KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 01 Tháng hai. 2012

Những cánh thư




Tác giả: HuyenBT

 

       Buổi sáng thường nhật. Bắt đầu với đèn hiệu nhấp nháy của máy tính vừa khởi động, với làn khói mỏng bay lên từ miệng ly trà mang theo hương sen. Các hộp thư được lần lượt mở ra. Bao giờ cũng bắt đầu là hòm thư công việc. Chỉ muốn chắc chắn rằng không có việc gì thật đột xuất, hoặc thật tồi tệ, để được ngay lập tức nhào sang hòm thư khác - thư bạn bè.

        Thời @ nối gần bao miền đất, có thể gửi tia nắng ban mai của nơi này đến cho nơi kia, đổ một cơn mưa đầu mùa hạ đến một miền khô khát mong chờ. Tất cả đủ đầy trong thông tin và gần gũi trong cảm xúc…Sao bỗng dưng lại nhớ đến những phong thư ngày xưa, những cánh thư được bọc trong phong bì và gửi qua những trạm bưu điện.Vẫn có gì đó rưng rưng, vỡ òa khi luống cuống đón phong thư từ tay người đưa thư và vội vã đến run rẩy bóc phong bì. Có lẽ vì chờ đợi. Vì mong ngóng. Vì hồi hộp. Vì chút lo âu cho một khoảng cách quá xa và thời gian để đến quá dài.Và bao nhiêu trục trặc trên đường: thất lạc, nhầm lẫn, có khi là bão gió…Trao vào tay người một phong thư đôi khi nhàu nát, nét mực nhòe đi đến mức phải đoán chữ, người đưa thư ái ngại phân bua: “Tôi cũng đã cố kẹp nó vào giữa cuốn sách dày, mà nó vẫn không thẳng thớm ra được. Đường xa quá!”. Nào ai nỡ trách móc gì đâu người đưa thư tận tâm ấy! Chỉ thương phong thư, như một con ngựa thồ, lầm lũi qua đèo qua núi, qua sông dài, bể rộng…để đặt vào tay người những dòng nhắn gửi thiết tha của chủ nó.

      Tuổi trẻ của trước những năm 90 thế kỷ trước không thể không gắn bó với một người đưa thư. Ở làng quê, đó còn là một hình ảnh đậm nét nhất trong chuỗi những ký ức. Bọn mình không gọi tên, mà chỉ gọi đơn giản: chú đưa thư. Người đưa thư ở làng quê ngày ấy thường là một chú bộ đội phục viên. Trai tráng đi ra trận. Chú bộ đội phục viên đôi khi không phải là người làng. Và thường là thương binh thì mới được phục viên. Chú đưa thư ở làng mình ngày ấy bị thương vào sọ não, làm ảnh hưởng đến thính giác. “Nhưng chú nghe được tất cả, thậm chí còn rõ ràng hơn nhiều người khác ấy chứ!”- Lũ trẻ con trong làng quả quyết. Vì đã có lúc vô tình chú đứng trước cổng vườn bà , nghiêng nghiêng đầu rất lâu nghe con chim hót, sau đó chú huýt sáo miệng đúng như tiếng chim ấy, đến nỗi con chim đang hót bỗng im bặt, nghiêng cổ đứng nghe, đến nỗi bà đang nấu trong bếp, phải dụi bếp lửa, lật đật bước ra ngoài, ngó mãi lên cành cây nơi có con chim chiều nào cũng hót, đôi mắt hấp háy nắng, hay là khói bếp, mà giọng vui: “Ô hay, con chim hôm nay hót lâu ghê!”. Có lần chúng mình dùng hết can đảm, tò mò hỏi: “ Chú nghe được hết mọi thứ à? Nghe bằng gì vậy?”. Chú gật đầu cười: “Bằng mắt, và bằng cái này”- chú đặt tay lên ngực trái, trẻ con ai cũng biết, ở đó có một trái tim đập phập phồng.

