KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 10 Tháng sáu. 2012

THƠ VÀ VỢ




Tác giả: Trần Cao Duyên

In được hơn chục bài thơ trên báo địa phương, anh thôi chân nhân viên văn hóa xã, làm một cuộc… đại nhảy vọt vào Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh. Dân làng rỉ tai nhau: “Xã mình có một nhà thơ”.

Tấm thẻ… nhà thơ

Hôm nhận thẻ hội viên, anh mừng quýnh. Nâng tấm thẻ trước mặt vợ, anh nói: “Nè, coi đi, đã lắm!”. Vợ nheo mắt nhìn, hỏi: “Thẻ này có lãnh được tiền hằng tháng như thẻ thương binh hông anh?”. Anh nói: “Cái này thuộc phạm trù thơ ca nên hương hoa là chủ yếu thôi em...”.

Cuộc nhậu mừng “sự kiện” diễn ra. Bạn bè chuyền tay nhau ngắm nghía tấm thẻ. Ai cũng xuýt xoa nói sướng hè, ảnh ông trông nghệ sĩ lắm, cái trán y chang nhà thơ Xuân Diệu. Làng này nhất ông. Mình hỏi vô hội khó không, anh nói căng lắm, đợt này có mấy chục hồ sơ mà chỉ xét được ba người. Tui là một, hai ông sếp cấp sở về hưu nữa là hết vé. Ban chấp hành soi kỹ lắm. Tác phẩm phải có tiếng vang trong công chúng, triết lý sâu sắc, có tính thời đại… thì tác giả mới được vào hội.

Bạn bè xuống bếp kéo vợ anh lên chúc mừng. Chị ngồi lơ ngơ trông thật tội nghiệp. Một người khéo miệng nói cái thẻ hội viên của anh lấp lánh niềm tự hào của chị. Công chị cúc cung tận tụy chăm sóc để có một ngày anh hót ra thơ. Một giáo viên văn khen khéo hơn, nói hình tượng xuyên suốt thơ anh là bóng dáng cuộc đời lam lũ của chị. Mỗi từ “em” trong thơ anh đau đáu nỗi niềm.

Nhưng có lẽ lời khen của ông trưởng đài “truyền thanh phát lại huyện” là khéo nhất: “Dưới ngòi bút của anh, khói thuốc lá trở thành khói lam chiều. Hình ảnh em và rượu, biệt ly và sầu mộng là những nốt bổng trầm trong thơ anh”.

Lâng lâng với nàng thơ, anh không nghe “tiếng lòng” của vợ đang… thổn thức: Đồ mồi, bia bọt bay tưng gần ba triệu!

Câu thơ gãy đổ

Thấy anh ngày càng lơ tơ mơ, anh thợ điện cùng xóm đặt vè: Từ ngày có thẻ nhà thơ/ bỗng chàng ra ngẩn vào ngơ u sầu. Anh nổi điên, nói điện không thắp sáng tâm hồn. Mày làm sao thấu hiểu cõi vi diệu của thơ ca. Cút đi, đồ chập mạch.

Mái tóc đang gọn, anh để dài lòa xòa cho ra vẻ nghệ sĩ. Vợ quét sân, anh dặn chừa một khoảng lá vàng để anh làm thơ về mùa thu. Vợ cười cười, nói bữa nào anh làm thơ về biển, em sẽ gánh cho anh mấy thùng nước mặn.

Anh thường lên tỉnh, lờ vờ ở văn phòng hội hoặc tòa soạn báo. Tháng nào anh cũng mấy lần đưa “thi hữu” về đãi đằng cơm rượu, đọc thơ thâu đêm suốt sáng. Vợ anh mách mẹ. Chẳng biết thơ là gì, bà mẹ đã 90 tuổi chống gậy lập cập tới rầy anh, nói sao con không tìm việc gì tử tế mà làm, lại đi làm thơ. Anh nói mẹ ơi, bao nhiêu người sẵn sàng bỏ tiền để làm nhà thơ mà không được đấy.

Mặc vợ kêu ca, anh cứ thơ ca. Đêm nào vợ cũng phòng không trằn trọc. Còn anh thức đến ba bốn giờ sáng để làm thơ. Anh hay dẫn câu nói của ai đó, rằng nếu đời xô anh ngã, anh sẽ vịn câu thơ đứng dậy.

Một lần anh dự trại viết ở Đà Lạt, gã thợ điện từng bị anh chửi được chị mời đến chỉnh sửa đường dây. Chị loay hoay đưa cái này, lấy cái nọ giúp gã. Đứng trên ghế cao, ánh mắt gã đậu trên đôi nhũ hoa phập phồng của chị. Gã bông lơn, thả bóng đèn trái ớt rơi đúng vào “khe núi”…

Thấy gã thợ chạy đường dây hơi lâu, cô em chồng sinh nghi nên mò sang. Cô ta sững sờ khi thấy chị dâu và gã thợ trong buồng ngủ.

Kết thúc trại, anh được một chùm thơ tình nhưng mất vợ. Anh sầu đời, nát rượu, dáng hiu hắt, liêu xiêu. Em gái anh nói anh hãy vịn câu thơ mà đứng dậy. Anh cười buồn, nói đừng xỏ xiên anh nữa, câu thơ gãy đổ rồi em.

 

Tác giả: Trần Cao Duyên. Bài  đã đăng trên thanhnienoline

 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 10-06-2012 21:09






Xem 1 - 7 của tổng số 7 Comments

Từ: TuanDK
16/06/2012 22:55:09

Nhân chủ đề "Vợ và thơ", mời mọi người đọc bài thơ vui của ai đó mà tôi nghe lỏm được. Bài thơ như sau:





































      Chồng em đích thực nhà thơ

















































 Suốt ngày ngơ ngẩn ngẩn ngơ ra vào

















































      Lòng em biết mấy tự hào

















































 Bởi con em chẳng đứa nào giống cha.



