọn mình giật mình, hỏi lại vì hồi đó chúng mình có biết tình hình  thời sự gì đâu, trong phòng đài toàn nói tiếng Môn chẳng hiểu gì.Nghe thày nói Mỹ ném bom B52 xuống Hà Nội tàn phá ác liệt, lúc đấy cả 9 đứa con gái CL77 toàn người HN sợ và lo lắng quá khóc ầm ĩ lên. Hơn một tháng sau nhận được thư nhà mới thấy yên tâm vì không có ai bị sao nhưng buồn vì phố Khâm Thiên là phố mà nhà Thục lớp mình ở đó bị thiệt hại nặng nề.  Lúc về VN mình thường xuyên đi qua tượng đài của phố này. Chiến tranh khốc liệt thật.



Từ: KhanhT
26/12/2011 10:25:30


Noel ở Hà Nội vừa qua, dù là đã vào thời đổi mới nhưng cũng không thể là một ngày hội đầy đủ ý nghĩa của nó mà đâu đó vẫn lắng đọng một tâm tư, một nỗi buồn, không chỉ lạnh vì giá rét mà còn vì vấn vương thương nhớ những linh hồn mất đi từ Noel 1972 ấy. Và dù dặn lòng phải xếp lại quá khứ nhưng không thể nào quên.


Câu thơ của Nguyễn Duy mà ThaoDP trích chỉ “độc đáo” thôi, phe nào thua thì nhân dân vẫn bại, cứ gì phe thắng. Loài người chỉ mới bước đến ngưỡng của văn minh mà. Bởi vậy người ta luôn kêu gọi kiến tạo hòa bình đó sao? Chỉ có hòa bình thì mọi người cùng thắng... Ông Nguyễn Duy nổi tiếng có nhiều thơ “độc đáo”, thơ gió, thơ thư pháp... Độc đáo nhứt là bài: “Miền Bắc có lắm thằng điên/Trong túi có tiền nó bảo rằng không…”



Từ: ThaoDP
25/12/2011 11:32:16

 


Nghĩ cho cùng trong mọi cuộc chiến tranh,


Phe nào thắng thì nhân dân đều bại.


           Nguyễn Duy ( Đá ơi)



Từ: NghiPH
24/12/2011 18:28:08

Xin thắp nén hương tưởng nhớ những người đã từ giã cõi đời bởi bom đạn Mỹ vào Mùa Giáng sinh năm 1972!


Thời điểm đó tôi cùng đồng đội đang ở Quảng Trị, gần khu Thánh địa La Vang.


Cầu chúc một Giáng sinh an lành cho tất cả NgườiKGU!



Từ: HaiNV
24/12/2011 06:58:32

Bài viết của anh Tấn Định gợi nhớ lại trong mỗi chúng ta ký ức về những năm tháng đau thương, mất mát của cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra đối với nhân dân ta, đất nước ta. Xin chia sẻ những đau thương, mất mát quá lớn của gia đình người bạn học của anh Định là Hồng Hải, của gia đình anh Định, chị Thưởng và các cháu...


Tổ quốc và Nhân dân ta đã kiên cường chiến đấu và chiến thắng với trận "Điện Biên Phủ Trên Không" lẫy lừng vào Mùa Giáng Sinh ấy, để Mỹ buộc phải ký với ta Hiệp định Paris, rồi 3 năm sau chúng ta có Đại Thắng Mùa Xuân! 


Một Mùa Giáng Sinh trong đất nước thanh bình lại về. Niềm vui hôm nay vẫn xen lẫn với những buồn đau quá lớn của ngày hôm qua...     



Từ: ThoaNP
24/12/2011 00:34:35

Ấn tượng đau buồn nhất mà chiến tranh để lại cho tôi là hè năm 1967. Lúc đó tôi đang học nơi sơ tán gần Hà Nội, Trường cấp II Thanh Trì. Vào khoảng tháng 6 (tôi nhớ hình như ngày 21). Đợt đó chúng tôi vừa thi xong cuối cấp II (lớp 7) và tất cả dân Hà Nội đã về nhà nghỉ hè. Trưa hôm đó nghe đài báo tin máy bay Mỹ ném bom ở ngoại ô Hà Nội, xã Thanh Trì, trúng vào trường cấp II. Chúng tôi liền phóng đến nhà nhau thông báo và tất cả đi xuống Trường. Tối đó rất đông người từ các làng xã xung quanh được chi viện đến. Trong đêm tối, tất cả mọi người dùng tay là chính, đào bới để tìm kiếm thi thể những người xấu số, không dám dùng dụng cụ cuốc, xẻng vì sợ chạm vào xác nạn nhân. Máy bay ném bom buổi trưa nên có cả gia đình bị vùi bên mâm cơm. Nhiều người không toàn thây, tay bị văng lên cành cây, ... Có em bé trai chừng 3-4 tuổi cứ ôm con chó nhỏ đã chết khóc thương chó mà không biết rằng người thân của em cũng đã mất. Khi đặt xác mọi người vào hòm, với những xác không còn nguyên vẹn người ta chỉ chú ý kiểm tra xem mỗi hòm có đủ 1 thân 1 đầu 2 tay 2 chân là đậy nắp. Trời rất tối, làm việc trong ánh đèn lờ mờ, và phải luôn cảnh giác máy bay, dù là ban đêm. Không thể diễn tả được cảm xúc khi bạn khiêng trên vai các em trong những hòm đóng vội cỡ nhỏ, chân bước thấp bước cao vì đất đá lổn ngổn mà dù cố bám chặt chân giữ thăng bằng vẫn nghe tiếng đầu các em va thành hòm bên này bên kia. Những cái hố được đào vội giữa đồng, chúng tôi đặt các hòm xuống, lấp đất, truy điệu. Tôi không nhớ cả xã bao nhiêu người mất trong đợt bom đấy, nhưng Trường tôi thì 13 bạn. Trước mộ các bạn, tuy lúc đó còn nhỏ nhưng tôi đã tự hứa trong lòng sẽ sống tốt thêm cho phần các bạn.