      Chú đưa thư không phải người làng, nên chú chẳng thuộc dòng họ nào, chi nào trong làng, chú là của chung tất cả. Họ nào giỗ Tổ cũng mời chú đến, đội nào liên hoan cũng muốn để phần chú. Nhiều chị đẹp lắm, yêu chú, nhưng không dám có ý định lấy chú làm chồng, không ai định chiếm riêng chú cho mình. Chú là của cả làng. Trẻ con trong ngõ ngày nào cũng được đợi chú: tờ báo Nhân dân cho ba, tờ báo Văn nghệ cho mẹ, tờ Thiếu niên Tiền phong vào mỗi thứ Năm cho mình. Bắt đầu là tiếng chuông loong coong, bao giờ cũng vậy. Giữa trưa hè nắng đổ, mọi vật thiêm thiếp say nắng, đến tiếng côn trùng cũng chỉ ri rỉ không ra âm thanh, tiếng chuông xe đạp rộn rã đánh thức tất cả. Chú ào đến như tiếng chuông, rồi ra đi như tiếng chuông dứt, một lúc lâu lâu mới lại nghe thấy tiếng chuông vọng đến từ một xóm nhỏ rất xa.

         Không hiểu sao, dù thư gửi đến cho ai thì người đầu tiên chạy ra nhận cũng là trẻ con. Chúng tranh nhau chạy, chúng túm áo nhau lại để vượt lên trước, chúng nhao nhao giơ những cánh tay đen nhẻm về phía có tiếng chú, để mong được là đứa may mắn chộp được phong thư từ tay chú. Giành giật thế thôi, để rồi ngay sau đó mang thư vào cho ông bà, cô chú, ba mẹ, những lá thư chẳng mấy liên quan đến chúng, thậm chí có khi người ta không mảy may nhắc đến chúng. Trẻ con thích phân phát niềm vui. Về điểm này thì chú đưa thư giống bọn trẻ. Trông kìa, một cái xe đạp “Phượng hoàng” màu xanh nước biển, luôn là nước biển vẩn đục vì dính bụi đường, vắt ngang ba-ga xe đạp là hai cái túi vải bạt nặng trĩu, căng phồng giấy, một cái túi bạt nữa treo trước ghi-đông xe, bộ quần áo quân phục bạc màu, cái mũ bộ đội bao giờ cũng đội lệch. (Vì sao mũ toàn bị đội lệch?- bọn trẻ con tò mò, -vì chú hơi nghễnh ngãng, nghe gì cũng nghiêng nghiêng cái đầu, muốn hứng mọi âm thanh - bọn trẻ con phán đoán). Toát lên trên tất cả những thứ ấy là niềm vui. Niềm vui làm chú lúc nào cũng xộc xệch: bước chân tất bật, dáng nhảy lên, nhảy xuống yên xe thoăn thoắt, bàn tay vội vã…lục tìm từ dưới đáy những túi vải bạt những phong thư mỏng tanh, hoặc dày cộp.

      Vội vã thế, nhưng bao giờ chú cũng đứng lặng đôi ba phút ngắm những người khác vui, niềm vui của những người nhận được thư. Khi cơn trào dâng qua đi, mọi người ngẩng lên tìm chú, để nói một câu cảm ơn, hay một lời chào, thì chú đã đi được một đoạn xa. Và bà bao giờ cũng là người ca cẩm: Chúng mày tệ thật! Chẳng đứa nào nhớ mà mời chú bát nước chè xanh! Thật thà mà nhớ, chưa lần nào chú kịp uống nước, trừ một lần. Đó là khi giữa trưa, bỗng nhiên mưa bóng mây. Mưa không lâu nhưng mưa lớn lắm, trở tay không kịp. Nhìn thấy chú đang đạp xe giữa đồng không mông quạnh, chẳng có nơi nào để trú. Chú nhảy vội xuống xe, vắt người nằm ngang ba-ga, bươn bả che cho kín hai túi bạt đựng thư và báo. Mưa trút trên lưng chú, áo quần ướt sũng như người ta vừa ngụp dưới sông lên. Cơn mưa ngớt, chú phóng xe vào nhà mình, vội vã mở túi bạt  kiểm tra xem thư từ có bị ướt không, còn bà thì lật đật vào trong buồng, lục tìm áo của ba đưa cho chú mặc. Bà vừa xoa dầu cho chú, vừa xót xa như chỗ nào trên người chú cũng sắp bị cảm lạnh. Hôm ấy, chú kịp ngồi uống bát nước chè nóng.

