KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 18 Tháng năm 2012

Anh trai tôi




Tác giả: CucNT

ANH TRAI TÔI

Nguyễn Thị Cúc (Luật 91)

 

 

Hồi học cấp 3 và sau này học đại học, tôi ở ký túc xá cùng các bạn. Bạn bè tôi hay nhắc: “Bố tớ dặn thế này, bố tớ bảo thế kia”, còn tôi, lúc nào cũng bảo: “Anh trai tớ kể chuyện này, anh trai tớ làm thế kia”. Điệp khúc “Anh trai tớ! Anh trai tớ!” gắn liền với mọi câu chuyện mà tôi đã kể cho các bạn của tôi nghe.

Tôi không có hoài niệm về bố vì ông mất đột ngột lúc tôi mới 2 tháng tuổi, còn các chị tôi lần lượt 2 tuổi, 4 tuổi, 6 tuổi, 8 tuổi, anh trai tôi lúc đó 13 tuổi. Anh đã yêu thương tôi bằng tình thương của người bố và người anh cộng lại.

            Ngày 6 Tết năm 1967 bố tôi mất. Khi đó anh trai đầu của tôi đã lên đường vào Nam chiến đấu, chị thứ 2 đang học trường Cao đẳng sư phạm, anh trai thứ ba của tôi- anh Lượng 13 tuổi đang học lớp 6 trường làng… Nhìn 6 đứa con còn nhỏ dại mẹ tôi ngất xỉu không biết bao lần. Bố tôi chọn các loài hoa đặt tên cho các con Quế, Lan, Lý, Hường, Cúc. Từ khi bố tôi mất, mọi người không gọi tôi là Cúc nữa mà gọi là “Côi” – Mồ côi. Sau này mấy người trong làng thường kể lại, chị Hường lúc đó 2 tuổi – nói  đớt, ai hỏi “ Em tên gì” chị bảo “Muốn chêu chọn Chúc thì chêu mà muốn chêu con Chôi thì chêu” (Muốn kêu con Cúc thì kêu mà muốn kêu con Côi  thì kêu).

Mẹ tôi khóc lịm mấy ngày rồi cũng phải gượng dậy quang gánh trên vai chạy chợ kiếm gạo nuôi con. Hàng ngày, mẹ tôi dậy từ 4 giờ sáng đi bộ ra chợ Rú (Thạch Sơn) cách Thạch Thượng – làng tôi 5 km, mua các thứ thúng, rổ, rá, mẹt, dần, sàng (gọi là hàng nan) gánh vào chợ thị xã – cách xa nhà 15 km bán kiếm lời, mỗi ngày mẹ đi bộ 30 km với gánh nặng trên vai bán từ sớm đến tối cũng chỉ đủ tiền mua 1 kg gạo nuôi sống cả gia đình 7 người trong 1 ngày .

Đó là thời điểm giặc Mỹ điên cuồng đem bom đánh phá miền Bắc. Mẹ tôi đi chợ sợ các con ở nhà không ai đưa xuống hầm sẽ bị bom bỏ chết mất nhưng không đi thì chết đói cả nhà. Chị tôi 16 tuổi đang học Cao đẳng sư phạm, định bỏ học về nhà để chăm em nhưng anh trai tôi bảo: “Chị đi đi, học để sau này kiếm nghề mà sống, em đàn ông sức dài vai rộng, làm nông cũng được”. Chị tôi gạt nước mắt đi học tiếp. Thầy giáo dạy anh tôi chạy đến nhà khi nghe tin anh tôi bỏ học: “Em gắng đi học đi! Em học giỏi, sau này có thể được Nhà nước xét cho đi du học nước ngoài”. Nhưng rồi thầy nhìn 5 đứa nhỏ, trong đó có đứa mới 2 tháng tuổi là tôi, đỏ hỏn, các chị 2, 4, 6, 8 tuổi, mũi chảy thò lò, áo quần rách nát nằm ngồi giữa căn nhà tranh vách đất dột nát khắp nơi, lắc đầu buồn bã ra về. 13 tuổi, anh tôi trở thành trụ cột trong nhà. Anh cuốc đất trồng rau, khoai sắn trong vườn và trông chừng 5 chị em tôi. Mỗi khi máy bay Mỹ tới, anh một tay ôm tôi, một tay bồng người chị 2 tuổi chạy xuống hầm, 3 chị tôi chạy theo sau.  Chú hàng xóm qua bảo với mẹ tôi: “Chị cho bớt đi 3 đứa thì mới may nuôi nổi 3 đứa còn lại chứ để cả 6 đứa là chết đói cả nhà”. Nhưng mẹ tôi không cho. Sau này khi xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, tôi thường khóc và chợt nghĩ, nếu ngày ấy mẹ tôi cho đứa con nào chắc suốt đời mẹ đau đớn đi tìm con như những người trong chương trình.

Mẹ tôi đi từ sáng đến tối mới về, tôi khát sữa khóc lịm. Anh tôi biết chắt nước cơm dùng lá chuối cuộn lại rót vào miệng tôi từng giọt một. Tôi  đã sống nhờ những giọt nước cơm đó và có lẽ anh tôi đã rót vào miệng tôi tất cả tình yêu thương và lòng hy vọng nên tôi đã sống. Mẹ tôi đi chợ suốt cả ngày vẫn không kiếm đủ cơm cho cả nhà, anh tôi không thể suốt ngày ở nhà trông chúng tôi mà phải đi cày cấy trên đồng. Dù lo lắng cũng không thể nào khác được. Năm chị em chúng tôi ở nhà. Khi tôi 6 tháng tuổi, máy bay Mỹ tới, chị tôi 8 tuổi, biết đưa 4 đứa em xuống hầm, cùng bà Căn - hàng xóm. Căn hầm bị lấp nhưng may mắn thay khi ngớt tiếng bom, chị tôi đã biết bới đất chui lên, bà hàng xóm ngồi trong cùng thì đã tắt thở vì sức ép.