Từ: MinhCK
12/06/2012 21:08:30

Bài "com" của Anh Tấn Định



Tình cờ tôi gặp anh ở Văn phòng tiếp nhận khiếu nại công dân. Anh chính là chàng thi sĩ vịn phải câu thơ gãy mà Trần Duyên đã kể. Tôi đến nộp đơn khiếu nại về việc Ban Kinh tế quy cho tôi tội gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế địa phương. Trong đơn tôi trình bày rõ, cán bộ điều tra đã tìm cách thuyết phục tôi là do tôi bình thơ quá bốc nên số lượng nhà thơ của địa phương tăng đột biến. Điều đó ảnh hưởng nặng nề đến GDP của tỉnh nhà. Cán bộ điều tra giải thích: "Hoàn toàn biện chứng! Anh còn nhớ cái vụ dân địa phương thắng kiện bên Đường Sắt và được bồi thường không? Tôi bảo không. Anh ta giải thích: - Dân số tăng quá nhanh, kết quả điều tra cho thấy là do đường sắt chạy qua, đa số các chuyến tàu chạy nửa đêm về sáng đều kéo còi khi ngang qua địa phương, đánh thức nhiều cặp vợ chồng. Họ đã kiện và đã thắng kiện. Tôi cãi, có ai kiện tôi đâu. Anh ta nói, đồng chí có muốn sẽ có người khởi kiện không? Tôi im.


Còn anh nhà thơ, anh nộp đơn khiếu nại ngành Điện. Theo anh, ngành điện chủ ý gây mất điện khu nhà của vợ chồng anh, hơn nữa lại còn đầu tư ngoài ngành, và đầu tư quá sâu!


Tôi kéo anh ra quán nước, tỏ ý cảm thông với ẩn ức của anh. Trước khi chia tay tôi ngỏ ý mời anh về tham gia Siêu thị NgườiKGU cho vui, biết đâu khuây khỏa. Anh băn khoăn: "Về đấy thì tôi làm được gì?". Tôi bảo: "Viết còm, còm-mân í mà". Anh lo lắng: "Tôi chỉ làm thơ, tôi không biết còm". Bẫy sập, tôi hể hả cầm chặt tay anh lắc lắc: - Anh sẽ còm bằng thơ! Hehe


Tấn Định



Từ: CucNT
11/06/2012 21:16:44

Danh ngôn có câu:"Cơm áo không đùa với khách thơ" nên trong bài THƯƠNG TRƯỜNG VÀ THƠ, Cúc viết: "Danh ngôn có bao giờ thừa/Áo cơm không giỡn, không đùa khách thơ". Những người làm thơ thường không kiếm đủ sống. Mà phải có những người vợ như vợ Tú Xương: "Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng".


Phùng Quán viết: "Có những phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ và đứng dậy". Tác giả đã trích dẫn câu thơ của Phùng Quán hàm chứa sức mạnh của thơ ca nhưng ở đây lại mang tính bi hài.  Bà mẹ hỏi: "Sao con không tìm việc gì tử tế mà làm, lại đi làm thơ". Thật đau buồn cho cái "nghề" thơ.


Thế mới biết Giữa THƯƠNG TRƯỜNG mà vẫn có thể yêu THƠ thì thật khó.


Và có lẽ phải nghi vấn như chị Thanh LK: "Chị em mà mê thơ có mất chồng không nhỉ?


Riêng Cúc thì " Nếu bảo yêu thơ là lãng mạn/Xin một lần lãng mạn để yêu thơ"



Từ: NhuanNT
11/06/2012 18:29:34

Câu chuyện này thế mà có hậu, cô vợ tìm được kẻ biết lo cho mình, bỏ được ông chồng 'nghệ sỹ' chỉ lo cho cái 'đam mê' của mình. Ông nhà thơ vẫn còn đam mê của mình và cuộc sống thực của ông ta. Ai cũng có thứ mình cần cả.


Thục tế thì chắc nhiều chuyện ít có hậu hơn. ông nhà thơ ấy sẽ theo hoa bắt bướm để 'tìm cảm xúc' và những chuyện tình 'huyền diệu' của mình. Cô vợ sẽ khổ sở loay hoay tìm lối thoát...



Từ: PhaNM
11/06/2012 14:45:23

Từ xưa tới nay chẳng có thi sĩ nào sống và giàu bằng nghề "làm thơ". Nếu như không có một hậu phương vững chắc để mà vịn đứng dậy thì việc gẫy đổ như chàng thi sĩ trong truyện là điều tất yếu. 



Từ: NghiPH
11/06/2012 05:56:36

Anh chàng trong truyện này yêu thơ, say thơ ghê gớm. Lúc nào cũng thơ. Ngày thơ, đêm thơ. Bỏ hết mọi việc để ngồi làm thơ. Trả lời mẹ già về thắc mắc “sao con không tìm việc gì tử tế mà làm, lại đi làm thơ”, anh nói: Mẹ ơi, bao nhiêu người sẵn sàng bỏ tiền để làm nhà thơ mà không được đấy. Miệng luôn dẫn câu của ai đó: Nếu đời xô anh ngã, anh sẽ vịn câu thơ đứng dậy. Và kết cục là: Câu thơ gãy đổ rồi nên anh đổ theo. Rất logic, rất đáng thương!



Từ: ThanhLK
11/06/2012 04:16:27

Liệu chị em say thơ có mất chồng không nhỉ ??? he he he



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s