KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 26 Tháng tư. 2012

Người thầy đầu tiên




Tác giả: Nguyễn Thị Cúc
NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN
 
 
Ngày 7/11/2001, tôi vinh dự được  tham gia trong buổi lễ đón nhận Huân chương lao động hạng Ba do Chủ tịch nước Trần Đức Lương  trao tặng tập thể giáo viên, học sinh trường Trung học cơ sở chuẩn quốc gia Nguyễn Du- Gò Vấp. Người ta biết đến ngồi trường này bởi kết quả  xuất sắc của các em học sinh trong các kỳ thi tốt nghiệp, kỳ  thi  học sinh giỏi suốt 9 năm qua. Nhưng có lẽ ít ai biết hết tấm  lòng “tất cả vì học sinh thân yêu” của nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân – hiệu trưởng nhà trường.
 
Quê tôi nghèo lắm, nằm trên mảnh đất miền Trung dài hẹp. “Một miền Trung đất thiếu trời thừa, nắng và gió và bụi mù bốc lửa…” vào những năm tháng sau chiến tranh, chúng tôi đi học trong  sự thiếu thốn đủ bề, thiếu trường lớp, thiếu sách vở, thiếu cơm ăn, áo mặc. Tôi vào học Trường Năng khiếu Thạch Hà, Hà Tĩnh  năm học 1979-1980 do thầy giáo Lê Đức Hân vừa là Hiệu trưởng vừa là giáo viên chủ nhiệm. Gọi là trường nhưng chỉ có tên gọi trên Quyết định, chúng tôi phải học nhờ ở Trường phổ thông cơ sở Thạch Thượng, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Sau đó thầy Hân đã xin được cái kho thóc bỏ trống của hợp tác xã để làm lớp học. Nơi đây, chúng tôi đã trải qua bao khó khăn gian khổ để vươn lên.
Hàng ngày, chúng tôi đã đi qua những con đường đầy gian truân để đến lớp học thời bình nhưng làm theo kiểu thời chiến. Một người bạn thầy khi đến thăm lớp học đã thốt lên:
Anh đến thăm lớp em
Lớp học chuyên văn toán
Bằng mối tình sâu nặng
Bằng ánh mắt tin yêu
Trong anh bỗng có điều
Vượt ra ngoài ý niệm
Phòng học kiểu dã chiến
Nắng rắc hoa xuống nền
Vách đổ cột kèo xiên
Bàn ghế còn chật chội
Phòng học như muốn nói
Những điều gì chưa vui.
… Con đường các em đi
   Gian tuân như thế đó
 
Mỗi buổi sáng thầy Hân phải đi xe đạp, vượt qua quãng đường ngập lụt  mùa đông, nắng lửa mùa hè dài hơn mười cây số để đến trường. Có những ngày mưa Thạch Trung quê thầy chìm trong bể nước, thầy đã phải đi bộ để đến lớp đúng giờ. Thầy đã thổi vào lòng tôi tình yêu quê hương đất nước thiết tha, niềm say mê văn học vô bờ và thầy đã dạy cho tôi nhân cách con người. Bố tôi mất sớm, mẹ tôi một mình nuôi tám đứa con trưởng thành. Những ngày tôi học với thầy Hân, cũng là những ngày tháng khó khăn nhất của gia đình tôi. Các anh chị tôi sau chiến tranh trở về mang trong mình đầy thương tích và những trận sốt rét dai dẳng, mẹ tôi chạy bữa hôm lo bữa mai. Có những lúc tưởng chừng như tôi không thể theo học nổi bởi đói rét và thiếu thốn. Song thầy Hân đã động viên tôi, an ủi tôi, lo cho tôi  từng trang sách cuốn vỡ.
Ngày tôi đi dự thi học sinh giỏi văn toàn quốc, thầy đã bán chiếc xe đạp cà tàng để mua vé cho tôi ra thành phố Vinh dự thi. Rồi tôi đậu vào Trường Năng khiếu Phan Bội Châu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ba năm học cấp 3, thầy Hân lại thường xuyên chu cấp áo quần sách vở cho tôi. Trong kỳ thi đại học, tôi đã được chọn đi du học ở Nga. Ngày chia tay, thầy Hân đã nhét vào tay tôi những đồng lương ít ỏi cuối cùng. Tôi khóc:- “Em chẳng biết lấy gì để đền đáp công ơn to lớn của thầy”. "Em hãy học thật tốt và đó là món quà vô giá dành cho thầy“- Thầy Hân đã dặn tôi như thế.
Tôi ra đi, hành trang mang theo là dáng mẹ lưng còng trên cách đồng chiêm bạc trắng và hình ảnh các thầy cô giáo, các em học sinh dưới mái trường xiêu vẹo. Ngày đó tôi ước lúc nào có tiền sẽ mua tặng thầy chiếc quạt điện để đêm đêm thầy ngồi chấm bài cho đỡ nóng bức.
 
