Xin gửi tới anh chị em, những người đã một lần khoác áo
chiến binh, hay những người thân của mình cả cuộc đời
trong quân ngũ.
Bài viết không được mài dũa như chuyên nghiệp, nhưng
nó có thật và nó là nguồn tình cảm mãnh liệt của riêng
tôi.
Cảm ơn bạn đọc.
Cậu Phi
Tôi vẫn nhớ mãi căn nhà ấy trên đường Sinh-Từ (đã trở thành đường
Nguyễn Khuyến từ lâu), nơi cậu sống những năm tháng thời niên thiếu.
Sau tiếp quản Thủ đô, mẹ tôi từ chiến khu đưa tôi và chị Quỳnh Nga
về Hà nội. Những năm đầu, mẹ tôi công tác tại Chi Sở Thuế Hà đông.
Đất nước vừa trải qua chín năm làm một Điện Biên, bao nhiêu vết thương
chiến tranh chưa kịp hàn gắn , còn nghèo , còn thiếu thốn, còn thủ công
nghiệp lắm. Lấy đâu ra một cái máy đếm tiền hiện đại như bây giờ.
Phải đếm tiền, và chia các loại tiền ấy ra những cái bao tải lớn, để chuyển đến
các kho bạc của nhà nước. Mẹ tôi được giao công việc ấy. Mẹ tôi kể, có những
đêm mệt quá, mẹ đắp chăn cho "tiền " và cho mình, thế là ngủ. Kể cũng lạ,
lúc ấy Chính Phủ tin tưởng ở lòng dân đến thế. Và dân cũng tuân thủ kỷ-cương
làm việc đến như vậy.
Mẹ tôi được cử đi học thêm nghiệp vụ, phải cai sữa con Thu.
Mẹ gửi tôi về nhà ông bà Sinh-Từ, chúng tôi vẫn quen gọi như vậy.
Đêm, ông cho tôi bú bầu sữa ông pha sẵn từ chập tối, giắt trên đình màn.
Ngày cậu Phi lo trông, ẵm bế cháu.
Lúc nhỏ cậu Phi học cấp II Lý Thường Kiệt. Trường này nằm ngay trên đường
Sinh-Từ. Tôi nhớ mỗi lần tới nhà ông bà, trường ấy nằm bên tay phải. Nó rất rộng,
thoải mái cho bọn con trai đá bóng. Hai cánh cổng trường, khiến tôi liên tưởng
đến một doanh trại bộ đội, vì trông nó thật oai nghiêm.
Lên cấp III, cậu Phi chuyển về trường Chu Văn An.
Nhà ông bà tôi nghèo lắm. Căn nhà khá rộng, nhưng trong nhà và ngoài sân
chẳng khác gì nhau, trống tềnh trống toàng. Nền nhà chẳng được lát bằng gạch
gì hết, nó đen và nhẵn bóng, vì đất được đấm rất kỹ. Những hôm mưa dột, thật là
thảm hại.
Một lần ghé thăm ông bà, mẹ tôi hỏi ông:
-Phi đâu hả cậu?
- Nằm kia chứ đâu. Quần áo giặt, phơi mà chưa khô. Ông bảo mẹ tôi.
Mẹ tôi đến gần cậu Phi, đắp chăn đâu, đắp cái màn nhuộm nâu đã bạc.
Nhuộm nâu hết, cho sạch và đỡ tốn xà phòng, ông bà bảo thế.
Mẹ tôi chảy nước mắt, thương cậu quá!
Ông bà tôi bán tạp hóa. Đủ cả, diêm, bật lửa, thuốc lào, xà phòng, bánh kẹo...
Tôi vẫn nhớ bánh xà phòng hồi ấy có hình con thuyền buồm khắc trên mặt.
Hấp dẫn nhất đối với chị em tôi là mấy thẫu bánh cuộn thừng, bánh quả bàng
và nhất là "bánh chả", nó thật là thơm bởi hương vị của lá chanh.
Lên đến cấp III, cậu Phi trông đã dáng dấp một thanh niên Hà nội. Mà cũng lạ,
lớn lên trong cảnh túng thiếu, đói ăn, thế mà cậu to cao, vạm vỡ, tráng kiện lắm.
Ở độ tuổi này, nam thanh nữ tú đã để mắt tới nhau.
Cậu Phi có hai cô bạn gái thân hơn cả, khi lên đến lớp chót của phổ thông, cả hai
cô đều yêu cậu. Đó là Song Thu và Loan.
Nhiều lần bà tôi đã hỏi, khi cậu đưa lại số tiền ăn sáng:
-Con không ăn sáng hay sao?
- Không, con đợi về ăn cơm trưa mợ nấu. Cậu thoái thác.
Thật ra cậu đã dấu bà tôi.
