KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 29 Tháng sáu. 2012

Chị Khanh




Tác giả: Phan Chí Thắng (Tuyết HA sưu tầm).

 

Chị Khanh

  
Chị Khanh bằng tuổi tôi. Khi tôi là một chàng kỹ sư trẻ vừa tốt nghiệp ở Liên Xô về, mặt mày còn thơm mùi sữa, thì chị là cô thanh niên xung phong mới chuyển từ chiến trường ra. 
Chị không đẹp cũng không xấu. Gái Nghệ An đậm người, chắc lẳn. Ít nói, thỉnh thoảng chị nở nụ cười hiền lành làm xô lệch những mảng má nám do những năm tháng ở rừng thiếu vitamin và thiếu cả những bàn tay sàm sỡ của đàn ông. Không văn hóa, không nghề nghiệp, chị được phân công giữ kho. 
   Chúng tôi lúc đó - những thanh niên đang đầy hoài bão ước mơ mang hết sức trẻ đóng góp cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và chiến đấu giải phóng miền Nam, hầu như không ai để mắt đến chị. Chúng tôi chỉ thực sự để ý đến chị khi nghe tin Chi bộ mang chị ra kiểm điểm. Tội của chị là không chồng mà chửa. Lũ ngu chúng tôi cũng cho rằng đó là một tội. Tuy vậy, khi nghe tin Chi bộ nghị quyết cảnh cáo chị Khanh và bắt chị phải nạo thai, chúng tôi thấy quá bất nhẫn. Nhất là cái thằng đàn ông đảng viên đã làm cho chị có thai lại vô can, chẳng bị làm sao hết. Đó là Nhưng, bộ đội phục viên làm bảo vệ cơ quan. Nhưng đã có vợ và một con ở quê. 
   Y tế cơ quan đưa chị Khanh đi phá thai, và chị không bị khai trừ đảng. 
   Một năm sau, chị Khanh lại có thai. Lần này chị không đợi Chi bộ phải họp kiểm điểm. Chị chủ động gặp Bí thư chi bộ, nói thẳng: 
- Em lỡ thì rồi, chẳng ai thèm lấy cái con thanh niên xung phong già này nữa. Em cần có một đứa con. Nếu Chi bộ sợ mất thành tích thì em xin ra khỏi Đảng. 
Thế là chị ra khỏi Đảng.Và chị có thằng con trai. Chị đặt tên nó là Mừng. 
   Một mình chị Khanh nuôi con. Tôi không biết thằng cha Nhưng có giúp đỡ chị tý nào không. Chắc là không vì vợ nó cũng vừa mới sinh con ở quê. 
Đợt đó căng-tin có một ít hàng nhu yếu phẩm. Tôi bắt thăm trúng hộp sữa. Trưa hôm đó tôi dúi vào tay chị Khanh hộp sữa bò Liên xô bẹp dúm dó rồi vội vàng bỏ đi chỗ khác, sợ người ta nhìn thấy. 

   Rồi tôi được điều đi công tác khác. Khoảng hai mươi năm sau, tôi quay lại đơn vị cũ, làm Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Công ty.  Chị Khanh vẫn làm thủ kho. Tên Nhưng làm tổ trưởng tổ bảo vệ. 
Thằng Mừng học xong phổ thông, không vào được đại học, Công ty nhận nó vào làm công nhân. Nó giống tên Nhưng như hai giọt nước. 
   Hôm Bộ công bố quyết định tôi làm Giám đốc, toàn thể cán bộ công nhân viên có mặt. Nhiều người phát biểu hay lắm, lời lẽ có cánh, hứa hẹn đồng lòng giúp Giám đốc mới đưa công ty ngày một tiến lên, đạt nhiều thành tích rực rỡ. Sau này tôi tổng kết lại thì đa số những người có lời hay ý đẹp đều làm những trò bẩn thỉu sau lưng tôi. Anh chị em công nhân chả ai nói gì. Hôm sau, tôi đi một vòng Công ty, chào hỏi mọi người. Thủ kho Khanh bắt tay tôi, bàn tay chị thô và nhiều sẹo: 
- Công nhân bọn em chỉ mong Giám đốc làm sao cho ai cũng có tiền mua sữa, khỏi cần Giám đốc dấm dúi cho riêng! 
Vậy là chị vẫn nhớ chuyện tôi biếu chị hộp sữa hai mươi năm về trước. Vậy là chị nói lời cảm ơn theo cách của mình. 
    Công ty phân cho hai mẹ con chị một căn hộ nho nhỏ ở Nam Thành Công. Mồng một Tết, tôi đến khu tập thể chúc tết, vào từng nhà. Tôi ngồi ở nhà chị Khanh khá lâu. Thật bất ngờ khi chị mở tủ lấy ra một cuốn sổ tay cũ sờn gáy, gói trong tấm ni lông: 
- Anh đọc đi. Cái này em viết cho riêng em. Nhưng em muốn anh đọc. Vì em biết anh yêu thơ. 
Tôi ngồi lần giở những trang giấy đã ố vàng. Những dòng nhật ký, những câu thơ chiến trường. 
Tôi lặng yên đọc. Chi lặng lẽ rót nước thêm vào chén chè của tôi. Những câu thơ nghiệp dư, vụng về nhưng rất thật. Khao khát yêu đương, khát khao hạnh phúc. Nỗi nhớ nhà. Gian khổ và vượt qua gian khổ. 