Mẹ tôi không dám để chúng tôi ở nhà nữa. Mẹ gánh chúng tôi theo, một đầu là tôi, 1 đầu là chị Hường, thúng mủng, dần, sàng nằm dưới, chúng tôi nằm trên. Ra chợ, mẹ đặt chúng tôi ngồi trên sàng và mẹ bán hàng.

Anh tôi làm quần quật suốt ngày để ra bông lúa hạt gạo. 13 tuổi nhưng anh tôi biết làm đủ thứ, anh biết đan  nơm úp cá, biết làm nỏ bắn chim, mò cua bắt ốc Chúng tôi ăn những cái gì có để mà sống, cơm là thứ xa xỉ nhất còn nữa là khoai, bắp chuối, rau lang, rau má… Anh tôi thường ăn khoai, rau má nhường cơm cho chúng tôi.

Có một lần tôi bị sốt, mẹ tôi không gánh chúng tôi theo. Khi mẹ đi ra tới cầu Nga (Thạch Sơn) thì một loạt bom dội xuống, hất tung quang gánh và mẹ tôi rớt xuống sông. Nếu tôi không bị sốt, có lẽ hôm đó tôi và chị Hường đã chết đuối. 

Từ đó mẹ tôi không gánh chúng tôi ra chợ nữa mà anh tôi cõng tôi theo. Đi đâu anh tôi cũng đưa tôi đi. Tôi chơi tha thẩn trên bờ anh vừa cày cấy dưới ruộng vừa  trông chừng máy bay Mỹ. Anh ôm tôi trong lòng, dùng cả người anh che chở cho tôi, chạy tới mô đất gần nhất ẩn nấp khi bom dội. Đêm, tôi nằm ngủ với anh trong đống rơm. Anh kể cho tôi nghe về bố tôi, rằng ông là người đàn ông tốt nhất trên đời và ông yêu thương chúng tôi rất mực. Anh kể cho tôi nghe chuyện Tấm Cám, những chuyện cổ tích mà anh đã đọc. Anh bảo mai này đất nước hòa bình, nhất định em sẽ học lên đại học, học cho cả phần anh nữa.

Bão đạn, mưa bom, đói rét nhưng tất cả người dân Việt Nam vẫn đi học. Cảm ơn ai đã sáng tạo ra chiếc mũ rơm để “Mang mũ rơm đi học đường dài/Chuyện thần kỳ dân tộc ta là vậy”. Chiếc mũ rơm che nắng mưa và cũng để mảnh bom của kể thù không xuyên thắng vào đầu mà chúng bị lớp rơm cản lại. Anh tôi đan những chiếc mũ rơm cho 4 chị tôi đội đi học. Cô giáo trường làng dạy 1 lúc cả 5 lớp vừa dạy vừa canh chừng máy bay Mỹ trong lớp học dã chiến. Khi máy bay Mỹ đem bom tới, cô đưa đàn chim nhỏ xuống hầm và ngồi chắn ở cửa hầm để che chở các em.

Gia đình  tôi có anh Huy là anh đầu đã đi bộ đội. Mấy năm đầu còn có tin tức về anh nhưng từ năm 1970 thì không có tin gì nữa. Chúng tôi nghĩ, anh đã hy sinh, cũng như hàng vạn người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.

Năm 1972, tổng động viên trên cả nước. Anh Huy đang ở chiến trường nên anh Lượng – mà lúc nào tôi cũng gọi là anh trai tôi không được đi bộ đội mà đi dân công hỏa tuyến.

Làng tôi có tên gọi Thạch Thượng, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Làng tôi nằm ven quốc lộ số 1 giữa 2 cây cầu, Cầu Nga và Cầu Cày. Bọn Mỹ muốn chặn đường tiếp viện từ Bắc vào Nam nên cứ mang bom đánh sập những cây cầu. Ở Diễn Châu là Cầu Bùng, ở Vinh là phà Bến Thủy còn ở Hà Tĩnh là Cầu Nga và Cầu Cày. Làng tôi trở thành cái túi đựng bom. Chúng tôi phải rời vườn nhà mình lên ở trên lán trại cách xa đường quốc lộ để tránh thương vong. Một đơn vị bộ đội đóng tại làng tôi để bắn máy bay Mỹ, tôi nhớ tên gọi là “Trận địa pháo cao xạ”.

Tháng 6/1972 một loạt bom đã dội xuống làng tôi. Có 3 gia đình trong 1 lán trại của chúng tôi gặp nạn. Bà Thực chết tại chổ, chị Châu (con bà Đối ) cụt mất 1 chân, cái Huyền 6 tuổi thường hay chơi với tôi thì không tìm thấy xác. Một mảnh bom đã xuyên qua ngực mẹ tôi. Ngực bà đẫm máu. Chị Hường (8 tuổi) bị mảnh bom vào đầu, chân, tay, chị Quế (14 tuổi) bị vết thương nhiều nơi, máu rịn ra khắp người. Loạt bom vừa dứt, thanh niên trong làng (toàn là con gái – con trai nhập ngũ hết rồi) ào đến, chỉ có 2 cái băng ca, 1 cái khiêng mẹ tôi và 1 cái khiêng chị Châu (con bà Đối ) bị mảnh bom cưa ngang đùi, 1 bên chân chị còn dính 1 mảnh thịt lủng lẳng, chạy lên bệnh viện dã chiến ở Thạch Thanh. Còn chị Hường và chị Quế được mọi người thay nhau cõng chạy lên đến bệnh viện thì chảy gần hết máu.

Mẹ và 2 chị nằm viện. Một gia đình trong làng đưa tôi về nhà để nuôi. Người lớn rất thương tôi nhưng trong nhà có 1 đứa bé cũng bằng tuổi tôi không ưa tôi. Buổi sáng chúng tôi phải nhịn đói, trưa thì chia đều cho mỗi người lưng bát cơm trộn khoai. “Cơm người khổ lắm mẹ ơi!/Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn”. Tôi ăn xong, ra sau nhà, bị đứa bé đó đấm vào sườn đau nhói: “Sao mày ăn hớt phần tao? Từ nay không được ăn nữa! Nghe chưa?”.      