     Trẻ con trong xóm, hầu như đứa nào cũng có một chuyện vui với chú. Mình nhớ những buổi sáng thứ Năm chờ đợi báo Thiếu niên Tiền phong, chờ đến sốt ruột mà phải giấu nỗi bồn chồn. Các chú ở trên Hội Văn Nghệ báo là tháng này in bài thơ của mình. Đợi từ khi nhận tin mà ngượng không dám hỏi mỗi lần chú đưa thư đến. Cho đến một hôm, chú dừng trước cổng, gọi đích danh mình, nheo nheo mắt cười: “Này, ra làm quen với thằng bạn cùng tên này!”. Tờ báo mình chờ đợi đã ở trên tay, bài thơ in trên trang nhất, tên tuổi và địa chỉ đúng là mình, mà sao bức ảnh minh họa…một cậu con trai. Ngỡ ngàng và lo lắng…chú cười xòa, ngón tay vung vẩy đôi bím tóc của mình, nói: “ Ai bảo làm rơi chữ “Thị”! Thấy chữ “Thị” quý chưa! Con gái thì đừng bao giờ quên mình là “Thị” nhé! Rồi lên xe phóng đi, mang theo chút vui lâng lâng của mình. Như là câu nói đùa thôi, mà kỳ lạ, bao nhiêu năm trời trôi qua, mỗi lần viết tên mình, bằng tiếng ta, hay tiếng tây, khai báo ở nhà băng, hay nơi biên thùy, cửa khẩu, đôi khi mình chợt chậm nét viết, nhớ đến nao lòng, câu nói, dáng người xưa.

      Nhưng chẳng phải lúc nào chú cũng được ào đến như cơn gió lành. Những lá thư lúc vui, lúc buồn. Mình bất ngờ thấy chú bên hàng rào nhà bác Tính, đứng lặng lẽ đến nỗi có cảm giác chiều ngưng lại trên đôi vai chú. Phong thư vần võ trong tay. Thư báo tin anh Tâm, người con trai của bác vừa hy sinh ở biên giới Tây Nam. Bác Tính đổ gục trong tay bà con làng xóm, ai cũng cố xoa bớt nỗi đau, muốn đùm bọc, nâng đỡ…Chỉ mình nhìn thấy có một người gò lưng đạp xe ngược gió, nỗi buồn nhiều như gió thổi bên sông. Bóng người ấy nhỏ dần, rồi chìm vào chiều nặng trĩu, chiều tắt nắng trên đồng.

        Mà có lần chú mạo muội tạo niềm vui.

       Cô Dung là cô giáo cấp hai, không phải người làng, cô ở trọ nhà bà. Cô có người yêu là chú Chính, nghe nói yêu nhau lắm, vì thấy chú rất chăm viết thư, đóng quân ở nơi nào chú cũng gửi thư về, tháng nào cũng thư đều đặn. Chú viết gì, mà khi đọc thư cô hay cười khúc khích, bà hỏi, thì cô đỏ mặt, lắc đầu: “Con không nói được đâu, bà ơi!”. Bà không hỏi thêm gì nữa, quay ra cười mủm mỉm. Thêm tuần này nữa là 3 tháng không thấy thư chú Chính. Cô Dung đầu tiên thì bực bội, ngúng nguẩy vào ra, sau thì lo, rồi suốt ruột điên lên, rồi buồn thiu thỉu. Ngày nào cũng hỏi chú đưa thư, chú cười giòn: “Mai nhá, nhất định ngày mai sẽ có!”. Những “ngày mai” lặp lại như thế. Cô đã thôi không hỏi mỗi ngày, chỉ cúi mặt sâu hơn xuống sàng gạo bà vừa sàng sảy sạch, bới tung, bới tóe tìm hạt thóc sót. Rồi chịu không được, cô ra cổng nhà, khi nghe thấy tiếng chuông xe quen thuộc, lóng ngóng vờ buộc lại giậu mùng tơi, mắt không nhìn chú đưa thư đi qua. Thì bỗng nghe chú gọi: “Cô giáo có thư nhé!”. Cô Dung luống cuống xé bì thư soàn soạt, mặt đỏ ửng, mở trang thư: “Em xa thương!..”. Nghe tiếng cô hốt hoảng: “Nhầm rồi, bà ơi, không phải thư của con!” Nước mắt ào ra, thất vọng: “ Anh ấy không bao giờ viết câu đầu tiên như thế! Nét chữ cũng không phải của anh ấy!”- “Thì cứ từ từ đọc hết xem sao!”. Cô Dung làm theo lời bà khuyên. Cuối cùng thì nhoẻn cười: “Anh ấy nhờ bạn viết, anh ấy bị thương, đang nằm điều trị, cũng sắp khỏi rồi!”. “Đã bảo mà, đợi mãi rồi cũng đến, mong mãi rồi cũng thấy!” - “Thật thế ư bà?!”, cô Dung ôm bà thật chặt chia niềm vui. Nửa tháng sau lại một bức thư như thế. Cô Dung áp lá thư vào ngực, không biết có phải vì hôm đó cô mặc cái áo trắng tinh không, mà có cảm giác cô sắp thành cánh diều nhẹ, sắp bay tít lên không trung giữa một trời hạnh phúc! Cô Dung vui, vì miễn là anh anh ấy còn sống, thương phế thế nào cô cũng chịu được. Chú đưa thư vui ái ngại. Có một ngày cô Dung nhận được một thư nữa, lại hốt hoảng kêu lên: “Sao thế này bà ơi! Thư anh ấy, nét chữ anh ấy: “Anh bị lạc đơn vị suốt mấy tháng qua, biết em lo mà không có cách nào gửi thư báo tin cho em được. Bây giờ anh đã tìm được về đơn vị, anh sẽ viết đều đặn cho em, sẽ…em, bù lại những ngày…”. Cô Dung lại đỏ mặt không đọc được tiếp nữa. Cô vui lắm, nhưng cô băn khoăn: “Thế thì những lá thư kia từ đâu bà nhỉ?”.  Bà nói không biết thật hay đùa: “Bụt sai người Hiền xuống mang tin cho con, để cho con bớt lo, bớt mong!”. Đến lượt trẻ con băn khoăn: Có phải chú đưa thư là người hiền của Bụt thật không?

