KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 15 Tháng năm 2012

Lời xin lỗi muộn mằn gửi tới một con chó.




Tác giả: Sưu tầm

Lời xin lỗi muộn mằn gửi tới một con chó.
Chuyện này tôi vẫn giấu kín suốt nhiều năm nay, liên quan đến một con chó. Tôi luôn nhủ lòng mình sẽ có lúc phải kể lại. Và đây là cơ hội, dù phải sau chẵn 25 năm!

Khi đó tôi đang tại ngũ tại thị xã Lào Cai bị bỏ trống, làm ở bộ phận tham mưu tiểu đoàn. Vì thế mà chúng tôi có thời gian để tăng gia cải thiện thêm.

Chả biết có phải thấy chúng tôi rảnh rỗi mà một hôm anh Nguyễn Ngọc Mùi-thượng uý, phụ trách công tác đoàn và ở cùng với chúng tôi-đi chơi Sapa về, đem theo một con chó đen nhánh, vẫn chưa mở mắt. Chẳng rõ anh nhặt được nó trong hoàn cảnh nào.

Qua lời anh thì tôi đoán có lẽ anh ngẫu hứng lấy của ai đó, phần nhiều là của một phụ nữ mà anh tán tỉnh, chắc do đùa cợt rồi không nỡ ném đi nên mang về dưa “cái của tội nợ” đó cho tôi. Tôi miễn cưỡng nhận nhưng trong lòng rất oán trách anh Mùi.

Không nuôi thì tội nghiệp nó, mà nuôi thì chắc gì nó đã sống. Nó vẫn chưa mở mắt và chỉ to hơn cổ chân một chút. Hằng ngày tôi cho nó ăn cơm, loại cơm nấu từ tấm Ấn Độ (nghe nói thế?) nên rất dính. Mặc dù hai mắt nhắm tịt nhưng miệng nó háu háu vục vào bát cơm.

Có lẽ do nó bị bỏ đói. Vốn không thích chó nhưng nhìn con vật bé xíu ăn một cách khổ sở, lòng tôi cng dịu lại. Lần nào cơm cũng dính chặt hai hàm nó vào nhau. Mỗi lần như vậy tôi phải lấy thìa cậy giúp nó khiến nó kêu úng oắng.

Tôi càng được thể giận anh Mùi. Anh làm khổ tôi mà cứ coi như không, thấy thế còn nhe răng cười. Nhưng rồi con chó cũng lớn dần. Chả may cho nó sớm bị ghẻ, dân gian gọi là lường. Lông nó trụi dần, trông rất bẩn mắt.

Ngày nào nó cũng dùng chân sau gãi bụng sồn sột, quay tròn như sắp phát cuồng và phô ra cái thân hình ghẻ lở, xấu xí rất khó nhìn. Tôi cảm thấy có mối ác cảm rất cay nghiệt với nó. Mỗi lần nó xuất hiện, tôi lại nổi cáu vô cớ.

Một lần tôi mang nó ra, chịt cổ, rồi dùng cả phao dầu thắp sáng dội thẳng lên người nó. Trong hành động của tôi có lẫn cả sự ác độc, kiểu cho mày chết đi! Con vật kêu như phải bỏng. Nó quay chong chóng, ngã lộn nhào mấy vòng vì xót.

Rồi nó cứ lăn lộn trên nền đất, kêu gào thảm thiết, nước mắt chảy ra. Nó nhìn tôi sợ hãi và oán trách, như vì tôi mà nó phải chết non. Đang bù đầu vì sổ sách, chứng kiến cảnh ấy, tự dưng tôi không thể chịu đựng nổi.

Tôi co chân đá nó một phát, y như đá trái bóng khiến nó bay ra phía ruộng rau. “Thôi thì mày biến đi cho khuất mắt tao, mày chết luôn tao càng thoát nợ, trông mày tởm quá thể”. Tôi bực mình quay vào, không thèm nhìn xem con chó quằn quại ra sao.

Nó chỉ là một con chó, việc quái gì mình phải khổ với nó. Không thấy động tĩnh gì, tôi nghĩ con chó đã chết hoặc bỏ đi. Thế nào cũng tốt. Nó sẽ không thể ám mình được nữa. Nào ngờ, chiều tối hôm ấy, khi đi rừng về, tôi thấy nó lại đã ở trong phòng làm việc của tôi.