Những ngày sau đó chúng tôi cùng dân cứu lúa vì bom Mỹ làm sập đê, nước tràn đồng, lúa chín ngập trong nước. Chúng tôi sắn quần bó chặt vào cẳng chân, lội xuống đồng, nước ngang ngực, thò tay và liềm xuống nước cắt đại ngang thân cây, lúa nổi lên, vớt bỏ vào các thuyền thúng. Cứ chiều thì chúng tôi đạp xe từ Hà Nội xuống, gặt lúa hết đêm, gần sáng thì chui vào 1 căn nhà tốc mái gần đó soi đèn pin bắt đỉa cho nhau, rồi lại đạp xe về Hà Nội. Khoảng 2 tuần thì dọn dẹp hậu quả và gặt lúa xong. Đêm tổng kết Thành Đoàn xuống kết nạp tất cả vào Đoàn, lúc đó tôi với nhiều bạn còn chưa đủ 14 tuổi. 


Giờ đây ở bên kia dốc cuộc đời, tôi vẫn nhớ mãi những hình ảnh đó (dù tôi là người rất hay quên), và luôn tự nhắc mình lời hứa năm nào, mỗi khi thấy việc ngang trái trong đời.



Từ: TuyetHA
23/12/2011 21:50:58

Tôi vẫn còn rất nhớ mùa Giáng sinh năm 1972, khi đó chúng tôi đang là SV năm thứ 1 của KGU, được tin máy bay B52 của Mỹ ném bom HN, HP và một số địa điểm khác của VN, cả lũ nức nở ngẹn ngào, lòng như lửa đốt, chỉ mong có cánh bay ngay về quê hương. 40 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau chiến tranh không bao giờ có thể nguôi ngoai. Nỗi đau của gia đình bạn Hồng hải trong câu chuyện thật quá lớn. Xin được cúi đầu tưởng nhớ những người con của dân tộc VN đã bị chiến tranh cướp đi sinh mạng. Cầu mong cuộc sống an lành mãi mãi cho chúng ta!



Từ: ThongNV
23/12/2011 18:42:31

Đạo Thiên chúa, Đạo phật . . . cũng như các học thuyết xã hội-chính trị sau này hay đường lối của một đảng phái nào đó đều do con người ta nghĩ ra, nhằm mục đích lôi kéo một nhóm người cùng một niềm tin phấn đấu cho mục đích của học thuyết (đường lối của Đảng) đã đề ra.


Tôi đã gặp nhiều người không phải là con chiên vẫn đi nhà thờ. Họ không tin có chúa cứu giúp, nhưng họ vẫn đi lễ . . . bởi vì họ cần một nơi (một chỗ) để đặt niêm tin của mình, để cân bằng trạng thái tinh thần, khi tự họ không làm được.



Từ: Meomun
23/12/2011 16:23:51

@Chị Nhuận: đồng ý với chị : "Chúa hay quỉ dữ đều ở trong con người...".


Em chợt nhớ đến 1 tác phẩm có cái tên rất ấn tượng: Ma quỷ trong lòng ta...



Từ: PhuND
23/12/2011 15:36:22

Chiến tranh có quy luật riêng của nó. Phải chấp nhận thôi! Dạo đó Phư vừa từ tuyến lửa Khu 4 ra lại hứng ngay 12 ngày đêm Điên Biên Phủ trên không. Phải nói rằng dân tộc VN ta quá kiên cường.


Ngay sau đó có bộ phim EM BÉ HÀ NỘI là một phần những câu chuyện mà anh Tấn Định đề cập. Xin hương hồn những người đã mất trong chiến tranh siêu thoát và độ trì cho con cháu của họ.


Chúc ACE KGU và Gia đình một Mùa Giáng sinh An lành!




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s