KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 11 Tháng bẩy. 2012

Má chồng tôi




Tác giả: ThanhLK

Trên mục Diễn đàn của chúng ta ACE đã có chủ đề “Tính chung thủy của người Việt Nam”, và điển hình là câu chuyện chị thanh niên xung phong gần 40 năm đi tìm mộ người yêu mà anh KhoaĐT đã giới thiệu đường link. Tôi nghĩ trong đời sống thường nhật cũng có nhiều tấm gương về tính chung thủy của các cụ sinh thành, đáng để cho các thế hệ chúng ta và thế hệ mai sau học tập.

            Nhà chồng tôi là một gia đình cán bộ tập kết. Hai cụ đi hai chuyến tập kết khác nhau và ra đến nơi thì cụ ông được phân công giảng dạy văn học phương tây ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội. Má chồng tôi được phân công làm y tá ở Hải Phòng. Sau đó, cụ bà được cử đi học Đại học Dược và chuyển về Hà Nội công tác. Hai cụ được cơ quan phân cho một phòng ở gác ba và một phòng xép ở khu tập thể 36 Hàng Gà, Hà Nội.

            Ba chồng tôi mất đột ngột khi má chồng tôi mới 31 tuổi. Một nách 3 con trai, mà đứa con lớn nhất mới 11 tuổi (chồng tôi lúc đó), còn đứa nhỏ nhất mới gần 2 tuổi. Má chồng tôi là một phụ nữ vừa đẹp người lại đẹp nết (cụ người gốc Huế) nên đã có không ít các bác trai “đặt vấn đề” để xây dựng gia đình với cụ lúc đó. Nhưng cụ đã từ chối và tần tảo vượt qua những ngày tháng của những năm khó khăn, thiếu thốn và ác liệt của chiến tranh giặc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, để vừa công tác vừa một mình nuôi 3 con ăn học. Cụ kể có những lần đi thăm các con ở nơi sơ tán, mấy má con vừa rời chỗ lán ở thì một quả bom rơi trúng đó.

          Để quên đi nỗi cô đơn góa bụa và đáp ứng nhu cầu công việc, cụ đã vừa học thêm một bằng đại học nữa (ngành Kinh tế) vừa nuôi 3 con trai tốt nghiệp đại học và trưởng thành. Cụ đã thay chồng hướng nghiệp cho các con, là chỗ dựa cho các con những lúc khó khăn. Các con trai của cụ hiện nay đều trưởng thành, có điều kiện sống và làm việc ổn đinh. Trong 6 cháu trai của cụ thì 3 cháu đã tốt nghiệp đại học ra đi làm.

          Có lần hai má con ngồi tỉ tê, tôi hỏi cụ: “Sao hồi đó má không đi bước nữa ?”. Cụ nói: “Đơn giản là má không thích lộn xộn trong dòng máu”. Nói vậy thôi chứ tôi hiểu cụ rất yêu và chung thủy với cụ ông. Cụ nói rằng luôn có cảm giác cụ ông luôn theo sát và nâng đỡ cụ.

          Những kỷ niệm về cụ ông sau gần 50 năm vẫn còn đầy ắp trong trí nhớ của cụ bà. Có lần cụ kể cho tôi nghe (chưa chắc chồng tôi đã được nghe chuyện này ?) một trong các kỷ niệm đó: đúng cái đêm cụ ông mất thì buổi tối cụ ông còn đánh bóng bàn với chú hàng xóm và hai cụ đã tranh luận, không nhất trí với nhau về nhân vật nữ chính trong cuốn tiểu thuyết Anna Karenina của nhà văn Lev Tolstoy. Cụ ông thì ca ngợi cái chết của Anna, cho rằng Anna đã dám chết cho tình yêu. Còn cụ bà thì cho rằng Anna là người đàn bà ích kỷ, tự tử để người tình của mình phải ân hận và sống áy náy suốt đời.

            Tôi cũng đồng quan điểm với má chồng tôi và thấy ở cụ thêm một nét đặc trưng của phụ nữ Việt Nam: sống và chết đều nghĩ cho người thân (đặc biệt là chồng con) của mình, sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho chồng con.

            Năm 1975, khi nước nhà thống nhất, chúng tôi vẫn chưa tốt nghiệp đại học. Trước khi nhận công tác ở TP Hồ Chí Minh, má chồng tôi về Qui Nhơn thăm ông bà nội của chồng tôi. Khi ông nội gặp má tôi, cụ đã khóc và nói với con dâu rằng: “Ba rất cám ơn con đã một mình nuôi nấng các cháu nên người”. Ông nội đã mất hai năm sau đó, khi chúng tôi đang trên tàu từ Liên về nước và chồng tôi đã không kịp gặp người ông mà khi xa mới gần một năm tuổi. Những năm sau đó, má chồng tôi dù sống và công tác ở TP Hồ Chí Minh nhưng cụ thường xuyên về Qui Nhơn thăm hỏi và gửi tiền nuôi dưỡng mẹ chồng cho đến khi bà nội chồng mất. Cụ luôn nói: "Ba con đã mất nên má càng phải có trách nhiệm hơn với bà, phải chăm bà thay cả phần của ba con nữa”.

