Tôi nhìn thấy trong tương lai quá khứ
Tác giả: TIM
Hà Nội trong tâm trí tôi là một khái niệm mơ hồ nhưng lại gợi lên nhưng cảm xúc rất cụ thể. Đấy là nơi những ký ức đầu tiên của tôi hình thành, nơi những mảng trời vàng và những con đường mùa lạnh trở thành sân chơi cho tâm hồn mới chớm của tôi thoả sức thơ thẩn.
Là người Sài Gòn, nhưng hồi mới mấy tháng tuổi ba mẹ gửi tôi cho bà ngoại, nhà ở khu Trần Thánh Tông gần trong phạm vi trung tâm thành phố. Dù chỉ “nán lại” hơn một năm nhưng ấn tượng Hà Nội để lại trong tôi đọng lại như một bức tranh hay một điệu nhạc: là một tập hợp những thăng trầm bay bổng nhất định, lúc nhẹ như gió thoảng, khi sôi nổi, nồng nàn mãnh liệt… tạo một nỗi niềm xúc động đặc tả. Xúc động ấy cứ mãi lảng vảng trong tiềm thức. Những thứ ẩm thực tôi thưởng thức ngày ấy như xôi xéo, chả cốm, phở bò chẳng hạn; hay những ngày tản bộ dưới hàng cây ngát mùi hoa sữa cùng chị giúp việc tóc dài quá lưng với nụ cười ân cần ấm áp; hoặc căn phòng khách khu chung cư nhà bà… để lại trong tôi một dấu ấn dai dẳng đến tận bây giờ. Bất chấp cái nhận thức còn “sơ sinh” khi ấy, những hình ảnh khởi đầu đó bám chặt trong suy nghĩ tôi và thấm dần theo thời gian. Hiển nhiên, khi bé tôi không lý giải Thủ Đô như về sau này: những ấn tượng ấy đều ngờ nghệch, hoàn toàn bản năng thay vì dựa trên những phân tích thực tế logic. Nhưng cách tôi cảm nhận thì không mấy thay đổi. Tôi còn nhớ rõ như ngày hôm qua, những khi ba mẹ đi làm về muộn để hai anh em ở nhà, tôi ghét khủng khiếp cảm giác nhìn ra cửa, chán nản đợi tiếng nổ to dần của máy xe lờ mờ phân biệt được khi đến gần trước cổng của hai vị phụ huynh, và thỉnh thoảng vô thức nghĩ về những tháng ngày Hà Nội như một cách giết thời gian, quên đi cái ngán ngẩm của chờ đợi. Thói quen ấy tôi vẫn giữ đến bây giờ.
Đã ba tháng nay tôi trở lại Hà Nội, và vẫn ở chính căn hộ chung cư ngày xưa với bà ngoại. Hà Nội ngày trước vắng vẻ hơn bây giờ nhiều. Quay lại đây rồi cảm giác cứ bồn chồn, vừa khuây khoả nhưng cũng vừa khiến tôi hoang mang bởi cảnh vật không hệt như mình dự kiến. Người đi xe máy và ô tô ngập kín đường, chỉ còn mập mờ cái cảm giác riêng tư nếu sáng chịu khó dậy sớm đi làm, khi trời vẫn còn hơi biêng biếc xanh. Quan sát thì thấy, người Hà Nội vốn là loại người sống chậm lắm. Họ vừa đi vừa cảm nhận, suy tư, thỉnh thoảng để ý thì sẽ thấy có gì loé lên trong ánh mắt. Tôi xếp họ vào loại “nội tâm công khai” – những người không ngần ngại giấu giếm khuynh hướng nội tâm lãng mạn của mình. Họ bằng lòng trong sự lặng lẽ của bản thân. Dù tôi rất tâm đắc, kết luận ấy bây giờ có lẽ không còn là tuyệt đối. Hà Nội đã bắt