       Trẻ con hỏi: “ Sao tự nhiên chú lại thích nghề đưa thư?”- “Để hôm nào đẹp trời sẽ trả lời nhé! Giờ đang bận!”. Khác với người lớn, trẻ con thường nhớ rất dai, và nhắc đến món nợ luôn mồm. Thế là vào một ngày chẳng đẹp trời tí nào, một ngày tự nhiên mưa gió sậm xụt, chú đưa thư ngồi kể chuyện.

     …“Ngày ấy chú đóng quân trong rừng Trường sơn. Cứ mỗi ngày lại đi sâu vào phía trong. Ngày đi, đêm nghỉ. Ngày bận rộn, vất vả không nói làm gì, cứ đêm nằm xuống, thì nhớ nhà, nhớ người yêu lắm! Tụi bay biết nhớ người yêu là thế nào không?(Tụi con gái bắt đầu thấy ngường ngượng trên mặt, tụi con trai khoái chí hùa vào bảo chú nói nhanh đi!). Là thế này này: cảm thấy trong người như là bị sốt, nóng lắm, nóng ran toàn thân, môi run lắm, phải dùng răng cắn chặt môi lại, không định khóc, mà nước mắt cứ trào ra, nước mắt cũng nóng rực, nhưng mà những ngón tay thì không cử động đựợc, tê dại không cảm giác!(Bọn trẻ cố căng mắt nhìn vào khoảng không, cố hình dung xem có cảnh nào trong phim giống như thế? Chịu, không nhớ có cảnh phim nào, chúng bảo: Được rồi, cứ cho là rất nhớ, nhớ lắm… Tiếp theo sao?”- “ Tiếp theo là mong thư, đợi thư người yêu. Thỉnh thoảng vừa đặt chân đến một trạm, đã thấy có thư đợi sẵn, sướng điên lên. Mệt mỏi biến sạch. Ngày hôm sau bước chân lên đèo, cứ như lướt trên sóng. Thế mà có lần vừa vượt qua một vụ suýt rơi xuống vực, đến trạm, nghe người quen nói mình có thư, nhưng thư còn nằm lại trạm trước, người giao liên vừa mới đến trạm sau một ngày rừng, phải ngủ lại đó một đêm, mai mới lên đường chuyển thư đến trạm này. (Các cậu hình dung tình thế thế nào rồi ấy gì? - Sáng mai lại đi tiếp, còn lá thư thì cứ đuổi theo ở phía sau! Kỷ luật quân đội thì không kể, các cậu cũng biết!- Chú bỗng coi tất cả bọn trẻ con thành người bạn lớn, để giãi bày! Điều này làm bọn trẻ vô cùng cảm kích, chúng ngồi sát lại bên chú hơn, có vẻ như rất thông cảm, và sẵn sàng giúp đỡ). Đêm ấy không trăng, nhưng nhiều sao. Mình ngửa mặt lên trời thấy có một vì sao cứ nhấp nháy thật lạ, như là chỉ vẫy gọi với mỗi mình mình. Mắt người yêu mình đẹp lắm, mình cứ ngỡ chính là ngôi sao ấy. Mình lên gặp thủ trưởng xin được trở lại trạm nhận thư, -“ Đó là lá thư báo tin bệnh tình của mẹ tôi. Ngày mai lại ra đi, không biết tôi có nhận đựợc tin nữa không, tôi nóng lòng không thể ngủ đêm nay được.”- Lý do bịa đặt đã được người thủ trưởng tốt bụng chấp thuận, với giao hẹn: sáng mai tất cả sẽ đi vào phía trong, không ai có quyền tụt lại!”. Mình giậm gót dày thật mạnh, thể hiện quyết tâm chưa từng thấy. Thủ trưởng yên lòng. Mình lao vào đêm, lộn ngược trở lại con đường vừa đi ban ngày.