   Trong bài Thư gửi mẹ có mấy câu: 

“ Con thèm bát canh mùng tơi,
Thèm nghe tiếng lá rơi rơi sau vườn
Thèm ai nói một lời thương
Át đi bom đạn chiến trường ngày đêm...”

   Tôi nhìn người đàn bà đã bắt đầu già. Chị không đẹp, không xấu trong căn hộ nhỏ và giản dị. 
Tôi không bình luận gì với chị về những giòng nhật ký và những câu thơ chị viết. Đó là tuổi xuân của chị, cuộc đời của chị, trong cuốn sổ nhỏ bé cũ kỹ này. 
Nếu được học hành, được dẫn dắt, biết đâu chị đã là một nhà thơ? 
Tôi cũng không dám rút trong túi ra cái phong bì mà văn phòng đã chuẩn bị sẵn để tôi chúc tết từng nhà. Cái phong bì trở nên nhỏ bé và vô nghĩa trước người đàn bà bình dị, người đã bỏ Đảng để có được chút hạnh phúc nhỏ nhoi. Đất nước chúng ta có bao nhiêu người đàn bà như chị? Đất nước chúng ta tồn tại là nhờ đứng trên lưng những người như chị? Những tấm lưng đầy bùn, mồ hôi và sự khinh miệt? Tôi lầm lũi ra về, lòng trĩu nặng buồn vào ngày mồng một tết... 

   Chị Khanh mất năm ngoái, chị nhiều bệnh lắm, những bệnh của một thời chiến tranh và của cả một thời hòa bình. Không ai báo cho tôi biết để tôi đi đưa đám chị. Giám đốc và lớp cán bộ hiện nay của Công ty còn bận nhiều việc quan trọng hơn là việc báo cho những người bạn cũ của chị biết để về đưa chị đến nơi an nghỉ cuối cùng.


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 29-06-2012 15:03






Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments

Từ: LyTM
06/07/2012 21:29:48

Ai từng nói tệ là do ngu dốt


dây vô hình trói chặt những trái tim


niềm si ngốc dìm chết bao số phận


để ngộ ra nỗi ân hận ngập lòng! 


Có biết đâu, đôi khi đời uẩn khúc


đồng loại tương lân, đâu đồng chí bao dung?


Đã một thời như chị Khanh nhiều lắm


để bây giờ, vang vọng bản tình ca!



Từ: CucNT
06/07/2012 21:20:51

Những nữ thanh niên xung phong lay lắt giữa đời thường


(Dân trí) - Sau những năm tháng chiến tranh, những nữ thanh niên xung phong tại Vĩnh Bảo - Hải Phòng lặng lẽ trở về quê hương. Không chồng con, tuổi già sức yếu, nhiều bệnh tật... là hoàn cảnh chung của nhiều nữ thanh niên xung phong ngày ấy.



 



Chúng tôi tới ào thôn Hà Phương 4 - Thắng thủy - Vĩnh Bảo - Hải Phòng, thăm bà Tống Thị Cam, người nữ thanh niên xung phong thời đất nước còn lửa đạn, nay sống trong ngôi nhà cấp 4 lụp xụp chừng hơn 10m2 của người em trai vừa mất. Bà Cam hiện sống một mình, không chồng con nương tựa. Một tay ôm ngực để ghìm lại những cơn ho sù sụ, bà bình thản kể lại những gian truân trong cuộc đời mình.