Nó nằm im, người cuộn lại, lông vẫn bết vì dầu, toàn thân run lên từng chặp. Nó run vì xót, vì đói và còn vì sợ tôi. Nó không dám nhìn tôi, chỉ khẽ rên ư ử, có lẽ đang ra sức van xin tôi từ tâm cho nó được sống và tá túc qua ngày.

Tôi bỗng thấy động lòng, lót cho nó một cái áo rách. Vài hôm sau thì nó bắt đầu ăn uống bình thường. Và điều kỳ diệu là lông nó có dấu hiệu mọc lại. Nghĩa là phao dầu đã có tác dụng diệt hết đám cái ghẻ trên người nó.

Mấy tuần sau thì nó thành con chó có bộ lông óng mượt, đốm mũi và đốm trán nên trông như chó bốn mắt. Tôi gọi nó là con Jên, tên một nữ nhân vật hoàng tộc đài các nhưng hết thời trong cuốn tiểu thuyết lịch sử Cây đèn sắt của Bun-ga-ri mà tôi vừa đọc.

Ngày ngày Jên quanh quẩn bên tôi. Ngoài tôi ra, không ai gọi được nó, không ai có thể mời nó ăn bất cứ món gì. Ban đêm nó nằm ngay dưới chân giường của tôi, không bao giờ ngủ. Ban ngày khi tôi làm sổ sách thì nó ngủ khì, rồi khi dậy thì ra hiên ngồi canh và hóng hớt chuyện của lính.

Hôm nào thấy tôi sắp xếp tài liệu, thay quần áo, thì nó ra ngoài cửa đứng chờ sẵn ở trên thềm. Nó ưỡn ngực nhìn theo từng bước tôi đi theo triền dốc xuống đường. Nếu tôi rẽ phải, nghĩa là ra trung đoàn, nó bèn quay vào.

Ra trung đoàn thì chỉ có đi làm việc, nó biết như vậy và không bao giờ quấy quả. Nhưng hễ tôi rẽ trái, lập tức nó phóng theo. Rẽ trái thì hoặc xuống đơn vị, tức là đi chơi, hoặc vào rừng đi săn. Cả hai việc, với nó, đều có quyền bám theo ông chủ.

Chưa lần nào tôi đủ cứng rắn để bắt nó quay về. Trên đường đi nó cứ chạy luýnh quýnh, thỉnh thoảng lại nhìn tôi thích thú và lòng đầy biết ơn. Nhưng ngay cả khi ở đơn vị chỉ huy mời tôi ăn cỗ bàn, thịt cá ê hề thì nó cũng nằm ngay dưới chân, không bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì, không ai cho nó ăn nổi dù một miếng nhỏ, nếu tôi chưa phát tín hiệu đồng ý.

Những lúc trời tối đen, hai bên lối mòn chỉ có cây cối rậm rạp mà có nó luôn chạy phía trước để dẫn đường quả là rất yên lòng. Có lẽ vì quá khôn mà con Jên cứ còi cọc không lớn. Nuôi mãi nó cũng chỉ chừng 5-6 cân. Cả trung đoàn biết tiếng con Jên, nhất là những hành động khôn ngoan của nó.

Vậy mà một hôm tiểu đoàn trưởng tên là Đ. B. B, vừa sáng ra đã sang phòng tôi. Ông hỏi thăm con Jên và khi tôi khoe nó khôn như người thì ông ta cười ầm lên, đầy vẻ chế nhạo. Mãi rồi ông ta cũng nói ra mục đích chính của việc sang gặp tôi.

Ông bảo trưa nay trung đoàn trưởng xuống thăm, dẫn theo cả khách trên sư đoàn hay quân đoàn gì đó. Ông chưa biết lấy gì để tiếp đãi các thủ trưởng. Cả đơn vị chỉ còn mỗi một con trâu. Không thể chỉ vì bữa cơm tiếp khách mà thịt cả con trâu.

Mà các thủ trưởng thì lại chỉ khoái món “mộc tồn”. Vì thế ông muốn “vay” tôi con Jên để làm cỗ. Ông sẽ cân nó lên và sau này trả tôi số thịt lợn bằng đúng số cân hơi của con chó. Vừa nghe thế tôi đã giãy nảy, bảo rằng con chó khôn lắm, không thể thịt được, sau này nó chết thì tôi sẽ an táng.