            Má chồng tôi không hay giảng đạo lý chung chung cho con cháu. Nhưng tấm gương sống của cụ làm cho con cháu tự giác noi theo. Rất may là các con của chúng tôi cũng hiếu nghĩa với bà nội, ông bà ngoại và ba mẹ. Chúng yêu và quan tâm đến bà nội một cách thực tâm và đằm thắm.

            Hiện nay má chồng tôi đã 79 tuổi, đã có chắt nội, nhưng cụ vẫn đọc báo thường ngày và lúc nào đầu giường cụ cũng có một cuốn tiểu thuyết mới xuất bản. Chúng tôi phải “chạy dài” mới theo được cụ !.

                                                             Julich, tháng 7/2012


Người post: ThanhLK

Ngày đăng: 11-07-2012 03:03






Xem 1 - 10 của tổng số 17 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: ThanhLK
24/07/2012 00:08:01

@ LiênPT: Liên ơi, sao em biết má chồng chị? Cám ơn lời tâm sự chân tình của em.


@ 3chai: má chồng mình coi Thanh Lương như con trai của mình, Thanh Lương cũng mồ côi mẹ sớm mà


@ Hạnh + Nghị: mình mới viết về một khía cạnh nhỏ của cuộc đời cụ thôi. Cám ơn các bạn đã comment chia sẻ



Từ: NghiPH
18/07/2012 18:50:44

Một người con dâu, một người vợ, một người mẹ tuyệt vời!


Chỉ riêng cái khoản đã ngót 80 rồi mà cụ luôn tìm những cuốn tiểu thuyết mới để đọc thì thế hệ con cháu phải chạy dài dài!



Từ: HanhLM
15/07/2012 13:57:58

Em đã được nghe chị Thanh kể nhiều về mẹ chồng, nhưng đọc bài viết của chị mới càng biết nhiều hơn về bà và tình yêu của nàng dâu đối với mẹ chồng.


 Bà thật hạnh phúc khi có những người con trai giỏi giang và những người con dâu hiếu thuận.



Từ: LienTP
14/07/2012 22:02:50


Bài chị Thanh viết thật cảm động. Em được biết về mẹ chồng chị - mẹ anh Lương, mà không thể nghĩ được mọi người đã có những ngày tháng gian khổ như vậy từ khi còn bé. Chị thật là người hạnh phúc có được tình yêu mẹ chồng. Chị Thanh ơi, những gì là của mình, dành cho mình thì luôn giữ gìn nâng niu nhé. Chúc anh chị luôn hạnh phúc.




Từ: 3Chai
13/07/2012 06:49:55

Thanh Lương hưởng lợi một cách rất công bằng thôi!


 



Từ: ThanhLK
12/07/2012 21:00:21

@ LươngDT: Đúng là Thanh Lương luôn được hưởng lợi, vì hàng năm đến ngày sinh nhật má mình, vợ chồng mình gửi điện hoa chúc mừng toàn ký ngắn gọn:”Con Thanh + Lương”. Sau đó cụ goi điện cho mình: “Con nhớ chuyển lời cám ơn của má tới Thanh Lương nhé, tội quá, nó sống rất tình cảm !”.


@ CúcNT: Cám ơn Cúc về bài thơ Người đàn bà thứ hai. Trước đây chị đã từng đọc nhưng chưa lưu lại. Lần này chị phải chép vào sổ thơ của gia đình.


@ BìnhLT: nhà anh Lương đúng là “đa đinh” em a. Đời ba anh ấy có 3 anh em trai. Nhà anh ấy có 3 anh em trai, “sản xuất” ra cho bà nội 6 ông cháu “Nguyễn Hoàng”. Chắt nội gái đầu tiên (cháu nội chị) trông giống hết cố nội nó (tức má chồng chị). Thực ra anh Lương có một em gái bị mất ngay lúc sinh (thai to quá bị ngạt). Chị còn nhớ lớp chị đã vào thăm mẹ chồng em ở bệnh viện trước khi cụ mất, nhớ cụ là người của công việc và luôn lạc quan, vui tính. (?).


@ Chị Chi và bạn Giảng ơi, người KGU còn nhiều chuyện hay hơn, nhưng chưa được viết ra đấy thôi.