đầu hội nhập, thích nghi với một nhịp độ sống khác, nhanh hơn, ít chậm hơn. Sự cẩn trọng trong cách tiếp cận cuộc sống rất đặc tính ngày nào đã dần dần nhạt bớt, phần nào bị thay thế bởi tính vô tâm, thờ ơ của tuổi trẻ. Những căn nhà kiến trúc thời Pháp thuộc Indochine luống màu thời gian mà tôi luôn yêu mến, giờ phần nhiều đã bị tu sửa lại bằng một thứ màu nước sơn tươi mới hơn, hoặc đã bị đập hẳn đi để xây lại những loại toà nhà có thiết kế tối giản hiện đại. Tiếc thất thểu cái sự nhất quán trong kiến trúc ngày xưa, khi một loạt nhà cửa, công trình kiến trúc có chung những tông màu thống nhất: lục thẫm cho cửa sổ, nâu đen cho cửa chính, những tông màu trầm như vàng nhạt hoặc trắng xám cho màu tường, thi thoảng lai rai những vệt đỏ bordeaux thấm thía. Các chi tiết ngày ấy được chạm trổ đầy tinh tế: dưới nóc Nhà Hát Lớn hay trường trung học Chu Văn An xưa vốn là những hình hài mang hơi thở hậu phục hưng được chế tác tinh vi; những khoang cửa rộng bao gồm các loại hoạ tiết cổ điển được khẽo gọt tỉ mỉ làm viền. Từng đối diện với Hà Nội này là những biểu lộ tuyệt đối của niềm kiêu hãnh, những ánh mắt hoàn toàn bị thuyết phục bởi sự thanh lịch đầy uy nghiêm của nó. Đượm buồn khi thấy, xen giữa số ít những căn nhà xưa còn lại (thi thoảng bắt gặp cả những căn nhà ngói Việt chân phương) là đầy rẫy những cửa hàng buôn bán nghèo nàn về kiến trúc và thẩm mỹ, những màu cơ bản loè loẹt đắp vội lên tường nhà và biển tên cửa hiệu – sự nửa nạc nửa mỡ, xáo trộn phản cảm, tây không tới mà ta cũng không ra trên những con đường Hà Nội đầy thân thuộc trong ký ức tuổi thơ tôi.
Cả con người cũng thay đổi nhiều. Từ bề ngoài, tôi ít khi còn thấy sự giản dị sang trọng của phụ nữ ngày xưa, mà những người yêu hội hoạ vẫn thỉnh thoảng được nhắc lại trong những bức chân dung đàn bà của Tô Ngọc Vân, cái lém lỉnh xen lẫn sự buồn bã đến mê hoặc của những thiếu nữ Mai Trung Thứ; hay ngay cả cái nhìn trong vắt đầy tiêu biểu ở ánh mắt Em Thuý Trần Văn Cẩn. Từ ngôn ngữ, dáng đi đứng và sự nền nã đặc trưng của Việt Nam đã bị ngoại lai nhiều. Phụ nữ Hà Nội hiện đại cũng đồng cảm hơn với thời trang phương Tây. Họ ưa chuộng hơn sự nổi bật, bắt mắt nhất thời của những màu rực rỡ và những kiểu dáng phá cách hơn. Phong cách đối thoại cũng dần hiếm đi cái trong trẻo nhưng thâm thuý chung của phụ nữ ngày trước. Hiển nhiên, tính tiện nghi là thiết yếu trong mọi khía cạnh của những thay đổi này. Và không hẳn tất cả thay đổi đều là tiêu cực, nhưng cái thanh và cái trầm đã phần nào định nghĩa Hà Nội cũ - ít nhất là với cá nhân tôi - nay đã mất đi nhiều, không còn phổ biến và sức ảnh hưởng mạnh như xưa.