Cô giáo Nga dạy cho tôi bài học đầu tiên là truyện ngắn “Người thầy đầu tiên “ của Aimatôp. Tôi khóc, cô hỏi vì sao. Tôi thưa: “ Ở nước Nga “Người thầy đầu tiên là nhân vật hư cấu của tác giả còn với em ở nước Việt nam “người thầy đầu tiên” là những người hoàn toàn có thật”.
Những ngày tháng học tập trên nước Nga, tôi đã không viết thư cho thầy vì không biết bắt đầu từ đâu và viết những gì vì thực tế không hoàn toàn thơ mộng như tôi từng tưởng tượng.
Rôi tôi lấy chồng, sinh con. Cuộc sống cuốn tôi theo những lo toan thường nhật của đời người. Hoài niệm về thầy cô và ước muốn trả ơn đành dừng lại trong ý nghĩ.
Năm 1994 tôi về phép, quê hương tôi đã có nhiều thay đổi, trường lớp đã khang trang. Thầy Hân đã chuyển vào dạy ở TP. Hồ Chí Minh. Tôi vào TP. HCM nhưng không gặp thầy, tôi gặp một người bạn cũ và bạn ấy kể rằng thầy Hân đang mở ra một mô hình đào tạo học sinh mũi nhọn ở Quận Gò Vấp, TP. HCM. Thầy đã mời mình đến dạy ở trường thầy song mình nghĩ thầy không thể thành công được. Trường chỉ có 109 học sinh (2 lớp 5 và 2 lớp 9) điều kiện vật chất lại vô cùng thiếu thốn phải học nhờ ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Quận Gò Vấp. Khai giảng xong, mình đã đi một mạch về Biên Hòa không ngoái lại.
Tôi trả phép sang Nga, lòng nghĩ thương thầy vô hạn và cảm phục lòng yêu nghề tha thiết của thầy, thầm mong thầy  sớm biến ước mơ thành hiện thực…
Năm 2000 tôi về nước, gặp lại thầy tôi rất mừng: “Thầy lo cho em quá, cứ nghĩ những lúc em gặp khó khăn không có thầy bên cạnh để an ủi động viên. Bây giờ  có gì khó khăn em cứ nói nhé! Thầy lại vội vã nhét vào tay tôi những đồng lương mới nhận. Nhớ ngày ra đi, tôi nghĩ sẽ mua tặng thầy 1 cái quạt điện, ước muốn đó cho tới bây giờ em vẫn chưa thực hiện được, thầy ơi!
 Năm học 2001-2002 Trường Trung học cơ sở chuẩn quốc gia Nguyễn Du đã có một cơ sở vật chất khang trang, tọa lạc trên 6000 m2 đất với  70 cán bộ, công nhân viên, giáo viên và 1300 Học sinh. Ngày khai trường thầy Hân ví số phận của Trường Trung học cơ sở chuẩn quốc gia Nguyễn Du như nàng Kiều lưu lạc suốt 9 năm. Chín năm ấy “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, 9 năm thầy trò trường Nguyễn Du đã có sự nổ lực phấn đấu không ngừng, đã vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khô. Và chỉ có những người hết lòng tận tâm với nghề giáo mới đứng vững trước bao nhiêu thử thách để có được hôm nay. Ngày cả trường vinh dự đón nhận Huân chương lao động Hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng. Tại buổi lễ thầy Hân giới thiệu tôi với các quý vị đại biểu và tất cả các thầy cô giáo trường Nguyễn Du: “Đây là em Nguyễn Thị Cúc- Học sinh cũ của tôi nhưng mà bây giờ em hơn tôi rất nhiều. Sau 13 năm du học ở Nga, em đã là 1 thạc sỹ Luật học, em đã có bằng Đại học Ngoại ngữ tiếng Nga, bằng cử nhân Anh văn, còn tôi, tôi thi 2 lần chưa đậu thạc sỹ chỉ vì tôi không thi được môn ngoại ngữ tiếng Anh”.
Cảm ơn thầy đã dành cho em tình cảm quý mến, trân trọng. Cảm ơn thầy lúc nào cũng nâng em lên nhưng dẫu em có bằng giáo sư, bác học đi nữa thì mãi mãi em vẫn là người học trò bé bỏng của thầy ngày nào.
 
