KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 15 Tháng bẩy. 2012

Câu chuyện hạnh phúc




Tác giả: Khánh Hoàng (Cucnt Sưu tầm)
Trở lại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, tôi không sao quên được dấu tích máu lửa một thời của mảnh đất này.
Kỷ niệm thời máu lửa
 
Điện Ngọc ngày xưa toàn nhà mái tôn hoen rỉ và lỗ chỗ vết đạn. Trên mặt đất là những ngôi nhà che bằng ván ép. Không có mảnh ván nào không bị tưa tướp bởi những mảnh bom và nhăng nhít những lỗ đạn xuyên thủng. Đi trên đất điện Ngọc ngày đó, cứ vốc đất lên tay là thấy mảnh bom và đầu đạn. Có cô du kích Điện Ngọc ngày đó nói rằng: "Sau chiến tranh, cứ xúc đất Điện Ngọc cho vào lò nung là có sắt thép".
 
Còn Điện Ngọc bây giờ sáng bừng những căn nhà mới, những vườn cây, những cửa hàng luôn tấp nập người vào ra. Cái giếng cạn, nơi từng có 7 anh hùng Điện Ngọc hy sinh cùng giờ, cùng ngày hiện đã thành vườn cây. Tôi đứng rất lâu tại vườn cây này. Năm 1966, nơi đây đã diễn ra một trận càn khốc liệt của địch. 7 chiến sĩ của ta kìm chân giặc cho đồng đội rút lui đã cụm lại trong một chiếc giếng cạn. Họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh tập thể tại đây.
Cách giếng cạn gần 100m, có một chiến sĩ quân giải phóng, tên là Tấn rút lui sau cùng. Khi bị chặn hết đường ra, Tấn nhảy xuống một căn hầm bí mật. Khi anh nhảy xuống, trong hầm có một cô du kích đang ngồi. Cô du kích đặt một ngón tay lên môi cô ra hiệu phải im lặng. Tiếng súng đã ngưng hẳn nhưng địch chưa rút. Chúng vẫn sục sạo trên mảnh đất đầy máu và những thây người vừa ngã xuống. Trong hầm bí mật, không dễ nghe tiếng người nói từ trên mặt đất, nhưng có thể nghe rõ tiếng bước chân. Bọn giặc đang đi xăm hầm. Một cái mũi thuốn sắt từ từ cắm xuống nắp hầm bí mật mà Tấn và cô du kích đang ngồi.
Trong khi Tấn chưa biết phải làm như thế nào thì cô du kích đã đưa cả hai bàn tay đỡ lấy cái mũi thuốn sắc nhọn. Mũi thuốn xuyên qua hai bàn tay cô du kích. Cô cắn chặt răng, từ từ đưa bàn tay xuống theo độ ấn của thằng giặc đứng trên nắp hầm. Cô phải làm như thế để tên giặc không có cảm giác mũi thuốn của nó đang chọc vào một khoảng trống. Nếu thấy bị hẫng đầu mũi thuốn, tên giặc sẽ bật nắp hầm lên và thả lựu đạn xuống ngay.
 