Sáu tuổi tôi đã biết chịu đựng, không khóc và cũng không mách lại với người lớn. Buổi tối, dù sợ bị đòn nhưng đói meo, tôi lại ngồi vào mâm, ăn vội vàng bát cơm được chia và lại bị con bé đó lôi ra sau nhà đánh. Đêm nằm ngũ 1 mình ở đống rạ sau nhà, tôi nhớ mẹ, các chị và nhớ anh trai tôi nên thường khóc. “Giá mà anh có nhà, anh sẽ bảo vệ tôi, không cho ai đánh tôi”. Tôi thiếp đi, trong mơ tôi thấy anh tôi về bắt chim, chấu chấu, cào cào cho tôi chơi. Dần dà nó không đánh tôi nữa mà chơi với tôi thân thiện hơn. Chúng tôi cùng làm việc, nhổ cỏ, hái rau nuôi lợn, chạy xuống hầm khi báy may Mỹ tới.

Những người trong làng có gì mang nấy đưa lên nuôi mẹ và các chị tôi. (cháo, cơm, rau, khoai …). Đợt oanh tạc đó trong làng tôi bị chết và thương vong rất nhiều, nhất là bộ đội. Mấy người đi thăm mẹ tôi về nhìn tôi khóc: “Nó mồ côi bố rồi, sắp mồ côi mẹ nữa”. Một mảnh bom đã xuyên qua ngực mẹ tôi vào nằm ở đáy phổi, máu chảy phía trong nên mẹ tôi khó lòng qua nổi. Nhìn hoàn cảnh của gia đình tôi, bác sĩ Phúc đã hết lòng cứu chữa mẹ tôi. Bác đã dùng số thuốc kháng sinh hiếm hoi tiêm cho mẹ và mẹ tôi đã qua cơn nguy kịch. Chị Hường và chị Quế thì dần hồi phục. Chị  Xin –chị gái đầu của tôi đang mang bầu sắp sinh nên chỉ có anh rể tôi túc trực trên bệnh  viện chăm sóc mẹ và 2 chị. Chị Lan 12 tuổi, chị Lý 10 tuổi biết đi khắp các làng bên cạnh mua lạc về bóc ra nấu kẹo mang vào chợ Thị  xã bán kiếm tiền đong gạo. 1tháng sau, mẹ và 2 chị ra viện nhưng vẫn nằm một chỗ. Tôi, mới 6 tuổi đầu đã trở thành cô y tá chăm sóc bệnh nhân.

Anh tôi đi dân công hỏa tuyến trở về, sốt rét, da xanh tái. Anh về làng chặt tre, dựng lại lán trại và làm lụng cật lực để nuôi cả nhà. Các chị tôi lại được đến trường, 1 buổi học, một buổi đi mót lúa, mót khoai kiếm sống dưới bom rơi đạn nổ.

Năm 1973 Hiệp định Paris ký kết, hòa bình lập lại trên miền Bắc. Chúng tôi về lại vườn xưa. 3 hố bom sâu hoắm xung quanh vườn nhà tôi. Mảnh vườn xum xuê cây trái của nhà tôi tan hoang, cây cối xác xơ. Nơi trước đây là căn nhà giờ chỉ còn trơ nền đất. Vườn cau xanh tốt cứ đến mùa lại trổ hoa thơm ngát giờ chỉ còn vài cây sống, số còn lại bị bom Mỹ cưa ngang thân, ngọn cau dỗ gục xuống cháy khô, nửa thân  cây còn lại xạm đen chĩa lên trời như những mũi chông. Vết bom chằng chịt trên thân cây bưởi, nhãn, xoài… Anh tôi chặt tre dựng lại nhà, đào gốc cau trồng khoai lang, dong giềng, đậu, lạc …

Chúng tôi được đến trường khi không còn tiếng bom rơi đạn nổ. Anh tôi làm Tổ trưởng tổ sản xuất, cùng dân làng xây dựng lại quê hương.

Ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tổng bí thư Lê Duẩn nói: “Ngày hôm nay, hàng triệu người vui, hàng triệu người buồn nhưng đó là ngày đất nước ta được hoàn toàn thống nhất, độc lập”. Làng tôi vui sướng đón những người con trở về. Bao nhiêu hân hoan nhưng cũng có biết bao nỗi ngậm ngùi. Nhiều người mẹ đã khóc cạn nước mắt khi có những đứa con đã không trở về (có những người tới nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt), có nhiều người về không nguyên vẹn, cụt chân, cụt tay, hỏng mắt, hỏng tai…

Kỳ diệu hơn cả trong chuyện cổ tích, anh trai đầu của tôi trở về. “Anh Huy về! Anh Huy về!”- cả nhà tôi reo lên. Anh kể, đại đội anh chiến đấu ở  Đường 9 Khe Sanh, Nam Lào, hy sinh hết ¾ quân số. Anh tôi nguyên vẹn dù bị thương khắp người nhưng chỉ ở những phần mềm.

Niềm vui đoàn tụ của cả gia đình chưa lâu thì chúng tôi đối diện với đói rét và bệnh tật.

Mẹ tôi vẫn bị đau nhói ở ngực và thi thoảng ho ra máu. Chị Quế gần như bị suy kiệt vì mất máu quá nhiều. Chị Hường thi thoảng lên cơn co giật. Anh Huy, Anh Lượng vẫn  bị những cơn sốt rét hành hạ. Có những lúc, một bên là anh Lượng đang lên cơn rét, một bên là anh Huy đang lên cơn sốt, mẹ tôi ngồi giữa đau đáu chịu đựng cùng con. Không có lấy 1 viên ký ninh, các anh tôi đã nuốt không biết bao nhiêu con giun đất để chống lại cơn bệnh sốt rét. Và sự kiên cường của các anh đã chiến thắng, đẩy những cơn sốt rét về lại rừng xanh.