Vậy nhưng Hà Nội vẫn duyên dáng, có thể sẽ còn phát triển lạ lẫm hơn giữa những hỗn loạn của xã hội hiện đại và hoang mang về danh tính – bản sắc. Bởi Việt Nam luôn là nền văn hoá dễ bị tác động dưới sức ép của những nền văn hoá khác, và qua nhiều những thay đổi trong lịch sử thì cũng bao hàm những ảnh hưởng mang tính tích cực, những ảnh hưởng mà tôi cho là về mặt nào đó đã khiến Hà Nội trở thành một khúc giao hưởng lạ. Ta vẫn thấy trong sinh hoạt thường ngày của người Hà Nội hiện nay những thói quen hình thành từ văn hoá thuộc địa thời Pháp đầu thế kỷ trước, hay những ảnh hưởng sâu đậm trong tri thức và văn hoá ứng xử của Liên Xô cũ đan xen với những đặc trưng Á Châu – một sự kết hợp đã rất gắn kết với chính bản thân Hà Nội. Chẳng hạn, trong cách ăn mặc của những người đàn ông thế hệ trung niên hoặc lớn tuổi hơn (và thi thoảng là ngay cả thế hệ thanh niên), họ vẫn rất kỷ luật trong cách chọn trang phục bao gồm mũ tròn beret, áo sơ mi đóng thùng, vest, quần tây thắt lưng và giày da hoặc giày lười. Tương phản trên nền nước da vàng, những đôi mắt đen láy và dáng người nhỏ gọn của người Việt, những trang phục này trở nên đẹp một cách bất ngờ hơn. Hoặc về ngôn ngữ, người ta vẫn hay dùng những từ mượn như “ban công”, “bít tết”, “đi-văng” trong cùng một câu với những từ Hán Việt và hiện đại, mà tôi cho là très chic! Ẩm thực vẫn rất đặc trưng từ những bánh chưng, nem nướng, bún than song song với những bữa điểm tâm bánh mì ốp la bắt nguồn từ Châu Âu. Đặc biệt là mỗi khi tôi đi ngang qua các khu phố cổ, chạy ngược làn gió lạnh là những người đàn ông đàn bà hưởng thụ tách cà phê sáng trong những chiếc áo lông vịt thẫm màu đồng điệu ngồi không ngay ngắn trên những chiếc ghế nhựa thấp lẫn lộn đỏ xanh, ẩn hiện qua màu sương sáng và khói thuốc xám; lững thững những cử chỉ tay chân khi phấn chấn, khi ảm đạm giữa những câu chuyện phiếm và những cuộc đối thoại hệ trọng không điểm giao nhau; và đẹp tuyệt vời là những cặp mắt đăm chiêu, chăm chú dõi theo chuyển biến của tiết trời trở lạnh cuối năm. Đấy là những phút giây ý nghĩa, phút giây đầy Hà Nội: cái Hà Nội mà tuổi thơ tôi đã sung sướng trải nghiệm, cái Hà Nội thật con người, mà tôi thi thoảng vẫn vô thức nghĩ về.
Hơn nữa, cốt lõi của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng, suy cho cùng về bản chất là vẫn còn đó. Cái sắc Á rất “lành” của thiên nhiên… màu xanh lục thanh thanh của cốm. Đó là thứ nền tảng chung của văn hoá Việt mà tôi luôn tự tin nhẹ nhõm khi thầm so sánh với những nền văn hoá khác. Từ trong những chủ đề nghệ thuật như âm nhạc, hội hoạ, ta luôn trân trọng và tìm đến một sự yên ả ít cầu kỳ. Sự yên ả của những trẻ em thời tiền-công-nghệ nô đùa hạnh phúc với những trò chơi thủ công thông minh như ô ăn quan; của sự bình thản khi tôi quan sát những người lớn tuổi đọc sách và suy ngẫm, trong những bữa cơm gia đình. Sự yên ả mà tôi không rõ xuất phát là khởi điểm hay đích đến. Tôi chỉ biết rằng, sự yên ả đặc biệt ấy vẫn còn ở đây; giữa những hỗn loạn ồn ào về văn hoá, về kinh tế, về con người ở Hà Nội trong bối cảnh hiện đại. Như một bức tranh của Bùi Xuân Phái, phía trên những con phố Hà Nội phiến diện gồ ghề, không ngay ngắn và đầy gò bó qua những nét màu buồn, mạnh, là những hàng mây duyên dáng tự do bởi cái phóng bút sinh động... một sự thanh thản bất ngờ, và một vẻ mãnh liệt nồng nàn thoạt nhìn tưởng không hiện hữu, điềm tĩnh giấu mình sau những khó khăn của cuộc sống. Như vậy đã là một nửa.