 


 


Những nữ thanh niên xung phong lay lắt giữa đời thường
Bà Tống Thị Cam kể về những năm tháng chiến tranh không thể nào quên.

 


Nhớ lại những năm tháng cùng đồng đội san rừng, bạt núi tại vùng “chảo lửa” Hà Tĩnh, Quảng Bình, mở đường, san lấp hố bom cho từng đoàn xe tiến vào chiến trường, đôi mắt bà ánh rạng lên như thể đôi mắt của cô nữ thanh niên xung phong giữa những ngày tháng hào hùng năm nào.




Nhà có 4 anh chị em, bố mẹ mất sớm, cô bé Cam phải lặn lội mò cua bắt ốc để nuôi 3 em còn nhỏ. Năm 1965, khi mới 18 tuổi, trong khí thế hừng hừng cả nước lên đường lập công giết giặc, sau nhiều đêm trằn trọc, cô thiếu nữ Cam quyết định viết đơn xin được nhập vào đoàn các nữ thanh niên xung phong vào chiến trường.


 


 



Những nữ thanh niên xung phong lay lắt giữa đời thường


Những nữ thanh niên xung phong lay lắt giữa đời thường

Những kỷ vật được người nữ thanh niên xung phong nâng niu trân trọng.




“Khi đó, tôi cùng hơn 10 chị em nữa tại huyện Vĩnh Bảo được tổ chức phân công vào Hà Tĩnh, Quảng Bình mở đường, thông xe cho các đoàn quân của ta, chống lại âm mưu ném bom san lấp của đế quốc Mỹ. Chúng tôi đi bộ hàng tháng ròng rã. Cứ ngày nghỉ đêm đi. Pháo sáng của địch lập lòe trên đỉnh đầu mà cũng chẳng ai thấy sợ. Vai tê buốt, đôi chân phồng rộp ăn cơm nắm, uống nước suối, các chị em vẫn động viên nhau kiên định ý chí. Tôi vẫn là người may mắn được trở về quê hương. Nhiều đêm nằm một mình, tôi lại nhớ về các đồng đội của mình. Những ánh mắt, tiếng cười, những nỗi lòng của các chị em giờ đã là người thiên cổ khiến tôi không thể cầm lòng”, bà Cam tâm sự.

 


Trở về quê hương năm 1971 do bị thương và đau ốm triền miên, bà Cam phải sống nương tựa vào các em. Không chồng, không con, chỉ có 1 sào ruộng khiến cuộc sống của của bà vô cùng cơ cực. Hơn nữa, căn bệnh tim nặng cùng với huyết áp cao ngày đêm hành hạ khiến cuộc sống của bà lay lắt như ngọn đèn trước gió. Chế độ khoảng 600 nghìn/tháng không đủ mua thuốc mỗi lần cơn đau tim hành hạ.


 


 



Những nữ thanh niên xung phong lay lắt giữa đời thường

Chị Hương (trái), con dâu bác Thảo tiếp tục thay cha giúp đỡ những nữ thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn.


 


Có nhiều khi cơn đau đến đột ngột khiến bà ngất lịm. Tỉnh dậy mới cố gắng lết được người ra ngoài ngõ nhờ người đưa đi viện. “Tôi còn may mắn là được nhiều những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ. Ngày trước, lúc còn sống, bác Nguyễn Gia Thảo - Chủ một Công ty da giày Hải Phòng cứ hàng tháng, hàng năm lại chu cấp tiền giúp đỡ cho chị em thanh niên xung phong chúng tôi. Ai còn khỏe được bác cho bò, cho trâu để sản xuất. Tôi bệnh tật được bác cho tiền hàng tháng để chữa bệnh.


 


Bây giờ hàng tháng, tôi lại được chị Đặng Thị Mai Hương - con dâu bác Thảo, hỗ trợ cho tiền ăn, tiền thuốc thăm hỏi hàng tháng, cũng vì thế mà cuộc sống và việc chữa bệnh cũng đỡ khó khăn hơn nhiều. Chị em thanh niên xung phong chúng tôi vô cùng cảm kích những “tấm lòng vàng” ấy”, bà Cam xúc động

 


Cùng là nữ thanh niên xung phong trở về, cuộc sống của bà Nguyễn Thị Rụt (SN 1946) cùng thôn Hà Phương 4 cũng đang sống một cuộc sống nhiều khó khăn. Năm 1965, cô thiếu nữ Nguyễn Thị Rụt viết đơn tình nguyện được tham gia thanh niên xung phong. Sau một thời gian được điều động tại cảng Hải Phòng, bà trở về quê.