Mấy tháng sau, sức khỏe đỡ hơn, anh Huy đi làm công nhân ở Lâm trường Hương Sơn, Hà Tĩnh. Chúng tôi đói quay quắt, ăn tất cả những gì có để tồn tại. Cơm, khoai sắn rồi cũng không có, chúng tôi ăn củ chuối, rau lang, rau má, cám. Mẹ tôi rang các hạt thóc lép, giã nhỏ, gọi là “lớ” và chúng tôi dùng lá chanh cuộn lại trút thẳng vào họng, nuốt xuống dạ dày rồi uống nước.

Anh tôi lặn lội khắp đồng bắt cá, bắt ốc. Có một hôm trời mưa, đã tối, anh tôi khập khiễng đi về xách theo 1 con cá lóc rất to. Nhà còn ít gạo nấu cháo, mẹ tôi nướng cá lóc, xẻ lấy thịt, đảo với mỡ, hành, ngắt thêm ít hành tươi và ngò ngoài vườn bỏ vào thơm nức. Anh tôi đi nằm, mẹ gọi dậy anh, anh bảo “Cả nhà ăn trước đi, con buồn ngủ, lát nữa sẽ dậy ăn sau”. Chúng tôi hì hụp húp, đấy là bát cháo cá ngon nhất và cũng quặn thắt nhất trong đời tôi. Ăn xong một lúc sau vẫn không thấy anh dậy, mẹ tôi lại gọi anh thì ra anh bị sốt, trong lúc nơm cá, một cái mảnh chai đã cứa đứt gan bàn chân anh.  Mẹ tôi đun nước muối và đập dập hành tăm buộc vết thương cho anh. Mấy hôm sau lành chân, anh lại lặn lội khắp ruộng đồng mò tôm, bắt cá.

Anh, tôi và chị Lý, chị Lan thì có thể ăn cám, rau má thay cơm nhưng chị Hường và chị Quế thì không thể, các chị còn chưa lại sức nên ăn cơm thì nuốt được chứ ăn các thứ khác là ói ra. Mẹ tôi vừa bớt đau thì lại quang gánh trên vai rong ruổi khắp chợ Rú, chị Trổ, chợ Tỉnh mua rau muống, rau cải, khoai sắn gánh  về chợ  Cày bán để kiếm tiền đong gạo. Anh tôi giành lấy tất cả việc đồng áng nặng nhọc để các chị tôi được đến trường. Học xong cấp 2 thì các chị nghỉ học và lần lượt lên đường nhập ngũ. Mỗi lần các chị đi, mẹ tôi lại khóc nhưng anh tôi bảo “Đi bộ đội thời bình không cơ cực như thời chiến đâu mẹ, với nữa các em đau ốm vậy đi còn có Nhà nước giúp đỡ chứ ở nhà sức đâu các em làm nông nghiệp”. Quả đúng như anh tôi nói, trong quân ngũ, các chị tôi học tiếp bổ túc và tốt nghiệp cấp 3. Chị Quế được đơn vị ưu tiên cho các loại thuốc bổ nên sức khỏe chị khá dần, chị được học thêm nghề ý tá. Xuất ngũ, chị làm y tá cho bệnh xá trường Đại học sư phạm Vinh. Chị Lan sau 4 năm đóng quân ở Hòa Bình được đi học công nhân Kỹ thuật ở Liên Xô và sau này chị về làm nhân viên Công ty du lịch Cửa Lò. Chị Hường đóng quân ở Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội, đã được đơn vị đưa vào bệnh viện 108 mổ lấy mảnh đạn trong đầu, tay và chân ra. Từ ngày gắp mảnh đạn trong đầu ra, chị khỏe dần và không lên cơn co giật nữa. Chị ở lại quân ngũ và trở thành “chị nuôi” của  đơn vị.

Nhà còn chị Lý, anh và tôi. Anh bảo: ”Khó khăn thế nào cũng gắng cho em út học lên đại học”. May thay, vào năm cấp 3 tôi đậu vào trường Năng khiếu Phan Bội Châu - Nghệ Tĩnh. Tôi được nhà nước nuôi ăn học.

Tôi đậu đại học và được chọn đi du học nước ngoài, cả nhà tôi vui mừng khôn xiết. Ngày ra đi, anh tôi dặn “Nhà mình nghèo khó suốt đời nhưng chưa bao giờ làm điều gì không phải. Em là đứa con “danh giá” nhất nhà, em phải sống đúng với truyền thống gia đình “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Tháng 8/1985, tôi qua Khishinew học. Vừa học, chúng tôi vừa nhận len về đan mũ để kiếm tiền. Tôi làm chăm chỉ lắm. Có chị  nói đùa “làm queo tay tày đít mà mỗi ngày chỉ đan được 1 chiếc mũ, em Cúc giỏi thật, em đan mỗi ngày 4 cái mũ”. Tôi tích cóp đồng tiền để về thăm gia đình. Năm 1987 tôi về phép. Chị Lý đã lấy chồng, anh chị tôi có 4 đứa con. Anh trai tôi lấy vợ. Chị dâu tôi làm bưu diện, lương rất thấp. Mẹ tôi đau tức ngực, đi chụp phim và bác sỹ ghi “Một mảnh kim loại đang nằm ở đáy phổi bên phải”  Mảnh bom năm 1972 đã vĩnh viễn nằm lại trong cơ thể mẹ tôi. Bác sỹ bảo: “Mảnh bom không hoen rỉ mà đã bị bao bọc bởi lớp mỡ nên không phải giải phẫu để lấy ra, hơn nữa mẹ tôi cũng không đủ sức để chịu đựng ca mổ, thôi đành “sống chung với đạn”. Mẹ tôi yếu sức nên không thể gánh hàng đi chợ nữa. Hết nuôi em, giờ đến nuôi con, anh tôi lại lam lũ suốt ngày trên đồng ruộng. Anh tôi làm tổ trưởng tổ sản xuất rồi làm trong ban chủ nhiệm hợp tác xã, chạy ngược chạy xuôi suốt ngày nhưng đói vẫn hoàn đói.