Ông B. nghe vậy thì chửi tục: “Mẹ chú mày, con chó là cái đéo gì mà chú cứ làm to chuyện. Nó khôn đến đâu thì cũng là loài ăn cứt!”. Nói xong ông đứng dậy ra về, coi như không bàn cãi gì thêm nữa. Tôi cảm thấy lòng dạ rối bời. Ông Đ. B. B vẫn rất tốt với tôi, coi tôi như anh em.

Bản thân ông ấy không phải là người tham ăn. Ông ấy chỉ vì bí mà ép người khác thôi. Đúng là nhìn quanh thì chỉ còn con Jên của tôi có thể lên mâm. Thịt gà thì không thành cỗ, như lời ông B. nói. Tôi bèn bảo Phí Thắng, nhân viên chính trị mà tôi coi như chú em hay là đem con Jên trốn tạm đi đâu đó, chờ bình yên sẽ trở về.

Phí Thắng có vẻ ngần ngại. Cậu ta thật thà bảo: “Nếu làm vậy thì chỉ có bác là dám thôi, còn bọn em thì không. Bọn em không có cái uy như bác”. Tuy nói vậy nhưng thực lòng Thắng không muốn tôi làm căng, sẽ ảnh hưởng đến cả cậu ta.

Bởi vì nếu không cho lão tiểu đoàn trưởng toại nguyện, chẳng may vì thế mà lão bẽ mặt với cấp trên, có thể lão sẽ dùng quyền chỉ huy cắt bỏ những “đặc quyền đặc lợi” mà chúng tôi vẫn mặc nhiên được hưởng, sau đó gây khó khăn những chuyện khác, phần lớn là không thể lường được.

Nghĩ thế nên tôi bảo Thắng là tôi sẽ xuống đại đội, ở nhà cậu ta tùy ý định đoạt. Khi quyết định làm như vậy, tức là tôi đã quay lưng phản bội con Jên, giao nó cho tử thần. Tôi hèn hạ bán rẻ mạng sống của nó để đổi lấy sự yên thân nhưng lại làm như mình vô can.

Lần đầu tiên con Jên không chạy theo tôi.

Trưa hôm ấy, khi áng chừng mọi việc đã xong xuôi, tôi thất thểu từ đơn vị về nhà. Không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ tiểu đoàn có khách. Tôi khấp khởi mừng định đi tìm con Jên nhưng không thấy nó đâu. Tôi hỏi Phí Thắng thì cậu ta bảo:

“Chiều khách mới xuống, nhưng lúc bác ra khỏi nhà thì con Jên cũng bỏ đi, xuống nằm ở dưới nhà ăn tiểu đoàn. Em gọi thế nào nó cũng không về. Mang cơm xuống nó cũng không ăn. Chả biết bác có dỗ được nó không?”

Nghe Thắng nói vậy tôi lao bổ xuống nhà ăn. Con Jên nằm áp má xuống đất, thấy tôi cũng không ngẩng lên. Tôi vuốt tay lên lưng nó thì thấy từ khóe mắt nó bò ra hai dòng nước. Tôi bèn bế nó lên nhưng nó cứ một mực giãy ra, toài người xuống.

Đích thân tôi mang cơm nó cũng không ăn. Tôi bèn trở về phòng nghỉ trưa, lòng đầy bất an. Khi tỉnh dậy thì đã thấy mấy cậu liên lạc đang rôm rả bảo nhau giã riềng, lấy mẻ, lấy lá mơ. Cậu liên lạc tên là Thịnh, người công giáo quê Nam Định, thì thầm bảo tôi:

“Con chó của bác lạ thật. Nó biết mình chết nên kệ cho bọn em bắt, không hề giãy dụa, mặt cứ buồn rười rượi.” Tôi cảm thấy xấu hổ và đau đớn. Tôi đã không bảo vệ được người bạn trung thành của mình.

Tôi đã viện ra đủ thứ lý do, trong đó có lý do nó chỉ là con chó, để bán đứng nó. Trong trường hợp ngược lại, chắc chắn con chó sẽ chấp nhận bị trả thù, bị đày ải, bị nguyền rủa thậm chí chịu chết…chứ nhất định không bán đứng tôi, không nộp tôi cho thần chết như tôi đã làm thế với nó một cách hèn hạ và độc ác.