Những buổi sáng tới trường, cậu thường thấy trong ngăn kéo bàn học của mình,
lúc thì gói xôi, lúc thì bắp ngô luộc. Xôi thì đủ loại, xôi ngô, xôi xắn, xôi đậu xanh...
Tất cả tác phẩm ấy là của Song Thu , người thương yêu cậu hết mực, người hiểu
cảnh đói của anh trai nhà nghèo. Cậu biết, đốm lửa tình ấy bắt đầu len lỏi trong
con tim mình.
Đến năm cuối của chương trình phổ thông, học trò bắt đầu lao vào học chết bỏ.
Cũng năm học này, Song Thu toàn đóng tiền học cho cậu Phi. Những giọt nước
mắt ngấm ngầm lăn vào từng tế bào, từng nhịp thở của cậu học trò nhà nghèo.
Cậu Phi muốn khước từ, muốn quay mặt xua đi những gì mình đang đón nhận.
Nhưng ánh mắt của Song Thu, tình cảm vô cùng chân thành của Nàng, sự cảm
thông tột cùng của Nàng cho gia cảnh cậu, khiến cậu chỉ còn biết đến hai chữ:
Cảm ơn !
Rồi Tháng Năm tới, hoa phượng vương đầy trên vai học trò một màu đỏ thắm.
Có lẽ không quốc gia nào, học trò có được hình ảnh bông hoa phượng gắn với
tuổi thơ, gắn với nhà trường, gắn với tình bạn như ở Việt Nam mình.
Ước mơ chắp cánh cho tuổi này. Cậu Phi được tuyển vào binh chủng không
quân và học ở Liên Xô.
Song Thu vào đại học Lâm-Nghiệp. Con gia đình Tư sản Hà nội!
Bắt đầu một nhịp cầu ngăn cách.
Bên quân đội yêu cầu cậu Phi phải chấm dứt quan hệ tình ái với Song Thu!
Không thể tồn tại một mối tình giữa một anh chiến sỹ không quân với
một thiếu nữ của giai cấp đối đầu!
Đấy là tình cảm ủy mị, là dung hòa một ý tưởng, một lối sống của tư sản.
Là người chiến sỹ cách mạng, phải rắn như gang thép, phải biết hy sinh,
phải biết hiến dâng tất cả cho sự nghiệp cách mạng!
Nhưng có ai biết rằng, chính tình cảm thiêng liêng mà Song Thu dành cho
cậu Phi, chính những chăm bẵm chân thành của cô về cả vật chất và tinh
thần trong suốt thời đi học , để có một cậu Phi hôm nay như một chiến
binh thực thụ?
Cậu chấp nhận, tất cả vì công cuộc cách mạng, vì sự nghệp nhà binh.
Những năm học ở Liên Xô, cậu Phi cũng tham gia văn nghệ sinh viên.
Thủ vai anh Trỗi và cô sinh viên đóng chị Quyên, cũng mê anh phi công
ấy.
Nhưng cậu tôi đã chôn chặt mối tình đẹp nhất thời thơ ấu với Song Thu
trong con tim.
Chưa một lần đôi lứa ấy được thong dong trên đường Cổ Ngư nắng đồ.
Chưa một lần Song Thu được ngả đầu vào ngực cậu thổn thức những lời
yêu thương.
Và chắc cũng chưa một lần được trao nụ hôn yêu dấu cho người mình
đã đắm say.
Làm gì có những góc bàn ở một Cafe huyền ảo ngập tràn tiếng nhạc.
Không có một lần nào dìu nhau trên sàn nhảy như bao đôi lứa hôm nay.
Chẳng có gì hết ngoài một khối tình nhỏ bé nhưng giá trị như pha lê
cho cả hai người.
Có chăng, chỉ là những ánh mắt ân tình trao nhau vội vã lúc
trống giục vào lớp.
Như bao nhiêu người lính trẻ khác vĩnh viễn ra đi, cậu chưa bao giờ
sống những phút giây của Thiên Đường Tình Ái.
Mãi đến năm 1967 , lúc nhận được tin cậu Phi đã hy sinh , tôi mới biết
mặt Song Thu.
Một thiếu nữ Hà nội có khuôn mặt thật khả ái và vóc dáng nhỏ bé, dễ thương.
Tôi hiểu ngay vì sao cậu tôi đã yêu Nàng đắm say và cất giấu trong tim
mình mối tình tuyệt vời ấy.
19 Tháng Năm 1967, để lập thành tích dâng lên Bác, cậu Phi đã hy sinh trong
lúc làm nhiệm vụ.
Lúc ấy cậu mới 23 tuổi.
Lúc ấy,cuộc tình đơm bông từ độ học trò vẫn được ấp ủ trong con tim người lính trẻ.
Lúc ấy, vẫn còn một lời yêu chưa được thổ lộ của lứa đôi.
Lúc ấy ,niềm kiêu hãnh và hy vọng vẫn đang thăng hoa trong lòng người thiếu nữ.