          Bọn Mỹ cấm vận, Liên Xô ngưng viện trợ. Rồi đổi tiền, ngăn sông, cấm chợ... Cái đói bao trùm khắp làng xã, hằn dấu trên mặt người dân quê tôi. Thanh niên trong làng lũ lượt kéo nhau đi tha phương kiếm sống. Một số may mắn được qua Liên bang Nga, một số đi Irắc lao động, phần lớn đi vào Nam làm thợ hồ, thợ may. Trong làng chỉ còn người già và trẻ em. Anh tôi và các cựu chiến binh nghĩ ra mọi cách, đắp đập, đào mương đưa nước về làng, tìm cách tăng năng suất nhưng vẫn không giữ được trai làng ở lại, ruộng đồng bỏ hoang. Mùa hè nắng trơ gốc ra, mùa đông bão lũ đè lên những người già và em nhỏ…Anh tôi và những cựu chiến binh gánh vác hết mọi việc nặng nhọc trong làng.

Tôi cho anh tiền làm được cái sân gạch (tôi lại nhớ cái sân gạch trong tác phẩm “Cái sân gạch” của Đào Vũ), sân gạch đó có từ những năm 1960 còn của gia đình tôi thì đến năm 1987 mới làm được.Vào mùa, anh tôi không còn phải gánh lúa ra sân hợp tác xã phơi nữa. Anh tôi dặn: “Em đi nước ngoài, học cái gì tiến bộ về xây dựng quê hương chứ người dân mình đang cơ cực quá”.

Năm 1991 tốt nghiệp đại học nhưng tôi chưa về nước. Chồng tôi học sau tôi 3 năm nên tôi ở lại vừa làm thực tập sinh vừa buôn bán kiềm tiền. Bạn bè tôi một số về nước, số đi Đông Âu, cái Khuyên sang Đức, Huệ-Sơn qua Rumani, Hà, Huyền Tôn  lên Matxcova… Chỉ có tôi ở lại Khishinew.

Tôi nhận được thư của anh tôi: “Em biết không, bố mình mất sớm vì tham gia kháng chiến chống Pháp, bị giặc bắt bớ đánh đập nhiều lần nên kiệt sức chết non. Bao nhiêu máu xương của cha ông đã đổ xuống mới giành được độc lập, tự do… Nếu không có sự cưu mang, đùm bọc của xóm làng, cả gia đình ta đâu còn vẹn toàn như hôm nay. Ơn nghĩa đối với Tổ quốc, quê hương trả bao giờ cho hết hả em? Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng chúng ta đang được sống trong hòa bình. Em về đi, về xây dựng quê hương, anh không tin cái từ “ lưu vong “ lại gắn với tên tuổi đứa em út yêu qúy nhất của anh. Mảnh đất này dẫu còn nhiều khắc nghiệt, vẫn bao điều tha thiết chờ em…”.

 

Sau này, mẹ tôi kể, khi nghe tin tôi học xong không về nước mà trở thành kẻ “lưu vong”, anh tôi hút thuốc suốt đêm không ngủ. Sáng dậy, anh chặt mấy cây tre trong vườn mang ra chợ bán, đến tận bưu điện huyện mua tem và phong bì về ngồi viết thư cho tôi rồi tự anh mang thư đi gửi. Mẹ tôi không biết chữ, cứ sợ anh viết mắng nhiếc tôi.

Tôi hứa với anh: “Anh yên tâm, Em sẽ về ngay sau khi  nhận được cái bằng tiến sỹ, em ở lại không phải lưu vong đâu anh:

Em yêu quê hương, nhớ những buổi chiều quê,

                         Căn nhà tranh đổ tan sau 1 lần bom oanh tạc

Và quanh em, những khuôn mặt người hốc hác,

        Thảng thốt, giật mình, ngơ ngác trước đau thương…

Mãi tới năm 1998 vợ chồng chúng tôi mới về nước nhưng tôi đã không có được cái bằng tiến sĩ như đã hứa với anh. Chúng tôi bị chấn lột mất hết tiền nên tôi không có tiền để bảo vệ tiến sỹ dù luận án đã viết xong.

Về Vũng Tàu, chúng tôi nộp đơn xin vào làm việc ở dầu khí (Vietsopetro). Cả hai chúng tôi đều được nhận vào làm việc nhưng bị điều ra Vietross (ở Dung Quất, Quãng Ngãi.). Chồng tôi ra Quãng Ngãi còn tôi ở lại Vũng Tàu. Tôi làm phiên dịch tiếng Nga cho công ty cao su Belatex ở Đồng nai. Đồng lương quá thấp (chỉ 1 triệu đồng) mà phải nuôi 2 con nhỏ nên tôi không có tiền mua vé về thăm quê. Ba năm sau, năm 2001 tôi mới đưa con về thăm gia đình. Cả nhà tôi mừng ngày hội ngô. Tất cả 8 anh chị em chúng tôi đã lập gia đình, có công ăn việc làm ổn định. Mẹ tôi đã có 23 đứa cháu nội ngoại, tất cả các cháu đều được đến trường.

Nhà tôi đã xây dựng lại, không dột nát như trước nữa. Tôi bảo: “Em đi “Tây” bao năm mà chẳng giúp được gì cho anh!”. Anh tôi cười hiền hậu: “Em giúp anh nhiều lắm rồi đó chứ, em đi học nước ngoài có học bổng chứ nếu em học trong nước, anh đã phải chặt cả vườn tre bán đi mới nuôi nổi em ăn học. Chỉ cần em có cuộc sống yên ổn, anh không phải lo lắng cho em nữa là em giúp anh nhiều lắm rồi”.