“Mình thật không bằng một con chó”-Ý nghĩ này cứ bám theo tôi suốt ngần ấy năm, như một bản án không lời nhưng hình phạt thì luôn hiện hữu.

Năm 2000, vừa tròn 13 năm kể từ khi giải ngũ, tôi mới có dịp trở lại thị xã Lào Cai. Sau khi làm xong việc, tôi đã định về ngay. Nhưng cả đêm tôi cứ thấy trong lòng không yên. Tôi quyết định ở lại thêm một ngày để chiều hôm sau lặng lẽ mò trở lại cái nơi con Jên bị giết.

Trước đó tôi mất hàng giờ đứng trên sân thượng nhà khách tỉnh uỷ để xác định được vị trí trước kia là khu bếp tiểu đoàn, nơi con Jên nằm ngẫm nghĩ về con người, trước khi bị giết. Tôi bèn đi bộ hơn 4 km tới nơi bạn tốt của tôi ngã xuống, đúng hơn là bị tôi bán đứng.

Tại đó tôi cứ tha thẩn như người mất hồn. Bỗng trong một chớp mắt, khi ngước lên cái nơi con Jên vẫn đứng ngóng mỗi khi tôi đi đâu đó hơn chục năm về trước, thì tôi bỗng thấy nó, đứng ưỡn ngực, đầu vươn cao bốn mắt nhìn về phía tôi, miệng nhoẻn cười như muốn nói:

“Tôi vẫn ở đây đợi ông chủ”. Tôi cúi đầu như người mặc niệm, lòng thầm nói: “Tao xin lỗi mày! Sau này tao xin đổi kiếp cho mày để được báo đáp tình sâu nghĩa nặng của mày. Hãy tha thứ cho thằng người hèn hạ này”.

Tôi chưa bao giờ phải xin lỗi ai khẩn thiết như thế.

Trước khi về Hà Nội, qua một đồng đội cũ quê Sapa, tôi biết ông Đ. B. B đã chết sau khi giải ngũ. Ông bị ngã từ tầng ba ngôi nhà mới xây xuống vào hôm ông mời bạn bè dự lễ khánh thành, tất nhiên là có thịt chó.

Không hiểu sao tôi nghĩ ngay đến con Jên và cứ thỉnh thoảng lại rùng mình bởi ý nghĩ vớ vẩn đó.

Theo Phunutoday


Người post: KietNA

Ngày đăng: 15-05-2012 16:04






Xem 1 - 10 của tổng số 19 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: KietNA
19/06/2012 15:49:13

Bức ảnh vô giá về chú chó huyền thoại Hachiko:


Chú chó Hachiko huyền thoại


Bức hình được tin là chụp trong phòng hành lý của nhà ga Shibuya. Trong đó, Hachiko nằm yên với đôi mắt nhắm nghiền, xung quanh là những nhân viên nhà ga và nhiều người khác đang chắp tay tỏ lòng khâm phục đối với chú chó trung thành.
Năm 1924, Hachiko được ông chủ Hidesaburo Ueno - giáo sư thuộc khoa nông nghiệp trường Đại học Tokyo đưa về nuôi. Trong suốt khoảng thời gian sau đó, chú và ông chủ đã trở thành những người bạn không thể tách rời. Mỗi buổi sáng, Hachiko theo chân chủ tới tận nhà ga Shibuya nơi ông lên tàu đến chỗ làm việc và chờ đón ông tại đó đến khi ông trở về vào cuối ngày. Những ngày hạnh phúc đó cứ tiếp diễn cho đến một hôm vào tháng 5 -1925, ông chủ đã đột ngột từ trần vì tai biến mạch máu não ngay tại nơi làm việc và vĩnh viễn không thể trở về nhà. Thế nhưng, người ta vẫn thấy Hachiko tới nhà ga để chờ đón người bạn thân thiết của mình suốt 9 năm sau đó cho đến khi chú chó trung thành trút hơi thở cuối cùng.