        Đi một mình thấy đường hun hút hơn, rừng mông lung hơn. Nhưng mà đôi chân muốn chạy. Chưa bao giờ chạy hăng say như thế, chỉ cần biết ở trên đầu có một ngôi sao rất sáng, cũng đang líu ríu chạy theo, thế là cảm thấy không một mình, không cô đơn. Mình tính giờ, để kịp quay lại trạm ngay trước khi trời sáng, nghĩa là không được nghỉ, chỉ cầm được lá thư là “Đằng sau, quay!”, chạy lộn trở lại! Ơn Trời, không bị lạc, đến nơi, đêm bắt đầu tàn. Hăm hở bước vào chỗ người quen. Cậu ấy ngái ngủ, than phiền: “Lạc đơn vị à? Đơn vị anh đi khỏi đây từ sáng hôm qua!”. Không có nhiều thời gian để giải thích, nhưng cuối cùng, người ngái ngủ ấy cũng hiểu :”Ờ, thư của cậu hả? Có đấy, mấy anh em còn cầm lên, cầm xuống bàn bạc. Có thư đấy, chắc chắn là có! Ớ, nhưng mà, chuyển đi rồi! –“ Đi đâu?”- “ Đến trạm tiếp theo, chỗ đơn vị cậu dừng chân đêm nay!” –“Ai chuyển thư?”-“ Cậu giao liên! Lẽ ra cậu ấy nghỉ lại đây đêm nay, mai đi tiếp, nhưng nghe tin ngay sáng mai đơn vị cậu phải di chuyển, cậu ấy cắt rừng, đi luôn từ chiều!”. Mình quay ngoắt trở lại chỉ kịp chào mỗi câu, làm ông ngái ngủ tỉnh ngủ hẳn, đứng như trời trồng, nhìn theo.

    Khỏi phải nói, các cậu cũng hiểu được mình đã ôm chặt cậu giao liên thế nào! Lần đầu tiên mình đã không bóc thư ngay, mà ôm ấp nó trong tay, ý nghĩ không về nó, mà nghĩ về cái cậu thanh niên trai trẻ đang đứng trước mình, gương mặt thư sinh cỡ sinh viên năm thứ hai là cùng. Trời chưa sáng hẳn, mà nụ cười cậu ấy hệt như rạng đông. -“Em thấy tên người gửi là tên con gái, địa chỉ là khoa văn, trường Đại học sư phạm- trường em - em biết ngay là người yêu của lính! Em ưu tiên hàng đầu!”. Một nụ cười rạng rỡ vương vất chút trẻ thơ, làm mình nghĩ cậu ấy là thiên thần, chỉ có thể là thiên thần!

    Bọn trẻ ngồi ngẩn ra suy nghĩ, những người đưa thư đều giống như nhau, đều là người Hiền của Bụt!

   -Ô, thế cô sinh viên khoa văn đâu rồi?- “Cô ấy đi lấy chồng rồi, chồng cô ấy cũng rất tốt, họ sống hạnh phúc!”- “Nhưng… tại sao lại đi lấy người khác?” – “Mình muốn thế, lấy người khác, cô ấy sẽ được sung sướng hơn!”. Chú cười, dịu dàng, ấm áp, nụ cười không phải là không buồn.