Từ: BinhLT78
12/07/2012 17:35:13

Hôm nay em mới được nghe kể nhiều hơn về mẹ anh Hoàng Lương. Trước kia em làm việc cùng chị Chi anh Hiệu (Viện KHCNVN- chị Thanh còn nhớ không?) quen thân với nhà mẹ chồng chị nên có lúc kể về bà là một người phụ nữ nghị lực và rất nghiêm khắc. Và trong đầu em luôn nghĩ như vậy. Nhưng bây giờ câu chuyện của má chồng chị thật giản dị nhưng vô cùng xúc động và đáng nể phục. Cứ tưởng tượng ở tuổi 31 còn quá trẻ mà bà đã sống và làm được như vậy, một mình nuôi dạy hẳn 3 người con trai, quả là kỳ tích...Câu chuyện của chị cũng làm cho em nhớ đến mẹ chồng em, bà đã khuất núi hơn 10 năm rồi. Nhưng cứ mỗi lần nghĩ về mẹ, em lại cảm thấy xót xa và ân hận vì chưa phụng dưỡng được bao nhiêu; Các chị may mắn đang còn mẹ, cả mẹ chồng và mẹ đẻ nên còn có thể kịp ít nhiều báo dưỡng....


Em không biết hết nhưng em thấy lớp hóa 77 , mấy chị đều có những bà mẹ chồng tuyệt vời như mẹ chồng chị Bình kều, chị Thu Lan.


À, qua câu chuyện của chị, mới thấy nhà chị "rất đa đinh" thì phải, vì bà có 3 con trai, và 6 cháu trai, có đúng không ạ? Thế thì cũng khá giống nhà chồng em: có 5 anh em trai , 1 chị gái , 6 cháu trai, 2 cháu gái, 6 chắt trai, 2 chắt gái.



Từ: LuongDT
12/07/2012 15:09:18


Tôi gọi mẹ chồng bạn là Má vì bà đã truyền cho tôi những tình cảm yêu thương của người mẹ ngay trong những lần đầu gặp gỡ và cả sau này nữa. Má quý tôi như những người con của Má. Sau này, khi bạn đã lấy chồng thì bà luôn gọi tên tôi, chỉ một điều đơn giản, tên của tôi bằng tên của hai bạn cộng lại. Tôi nhớ hồi đó là vào mùa hè năm 1974, khi tôi về phép sau 3 năm tu nghiệp ở Nga. Gặp Má trong căn gác xép tại phố hàng Gà. Tuy căn phòng hơi nhỏ, nhưng chan chứa tình thương, tình người. Bà là người má miền Nam đầu tiên tôi gặp. Dáng má thấp đậm, đôn hậu. Má nói chuyện cở mở. Bà hỏi chúng tôi rất nhiều chuyện và cả về cậu con trai của bà. Tuy rất vui, nhưng tôi vẫn cảm thấy có nét buồn nào đó. Có thể bà nhớ tới con và nghĩ vì sao nó không về với Má…Rồi kỳ nghỉ cũng kết thúc, tối hôm đó tôi phải ra tầu liên vận trở lại Nga. Buổi trưa Má tới thăm và hỏi xem tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi thế nào. Tôi nói: “cảm ơn Má, con chuẩn bị hết rồi”. Má nhìn tôi hồi lâu rồi hỏi: “con đã chuẩn bị đồ gì để ăn trên tầu ?”. Tôi ngập ngừng nói: “dạ chưa”. Lúc đó tôi nhớ lại trong chuyến đi cách đấy 3 năm khi lên tầu ra nước ngoài, tôi đã phải nhịn đói gần 12 tiếng đồng hồ khi phải chờ tầu đưa hơn 300 lưu học sang bên kia biên giới.


Buổi chiều muộn, khi tôi đang chuẩn bị ra ga Hàng Cỏ để lên tầu quay lại Nga, Má đến và đưa tôi một túi thức ăn và nói: “con cầm gói xôi này đi mà ăn trên tầu”. Tôi nhìn má, nước mắt như sắp trào ra. “Con cảm ơn Má”, dù lời cảm ơn này có muộn sau gần 40 năm.


Má hãy tha lỗi cho con những gì con chưa làm được. Má!



Từ: ChiNB
12/07/2012 09:20:00

Má chồng Thanh đã một mình nuôi 3 con trai trưởng thành và thành đạt, tấm gương của bà đã truyền lại cho các con: hai đứa con trai của Thanh-Lương cũng thật xứng đáng với bà nội và bố mẹ của chúng nó. Trong nhiều gia đình mà toàn con trai thì thật là vất vả để nuôi dạy chúng nhưng bà một mình đã làm được điều đó, thật khâm phục và kinh trọng bà, khâm phục hơn nữa là tình cảm giữa mẹ chồng và con dâu, thế hệ trẻ bây giờ khó có được tình cảm đấy.



Từ: GiangHV
12/07/2012 09:10:43

Xin chúc mừng những người KGU có được những bà mẹ/ông bố chồng (vợ) thật tuyệt vời. Các bạn thật hạnh phúc!




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s