Khi thằng giặc rút mũi thuốn lên, cô du kích cũng phải từ từ đưa tay mình lên để không tạo cảm giác trống hẫng đầu mũi thuốn. Nhưng đó là một thằng giặc ranh mãnh. Hắn vuốt đất đầu mũi thuốn, đưa lên mũi ngửi và phát hiện ra mùi tanh của máu người. Tên giặc cười sặc sụa. Biết đã bị lộ, cô du kích tung nắp hầm và ném một chùm lựu đạn vào toán giặc rồi tháo chạy, đánh lạc hướng địch để bảo vệ người chiến sĩ giải phóng đang ở trong hầm. Cô du kích đó tên là Thành.        
Trong khi bọn giặc đuổi theo vây bắt Thành thì Tấn bật nắp hầm chạy thoát. Chắc chắn Thành sẽ bị tra tấn dã man. Ý nghĩ đó làm bầm máu trong tim Tấn. Anh tổ chức một đơn vị bắn tỉa do chính anh phụ trách, bám theo đơn vị địch vừa càn vào Điện Ngọc để trả thù cho Thành. Bọn chúng đóng chốt ở đâu cũng bị uy hiếp. Hễ thằng giặc nào thò đầu ra khỏi công sự là bị ăn đạn ngay, khiến nhiều tên giặc khiếp hãi, không dám ra ngoài để đi tiểu tiện, đại tiện. Công sự của chúng sặc mùi hôi thối, một số tên phát điên, la hét và khóc như cha chết.
Thành bị khảo tra rất dã man nhưng chị không hé răng khai báo nửa lời. Một chiến sĩ gan góc như Thành không dễ bị quân thù khuất phục. Cuối cùng bọn địch đưa Thành ra Côn Đảo giam giữ.
Dù hy vọng được gặp lại Thành mong manh như tơ nhện nhưng niềm hy vọng đó không bao giờ tắt trong tim Tấn. Anh nhớ tới Thành từng giờ từng ngày. Và ngày được gặp Thành đã đến như trong mơ. Trong lần trao trả tù binh đợt 1, năm 1971 ở sân bay Ái Tử, trong danh sách tù binh quân Ngụy trao trả cho ta có Võ Thị Thành. Chị được khênh ra từ chiếc máy bay C130 bằng cáng, toàn thân quấn đầy băng trắng, chỉ hở hai con mắt lờ đờ, mệt mỏi. Tấn đã hôn như mưa như gió vào đôi mắt ấy và thì thầm không biết bao nhiêu lần 3 tiếng: "Anh yêu em".
Ra miền Bắc, Thành được điều trị khỏi vết thương và được Nhà nước cho sang CHDC Đức điều đưỡng và học tập. Sau ngày giải phóng miền Nam, Tấn nhận được một lá thư và một tấm ảnh của Thành từ CHDC Đức gửi về. Thành đã viết cho Tấn những lời tha thiết nhưng cô nói rằng không thể yêu anh được nữa. Vì những đòn tra tấn hiểm ác của quân thù đã hủy hoại mất khả năng làm mẹ của chị. Mẹ Tấn bắt anh phải cưới vợ ngay vì anh là con trai duy nhất và cũng đã gần 40 tuổi rồi. Nhưng Tấn đã kể hết với bố mẹ về trận đánh ở Điện Ngọc năm xưa, về tình yêu của anh đối với Thành và anh không thể yêu người con gái nào khác, mặc dù trên cơ thể Thành còn mang nhiều thương tích và rất ít khả năng có thể làm mẹ. Nghe Tấn nói như vậy, bà mẹ chỉ biết lặng lẽ khóc. Từ CHDC Đức, Thành được đưa sang Tiệp Khắc để chữa bệnh, nhằm phục hồi lại khả năng làm mẹ cho Thành. Các bác sĩ khi khám cho Thành, tận mắt nhìn thấy những vết thương trên thân thể chị đã khóc ròng vì khâm phục và xúc động trước một con người kiên trung và bất khuất. Họ đã cố gắng hết mình trong suốt 3 năm ròng nhưng cũng không thể nào khôi phục lại khả năng làm mẹ cho người chiến sĩ can trường và bất khuất này.  
 
Anh viết thư cho Thành mỗi tuần một lá. Đó là những lá thư chan chứa tình yêu và đầy niềm tin. Tấn tin rằng khoa học sẽ chiến thắng và Thành sẽ về nước, hoàn toàn khỏe mạnh, họ sẽ xây dựng một gia đình hạnh phúc.
 
Trong khi Tấn đầy niềm tin thì Thành lại đầy thất vọng. Việc các nền y học tiên tiến, các giáo sư đầy kinh nghiệm đã đành bó tay trước những thương tật của mình khiến chị không còn chút niềm tin nào nữa. Vì thế, lá thư nào viết cho Tấn, Thành cũng khuyên anh nên tìm người con gái khác để có hạnh phúc gia đình. Nhưng Tấn vẫn kiên quyết đợi chờ và không để mắt tới bất kỳ một người con gái nào.

Mẹ Tấn đã khóc hết nước mắt vì con trai không chịu lấy vợ mà vẫn khăng khăng chờ đợi một người con gái mình đầy thương tật ở nơi rất xa xăm. Cuộc đời chiến đấu và tình yêu của Tấn - Thành khiến nhiều người cảm động. Một đồng chí lãnh đạo ở Bộ Quốc phòng trong một lần sang thăm Trung Quốc đã kể với các giáo sư y học nước bạn về cuộc đời tình yêu của Tấn và Thành. Các giáo sư Trung Quốc đề nghị được chữa chạy cho Thành, song không ai dám hứa chắc chắn là có thể chữa được.

Từ Tiệp Khắc, Thành được đưa sang Trung Quốc để khắc phục các thương tổn mà ở Đức và Tiệp Khắc đã bó tay. Sau khi khám kỹ những tổn thương trên thân thể Thành, các giáo sư Trung Quốc khẳng định là có thể khôi phục hoàn toàn khả năng làm mẹ cho Thành, nhưng phải mất ít nhất 4 năm. Biết tin này, Tấn vui mừng như chính mình được sống lại. Anh xin cấp trên cho phép sang Trung Quốc thăm người yêu. Hơn 15 năm ôm ấp hình bóng người yêu trong tim, đây là lần đầu tiên Tấn được sống bên người yêu 1 tuần tại một bệnh viện lớn ở Bắc Kinh. Anh nói với Thành: "Em đã kiên cường chiến thắng kẻ thù. Giờ đây em phải kiên cường hơn nhiều lần để chiến thắng bệnh tật. Anh tin em sẽ chiến thắng. Dù 4 năm hay 40 năm nữa anh vẫn chờ em".
 
Về nước, Tấn liên tục viết thư động viên người yêu và thường xuyên gửi những món ăn đặc sản của quê hương Quảng Nam sang Bắc Kinh cho Thành. Nghe chuyện chiến đấu của Thành, các giáo sư Trung Quốc vô cùng khâm phục. Điều trị cho Thành họ càng khâm phục hơn vì sức mạnh nội tại và nghị lực của người con gái này đã khiến việc điều trị tiến triển rất nhanh chóng. Chỉ hơn 2 năm sau khi tới Bắc Kinh, Thành trở lại là một người phụ nữ bình thường, da thịt tươi mới hoàn toàn, sinh lý bình thường như mọi người phụ nữ khác, nghĩa là chị hoàn toàn có thể làm mẹ. 
Từ cái ngày không thể quên ở Điện Ngọc, khi Thành đưa 2 bàn tay con gái đỡ mũi thuốn sắt của bọn giặc đến nay đã 13 năm. Ngần ấy năm, Tấn ôm ấp hình ảnh của người yêu trong tim. Cũng ngần ấy năm Thành phải một mình chiến đấu với những trận đòn tra khảo hiểm ác của giặc và chiến đấu với chính mình để chiến thắng thương tật. Ngần ấy năm chưa bao giờ chị mất niềm tin. Cũng ngần ấy năm, Tấn luôn thắp sáng ngọn lửa tình yêu trong tim chị.
 
Khi người ta rời bỏ tình yêu thì cái chết sẽ ập tới tức khắc. Còn khi trong tim luôn ấm rực ngọn lửa tình yêu thì người ta có sức sống bất diệt. Tấn đã từng viết cho Thành: “Em là giọt rượu Hồng Đào xứ Quảng khiến anh say suốt một đời. Em là tiếng đàn bầu quê hương, đơn sơ giản dị mà ngân nga biết bao cung bậc khiến một đời anh nhớ mãi. Anh nhớ, anh thương, anh chờ đợi và giờ đây em đã trở về, như cô Tấm bước ra từ quả thị, thơm ngát hồn quê. Anh thấy mình hạnh phúc và chợt nhận ra rằng hạnh phúc không bao giờ đến muộn. Ngay trong những ngày tháng, chúng ta sống chết vì nhau, khóc suốt đêm vì thương nhớ nhau đã là một niềm hạnh phúc rồi”.

Và lập tức lễ thành hôn của họ đã được quyết định. Mấy người bạn của Tấn ở Tổng cục Hậu cần chở cát từ sông Hồng về trát lại căn phòng nhỏ của Tấn và quét một lớp ve màu hồng, đó là căn phòng hạnh phúc của đôi tân hôn. Tấm phản bộ đội mà Tấn thường nằm giờ được thay bằng một chiếc giường đôi thơm mùi gỗ mới, cũng do bạn bè của Tấn mua gỗ về kỳ cạch đóng lấy. Mấy chục sĩ quan cấp tá trong đơn vị góp tất cả bìa C lại để ra cửa hàng phân phối đặc biệt mua thuốc lá Tam Đảo và kẹo Hải Châu.
 
Ngày đó từ hạt gạo, đến mét vải, chai nước mắm đều phải mua bằng tem phiếu, phải là sĩ quan cấp tá mới có tiêu chuẩn mua kẹo Hải Châu và thuốc lá Tam Đảo. Đồng đội của Thành từ Quảng Nam mang ra một thùng rượu Hồng Đào và một bao lớn gỏi cá Nam Ô. Thế là đám cưới được tổ chức.
 
Hôn trường xanh một màu áo cỏ, ai cũng vui, ai cũng say, vì đây là đám cưới mà họ tưởng như không bao giờ có – một đám cưới mà cả cô dâu và chàng rể đã phải chiến đấu với chính mình rất nhiều mới có được.
 
Đó là ngọn lửa có sức tỏa sáng, có sức lay động, thúc giục họ ngẩng cao đầu làm người và làm nên những chiến công. Chị Thành và anh Tấn là những con người như vậy. Họ đã sống và chiến đấu trong những năm tháng gian khổ nhất. Thử thách cao nhất đối với con người là cái chết. Nhưng ngay cả khi đối mặt với cái chết họ vẫn sống cao đẹp.

Ngọn lửa trong trái tim chị Thành và anh Tấn đã thắp nên một ngọn lửa khác, đó là đứa con gái đầu lòng của anh chị. Cháu có cái tên rất đúng với hoàn cảnh ra đời của cháu - Nguyên Thương. Đây là một tình thương qua bao thử thách, qua bao thời gian vẫn còn nguyên vẹn. Tình thương của cộng đồng, của đồng đội dành cho bố mẹ cháu là rất lớn và dành cho cháu càng lớn hơn.
 
Đồng đội của chị Thành và anh Tấn hễ có chút thời gian là ghé thăm cháu, góp một chút gì đó để nuôi cháu và chăm sóc đến việc học hành của cháu. Nguyên Thương rất xứng đáng với tình thương của mọi người. Ba tuổi cháu đã biết đếm từ 1 đếm 100. Bốn tuổi đã thuộc lòng bảng cửu chương và làm được tất cả các bài toán trong sách giáo khoa lớp 1, lớp 2. Bố mẹ không có điều kiện để dạy cháu về môn toán mà cháu tự học lỏm qua các anh chị học tiểu học ở nhà kế cạnh.

Vào lớp 1, mẹ cháu rất phiền lòng vì ngày nào cô giáo cũng gọi điện thoại về nói rằng trong lớp cháu không nghe giảng và chỉ vẽ linh tinh. Khi chị Thành hỏi cháu thì Nguyên Thương nói rằng những điều cô giáo dạy con đã biết hết cả rồi nên không cần phải học nữa. Minh chứng cho điều này là kết quả bài làm của cháu. Không một bài kiểm tra nào mà Nguyên Thương không đạt điểm 10. Cháu tốt nghiệp phổ thông vào loại xuất sắc và thi đỗ đại học với điểm thủ khoa. Ngày đó, nếu thi đại học đỗ điểm cao thì thí sinh ngay lập tức được gửi ra nước ngoài đào tạo. Nguyên Thương được gửi sang Trường Đại học Lômônôxốp (Liên Xô cũ) để học toán.


Sau 8 năm Nguyên Thương về nước với tấm bằng tiến sĩ toán học của một trường đại học danh giá nhất hành tinh. Nếu bố mẹ cháu khiến đồng đội phải khâm phục thì Nguyên Thương khiến bố mẹ được tự hào. Các bác lãnh đạo, những đồng đội của chị Thành và anh Tấn đều rất mừng về thành tích học tập của Nguyên Thương. Cháu là bông hoa nở muộn nhưng là bông hoa cực quý. Bố mẹ cháu chờ đợi nhau suốt 13 năm trời mới gặp nhau và mới thành hôn. Khi cháu ra đời cả bố và mẹ cháu đều đã gần 50 tuổi. Không ai tin chị Thành sinh con muộn thế mà lại có một đứa con tuyệt vời đến thế, rất thông minh, rất hiếu thảo.
Tuy chị đã cố kìm nén nhưng tiếng thở dài vẫn bật ra, nghe nặng như đá tảng. Người ta có thể giấu được niềm vui nhưng rất khó giấu nỗi buồn. Nỗi buồn trong lòng luôn hiện ra ở đôi mắt. Đôi mắt chị Thành giờ trống vắng và ngơ ngác.

 
Tôi nhìn chị tôi tự hỏi: "Hạnh phúc là gì? Nó là cái gì mà người ta tìm suốt đời không thấy? Nó là cái gì mà những người cực tốt và yêu nhau đến quên cả cái chết như chị Thành và anh Tấn vẫn không có?". Không phải là người tốt thì sẽ có hạnh phúc. Nhiều người rất tốt mà không có hạnh phúc.  Đó là sự bất công.

Anh Tấn là một người tốt đến kinh ngạc. Anh chiến đấu hết mình vì Tổ quốc. Chưa bao giờ anh tỏ ra hèn nhát và ích kỷ. Trong tình yêu cũng thế, anh không ích kỷ. Đàn ông vào tuổi 40, theo các nhà tâm lý học tổng kết thì họ hay ngoại tình. Nhưng anh Tấn không hề ngoại tình, kể cả trong ý nghĩ. Anh chỉ tôn thờ một người đàn bà thôi và người đó là chị Thành. Vậy mà chị Thành vẫn không có hạnh phúc.
 
Chị là người phụ nữ bất khuất, kiên cường và son sắt. Một nửa cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc cả xương máu của mình. Nửa cuộc đời còn lại dành cho chồng, cho con. Hai con người như vậy, một tình yêu như vậy mà bây giờ chị Thành vẫn phải thở dài. Những điều chị Thành tôn thờ và đổ máu để bảo vệ trong tim chị đã được định hình như vàng đổ vào khuôn đúc, thời gian và những biến cố của cuộc đời không làm nó hoen rỉ. Vậy mà thường ngày, chị vẫn nghe anh Tấn nói những điều rất khác lạ với niềm tin và lý tưởng của chị. Chị không biết đâu là sự thật nhưng chị không giám tin những điều chồng nói. Chị ghét cay ghét đắng bọn quan chức tham nhũng nhưng chị không tin rằng đó là dấu hiệu sụp đổ của một thể chế.

Thật ra thì cả hai người đều yêu nước như nhau, chỉ khác ở cách hành động. Anh Tấn thì phản đối quyết liệt những điều anh cho là sai, còn chị Thành thì kiên nhẫn chờ đợi. Phụ nữ rất biết kiên nhẫn và biết chờ đợi. Nhưng cái tính bộc trực, cách chống cái xấu rất quyết liệt của chồng khiến chị thành bất an và đau khổ. Nhiều khi chị cảm thấy như chồng mình đang phản bội lại lý tưởng mà 2 người đã tôn thờ và bảo vệ bằng xương máu của họ. Với chị Thành, sự phản bội này là không thể nào tha thứ được. Những cặp vợ chồng khác thường xung đột vì cách ứng xử với nhau. Còn chị Thành và anh Tấn thì xung đột vì quan điểm sống. Và hình như họ đã đánh mất hạnh phúc thường ngày của mình. 
 
 Khánh Hoàng 

Người post: CucNT

Ngày đăng: 15-07-2012 16:04






Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments

Từ: KhanhT
25/07/2012 18:42:51

“Vậy mà thường ngày, chị vẫn nghe anh Tấn nói những điều rất khác lạ với niềm tin và lý tưởng của chị. Chị không biết đâu là sự thật nhưng chị không giám tin những điều chồng nói. Chị ghét cay ghét đắng bọn quan chức tham nhũng nhưng chị không tin rằng đó là dấu hiệu sụp đổ của một thể chế.” Câu chuyện có thực ở quê Chị Thành, Anh Tấn đó các bạn ạ:


4 cán bộ xã bị khởi tố, Theo www.laodong.com.vn - 4 năm trước


http://tintuc.xalo.vn/00-1135986242/4_can_bo_xa_bi_khoi_to.html


“(LĐ) - Ngày 6.12, Công an huyện Điện Bàn, Quảng Nam đã bắt tạm giam đối với Trưởng ban Địa chính xã Điện Ngọc là Trần Duy Thiệt (ảnh) và Lê Công Sơn - Trưởng thôn Giang Tắc về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hai cán bộ khác cũng bị khởi tố là Võ Lưỡng - Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban Đo đạc và Đặng Thâu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, kiêm Trưởng ban Thanh tra nhân dân. Biết trước quy hoạch về dự án xây dựng sân golf 18 lỗ tại địa phương, số cán bộ này móc ngoặc, xác nhận đất khống hàng chục ngàn mét vuông đất cho hơn 30 hộ dân và thân nhân của mình, để chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng tiền giải toả đền bù.Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt giao cho Cty TNHH Indochina Land Holdings 703.500m2 đất thuộc địa phận thôn Giang Tắc và Viêm Đông thuộc xã Điện Ngọc để triển khai dự án sân golf 18 lỗ cùng cụm biệt thự và cửa hàng dịch vụ từ đầu năm 2007.”


Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục, và hai tính cách của hai con người rất khác nhau nhưng đều rất tuyệt vời, đó là tính cách của một người đàn ông và một người đàn bà. Họ có “cái 'khuôn vàng' mà nếu không có nó, ta làm sao đánh thắng được Mỹ” như Nhuận nói, Cầu mong họ được hạnh phúc.



Từ: NghiPH
18/07/2012 18:46:17

Tôi vô cùng khâm phục nghị lực sống của chị Thành và tình yêu thủy chung son sắt của anh Tấn. Cầu chúc anh chị hạnh phúc!



Từ: NhuanNT
17/07/2012 13:37:40

Câu chuyện hay với nhân vật đển hình là chị Thành, chắc còn nhiều 'anh/chị' Thành trong cuỗc sống. Họ thật đáng trọng vì có được cái 'khuôn vàng' mà nếu không có nó, ta làm sao đánh thắng được Mỹ. Họ thật đáng thương vì dù là 'khuôn vàng' nó cũng chỉ là vô thường, là " giả dối ", theo cách nói của đạo Phật. Cầu mong cho họ nhận diện và chấp nhận thực tế để trở về với nhau và sống hạnh phúc với thực tại nhiệm màu...


 



Từ: CuongLV
15/07/2012 22:50:17

Một chuyện tình cảm động và kết thúc có hậu. Tôi tin chuyện tình của anh Tấn, chị Thanh sẽ có kết thúc tốt đẹp. Tôi nghĩ : nếu đôi vợ chồng nào giống nhau 100%, họ luôn là bản sao của nhau... sẽ không thể đi với nhau đến cuối cuộc đời được, đơ n giản, vì họ là 2 nửa không thể khép với nhau thành một thể thống nhất được, họ có những cái quá thừa và có những điều quá thiếu. Từ câu chuyện, tôi rút ra 1 ý có lẽ là đi hơi xa...ấy là sự vô cảm, tệ tham nhũng của những kẻ có chức, có quyền và các hiện tượng tiêu cực kèm theo đã làm suy giảm lòng tin của những con người chân chính vào chế độ...HY VỌNG CÔNG CUỘC CHỈNH ĐỐN ĐẢNG SẼ SỚM THÀNH CÔNG ĐỂ NHỮNG MỐI TÌNH, TÌNH CẢM ĐẸP ĐẼ SẼ LUÔN TƯƠI SÁNG, KHÔNG BỊ VẤY BẨN BỞI NHỮNG GÌ TA VẪN COI LÀ TRẦN TỤC, TẦM THƯỜNG.     



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s