 

 

    Tôi hay nghĩ về quê nhà vào những khoảng thời gian yên tĩnh nhất. Nhớ về những vườn chuối, bờ tre, những buổi sáng trong lành có tiếng chim lích tích, những buổi chiều trầm đục, có khói bếp bay lên…Nhớ về những người đã đi qua tuổi thơ tôi, có cả chú đưa thư trong số đó. Tôi vẫn thường hình dung thấy khi tôi đã xa nhà sang Liên Xô học, lá thư đầu tiên gửi về cho mẹ một chiều chớm thu. Bao nhiêu nhớ nhung, hồi tưởng trong phong thư nặng trĩu. Hẳn chú đưa thư đã đứng lặng trước cổng nhà tôi, nhìn phong thư trong tay, như nhận ra một người quen, một người thân thuộc lắm, một cô bé thường chạy ùa ra nhận thư, một cô bé có đôi bím tóc ngắn, buộc vểnh lên, rồi có đôi dải đuôi sam dài, thả dịu dàng trước ngực…Cô bé ấy giờ đã thành cô sinh viên, xa nhà, xa mẹ, xa những kỷ niệm tuổi thơ…Mẹ chưa về, cửa im lìm chiếc khóa, không thấy cô bé ngày xưa chạy ra đón nữa, chỉ mấy bông mướp vàng ngơ ngẩn góc sân.

   Tôi bỗng thèm khát được chạy ngay về mảnh sân con ấy, được nhìn một mái đầu đã ngả bạc, cái miệng cười thì tươi mà mắt nhìn rười rượi. Tôi thèm được gửi đến chú một lá thư, một trong ngàn vạn lá thư chú đã từng phân phát. Nhưng bể người mênh mông, tìm đâu ra cánh chim trời! Có lẽ tôi đã trở nên vô tâm, và lãng quên nhiều thứ!...

 


Người post: HuyenBT

Ngày đăng: 01-02-2012 19:07






Xem 1 - 10 của tổng số 17 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: HuyenBT
09/02/2012 22:53:44

@ Anh Minh ơi, anh làm em "kinh hoàng" đấy! Luôn có một nhóm người đọc thư riêng, kiểm duyệt nó, rồi tự tay dán nó lại (thiếu mỗi chuyện gắn xi, kẹp chì, bảo đảm), rồi mới gửi đi!? Thương mấy anh Lính-Sư quá nhỉ! Thế mà em chưa bao giờ hình dung ra được cảnh ấy. Vẫn biết kỷ luật quân đội, nhưng tại vì em vẫn được nghe những bài hát, ví dụ: " Thư của lính" của Trần Thiện Thanh...thấy thậm chí những lá thư của lính lại là những lá thư đẹp nhất, lãng mạn nhất, được đón đợi nhất, được mọi người phải có bổn phận nâng niu nhất!


Anh cũng làm em nhớ lại những lá thư của lính, em nhận được khi còn trẻ. Thấy địa chỉ hòm thư chỉ toàn là con số và các chữ cái, ký hiệu... bí hiểm và khô khốc, có muốn trổ tài viết bay bướm một chút cũng không được, chán thật! Đại Tá bị "sở hữu" nhiều chuyện buồn quá nhỉ!


@ Chị Bích Chi bảo Huyền hay "lôi những kỷ niệm xưa ra", và em biết, em đã vô tình khuấy động mọi người. Em khổ thế đấy, đã ôm không xuể hiện tại, còn còng lưng cõng những kỷ niệm quá khứ! Chắc tại cái "số"!


@ Chị Thanh ơi, bài hát lại đưa thêm một tâm trạng nữa của người đợi thư:  Không thấy thư, thì chỉ còn biết đợi và hy vọng ở người đưa thư thôi, mặc dù người đưa thư chẳng thể nào làm thay việc viết thư cho người đợi! Điều em rất thú vị và ngạc nhiên là chị kiếm ở đâu ra bài hát ấy? Tác giả của nó, ông Trịnh Ngân vốn ít được biết, được hát ở trong nước bấy lâu nay. Lần đầu tiên em được nghe bài hát này đấy, mặc dù em đã  được xem một chương trình Nhạc chủ đề về nhạc sĩ Trịnh Ngân do Thúy Nga Paris thực hiện. Em cảm ơn chị Thanh nhiều nhé!


@ Chị Nga ơi, hãy cố gắng giữ lá thư của Má lại. Sẽ là một kỷ niệm về má. Em cũng thích được ngắm nét chữ người viết thư lắm. Thấy như gặp lại người. Sau này con cái mình, cháu chắt mình cũng sẽ được đọc lại những lời dặn dò thân thương. Mặc dù có thể chúng sẽ ngạc nhiên lắm, về những lá thư viết tay, gửi qua các chặng bưu điện. Em rất quý những lá thư viết tay, những tấm ảnh trắng đen cũ, và những cuốn sách cũ. Nói chung là quý kỷ vật.



Từ: ThanhLK
09/02/2012 00:48:22


Một câu chuyện rất nhân văn,


Một chút hoài niệm, băn khăn tình đời.