 

 
 
 
 


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 26-04-2012 13:01






Xem 1 - 7 của tổng số 7 Comments

Từ: CucNT
12/05/2012 17:45:20

bây giờ em mới vào được trang Web để viết lời cảm ơn chị Tuyết hà đã post  và cảm ơn tất cả những người đã đọc và comments bài viết của em. Xin chân thành cảm ơn tất cả những cảm nhận và thông cảm  của mọi người.


cảm ơn chị Huyền vì lúc nào chị củng dành cho em tình cảm trìu mến. Chị bảo mỗi câu chuyện trong cuộc đời em đều có thể viết lên thành chuyện. Có lẽ thế chị ạ , có điều em không biết phải diễn đạt thế nào...


Em bái phục chị Lý vì lúc nào chị cũng làm thơ được.


Cucnt



Từ: KhanhT
04/05/2012 22:43:54

Cảm ơn Cúc, chúng ta ai cũng có “người Thầy đầu tiên” và chúng ta được như bây giờ là cũng nhờ có “người Thầy đầu tiên” ấy dẫn dắt chỉ bảo, như đã thành luân lý: “đặt những viên gạch đầu tiên” cho chúng ta vào đời. Vô cùng cảm ơn Thầy. Mỗi người có “người Thầy đầu tiên” của mình, không ai giống ai, nhưng giống nhau ở một điểm đó là tình yêu thương bao la, lòng nhân ái vị tha của Thầy… Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều bạn KGU gửi còm viết về “người Thầy đầu tiên” của mình ở đây, để chúng ta cùng chia sẻ như KhoaDT có mấy dòng rất nặng tình.



Từ: LyTM
02/05/2012 15:27:34

Hãy làm đi những gì em mong đợi,


đừng đợi chờ thêm nung nấu tháng năm


đừng cầu toàn cho vợi nỗi ước mong


đừng lơ đãng kẻo rồi em sẽ chậm!


Hãy làm đi dù đời còn vướng bận


trả nợ cho đời đâu dễ chỉ tháng năm!


Dù cuộc đời kéo dài quá trăm năm


mối nợ nhân tình đâu dễ ai khéo trả


Với thầy cô


cưu mang là bản ngã


bởi chữ thầy đã gánh nặng nghiệp duyên


với các trò


ôi ai đã diệu huyền


chỉ ít một lần làm trò trong phận sự?



Từ: HuyenBT
30/04/2012 19:46:11

Ở nước mình Thầy và Cha có thẻ coi là một. Đọc bài của Cúc chị thật sự cảm nhận  được điều ấy.Có lẽ vì vậy mà mỗi lần kịp làm được điều gì đó cho thầy cô từ thuở phổ thông, chị đều cảm thấy được nhẹ lòng hơn đôi chút.Chắc Cúc sẽ kịp làm tất cả những gì em ước nguyện với thầy cô của mình. Chị biết em từ nhiều năm rồi, biết em là người nhạy cảm và nhân hậu, đến nỗi đôi khi làm phúc cho cả kẻ từng phản mình. Nhưng tin là ông Trời có mắt, nên mới cho em gặp được những người như " Người Thầy đầu tiên" của em.


Chúc em viết được nhiều nữa để mọi người cùng chia sẻ với em. Mà chị thấy hinh như chuyện gì trong cuộc đời em cũng có thể viết thành truyện được. 



Từ: KhoaDT
27/04/2012 14:27:20

Đọc bài của bạn Cúc tôi chợt nhớ đến Cô giáo đầu tiên của mình: Cô Huấn, chủ nhiệm lớp 1A của tôi, năm học 1960-1961, trường Lê Ngọc Hân (phố Lò Đúc Hà Nội). Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ hồi đó cô Huấn dạy các bài thơ, văn ngắn trong cuốn "Tập đọc" lớp 1 với dọng diễn cảm và tâm huyết lắm, luôn kết hợp cùng với trò rút ra những nét luân lý đạo đức làm người từ những bài trên. Hồi tôi là học sinh cấp 3 Chu Văn An có dịp đến thăm cô ở nhà, vừa thấy cô đã gọi "Tiến Khoa" như thủa nào và đấy cũng là lần cuối cùng tôi gặp cô.  Ân hận vô cùng là tôi không có dịp được báo hiếu cô giáo đầu tiên của mình như bạn Cúc.  



Từ: NghiPH
26/04/2012 17:38:58

Thầy Lê Đức Hân của cô trò Nguyễn Thị Cúc là một người thầy có tình thương bao lao với học trò, nhất là những học trò nghèo. Thầy là con người tràn đầy nghị lực và là nhà quản lý giáo dục tài ba.



Từ: TuyetHA
26/04/2012 13:55:32

Đây mới là bài của em Cúc, xin giới thiệu để mọi người đọc. Do Cúc chưa tự post được bài lên nên tôi làm hộ em.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s