Công ty ở Vũng Tàu giải thể nên tôi đưa 2 đứa con lên Sài Gòn làm việc. Anh tôi, như một người bố người anh rộng lượng, vị tha, lúc nào anh cũng dành phần thua thiệt về mình để chị em tôi được đầy đủ. Tôi mang hình tượng anh đi vào cuộc hôn nhân và tôi đã vỡ mộng. Chồng tôi là đứa con thứ 5 trong gia đình cán bộ công nhân viên có 6 người con sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn trù phú. (Ba anh là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, mẹ anh là con gái Hà Đông). Chồng tôi không chứng kiến bom rơi đạn nổ, chưa từng bị đói làm sao có thể hiểu, cảm thông và hy sinh mọi thứ vì người thân như anh trai tôi?

Năm 2003, tôi ly hôn. Lúc đó tôi chỉ 1 chiếc xe máy.  Một đứa con 9 tuổi, một đứa 6 tuổi sau lưng, tôi đi ra khỏi nhà với quyết tâm làm lại cuộc đời. Anh tôi gọi điện cho tôi: “Em về đi, về quê no đói có nhau, anh chị sẽ cùng em nuôi các cháu ăn học. Một mình em đơn độc giữa đất Sài Gòn làm sao nuôi dạy được 2 đứa con trưởng thành. Về đi em! Đừng để các cháu phải học hành dở dang như anh!”. Lần đầu tiên sau gần 40 năm, anh tôi nhắc tới sự học hành dở dang của mình. Tôi nghẹn ngào: “Không sao đâu anh! Dù bất cứ hoàn cảnh nào em cũng nuôi dạy 2 cháu trở thành người tốt. Cả họ nhà mình chỉ có em được học xong đại học nên em quyết tâm để các con em được đến giảng đường đại học”.

Những khi thấy lòng se sắt vì buồn tủi, tôi lại nghĩ tới mẹ và anh tôi, nghĩ tới những tháng ngày cơ cực đã qua, tôi gạt nước mắt bước tiếp.

Năm 2005, tôi xây nhà, 3 mẹ con tôi đã có nơi ở ổn định, không chuyển hết nhà thuê này đến nhà thuê khác như trước nữa. Tôi mời anh vào Sài gòn chơi, để anh yên tâm về em. Tôi dự định sẽ đưa anh đi tham quan bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Dinh Độc lập, Khu Du lịch Đại Nam và sẽ đưa anh đi thăm sông nước miền Tây…Anh tôi hứa:  Tết 2007, giỗ bố tròn 40 năm xong, anh sẽ vào thăm em.

Tháng 9 (tháng 7 âm lịch) năm 2006, chị tôi gọi điện: “Nhà có việc gấp, em về ngay”. Không có máy bay về Vinh, tôi bay thẳng ra Hà Nội khi đã 11 giờ đêm. Anh kết nghĩa cho lái xe đưa tôi về tận nhà. Xe đi trong đêm qua bao làng xã, tôi lo đứt ruột về sức khỏe của mẹ.

           1 giờ đêm xe về tới nơi, giữa gian bảy nhà tôi một bó hương đang nghi ngút cháy phía trước quan tài. Chị dâu tôi khóc thảm thiết, 4 đứa cháu tôi đang tuổi ăn tuổi học, trắng khăn tang. Anh tôi ra đi sau một cơn nhồi máu cơ tim, không kịp trăng trối một lời nào.

Mẹ tôi vật vã: “Sao con không để mẹ đi còn con ở lại”, “Lá vàng còn lại trên cây/Lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời?”.

Cả làng đi đưa đám anh tôi. Tất cả đều khóc thương anh tôi, họ nói với nhau “Nếu cán bộ xã thời nay mà ai cũng tốt như anh Lượng thì dân làng đỡ biết bao nhiêu”.

Đớn đau và ân hận dày vò tôi. Ngày xưa bố tôi mất khi tôi còn quá nhỏ nên không biết đau thương. Còn bây giờ tôi thực sự cảm thấy mình là đứa trẻ mồ côi. Tại sao cuộc đời có thể bắt tôi 2 lần chịu đựng mồ côi chứ. Tôi chưa kịp đền ơn đáp nghĩa cho anh. Thậm chí cuộc đời tôi chưa bao giờ thôi giông bão để anh có thể yên tâm về tôi. Tôi không thể nào tha thứ được cho mình, chẳng bao giờ tôi có thể đưa anh vào tham quan Sài Gòn được nữa rồi...

Đưa tang anh tôi xong, tôi lại phải từ biệt mẹ ra đi vì 2 con nhỏ đang chờ tôi.

 Nhiều thời gian trôi qua, tôi vẫn không tin nổi là anh tôi đã vĩnh viễn không còn nữa. Tôi có 2 người anh kết nghĩa, anh Dũng – Giám đốc sàn giao dịch  chứng khoán Hà Nội  và anh Trường– giảng viên trường Đại học bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Ttôi nhìn thấy thấp thoáng hình bóng anh tôi sau dáng hình của họ. Họ luôn bên tôi khi tôi khó khăn, hoạn nạn. Họ giúp tôi đỡ chơi vơi giữa cuộc đời và phần nào nguôi bớt nổi đau đơn, nhớ thương anh tôi.

 Đã 6 năm từ ngày anh ra đi, 3 đứa con của anh đã tốt nghiệp Đại học, 1 đứa đang học trung cấp. Ngày đứa con trai đầu của tôi đậu vào trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, tôi thắp hương trên mộ anh: “Anh ạ! Anh hãy yên tâm! Em không đơn độc trên đời này. Em có nhiều bạn bè khắp nơi trên đất nước Việt Nam, có Hội Cựu học sinh trường Phan Bội Châu, có Hội Người KGU, có Hội đồng hương Thạch Thượng ở Sài Gòn, mọi người luôn yêu thương, giúp đỡ em. Em sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện để các con em và các cháu con anh viết tiếp ước mơ của anh – ước mơ bước chân vào giảng đường đại học. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào em sẽ sống như anh căn dặn: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

 

 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 18-05-2012 15:03






Xem 1 - 10 của tổng số 47 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: CucNT
25/06/2012 18:47:38

Cảm ơn chị đã cảm thông và chia sẻ. Chị ơi! Em đã nhận được rất nhiều tâm tình của gia đình Kgu sau khi đọc Anh Trai tôi.