Thỉnh thoảng đi ngang giữa lòng Hà Nội, chợt bắt mắt tôi là những mảng tường vàng ngả nâu, những mảng tường loang lổ màu đỏ đất, hay xanh rêu hoài cổ, làm dấy lên trong tôi một niềm hoan hỉ đến ngột ngạt. Đấy, trong mắt tôi, là những vết tích lưu niệm một quá khứ đẹp khó tả. Một Hà Nội bao phủ một lớp xám sang trọng lên tất cả những gì thuộc về nó, và cuộc sống được vận hành đồng loạt bởi sự chậm rãi bình thản. Hoặc tương tự, tôi thấy những người lái xích lô, những ông xe ôm chỉn chu sửa lại độ nghiêng của nón trong gương chiếu hậu, và thẫn thờ một ánh nhìn ngơ ngàng hoặc một nụ cười bẽn lẽn khi nhận ra tôi đang để ý. Đâu đó ở trong cái cử chỉ ấy là một sự chất phác mà tôi lập tức liên hệ tới Hà Nội, không xởi lởi như người Sài Gòn, mà vừa rụt rè đan xen với những dấu hiệu của sự kiêu hãnh.
Bà tôi hay kể cho tôi nghe những câu chuyện về chiến tranh Việt Nam mà trong đó bà là một chiến sĩ đầy hoài bão và tự trọng. Bà đánh giá thấp sự thờ ơ của thanh niên bây giờ, và cho là thời thế khiến cho mọi thứ đều quá dễ dãi. Tôi tự hỏi, có thật như thế? Có thật trong nền hoà bình của cuộc sống hiện đại không hàm chứa một cuộc chiến tinh thần về văn hoá, về chỗ đứng… hoang mang trong hướng đi tiếp theo!? Khi tất cả các nền văn hoá đều tưởng như đang đến gần với nhau hơn trong khi rất nhiều dần dần đánh mất bản sắc của riêng mình? Khi người ta đứng trước những ngã rẽ cuộc sống với quá nhiều lựa chọn, và khi mỗi người chúng ta đều có những lý tưởng riêng, những kỳ vọng riêng về bản thân và xã hội? Đồng thời, tôi luôn tâm niệm một cách đầy mâu thuẫn, rằng cuộc sống bao giờ cũng thật hoàn hảo, hệt như những gì ta đã và đang thấy: với những xảo trá, những chân lý của nó, thái cực của cái đẹp và cái xấu, với những bí ẩn, những ao ước, những tranh luận, những đồng tình; với những thứ nó dần mất đi và những thứ còn chưa tới… những vấn đề mới. Cuộc sống đầy khắc khoải, nhưng tôi tin những bế tắc và lỗi lầm cần phải xảy ra, vì chỉ có thể yên tâm là đã được chinh phục một khi nó đã xảy ra; tôi tin nỗi buồn là thứ mà niềm vui phải có. Nói về Hà Nội cũng thế. Tôi thấy một ngày, khi người ta tự hỏi xích lô nghĩa là gì, hay cuộc sống không có công nghệ là như thế nào… Hoặc khi những bức tường loang lổ hoen ố kia là cái gì đó hoàn toàn mới và độc đáo, khi những thứ đã qua có sức hút tương đương với những gì chưa đến, và quá khứ trở thành một ý niệm rất gần với tương lai, thì tất cả rất có thể sẽ quay lại từ phút khởi điểm.
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 24-03-2012 00:12
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 7 của tổng số 7 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |