KGU News >>Người KGU >>Thầy cô
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 04 Tháng chín. 2010

Thày Grigorcha




Tác giả: 3Chai

Thầy dậy bộ môn Sinh Hóa, chuyên về Hóa Protein, là giáo viên phụ trách đề tài của Nông Văn Hải, Trần Bắc Hải và nhiều người nữa.
Tôi vẫn nhớ bài thực tập đầu tiên, thầy giao cho mỗi đứa sâu bọ chúng tôi một đống chai lọ bảo đem rửa. Không như bây giờ, hồi ấy phải dùng dung dịch axit đậm đặc để tỷ mẩn cọ rửa từng món đồ nhỏ, vừa hại cho môi trường, vừa có thể nguy hiểm cho người làm việc. Hì hục một lúc mang lại trình, thày liếc qua phán rửa lại. Ừ thì làm lại, rồi lại trình thày. Thày hầu như chẳng thèm nhìn, lại phán rửa lại. Mình thấy lạ, đánh bạo hỏi thầy sao biết nó chưa sạch phải rửa lại. Thầy bảo: “Hãy nhìn các giọt nước bám trên thủy tinh, chúng loang lổ không đều là do bề mặt thủy tinh chưa sạch”. Hì hì, đó là bài học đầu tiên nhập môn phòng thí nghiệm. Sau này đi dạy học tôi không đem ra áp dụng cho sinh viên của tôi, nhưng thỉnh thoảng kể cho những đứa nào thân thiết nhất.
Nhưng trước đó nữa, hình như năm thứ nhất gì đó sâu bọ đi học Toán chung lớp với bạn Tây. Gì chứ Toán thỉ sâu bọ đầu đen chúng tôi dễ xơi hơn là các môn như “History of KPSS”, bạn tóc râu ngô cứ đến giờ Toán là liếc sang cầu cứu. Mình làm bài hộ chúng riết, được chúng khen rồi phổng mũi nói bậy: “Chắc dân đầu đen chúng tao có gene giỏi Toán”. Ngay hôm sau đã được thày Grigorcha, khi ấy hình như có nhiệm vụ giúp thầy Pushniak phụ trách lũ sâu bọ đầu đen, mời vô văn phòng hỏi: “Có phải mày nói vậy không?”. “Dạ thưa vâng”. “ Tao biết chúng mày toàn những đứa học giỏi mới được lựa chọn gửi sang đây học thay vì đi đánh trận, chúng mày có giỏi Toán hơi mấy thằng Nga và Môn cùng lớp thì đâu có gì là lạ. Đừng có đổ tại cái gene, vì như thế là phân biệt chủng tộc đấy”. 
Và tôi cũng nhớ mãi món quà thầy tặng khi chia tay về nước. Chỉ là một tập giấy trắng, nhưng trơn mịn hơn giấy thường. Thầy bảo: “Chắc Việt Nam sau chiến tranh còn khó khăn lắm, tao chỉ có tập giấy này, mày cứ cầm về đi, thế nào cũng có lúc dùng đến”. Tập giấy ấy tôi đã giữ mãi chẳng dùng, thậm chí mang theo cả khi chuyển cư từ Hà Nội vào Sài Gòn, cùng với mấy thứ đồ thủy tinh thí nghiệm lủng củng, quà của thầy Schwarts. Hơn 10 năm sau khi chia tay các thầy, tập giấy đã bắt đầu vàng ố, chai lọ thì bắt đầu có gián chui vào. Giấy thì phải bỏ đi, còn chai lọ thì mang vào lab. Vì lúc ấy mới có lab do chính mình lập ra.  
Những bài học của thầy, càng lớn tuổi tôi càng thấy nhớ.
Trần Bắc Hải, Adelaide 23/8/2010.


Người post: HaiTB

Ngày đăng: 04-09-2010 04:04






Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments

Từ: HaiNV
05/09/2010 15:26:23
Bình luận thêm:
3. Quà của Thầy: Tôi được Thầy tặng 1 cái cột sắc ký tự tạo bằng ống thủy tinh và một tập bìa, kiểu như bìa đục lỗ dùng cho máy tính (dạo ấy thường dùng để ghi chép thông tin với những dòng chữ nhỏ li ti, từ tài liệu thư viện). Sau này về nước, tôi đã dùng cả 2 thứ quà tặng của Thầy: tập bìa khi dùng hết thì tôi xin thêm tại Thư viện hoặc các anh, chị bên Viện Tính toán và diều khiển (tiền thân của Viện Công nghệ thông tin, Viện KH&CNVN ngày nay), còn cột sắc ký dùng lâu ngày không may bị vỡ nên tôi đã nhờ các anh thợ thủy tinh ở "Xưởng thiết bị khoa học" làm các cột khác. Tôi còn theo đuổi sự nghiệp khoa học trong suốt 34 năm qua cho mãi đến ngày hôm nay có lẽ điều quyết định là tôi đã chịu sự ảnh hưởng lớn của Thầy!
PS. Kính mời các anh chị và các bạn xem ảnh Thầy Grigorcha(do anh Lê Huy Hàm chụp và gửi năm 2008) trong "Góc ảnh" của tôi!


Từ: HaiNV
05/09/2010 14:49:36
Mình là một trong những "học trò cưng" của Thầy Grigorcha, đang định viết một bài về Thầy, thì "học trò cưng" khác viết trước rồi. Mình sẽ viết những kỷ niệm riêng về Thầy sau nhé. Còn bây giờ xin bình luận mấy câu về những gì Bắc Hải viết thôi:
1. Việc Thầy dạy cách rửa chai lọ: Mình và nhiều học trò khác cũng được Thầy dạy như vậy. Nói thêm là Thầy còn dạy cả cách pha chế "dung dịch rửa" ("Khromka") gồm H2SO4 và K2CrO7 như thế nào nữa. Mình về Viện Khoa học Việt Nam ngay từ sau khi tốt nghiệp (20.9.1976) nên được ứng dụng luôn những điều Thầy dạy cho mãi đến nhiều năm sau này, khi bột giặt "Omo" và nhiều loại chất tẩy rửa khác ra đời,có thể "tẩy sạch mọi vết bẩn" thì mới thôi không tiếp tục dùng "Khromka"!
2. Người Việt Nam học giỏi Toán? Đúng ra,không có có vấn đề gì liên quan đến gen (gene) ở đây. Lớp sinh vật 70-76 của mình có 16 người thì ai cũng "giải toán vù vù", đều điểm 5 toán cả. Cội nguồn là bọn được đi nước ngoài được Hệ thống giáo dục từ phổ thông do Nhà Toán học và Nhà quản lý tài ba Tạ Quang Bửu lựa chọn quá kỹ rồi!(Chọn từ các kỳ thi học sinh giỏi huyện, tỉnh, miền Bắc, rồi thi đi học đại học ở nước ngoài..., toàn toán là toán! Lớp mình có 5 đứa Đức (chúng cũng được lựa chọn theo kiểu tương tự), nên cả 5 đứa cũng toàn 5 điểm Toán. Vậy, nếu suy luận là do gen thì gen thông minh (toán học)của người VN tương đương với người Đức?


Từ: 3Chai
04/09/2010 11:28:21
Nghị nhìn thấy tập giấy trắng, thật tinh đời lắm đó.
Hồi còn ở VN mình dạy ở trường Y. Tiếc rằng lại không phải là dạy môn Chai Lọ, nên không có điều kiện áp dụng bài học của thày. Nhưng cái tinh của bài học thì vẫn là vậy Nghị à.


Từ: NghiPH
04/09/2010 11:04:33
Các thầy rèn rũa chúng ta một cách rất "tự nhiên". Chi tiết thầy tặng anh Bắc Hải tập giấy trắng rất lý thú!

Thầy dậy chúng ta phải rất cẩn thận, chu đáo, nghiêm túc trong công việc.
Nhưng Nghị không hiểu ý anh: Sau này đi dạy học tôi không đem ra áp dụng cho sinh viên của tôi.

Nghị, Cãi cọ 81


Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s