Chị ơi! thời chiên tranh nhiều nhà khổ hơn nhà em nhiều lắm. " Tất cả cho tiền tuyền" nên hậu phương chỉ còn người già và em nhỏ.  Con trai thì nhập ngũ, con gái đi thanh niên xung phong. Dân làng em đi cày cấy dưới cái nằng đổ lữa của miền Trung mà không ai đội nón, vì đội nón máy bay trinh sát Mỹ sẽ nhìn thấy và mang bom dội. Đói rét và thương vong bao trùm khắp thôn xóm. Anh trai đầu của em đi bộ đội , nhà em được cấp " Bảng gia đình vẻ vang". Anh trai sau của em ở hậu phương cùng dân làng chống Mỹ, đối với gia đinh em cũng vẻ vang không kém trong lòng cả gia đình. Cả một thời dân tộc mình như thế. Nhưng điều may mắn nhất là cả gia đình em vẹn toàn sau chiến tranh.


Em vẫn tin rằng anh trai em luôn ở bên em  nên em luôn cố gắng trong mọi hoàn cảnh.


Cảm ơn chị rất nhiều



Từ: HuongNT
25/06/2012 16:03:02

Cúc ơi! Đọc xong câu chuyện của em và mắt chị nhòe nhoẹt ướt. Em đã có một người anh quá tuyệt vời Cúc ạ! Chị không thể hình dung nổi cuộc sống quá cơ cực của gia đình em thời chiến tranh khổ đến vậy. Thế mà mẹ em, anh chị em, và cả em nữa đã vượt qua những gian khổ ấy một cách thật diệu kỳ! Chị khâm phục vô cùng Cúc ạ. Câu chuyện em viết thật cảm động. Qua câu chuyện cuộc đời em, chị thấy em quả là một cô gái đầy nghị lực, thông minh và giỏi giang nữa. Hãy cứ mãi mãi như thế Cúc nhé để bố và anh em được ngậm cười nơi chín suối! Chị tin là anh em vẫn dõi theo từng bước em đi đấy!



Từ: CucNT
20/06/2012 15:45:05

Cảm ơn anh Mạnh đã kể thêm về gia đình anh để người Kgu hiểu nhau hơn. Hình như mỗi gia đình người Vn đều gắn với những ký ức của chiến tranh. Nếu anh của anh không xung phong đi bộ đội được tiếp tục đến trường, anh ấy cũng đi du học như chúng ta và đã trở thành những cán bộ của đất nước. Nhưng một thời cả dân tộc ta là thế và vì thế chúng ta có hôm nay. Anh trai anh không chỉ là tấm gương cho anh mà cho tất cả chúng ta. Cho phép em được gửi lời cảm ơn và hỏi thăm sức klhoẻ  gia đình và gửi tới hương hồn anh trai anh lòng tôn kính và ngưỡng mộ.


Em Cúc



Từ: ManhNX
18/06/2012 22:14:31

Câu truyện của bạn Cúc thật cảm động.


Tôi cũng có một anh trai đang học lớp 9, xung phong đi bộ đội, rồi vào Nam năm 1967 như anh cả của Cúc. Và người anh của tôi vĩnh viễn nằm ở ngã ba Đông dương. Anh hy sinh năm 1968.


Năm 2003 tôi đã tìm thấy mộ anh ở nghĩa trang Ngộc Hồi, Kontum. Năm 2005, nhân dịp 30 năm sau ngày Hòa hợp 30.04.1975 tôi và gia đình đã đưa hài côt của anh về quê.


Gương của anh luôn đi theo tôi, động viên tôi trong khi học tâp ở KGU và sau này khi về nước công tác.


Mạnh SV76



Từ: CucNT
03/06/2012 16:50:51

"Nếu có ước muốn trong cuộc đời, ta ước cho hôm qua quay trở lại, bên nhau tháng ngày"... bây giờ, em không ước cho buổi tôi hôm đó quay trở lại mà ước cho tiếp theo sẽ có thật nhiều buổi tối như thế để em được đắm mình trong những cảm xúc dâng trào về tình cảm chân thành sâu sắc mà người Kgu mang lại cho em, cho gia đình em. Và em được cùng các anh thể hiện tình yêu quê hương, đất nước qua những bài thơ tiếng hát tha thiết của chính chúng ta.  Nhiều người bảo em mang tính đàn ông. Vậy mà các anh rất độ lượng nên khen em đầy nữ tình, dịu dàng... Em thật may mắn!



Từ: UyenNT
03/06/2012 06:57:52

Em Cúc ơi !


  Anh đã com bài "Anh trai tôi",nhưng lại muốn viết nữa.Khi gặp em tại nhà cùng các anh Thắng Phư Khiêm,được nghe em kể thêm về gia đình em,anh rất xúc động.Cảm xúc trào dâng,nên anh hát những bài ca đó dường như là một phần để tặng những người thân yêu của em nơi quê nhà.Một buổi tối,mà có lẽ nhiều năm sau sẽ khó quên.Nhiều người nói trong em đầy nữ tính.Tối hôm đó các anh đã cảm nhận sự dịu dàng và chu đáo của em,cảm nhận tình cảm chân thật và sâu đậm của tâm hồn em.Như anh đã nói: Em hãy viết nữa đi.Gia đình KGU luôn đón chờ những chia sẻ tình cảm của em đấy.