 


 



Những nữ thanh niên xung phong lay lắt giữa đời thường


Những nữ thanh niên xung phong lay lắt giữa đời thường

Bà Nguyễn Thị Rụt xúc động khi chia sẻ về những kỷ niệm năm xưa và cuộc sống khó khăn hiện tại.




Lấy chồng bị tật nguyền, bà sinh được 3 người con thì 2 người con trai bị thần kinh, chỉ có người con gái lành lặn đỡ đần mẹ. Rồi 2 con trai ngoài 20 tuổi có lớn mà không có khôn cũng lần lượt ra đi. Đau đớn hơn, đứa cháu ngoại duy nhất bị chết vì tai nạn giao thông, con gái bà quá đau đớn, phát bệnh tâm thần, bà phải đón về chăm sóc. Nhà chỉ có 2 sào ruộng, cùng với số tiền trợ cấp hộ nghèo, bà vẫn phải tần tảo nuôi con khi đã ngoài 60 tuổi. Nỗi đau, nỗi bất hạnh bà chỉ biết nuốt ngược vào trong. 

 


Nói về các hoàn cảnh lay lắt mà hiện các nguyên nữ thanh niên xung phong còn phải đối mặt trong cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Văn Các - Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Vĩnh Bảo cho biết: “Địa bàn huyện hiện có trên 2.000 thanh niên xung phong. Trong đó có trên 30 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như bà Cam , bà Rụt.


 


Từ nhiều năm trở lại đây, Hội chúng tôi luôn kết nối, qua lại với những tấm lòng hảo tâm như bác Thảo (đã quá cố) nay là chị Hương - con dâu bác Thảo - để tạo điều kiện trợ cấp, tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.


 


Họ - những nữ thanh niên xung phong anh dũng trong thời chiến, nay gặp phải khó khăn bôn bề trong cuộc sống đời thường. Chúng tôi mong muốn những cá nhân, tổ chức quan tâm, chia sẻ với cuộc sống khó khăn của những nữ thanh niên xung phong giúp họ bớt đi phần nào cơ cực trong cuộc sống”.




Anh Thế - Quốc Đô


 



Từ: PhuND
01/07/2012 12:03:25

Thật xúc động! Xin cảm ơn tác giả và chị Tuyết đã post chuyện này lên web của Hội KGU. Chuyện Chị Khanh có ở khắp mọi miền của Đất Việt. ACE có thể tìm hiểu về Làng Lòi ở Nghệ An, có hàng trăm Chị Khanh -không là CBCC mà chỉ là Nông dân, họ tự có con và tự lo cho cuộc sống sau những năm dài cống hiến cả tuổi thanh xuân nơi mặt trận đầy bom đạn và bệnh tật!


Câu chuyện có lời kết thật hay! Vâng Đất nước và cả chúng ta đã và đang đứng trên lưng của không chỉ một Chị Khanh mà trên lưng của hàng triệu người như thế để lo tranh giành quyền lợi Nhóm và quyền lợi cá nhân!


 



Từ: CucNT
30/06/2012 15:28:13

Tạo hóa sinh ra cho Phụ nữ bổn phận thiêng liêng nhất là làm mẹ. vậy mà bao nhiêu chị TNXP của chúng ta, sau chiến tranh đã " Quá lứa lỡ thì", đã phải mất đi cái quyền thiêng liêng đó...


Tác giả viết vô cùng xúc động. Sự đối lập được tạo ra " tôi là 1 chàng kỹ sư trẻ vừa du học ở Liên xô về"... Khi chị đi TNXP cùng cả nước chống mỹ thì anh được nhà nươc cử đi du học ở 1 đất nước bình yên. và khi ước muốn có con của chị là chính đàng thì  người hiểu biết như anh cũng " Lũ ngu chúng tôi củng coi đó là cái tội". chị đã hy sinh sinh mạng chính trị để có được đứa con. Nhưng rất nhiều nữ TNXP đã không có được sự dũng cảm của chị để rồi đến cuối đời họ vẫn đơn côi trong tuổi già quạnh hiu.


.


Nếu được học hành, được dẫn dắt, biết đâu chị đã là một nhà thơ?


Nếu chị được đi học, chị cũng thành đạt như bất cứ ai nhưng đất nước một thời là như thế, và đất nước đã đứng lên nhờ những người như chị.


