CHỊ GÁI TÔI
Gia đình chị tập kết ra Bắc. Chị trở thành chị tôi, thành con của ba mẹ tôi, còn tôi thành con của ba má chị, thành anh trai những đứa em của chị.
Ngày đất nước thu về một mối, ba má tôi trở về quê Quảng Nam - Đà Nẵng, chị tôi cũng theo về từ đó.
Hàng năm, tôi đưa các con về Đà Nẵng thăm ông bà, thăm chị. Mỗi lần về, biết tính tôi má nói ngay khi chưa kịp cơm nước gì: "Tranh thủ ra thăm chị mầy rồi về ăn cơm, con!".
Năm nào cũng về thăm, vậy mà cứ mỗi lần gặp chị tôi không sao cầm được nước mắt. Bên chị, tôi bỗng trở về như đứa trẻ ngày nào. Lần nào cũng vậy, tôi làm nũng chị:
- Chị ơi, em nhớ chị quá chừng.Nhiều lúc quay quắt tưởng chừng như không sống nổi...
Chị nhẹ nhàng động viên an ủi tôi:
- Chị cũng nhớ em nhiều lắm, nhưng biết làm thế nào. Thôi đừng buồn, hãy cứng rắn lên em nhé! Chị nhớ hồi nhỏ em rắn rỏi lắm, có lần đi bộ cả đêm, không sợ bọn Mỹ thả bom bi để trốn về với Chị cơ mà. Em còn nhớ không?
"Tất nhiên là em còn nhớ" - tôi nghĩ thầm. Nhưng chị đâu biết rằng có lúc tôi cũng đã yếu đuối như môt đứa con gái. Đó là lúc biết Chị đi xa, đi xa mãi mãi, tôi đã bỏ cơm suốt cả tuần, và khóc sưng cả mắt, làm cho ai cũng ái ngại.
Thấy Chị nhắc lại chuyện cũ, tôi bỗng nhớ đến cái đêm sau khi Chị đưa tôi qua sông để về nhà, dọc đường bọn Mỹ ném bom napan cháy rực cả một góc trời. Mấy hôm sau trở lại, tôi đọc được trong vở tập toán của Chị dòng chữ run run:"Chúng lại ném bom phía ấy. Em mà có mệnh hệ nào thì chị sống sao nổi...".
Thấy tôi không được vui, Chị xoa xoa đầu tôi rồi thủ thỉ:
- Khi nào thấy nhớ mà chưa về được thì lấy ảnh chị ra mà xem, được không. Rồi thử đọc lại mấy dòng chị viết cho em ngày xưa, sau tấm hình của chị ấy, em nhớ không? Biết đâu em sẽ nguôi ngoai.
Đó là bức ảnh của Chị mà tôi thích nhất. Chị phóng to và cho vào phong bì dán kín, ở ngoài ghi: "Chỉ được mở khi nào em cảm thấy buồn nhất". Có ai ngờ rằng sau khi Chị lên thuyền đi tập trung vào đại học mới có một ngày, tôi đã phải tự tay mở chiếc phong bì mà Chị để lại. Lời căn dặn của Chị ghi sau bức ảnh đã dạy tôi khôn lớn trong suốt cả chặng đường gian khó còn lại. Nhiều lúc tôi ngồi thừ người hàng giờ, da diết nhớ Chị. Nhớ những chiều chị ngồi bổ mía, bóc cam bắt tôi ăn. Thấy tôi làm nũng, cứ nhất quyết đòi Chị phải công nhận là Chị thương tôi nhất nhà, Chị kéo tôi lại gần, xoa xoa lên đầu tôi, búng búng vào tai tôi, rồi bằng một cử chỉ thật âu yếm, Chị dùng tay áo lau sạch nước mía dính trên cằm tôi - Tôi tắm mình trong cảm xúc yêu thương, thân thuộc mùi mồ hôi quấn quít - Chị đã đi bộ hàng cây số trong nắng gắt để về với tôi, khi nghe tin tôi bị cảm..!
Giờ đây bên Chị, tôi cảm nhận được bàn tay Chị mơn man trên má tôi làm khô dần những giọt nước ầng ậng chỉ chực trào ra từ khoé mắt. Những ngón tay của Chị vuốt vuốt tóc tôi nhẹ như làn gió thơm hương biển Mỹ Khê thân thuộc, rồi mân mê hai tai tôi như hồi còn bé. Tôi để yên như vậy mà lòng vợi đi bao nỗi buồn trong ráng chiều đỏ ối..! Tự dưng không muốn về nhà nữa, cứ muốn ngồi lại tâm sự thêm với Chị đôi điều, tôi nói:
- Nhiều lúc em đã cố quên nhưng không sao quên được, chị ạ. Mỗi lần hễ nhớ đến buổi sáng oan nghiệt đó là tim em thắt lại, không sao chịu nổi...
- Chị cũng thế, chị vẫn còn nhớ như in buổi sáng hôm đó. Chị và chị Bàng ngồi tán chuyện trong khoang, anh Thế thì nằm hát nghêu ngao phía đuôi thuyền. Khi thuyền đi ra khỏi khúc sông có xóm nhà của Ngoại thì chị nghe anh Thế hét to "Có máy bay! Tên lửa!". Liền ngay đó anh nhảy ùm xuống sông. Có tiếng rít xé tai, có tiếng nổ, chị thấy ngạt thở, tỉnh dậy thì thấy đang nằm ở bến sông nhà Ngoại. Lúc ở bệnh viện huyện, chị nghe nói nhiều học sinh đến cho máu nhưng mỗi máu em là cùng nhóm. Đến đêm chị thấy khó thở, chị thiếp đi rồi thành ra như bây giờ...
Tôi lạnh người, ngồi im thin thít và chỉ chực khóc.
Đã đến lúc chia tay, không hiểu sao tôi chẳng thể nói thêm được với Chị lời nào. Có lẽ con tim tôi đã thổn thức:
-Chị!
-Ừa, chị đây. Chị vẫn luôn bên em mà, đừng buồn nghen. Buồn sẽ hại sức khỏe, lấy ai chăm má. Khi nào thấy buồn, hãy về đây với Chị, cưng nhá!
Tôi ngoan ngoãn gật đầu.
.
Về đến nhà, tôi đặt hộp bánh, mấy chiếc oản và lọ dầu gội đầu lên ban thờ coi như lộc của chị cho. Má đang dọn cơm, ngừng tay hỏi vọng vào: "Sao lâu thế con. Chị mầy có nhắn gì Má không?". Thấy tôi ngồi cúi đầu lặng phắc chẳng nói chẳng rằng, biết tính tôi má chỉ thở dài không hỏi thêm câu nào.
Má lặng lẽ ngồi vào bàn xới cơm cho tôi, gắp lên bát tôi món ăn mà tôi ưa thích từ bé, rồi lẳng lặng đi đến bên bàn thờ. Má đi như chiếc bóng. Tay Má run run cắm thêm một nén hương trầm. Tôi lặng người nhìn Má, mặc cho hai dòng nước mắt chảy tràn mằn mặn trên môi....
Viết cho tháng Bảy thiêng liêng.
Nhân ngày chị tôi bị giặc Mỹ sát hại (7-66)