Từ: PhuND
02/06/2012 20:02:39

Các anh Hội KGU tại Tp. Hồ Chí Minh đã có truyền thống lâu năm là luôn thăm hỏi lẫn nhau. Việc Em CúcNT mới gia nhập là thành viên mới với một bài viết quá xúc động đã là nguyên nhân của cuộc gặp gỡ tối qua. Chúng tôi ( chỉ là Lều- chưa phải là Nhà như Em Cúc nói) đã thay mặt tất cả ACE KGU từ Nam chí Bắc đến để chia sẻ những cảm xúc trào dâng  về một thời gian khổ. Nhân tiện Phư có đọc bài thơ "Thời chúng ta yêu nhau" của Nhà thơ Trần Mạnh Hảo và bài thơ " Thời Đất Nước gian lao" của Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, cả hai bài thơ này thật phù hợp với tâm trạng của 5 anh em chúng tôi khi ôn cổ tri tân về một thời gian khó. Anh Thắng và anh Uyển là hai giọng ca tuyệt vời của KGUHCM, nên chúng tôi hát theo các anh ấy nhiều bài Nga và Việt. Một buổi tối thật ấm cúng tình người KGU!



Từ: NghiPH
02/06/2012 17:34:03

Một cuộc gặp gỡ rất cảm động, thắm tình Người KGU!



Từ: CucNT
02/06/2012 14:33:32

Tối hôm qua, anh Thắng (Viện trưởng), anh Phư  (Nhà  toán học, nhà văn, nhà nhân điện…), anh Uyển, anh Khiêm tới nhà em Cúc chơi sau khi đọc bài “Anh trai tôi”. Không thể tả hết nổi xúc động trào dâng trong lòng em.


Các anh đến mang theo đủ thứ thức ăn và rượu “Nước mắt quê hương” pha lẫn nỗi đắng cay của Gấu.


 


Anh Thắng bảo anh đã khóc khi đọc câu chuyện của gia đình em. Các anh muốn đến tận nhà xem bây giờ em sống như thế nào. Có lẽ trong thâm tâm các anh nghĩ em Cúc gặp khó khăn gì sẽ giúp đỡ. Khi nhìn thấy căn nhà 4 tầng em Cúc mới xây xong, các anh mừng lắm, mừng như chính đứa em gái ruột thịt của các anh có nơi ở khang trang.


Thức ăn dọn ra bàn, cả 5 anh em vừa uống rượu vừa nói chuyện, ai cũng nhắc về 1 thời đã qua, một thời bom rơi đạn nổ. Anh Khiêm kể là anh bị suýt chết 4 lần vì đạn cứ nổ theo anh, bom cứ rơi gần chỗ anh nấp. Anh Phư kể những người bạn cùng nhập ngũ với anh rất nhiều người đã không trở về. Rồi anh Phư đọc cho cả nhà nghe 2 bài thơ : Thời đất nước gian lao “ của Trần Mạnh Hảo và bài thơ của Nguyễn Việt Chiến – Tất cả lặng đi vì xúc động.


Anh Thắng kết luận: Chúng ta không xét lại lịch sử, chỉ biết rằng chúng ta có được hôm nay, ngồi bình yên trong nhà uống rượu, đọc thơ và hát là công lao của bao người đã ngã xuống để gìn giữ mảnh đất này. Ta mắc nợ họ và tri ân họ.


Rồi các anh ân cần hỏi về các cháu con anh Lượng. Có khó khăn gì không? Học hành ra sao? Các con anh Lượng đã trưởng thành. 3 đứa đã tốt nghiệp Đại học có công ăn việc làm tốt, 1 đứa đang đi học trung cấp, kinh tế gia đình đầy đủ.


Dù nhà anh Thắng và anh Phư ở xa nhà em Cúc đến 17 Km. các anh đã đi xe máy đến, mang tình cảm ấm áp của người Kgu đến sởi ấm trái tim em Cúc. Anh Phư còn mang tới 1 lẵng hoa rất đẹp tặng em Cúc. Anh Thắng và anh Uyển hát hay như ca sỹ chuyên nghiệp, hát cả tiếng Nga và tiếng Việt. Câu chuyện tiếp tục xung quanh Hội Người Kgu. Chẳng có ở đâu trên nước Việt Nam này có được Hội như Hội người Kgu. Các bạn khác học ở Odessa, Kiev, Moskva, Leningrad … đều không thể lập được 1 Hội đông vui , thắm đượm nghĩa tình như Hội Kgu.


Anh Uyển bảo, các anh đến chia vui cùng em và để nói với em "Hãy viết tiếp đi! Viết thật nhiều mọi kỹ niệm, tâm tư tình cảm để chúng ta cùng hiểu nhau hơn, trang web kgu là trang web của 1 đại gia đình".


Rồi anh Thắng gọi điện cho anh Minh. Tất cả cảm ơn anh Minh đã đưa bạn đến thăm anh chị Lý- Tuấn. Anh Minh hứa vào Miền Nam sẽ gặp mọi người để nối tiếp thêm tình yêu thương.


Các anh  bảo sẽ đưa em Cúc ra Hà Nội gặp cả Hội ngoài đó vì cả nhà Kgu đều thương yêu nhau, những người bạn chưa lần gặp mặt cũng dành cho em Cúc những tính cảm trìu mến!


Em cứ muốn thời gian ngừng trôi để cuộc vui được kéo dài mãi nhưng rồi mọi người cũng phải ra về.


Em không thể nói lời cảm ơn vì như thế thì không đủ. Em chỉ biết nói rằng em may mắn biết nhường nào khi là 1 thành viên của Hội người Kgu.


 


 


 


 



Từ: CucNT
28/05/2012 14:36:08

Cảm ơn em đã chia sẻ. Thủa chiến tranh có lẽ có nhiều gia đình trãi qua khó khăn như gia đình chị và còn hơn thế nữa.


Hoàn cảnh cứ đẩy đưa khiến chị thường gặp trắc trở nhưng chị không gục ngã bởi có nhiều người thật tốt xung quanh chị. Và giờ đây chị có cả gia đình người Kgu mà trong đó có em đã động viên chị.




Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s