Tiếc thay cho đến lúc chị mất, sự lãnh đạm vẫn còn trong xã hội.


cảm ơn tác giả và chị Tuyết HA.


 



Từ: MinhCK
30/06/2012 08:17:45


Đọc xong chuyện tôi có cảm giác như đã từng gặp chị Khanh đâu đó trong cuộc đời này. Chị là Ngô Thị Tuyển phải trình diễn lại việc bê hòm đạn nặng hơn 100 kg để rồi cho đến bây giờ chị cứ bị bệnh đau lưng hành hạ, chị là những cô gái thanh niên xung phong nông trường cam Sông Bôi, khi chiến tranh kết thúc họ về đó đã không còn ai để ý đến họ. Họ đã quá lứa, lỡ thì, ai mạnh dạn thì cố kiếm lấy một đứa con ai không dám thì sống một cuộc đời âm thầm như vậy cho tới cuối đời. Họ là những người chị như thế đó....Đến bây giờ có mấy ai nghĩ đến họ. Ôi thương quá là thương!!! Tôi đã đến nông trường cam Sông Bôi, tôi đã gặp những người nữ thanh niễn xung phong một thời đánh Mỹ đó. Hôm nay đọc chuyện của Chí Thắng lại đưa tôi về những kỷ niệm một thời đã qua. Ai đã nói về súng lục và đại bác, ai đã nói về quá khứ và tương lại, họ chỉ nói thế thôi đã có ai lo cụ thể cho những người như chị Khanh trong chuyện chưa. Chắc là chưa. Ôi buồn quá. Buốn làm sao khi mình giáo dục truyền thống còn kém quá. Tôi cảm động và kính trọng những câu kết của tác giả:"Đất nước chúng ta có bao nhiêu người đàn bà như chị?. Đất nước chúng ta tồn tại là đứng trên lưng những ngươi như chị! Những tấm lưng đầy bùn, mồ hôi và sự khinh mệt..." Cầu cho đất nước đừng quên những người như chị mà vẫn còn đang sống. Chúng tôi không bao giờ quên những người như chị.



Từ: ThanhLK
29/06/2012 21:14:24


 



Câu chuyện thật cảm động. Họ, những người nữ thanh niên xung phong, có được may mắn không bị hy sinh như những cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc, nhưng lại chịu thêm những mất mát trong cuộc sống đời thường, phải chịu lỡ duyên phận, phải đánh đổi cái gọi là “sinh mạng chính trị” để có được hạnh phúc bình di của người phụ nữ... và những thiệt thòi khác cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Càng ngẫm càng xót xa cho cái thời xa vắng ấy và cảm thấy mình còn “nợ” họ rất nhiều. Cám ơn Tuyết vì câu chuyện sưu tầm rất hay.



Từ: HanhLM
29/06/2012 18:26:54

Xúc động, thương xót và day dứt là cảm xúc của em khi đọc câu chuyện này.


Cám ơn anh Phan Chí Thắng và chị Ánh Tuyết đã chia sẻ câu chuyện cuộc đời của một người đàn bà bình dị, đáng trân trọng.




Từ: PhuNH
29/06/2012 18:15:52

Đọc xong chuyện Chị Khánh sao thấy buồn quá! Đâu đó thấy hình bóng chàng kỹ sư trẻ là mình trong  đó.Đã đồng cảm với chị Khanh nhưng  chưa vượt lên rào cản xã hội thời xa vắng. Càng thấy có lỗi hơn khi 20 năm sau  ở cương vị mới mà cũng không giúp đỡ  gì cho chị. Và buồn hơn cả là khi chị ra đi mà không hề biết! Câu chuyện xót xa  cho một thời đã qua.



Từ: NghiPH
29/06/2012 15:51:33

Đất nước chúng ta tồn tại là nhờ đứng trên lưng những người như chị. Những tấm lưng đầy bùn, mồ hôi và sự khinh miệt- Phan Chí Thắng viết rất đúng, rất thấm thía. Chúng ta cảm ơn chị Khanh và thấy mình có lỗi với những người như chị Khanh.



Từ: HuongNT
29/06/2012 15:41:31

Câu chuyện chị Khanh thật cảm động, đọc xong mà thấy lòng nặng trĩu và nhạt nhòa nước mắt. Nhìn bức ảnh sao mà thấy hợp với nội dung câu chuyện đến thế!



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s