(Theo Yomiuri Shimbun)



Từ: CuongLV
22/05/2012 12:10:24

Chuyện cảm động của Kiệt làm tôi nhớ lại chú chó mà gia đình nuôi cách đây hơn 50 năm. Thày U tôi vẫn bảo : Con Vàng (chú chó có bộ lông màu vàng) cùng tuổi với tôi. Khi sinh tôi, Thày U tôi mua nó về chắc là để nó…trước là phục vụ, sau thì là bạn vui chơi với tôi. Đến khi tôi hơn 10 tuổi, đã có đến 4 đứa em…thì nó đã quá già, trở nên vô dụng. Phải nói đó là chú chó rất ngoan và khôn, không bao giờ cắn người dù lạ mà chỉ sủa rất to để báo động cho chủ nhà. Cực chẳng đã, Thày U tôi phải gọi người mua đến bán nó vì thuở ấy, ăn uống kham khổ, có dại khờ đến mấy cũng không ai mang chó lành đi chôn. Hôm người mua đến bắt, chú chó cứ gồng mình chống lại, cào cả 4 móng chân vào, tru tréo thảm thiết, nước mắt chảy giàn giụa…Sau hơn 50 năm, đứa trẻ hơn 10 tuổi ngày ấy là tôi vẫn nhớ rõ cảnh chia tay thảm thiết đó. Chỉ nhắc lại một chi tiết là từ đó cho đến bây giờ, nhà tôi không bao giờ nuôi được chó nữa, cho dù các điều kiện sống hơn hẳn những năm 50, 60 của thế kỷ XX.          



Từ: NhuanNT
22/05/2012 08:19:08

Cam ơn tác giả vì câu chuyện hay quá. Đọc về con người mình ít khóc hơn đọc những câu chuyện về chó... chỉ vì nó luôn gơi những kỷ niệm thật buồn. Chúng mình đã phải chia tay với ba chú chó mà mỗi lân nhó lại, nước mắt lại chay dài...



Từ: KietNA
19/05/2012 19:20:43

Không.
Em Osacal Frăngxoa Đdoangdê... (tên quá dài do Meiji đặt) vẫn khỏe mạnh, đanh đá, rất khôn ngoan, đẹp "Chai" và dễ thương .(^_^).



Từ: LamNM
19/05/2012 17:49:49

Chào Kiệt! Đọc bài sưu tầm của Kiệt về con chó tôi đã rớm nước mắt. Thật xúc động. Trường hợp thứ hai mà Kiệt đinh kể có phải là con Osaka Frăngxoa Đdoangdê ... mà Bồng Lai vẫn hay nhắc đến phải không?. Những bài sưu tầm của bạn bao giờ cũng để lại ấn tượng đấy.     



Từ: VinhDT
19/05/2012 10:07:25


Đọc bài về con chó của Kiệt mà tôi bùi ngùi mãi, định viết vài câu nhưng lại thấy chẳng đủ để nói về Con Chó. Nhà tôi lúc đông vui nhất là 2 con chó và hơn chục con mèo, cóc nhái thì đầy vườn. Nhưng chỉ có con chó là tôi đã từng nhìn thấy nó khóc. Mấy con mèo nhà tôi nghịch như giặc, thỉnh thoảng lại lấy tay vả mặt chó. Con Ki và con Lu gầm lên nhưng không dám làm gì mèo cả. Vì chúng nó biết rằng ông bà chủ vẫn đe: Mèo là em, phải nhường nó ! Nhìn vào mắt chó tôi thấy nó biết là bất công nhưng vẫn chịu đựng…


 Bây giờ 2 con chó nhà tôi đã yên nghỉ trong vườn. Thỉnh thoảng ra làm vườn tôi vẫn tần ngần đứng bên mộ chúng. Tôi nhớ chúng nó quá.




Từ: KietNA
18/05/2012 15:12:15

Trường hợp thứ 2 là một chuyện khá dài, ngay tại nhà chúng tôi, Tp.HCM.
Tôi lại không có năng khiếu viết văn nên chưa viết được.
Rất tiếc.



Từ: HuongNT
18/05/2012 10:39:59

Cám ơn anh Kiệt đã cho mọi người cùng thưởng thức một câu chuyện thật cảm động về chú một con chó tội nghiệp. Anh nói trong cuộc đời anh có 2 lần vô tình làm chết 2 chú chó nhưng mới có trường hợp thứ nhất, còn trường hợp thứ hai sao hả anh? 



Từ: HanhLM
17/05/2012 20:49:42

Cám ơn anh Kiệt đã cho NguoiKGU được đọc một câu chuyện thật xúc động. Đọc xong mà em còn day dứt mãi...



17/05/2012 17:16:53

Không biết mấy ông nghiện thịt chó mắm tôm đọc bài này thì cảm nghĩ như thế nào nhỉ?.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s