Huyền đã khơi dậy những kỷ niệm về những lá thư gửi qua bưu điện mà thời chúng ta không ai là không có…Đọc đến đoạn cuối của bài viết, chị muốn gửi Huyền và các ACE bài hát “Người đưa thư đã đi qua” của Trịnh Văn Ngân, do ca sĩ Mai Hương trình bày. Hãy nghe theo đường link dưới đây nhé.


http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=7jK_gIsPvf




Từ: MinhCK
08/02/2012 09:22:51

Em làm anh nhớ lại một thời nhận thư và viết thư của "những năm tháng ko thể nào quên" những năm tháng học trog trường quân sự ở nước ngoài. Tất cả thư từ bọn anh viết đều phải thông qua bí thư chi bộ và đoàn trưởng, họ đọc xong tự dán cho mình và gửi theo một địa chỉ của một người trên phòng tùy viên QS ở Moskva. sau đấy những bức thư được đóng thành kiện gửi về VN qua một địa chỉ nữa ở Cục Cán Bộ tại HN. Từ chỗ này các bức thư mới được gửi đi. Phong bì gửi thư của bọn anh phải là phong bì của VN, phía trên vẫn phải đề hòm thư như của một người lính đang ở trog nước. Còn thư của gia đình gửi sang thì ngược lại theo đúng một qui trình như thé. Thư đi đã lâu rồi mà như vậy càng lâu hơn. May mà thời bấy giờ chưa có người yêu, nếu không thì chẳng biết viết gì cho người yêu trong đó. Cám ơn em đã cho anh nhớ lại một thời của những năm tháng ko thể nào quên



Từ: TuanDK
07/02/2012 22:12:31

       Một câu chuyện đẹp như mơ


Một dòng hoài niệm tuổi thơ tuyệt vời!


       Ô kìa! Lạ quá Huyền ơi!


Bóng mây mưa ướt đẫm người đưa thư.


 



Từ: ThaoDP
07/02/2012 13:23:02

Huyền đã kể cho chúng ta một truyện cổ tích giữa đời thường. Với những nhận xét tinh tế, đầy xúc cảm em đã làm người đọc rung động trước tấm lòng của chú đưa thư- bộ đội phục viên ở quê em.Dưới ngòi bút cuả em, cái thời khó khăn gian khổ đó được khắc họa lại đẹp như một giấc mơ vì nó chan chứa tình người. Văn phong cuả Thanh Huyền rất nhẹ nhàng nhưng lắng đọng, đọc xong tôi cảm giác rưng rưng, trái tim tràn ngập yêu thương và niềm tin vào con người.



 


Từ: ChiNB
07/02/2012 11:05:21

Huyền hay "lôi" được những kỷ niệm xa xưa để làm thức dậy những kỷ niệm của "một thời xa vắng". Bây giờ trong thời đại @, chẳng còn nhận được những cánh thư của đợi chờ như vậy nữa. Những năm ở Kisinhop, chị cứ nhớ mãi một góc dưới tấng 1 của KTX 3 khoa Hóa, ngày nào đi học về cũng liếc vào đấy, có hôm một đống thư từ VN sang, thế là ào vào, lục lọi, tìm kiếm để có hy vọng thấy được một phong thư có tên mình, còn phần lớn ở góc đấy trống rỗng vì thư từ VN sang chỉ theo từng đợt. Có chị ở khoa Hóa, người yêu là phi công (mà hồi đó ai yêu phi công là tự hào lắm vì đấy là những người anh hùng), những bức thư của anh ấy gửi đều có phong bì màu xanh và tem dán là ảnh những bông hoa cúc vàng, cứ nhìn thấy phong bì ấy là lũ con gái Hóa chẳng cần xem tên trên phong bì cũng biết là của ai. Rồi bẵng đi một thời gian, những phong thư đấy không còn xuất hiện nữa, cuộc chiến trên không cuối năm 1972 đã giữ người anh hùng phi công ấy ở trên trời mãi mãi.


Cám ơn Huyền đã cho bọn chị được hồi tưởng lại những kỷ niệm vui, buồn nhưng đáng nhớ mãi.



Từ: NgaHT
04/02/2012 21:04:46

Bài của Huyền đã làm cho mọi người nhớ đến những kỷ niệm xa xưa. Ngày ấy, khi ở Môn, mỗi lần nhận được thư của Má chị, chị ngắm mãi nét chữ thân yêu mà Má đã nắn nót viết ngoài bì. Đến bây giờ chị vẫn còn giữ được lá thư mà bà đã viết lần cuối. Đọc những lời bà dặn dò, ngắm mãi dòng chữ thân quen.


Bây giờ, chỉ còn mail và chat. Mai sau, con, cháu mình đâu có gì làm kỷ niệm. Có chăng chỉ những tấm hình mà thôi.



Từ: HuyenBT
04/02/2012 19:30:40

Em biết chắc là ai trong chúng mình cũng có những kỷ niệm với những lá thư ngày xưa, nhưng mà khi đọc các anh chị kể, em thấy cuộc sống nhiều chuyện đáng nhớ quá. Em rất xúc động đọc về kỷ niệm của anh Thông, đứa con trai trở về lục tìm lại được mình trong những kỷ vật mẹ nâng niu giữ gìn, để lại. Những lá thư của mình hóa ra lại làm nhớ đến mẹ nhiều hơn.



  Em hiểu tâm trạng của anh Phư khi nhận những lá thư vui, và những thư báo tử đồng đội...



  Em mừng vì tiếng chuông loong coong của em lại đánh thức được ký ức của anh Nghị, anh Uyển về một miền quê xa xôi, mộc mạc.



   Anh Hải NV ơi, chắc anh là số ít người giữ được cả 1 vali thư vợ chồng. Hồi ấy có viết thư trên giấy pơ-luya hồng không anh?



   Chị Hạnh ơi, nhắc lại chuyện bức điện ấy cho "Cu Nhốp" đi, rồi vài năm sau, nhớ kể lại chuyện này cho bé Gia Đức nhé. (Hình như cậu bé chưa đầy 2 tháng tuổi này cũng tham gia đọc bản thảo "Những cánh thư" của em trước khi nó được post lên? Thật thú vị!



    3Chai ơi, hóa ra 3Chai cũng là người từng ngẫm nghí đến những phong thư, và @. Em cảm ơn anh về bài hát có cùng ý nghĩ.



      Em cảm  ơn các anh chị cùng em trở lại tuổi thơ vào thời khắc đầu xuân mới này. Em chúc các anh chị và gia đình một năm mới tốt lành!



Từ: HanhLM
04/02/2012 10:48:33

Huyền ơi, một câu chuyện nhẹ nhàng, dung dị mà lay động lòng người. Những kỷ niệm tuổi thơ đẹp lung linh và ấm áp quá.


Tháng 10/1980, sau khi tốt nghiệp về nước vài tháng, chị sinh cháu Nhốp. Ba chị ra Bưu điện Đà Nẵng đánh điện sang Kisinhop báo tin cho anh Nghị. Chị viết bằng tiếng Nga là "Xưn". Một tuần sau, vào một sáng chủ nhật, có một người khách đến bấm chuông. Người khách tự giới thiệu tên là Thanh, công tác ở Bưu điện thành phố. Chú ấy nói là bức điện nhà mình không gửi đi được, vì viết bằng tiếng Nga. Bưu điện đã gửi thông báo cho nhà mình 2 lần mà không thấy ai ra sửa lại bức điện. Thế nên tranh thủ ngày nghỉ chú ấy đến tận nhà mình để thông báo. Cả nhà mình cảm động quá, mời chú ấy ở lại ăn cơm mà chú ấy không chịu.


Đã 32 năm rồi mà chị vẫn thấy lâng lâng, ấm lòng khi nhớ lại kỷ niệm đầy tình người ấy.



Từ: 3Chai
03/02/2012 20:04:06

Cảm ơn Huyền. Bài viết của em làm tôi nhớ đến thầy giáo Sảo dạy tôi ABC ở trường làng, sau đó thầy đi làm bưu điện xã. Tôi đi học lớp "tập chép" ở nhà quê, rồi mới về Hà Nội học vỡ lòng. Lớp tập chép là một mái nhà kho. Bàn là cánh cửa và phản gỗ, ghế là những viên gạch. Thày Sảo dạy chúng tôi đọc a, bê, xê... được mấy hôm, bỗng bảo rằng bây giờ phải đổi thành a, bờ, cờ... Tôi về nhà hỏi bà tôi vậy sau chữ cờ là chữ gì. Bà bảo "chắc là chữ "dờ"... Nhưng khi hỏi đến chữ "ka" đọc thế nào thì bà... bó tay.


Gửi Huyền và các bạn bài hát "@" mình viết năm ngoái.


http://vnmusic.com.vn/p936-a-cong-tran-bac-hai.html


 


 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s